Chương 3 (D)

Pháp sư “Kây Quay” không biết là thiện hay ác nhưng phải công nhận ông ta múa kiếm đẹp tuyệt luân. Ông ta mặc một cái áo thụng vàng chóe, phía trước thêu hình con rồng màu xanh đang múa vuốt với hàng chữ “Thanh long đệ nhất bang”, phía sau thêu vòng tròn lưỡng nghi, bên ngoài bao phủ một vòng cung lửa. Đầu để tóc xõa, tay cầm một thanh kiếm sáng ngời, sắc xanh biếc, mỏng như lá lúa, “Kây Quay” ngồi trên một tảng đá lớn, trước mặt là một cái bàn nhỏ phủ khăn đỏ, trên có một xấp giấy dày chắc là các đạo bùa, xung quanh mấy tảng đá nhỏ đặt trên đó là các hồ lô có hình độc trùng: rắn, rít, nhện đen, bò cạp, cóc tía, tắc kè hoa, sâu ống…...tổng cộng là bảy cái. Ông ta ngồi xếp bằng, một tay bắt ấn, một tay múa tít thanh kiếm tạo ra một luồng khí  lạnh dào dạt bao trùm cả một vùng. Ông ta không cầm kiếm như bình thường mà thanh kiếm chỉ cặp hờ vào giữa ngón cái và hai ngón trỏ và giữa, chính vì thế mà thanh kiếm mới xoay tít được như chong chóng. Thứ kiếm pháp này đúng là chưa từng thấy nhưng có phần hơi biểu diễn. Bỗng ông ta tung người lên, quát to một tiếng, đồng thời dùng mũi kiếm ghịt lấy một đạo bùa dán lên trên một cái hồ lô. Ông ta nhảy vù vù từ hòn đá này qua hòn đá khác, bộ pháp thật là linh diệu, lúc như con rắn đang uốn mình sát đất, lúc như con diều sà xuống vồ mồi, lúc như con hạc xòe cánh bay lên……thanh kiếm trong tay vần vũ như mưa sa bão táp, tưởng như không phải là một thanh kiếm mà là hàng nghìn thanh đang cùng nhau nhảy múa, trong thoáng chốc bảy cái hồ lô đã được phủ kín các đạo bùa ….Thì ra ông ta đang bắt ma rừng nhốt vào trong những cái hồ lô này, nếu vậy chắc phải kêu….vài ba cái xe tải chở thêm hồ lô nữa may ra mới bắt hết được ma rừng ở nơi này. Không biết ông ta bắt ma rừng về để siêu độ hay để làm âm binh thực hiện những mục đích ám hại người đời…..
Bỗng “Kây Quay” lại phóng vọt lên, tay nắm lấy một sợi dây leo, thoắt một cái ông ta đã leo lên tít trên cao, khi hạ xuống thì trong tay đã có một con rắn….Con rắn màu xanh biếc, phía trên có một cái sừng nhỏ, cái đuôi có khoang đen khoang đỏ….chính là con rắn lục cườm đầu sừng, chỉ có duy nhất ở vùng này. Dân đi rừng mà thấy con rắn này thì tất bỏ của chạy lấy người, vì nó cắn một cái thì toàn thân tê liệt, mắt đứng tròng, có thuốc giải trong người thì cũng không giơ tay mà lấy được, sau nửa giờ người sẽ mủn ra như con cá mục, chết là cái chắc. Con rắn lục quẫy dữ dội trong tay “Kây Quay”, ông ta lấy trong người ra một cái túi da, nhét con rắn vào trong đó. Xem ra tài nghệ bắt rắn của “Kây Quay” cũng thuộc vào hàng “vô tiền khoáng hậu”. Trong lúc đó “a Lưu” nhanh chóng thu hết các hồ lô cho vào một cái thùng gỗ, mùi dầu thơm của y vẫn sực nức, tóc tai vẫn chải chuốt như ngày nào. “A Chảy” thì đứng im lìm tuốt ở phía xa, cặp mắt cú vọ của y không hề lay động. Y đã mặc lại bộ đồ “sá sẩu” bằng gấm trắng, hàng chữ “sinh tử tại thiên” màu đỏ càng nổi lên bay bướm trong cái thác âm u này. Cái mặt cú vọ vẫn lạnh băng nhưng lại để thêm bộ ria vểnh lên nom mười phần quỉ dị.
