ua năm thứ hai ông Tài rút được kinh nghiệm lớn: giáo sư mới là yếu tố quyết định cho sự tồn vong của một học đường. Theo như lý luận của ông, đa số trường học ngày nay đều nêu khẩu hiệu “Thương mãi trên hết”, vậy thì người giáo sư giỏi, đúng với thời thượng, có nghĩa là người rao hàng tài nhất mà thôi. Như thế, muốn tìm giáo sư lý tưởng phải theo một định lý đảo, tức là tìm những vị nào không được các trường hiện thời thừa nhận. Ông bèn nhờ các văn phòng những những tư thục lớn cho biết danh sách những vị giáo sư đã bị mời ra khỏi các lớp dạy. Lập tức ông được toại nguyện, bởi vì người ta không muốn che giấu làm gì địa chỉ của những giáo sư không có khách hàng. Cứ tính đổ đồng thì khoảng hai mươi giáo sư bị các trường lớn cho về coi nhà giữ con cho vợ, ông Tài chỉ chọn được có một người. Mười chín người kia đã bỏ nghề dạy mà theo đuổi những nghề nghiệp không có ăn nhằm gì đến học đường: có người đại lý bán dầu khuynh diệp và xi-rô nhau của bác sĩ Tín, có người làm lơ xe đò, có người mua xe gắn máy chở ra ngoài Trung. Một số đông khác chuyên về buôn lậu, theo ngã chợ trời, hoặc trữ các hàng từ Tân Sơn Nhất nhảy dù ra Lăng Cha Cả, hoặc mua các món đồ ở Khánh Hội lấy ngầm trên tàu hoặc được bốc hốt dọc đường trên một đôi xe vận tải. Nói chung, thì đa số sự giàu sang ở tại Sài Gòn đều có tính cách lậu thuế hoặc ít hoặc nhiều, và sự đoan chính, lương thiện là những món đồ trang sức đắt giá mà không phải ai cũng có thể xài một cách ngang nhiên.Trong số gần sáu mươi vị có trong danh sách hạng loại giáo sư không được học trò trường lớn tín nhiệm, ông Tài chọn được ba vị mà ông lấy làm hài lòng đặc biệt. Kể theo thứ tự thời gian tìm gặp, thì trước hết là ông Trần văn Cảnh, một giáo sư độ bốn mươi lăm tuổi, chuyên cỡi xe đạp cổ lỗ hiệu Xanh-tê-chiên gần ba mươi năm mà chỉ thay chuông có hai lần - vì rất khiêm tốn - thay dây thắng mới ba lần - vì rất ôn hòa - và thay yên có một lần - vì cơ thể rất nhẹ nhõm do chưa hề được bổ dưỡng bao giờ. Ông giáo sư Cảnh ít nói, dáng điệu lầm lì, nghiêm trang, nên những học sinh thuộc về dòng dõi họ Lưu nhìn thấy đã ngán ngẩm rồi. Để che đậy sự ngán ấy và tự trấn an lấy mình, chúng bèn đặt cho ông Cảnh một cái biệt hiệu: giáo sư cù lần. Cù lần là một danh từ hiện đang ám ảnh đa số người dân Sài Gòn.Đối với ông Cảnh thì các trường tư hiện nay đang ở trong một tình trạng lộn ngược: nhiều người không hiểu gì về giáo dục lại làm chủ trường, giáo sư vào lớp phải làm việc thay cho học sinh, và người dạy học đồng thời là người thu tiền học phí quan trọng hơn cả. Ông Cảnh nhất định bắt buộc học sinh làm bài, học bài kỹ lưỡng chứ ông không chịu học thế cho chúng, bởi vậy học sinh ghét ông như là một loại phung hủi. Ông cũng không chịu thúc đẩy sự đóng học phí, vì quan niệm rằng không thể lẫn lộn giữa sự dạy dỗ và sự quản lý kinh doanh, cho nên chủ trường nhìn ông như là một loại phá hoại. Cuối cùng người ta tạo đủ điều kiện dễ dàng để ông có thể tự do về nhà. Giáo sư Cảnh rời các trường không chút mặc cảm, vì khi vào dạy ông đã vững tin rằng sẽ có một