ùa hè năm ấy, ông Lê Thành Tài cho phép mình được ra Cấp nghỉ mát một tuần và ngẫm nghĩ thêm về tương lai của giáo dục nước nhà. Ông mặc xi-líp, lội xuống bãi Sau nhúng kỹ nước mặn rồi lên bãi cát nắm dài, đeo kính râm vào nhìn ngắm trời cao để tin tưởng rằng đời thật đáng sống và Chấn Hưng học đường sẽ phát triển một cách huy hoàng. Sau bảy ngày nhúng ướt rồi lại phơi khô một cách đều đặn như vậy, ông tự thấy mình có đủ rắn chắc để mà cọ xát với đời, nên trả tiền phòng một cách hoan hỉ và lên bến xe, mua một chỗ ngồi băng trước để về Sài Gòn.Vừa đến Sài Gòn, ông được một tin quan trọng: cách trường sở ông không xa, người ta đang xây một trường sở lớn, và những nền móng đầu tiên đã được hoàn thành. Ông Xu báo cái tin ấy kèm theo độ năm, sáu tiếng chửi thề tũc tĩu. Ông hiệu trưởng Tài khuyên bảo:- Nên mừng vì người ta mở thêm trường để cho đủ chỗ con em học hỏi. Đừng nên vì sự cạnh tranh mà quên mục đích giáo dục. Còn trường trại mình, miễn là dạy hay, dạy đúng, là có người học. Đừng lo, đừng lo.Một tuần sau nữa, lại một trường khác được xây cất lên, gần đấy. Và mười ngày sau lại một trường nữa đem cái bề thế quy mô án ngữ ngay đầu ngõ hẻm vào trường Chấn Hưng. Những trường sở này có vẻ nghênh ngang của kẻ nghĩ rằng ta-đây-vốn-có-nhiều-tiền, và cao lớn hẳn với nhiều tầng lầu sáng sủa, đầy những cửa sổ mở toang trông như những cặp mắt lớn soi mói nhìn xuống phố phường cố tìm cho hết học sinh để mà thâu nạp. Một điều ai cũng nhận thấy - kể cả ông hiệu trưởng Tài - là sau khi các trường ốc ấy hoàn thành rồi thì cái Chấn Hưng học đường trở thành bé nhỏ một cách thảm thương và khó lòng quan niệm được nó là một trường trung học. Ý chừng học sinh cũng nhận thấy thế, nên khi các trường đồ sộ kia treo bảng hiệu, trương các quảng cáo, giăng các biểu ngữ, dán các bích chương, đăng báo, lưu ý phụ huynh cùng với học sinh, đồng thời giới thiệu một khung giáo ban đặc sệt văn bằng, chức sắc, cùng các vai vế xã hội đáng nên kiêng nể thì các cô cậu học trò không một giây phút ngần ngại đồng ý thấy đó là những trường học lý tưởng. Đến ngày nhập học, sĩ số Chấn Hưng học đường vơi đi một nửa. Ông hiệu trường Tài tập họp giáo ban, phủ dụ như sau:- Xin các bạn cứ yên lòng. Ở xã hội này, cái vỏ bề ngoài không chắc gì bảo đảm được cái ruột bề trong. Học sinh đến trường là để học tập, nhưng họ đang còn ở vào cái tuổi nông nổi nên dễ chạy theo hình thức. Một lúc nào đó, họ sẽ chán nản về lối dạy dỗ thương mãi, và sẽ quay lại với ta. Xin cứ hết lòng kiện toàn phương pháp, chỉnh đốn tổ chức, trau dồi sư phạm, chúng ta nhất định sẽ thành công lớn.