Dịch giả: Phan Minh Hồng - Mai Thái Lộc
Chương VI

NESSIE, MARY!” – Bà Brodie kêu lớn với một vẻ hối hả cuồng nhiệt, vừa lăng xăng giúp chồng mặc đồ. “Các con hãy đến mang giệt vào cho cha”
Đó là buổi sáng thứ bảy 21 tháng tám, một trong những ngày được ghi bằng chữ đỏ trên tấm lịch của James Brodie. Mặc quần sọc carô lớn đen và trắng, ông ta ngồi, mặt đỏ gay, cố gắng xỏ chân vào đôi ghệt mà ông đã không mang từ đúng một năm nay. Ông ta càu nhàu:
- Thật là ngu xuẩn khi muốn siết chặt đôi ghệt ẩm ướt này. Bây giờ không thể nào làm cho chúng khô lại được nữa. Chúa ôi! Người ta không thể nào giữ được cái gì cho nguyên vẹn trong cái nhà này sao? Chúng đã teo lại rồi
Luôn luôn như thế, khi có một cái gì hư hỏng, mọi trách nhiệm đều được đổ lên đầu bà vợ ông.
- Tôi không thể giữ được cái gì mà không bị bà vợ ngu đần làm cho hư hỏng. Làm sao tôi có thể đi đến chợ phiên mà không có đôi ghệt? Chẳng bao lâu, bà sẽ bảo tôi đi ra ngoài mà không có áo cho mà xem.
- Nhưng. – Vợ ông trả lời một cách rụt rè, - tôi tưởng năm nay ông sẽ mang giày mới, lớn hơn một chút
-Thật là vô lý! Bà cho là bàn chân của tôi đã nở ra à?
Ngay lúc đó, Nessie chạy bổ vào phòng như một con ngựa non, theo sau là Mary, chậm chạp hơn.
-Nhanh lên, cài mau đi. Nhanh lên, đã trễ giờ!
Hai cô gái quỳ gối xuống, trổ tài khéo léo và sức mạnh của những ngón tay mảnh mai, trong khi Brodie ngã người ra phía sau, vừa ngân nga hát vừa giận dữ nhìn vợ. Đối với bà, tai hoạ này càng đáng buồn hơn vì ngày hôm đó đúng là ngày ông ta phải đặc biệt vui vẻ, và ý nghĩ bà đã làm hỏng một ngày rất hiếm hoi không có cơn giận dữ, còn nhục nhã hơn những lời mắng chửi của ông.
Đó là ngày chợ phiên gia súc ở Lenvenford, thu hút các tinh hoa về người cũng như về gia súc trong vùng. Brodie rất thích chợ phiên này và năm nào cũng đến dự, tự hào về khả năng đánh giá súc vật của ông
“ Tôi, một người bán nón”, ông có vẻ nói như thế, đứng bên cạnh giám khảo, một tay chống lên cây gậy đặc biệt của ông, tay kia thọc vào túi. “Tôi có thể đóng vai trò của họ còn hay hơn họ nữa”.
Ông ta nổi bật trong số những giám khảo giỏi nhất. Sau đó, ông đi từ cán lều này qua căn lều khác. Dùng dao cắt một miếng pho mát này, một miếng pho mát kia, nếm rồi đánh giá chúng; rồi các loại bơ,kem, đùa cợt táo bạo với các cô gái xinh đẹp đang giới thiệu các sản phẩm của họ. Nơi ông, lòng yêu thích đất đai được dịp biểu lộ trong các ngày chợ phiên này. Ông thừa hưởng của gia đình bên ngoại, gia đình Lumsden, một gia đình thích đất đai và gia xúc. Ông cũng ưa thích các công việc nặng nhọc của nông trại. Hồi còn trẻ, ôgn cũng từng dùng bò cày trên ruộng Winton và rùng mình khi chiếc bá súng săn chạm vào má ông. Ông thừa hưởng nơi cha ông – một con người chua cay, bẫn gắt và cứng rắn – một tính kêu ngạo được nuôi dưỡng bởi lòng tham muốn chiếm hữu đất đai. Sau khi cha ông bị khánh tận và bị ngã ngựa chết, ông mới chịu làm cái nghề buôn bán nón.
Ngoài ra, một lý do khác còn mạnh mẽ hơn đã đưa ông đến chợ phiên, đó là ước muốn được giao thiệp với giai cấp quý tộc trong vùng và trong thành phố. Không tỏ vẻ khúm núm xum xoe, trái lại còn có hơi ngạo nghễ một chút, ông thích thú được họ ban cho dấu hiệu thân mật, một câu nói lịch sự hoặc một vài giây trò chuyện, đem đến cho ông niềm thỏa mãn say sưa.
-Được rồi, ba ơi, con làm xong trước tiên – Nessie đắc thắng kêu lên, sau khi những ngón tay nhỏ bé của nó đã cài xong một chiếc ghệt ngoan cố.
