Người dịch: ĐẶNG VĂN VIỆT
- 6 -

8. Những tiền đề

 

Tôi xin thề một ngày nào đó tôi sẽ đưa con thuyền Đông Dương trở về bến
Tháng 10-1940, nhận được một in mật báo từ Sài gòn, tướng de Gaulle viết: “Dưới mắt tôi, (…) Đông Dương xuất hiện như một con tàu lớn bị hư hỏng mà tôi không đến cấp cứu được trước khi tập hợp những phương tiện cứu hộ. Nhìn chiếc tàu xa dần trong sương mù, tôi xin thề một ngày nào đó tôi sẽ đưa con thuyền Đông Dương trở về bến”.
Ngày 14-6-1943, ở Algeri, một vị tướng tham mưu của tướng Giraud, tổng chỉ huy lực lượng quân đội Pháp ở Bắc Phi, có cơ hội trình bày với tướng de Gaulle những kinh nghiệm của ông về Đông Dương và những điều kiện mà chúng ta có thể hi vọng để trở lại mảnh đất này. Đó là tướng Sư trưởng Roger Blaizot, trưởng thành từ các lực lượng bộ binh thuộc địa. Ông đã nhiều lần phục vụ ở hải ngoại, đặc biệt ở Hà Nội năm 1936, ông là tham mưu trưởng của tướng Buhrer. Ở đây ông đã có được những hiểu biết sâu sắc đặc biệt của xứ này. Trong cuộc đổ bộ của quân Mỹ xuống Bắc Phi, tháng 11-1942, Blaizot là chỉ huy đánh vào điểm tựa Dakar, ông đã thương lượng và lôi kéo được lực lượng AOF về nước Pháp tự do(1). Đầu năm 1943, ông được điều sang Algeri, được giao nhiệm vụ củng cố lại các lực lượng ở thuộc địa, ông cũng nhận nhiệm vụ thành lập Sư đoàn 9 bộ binh thuộc địa.
Một cuộc bàn luận lần thứ hai về Đông Dương đã xảy ra vào tháng 8 ở Algeri. Ngày 18-9-1943, tướng de Gaulle và tướng Giraud đã gửi cho Churchill, Roosevelt và Stalin một giác thư khuyên nên dùng “một lực lượng quân Pháp vào giải phóng Đông Dương”. Song song, de Gaulle phân công hai vị quan cao cấp của phủ toàn quyền ở Algeri là Léon Pignon và Henri Laurentie, dự thảo một văn bản nói lên ý định của nước Pháp muốn “cho Đông Dương một quy chế nằm trong Liên hiệp Pháp”. Bản tuyên bố của tướng de Gaulle, được công bố ở Brazaville ngày 8-12-1943, nội dung bản tuyên bố nói: 5 nước của Liên bang Đông Dương nằm trong Liên hiệp Pháp sẽ được hưởng tự do riêng. Theo ông Laurentie, bản tuyên bố này đã được ông Hồ Chí Minh hoan nghênh.
Tướng Blaizot, được phong lên chỉ huy binh đoàn theo quyết định của Hội đồng Quốc phòng ngày 4-10-1943, ông được chỉ định là Tổng chỉ huy các lực lượng viễn chinh Pháp ở Trung cận Đông, có quân số là hai lữ đoàn bộ binh. Một lữ đang đóng ở Madagascar (ở đây đã có sẵn một số vũ khí của Anh để lại sau cuộc đổ bộ năm 1942). Lữ thứ hai, gồm các lực lượng của Bắc Phi. Blaizot tập trung thời gian để xây dựng lực lượng FEFEO.
Từ tháng 1 đến tháng 10-1944, những khó khăn gặp phải rất khác nhau, trước tiên là sự gia ơn nhỏ giọt cho việc thành lập những đơn vị ưu tiên để đổ bộ lên đất Pháp, tiếp theo là sự do dự trong việc phân công của các nước Đồng minh trên mặt trận Đông Nam Á; tiếp nữa là việc lấn quyền với tổ chức tình báo Pháp, mà vai trò của DGER(2) điều hành Jacques Soustelle. Tổ chức này càng tỏ ra rất hẹp hòi và ích kỷ.
