Về cái chết của ông cử Khiêm, trên đây chỉ là cách kể thứ nhất. Còn cách kể thứ hai, nhiều tình tiết hơn, có lẽ là cách kể huyền thoại hoá trong dân gian.Người ta nói rằng, từ khi còn ở phủ, ông Khiêm đã luôn mài sáng ba đồng chinh. Ngày nào cũng mài thành thử những đồng chinh mỏng quẹt như tờ giấy. Bà cử hỏi để làm gì. Ông bảo để bói dịch. Và ông còn giảng giải cho bà cách lấy quẻ không bằng cỏ thi mà bằng ba đồng chinh. Ông cử mê bói dịch, bất cứ làm việc gì quan trọng một chút, ông cũng bói dịch.Cái hôm ra trận định mệnh ấy, ông cũng bói. Nhận được quẻ, ông hơi biến sắc, song người ta hỏi, ông cũng không nói gì cả mà chỉ điềm nhiêm cất mấy đồng chinh vào chiếc áo cánh mặc trong.Khi bị bắt, ông là người cầm đầu, lại đã làm đến chức tri phủ nên người ta đóng cũi giải về Hà Nội. Lúc đó Nguyễn Hữu Độ làm phó khâm sai. Ông này hay lấy lòng người Pháp nên được người Pháp tin dùng. Nguyễn Hữu Độ giữ cử Khiêm ở trong dinh và lấy lời ngon ngọt ra dụ dỗ. Cử Khiêm không nói gì, bảo còn suy nghĩ. Một buổi sáng, cử Khiêm bảo hôm nay ta thích ăn món lòng giấm. Cử Khiêm thường không yêu cầu gì, nay lại đòi món ăn, Hữu Độ mừng tưởng rằng Khiêm đã mềm lòng. Lúc người nhà mang mâm lên, Khiêm gạt ra tất mà bảo:- Hôm nay, chính tôi sẽ đãi quan khâm sai bữa lòng giấm, mà lòng của tôi ngon hơn, trắng hơn, tươi hơn, chứ không như thứ lòng của quan khâm sai, nó bốc mùi hôi lắm.Nói đoạn, ông cũng lấy đồng chinh mài mỏng và rạch bụng, bày cỗ lòng trắng phau, đầy máu me, còn phập phồng trên chiếc mâm đồng.Nguyễn Hữu Độ thất kinh, gọi bác sĩ đến cấp cứu song không kịp.Lúc ông cử Khiêm mất, bà cử mới chừng ba sáu tuổi. Ông cử đã năm mươi. Hai vợ chồng hiếm hoi quá lấy nhau đã hai chục năm mà bà cử vẫn trơ trơ, gọn ghẽ như con cá rô đực. May thay, ở tỉnh Nam có nhiều đền, nhiều phủ. Bà cử đi lễ ở Quán Cháo Đền Dâu, đền Sòng rồi cầu tự ở Phủ Giày. May mắn thay cuối cùng bà hoài thai và sinh quý tử. Ông bà cử sung sướng vô ngần, nâng niu cậu ấm như hòn ngọc quý. Cậu ấm được hai tuổi thì xảy ra tai hoạ.Người tâm phúc đến nhà giao cho bà ba đồng tiền mài và nói:- Cụ cử dặn dò về nói với bà rằng: dù tao loạn, dù cực khổ thế nào bà cũng cố sống và nuôi cậu ấm thành người. Còn ba đồng tiền này là để nhắc nhở cậu ấm phải cố gắng nuôi chí phục thù cứu nước.Có lẽ ông cử đã biết tâm tính bà cử là người quyết liệt. Nếu không có lời trăn trối nuôi con, có thể bà sẽ theo ông sang thế giới bên kia. Ông biết bà là người cũng giống ông, có thể rạch bụng mà chết theo người tri kỷ.Bà cử cũng có ý định ấy thật, song vì thương con, vì có lời trăn trối của chồng, bà quyết định không chết nữa, và sẽ bám lấy cuộc sống dù bằng giá nào để nuôi con. Trong thời nhiễu loạn, bà biết mình còn đẹp, dễ là mồi cho những kẻ sói lang. Vì thế, bà phải ăn mặc rách rưới, bôi mặt cho nhem nhuốc, để tóc rối hàng tuần không chải, rồi cõng con trốn về quê nhà.Người Pháp đã dễ dàng chiếm được đồng bằng và trung du. Chỉ còn miền núi là nơi quân Cần Vương ẩn náu, là nơi giặc Cờ Đen hoành hành, là nơi quân Tầu cũng tràn sang đánh phá.