-Nào, Mary. Con chậm lụt quá! Cha con không thể chờ đợi được. – Bà Brodie khẩn cầu.
-Nó hãy cứ thong thả. Tôi có thể ở nán lại lâu hơn nữa. Tóm lại, các người rất hoan hô được giữ tôi ở lại đây suốt ngày, - Brodie mỉa mai.
-Nó không lẹ bằng Nessie.
-Con cũng xong ồi. – Sau cùng Mary nói, vừa đứng lên, mấy ngón tay tê cóng.
-“ Mày có biết là mày càng ngày càng lười biếng không?” – Bordie nói, vừa nhìn nàng một cách nghiêm khắc. – “Chèn ơi, bây giờ mày, tao thấy mày trở nên bự như một cái tháp: mày nên ăn ít lại và làm việc nhiều hơn”.
Ông ta đứng dậy và ngắm nghía mình trong gương, trong khi mẹ dẫn các con gái của bà ra ngoài. Càng lúc càng cảm thấy bằng lòng với chính mình trong gương. Brodie mỉm cười vui vẻ. Cài quần ngắn làm nổi bật đôi chân vạm vỡ, đôi vớ dài bẳng len ôm sát bắp chân một cách thương tình. Ông có đôi vai rộng và thẳng của nhà đô vật, thân hình lực sĩ của ông không bị một chút mỡ nào làm mất vẻ đẹp, da ông mịn màng như da một đứa bé. Trông ông thật đúng là mẫu người quý phái ở thôn quê, và vì hình ảnh sáng chói của ông xác nhận những gì mà ông đã nghĩ về mình, ông vểnh hàm râu mép lên, vuốt vè cái cầm với một vẻ kiêu căng, thoả mãn.
Đúng lúc này, cửa phòng ông từ từ mở ra và bà nội Brodie ló đầu vào, cẩn thận dó chừng vẻ mặt của con trai mình trước khi nói.
-Mẹ có thể gặp con một chút trước khi con đi không, James?
Ngày hôm nay, những kỉ niệm của thuở thiếu thời đang hỗn độn trở về, kích thích quá độ khả năng nhận cảm suy yếu của bà. Bà nói với ông.
-Con thật đẹp, - đúng là mẫu người đàn ông lịch sự. Uớc gì mẹ được đi cùng với con.
-Mẹ quá già yếu, con không thể dẫn mẹ theo được, - tuy thế mẹ xứng đáng được một phần thưởng về sức khoẻ. – Brodie vội vàng thoái thác.
Đôi tai lãng khiến bà không nghe được rõ và tư tưởng bà không thể hiểu được ý nghĩa của câu trả lời này. Bà rên rỉ.
-“Ôi! Mẹ hơi quá già để cùng đi với con, nhưng mẹ đã từng trải qua cái thời mà mẹ tham dự tất cả những cuộc vui và khiêu vũ cho đến tối mịt mới về. Mẹ nhớ lại tất cả những điều đó…” – Đôi mắt tối tăm của bà sáng lên. “Mẹ đã ăn bánh scone thật ngon và bánh kẹp thật tuyệt. Thế mà vào thời đó, mẹ không chú ý đến nó lắm!”. Rồi bà buông ra một tiếng thở dài luyến tiếc khi nghĩ đến những gì đã mất.
-Coi nào, mẹ. Vậy mẹ chĩ nghĩ đến việc ăn uống thôi sao? Nghe mẹ nói, người ta có thể tưởng tượng con để cho mẹ chết đói.
-Không, không, mẹ rất biết ơn con về những gì con cho mẹ và mẹ được ăn uống no đủ. Nhưng hôm nay, nếu con thấy một miếng pho mát nhỏ nhỏ, khá ngon, không quá mắc – vào cuối ngày, người ta thường hay bán rẻ -có lẽ con nên mua nó cho mẹ.
Bà liếc nhìn ông, van xin. Ông ta cười ngất.
-Chao ôi, mẹ sẽ làm con chết mất. Mẹ xem cái bao tử của mẹ như một vị thần. Hôm nay con định gặp Sir John Latta. Mẹ muốn con đến gặp ông ấy với hai tay ôm đầy hàng hoá hay sao? – Brodie la lên và ầm ầm bỏ đi.
Mẹ ông vội vã quay trở lại cửa phòng mình, đưa mắt nhìn theo ông ta. Gần như suốt ngày bà ở đấy, ngắm khách đi đường qua lại thích thú tìm kiếm trong đám đông, một gương mặt già quen thuộc nào đó. Nhưng luôn luôn vô ích. Bà cũng luôn luôn mang trong đầu ý nghĩ rằng con trai bà có thể mang về cho bà một món quà nhỏ mọn nào đó. Dẫu sao, bà cũng đã hỏi xin ông ta, đó là tất cả những gì bà có thể làm được, bà vừa suy nghĩ như vậy vừa buông mình vào chiếc ghế để thích thú tiếp tục trông chừng ngoài đường.
