Lật sang trang sau, các bạn sẽ thấy bức thư của mấy ông hội viên hàng tỉnh Bắc Ninh gửi lên toàn quyền, quan thống sứ và ông hội trưởng của hội Phổ tế Bắc Kỳ xin phát chẩn cho nhân dân mấy huyện của tỉnh ấy. Đọc hết bức thư ấy, có khi các bạn sẽ không cầm được nước mắt, nếu các bạn là người dễ cảm. Từ ngày dân chúng Bắc Kỳ có người thay mặt đến giờ, chưa có ông hội viên hàng tỉnh hay ông nhân dân đại biểu nào nói đến tình cảnh của dân một cách thiết tha như bức thư ấy. Đó không phải là các ông hội viên ấy đã cố viết ra lời văn cảm động. Chỉ vì cái sự thực làm tài liệu cho bức thư ấy vốn là những cảnh đau đớn vô cùng. Nếu không tiện về tận những hạt đang bị đày đọa, các bạn hãy cứ giở tờ Việt Báo tháng trước và tờ Đông Pháp gần đây, hoặc là sang đầu cầu Đuống mà coi, chúng ta sẽ thấy vô số dân đói đã cách xa sự sống nhiều lắm, tuy rằng họ vẫn chưa chết. Những kẻ ngắc ngoải muốn chết đó, phần nhiều là dân các huyện Lang Tài, Gia Bình, Thuận Thành, Quế Dương, Võ Giàng, Tiên Du và Đông Ngàn nữa. Trong mấy huyện khổ đó, nhất thì Lang Tài, Gia Bình, Thuận Thành. Đời họ chỉ sống bằng nghề làm ruộng, vậy mà hai năm bị hai trận lụt nước sông, lại kèm một trận "tiêu khô cháy đồng" ở giữa, như thế đến cỏ cũng chết đừng nói người. Ai đáng phải chịu trách nhiệm với họ trong những tai nạn thảm khốc ấy? Ngày xưa thì đổ cho trời, nhưng bây giờ... ít nhất cũng phải truy vào sở Lục lộ Bắc Ninh. Hàng năm, họ phải nuôi sở Lục lộ bao nhiêu thuế bách phân và các thuế khác, chỉ nhờ sở ấy trông nom đê điều cầu cống cho mình. Vậy mà người ta cứ để cho họ luôn luôn phải lụt, phải hạn hán, rồi phải chết đói. Kể cũng nhẫn tâm. Giả sử ở đời mà có công lý và nhân đạo, tất nhiên họ sẽ được tiền bồi thường xứng đáng với sự thiệt hại. Những việc bồi thường như thế, với chính phủ cũng không lạ gì. Bởi vì chính phủ thực hành đã quen, nhất là người Pháp, thí dụ như việc vừa rồi bồi thường một vạn đồng cho nhà thầu khoán Soyez-Lucien về sự thiệt hại trong khi làm cầu cho đường xe lửa ở Song Long Song. Nhưng họ là dân nhà quê, vạn đời không dám mong cái hân hạnh như nhà thầu khoán người Tây. Trái lại họ chỉ muốn được đi ăn xin trong khi vì sự bất lực của sở Lục lộ mà tan nát tài sản. Song sự ăn xin của họ ở tỉnh Bắc Ninh bây giờ cũng đã tuyệt vọng. Người ta đã lấy cơ sự phát ra bệnh dịch tả mà phá cái nhà tế bần Đạt tráng để đuổi họ đi. Hơn nữa, người ta còn cắt người canh gác các đầu đường, không cho họ được lai vãng vào trong thành phố! Thì ra họ chỉ vì một cái tội "đói" mà đã bị tỉnh Bắc Ninh khép án trục xuất và cấm lưu trú. Không hiểu cái chính sách ấy là chính sách gì vậy? Dưới cái chính sách kỳ quái đó, họ bị ma đói giết chết đã nhiều, những kẻ sống sót đến bây giờ, chỉ còn cách mong vào cuộc phát chẩn của chính phủ. Cái đó, họ được quyền mong. Là vì từ khi nghe tin Bắc Kỳ có nạn vỡ đê, các nhà từ thiện quyên giúp cũng nhiều, riêng một số tiền của bên Pháp gửi cho cũng đã đến 18 vạn. Hoặc giả trước kia vì không ai kêu, chính phủ chưa kịp xét đến tình cảnh quá khổ của họ. Bây giờ các ông hội viên Bắc Ninh đã bày tỏ một cách rõ rệt, chắc là chính phủ cũng phải cảm động. Với cái nạn dịch tả ở phủ Thường Đức tỉnh Hồ Nam bên Tàu, chính phủ còn hảo tâm giúp họ 50 vạn ống thuốc trừ tả, huống chi với dân Bắc Ninh, một tỉnh cạnh nách Hà Nội, lẽ nào chính phủ lại không đoái thương đến họ? Chúng tôi tin rằng cái đơn của mấy ông hội viên Bắc Ninh sẽ có hiệu quả. Điều nên nói là, nhân dân trong mấy huyện ấy, chịu đói, chịu khổ đã hơn hai năm, họ sống được đến ngày nay cũng là cố lắm. Nhiều kẻ chỉ chực chờ chết. Trên hai con đường Bắc Ninh- Phả Lại và Hà Nội - Thái Nguyên luôn luôn có người chết đói nằm ở ven đường. Đó là chưa kể ở các thôn quê còn có những kẻ không đi được nữa. Chính phủ có thương đến họ thì việc phát chẩn cũng nên tìm cách giản dị, mau chóng. Nếu lại theo cái kiểu mọi ngày, tư về quan tỉnh để quan tỉnh bắt các phủ huyện kê khai số người đói khổ trong hạt, rồi mới đưa tiền đưa gạo về phát, thì có nhiều người sẽ không thể sống được đến lúc lĩnh gạo phát chẩn mà ăn.