Ở những vùng đã chiếm được, người Pháp tìm mọi cách để bình định, để đàn áp sao cho một mầm mống chống đối cũng không sót lại. Những người liên quan với những kẻ chống đối đầu sỏ cũng phải bắt. Như vậy, tức là bà cử sẽ phải vào nhà ngục. Ngoài việc liên quan, ở tỉnh Nam người ta còn tố cáo khi ông cử chiêu mộ binh sĩ chống Pháp, bà cử cũng tham gia bàn mưu tính kế với chồng để sát tả, nghĩa là đàn áp người theo đạo Thiên chúa. Điều này ngược hẳn với tính cách của bà cử, nhưng ở thời nhiễu loạn, con người có thể vu cáo cho đồng loại những điều họ không làm. Không hiểu sao, những lúc như vậy, con người cứ thích bức hại đồng loại của mình cho đến chết. Hay là tại những lúc ấy xã hội rồ dại, thì con người cũng rồ dại theo. Hay là bởi vì những lúc bình thường con người vốn nhỏ bé, bây giờ gặp thời họ bỗng thấy lớn lên, họ bỗng cảm thấy quyền uy. Họ muốn chứng tỏ quyền uy ấy, họ muốn xoá bỏ mặc cảm nhỏ bé của mình. Và muốn thể hiện quyền uy, không gì bằng bức hại con người cho đến đường cùng. Hay là, tại vì bản chất con người vốn ác, và khi cái ác được phép xổng chuồng, nó đã biến thành kẻ sát nhân.Người đàn bà hiền dịu ấy rên lên vì không hiểu sao mình bị đối xử như vậy. Bà không dám ở trong làng nữa, bà ôm con trốn vào trong rừng ở trong hang đá.Ông Vũ Huy Tân đang luồn lỏi trong rừng quần nhau với địch nghe tin phải viết thư về Cổ Đình cho các học trò:- Các anh phải tìm mọi cách để cứu bà cử Khiêm, đồng thời cứu giọt máu cuối cùng của họ Phùng. Ông cử Khiêm là tấm gương lẫm liệt cho chúng ta noi theo. Phải tìm mọi cách cứu gia đình ông, để khỏi thẹn với vong linh ông ở dưới suối vàng.Đám học trò của ông phó bảng, lúc đó, chỉ còn tiên chỉ Nhậm và tú Cao ở làng. Tuy nhiên, lúc đó, họ trẻ quá. Hai người chưa nghĩ ra kế gì, chợt tú Cao sực nhớ tới Liến. Liến chịu ơn bà cử, lại chịu ơn cả họ Vũ Xuân nên mới sống sót đến bây giờ. Tú Cao đến đồn điền gặp Liến và kể lể sự tình. Liến theo đạo nhưng là người có nhân có nghĩa. Anh bảo:- May quá! Để em về hỏi chú trưởng Cam. Chú em cũng dọn ở dưới Nam lên đây rồi. Ngày xưa, chính chú em đã đến lạy ông bà cử nên em mới có ngày nay.Ông trưởng Cam là người, hồi phân sáp, đã phải trốn trong rừng cói và đã được cử Khiêm cứu giúp. Trưởng Cam còn là người theo lệnh cha Puginier đi tìm xác và đầu Henri Rivière ở Cầu Giấy. Bây giờ, ông ta có thế lực, lại có công với người Pháp, có công cả với nhà thờ. Ông trưởng Cam là người đạo gốc. Tổ tiên ông, hồi nhà Lê, bị bệnh nan y, được các cố đạo cứu sống. Cụ tổ cảm ơn cứu tử đã xin theo đạo Thiên chúa. Đến đời Cam, người thanh niên ấy, trong lúc triều đình cấm đạo