Ở dưới nhà, Brodie dặn dò May trước lúc ông đi:
- “Mày đến chỗ công việc trước. Nhắc cho cái thằng ngu đần Perry biết là hôm nay tao không đến đó”. Trong gia đình Brodie, người ta gọi cửa tiệm là “chỗ công việc”. Đối với Brodie, hai chữ cửa tiệm có vẻ như làm mất danh giá của ông. “Nó có thể quên là nó không được quyền nghỉ, và dám cuống cuồng lên lắm, cái thằng ngu đó. Mày hãy chạy cho nhanh: điều này sẽ làm mày mất bớt đi một ít mỡ”.
Quay sang vợ, ông ta nói:
-Tôi sẽ trở về… Khi nào bà trông thấy tôi.
Đó là câu thông dùng của Brodie khi ông chịu hạ mình từ giã vợ trước khi ra đi, nhưng thật sự đó là một dấu hiệu ưu ái rất hiếm nơi ông, và bà nhận nó với lòng biết ơn.
Tôi hy vọng ông sẽ được vui vẻ, James. – Bà rụt rè nói một câu phù hợp với tính khí của chồng và tính chất đặc biệt của ngày hôm nay.
Đấy không phải là một trong những trường hợp đặc biệt mà bà dám gọi ông bằng tên, nhưng lúc đó bà đánh liều, nghĩ rằng như thế bà sẽ củng cố địa vị mong manh của mình trong lòng ông.
Bà không  dám nghĩ đến việc đi dự chợ phiên. Bà không bao giờ dám mơ ước được đi chung với ông.
Bà không có trang phục để đi chơi, luôn luôn có công việc phải làm ở nhà, bà không đủ sức khoẻ. Bất cứ lý do nào trong số các lý do này, hay trong số hàng chục các lý do khác, cũng đủ để cấm không cho bà đi.
-Hy vọng trời sẽ đẹp. – Bà nói nho nhỏ và đi rửc chén trong khi Nessie, ở cửa sổ phòng khách, vẫy tay từ giã cha.
Khi cánh cửa đã đóng lại sau lưng ông chủ nhà, Mary chầm chậm đi lên phòng mình, ngồi xuống mép giường nhìn ra ngoài. Nàng không trông thấy – trong ánh sáng rực rỡ của ban mai – ba cây phong lớn, thân mình sáng lấp lành như những cột buồm bằng bạc vươn thẳng lên trời. Nàng không nghe thấy tiếng xì xào của những chiếc lá màu sắc lúc tươi lúc sậm tuỳ theo hướng quay của chúng trong cơn gió nhẹ. Chìm đắm trong suy tư, nàng nhớ đến câu nhận xét của cha lúc nãy và trí óc nàng suy nghĩ mãi về điều đó. “Tao thấy mày trở nên bự như một cái tháp”, ông đã cười nhạo như thế, dĩ nhiên ông muốn nói rằng thân thể nàng đang phát triển theo tuổi tác. Tuy nhiên, câu nói giản dị đó – như một tia sáng bỗng rọi vào bức màn đen tối, không hiểu biết của Mary – đã bất thình lình khơi dậy nơi nàng một nỗi lo âu sâu xa.
Mẹ nàng, như một con đà điểu giấu đầu trước mọi vấn đề tình dục, đã không giải nghĩa cho nàng hiểu, dẫu chỉ một điểm sơ đẳng của vấn đề ; mỗi lần con gái bà đặt một câu hỏi ngây thơ về vấn đề này, bà vội vàng trả lời một cách ghê sợ:
-Im ngay, Mary, không được nói đến những chuyện đó, một thiếu nữ đứng đắn không bao giờ nghĩ đến điều đó. Câu hỏi của con thật đáng xấu hổ!
Mary rất ít giao thiệp với các thiếu nữ đồng trang lứa, nên những câu chuyện phóng đãng, những tiếng cười ngặt nghẽo của các cô gái ngây thơ nhất trong thành phố không đem đến cho nàng hiểu biết  nào đáng kể về vấn đền này. Vài mẫu chuyện mà nàng tình cờ nghe được cũng không đem đến một ánh sáng nào. Tính tế nhị của nàng đã gạt bỏ chúng ra ngoài tai mà nàng đã sống trong một tình trạng ngây thơ vô ý thức, có lẽ nàng không tin các huyền thoại về những em bé sơ sinh được các cô mang đến, nhưng mặt khác, nàng mù tịt về những sự thật sơ đẳng nhất của vấn đề sinh đẻ.