Pháp sư “Kây Quay” mặt không đổi sắc, hơi thở không đổi nhịp, chẳng buồn nhìn ĐHC lẫn NT, xoay người bỏ đi liền, “a Chảy” lầm lỳ đi theo sau, “a Lưu” khệ nệ ôm cái thùng gỗ, còn ráng quay qua nói với ĐHC “tài có nhớ tối đừng ở lại đây, ma quỷ nhiều lắm đó….”
Bọn “Tàu xì” chắc đã quần nát khu vực này nên cũng không còn hy vọng gì, nhưng NT và ĐHC cũng cố bỏ ra nguyên ngày hôm sau lần mò hết trong mấy cái hang để tìm xem có gì lạ. Nhờ có chai dầu xả tinh luyện nên không sợ rắn, rít, côn trùng độc chứ mùa này vắt nhiều vô số kể, có hơi người là chúng bắn theo vùn vụt. Những cái hang này có vô vàn là những viên bi đất, chúng nằm lung tung lẫn với miểng chum, hũ, lọ bể vương vãi khắp nơi, toàn là gốm cổ. Còn có cả mấy mũi “Qua” bằng đồng đã bị ten xanh phủ kín, đó là một thứ vũ khí của người xưa….Chắc những hang động này cả ngàn năm trước đã có người ở, bây giờ hoang tàn, với những lời đồn đại ma quỷ đến mức người dân tộc cũng không dám héo lánh đến. Đi vòng vo trong mấy cái hang đến xế chiều thì bỗng nhiên không thấy NT đâu nữa….tìm tới tìm lui một hồi thì mới thấy anh ta nằm trong một góc hang nhưng đã bất tỉnh, người mềm như bún, lay mãi không dậy…..chắc anh ta đã bị trúng phải hơi độc trong hang hay là bị ma rừng nhập cũng nên. Chắc ĐHC không bị sao cả là nhờ hơn mười ngày tịnh tâm và ăn ngải, uống nước ngải của thầy cúng Điêu-krắc. Đành phải cõng anh ta lên lưng rồi lấy dây mây cột chặt lại, lần theo vách hang ra đến bên ngoài……Trời cũng đã gần tắt nắng, phải cố đưa NT về cho thầy cúng Điêu-krắc trục con ma rừng chứ để qua đêm biết đâu anh ta sẽ “thăng luôn”.
Lần mò đi mãi, đi mãi, suốt con đường rừng thăm thẳm gần như không một bóng người, đám thợ rừng và dân tộc ít ai bén mảng đến đây. Cuối cùng cũng đến được Bầu sấu thì trời đã tối hù, nhìn xung quanh một màu đen kịt, khí trời lạnh buốt đến tận xương tủy, rờ đến NT thì thấy anh ta lạnh ngắt như xác chết, nhưng cũng may là trán vẫn còn hơi nóng, tim vẫn còn đập thoi thóp….Xung quanh đầy tiếng côn trùng, ếch nhái ra rả, tiếng cá táp nước oàm oạp, tiếng vượn hú vang vọng, tiếng chim ăn đêm khùng khục hòa vào như bản nhạc đưa tiễn NT về nơi chín suối…..