Ông Huỳnh văn Xu và ông Trương Bảng cùng rầu thối ruột nhưng cũng làm ra tin tưởng lời ông hiệu trưởng. Sau một tháng đầu, học trò xuống thấp còn một phần ba. Trước kia vì là trường trại lý tưởng, nên các giáo sư đòi hỏi học phí phải được chia đều theo một tỉ lệ công sức hợp lý, sau khi đã trừ các khoản chi tiêu cần thiết cho trường và một đảm phụ cho ông hiệu trưởng. Bây giờ tiền dạy giờ trở nên bé mọn một cách ảm đạm và nhiều giáo sư bắt đầu so sánh với giá biểu các trường khác. Họ bỗng thấy mình dại dột một cách cụ thể và chợt hiểu mình không thật sự là người những người theo đuổi lý tưởng, nhưng buổi ban đầu đã đón bắt lý tưởng một cách hăm hở vì nó có vẻ hấp dẫn và hứa hẹn nhiều. Bây giờ rõ ràng là chuyện lý tưởng không còn hợp thời. Lập tức, họ mơ ước được làm các giáo sư trường khác. Người bỏ Chấn Hưng học hiệu ra đi trước hết là thi sĩ Hồng Hoa Phượng Điệp, một người thích nói nghệ thuật thuần túy nhưng lại mê tiền vào hạng siêu đẳng. Tiếp đến là giáo sư Lý văn Lăng, một người xem các trường học là những nhà ga, mà mình là một con tàu. Con tàu thường thích đỗ lâu tại các ga lớn, có lẽ vì ở nơi đấy có nhiều than củi, dầu nhớt, khách hàng. Suốt niên khóa ấy, ông hiệu trường Tài trở nên ít nói, ông Cảnh thấm thía nhiều hơn về sự đảo ngược ở trong trường tư hiện tại, ông Hoàng Như Ngà giận dữ thêm lên, ông Nguyễn Thế Tài lại càng mềm mỏng, hiền lành hơn nữa. Niên khóa trôi đi một cách u buồn và trường Chấn Hưng có vẻ đượm màu tang tác như bận hoài niệm lớp người quá cố là những học sinh và những thầy giáo ra đi. Nghỉ hè năm ấy, ông Lê Thành Tài không xuống nghỉ mát dưới Cấp. Theo ông, dưới ấy bây giờ dơ lắm, không tắm rửa được, hàng quán cũng mất vệ sinh và tuồng như là nước biển cũng không còn nhiều chất muối như xưa. Tốt hơn, cứ nên ông nhà xối bằng nước giếng, cắm cái quạt máy kề bên và tưởng tượng đang tắm suối Đà Lạt.Vào niên khóa mới, cả trường hồi hộp chờ đợi học sinh như một tình nhân mới lớn chờ đợi người yêu ban đầu. Học trò xuất hiện như hoa mùa thu, lưa thưa, héo hắt. Một số vào trường đảo mắt nhìn quanh ra chiều thương hại rồi bước vội ra, hối hận đã tạo cho mình một dịp xúc động vô ích. Một số chăm chỉ đọc danh sách của giáo sư viết bằng phấn màu, có vẻ ngơ ngác không hiểu các nhân vật này là loại người nào mà lại bày chuyện hành nghề giáo dục ở nơi quá hẻo lánh này, rồi một đứa khác thừa dịp ông Huỳnh văn Xu đang bận nghiên cứu bề dày ngoan cố của tập biên lai, bèn thò tay vào tấm bảng chùi bớt một số chữ trong tên họ giáo sư để cho đỡ buồn, do đó ông Cảnh trở thành ông Cản, ông Ngà thành ông Gà và hai ông Tài đều biến thành hai ông Tì. Cuối cùng, cũng có một số bằng lòng vào học, sau khi so sánh giá cả học phí, và thấy Chấn Hưng học đường rẻ hơn nơi khác độ gần vài chục. Buổi sáng của hôm khai giảng, ông hiệu trưởng vào các lớp đếm đi đếm lại đến lần thứ sáu và thấy không một lớp nào sĩ số quá năm học sinh. Trung bình mỗi người học trò, có thể ngồi bốn cái bàn và bốn cái ghế khá dài mà không sợ bị chen lấn, xô đẩy bất cứ từ phương hướng nào. Một sự rộng rãi như vậy có vẻ quá đáng, dễ khiến học trò, đặc