ngặt nghèo, đã đào hầm bí mật dưới đất nuôi cha Colombert suốt mấy tháng trời. Bởi thế, có thể nói, đối với người Pháp, trưởng Cam có thể yêu cầu điều gì, nhà nước bảo hộ cũng giúp đỡ.Nghe Nhậm và tú Cao trình bày chuyện bà cử Khiêm, ông Cam nói rằng:- Ơn ông cử bà cử hết đời tôi cũng chẳng quên. Tuy nhiên, tôi lại chẳng thạo những công việc ngoài đời. Nhưng tôi xin tìm mọi cách giúp đỡ, mà cũng là để trả cái ơn sâu nặng.”Ông trưởng Cam tìm đến cha Colombert.Cha Colombert là một ông già ngoại năm mươi. Hơi đậm người, hơi chậm chạp vì tuổi tác, song có một gương mặt hồng hào rất hiền lành phúc hậu. Đức giám mục Puginier một hôm bảo cha:- Tôi biết cha tuổi đã cao. Cha đã làm được nhiều việc đạo tốt lành. Tôi không muốn phải bổ nhiệm cha đến một nơi còn khó khăn. Nhưng Cổ Đình cần một con người nhiều kinh nghiệm và tốt bụng như cha.Cha Colombert vui vẻ nhận lời ngay. Ông chỉ xin đức giám mục cho ông trưởng Cam đến làng Cổ Đình cùng cha. Colombert có nhiều kỷ niệm gắn bó với trưởng Cam, thậm chí chịu ơn Cam. Ông muốn Cam ở gần mình lúc tuổi già. Cha coi ông Cam, ngoài chuyện là người đồng đạo, còn như người thân trong gia đình của mình.Nghe trưởng Cam kể lể đầu đuôi, cha Colombert nói ngay:- Lòng xót thương kẻ khó của Chúa là vô hạn. Thấy ai gặp cảnh đau khổ là người Công giáo chúng ta phải giúp ngay. Huống hồ gia đình ông cử Khiêm lại là ân nhân của ông. Để tôi lên Hà Nội hỏi xem.Ông đến toà giám mục. Đức ông giám mục trả lời:- Việc này thật là khó. Bên quân sự họ vẫn than phiền là nhà thờ chúng ta can thiệp quá sâu vào việc đời. Họ bảo chúng ta muốn tách rời giáo hội khỏi sự chỉ huy của chính quyền bảo hộ. Họ có biết đâu rằng không có nhà thờ ở xứ Bắc Kỳ này, thì chính quyền bảo hộ vững sao được. Tôi không muốn phải cầu xin họ...Thấy cha giám mục có ý chối từ, Colombert nằn nì:- Xin đức cha nghĩ giùm. Tôi cho rằng vẫn còn cách.- Thế người đàn bà ấy địa vị ra sao?- Bà ta là vợ một vị khoa bảng, nói chung lại, một bà quan. Bà ta được dân họ Vũ Xuân ở Cổ Đình rất kính trọng. Vả lại, bà ta còn có công với đạo ta. Là ân nhân của ông trưởng Cam, một người uy tín của xứ đạo Cổ Đình. Nếu không có bà thì nhà ông trưởng Cam tuyệt giống nòi. Mà như cha biết đấy, dù là người theo đạo, người dân xứ này vẫn rất coi trọng việc nối tiếp nòi giống của mình.- Ông trưởng Cam này là người thế nào nhỉ?- Ông là người đạo gốc. Đã giúp việc đạo rất nhiều. Bị bắt hồi phân sáp. Đáng lẽ triều đình An Nam đã giết. May nhờ ta chiến thắng họ phải ký hoà ước và cam đoan không cấm đạo. Mà cha có nhớ cái người đi tìm xác ngài thiếu tá Henri Rivière không? Chính ông Cam này đấy...- Chuyện ấy thì tôi nhớ. Muốn hỏi đến chuyện gia đình ông Cam cơ. Ông ta đã có vợ con gì chưa?