Tối mịt như thế này thì không thể đưa NT vượt qua Bầu sấu được nữa rồi, thôi đành phải tùy theo số trời….. ĐHC tìm một chỗ cao ráo nhất mới dám đặt anh ta nằm xuống vì nơi đây cá sấu rất nhiều, lơ mơ là chúng táp bất thình lình, trở tay không kịp. Sau đó gom một số lau sậy khô, củi khô thành một đồng nhỏ để đốt lửa, lúc này đốt lửa là rất nguy hiểm nhưng không có e rằng còn nguy hiểm hơn nữa vì hơi lạnh cũng có thể làm NT “đi luôn” không chừng. Đánh lửa bằng một “cây chẹt” và một thanh “củi” lúc nào cũng phải mang theo trong người. “Cây chẹt” là một thanh gỗ nhỏ được chẻ ra làm đôi ở phần đầu, nhét vào khỏang ba viên đá lửa rồi bế lại thật chặt, còn “củi” là một cuộn giấy dầu dài độ một tấc rưỡi, to bằng điếu xì-gà nhưng có thể cháy âm ỉ được tám tiếng liền. Lửa đốt lên chưa được mươi phút, chưa kịp sưởi ấm hai bàn tay thì nghe có tiếng sạt sạt, mấy con cá sấu thấy động thì bò lại, phải lấy khúc cây dài đập mạnh chúng mới chịu bỏ đi. Cứ phải loay hoay canh cá sấu suốt đêm, không ngủ được. Tình trạng NT thế này, nếu mang ra trạm xá chích thuốc chắc anh ta tỉnh lại, nhưng sợ sẽ khùng khùng như Y-Ngung, lúc đó anh ta quậy phá lung tung, còn khó cứu nữa. Tạm thời để anh ta nằm thiêm thiếp như thế này, mang đến cho thầy cúng Điêu-krắk ông ta dễ cứu hơn. Sáng hôm sau, trong lúc mặt trời vừa ló rạng, may thay có mấy người dân tộc đi bắt cá, liền kêu họ lại nhờ chở đến chỗ thầy cúng Điêu-krắk, nhìn hấy NT trong tình trạng như vậy, họ đỡ anh ta lên thuyền, chở đi liền.
Thuyền của người dân tộc là nguyên một thân cây lớn, họ dùng lửa khóet lõm chính giữa, sau đó dùng Xà-gạt vát dẹp hai bên nên lướt đi rất nhanh. Qua khỏi Bầu sấu, hai người Xtiêng còn phụ khiêng NT đến tận hang của thầy cúng Điêu-krắk, sau đó họ mới quay đi. Bây giờ đã gần đến giữa trưa rồi. Điêu-krắk và ĐHC mang NT ra tuốt tận chỗ có cây ngải thần, đặt anh ta nằm dưới gốc cây. Sau đó Điêu-krắk lấy nước cây ngải cạy miệng cho NT uống, lấy một quả trứng đặt lên trên ngực, rắc gạo xung quanh, đốt bảy ngọn nến, ông ta lấy ra một cái trống da trâu khá to, cái trống này không đóng như bình thường mà là dùng những sợi mây ràng chặt, căng xung quanh, bắt đầu vừa đọc kinh, vừa đánh trống để xua đuổi con ma rừng. Bài kinh của ông ta thật dài, ĐHC phải thay nến cả thảy ba lần thì mới xong…..lúc đó trời cũng vừa chập tối, NT bắt đầu cựa mình và tỉnh dậy.
Chuyến đi lần này làm NT sụt cả năm bảy ký, gầy rộc hẳn, anh ta than thở “sau lần này chắc giải nghệ luôn”, thầy cúng Điêu-krắk thì nói anh ta bị như vậy là còn quá nhẹ, có nhiều người phải cúng cả năm bảy ngày mới tỉnh lại. Trong mấy ngày này, ĐHC bỗng nhớ lại cái thác nước đã gặp trên đường đi ở vùng rừng còn thuộc Lâm đồng, cái thác thật cao, thật hùng vĩ, phía dưới cũng có nhiều hang động mà trong lúc đi chưa thám hiểm hết….biết đâu đó chính là cái thác trong giấc mơ?....