Ngay bây giờ, tâm trí thanh khiết của nàng như mặt hồ phẳng lặng, vẫn không bị khuấy đục bởi sự kiện từ ba tháng nay, những chưc năng của cơ thể nàng không còn bình thường nữa – Nhưng, buổi sáng hôm đó, câu nói thô bạo và đột ngột của cha nàng, được trí óc nàng hiểu theo một nghĩa khác, đã làm nàng choáng váng như bị một cú đánh thật dữ dội và bất ngờ.
-“Phải chăng con người mình đã thay đổi?”. Nàng bồn chồn đưa hai bàn tay xoa khắp cơ thể: “Làm thế nào nó có thể biến đổi được?”. Kinh hoàng, nàng phóng người lên, khoá trái cửa phòng, cởi váy, áo chẽn, váy trong và quần đùi ra, và sau cùng nàng đứng thẳng người, kinh ngạc trước cái trần truồng trong trắng của mình, sờ nắn khắp cơ thể mình bằng một bàn tay ngập ngừng e ngại. Chưa bao giờ nàng xem sét thên thể mình lâu và kĩ đến như thế. Nàng ngắm nghía một cách ngớ ngẩn làn da màu trắng kem, đưa hai cánh tay lên khỏi đầu, vươn dài tấm thân mềm mại đáng yêu, đẹp một vẻ đẹp toàn hảo. Chiếc gương soi đặt trên bàn không cho thấy một tì vết nào, một khuyết điển nào có thể xác nhận hay xoa dịu nỗi kinh hoảng mơ hồ của nàng, và mặc cho nàng quay đầu qua bên này hay qua bên kia, đôi mắt sợ hãi của nàng không tìm ra một nét méo mó nào có thể biểu lộ một chứng bệnh ở bên trong. Nàng không thể nói rằng thân thể nàng có gì đổi khác, rằng bụng nàng to hơn, đầu núm vú màu hồng kém xinh xắn hơn, hay đường cong của hông kém thanh lịch hơn…
Mary đang bị giày vò bởi một nỗi hoang mang khủng khiếp. Ba tháng trước đây, khi say sưa ngã người trong vòng tay của Denis, bản năng của nàng đã điều khiển nàng, và đôi mắt nhắm nghiền, nàng đã hoàn toàn buông mình theo những rung động mãnh liệt xâm chiếm người nàng. Lý trí cũng như sự hiểu biết của nàng – nếu nàng có sự hiểu biết ấy, đều không can thiệp vào: tóm lại nàng có những cảm giác đau xé pha lẫn một sự êm dịu không thể tả, rồi một cơn khoái cảm say sưa làm nàng không biết đến những gì đang xảy ra trong thực tại nữa. Niềm xúc động đã cướp mất mọi khả năng suy luận của nàng, nhưng giờ đây nàng lờ mờ tự hỏi phải chăng sự đam mê mãnh liệt của hai người đã gây ra một tác dụng bí mật nào, đã vĩnh viễn biến đổi nàng một cách sâu sa và khó hiểu.
Nàng cảm thấy mình bất lực, bối rối cùng cực, hiểu rằng mình phải hành động để đánh tan ngay lập tức ý nghĩ này, nhưng không biết phải hành động như thế nào. Trong khi mặc lại vào ngươi những quần áo bị ném rải rác dưới chân, quyết định đầu tiên của nàng là tự bỏ ý định thổ lộ với mẹ, biết rõ là bà mẹ nhút nhát này sẽ kinh hãi khi nghe câu nói đầu tiên của nàng. Rồi nàng nghĩ đến Denis, niềm an ủi bền vững của nàng, nhưng liền ngay đó – và điều này càng làm tăng thêm nỗi tuyệt vọng của nàng – nàng nghĩ mình sẽ gặp lại chàng sớm nhất là trong tám ngày nữa và có lẽ chỉ được gặp một lúc thôi. Kể từ sau cuộc nói chuyện thú vị ở quán Bertorelli, những cuộc gặp gỡ của họ rất ngắn ngủi – nhưng lại rất tuyệt vời – và cả hai thoả thuận với nhau phải cẩn thận đề phòng.
Mary thấy nếu những cuộc gặp gỡ chớp nhoáng với Denis là tất cả niềm vui của đời nàng, thì trong những giây phút ngắn ngủi đầy âu yếm đó, nàng không bao giờ đủ can đảm để hỏi chàng một ý kiến, chỉ nghĩ đến điều này thôi, nàng đã đỏ cả mặt.
Mặc đồ xong, nàng xuống dưới nhà tìm mẹ, bà đang ngồi đọc sách một cách thoải mái sau khi đã dọn dẹp cho ngôi nhà một vẻ mà bà gọi là “một vẻ tươm tất nho nhỏ”
“ Trong các quyển sách này không có vấn đề nào giống như vấn đề mình đâu”. Mary buồn bã suy nghĩ. “Mình không thể tìm thấy trong đó những lời nói êm dịu có thể giúp giải toả nỗi khó khăn bối rối của mình”
-Con đi đến “chỗ công việc” theo lời dặn của ba – Mary nói với mẹ.
