Chương 1

Nếu đúng như lời Vĩnh và Hoàng nói thì Tường là thằng bỏ đi. Thằng bỏ đi, hiểu theo một nghĩa nào đó là hết xài, mất tư cách, không lý tưởng, hay gì gì đó không chừng. Cả hai người bạn đều có ý nghĩ đó, trong cái nhìn từ hai phía đối nghịch, dành cho anh. Tỷ như một đường thẳng với hai cực âm và dương, được căng ra hai đầu nhưng vẫn dính liền tại một điểm, để làm nên đường thẳng. Tường đứng ngay điểm đó để biến thành thằng bỏ đi của Vĩnh và Hoàng.
Họ chơi thân với nhau từ những năm trung học đệ nhất cấp. Số mệnh – nếu quả tình có số mệnh – đã buộc lấy ba người từ ấu thời đến tận hôm naỵ Luôn luôn sự liên lạc hoặc giao tình được giữ đều đặn. Dù có nhiều lần mỗi đứa ở một nơi thật xa đầu mối liên lạc vẫn là gia đình. Thư từ, quà cáp thường xuyên như ba đứa là con của chung của ba nhà. Đến độ ba bà mẹ nhớ rõ các thói quen, tật xấu của từng đứa. Và cách xưng hổ Cả ba bà mẹ đều được gọi là má, là mẹ, là me như mọi người trong gia đình vẫn gọi. Chẳng có gì phải quan ngại, bọn Tường lớn và trưởng thành trong vòng tròn tình cảm đó.
Hãy tưởng tượng đến tình bạn của họ để hiểu những điều Vĩnh và Hoàng nói về Tường. Bắt đầu là khoảng sân trường Võ Tánh của năm đệ thất với cái bỡ ngỡ của những học sinh tiểu học vừa lên trung học. Cũng có thể bằng bãi cát của biển, mùa hè Nha Trang, với đủ thứ trò nghịch ngợm của đám học sinh trung học. Hay bằng những phút mơ mộng, yêu thương, đau khổ... từ mối tình đầu của đám học sinh lãng mạn như vùng biển đang sống... Kéo dài, kéo dài suốt bảy năm trung học biết bao kỷ niệm. Từng góc phố, từng hè đường đều mang theo trong trí mỗi khi nhớ về quá khứ. Rồi Tường và Hoàng vào lính lúc Vĩnh theo học tại Sài Gòn. Vào tù khi Vĩnh di tản. Xa tăm tắp nhưng các lá thư được kể lại từ ba bà mẹ, bọn Tường như luôn luôn có nhau bên cạnh. Cuối cùng là lần vượt thoát của Hoàng. Rồi Tường. Và bây giờ là San Jose, năm 1989, họ đã gặp lại.
Như thế, hơn hai mươi năm có nhau, trách chi Vĩnh và Hoàng không dạn miệng và thẳng thắn với Tường. Mạnh dạn và thẳng thắn quá đi chứ! Có gì đâu mà ngại? Ba đứa biết về nhau còn hơn mỗi đứa nghĩ về chính mình. Rõ ràng như từng vết sẹo ở nơi kín nhất trong thân thể, mà người ngoài dĩ nhiên mù tịt, bọn Tường vẫn biết. Dấu làm cái quái gì. Có ba thằng chứ mấy. Bao nhiêu năm rồi không chết, gặp lại nơi xứ người thì còn gì hơn. Vậy, nói toạc cho nhau nghe là tốt nhất. Trong ý nghĩ đó, Tường biến thành thằng bỏ đi của Vĩnh và Hoàng.
Bằng cái nhìn của Vĩnh, thằng bạn vẫn được gọi là có số đẻ bọc điều thì Tường là kẻ đang đi trên mây. Thiên hạ ào ào chạy xe dưới đất từng giờ, từng phút với những account chi chít các con số để đuổi theo cuộc sống trong khi Tường vẫn trần xì một cái ví lép kẹp. Chẳng biết lo liệu tương lai gì cả. Như chiều nay, sau một tiếng chửi thề, Vĩnh nói với Tường điều đó tại quán cà phê Cheo Leo.
– Làm chó gì có tương lai mà lo liệu?
Vĩnh nhún vai sau câu hỏi ngược của Tường.
– Theo tao nghĩ mày nên đi học lại, vài năm chứ mấy. Ngày xưa mày là một trong những thằng thông minh và học giỏi mà.
– Tao không khoái.
– Khoái hay không kệ xác mày, nhưng dù không khoái mày cũng phải ráng. Đâu lông bông hoài được? Còn bà cụ Ở nhà, còn tương lai của mày.