biệt là các nữ sinh, cảm thấy cô độc, và những bài làm khó khăn trở thành một thứ tai nạn không ai cùng mình chia xẻ rủi ro. Về phần giáo sư, tuy có những người thích một sĩ số rất thấp như ông giáo Ngà, nhưng khi nhìn thấy tổng số học sinh mỗi lớp đều không vượt qua số lượng các ngón trên một bàn tay, thì ông choáng váng thật sự, rút vội ve dầu cù là Mac Phsu và bôi liên tiếp cho bớt lạnh lẽo, vừa biện hộ cho vẻ mặt rầu rĩ của mình.Suốt một tháng đầu, mặc dầu có sự thêm bớt học sinh ở trong các lớp, nhưng xét tổng số thì không có gì thay đổi. Ông Tài kêu gọi giáo sư ai có con em nên đưa vào học khỏi cần học phí để cho nhà trường bớt sự hoang lạnh, tiêu điều. Ông Nguyễn văn Hai là nhà toán học đại tài nên đã kiểm điểm mọi mặt chi tiêu và thấy món tiền thù lao nhận được hằng ngày không đủ cho ông ăn bát phở tái và đổ nửa lít xăng vào cái xô-lết. Ông bỗng bùi ngùi nhớ lại những ngày vàng son bên cạnh các kho nước mắm thơm phức ở ngoài Phan Thiết. Ông hiệu trưởng phải họp các giáo sư hằng tuần động viên tinh thần, nhưng ông thấy họ có vẻ nghiêm nghị hơn xưa như đang bận tâm suy tính việc gì lớn lao. “Có lẽ họ bận nghĩ về hiện trạng giáo dục”, ông Tài tự bảo như vậy, để cố chối bỏ ý nghĩ rằng họ đang lo về chuyện bạc tiền. Về phần ông Huỳnh văn Xu và ông Trương Bảng thì sự thi hành kỷ luật có vẻ gắt gao hơn trước. Ông Xu tuyên bố:- Mọi sự vi phạm nội quy của trường cần được thi hành kỷ luật tối đa.Và cứ mỗi buổi ông lại vào lớp, sau khi lịch sự xin phép giáo sư, ông trừng cặp mắt gờm gờm nhìn từng học sinh để xem có đứa nào nuôi dự định trốn học hay không, rồi còn dặn đi dặn lại chúng nên chuyên cần học tập, bởi vì kỷ luật nhà trường là kỷ luật sắt, nhất định không chịu nhân nhượng một ai, cho dù học sinh là cháu đích tôn của ông Tổng thống xứ Anh Cát Lợi! Ông Xu vừa ra, lập tức có ông Trương Bảng vào liền. Ông này trịnh trọng cám ơn giáo sư “trường ta” đã không nản lòng trong việc dạy dỗ con em, kêu gọi học sinh “trường ta” nỗ lực phi thường để làm rạng rỡ con cháu rồng tiên, nhất định tin tưởng rằng “trường ta” sẽ phát triển tột bực, bởi vì hiện nay trường đang gạt bỏ tất cả phần tử học sinh bất hảo qua các ngôi trường khốn nạn chung quanh để chỉ giữ lại một số “tinh hoa thế hệ”.Nhưng có một số tinh hoa thế hệ không chịu đóng đủ các khoản học phí cho nên ông Huỳng Văn Xu bắt buộc phải mời ra khỏi trường sở. Ngoài ra, những số còn lại cũng gây lắm nỗi khó khăn cho trường, cụ thể là ít học bài, chuyên môn ngủ gục trong khi thầy giảng, vào lớp trễ giờ và đi cầu tiêu rất ư bừa bãi, không bao giờ chịu dội cầu mà còn thích viết đủ chuyện ái tình thời đại lên bốn bức vách chật hẹp của căn nhà xí hơn là chịu làm bài tập ở giữa lớp học thênh thang. Những sự kiện ấy chứng tỏ một cách hùng hồn rằng chí có những học trò bị các trường lớn đuổi ra, bây giờ mới đến Chấn Hưng học đường để tìm một chỗ hẻo lánh dung thân qua ngày. Ông Lê Thành Tài đón nhận tin ấy không chút thay đổi sắc mặt và bảo:- Được rồi. Có thế mới thấy khả năng giáo hóa của trường chúng ta. Đó cũng là một thử thách thú vị, rồi xem ta sẽ biến đổi họ thành ra những người như thế nào.