- Ông ta chưa lấy vợ bao giờ. - Cha Colombert chợt thở dài. - Khổ thân ông ta! Cứ một hình một bóng có lẽ đến hết đời. Bởi vậy bao nhiêu tình cảm ông Cam đều dồn hết cho cháu tên là Liến. Và chính bà cử Khiêm đã sai người nuôi dưỡng anh chàng Liến này... Thiết nghĩ cái ơn ấy của bà ta, giáo hội cũng nên đền đáp. Và đền đáp được thì cử chỉ ấy sẽ được dân Cổ Đình vô cùng tán thưởng. Rất có lợi cho uy tín của nhà thờ.Đức giám mục gật đầu:- Tôi chịu thua sự biện hộ của cha rồi đấy. Đúng là chúng ta cần giúp người đàn bà này... Nhưng giúp bằng cách nào đây?... Nếu bà ta là giáo dân... thì tiện cho ta quá. - Óc đức cha chợt lóe sáng – - Ừ nhỉ!... Sao ta chẳng nghĩ đến cách này... Thôi có cách rồi. Có phải đức cha bảo bà ta đã goá chồng? Và ông Cam lại chưa có vợ?... Đấy! Cách là ở đấy. Đúng rồi chúng ta sẽ ghép bà phủ Khiêm lấy ông Cam. Như vậy bà Cam là vợ ông chánh trưởng, một người đạo gốc. Và bà ta khi ấy sẽ là người theo đạo. Con bà ta rồi sau này cũng theo đạo. Lợi đủ mọi đường. Trong trường hợp này, nhất định nhà nước bảo hộ sẽ tha tội cho bà.Việc bà phủ Khiêm tái giá lấy ông trưởng Cam người công giáo được họ Vũ Xuân đem ra bàn lợi hại. Ông tú Cao buồn hẳn đi. Ông thấy thương cho cô út, người cô trẻ nhất, đẹp nhất mà ông hằng kính yêu. Cứ thấy thương cho cái kiếp má đào hồng nhan bạc mệnh. Nhưng liệu còn cách gì khác tốt hơn để cứu cô và em bé. Ông Vũ Xuân Nhậm lại thấy mừng trong dạ. Mừng song chẳng dám nói ra. Mừng vì bỗng dưng họ Vũ Xuân lại được tăng thế lực. Không cần đi đạo mà vẫn là thông gia với bên giáo. Mừng vì có lợi cho việc buôn bán gỗ của ông. Tay Liến làm việc ở đồn điền tiếng là do họ Vũ Xuân nuôi, nhưng nói chính xác là do chi Mạnh của họ Vũ Xuân trông nom. Liến có quan hệ với tú Cao, với Xuân Cỏn là chủ yếu. Nhậm muốn quan hệ với trưởng Cam và những mối quan hệ ở Hà Nội. Nhậm sẽ thừa dịp để làm việc họ cho tốt đồng thời cũng tạo thế cho việc buôn bán của mình.Ông trưởng Cam trực tiếp đến gặp bà cử Khiêm:- Thưa ân nhân, thực quả trong thâm tâm, tôi chẳng muốn đũa mốc lại chòi mâm son. Song, cha Colombert và chúng tôi nghĩ nát óc mà chẳng có cách gì khác. Xin ân nhân cứ yên lòng. Tôi tuy ít học song cũng biết điều hơn lẽ thiệt. Gia đình chúng tôi đội ơn ân nhân, công ấy nặng tựa núi cao, chỉ có phen này may ra mới đền đáp nổi. Nếu ân nhân muốn, chúng ta giả làm vợ chồng cũng được. Thực lòng, tôi ái ngại, làm việc này chỉ cốt cứu mạng ân nhân và cháu bé là điều chính.Bà cử Khiêm không nói gì cả, chỉ khóc tầm tã. Khi trưởng Cam đi khỏi, bà đến bàn thờ chồng, chít khăn tang quỳ lạy:- Ôi thôi! Thiếp đã phụ chàng rồi. Đáng lẽ ra thiếp phải chết đi mới đền đáp được tình nghĩa vợ chồng. Song còn con chúng ta thì sao. Còn giọt máu cuối cùng của họ Phùng thì sao? Thiếp mà ra đi, ai sẽ nuôi nấng chở che cho nó...Khóc suốt một ngày một đêm trước ban thờ chồng, sau đó người ta không bao giờ thấy bà khóc nữa. Bà trở nên lặng lẽ, kiêu kỳ, cả ngày không