Hôm sau, trở lại chỗ cái đồi trọc thì thấy K-krok vẫn còn ở đó, xem ra khả năng nhịn ăn uống của anh ta thật phi thường. Quanh quẩn tìm kiếm thêm vài ngày, bỗng một hôm trời mưa như trút, mưa suốt mấy ngày liền, dường như vùng này chưa bao giờ có một trận mưa lớn đến như vậy. Mưa mãi, mưa mãi….nước chảy thành những dòng suối, bụi mưa bay mù mịt như những làn khói mờ không còn thấy gì. Phía trên thượng nguồn thì tạo thành một cơn lũ khổng lồ tràn xuống cuốn đi tất cả. Nửa đêm bỗng nghe một tiếng nổ khủng khiếp, sét đánh vào ngay quả đồi, sáng ra thì thấy một phần quả đồi đã bị sạt xuống, phiến đá khổng lồ trấn trên hố thờ vô tình bị nghiêng qua một bên, xem ra sức người đã không làm được, nhưng trời chỉ làm trong tíc tắc. Đúng là “ý trời”, phiến đá nghiêng qua như vậy thì có thể chui vào bên trong đào sâu xuống được rồi. Nhờ K-krok làm lễ cúng tạ Thần rừng xong, tranh thủ trong lúc trời còn mưa, nước còn ngập, thợ rừng chưa qua lại nhiều, ĐHC và NT ra sức đào, còn nhờ K-krok canh ở phía trên. Đào xuống khoảng hơn thước thì gặp toàn đá hộc, đành phải một người ở trên, một người ở dưới đưa đá lên từ từ. Xuống sâu hơn hai mét thì phải làm một cái giỏ bằng mây rồi dòng xuống mới kéo đá lên được. Đào liên tục hơn mấy ngày không nghỉ, phiến đá khổng lồ hàng chục tấn ngay trên đầu, nó mà ụp xuống thì chết là cái chắc. Qua khỏi lớp đá hộc thì đã sâu khoảng hơn bốn mét thì đến lớp đá thạch anh trắng, sau đó là lớp cát mịn trong lớp cát này có một cái hũ sành nhỏ, chắc là đựng tro cốt của một Thầy cúng hay Chức sắc…thời đó, hũ tro này sẽ cần phải chôn trở lại chứ lấy nó là thậm phần nguy hiểm. Người Bàlamôn quan niệm cuộc sống ở dương gian chỉ là cuộc sống tạm, cuộc sống sau khi chết đi mới là vĩnh cửu, vì thế hũ tro này chính là linh vật quý nhất trong một cái hố thờ. Vàng bạc, đá quí đối với họ không là gì cả, rất hiếm khi họ chôn theo. Chính vì vậy tuy cái hố thờ được chôn công phu như vậy nhưng ít khi có đồ quý như mộ của người Sa hùynh hay mộ của vua chúa, quan lại thời phong kiến…..Tìm mãi trong lớp cát mịn mới được hai miếng vàng nhỏ có khắc chữ phạn cổ và các hình vẽ thú vật……cuối cùng hiện vật mong chờ mãi cũng xuất hiện, một pho tượng thần Silva có bốn tay bằng đất nung còn nguyên vẹn. Pho tượng chỉ cao khoảng bốn tấc, trải qua hàng ngàn năm vẫn không một tỳ vết….
K-krok cũng đã đến lúc phải quay về, NT sẽ mang pho tượng và hai miếng vàng nhỏ theo anh ta về chỗ thầy cúng Điêu-krắk để ông ta làm lễ cúng thần sau đó sẽ tính sau…..còn ĐHC quay ngược trở lên cái thác giữa rừng già tìm lại một lần cuối cùng nữa cho chắc chắn. Công việc được quyết định nhanh chóng vì đám “Tàu xì” hay bọn Lý Hòa mà phát hiện ra phiến đá bị sạt nhất định sẽ kéo đến ngay.