Ông Xu thở dài:- Nhưng nó sẽ là một quảng cáo xấu cho trường sở mình. Khác nào mình thú nhận rằng: “Ở đây chỉ chứa toàn đồ phế thải”, còn ai dám đưa con em đến học?Ông Trần văn Cảnh tiếp lời:- Chúng ta không mong gì cạnh tranh lại với các trường kia. Ngày nay người ta tìm sự giải trí nhiều hơn tìm sự mở trí, mà trường chúng ta có gì là vui vẻ đâu? Các ngài nghĩ xem...Và ông mô tả về sự rộn rịp của các ngôi trường to lớn, trong đó học trò chen chúc giữa một khung cảnh đông đảo, vô cùng quyến rũ. Theo ông, số đông những người tuổi trẻ ngày nay là lớp bơ vơ, vì họ không còn mong nhờ vào cha mẹ được, không còn tin tưởng vào các giá trị xã hội, không còn mong đợi gì hết ở các đàn anh. Cho nên họ không tin cả chính bản thân họ. Trong sự lạc loài như vậy, tâm hồn họ dễ cảm thấy nỗi niềm cô độc, sợ hãi, và họ thích tìm đám đông, cũng như họ thích manh động. Giữa đám đông ấy, họ có ảo tưởng dễ dàng về lòng tự tin, cũng như qua sự manh động, họ nuôi ảo tưởng về một sức mạnh phiêu lưu. Cả cái xã hội ngày nay sống bằng kinh tế cạnh tranh, nghĩa là bằng sự quảng cáo ồ ạt đã tạo cho mọi con người một ám ảnh hình thức hết sức đậm đà khiến họ chạy theo vỏ ngoài hào nhoáng và thích những gì có vẻ bề thế, có vẻ lòe loẹt, thích trò chưng diện phô trương, tức là thích những thế lực vật chất hơn là thế lực tinh thần. Trường ta, với cái bề ngoài lạt lẽo là vậy, với cái cuộc sống khiêm tốn là vậy, làm sao quyến rũ được một số trẻ đang bị mê hoặc bởi cái ảo ảnh bề ngoài!Ông Trần văn Cảnh cố gắng để làm một cuộc phân tích tình hình. Học sinh giã từ Chấn Hưng học đường không chút vấn vương, kiểu như cô gái đồng quê ham hố cuộc sống phố phường, sau khi đến chốn thị thành cảm thấy cuộc đời ngày xưa ở trong lũy tre của mình sao mà tối tăm là vậy! Những ông thầy dạy ở các trường lớn quả là đáng mặt giáo sư! Áo quần của họ là thứ đắt tiền, có đường, có nếp thẳng bon trông bén như là lưỡi dao. Có đâu như các ông giáo Chấn Hưng mặc loại rẻ tiền, ba ngày chưa thấy đổi thay, lại quá lùi xùi như đồ bán xôn Chợ Cũ để mà lau xe cho những nhà sang! Vẻ mặt của các ông giáo trường lớn trông cũng trang trọng, lầm lì, có vẻ trí thức ta-đây-học-rộng-biết-nhiều-không-thèm-nói-chuyện-với-bọn-nhà-quê-dốt-nát! Chứ đâu có cách ăn nói xuề xòa, dễ dãi của các ông giáo Chấn Hưng! Ở các trường lớn, người ta đi xe ông tô sáng bóng, có ông giáo sư chễm chệ ngồi ở băng sau như một bộ trưởng gặp thời, và người tài xế mặc đồ đồng phục, đội cái cát-két theo kiểu “nhà quan”, mỗi lần thắng xe cái rộp là vội bước xuống, vòng qua đầu xe đến ngay cửa sau trịnh