Địch Thanh khi bị đuổi ra khỏi nha môn, vừa đi vừa suy nghĩ: - Không biết vì ý gì mà Bao Công lại tha mình như vậy. Hay là ông đã có quen biết với cha mình thuở trước chăng? Song phần ta thì khỏi rồi còn hai em ra không biết sẽ thế nào. Còn đang suy nghĩ chưa dứt thì đã thấy Trương Trung, Lý Nghĩa lật đật chạy theo hỏi: - Đại ca sao còn chần chờ nơi đây. Hãy mau rời khỏi nơi đây. Địch Thanh nói: - Vậy chớ Bao đại nhân luận tội hai em thế nào? Trương Trung, Lý Nghĩa đồng thanh nói: - Chưa xử nên chưa biết ý định của Bao đại nhân. Địch Thanh nói: - Ta muốn ở lại đây chờ hai em luôn thể. Trương Trung nói: - Ôi! Công việc còn đang kéo dài biết đâu mà chờ. Hiện nay Bao đại nhân dạy dẫn hai em vào ngục, chờ ngày giải quyết. Địch Thanh nói: - Vậy thì ta cũng phải vào đó mà ở tù với hai em luôn thể. Trương Trung nói: - Đại ca là người vô tội, lẽ đâu vào chốn ấy. Địch Thanh nói: - Sao lại vô tội. Việc giết Hồ Luân là tại ta, không phải tại hai em, sao hai em lại chịu ở tù thay ta? Lý Nghĩa nói: - Anh em ta đã thề nguyền cùng nhau sinh tử thì có gì phải phân biệt điều ấy. Trương Trung kề tai nói nhỏ với Địch Thanh: - Bao đại nhân có ý muốn tha hai đứa tôi, song sợ miệng gian thần phản đối, cho nên còn tạm giữ ít lâu. Xin đại ca yên lòng trở về quán trọ lâý một trăm lượng bạc của tôi còn gửi lại cho chủ quán mà dùng đỡ, rồi sẽ tính. Địch Thanh trở về quán trọ, và ở đó chờ đợi Trương Trung và Lý Nghĩa. Bấy giờ Hồ Khôn nghe gia đinh về báo là Bao Công đã tha tên chánh phạm là Địch Thanh thì cả giận mắng: - Bao hắc tặc! Ngươi thật quá vô tình, không vị nể cha con ta. Nói rôì liền hối gia nhân sắm kiệu qua dinh Bao Công mà hỏi cho rõ. Bỗng có tin Tôn Tú cho người mời sang. Hồ Khôn sẵn kiệu liền thẳng qua dinh Tôn Tú kể hết sự tình. Tôn Tú nghe nói nổi giận mắng: - Thôi! Việc này để cho tôi sang gặp Bao Công trách cho lão vài lời cho bõ ghét. Hồ Khôn từ giã ra về, còn Tôn Tú thì lên kiệu thẳng qua dinh Bao Công. Vừa gặp nhau Tôn Tú nói: - Tôi nghe có ba thằng du côn đánh thách công tử là Hồ Luân, mà tri huyện Phong Khưu là quan sở tại đương tra hỏi, sao ngài lại giành việc ấy đem về xét xử. Có quả thật như vậy chăng? Bao Công nói: - Có! Nhưng tôi hỏi ngài chẳng lẽ vụ án đó chỉ riêng tri huyện Phong Khưu mới tra hỏi được sao? Tôn Tú nói: - Ngài tra hỏi cũng được, song tôi lại nghe ngài tha tên chánh phạm là Địch Thanh là ý gì? Bao Công nói: - Thằng đó thân hình một nắm mà đánh ai đến chết được, đó là chuyện mơ hồ. Tôn Tú nói: - Nhưng nó đã nhận là thủ kia mà. Bao Công nói: - Xử án là đi sự thực đề xét đoán cho công bằng, không thể căn cứ vào lời dối gạt. Ngài chỉ nghe lời truyền ngôn mà đến đây nhiều lời như vậy. Thôi, từ nay về sau có chuyện quốc gia đại sự thì ngài sẽ đến hỏi tôi, còn như vụ án nhỏ như vậy bất quá chỉ là một vụ ngộ sát thôi, ngài đừng đến đây nhiều lời vậy nữa. Tôn Tú nghe nói chạm tự ái, trách: - Nói như ngài thì mất công bình nhiều lắm, tôi e ức lòng Hồ Khôn thì ông ta tâu cùng thánh thượng làm cho cái mão ô sa của ngài không còn nữa. Bao Công nói: - Còn mất cũng không cần miễn là tôi giữ vẹn lòng trung nghĩa mà thôi. Chuyện này dẫu Hồ Khôn không tâu thì tôi cũng tâu cho thiên tử rõ. Tôn Tú nói: - Con người đã bị chúng giết, ngài binh vực hung đồ mà tha tên chánh phạm, còn đòi tâu lên thiên tử làm