– Ê! Lên lớp nữa sao bạn?
– Lên lớp cái gì? Tao nói không phải sao?
Tường tỉnh bơ trước các câu hỏi dồn dập của Vĩnh. Anh quá quen với những lời sửa lưng của bạn bè. Dù sao mình cũng là thằng bỏ đi theo kiểu nó nghĩ.
Vĩnh đẩy ly cà phê đá đến trước mặt Tường. Bàn tay còn lại mở hũ đường. Hai động tác cùng làm một lúc thật dễ dàng. Tự nhiên Tường liên tưởng đến Hoàng, thằng bạn cũng kém may mắn như anh – lời của Vĩnh – nhưng còn có điều khá hơn – vẫn lời Vĩnh, và nghĩ về anh hệt như Vĩnh đã nghĩ.
– Mấy hôm nay mày có gặp thằng Hoàng chứ?
– Không.
– Phone?
– Cũng không. Tao có gọi một lần ở chỗ nó làm nhưng điện thoại bận. Có chuyện gì không?
– Chả có gì cả. Đột nhiên tao nhớ đến nó.
Vĩnh thả chiếc muỗng xuống bàn, bưng ly nước lên uống. Cục adam nhảy lên, nhảy xuống và lớp da dưới thực quản phập phồng. Ngụm nước được nuốt một cách ngon lành như những ly rượu của Tường đã uống. Điều so sánh kỳ cục chợt đến, khiến anh thấy thằng bạn thân của những năm còn đi học có khoảng cách. Tường quay sang hướng khác để tránh ý nghĩ đó.
Quán bắt đầu đông khách. Đã có tiếng nói cười lẫn vào tiếng nhạc. Không khí Việt Nam của một quán cà phê sống lại khi chiều vừa xuống. Các cô tiếp viên như linh hoạt hơn, không còn những kiểu ngồi mệt mỏi, lơ đãng. Và đẹp hơn khi đèn trong quán được bật. Những vệt sáng mờ từ các cánh sao giấy trang trí trên trần nhà làm không khí ấm lại. Cả một không gian tan loãng được gom lại trong vùng ánh sáng đó. Tất cả như được khoác lên một thứ son phấn huyền hoặc, giả tạo. Đẹp hơn, gần gũi hơn, tự nhiên hơn. Người và vật trong quán được ngăn với cuộc sống của nước Mỹ bên ngoài. Tường nói ý nghĩ này với bạn. Vĩnh gật đầu.
– Thì vậy chứ! Cộng đồng này đang phát triển để làm một xã hội trong một xã hội.
– Một nước Việt Nam trong nước Mỹ?
– Không hẳn vậy, nhưng ít nhất cũng phải được như khu Little Saigon ở Santa Anạ Một tiểu Saigon nằm giữa quận Cam.
– Mày nghĩ sao về việc này?
– Mừng chứ bộ.
– Mừng?
– Phải!
Vĩnh ngạc nhiên nhấn mạnh tiếng “phải” trong khi Tường cũng ngạc nhiên nhìn bạn. Một thằng như Vĩnh cũng quan tâm đến cộng đồng hay sao? Làm sao mà tin nổi, khi cách đây chưa đầy nửa tiếng, nó còn khuyên Tường “lo toan cuộc sống” theo lối Mỹ và ráng hội nhập để lo tương lai theo kiểu nó. Tường buột miệng chửi thề một tiếng, với tay cầm gói thuốc. Vĩnh ngước lên.
– Mày sao vậy?
– Chả sao cả! Chỉ thấy mày nói chuyện thối như cứt!
– Cái gì thối?
– Thì thối chứ sao. Lúc thế này, lúc thế khác. Bố thằng nào biết mày đang nghĩ gì trong đầu.
– Thì ngoài cuộc sống Mỹ, tao cũng có phải có những suy nghĩ riêng tư chứ...
Giọng Vĩnh nhỏ lại rồi đứt ngang. Trong mắt bạn, Tường tìm thấy một tia lạ lùng lắm. Nhưng như thế là sao? Một người như Vĩnh, chuyện của cộng đồng, đất nước đâu đáng để tâm bằng cái job và cái nhà mới muạ Lại một trò giễu dở của thằng bạn cũ chăng? Tường bật lửa, châm điếu thuốc. Ánh sáng từ đầu que diêm hắt lên mặt Vĩnh một vầng sáng. Cặp má bầu bĩnh với nước da trắng hồng. Hai cánh mũi phập phồng theo nhịp thở. Nọng cằm xệ xuống một khoảnh mỡ. Tia long lanh trong mắt biến mất tiêu. Tường bực bội thổi que diêm bằng hơi thở gọn và mạnh.