Bà Brodie, lúc đó đang ngồi trong phòng khách của một lâu đài nhỏ vùng Susses, nói chuyện quan trọng với vị phó linh mục của giáo khu, nên không trả lời, không nghe cả tiếng nói của con gái bà. Một khi đã đắm chìm trong một quyển sách, bà trở thành “nô lệ” của nó, theo cách nói của chồng bà:
-“Bà thật sự làm nô lệ cho các câu chuyện dơ bẩn rẻ tiền này”. Một hôn, Brodie đã nói với bà như vậy bằng một giọng nhạo báng, vì bà mải đọc không trả lời một câu hỏi củia ông. “Nhìn bà người ta tưởng trong thấy một tên nghiện đang ôm chai rượu của mình. Bà sẽ vẫn thản nhiên ngồi đọc giữa lúc căn nhà đang phát hoả!”
Vì thế, bằng một cái liếc mắt kín đáo, Mary nhận thấy khó nói chuyện với mẹ trong lúc này. Nàng lặng thinh ra đi.
Trên đường ra thành phố, nàng vẫn còn chìm đắm trong những ý tưởng u buồn, bước từng bước yếu đuối và chậm chạp, đầu cúi gầm, nhưng dẫu đã cố đi thật lâu, nàng vẫn đến nơi trước khi thoáng thấy được lời giải đáp của điều bí mật.
Peter Perry ở một mình trong căn tiệm, trông anh ta đầy vẻ hăng say, cởi mở, quan trọng, hãnh diện về trách nhiệm của mình và tiu tít chào đón nàng, gương mặt rạng rỡ.
-Quả là một niềm vui bất ngờ, cô Mary. Chúng tôi ít khi được may mắn trông thấy cô ở đây. Một niềm vui, phải. Chúa ôi, một niềm vui thật sự! – Anh lặp lại tron sự xúc động của mình, vừa xoa những ngón tay thon, nhọn và trắng trẻo vào nhau.
Rồi anh nín bặt, không còn biết nói gì nữa.
Tóm lại, anh cảm thấy hoang mang trước việc Mary đến cửa tiệm đúng vào ngày cha nàng vắng mặt khiến anh được tự do nói chuyện với nàng. Và trong lúc tâm trí dao động, các câu nói ý nhị đẹp đẽ mà anh thường trao đổi trong trí tưởng tượng với những thiếu nữ duyên dáng và thường lặp đi lặp lại để chờ một dịp may như ngày hôm nay, đã bay theo gió.
Anh giữ im lặng. Anh, kẻ đã từng ao ước giờ phút thuận lợi này, tự bảo: “Với một chút may mắn, mình có thể gây ảnh hưởng tốt với cô Mary”. Thế mà anh vẫn câm như hến, trong khi trước đó, anh đã thao thao bất tuyệt.
Perry đứng yên, người toát mồ hôi, và trong một lúc cuống cuồng mất hết tỉnh táo, anh bỗng thốt lên bằng một giọng chuyên nghiệp:
-Mời bà vui lòng ngồi. Bà cần dùng chi?
Nói xong, anh cảm thấy kinh hãi và tất cả máu trong người dồn lên đầu một cách đau đớn, khiến mắt anh hoa lên, và hình ảnh người thiếu nữa như chập chờn trước mặt anh trong một đám sương mù. Anh không đỏ mặt nhưng đầu choáng váng, quay cuồng. Tuy nhiên, trước nỗi kinh ngạc tột độ của anh, Mary không biểu lộ một sự bất bình hay ngạc nhiên nào. Nói đúng ra, tư tưởng buồn rầu của nàng như hãy còn ở tận đâu đâu, nàng chưa thoát khỏi cơn mê ghê sợ của mình, không nghe cả anh ta nói. Và thay vì tỏ ra ngạc nhiên, nàng thở dài, buông mình xuống cái ghế mà Perry đã đẩy tới trước mặt nàng một cách máy móc.
Một lúc sau, Mary ngước mắt lên như thế đây là lần đầu tiên nàng thấy anh:
-Ồ! Ông Perry, tôi… tôi đang suy nghĩ và không để ý rằng ông đang có ở đây.
Perry hơi bàng hoàng. Vì bề ngoài không mấy đẹp trai của anh, người ta không ai không nghĩ anh có thể thầm yêu con gái của ơng chủ mình. Nhưng đó chính là sự thực. Trong những lúc thả hồn theo các ước mơ thầm lén và táo bạo nhất, anh ta tưởng tượng thấy mình là một chàng tuổi trẻ sang trọng, trở thành một kẻ hùn vốn, nhờ sự kết thân với gia đình Brodie, tạo ra một sợi dây liên hệ rất mạnh mẽ.