K-krok và NT vùa kịp chạy đến Bầu sấu thì đã thấy “Tàu xì” và pháp sư “Kây Quay” đứng chờ từ hồi nào, tin tức của họ đúng là nhanh thật….
Lý Hòa đứng tần ngần nhìn phiến đá bị nghiêng, là kẻ chuyên đánh mìn ở các bãi đào vàng, y đâu tin có cú sét nào lại tình cờ đánh sạt một bên quả đồi như vậy. Y cứ đi tới đi lui, săm soi chỗ đất bị sạt lở, quan sát phía dưới phiến đá rất kỹ. Lý Cắt và Tăng Xe thì ngồi nhìn chằm chằm vào cái hố thờ, Tăng Xe than thở “đi tới đi lui suốt mà đâu nghĩ dưới tảng đá này lại có một cái hang…”Cả hai tên nhìn sơ là biết hố thờ đã được đào lên sau đó lấp lại. Lý Cắt gầm gừ trong cổ họng “không biết tụi nó lấy được những gì, không lẽ cái mâm đồng như thiên hạ đồn lại được chôn dưới này? – phen này dứt khoát phải theo dấu nó đến cùng.” Lý Hòa hít ngửi một hồi rồi nói “tao đã ngửi thấy mùi lưu huỳnh, thằng ĐHC “đánh trái’ sạt một bên quả đồi làm nghiêng tảng đá rồi giả vờ nói là sét đánh để người dân tộc tin là Yàng giúp bọn nó mà tránh xa……nó chọn đánh mìn trong mấy ngày mưa liên tục như vậy để nước xóa hết mọi dấu vết, nhưng muốn qua mặt Lý Hòa sao nổi”. Y truy tìm thêm một lúc nữa rồi nói tiếp “chúng nó đào cái hang liên tục trong mấy ngày mưa to nên không ai biết….mẹ kiếp….Lần này chúng nó chia làm hai đường rút đi, tao nghi nếu thằng ĐHC tìm được cái mâm đồng nó sẽ theo đường rừng trở lại Giai Nghĩa chứ sẽ không dám ra Madhagui sẽ bị đám “Tàu xì” chặn lại. Từ Giai Nghĩa nó sẽ vòng lên Buôn Mê, sau đó về lại SG theo ngả đèo Phụng Hoàng….để xem nó có thoát khỏi tay Lý Hòa này được không…!”
Bọn Lý Hòa rút đi không lâu thì đám “Tàu xì” cũng kéo đến. Khác với Lý Hòa còn điềm tĩnh, “Tàu xì” chửi bới om sòm “ bỏ tiền ra cho thằng “Bảy Cua” để nó trông coi khu vực này, không dè nó để thằng ĐHC chơi qua mặt ….trong mấy ngày mưa to chắc nó ở nhà ôm vợ…..bây giờ biết chúng nó ở đâu mà kiếm…?” – “Phì Lủ” còn tích cực lấy len ra hì hục đào cái hố thờ, “a Chảy” tức quá giật lấy cái len quăng ra xa, chửi đổng “con bà nó……giờ này mà đào thì còn có cái gì ở dưới nữa, bọn nó đã lấy lên mang đi hết rồi, đúng là cái thằng đầu heo…đồ ngu như con chó…”. Bị chửi, “Phì Lủ” nổi điên tính xông vào đánh “a Chảy”, “a Lưu”, “a Hỏa”  phải can ngăn mãi. “Tàu xì” thấy tình hình có vẻ lộn xộn, bèn quát “thôi tất cả im ngay, um xùm lên bọn CA xã kéo đến thì còn lôi thôi nữa. Bây giờ không biết tụi nó đã đào được những gì, trong đó có cái “mâm đồng” không, bằng mọi giá phải tìm ra chúng….!”. Pháp sư “Kây Quay” bấm tay tính quẻ “độn giáp” một hồi rồi thì thào “lúc nãy có một bọn khá đông ở đây, nhưng chúng đã đi theo đường rừng ngược lên Lâm Đồng rồi…có hai thằng lại đi ngược lại, như vậy bọn nó đã chia ra làm hai ngả để đánh lạc hướng”. “Tàu xì” ngán ngẩm nhìn về phía rừng già Lâm Đồng, y nói “A Hỏa, “a Chảy” với “Phì Lủ” sẽ đi theo đường lên cao nguyên, khả năng thằng ĐHC tìm được “mâm đồng” sẽ đi theo đường này, còn “a Lưu” sẽ chạy về tìm “Bảy Cua” huy động lực lượng bao vây chặt Madhagui, sau đó sẽ chi viện sau – ngộ và sư phụ “Kây Quay” sẽ đánh xe ra khu Bầu sấu chặn hai thằng kia lại để tra hỏi…”
………………………………….