– Mẹ kiếp! Có gì thì nói thật ra, đừng vòng vo tam quốc, ông đếch chịu nổi.
Vĩnh hơi ngượng, Tường định nói thêm vài câu nhưng nén xuống. Tình bạn hơn hai mươi năm đã ngăn anh lại. Dù sao cũng chỉ còn có ba đứa lạc lõng giữa xứ sở này. Tuy cuộc sống của mỗi đứa đã một khác nhưng sợi dây liên hệ vẫn còn. Sự quan tâm về nhau chẳng phải là cần thiết hay sao? Tường dụi điếu thuốc vào chiếc gạt bàn, giọng dịu đi.
– Có gì thế mày?
Vĩnh ngập ngừng.
–... Quán...
– Quán?
Tường ngạc nhiên hỏi lại khi Vĩnh gật đầu một cách khó khăn. Quán thì sao chứ? Đâu có chuyện gì quan trọng đến độ Vĩnh phải ngại ngùng khi nói? Vĩnh đã có gia đình. Và Loan, vợ của Vĩnh, là một trong những người bạn thân của bọn Tường.
Loan không đẹp, nhan sắc bình thường nhưng hiền lành và dễ mến. Rụt rè sống bên Vĩnh như chiếc bóng. Gần mười năm lấy nhau mà tính tình không thay đổi. Luôn luôn Loan nghe lời Vĩnh, chẳng bao giờ cãi lại. Với Loan, ranh giới của người đàn bà nói chung và người vợ nói riêng, là khung cửa nhà. Bên ngoài cánh cửa dành cho những người đàn ông, những người chồng. Loan sống bình thản trong hạnh phúc giản dị bên chồng, bên hai đứa con. Chẳng se sua, chẳng điệu bộ như đa số phụ nữ có tiền trên đất Mỹ. Người đàn bà trong Loan khép nép hơn cả người đàn bà Á Đông thường thấy. Cả Tường lẫn Hoàng đều mừng cho Vĩnh đã lấy được người vợ như Loan. Còn Quán, tại sao Vĩnh lại nhắc ở đây? Quán chỉ là một người bạn gái học Văn Khoa cùng thời với ba đứa. Sự quan hệ giữa Quán và bọn Tường, nếu cần nhắc đến, thì anh phải là người nhắc. Sao lại có thể là Vĩnh? Đằng nào Tường và Quán cũng đã có thời yêu nhau, tất nhiên là trước khi Quán lấy chồng. Hơn nữa, Hoàng và Vĩnh gặp Quán đều do anh.
– Quán thì sao?
Tường hỏi thêm lần nữa, Vĩnh nhìn sang hướng khác. Dưới ánh đèn xanh mờ, mặt Vĩnh hiện lên nét lơ ngợ Đôi mắt ẩn hiện sau cặp kính cận như có, như không, lẫn vào vùng tối của hốc mắt. Bây giờ thì anh thật sự ngạc nhiên về thái độ của người bạn cũ. Có một cái gì đó không thật hiện lên trong Vĩnh.
Chiều đã hết. Nắng nhạt và con đường loáng thoáng có ánh đèn xe qua lại. Khu thương xá nằm cạnh đó dần dần thưa khách. Vài cửa hàng đóng vội cửa. Cảnh đêm xuống của thành phố trái ngược với bên trong quán cà phê Cheo Leo. Những dẫy bàn chung quanh bàn hai người đông nghẹt khách và đa số là đàn ông. Lẫn vào đó là một vài cặp trai gái. Không khí của quán cà phê tại Mỹ vẫn còn phảng phất dáng vẻ Việt Nam. Đó là nơi dành cho những người con trai.
Người nhạc sĩ đã dạo những nốt đầu tiên trên chiếc dương cầm. Lẫn trong tiếng ồn ào của đám khách, tiếng đàn nghe lạc lõng. Cô đơn như người nhạc sĩ đang ngồi giữa bầu không khí ngập khói thuốc. Nhưng vẫn thản nhiên bấm từng nốt, thả từng cung. Người nhạc sĩ này có còn xúc động hay không? Hẳn cuộc sống đã đè nặng lên anh, nên mới có những nốt nhạc vung vãi tại đây. Có bao giờ anh nghĩ lại phút đầu tiên dạo tay trên phím ngà. Tường ngậm ngùi quay về phía đó.