Mary không một chút nghi ngờ. Nàng cảm thấy thương hại chàng thanh niên nhút nhát, bèn nhìn anh ta đầy thiện cảm:
-Ông Perry, ông Brodie yêu cầu ông thay thế ông ấy trông nom cửa tiệm.
-Ồ! Được lắm, thưa cô. Tôi biết ông chủ đi dự chợ phiên suốt ngày. Vì thế tôi đã sắp xếp để không rời khỏi nơi đây: tôi sẽ ăn trưa ngay tại đây. Ngay cả trong lúc ông chủ vắng mặt, công việc cũng vẫn tiếp tục, và tôi hy vọng mọi chuyện sẽ tốt đẹp, không vướng một trở ngại nhỏ nào.
Perry có một vẻ đứng đắn thành thật, và đôi khi mắt ươn ướt của anh ta sáng lên một cách hùng hồn, khiến cho Mary, mặc dầu đang ở trong tình trạng thẫn thờ hoang mang, cũng phải ngạc nhiên.
Đúng lúc này, một khách hàng bước vào, muốn mua một cái nón kết, và đang lẽ Mary phải ra về lúc ông ta vào, nhưng tâm trí nàng đang đờ đẫn và sự mệt mỏi thể xác đã giữ nàng lại. Perry nhận thấy đây là một dịp hiếm hoi để chứng tỏ tài năng, và phục vụ khách hàng với một tàng hùng biện, thực hiện những động tác lấy hàng, gói hàng, cột hàng một cách khéo léo như một nhà ảo thuật. Người khách đi rồi, anh trở lại quầy hàng, vẻ tự mãn. Nghiêng người trên quầy, anh tâm sự:
-Cha cô rất tuyệt vời, cô Brodie, một cửa hàng độc quyền bán nón!
Anh ta cũng hãnh diện không kém về cái từ “độc quyền” này, và mặc dầu đã đọc được nó trong một quyển sách về kinh tế học nhưng anh lại thấy thích thú như chính mình đã phát minh ra nó.
-“Không phải nó không thể… nếu tôi được phép gợi ý ra, phát triển lớn hơn nhờ vài sáng kiến, chẳng hạn thêm vài món hàng phụ, hoặc là nới rộng diện tích cửa hang …  điều này có thể làm được lắm…”- Perry nói bóng gió.
Nàng không trả lời. Điều này làm anh ta có cảm giác khó chịu như thể anh đã không lôi cuốn được sự chú ý của Mary. Và cuộc đàm thoại trở thành độc thoại.
-Cô mạnh khoẻ chứ, tôi hy vọng? – Anh hỏi sau một lúc im lặng.
-Rất mạnh. – Mary trả lời một cách máy móc.
-Tôi thấy hình như, nếu tôi có thể tự cho phép mình nói điều này, gương mặt cô hơi ốm.
-Vâng
Perry lợi dụng cơ hội này để ngắm nhìn lâu hơn gương mặt u sầu của Mary với một vẻ ân cần kính trọng, và nghiêng người trên quầy hàng, anh tựa cái cằm nhỏ bé trên những ngón tay dài trong một tư thế chiêm ngưỡng đã được nghiên cứu trước, anh tiếp tục một cách dạn dĩ.
-Tóm lại, dầu vẫn luôn luôn xinh đẹp, nếu cô cho phép tôi nói thế, cô có vẻ không được khoẻ. Không khí oi bức làm cô cảm thấy mệt mỏi khó chịu, tôi nghĩ như thế! Tôi có thể mang đến cho cô một ly nước không?
Trước khi Mary kịp từ chối, anh ta đã đứng dậy lao người đi, và trở lại liến ngay đó với một cốc đầy nước mát. Anh đặt vào bàn tay nàng, nài nỉ:
-Uống đi, cô Mary, cô sẽ cảm thấy khoẻ ngay…
Trong lúc Mary uống vài ngụm nước, một ý nghĩ bỗng nảy ra làm anh lo lắng.
-Tôi hy vọng cô không bị bệnh. Trông  cô xanh xao quá… Cô đã đến gặp bác sĩ chưa? – Anh nói, tỏ ra mình là một người rất lịch thiệp.
Mary sắp sửa đưa ly nước lên môi bèn dừng lại, như thể có một tia sáng bỗng loé lên trong bức màn âm u. Nàng nhìn Perry chăm chăm rồi quay mắt ra phía cửa, đôi môi mím chặt, biểu lộ một quyết tâm bất ngờ.
