Hồi Tuyên Xứ" Tín báo ", Hương Cảng, ngày 23/1/1985.Trong báo " Bách tính " kỳ này có một bài văn nhan đề " Người Trung Quốc hèn hạ " của Vương Diệc Lệnh. Sau khi đọc Bá Dương ông này tuyên bố: " Trong lòng tức tối không thể không nói được ". Bài văn mang tính bút chiến này đã công kích Bá Dương một cách thậm tệ. Giọng văn nhuần nhuyễn nhưng văn phong ác liệt, không hề có cái đôn hậu, hòa nhã trong truyền thống tốt đẹp, cao quý của Trung Quốc. Ông ta sử dụng những thứ như " thối không ngửi được ", " vô phương cứu chữa ", " đồ hèn hạ ", " xem lao tù là cái đất mạ vàng ",v.v...Có thể nói thật là khe khắt. Nếu cái thuyết " người Trung Quốc xấu xí " của ông Bá Dương có cơ sở thì ông Vương qua bài văn này lại bị chính gậy ông đập lưng ông, và không những không phản bác được lý luận của ông Bá Dương mà còn cung cấp thêm bằng chứng cho nó. Bộ mặt xấu xí của Vương Diệc Lệnh là bộ mặt thật của người Trung Quốc cả nghìn năm nay. Đó là một bộ mặt thiếu vắng phần hài hước. Bá Dương chửi người Trung Quốc là xấu xí, nhưng có phải vì ông ta làm công tác nghiên cứu nhân chủng học và hy vọng đoạt được giải Nobel không? Người viết tạp văn, cốt ý gây ra phản ứng nơi người khác để kích động tranh luận, hoàn toàn khác với các chuyên gia viết có chứng cớ rõ rệt của các ngành học thuật. Người Trung Quốc có xấu xí hay không cũng chẳng quan trọng gì, nhưng có người tức quá, la làng lên, đã tiêu phí không biết bao nhiêu tế bào não, đó mới là điều thật quan trọng. Cũng cùng trong số " Bách tính " này có bức thư độc giả họ Lương. Ông này sau khi đọc " Người Trung Quốc xấu xí " của Bá Dương đã tỏ vẻ bị xúc động sâu xa, nên buồn bã chán nản mà rơi lệ. Nhưng theo tôi thấy thì nước mắt của ông này và sự phẫn nộ của ông Vương Diệc Lệnh cũng chỉ là một thứ thằng điếc cười thằng câm. Cả hai người đều có cái tinh thần của những người theo học thuyết Lão Trang, trong bụng đầy những quan niệm quá ư là siêu thoát. Cho nên họ chưa có thể đọc được những gì ở giữa những hàng chữ của Bá Dương để lĩnh hội ra cái thú vị của hài hước, mà chỉ rơi vào mấy cái ví dụ mỹ miều, sinh động với những lời chú giải hoang đường cổ quái thôi. Đọc văn chương Bá Dương thực ra cần có sẵn một ít tinh thần hài hước. Ông ta phá rối, làm trò, đem cái lưỡi dao của trí tuệ se sẽ lấp loáng trước mắt chúng ta. Người đầu óc linh hoạt có thể nắm bắt được tinh túy, những kẻ quá nghiêm nghị, ra vẻ trịnh trọng, thì lại hoàn toàn bị oóc-dơ. Dân tộc Trung Quốc có một lịch sử lâu đời, làm sao tất cả đều có thể hoàn mỹ không tỳ vết? Ông Bá Dương tìm những thứ này ra chế diễu, kỳ thực là tự trào, gây ra cho chúng ta một ít tác dụng cảnh tỉnh. Vả lại nói xấu mà không nói đẹp, đó cũng là một cách tự khiêm. Không hiểu được hài hước lại cho rằng ông ta đi ngoáy dao vào vết thương của mình thì thật là phụ cái lòng đau khổ của Bá Dương. Tuy thế, e rằng Bá Dương cũng không thích gì mấy cái việc người đọc bài mình phải khóc sụt sùi. Nói tóm lại, dân tộc Trung Quốc là một dân tộc lớn, nói đẹp đẽ thì đẹp đẽ hơn bất cứ dân tộc nào, nói xấu xí thì cũng xấu xí hơn bất cứ dân tộc nào. Nhưng có lẽ nên nói ra cái xấu vẫn tốt hơn là ca tụng cái đẹp của nó. Nói một cách khác, cho dù có xấu, cũng có cái đẹp của cái xấu chứ!