VIỆC TUẦN PHÒNG Ở CÁC LÀNG

Hương thôn có tuần tráng cũng như ở thành thị có cảnh sát,  để ngày đêm canh giữ trong làng và ngoài đồng, ngăn ngừa trộm  cướp, cấp cứu thủy hỏa cùng thi hành những mệnh lệnh của dân.  Người đi tuần đã vì công an, công ích mà xuất lực, thì phận sự của  người cùng làm đều vui lòng báo lại bằng lệ lấy lúa sương, mỗi sào  vài lượm, hoa màu ngô khoai thì mỗi sào mấy xu, trong làng thì  cho thu tiền nóc nhà chia ra làm ba hạng, nhà ngói nhà gỗ và nhà tre, thuế trâu bò và tiền cheo của con gái khi đi lấy chồng. Cổ lệ,  thì mỗi làng cắt mười người đàn em chia nhau canh gác trong năm  trống canh, hai người trương tuần thì hiệp lực với phó lý để trông  nom đốc thúc. Những món lợi hàng năm mà dân cho chẳng qua chỉ  là món phụ cấp, chứ không phải lương, vì món tiền ấy chẳng được  bao nhiêu. Về sau, những nhà giàu có, đến tuổi đóng góp với làng  không chịu gánh vác việc khó nhọc ấy, nhà nghèo thì trông vào số  lợi ấy không đủ nuôi thân cũng sinh lòng chán nản, người ta mới  nghĩ cách mua nhiêu mua xã để cho hạng bạch đinh trọc phú bỏ  của ra cho khỏi phải chịu việc khó nhọc. Thế là từ đấy, những việc  gian lao nguy hiểm ấy trút cả cho bọn cùng đinh. Bắt những người  nghèo khó, nhà tranh vách đất, ăn đói mặc rét, phải canh giữ cho  những người giàu có sung sướng. Bọn đó cố nhiên là ai cũng có  quyền khinh rẻ thì những món lợi mà dân để cho lại bị bọn tổng lý,  nha lại, lính lệ, lính tuần lấy thế là người được quyền kiểm soát,  đốc thúc rồi cũng tìm cách ăn bớt, ăn chặn mất cả. Ngoài việc  phận sự canh gác, lại còn phải hầu hạ các ông tổng lý, nào là theo  hầu ông lý ông bá trong các đình đám, nào là phục dịch trong nhà  các ông ấy khi có giỗ chạp, hoặc sai bảo việc này việc khác của  những ông có quyền đánh mắng. Quyền lợi đã không có, công việc  lại khó nhọc, thế mà trong việc canh giữ nguy hiểm thì khí giới  không có, luyện tập cũng không thì địch lại thế nào được những  quân trộm cướp hung bạo.
Một khi trong làng có trộm cướp xảy ra, nếu không đút lót  cho tổng lý, van lạy sự chủ thì sẽ bị người ta khép vào tội không  ứng cứu mà bắt đền, bắt lỗi nữa. Xưa nay việc trộm cướp xảy ra  trong làng phần nhiều là do bọn du thủ du thực kết nạp với bọn ở  ngoài mà đem việc trộm cướp về làng. Việc xong rồi cũng có người  biết là tự thằng nọ thằng kia mà không dám nói rõ trước mặt nhà  chuyên trách, vì việc thám báo đã chẳng lợi gì, mà có khi mắc tội  man báo, có khi bị chúng nó thù oán khó lòng làm ăn yên ổn được.  Bọn tổng lý nhân đấy tìm cách ăn thông với cướp, tìm cách che chở  bênh vực, dọa nạt sự chủ, tuần phiên, rồi lập tờ trình qua quýt cho  xong chuyện, ngoài việc dối trá trong việc khai trình, còn bắt sự  chủ và tuần phiên đút lót với quan nữa. Việc phòng thủ thôn quê  hiện nay có mấy điều khó khăn là cấp lương cho tuần phiên thì  dân đinh, điền họ đóng góp nặng nề lắm rồi, không chắc có thể  nuôi nổi lương tuần, mà tuần có lương, tổng lý không có lương thì  trước hãy xảy ra một cuộc đấu giá cho nha lại tổng lý, rồi sau này  anh nào được còn phải cung ứng cho khỏi bị họ hành hạ để bóp nặn. Việc luyện tập thì không có người huấn luyện, mà cũng chưa  biết huấn luyện theo phương pháp võ nghệ của ta, hay theo lề lối  của nhà binh. Nếu tập theo võ nghệ của ta thì môn ấy đã thất  truyền từ lâu, và có cũng không thể đem giáo mác gậy gộc ra đối  địch với quân cường đạo có súng ống đạn dược.
Nếu tập theo cách nhà binh thì hẳn là chính phủ không bao  giờ dám cấp súng cho tuần. Việc dò xét trộm cướp cần phải có một  cơ quan thám thính, thì hiện nay sở liêm phóng bắt buộc sự chủ  phải nộp tiền lệ phí rất nặng, rồi mới ra lệnh truy tầm là một sự  rất khó khăn, mà quan bản hạt thì trăm việc đổ vào đầu, không  sao làm xiết được, nếu trong hạt mà trộm cướp nổi lên lại là một  dịp kiếm tốt, một việc không quan thiết tới cuộc thăng thưởng của  mình như việc bán rượu cho chạy, thu thuế cho róc, thì tội gì vất  vả khó nhọc, mà có khi lại còn nguy hiểm tới thân...