Nàng ngồi im lìm trong vài giây, rồi đứng dậy như một cái máy, vừa nói thì thầm:
-Tôi phải đi, ông Perry, cảm ơn lòng tốt của ông…
Và không để cho Perry kịp trấn tĩnh lại, nàng vội vã bước ra ngoài, bỏ mặc anh ta đứng sững, đôi mắt mở to, trước cái ly, cái ghế và cái chai trống không. “Thật là một cô gái kì cục”, anh tự bảo với mình, “Bỏ đi như thế trong khi mình tỏ ra rất quý trọng cô ta. Thật đàn bà là những con người cực kì khó hiểu, không còn nghi ngơ gì nữa. Nhưng nói chung, mình đã xử sự một cách đúng đắn”. Và anh huýt sáo miệng.
Ra đến đường, Mary không rẽ sang tay mặt về nhà mà quẹo sang tay trái, đến Knoxbill để tìm một bác sĩ. “Bác sĩ là những người khôn ngoan, tốt bụng, đáng tin cậy: họ chữa bệnh, khuyên bảo, làm cho mình yên lòng và giữ bí mật cho mình”.
Nàng nghĩ ngay đến ông bác sĩ duy nhất mà nàng được biết, bác sĩ Lawrie. Trong gần mười năm, ông không đến nhà nàng một lần, nhưng ông vẫn được xem là bác sĩ của gia đình.
Mary còn nhớ rõ lần cuối cùng ông đặt bàn tay lên cái đầu nhỏ bé của mình và nói, giọng trang trọng:
-Này cô bé, một penny chó một loạn tóc xoăn nhé. Nào, cô bé bằng lòng chứ? Tóc thật nhiều và thật đẹp! Lúc ấy Mary mới được mười tuổi và ông ta không nhận được một lọn tóc nào nhưng cô lại được một đồng penny.
Kể ừ đó, Mary không hề gặp lại ông, nhưng thường trông thấy ông đánh xe đi khắp nơi vào bất cứ giờ giấc nào, luôn luôn vội vã, luôn luôn giữ một dáng dấp từng khắc sâu vào trí nhớ trẻ con của Mary: dáng dấp của một nhà khoa học oai nghiêm, cách biệt với những người khác. Ông ta ở tại Knoxhill trong một ngôi nhà lớn, cũ xưa nhưng vẫn còn vẻ sang trọng.
Nhà ông rất xa và chẳng bao lâu nàng bắt buộc phải chậm bước lại, khác với cách đây vài tháng, nàng có thể chạy một mạch đến đó. Đồng thời với việc giảm tốc độ, sự quả quyết cũng yếu xuống, và bây giờ nàng tự hỏi mình sẽ nói chuyện với bác sĩ như thế nào. Lúc nãy nàng đã quá vui mừng nghĩ rằng mình có thể hỏi ý kiến của bác sĩ một cách dễ dàng. Nhưng giờ đây, các khó khăn xuất hiện trước mắt nàng một cách khó chịu, và sau mỗi bước đi, nàng cảm thấy chúng có vẻ khó vượt qua. Có nên khởi đầu bằng cách yêu cầu bác sĩ khám sức khoẻ tổng quát không? Trước hết, ông sẽ ngạc nhiên hỏi rằng sao không có mẹ đi theo và có thể ông sẽ từ chối khám bệnh cho nàng. Nếu ông bằng lòng và nếu nàng khờ dại giải thích cuộc viếng thăm bằng lý do mơ hồ nào đó, thì chỉ với vài câu hỏi thôi, ông sẽ nhanh chóng khám phá ra câu chuyện dôi trá mà nàng có thể bịa ra, và sẽ bỏ mặc nàng trong xấu hổ và bối rối! Do đó diều duy nhất nên làm là cho ông ta biết sự thật và để mặc cho ông ta quyết định số phận của mình. Nhưng nếu ông ta tiết lộ cho cha mẹ hay, liệu kết quả mà nàng muốn đạt được có xứng đáng để phải chấp nhận  một sự mạo hiểm ghê gớm như thế không? Khi bắt đầu leo lên khu đồi, tư tưởng nàng rơi vào một tình tạng rối ren không lối thoát.
Sau cùng, nàng đến cổng nhà bác sĩ, trước một tấm bảng lớn bằng đồng sáng rõ như con mắt của thần linh kêu gọi những kẻ đau ốm tật nguyền hãy bước vào.
Khi dừng lại một lúc để trấn tỉnh và tập trung tất cả sự can đảm của mình lại, Mary thấy từ xa tiến đến một người đàn ông lớn tuổi có quen biết với cha mình – nàng bèn quay lưng lại về phía ông ta và chậm chạp vượt qua ngôi nhà. Bằng khoé mắt, nàng quan sát ngôi nhà to lớn với các cửa sổ được che phủ bằng những tấm ri- đô bí mật màu vàng nghệ, và trong một trạng thái khó chịu gia tăng, nàng cảm thấy nỗi hoang mang trở lại mỗi lúc một mạnh mẽ. Thật là sai lâm khi muốn gặp bác sĩ quá quen biết mình. Denis có thể không bằng lòng hành động mà không có ý kiến của chàng; phải chăng nên đi khám bác sĩ vào một dịp khác, thuận lợi hơn?