sao? Bao Công nói: - Ngài lẽ nào không biết Vạn Huê lầu có phải là chỗ Hồ Khôn chiếm đoạt của người ta, ỷ thế hà hiếp dân chúng, làm cho ai nấy đều sợ hãi. Nay Hồ Luân đánh người ta, trượt té xuống lầu bể óc, có phải là do Hồ Khôn dạy con không nghiêm, để cho con ngang tàng như vậy thì không có lỗi hay sao? Tôn Tú nghe nói không dám cãi nữa nên giảng hòa: - Ngài ơi! Bề nào Hồ Khôn cũng là người đồng liêu chớ nên gây thù oán làm chi. Còn việc đó là do tôi nghe lời truyền ngôn không rõ, nên lật đật đến mà thăm hỏi, xin ngài miễn chấp. Nói rồi Tôn Tú từ giã Bao Công, trở qua dinh Hồ Khôn tỏ hết mọi việc Bao Công đã nói cho Hồ Khôn nghe. Hồ Khôn trong lòng hậm hực nói: - Thôi! Bây giờ ta hãy nhịn thua lão một phen, thủng thẳng ta sẽ sai người đi kiếm Địch Thanh mà bắt không khó gì. Nói rồi hai người từ giã về dinh. Bấy giờ Địch Thanh ngày ngày ngóng trông Trương Trung, Lý Nghĩa mà không thầy về, thì buồn rầu khôn xiết. Châu Thành thấy vậy nói với Địch Thanh: - Nay tôi có người bạn là Lâm Quới, mới lên chức Võ viên, hôm trước tôi có khoe với Lâm Quới công tử là người võ nghệ cao cường, mà không người tiến dẫn. Lâm Quới có bảo tôi đem công tử đến cho anh ta xem, như quả võ nghệ cao cường thì anh ta tiến dẫn cho đầu quân. Địch Thanh nghe nói nghĩ thầm: - Lâm Quới làm chức nhỏ mọn mà tiến dẫn mình sao được. Tuy nghĩ vậy, Địch Thanh cũng gượng gạo theo Châu Thành đến ra mắt Lâm Quới. Lâm Quới thấy Địch Thanh thân vóc nhỏ nhắn, mặt trắng mày thanh, xem ra không phải võ tướng, thì đã không vui lòng nên hỏi: - Ngươi được bao nhiêu tuổi? Địch Thanh thưa: - Tôi mới có mười lăm tuổi thôi. Lâm Qưới nói: - Ngươi là tướng học trò, làm việc võ sao nổi? Châu Thành xen vào nói: - Nhơn huynh đừng thấy vóc người nhỏ mà khinh khi. Tuy nhỏ mà võ nghệ cao cường. Chẳng tin cứ thử sức thì biết. Lâm Quới nghe nói liền dắt Địch Thanh đến diễn võ trường hỏi: - Ngươi thường dùng binh khí chi? Địch Thanh nói: - Thứ gì cũng được. Lâm Quới bèn lấy binh khí trao cho Địch Thanh và bảo Địch Thanh múa một hồi. Quân sĩ thấy ai nấy đều khen nức nở. Lúc này Lâm Quới mới chịu tin, nói với Địch Thanh: - Thôi ngươi ở lại đây mà kiến công lập nghiệp. Từ đấy Địch Thanh an tâm ở theo quân sĩ mà chờ thời. Lời bàn: Lời xưa có nói: “Gian nan là nợ anh hùng phải vay” Không một vị anh hùng nào từ xưa đến nay gây dựng giang sơn sự nghiệp mà không trải qua những gian nan khổ sở. Gian nan khổ sở là bài học đời, bài học của những kẻ có chí lớn thử thách trong lẽ sống. Đã có anh hùng thì phải có tiểu nhân mà kẻ tiểu nhân là những ganh tỵ, ghen ghét với các bậc anh hùng vì quyền lợi và địa vị, cho nên thời nào cũng có. Tiểu nhân và anh hùng là hai trạng thái đối nghịch nhau, liên kết với nhau để tạo nên sức mạnh. Triều đình xưa kia là nơi tranh đoạt quyền lợi để tự tồn, vì vậy nơi chốn cao sang quyền quý bao giờ cũng gánh chịu những hành động nham hiểm của kẻ nịnh. Nếu nói về đạo nghĩa làm người thì chỉ có những người trung mới có ý nghĩa bảo tồn, còn kẻ nịnh thì bất chấp những hành vi nào, miễn tạo được kết quả trong âm mưu của mình mà thôi. Ba anh em Địch Thanh kết nghĩa, đồng lòng làm những việc nhân đạo, nên sướng khổ có nhau, còn như những kẻ khác tuy không dính líu gì với tình nghĩa ấy mà vì lòng nhân nên cũng không thể bỏ rơi những người hành động vì đạo nghĩa.