trọng mở cửa, lùi ra một bước để cho ông giáo từ từ bước xuống rồi mới nghiêng mình đón ông đi qua, đoạn lo đóng ập cửa lại để giữ chút gì hơi hướng nơi người ấp ủ trong xe cho khỏi tản mác ra ngoài! Còn các giáo sư Chấn Hưng học đường sao mà nghèo vậy! Họ đi xe đạp cút kít như những tùy phái về già, và hẳn là họ không tiền vì họ bất tài. Chỉ có hai ông giáo sư là kiếm được chút máy nổ đưa chân, nhưng sao xe cộ của họ trông cũng tồi tàn là vậy! Cái xe Xô-lết của giáo sư Hai rõ ràng là thứ vừa xô vừa lết đó thôi. Còn cái xe mô-bi-lết của ông Tài cũng chỉ là loại trâu già đáng đem vào bảo tàng viện để giữ gìn một hình ảnh máy móc trong buổi suy tàn. Nhiều lúc đang chạy xọc xạch giữa đường, chiếc xe bỗng dưng trở chứng cấp kỳ theo kiểu tuổi già thọ bệnh tứ thời và từ chối mọi xê dịch theo lối có khói. Ông Tài vội vàng dựng xe đứng vổng hẳn lên trên cây trụ chống lỏng khỏng, sau khi ngó lui để xem có một học trò thân mến nào ở gần đấy hay không, và khi chắc bụng rằng chẳng có môn sinh nào chứng kiến, ông mới vội vã leo lên hì hục đạp tròn nhiều tua theo kiểu vòng quanh thế giới. Thông thường trong sự nỗ lực như vậy, mồ hôi ông Tài chảy ra ướt cả vạt áo trước sau và ông có kinh nghiệm rằng chỉ khi nào lớp mồ hôi tràn xuống tới hai đầu gối thì máy mới chịu lên tiếng. Cũng có trường hợp xui xẻo, mồ hôi chảy tới gót chân mà máy vẫn giữ vững sự im lặng, nhất định không chịu tiết lộ một ý định nào về một chuyến đi chờ đợi. Học trò ông Tài cho rằng giáo sư mà đứng hì hục đạp xe như vậy là không trí thức, nên sau nhiều bắt gặp thầy đang bất lực trước món đồ cũ, học trò có vẻ coi thường và đoán chắc thầy không có bao nhiêu kiến thức. Nếu quả là ông ấy giỏi (và cái tiếng giỏi hiểu theo xã hội chúng ta là làm ra được nhiều tiền) thì sao ông ta không có xe hơi Huê Kỳ? Ít nhất ông ta cũng phải có xi-cút-tơ đeo cái bảng số mới nhất chứ lại! Mô-bi-lết cũ vào loại cà tàng là nên dành cho các chú Ba Tàu giao hàng chạp phô. Như vậy, trường học Chấn Hưng là một loại trường mạt rệp, hết xài. Con gái mặc đầm chẳng có một ai chịu khó bước vào trong cổng trường ấy. Con trai đi xe gắn máy mới toanh cũng chẳng thèm ghé vào sân trường ấy. Bởi vì, những món hàng thích phô trương phải tìm những chón đông người nhìn ngắm, chẳng lẽ lại đến Chấn Hưng học đường để tu khổ hạnh hay sao?Ông Lê Thành Tài nghe ngóng tất cả ý kiến với sự im lặng của một con am hiểu sự đời. Xong, ông khuyến khích:- Quả tình chúng ta đang ở vào thế gay go, trong đó những gì gọi là lý tưởng đều bị đè bẹp dễ dàng bởi những sinh hoạt tầm thường. Nhưng nếu ta chịu bỏ cuộc là ta đầu hàng, và sự đầu hàng không phải là cái thái độ đáng sống. Chúng ta cần phải xây dựng một lối giảng dạy tốt hơn các lối giảng dạy hời hợt thường thấy trong các học đường hiện tại. Các bạn đừng nên nản chí. Trời không bao giờ phụ kẻ có lòng.