ngày nào, rất ư gần gũi, người ta sẽ đẩy ông ra khỏi chốn học đường như là món đồ không còn hợp thời. Quả nhiên, ông được lang thang qua nhiều trường sở trong một thời gian khá dài và đến phút cuối, khi chẳng còn có trường nào chịu đón tiếp nữa, ông mới về nhà với một tấm lòng thỏa mãn của kẻ thất bại. Nhưng ông tự nhủ: “Thế nào rồi cũng có ngày người ta sẽ đến tìm mình. Đến khi cái xấu mệt mỏi cả rồi, thì người ta phải sưu tầm cái tốt. Và cái tốt ấy cứ nên chờ đợi”.Ông giáo thứ hai, ông Hoàng Như Ngà, một người có đôi lông mày khá rậm và một giọng nói sấm vang chỉ thấy trong các nhân vật tuồng Tàu. Đúng theo như những khám phá khoa học mới mẻ gần đây thì quả địa cầu càng già càng nóng hơn lên, ông Ngà càng có tuổi tác lại càng nóng nảy đặc biệt. Bởi vậy, trong các loại xe ở Sài Gòn này, ông chỉ thích đi có mỗi món xích lô máy mà ông cho là mát mẻ tột bực lại vừa có cái tác phong hùng hổ của kẻ hiên ngang. (Ngược lại, cô con gái rượu của ông, tức là cô Hoàng Như Ngọc, thì lại coi xích lô máy là một loại xe nguy hiểm bậc nhất. Hơn nữa, cô bảo, phụ nữ mà ngồi trên xích lô máy trông chẳng khác nào các “mụ” bán gà. Làm như bán gà là việc rất mất vệ sinh!). Ông giáo sư Ngà dạy dỗ tận tâm, có nhiều uy quyền, vì ông luôn giữ ưu thế về phần ông thầy. Ông quan niệm rằng học trò có dốt mới đến trường học, giáo sư có giỏi mới đến trường dạy, như vậy những lời ông thầy đã nói là một chân lý hiển nhiên. Học trò không nghe lời thầy, theo ông nhận định, là học trò hư, và thầy không bảo cho học trò nghe là ông thầy hỏng. Đi từ quan niệm cơ bản như vậy, ông hét lớn như sấm dậy và không thừa nhận cho học trò nào được tỏ nghi vấn với thầy. Theo ông, học trò ngày nay dở hơn ngày xưa, và tính nết cũng hư hỏng hơn xưa. Rõ ràng cuộc đời đang đi thụt lùi. Xã hội, theo ông, luôn luôn chuyển dịch theo lối tuần hoàn và bây giờ đang bắt đầu đi vào mùa thu, mùa đông, bỏ lại mùa xuân là cái thời ông đi học. Ông không ưa nổi cả cách ăn mặc, nói năng, đi lại của người học trò ngày nay, và ông nhất định rằng học trò thời bây giờ không có vẻ gì là học trò cả, dù có xuất trình biên lai đóng đủ học phí cũng chẳng thay đổi được ý kiến ông thêm một ly nào. Gần sáu mươi tuổi mà mặt ông Ngà bao giờ trông cũng đỏ gay vì men giận dữ và trong các loại từ ngữ mà ông quen dùng, học trò nhận thấy ông rất phong phú về các tiếng chửi. Ông Lê Thành Tài cho rằng một vị giáo sư cần phải giỏi chữ hơn là giỏi chửi, nhưng xét về mặt nào đó thì sự chửi bới có thể coi như là một phương diện lý tưởng, một thứ lý tưởng kiềm hãm, vì bởi kiềm hãm nên cần xổ nho, văng tục cho đỡ ấm ức. Điều mà ông Ngà làm cho ông hiệu trưởng Tài vui lòng là khi vào lớp ông gây được sự sợ hãi cho đam học trò. Đối với giáo dục hiện tại, chỉ bấy nhiêu đó cũng là đáng kể. Học sinh đã không tìm thấy hứng thú nào khác trong sự học hành, nên đành lấy sự sợ hãi làm một phương tiện dẫn về lẽ phải, cụ thể là chịu yên lặng ngồi nghe ở lớp và chịu học bài ở nhà. Như tất cả nhà độc tài, ông Hoàng Như Ngà tự hào về những thắng lợi một chiều đạt được do sự khủng bố, và một số đông phụ huynh chưa thấy lối sư phạm nào công hiệu hơn vậy, đã đồng ý rằng ông là giáo sư lý tưởng, biết cách dạy dỗ, dù ông chỉ dạy chứ không chịu dỗ.