Càng ngày càng thấy Cát Tường Lơ muya là bậc vĩ nhân. Nhà họa sĩ ấy nếu mà vẽ khéo một chút, chắc cũng nổi tiếng như các họa sĩ khác. Sự thi đậu thứ bét trường Mỹ thuật của ông ta chẳng cấm ông ta đem cái óc cách mệnh mà tô điểm cho nước Việt Nam. Cuộc cách mệnh bắt đầu từ mấy cái gấu quần, gấu áo của bạn gái kẻ chợ mà cách mệnh đi. Trước đây, chừng năm, sáu năm chi đó, gấu áo gấu quần của bạn gái kẻ chợ đâu được văn minh như ngày nay. Nó còn bàn bạt bằng cái quân bài kia chứ. Nhờ về một bầu máu nóng của họa sĩ họ Lơ tuôn xuống dưới ngòi bút vẽ, mà đến bây giờ, bao nhiêu gấu quần gấu áo... hủ bại ngày xưa đều bị đánh đổ tất cả. Cuộc cách mệnh ấy đã lan đến các cụ cao mũ dài áo. Các cụ đang hăng hái cách mệnh cái áo thụng cho khỏi mang tiếng hủ bại. Việc này rất nên có! Không cần nói đến quốc thể. Chúng ta cứ tưởng tượng một cụ có râu hay không râu, náu mình trong tấm áo màu lam, cổ tràng vạt, hai ống tay bằng hai cái cống tháo nước, đứng trước một bà kẻ lông mày, bôi môi son, bận quần trắng, đi giày cao gót, phỏng chừng bà nọ có thể nhắm mắt mà hôn cụ kia một cái được chăng? Sợ cụ thì sợ thật, còn hôn cụ quyết không dám. Theo tin của một tờ báo hàng ngày, kiểu phẩm phục đó, nhà họa sĩ nọ vẽ theo lối lễ phục của sứ thần các nước đời xưa. Nghĩa là áo kiểu tây, mà khi mặc, đít nó xòe ra như cái đuôi tôm. Các cụ cho thế là được. Chắc rằng các bà ở nhà cũng nhận như thế là được. Rồi đây trên trường quan lại, dân chúng sẽ vui vẻ được trông các cụ tân thời, cũng đẹp mắt như ngày nay được nhìn các bà tân thời. Trong mấy năm trời, nhà họa sĩ đó đã làm đỏm cho phụ nữ, lại làm đỏm cho các quan, thượng lưu nước nhà, họ sắp sửa đẹp đẽ cả rồi. Bây giờ tôi muốn ông mỹ thuật thứ bét hãy ngó mắt đến kẻ hạ lưu, thôn quê... Giả sử mẹ Phó nhà tôi mà cách mệnh được cái váy của nó, thì tôi rất cám ơn ông.