Những người ở qua Nam Kỳ, phần nhiều đều nghe cái thiêng của thần làng Phong Phú, một làng thuộc quận Thủ Đức, chỉ cách Sài Gòn độ 4 cây số. Bởi vì, người ta tin rằng thần ấy thiêng lắm, cho nên hàng năm, cứ đến ngày rằm tháng giêng thì ở Sài Gòn Phú Nhuận, Gia Định và nhiều nơi khác, những nhà buôn bán, nhất là các cô, tấp nập kéo đến đình làng Phong Phú mà lễ. Để làm gì? Bà con cầu khấn thần ấy phù hộ cho mình phát tài. Có người xin vay tiền của thần làm vốn, cũng như những ông lái thuyền nước mắm Thanh-Nghệ ngày xưa hay vay tiền của bà Liễu Hạnh ở Phủ Giầy vậy. Không biết thần ấy thuộc về loài gì, nhưng chắc ngài là giống đực. Vì vậy hồi này ở vùng Sài Gòn mới có tin đồn thầy ấy sắp sửa cưới vợ. Thiên hạ kéo nhau đi coi rất đông. Té ra chuyện thật không phải chuyện bỡn. Cuộc tốt lành ấy đã cử hành trong hôm mới đây, chưa rõ họ nhà gái là những ông nào, bà nào, người ta chỉ nói họ nhà trai toàn là hương chức của làng Phong Phú. Bữa đó, họ đã khăn đen áo dài, đi đón dâu về cho thần rồi. Cô dâu là một thiếu nữ mới 17 tuổi, con gái một ông đương chức cũng ở làng ấy. Trong đám cưới của người trần, thì cuộc đuốc hoa phòng động nhất định phải về ban đêm. Nhưng mà trong đám cưới này, thì cô dâu vừa vào tới đình, liền bị ngã ngửa ra đó và nằm bất tỉnh nhân sự, như đương trải qua một cuộc ái ân đằm thắm vậy. Sao thế nhỉ? Hay các đức Thượng đẳng ấy đã dám lấy ngày làm đêm? Có lẽ ngài vì không vợ đã lâu, trong mình đã rạo rực quá, không thể nhịn được đến tối, mà phải nhập phòng ở trước công chúng đó chăng! Thần thì người ta phải chịu, chứ nếu người trần mà làm cái việc bất nhã như vậy, ít ra cũng bị đội xếp giải bắt về bót. Bởi vì ông thần đã làm việc quá ư sỗ sã như vậy, cho nên trong Nam nhiều người không tin đám đó là đám cưới thần. Họ bảo đó là những kẻ xảo quáệt bày vẽ ra để lợi dụng lòng mê tín của bọn ngu dại mà làm tiền. Cái đó kể cũng có lý. Trong cái buổi đời tai quái, người ta có thể giả làm nhà báo, giả làm tín đồ của đạo Phật để xoay tiền của thiên hạ, thì cũng có kẻ giả vờ cưới vợ cho thần để kiếm tiền của kẻ ngu khờ. Nhưng theo ý tôi, sự ức đoán ấy chưa chắc đã đúng. Giả sử trong chỗ không thể trông thấy, sờ thấy, mà không có gì thì thôi, chứ nếu đã có thần thánh, thì cái sự thần đi cưới vợ, không thể bảo là không có. Cung oán ngâm khúc đã có một câu chí lý mà rằng:Có âm dương có vợ chồng Dẫu từ thiên địa cũng vòng phu thê Coi đó thì biết trời đất còn có vợ có chồng, huống chi là thần. Thần thánh tuy ở cao xa, nhưng đến tính tình chẳng qua cũng như bọn mình. Các ngài chắc đã từng thấy những ông đã hai, ba vợ kè kè, thế mà nhiều lúc vẫn giải trí bằng cô đào hay bằng me Tây, gái xăm. Nữa là thần thánh quanh năm suốt đời, vò võ nằm một mình trong cái gian đền hiu quạnh thì chịu thế nào! Trâu khát nước làm sao thì bò khát nước làm vậy. Đó là một sự tất nhiên. Điều hơi lạ là các đám cưới gả người trần, phần nhiều phải qua mối lái, phải có lời cho phép của cha mẹ, ông bà, thì mới là đám đứng đắn. Đằng này, ông thần Phong Phú đi lấy bà ấy, chẳng rõ có ai làm mối hay không, chứ lời cha mẹ, ông bà thì quyết không có. Đó là một chỗ theo luận lý cũ, có thể dị nghị. Nhưng theo luận lý mới thì không hề chi, trai gái của nước Việt Nam có thể tự do luyến ái chứ sao! Thế thì chủ nghĩa "tự do luyến ái" đã lan đến thế giới thần thánh rồi vậy. Chúng ta cũng mừng cho anh chị em quỉ thần đã tiến được một bước khá dài.