Bây giờ con đường đã vắng vẻ, không một ai, và nàng hiểu phải giải quyết ngay lập tức. Nàng tự bảo mình có thể đi vào trước và sẽ đương đầu với những khó khăn sau. Nàng đặt bàn tay lên cổng rào nhưng sực nhớ mình không mang theo tiền, dầu có thể bác sĩ không đòi hỏi. Nàng bèn rụt tay lại và tiếp tục đi tới đi lui một cách do dự  trên lề đường, rồi thình lình nàng trong thấy một người tớ gái đứng sau một tấm màn cửa sổ đang nhìn nàng. Người tớ gái không có ý định rình tập ai, nhưng trí tưởng tượng bị kích động tột độ khiến nàng đinh ninh người ta đang nhìn nàng bằng một cặp mắt nghi ngờ, điều này hoàn toàn bốp nát quyết tâm còn lại của nàng. Nàng vội vã quay về như một kẻ có tội bị bắt quả tang.
Trong khi hối hả đi trở xuống,nỗi ân hận vì đã không dám bước vào nhà bác sĩ làm cho nàng nghẹn thở. Nàng thấy mình hèn nhát và dại dột, chỉ muốn lảng tránh mọi cặp mắt dòm ngó. Để khỏi gặp phải những người quen, và trở về nhà càng nhanh càng tốt, nàng bỏ con đường cũ, đi theo con đường nhỏ hẹp và dơ bẩn, tên là đường “Trường học”, mà người ta luồn luôn gọi nó là “Ngõ hẻm”. Đầu cúi gầm như một kẻ lẩn trốn, nàng rảo bước thật nhanh trên các ngõ hẻm tối tăm, mang nhiều tai tiếng này, với mặt đường gồ ghề, những rãnh lề đường đầy mảnh chai bể, các hộo thiếc trống rỗng, bao rác rến hôi thúi của một khu phố đông người.
Những người đàn bà đang thơ thẩn trong sân đưa mắt theo nhìn nàng. Họ ăn mặc dơ dáy, tụ tập từng nhóm, ngồi nói chuyện phím với nhau, một con chó ghẻ đuổi theo nàng bên gót vừa sủa ăng ẳng, một người tàn tật ghê tởm, nằm trên lề đường, lải nhải xin nàng bố thí bằng một giọng rên rỉ thoá mạ.
Mary rảo bước nhanh hơn nữa và khi sắp sửa ra khỏi khu này thì trông thấy một toán thật đông người đi ngược chiều về phái nàng. Trong một lúc, nàng kinh hãi dừng lại tưởng tượng đám đông đó sắp sửa tấn công mình. Nhưng liền đó những tiếng hát vang lên, và nàng nhận ra đoàn người – được vây quanh bởi những đứa con nít dơ bẩn và những con chó sủa gầm gừ - đang hùng dũng tiến thẳng đến nàng là  một bộ phận của đạo quân cứu rỗi vừa mới tổ chức tại Levenford. Trong niềm hay say tuổi trẻ, một số thành viên của nó đã dùng ngày nghỉ đi qua những khu phố nghèo hèn với mục đích bài trừ các thói hư tật xấu, sự phóng đãng truy lạc.
Họ tiến giữa những lá cờ bay phấp phới, tiếng cho sủa ăng ẳng, tiếng chập choã ầm ĩ, tiếng kèn và tiếng ca giọng ca nam nữ hát vang.
Mary nép sát vào vách tường, cầu mong cho mặt đất dưới chân nứt ra, nuốt chửng lấy nàng. Nàng cảm thấy thân thể họ chạm mạnh vào người nàng. Thình lình một người đàn bà – đầy tin tưởng vào sứ mệnh cao cả của mình – trông thấy nàng có vẻ đầy sợ hãi và hổ thẹn, bèn im ngay tiếng ca trong một lúc, nhìn sát vào mặt nàng, thì thầm vơi một hơi ấm truyền cảm:
-Phải chăng em là một kẻ tội lỗi, hỡi cô gái của tôi? Vậy em hãy đến để được cứu rỗi, hãy đến rửa sạch người em trong máu của chúa Jesus.
Rồi bà ta la lớn: “Hôm nay có một tâm hồn chìm trong tội lỗi.” Nói xong bà ta chen trở lại vào hàng ngu của đoàn người và đoàn quân cứu rỗi lại tiếp tục đi một cách oai vệ, hùng dũng.
Một cảm giác nhục nhã không thể diễn tả được xâm chiếm lấy Mary. Nàng không thể nói rõ được cái cảm tưởng của nàng, không diễn tả hay hiểu được nỗi kinh hoàng đang ám ảnh nàng, nhưng trong khi loạng choạng trở về nhà, nàng tự trách mình một cách ghê tởm và cảm thấy mình không đáng được sống.