Ông giáo thứ ba, ông Nguyễn Thế Tài, tuy trùng tên với ông chủ tiệm vàng nổi tiếng ở chợ Bến Thành, nhưng chắc hai ông chưa quen biết nhau bao giờ, là người gần như đối lập hẳn với ông Ngà. Tuy đã dạy học nhiều năm, nhưng khi vào lớp ông vẫn mắc cỡ một cách đầy đủ khiến đám học trò con gái cũng mắc cỡ lây. Ông không hề dám nhìn thẳng vào cái số đông xanh đỏ tím vàng ngồi lố nhố ở trước mình, và phải lựa một nữ sinh nào đó có vẻ hiền lành ngồi gần trước mặt để nhìn vào đấy, trước khi lấy đủ tinh thần nhìn xa hơn nữa. Ban đầu, cái cung cách ấy làm cho học sinh - đặc biệt là các nam sinh - khó chịu, khổ sở, rồi đâm giận dữ, một hai kháo nhau là thầy giáo đã phải lòng học trò. Nhưng nhờ nhiều ngày quan sát theo dõi, họ mới biết rằng cái nhìn của thầy quả không có ý tình gì lệch lạc, mà chỉ là một cánh tay gầy guộc đi tìm chiếc phao giữa biển học sinh nổi sóng đấy thôi. Giả thử ở vào chỗ đó có một nam sinh ngoan ngoãn, hay một bà cụ, ông cụ phúc hậu, thì giáo sư Tài cũng biến nhanh họ thành phao như thường. Hơn nữa một người mà dễ bối rối, luống cuống như vậy, nhất định không sao có đủ liều lĩnh làm điều xằng bậy, nên ta có thể yên tâm về món đạo đức của họ đã được giữ gìn như loại chai lọ, là thứ dễ vỡ. Sự mắc cỡ thường trực ấy cũng có ảnh hưởng đến phương pháp dạy của giáo sư Nguyễn Thế Tài và ông tỏ ra có một khuynh hướng dân chủ theo kiểu mị dân hết sức đặc biệt. Khác với ông Ngà, ông cho rằng người học sinh hễ đã đến lớp là muốn được học, và sở dĩ họ không chịu thuộc bài hay là làm bài chỉ vì họ bận việc gì đó thôi, nên họ cần được thông cảm. Do đó, ông luôn có sẵn số điểm thông cảm hết sức dồi dào ban phát rộng rãi cho các sĩ phu tân thời vào loại đại lười. Cả những câu trả lời chẳng ăn nhập gì đến câu hỏi của ông, cũng được ông thấy có lý, bởi lẽ theo ông, ít nhất học trò cũng thấy có lý mới đứng dậy để phát biểu. Tóm lại, đúng cũng có lý, sai cũng có lý, học giỏi phải được thông cảm, học dở cũng đáng cảm thông. Thế giới ông Nguyễn Thế Tài là một khu vực toàn hảo, trong đó cuối cùng chẳng ai còn muốn nỗ lực làm hơn cái mức tồi nhất đã thâu đạt được.Ba giáo sư mới tuyển trạch gay go trong số giáo sư đông đảo của Sài Gòn này làm cho Chấn Hưng học đường có vẻ khởi sắc ít nhiều. Ông Cảnh mang lại cho sự giáo dục một vài tính chất mới mẻ, trong khi ông Ngà uy hiếp học sinh, lại có ông Tài dỗ dành. Thế quân bình đã giữ được và trường mạnh dạn tiến lên trong cái sứ mạng cao quí là tạo một lớp trẻ lý tưởng cho tiền đồ của dân tộc. Ông thư ký Huỳnh văn Xu cùng ông giám học Trương Bảng đều thấy phấn khởi, tin rằng mình đã lựa chọn được con đường tốt nhất để mà xây dựng sự nghiệp tương lai. Về phần hiệu trưởng, ông thấm thía rằng những sự khó khăn, trắc trở mà trường trải qua là những trở lực tất nhiên trong buổi ban đầu không sao tránh khỏi, tương tự như chứng cảm sốt, mọc răng của một tuổi thơ cần chóng trưởng thành.