MỘT SỰ HÀN GẮN KHÔNG THỰC HIỆN ĐƯỢC
Tháng 6-1944 đã diễn ramột sự kiện mà ít người biết đến: đó là sự không nhất trí trong việc thực hiện ý đồ sát lại gần nhau của hai vị tướng de Gaulle và đô đốc Decoux. De Gaulle thì muốn giải thích cho Decoux biết những ý định của nước Pháp tự do về Đông Dương, và muốn Decoux đồng tình với mình trong việc hành động chống lại quân đội Nhật. Ông đã giao mọt uỷ nhiệm thư tự tay viết cho François de Langlade. Ngày 5-7, Langlade đã nhảy dù xuống Bắc Kỳ và được tướng Mordant, nguyên là Tổng chỉ huy quân sự, đã nghỉ hưu gần một tháng. Moóđăng đã cản không cho Langlade gặp Decoux, huỷ lá thư huỷ nhiệm, và khuyên giao lại cho Decoux quyền điều khiến cuộc kháng chiến. Bức thông điệp “tay ba” kể trên trở lại Paris. Lúc trở về, Langlade báo cáo lại tình hình. De Gaulle đành phải trở lại gặp Decoux. Cuộc gặp gỡ bí mật đã diễn ra ở Hà Nội vào tháng 11. Tướng Decoux viết:
“Người đối diện với tôi không cho biết điều gì cụ thể, ông đó tránh nói đến sứ mệnh lần trước của ông ở Đông Dương. Ông ta tuyên bố là chính phủ lâm thời tán thành đường lối tri mà tôi đã áp dụng cho đến bây giờ đối với quân Nhật và không có gì phàn nàn với tôi. Và cũng nhừo vậy mà tôi không bị một cái án 26 tháng tù treo”.
Mordant đã là Tổng đại diện của Uỷ ban hành động cho việc giải phóng Đông Dương. Sự dối trá trên đã đưa đến: De Gaulle không thực hiện được sự liên kết với Decoux (đô đốc 4 sao) trong nhiệm vụ chung mà ông mong muốn, trái lại đã buộc ông phải trao trách nhiệm cho một người mà tính tình trái ngược hẳn với mình. Ông này đã điều hành công cuộc kháng chiến ở Bắc Kỳ, với một sự vụng về và những sở hở, đã đưa đến hậu quả là sự đàn áp tàn bạo của quân Nhật ở Lạng Sơn trong cuộc đảo chính 7 tháng sau đó.
Trong tháng 9, tất cả các cơ quan, các bộ, các phòng làm việc và nhân viên đều từ Algeri về Paris. Tướng Blaizot được tin ông sẽ được phái đi Sri Lanca làm đại diện bên cạnh đô đốc bá tước Mountbatten, Tổng chỉ huy quân đội Anh ở vùng Đông Nam Á. Ngày 20-9, trong một cuộc gặp gỡ, de Gaulle giao cho Blaizot một bức thư gửi đặc biệt cho đô đốc. Blaizot không hiểu đối với ông đây là một cuộc tiếp xúc với cơ quan tham mưu của Bộ chỉ huy Đông Nam Á (SEAC) hay là việc đặt một phái đoàn thường trú. Ngày 4-10, Blaizot lên đường không một lời chỉ đạo của thủ tướng chính phủ và cả của Uỷ ban hành động quốc phòng. Một cách dễ hiểu, ông nghĩ, đây là mọt cách loại trừ một đặc phái viên mà người ta không thích. Việc này xảy ra 11 tháng sau.
Ngày 26-10, tướng Blaizot đến Sri Lanca trên chiếc tuần dương hạ Dumont d’Urville, là một trong những chiến hạm đã đánh chìm những tàu chiến Siam hồi năm 1940, ông xin gặp ngay đô đốc Mountbatten và đã chuyển giao lá thư của tướng de Gaulle. Những dấu hiệu tự nhiên về sự quan tâm của đô đốc là những dấu hiệu tốt lành cho tương lai. Điều đó được xác minh. Một chi tiết là sự báo hiệu làm cho người Pháp phải chú ý đến. Đó là những lá cờ của bốn nước Đồng minh trong tổ chức SEAC gồm: Anh, Trung Quốc, Hà Lan và Mỹ. Đến tháng 11, lá cờ Pháp được bổ sung. Trong hai tháng cuối của năm 1944, nhiệm vụ của phái đoàn là tìm những viện trợ về người và của. Việc này được chấp nhận một cách khó khăn. Trong khi ấy lực lượng DGER vẫn tiếp tục phong toả đặc biệt trong phạm vi vận chuyển bằng đường không và đường thông tin.
Blaizot trở về Paris vào trung tuần tháng 1-1945 để báo cáo công việc cho chính phủ, làm sáng tỏ quan điểm của mình và để chấp nhận được những phương tiện yêu cầu từ mấy tháng nay. Tướng Blaizot được Alphonse Juin, Tổng tham mưu trưởng của Bộ Quốc phòng, sau đấy được tướng de Gaulle tiếp. Hai ông này tỏ ra tán thành đề xuất của Blaizot trong kế hoạch trở lại Đông Dương bằng một trận đánh phối hợp với SEAC. Điểm đổ bộ vào Đông Dương phải gần với các căn cứ của Anh, nó sẽ là một đầu cầu cho một lực lượng lớn của Pháp dưới sự bảo trợ của quân Anh. Có mọt kế hoạch khác đề xuất bởi Mordant và Aymé (là hai tướng chỉ huy cao cấp mới): theo kế hoạch này thì “thực hiện duy trì kéo dài càng lâu càng tốt sự chiếm đóng của quân đội Pháp ở đồng bằng Bắc Bộ, các thành phố lớn và dùng những lực lượng nhỏ đánh chiếm những vùng hiểm trở tạo nên những chiến khu”.