Ông Cảnh nhìn ông hiệu trưởng từ đầu đến chân ra chiều cảm động, rồi mới bùi ngùi nói rằng:- Này ông hiệu trưởng, ông thực là một con người rất quí không phải dễ gì có thể tìm gặp bất cứ ở đâu trong thành phố này. Nhưng ông cho phép tôi được nói ra một điều thành thực, mà khi nghe xong, ông có thể giận đủ suốt mười ngày.Đến đó, ông Cảnh im lặng. Ông Lê Thành Tài cũng cố giữ vẻ yên lặng để nghe. Cuối cùng, ông Tài chịu không thấu nổi một sự yên lặng kéo dài, kêu lên:- Thì anh cứ nói ngay đi. Tôi sẵn sàng nghe đây mà.Ông Cảnh trả lời:- Có lẽ đừng nên nói gì là hơn. Như thế, ông sẽ giận tôi nhiều lắm là chừng vài ngày, đỡ bớt tám ngày khó chịu cho cả đôi bên.- Tôi sẽ không giận ông đâu.- Ít nhất ông cũng thành thực lầm tưởng như vậy, khi tôi chưa nói.- Thì ông hãy tin lời tôi!- Còn ông cũng vậy, xin ông hãy tin lời tôi.Rốt cuộc, ông Cảnh không nói gì hết. Ông hiệu trưởng Tài giận đủ hai ngày, rồi thôi. Nhưng riêng ông Huỳnh văn Xu, một người vốn có tà tâm nên thường gán đủ ý nghĩa xấu xa cho những sự việc mà ông chưa hiểu rõ ràng, lấy làm bận tâm hết sức về sự bí mật của ông giáo Cảnh. Ông bèn chuẩn bị khai thác cho được câu chuyện ẩn tàng nào đó có thể làm cho người ta giận dữ đủ nguyên một tuần mười ngày. Nắm được cái bí mật ấy để dành làm một vốn liếng, có thể khi cần ông sẽ tạo được áp lực với ông hiệu trưởng buộc phải nhượng bộ nhiều điều. Vũ khí phổ biến của nhiều con người thời nay chính là nắm bắt được các chuyện kín xấu xa của các đồng bào, đồng loại. Tự vệ bằng chính chính mặt trái của người thiên ha, là một thủ đoạn đầu cơ phổ biến, và tồi tệ nhất của thời đại này. Bằng đủ mọi cách, ông Xu phải nắm cho được cái bí mật ấy.Trước hết, ông phải tỏ ra niềm nở với ông giáo Cảnh. Trong những điều kiện túng quẫn mà phải tỏ sự niềm nở với nhiều người ở Sài Gòn, thật là một chuyện đau lòng. Bởi vì sự niềm nở ấy khó mà bày tỏ hào hứng ở một nơi nào khác hơn là các tiệm nước. Nhưng ông Xu không nản chí, sốt sắng đưa ông giáo Cảnh vào cái thế giới la-ve, củ kiệu, cà phê, để mở một lối tâm tình dịu ngọt. Trong tuần thứ nhất, ông đã chịu đựng ông Cảnh suốt luôn ba hiệp mà không đòi hỏi gì hết khiến cho ông Cảnh lúng túng về sự quan trọng bất ngờ của cá nhân mình, nhiều lần phải thò tay vào túi sau, móc cái bóp da lép xẹp một cách chiếu lệ, nhưng lại kéo ra hết sức khó khăn, vừa kịp cho người đối ẩm xòe đủ mười ngón tay ra cản trở đôi phen, mới chịu ân hận rút bàn tay trống ra khỏi chỗ kẹt để đưa về ngồi trên vị trí đùi. Trong khi chén tạc chén thù, ông Xu đem hết chuyện nhà ra để giải tỏ với ông giáo Cảnh, nào chuyện người vợ thứ nhất của ông mà cái miệng của bà chính là một thứ Biển Hồ lấp mãi không đầy, khiến ông ta phải bắt buộc cắt đứt hợp tác để bảo toàn lấy sự sống cho mình. Nào là bà vợ thứ hai có tính tào lao, đem hết chuyện nhà của ông ra trình diện với xóm giềng. Ông Xu đặt ra câu hỏi và tự trả lời: “Cho nên người ta không thể ăn đời ở kiếp với một cái máy phóng thanh bừa bãi”. Còn bà thứ ba, thôi thì khỏi nói, lẳng lơ một cây, cặp mắt như cái đinh vít xoắn vào mọi kẻ qua đường đến nỗi những lúc cùng đi ngoài lộ ông thấy xấu hổ, đỏ rần mặt mũi. “Ông giáo thấy chưa? Nó nhìn thiên hạ như thế là coi như nó cho điểm mình rồi. Nó cho mình đúng là con dê-rô!”