Ngọn đèn tròn màu đỏ từ trần nhà chiếu vừng sáng hồng nhạt lên khung cảnh. Người nhạc sĩ hai vai nhấp nhô từng nhịp nhẹ. Theo nhạc, theo đàn. Toàn thân bất động trừ hai cánh tay, hai bàn chân và đôi vai gầy guộc. Đầu ngẩng lên, nhìn thẳng vào khoảng tối của bức tường trước mặt, khi những ngón tay vẫn bấm đều đặn. Đã quen thuộc như những hành động bình thường được làm để hoàn thành cuộc sống. Mười ngón tay thả rơi trên 52 phím trắng hoặc 36 phím đen như những tháng ngày thả rơi trên từng đoạn đời bao quanh. Nhịp rung truyền lên vai, nhịp rung tỏa xuống chân những lần nhấn nhẹ. Người nghệ sĩ chết trong bản đàn quen thuộc một cách phũ phàng. Còn nhịp rung nào truyền đến con tim khi đôi mắt mở to, trân trối nhìn vào khoảng tối bị bức tường ngăn lại. Tất cả bị vây kín trong không khí ngột ngạt. Ngay cả ý tưởng đang dõi theo đôi mắt. Trơ tráo và không hồn. Đôi mắt như phần uất nghẹn còn lại, chìm đắm vào bóng tối, như nghĩa tự do của người nghệ sĩ chưa từng có giữa cuộc sống này.
Tường nuốt nước bọt khi tiếng đàn cuối cùng được nghe xong. Một vài tiếng vỗ tay rời rạc vang lên từ những bàn bên cạnh. Có cái nhìn ngạc nhiên của đám người từ dãy bàn xa hơn ném về. Họ, như chưa từng biết đã có những tiếng đàn vừa rơi xuống. Tường không nhấc nổi tay để làm những động tác vỗ tay chiếu lệ khi nhịp tay của Vĩnh thật mạnh và dòn dã.
– Hay thật!
– Cái gì hay?
Tường hỏi lại.
– Bản nhạc vừa chơi xong.
– Bản nhạc?
– Phải. “Yesterday”. Nghe nhớ lại cả một thời còn đi học. Mày quên bản nhạc này rồi sao?
– Không...
Tường bỏ lửng câu nói khi người nhạc sĩ bắt đầu bản nhạc thứ nhì. Lần này nét nhạc dồn dập hơn với điệu tangọ Lại một bản nhạc cũ quen thuộc. “L'amour C'est Pour Rien”. Tiếng nhạc không còn rời rã nữa. Đã vang động, đã chiếm được một góc quán. Mười ngón tay chạy nhanh hơn trên phím đàn. Đôi vai và hai bàn chân cũng theo nhịp độ đó. Như sống hơn một chut. Người nhạc sĩ dưới ánh đèn màu hồng thôi không còn nhìn vào khoảng tối của bức tường trước mặt. Đầu cúi xuống giữa lũng vai. Hẳn mắt đang nhìn vào hai màu đen trắng của phím đàn. Điệu tango thả không khí rộn rã xuống quán, tỏa dần và tiếng ồn ào như bớt đi. Trong Tường, cảm giác dễ chịu chợt có. Có điều gì đó kỳ cục lắm, gần như an ủi dấy lên trong lòng anh. Nhưng chỉ thoáng qua rồi tắt ngấm khi bản nhạc dứt giữa tiếng vỗ tay lớn hơn của những người khách.
– Chơi khá thật.
Tường gật đầu sau câu nói của bạn. Vĩnh trở lại vẻ bình thường sau hai bản nhạc vừa nghe.
– Mai mày có làm chứ?
– Làm cũng được mà không làm cũng được. Báo đã in chiều hôm quạ Ngày kia, thứ sáu mới in nữa. Tao có thể làm xong tối thứ năm và sáng thứ sáu. Mà... mà có chuyện gì không?
– Không. Tao chỉ hỏi vậy.
Vĩnh dụi điếu thuốc vào chiếc gạt tàn.
– Sao mày không tìm một công việc nào ổn định hơn?
– Ổn định?
– Phải. Làm báo như mày bấp bênh thấy mẹ. Báo sống thì sống, báo chết thì chết theo. Chả có tí gì là bảo đảm cho tương lai.
– Tao thích vậy.
– Thích thế chó nào được. Không hiểu sao Nhu...
– Im đi mày.
Tường nạt lớn khi Vĩnh nhắc đến Nhụ Một vài người khách ở các bàn bên cạnh nhìn sang. Anh làm một cái nhún vai bất cần.