K-krok tuy hiền lành nhưng nhìn bề ngoài nom rất dễ sợ, tóc xoăn tít, da đen sì sì, hai mắt trắng dã. Anh ta thuộc nhóm “cà răng căng tai”, mặt xăm vằn vện, cổ lại đeo ba cái nanh heo rừng, quanh năm chỉ đóng khố, con nít người Kinh mà nhìn thấy chắc phải khóc òa. Pháp sư “Kây Quay” muốn hăm dọa phủ đầu nên ông ta xòe ống tay áo, con rắn “hổ bướm” phóng ra như điện xẹt, dưới ánh nắng bảy màu của nó càng sáng rực, lấp lánh. Con rắn phóng vùn vụt đến bên K-krok …..khi đến gần, bỗng nhiên nó đổi hướng phi tuốt vào rừng già mất dạng. Thấy con rắn hổ bỏ chạy, “Kây Quay” muốn dùng “đại thủ ấn” để hạ K-krok nhưng cảm thấy khí lực trong người bỗng nhiên mất hết, hơi thở cứ đứt quảng không liền lạc nên bao nhiêu pháp thuật không thi triển được, cả người bỗng rệu rã như bị Tổ hành vậy,  y nhìn ra xung quanh, thấy trời dường như tối đen lại, hàng đám ma rừng lởn vởn, gào rú bao vây thì thất kinh hồn vía, hoảng sợ bỏ mặc “Tàu xì” ở lại, phóng vọt ra chiếc Harley leo lên chạy một mạch không dám quay đầu. Thấy pháp sư đã bỏ chạy, “Tàu xì” cũng run trong ruột nhưng địa vị “đại ca” đâu cho phép y làm thế, vẫn cố đứng vững như chôn chân xuống đất – “Tàu xì” cười gằn - nếu dùng pháp thuật không được thì dùng vũ khí hiện đại vậy – y móc trong người ra khẩu Col45 to đùng, chĩa ngay về phía K-krok “cạch…cạch…cạch…” bắn liền ba phát mà không hiểu sao đều bị đạn lép, “Tàu xì” cảm thấy xung quanh bắt đầu có thuyền của người Xtiêng kéo đến liền xoay người bỏ chạy. Bình thường quen “lên xe xuống ngựa”, đến lúc phải bỏ chạy, mà là chạy bộ, “Tàu xì” vác cái thùng nước lèo lạch phạch cũng nhanh ra phết….
 
 
Pho tượng thần Silva có bốn tay bằng đất nung cuối cùng cũng mang được đến chỗ thầy cúng Điêu-krắk. Ông ta dùng nước suối trong vắt có pha trầm hương để tắm cho pho tượng cẩn thận, đọc một bài kinh thật dài, đánh một hồi trống, sau đó mới mang giấu ở trong hang sâu. Người Xtiêng không thờ thần Silva nhưng Điêu-krắk muốn những gì thuộc về vùng đất thánh linh này sẽ mãi mãi thuộc về nó….Đây là vùng đất thiêng liêng của những linh hồn chưa thoát khỏi vòng trần thế….