. Bởi vậy, ông mới tìm đến bà vợ thứ tư, và theo như ông tâm sự, thì trong hiện tình ông đang nghiên cứu khuyết điểm bà này.Gặp người cởi mở với mình như vậy, tự nhiên mình cảm thấy cần làm vài cử chỉ thân thiện để được xứng đáng lòng tin của họ, đó là tâm lý của ông giáo Cảnh. Huống hồ mỗi lần vào tiệm, ông Xu lại dành lấy cái bổn phận trả tiền cà phê một cách sốt sắng nên ông giáo Cảnh càng băn khoăn hơn. Bởi vậy, trong lúc đang nói lung tung về chuyện nhân tình thế thái ở trong học đường ngày nay, ông Xu làm như xuất bất kỳ ý nhớ đến câu chuyện hôm nào, gợi lại:- À, thế cái vấn đề mà thầy một hai không chịu nói rõ cho ông hiệu trưởng vì sợ mất lòng, có lẽ là chuyện lương bổng đó chắc?Ông Xu là người khôn ngoan, nên biết đem chuyện tiền bạc để nói với người lý tưởng là một cách chửi độc địa hơn cả. Do đó, ông Cảnh trả lời lập tức:- Không đâu, không đâu, không phải là chuyện lương bổng gì đâu.- Vậy là chuyện gì?- À...- Nếu là chuyện riêng giữa thầy và ông hiệu trưởng thì tôi không dám nghe đâu. Thầy khỏi bận lòng.- Chẳng có bận lòng gì hết. Chỉ là một cái lý lẽ tầm thường, nói ra sợ nhàm tai ông thư ký đó thôi. Ông có biết tôi nghĩ thế nào về ông Tài không? Chẳng là ông ấy là một con người lý tưởng, nhưng là lý tưởng sách vở, nên nhìn mọi việc theo các quan niệm và những dự tính trừu tượng của mình chứ không liệu định được những khó khăn và những thuận lợi thật sự để mà xoay xở. Một người như thế thật là dễ chịu, hiền lành, nhưng không bao giờ mà thành công được. Nói thế có nghĩa là ông ấy sẽ thất bại, bở vì thất bại là một cái gì có thực, và rất cụ thể, cho nên muốn chống lại nó cũng phải có những khí giới cụ thể và thực, mạnh mẽ hơn nhiều. Ông tính, một người học trò lười biếng dù có mơ mộng bao nhiêu về sự đỗ đạt cũng không làm sao cứu vãn được sự hỏng thi chắc chắn xảy ra. Một đôi trái gái thương nhau, tô vẽ một đời tương lai rất đẹp, nhưng nếu họ không biết sẽ làm gì, làm như thế nào cho thật xứng đáng, thì họ cũng sẽ bước vào một cuộc phiêu lưu tuyệt vọng. Ông hiệu trưởng của chúng ta sống giữa đất liền nhưng mang tâm hồn tự một vầng trăng sáng ngày rằm. Ông nghe theo cái tiếng gọi âm ỉ bên trong, đi theo ánh sáng của ngày rằm ấy chứ không quan tâm đến những nhu cầu thực trạng, không đánh giá được bề cao, bề dày của những sự kiện bên ngoài luôn luôn xuất hiện trên lối ông đi, chi phối cả cuộc sống ông và cả xã hội. Làm theo lương tâm, làm theo chí hướng, sách vở bảo vậy, và ông nghe