– Tao thích. Rõ hơn là tao thấy cần.
– Nhưng...
– Chả nhưng quái gì cả. Mỗi thằng có một cái nhìn khác nhau về cuộc sống. Tao không thể sống như mày hay thằng Hoàng được, mặc dù trong mắt của hai thằng mày tao là một thằng bỏ đi.
– Làm gì mà phẫn thế!
– Phẫn chó gì! Mày là bạn thân từ ngày còn bé mà. Muốn nói sao cũng được, tao ỌK. hết. Nhưng có một điều tao yêu cầu tụi mày: đừng bao giờ lôi Nhu vào.
Vĩnh đăm đăm nhìn Tường một lúc, rồi gật đầu.
– ỌK.! Thì không lôi Nhu vào! Nhưng mày phải nghĩ đến tương lai chứ.
– Mẹ kiếp!
– Tự ái làm cái quái gì? Mày ba mươi mấy rồi còn gì? Lang thang, lếch thếch mãi... Nhắm mắt, mở mắt là bốn mươi đến nơi con ạ! Yêu thì tiến tới, chần chừ mãi rồi có ngày ôm hận thiên thu đó con. Gặp tao là...
– Là thế nào?
Vĩnh bỉu môi.
– Mày đúng là thằng bỏ đi. Chỉ tội cho Nhu...
Vĩnh ngắt ngang, chờ một câu nạt của Tường. Đôi mắt nhỏ sau cặp kính cận nheo lại như mắt một con thú sắp chụp mồi. Môi bặm cong và nọng thịt hai bên má u lên. Tường bật cười trước khuôn mặt bạn.
– Mày làm cái gì vậy?
Vĩnh phá ra cười theo. Lại một vài cái nhìn từ đám khách chung quanh ném về. Vĩnh có vẻ hơi ngượng vì tiếng cười lớn của mình.
– Tao bảo thật đấy.
– Thật cái gì?
– Chuyện mày với Nhu.
– Thì bọn tao vẫn yêu nhau. Vài năm nữa Nhu ra trường bọn tao sẽ tính.
– Vài năm nữa mày sẽ thế nào?
Vĩnh đặt ngược câu hỏi thật bất ngờ. Sẽ thế nào? Làm gì đây? Những điều này quả tình Tường chưa lần nào nghĩ đến. Chỉ biết yêu Nhu và Nhu yêu... Có một cái gì đó xốn xang trong lòng khi anh nghĩ đến Nhu trong lúc này. Không phải là thứ cảm giác man mát lan rộng trong vùng ngực trái như mọi khị Lần này là sự buốt nhói từ tim. Cơn đau lan rộng, lan rộng làm Tường ngộp thở. Há miệng thật lớn, anh nuốt nhanh một ngụm không khí. Cơn đau dịu lại, anh ngượng ngập tránh cái nhìn của Vĩnh. Lại đổi thế ngồi và quay sang người nhạc sĩ.
Vẫn ánh đèn hồng nhạt chụp lên, vẫn trong thế ngồi như lúc đầu tiên, người nhạc sĩ đã trở lại dáng mệt mỏi. Từng nốt nhạc rã rời được buông khi đôi mắt lại chăm chăm nhìn vào khoảng tối trũng của bức tường trước mặt. Anh ta tiếp tục tách khỏi không gian đang sống bằng những hành động rập khuôn. Mười ngón tay chạy trên phím đàn một cách máy móc. Qua nốt này thì sẽ gặp nốt khác. Tuần tự, đều đặn như trăm ngàn lần trước với bản nhạc cũ kỹ. Bắt đầu bằng một hơi thở và kết thúc cũng bằng một hơi thở. Người nhạc sĩ chơi đàn không hề nghĩ mình đang chơi đàn. Tường đưa tay bóp trán cố tách ý nghĩ ra khỏi người nhạc sĩ. Nhưng hình ảnh của anh ta vẫn đập vào mắt anh. Tránh đi, tránh đi, tránh đi. Tường lẩm bẩm khi sự khó chịu chợt đến. Cuối cùng anh xô ghế đứng dậy.
– Đi về. Mày ra quầy trả tiền đi. Tao ra trước.
Bỏ lại Vĩnh với cái nhìn ngạc nhiên, Tường bước vội ra cửa. Đêm bên ngoài thoáng và mát. Có những cơn gió nhẹ của trời tháng ba đưa về làm không gian dịu hẳn. Tường thong thả bước về phía bãi đậu xe.