Trong cuộc hợp của Hội đồng Quốc phòng ngày 30-1-1945, tướng Blaizot nhấn mạnh đến sự cần thiết phải thành lập không chậm trễ đạo quân viễn chinh. Việc này có ý nghĩa làm cho Đồng minh thêm lòng tin cậy và đáp lại yêu cầu của đô đốc Mountbatten thành lập một Bộ chỉ huy Pháp thống nhất. Soustelle đánh giá thấp những ý kiến trên và không đưa đến một quyết định nào trước sự thất vọng của tướng Blaizot. Đến tháng 9-1944, tướng Koenig đã có nhận xét: “Đừng quên rằng, nhân danh là Tổng chỉ huy các lực lượng vũ trang nội địa, đến tháng 6 gần đây, tôi chỉ nhận được của Đồng minh những tiếp viện cần thiết sau khi đã làm tê liệt toàn bộ lực lượng DGER”.
Trên đường về, với sự khẩn khoản yêu cầu của chính phủ, ông ghé thăm và kiểm tra lữ đoàn ở Madagascar, và ngày 30-3-1945 ông về đến Sri Lanca. Ông lấy làm lo ngại về sự đảo lộn tình hình ở Đông Dương sau cuộc đảo chính của Nhật ngày 9-3. Ông đứng trước tình thế xảy ra một sự tranh giành ảnh hưởng do tên đại tá Dewawrin, hay Passy là tổng thư ký mới của DGER tiến hành. Tên này có âm mưu nắm quyền điều hàn kể cả Calcutta, và thay thế ông bên cạnh Bubaten. Việc gì đã xảy đến?
Ông Adré Saint - Mleux phát hiện là toà đại sứ Nhật ở Sài gòn đã hé mở cho biết là vào cuối năm 1944, nước Nhật sẽ bắt buộc phải xem lại đường lối chính trị của họ đối với Đong Dương, khi mà quân đội Mỹ trở lại Philippineses.
Từ ngày 25-1-1945, tướng Juin, bằng một bức điện, đã báo động cho các cấp chỉ huy quân sự ở Đông Dương về cuộc đảo chính có thể xảy đến. Ngày 2-2, tướng McArthur đã đến trước Manille và ngày 23, đô đốc Decoux lo lắng trước sự diễn biến của tình hình đã gửi một bức điện tối mật cho Bộ Thuộc địa.
“Tôi chỉ nhận được những bức điện không có dấu, không ghi nơi gửi, không kí tên, tôi đoán đây là những chỉ thị cần thiết của chính phủ giao trách nhiệm cho tôi, gửi đặc biệt cho riêng tôi, tôi coi có giá trị như trước đây có chữ kí của Bộ trưởng Bộ Thuộc địa hay của thủ tướng Chính phủ. Tôi rất hiểu sự có ích của phong trào kháng chiến, nhưng bị bao vây bởi những hiệp định hiện hành, bởi trách nhiệm nặng nề trong việc duy trì trật tự và các quan hệ ngoại giao… Tôi khẩn khoản mong được cấp trên cho những thông tin đang song song diễn biến… Sự thiếu cân đối trong việc tổ chức kháng chiến có thể làm cho tôi rát bị phiền trong việc làm yên lòng mọi người và đoàn kết những người Pháp. Nó có thể có một ảnh hưởng lớn đến sự trật tự bên ngoài. Việc loại bỏ quân đội Nhật ra khỏi xứ Đông Dương chỉ là vấn đề thời gian. Cho nên vì quyền lợi nước Pháp, những sáng kiến quá sớm có thể đưa đến một cuộc đảo chính, làm đảo lộn mọi tình thế, không thể tiến hành mà không cho tôi biết”.
Ở Paris, bức điện của ông bị coi như một bức thư chết.
Chú thích:
(1) Theo quyết định của tướng De Gaulle “Nước Pháp tự do” sẽ gọi là “Nước Pháp chiến đấu” kể từ ngày 14-7-1943.
(2) DGER: tên của Tổng nha nghiên cứu và khảo sát. Sau này đổi thành: Cơ quan tình báo đối ngoại và phản gián (SDECE). Cuối cùng lấy tên là Tổng nha tình báo đối ngoại (DGSE).