theo như vậy. Những học trò tốt ở trong trường sở của ta, xưa nay không hẳn là những con người thành công trong cuộc chiến đấu với đời. Họ được đào tạo để làm công chức, tư chức, theo một khuôn khổ có sẵn, như bột kia được xay giã để làm một loại bánh nào nhất định. Nếu họ muốn đảm đương một công cuộc lý tưởng thì họ nghễnh ngãng, lạc loài, không khéo lại từ mây xanh rơi xuống vũng bùn u tối. tôi nghĩ họ phải chịu khó đi vào thực tế, xông xáo, tìm hiểu, vì cái lý tưởng cao đẹp phải xuất phát cái thực tế rõ ràng, và phải có cái khả năng cải tạo lại thực tế ấy một cách cụ thể. Ông thư ký nghĩ mà coi, sự học là một cái hoa, mọc trên một cây cối nào, tiếp nhận số phân bón nào, không thể đột nhiên muốn đổi hoa nào cũng được mà không quan tâm đến các phần khác của cây. Một mái trường học lý tưởng rất cần, nhưng nó không chỉ là một cô đảo sớm bị sóng gió làm cho tơi bời mà phải được liên kết chặt với những sinh hoạt khác nữa. Điều nhận xét này có gì là mới mẻ đâu?Ông Xu chán nản đến tận ngón út của bàn chân trái về mấy câu nói của thầy giáo Cảnh. Quả tình là ông không được chuẩn bị để nghe như vậy. Tưởng là ông Tài thâm nợ của ai và sắp bị đưa ra tòa, tưởng là ông ấy bị liệt vào loại sổ đen những kẻ tình nghi chính trị, tưởng là ông ấy có giấu ở đâu một bà vợ bé, và thiệt là bé, cho cam! Bao nhiêu món tiền cà phê, hủ tiếu dùng vào công cuộc tiếp tân chỉ để nghe được một câu lảm nhảm nào là trăng rằm, tiếng gọi, mây xanh, vũng bùn, cô đảo, sóng gió thì chẳng thà đi coi quách một đêm cải lương mà còn mùi mẫn bao nhiêu! Để sự lỗ lã bớt thành đậm đà, ông Xu gắng gượng hỏi thêm một câu cuối cùng:- Ủa? Nếu thầy biết vậy sao thầy không chịu can ngăn ông hiệu trưởng? Sao thầy còn dạy làm chi cho khổ?Ông Cảnh gật gù trước câu hỏi khá sống sượng nhưng mà rất chí lý ấy, trả lời:- Tôi cũng tìm cách can ngăn hoặc xa hoặc gần rồi đó, nhưng cuối cùng tôi thấy rõ mình cũng chỉ là sự kiện thấp thoáng bên ngoài con đường mà ông hiệu trưởng muốn đi. Ông ấy may áo cho ông ấy mặc, chứ không phải cho cuộc đời. Chúng ta có vì cuộc đời mà đưa ni tấc cũng không được ông lưu ý. Như vậy thì tôi còn dạy ở đây làm gì? Vì hai nguyên nhân: một là tôi thích dạy dỗ nhưng không còn trường nào muốn dùng tôi, và tôi cũng không chịu nổi bất cứ trường nào. Ở đây, ông Tài lại tín nhiệm tôi, nên tôi vừa được làm nghề vừa được yêu chuộng, sao lại chối từ? Hai là tôi biết ông Tài sẽ khó thành công theo cái lý tưởng cô độc, mơ hồ như thế, nên tôi muốn nán lại đây với cái hy vọng mong manh là sẽ đỡ vớt được chút nào chăng cho sự sụp đổ của trường. Mất công về một con người lý tưởng - dù là lý tưởng cô độc - kể cũng xứng đáng hơn là chịu thiệt vì những hạng người đê tiện.Ông Huỳnh văn Xu húp luôn cái phần còn thừa của ly cà phê và cảm thấy rõ cà phê, dù có bỏ đường bao nhiêu, cũng không thể nào xóa hết được vị đắng chát.