nói một lời. Và lạ chưa! Bà càng lặng lẽ kiêu kỳ bao nhiêu, thì bà càng đẹp lên bấy nhiêu. Gương mặt trở nên bình thản. Con mắt trở nên trong veo. Thân hình thì gầy guộc đi nhưng thanh tú vô ngần, nhất là đôi bàn tay. Ở bà, không phải cái đẹp trần thế mà là cái đẹp thiên thần. Dân làng bảo: « Lạ nhỉ, cô Ngát từ khi tái giá lấy chồng bên đạo, cô càng đẹp hơn, mà lại giống như cái đẹp của Đức Bà ».Hôm động phòng, bà Khiêm trăm mối tơ vò. Bà là người từ bé sống trong nề nếp gia giáo, là người nhu mì, kín đáo. Bà sợ sự thô lỗ cuồng nộ. Sống với ông Khiêm, tính cách ấy càng được củng cố; bởi vì ông cũng giống bà, trong tình vợ chồng, tuy yêu quý nhau, nhưng họ rất trọng chữ lễ. Ngoài tình trai gái, ông còn coi bà như người tri kỷ, người bạn tâm giao. Đến nay, mặc dầu khi quyết định hôn nhân, bà đã suy nghĩ rất nhiều, thế mà lòng bà vẫn như mớ bòng bong và vẫn cứ tự trách thầm mình như đã có lỗi. Không biết ông ta thế nào? Hay là lại gặp một kẻ vũ phu? Liệu bà quyết định hôn nhân có đúng không? Nếu như gặp cảnh ngang trái thì sao? Họ là người công giáo, liệu họ có thực tâm như những lời hứa ngon ngọt? Liệu họ có mang mối hận thù, và cuộc hôn nhân này chỉ là sự giả tạo, và khi vào tay họ thì ta sẽ thành nạn nhân cho sự thù hận.Lòng bà còn đang ngổn ngang như vậy, cánh cửa buồng bỗng kẹt mở. Ông trưởng Cam bước vào. Ông lại gần đĩa đèn dầu lạc khêu cho tỏ, rồi ngồi xuống chiếc ghế mây. Bà Ngát vẫn im lặng ngồi trên phản, hai chân thõng xuống đất. Câu nói đầu tiên của ông Cam là: - Cầu Chúa ban phước lành cho ân nhân của tôi!Vừa nói ông vừa làm dấu. Bà Ngát vẫn không nói. Bà chăm chú nhìn ông. Khi xưa, người đàn ông mang đứa trẻ đến cầu xin vợ chồng bà giúp đỡ, bà không để ý kỹ đến anh ta. Bà chỉ biết mang máng là anh ta hơn tuổi bà và giọng nói, gương mặt thành thật và hồn hậu. Chỉ có thế thôi. Rồi khi được tin bà bị truy nã, họ hàng cầu cứu và anh ta xuất hiện, lúc này bà chỉ khóc và khóc. Bà còn bụng dạ nào mà chú ý đến anh ta nữa. Còn lúc này, trong căn buồng vắng vẻ chỉ có hai người, và tình cảnh đã khiến họ trở thành vợ chồng, thì bắt buộc bà phải chú ý đến.Ông ta là một con người hơi cao gầy, tuổi đã trên bốn mươi, nét mặt hiền nhưng đăm chiêu, có thể nói buồn buồn. Gương mặt sáng sủa. Có lẽ ông ta cũng lúng túng cố tìm lời nói. Để xoá đi sự lúng túng ấy ông ta lấy cái điếu bát rít một hơi thuốc dài. Cái điếu kêu giòn tan phá sự im lặng, tạo không khí thân mật hơn. Ông ta không nhìn mặt bà, và nói bằng cái giọng như hồi hộp, cảm động.-Thưa ân nhân. Tôi đã định là suốt đời ở một mình, chỉ làm công việc phụng sự Chúa. Việc hôn nhân này là ngoài ý định của tôi... Nhưng tôi phải làm việc này vì... Tôi vẫn tự hứa với mình: chịu ơn ai thì phải nhớ suốt đời... và tìm mọi cách mà đền đáp... Cứu được ân nhân là... lòng tôi mãn nguyện lắm rồi... Còn như tình vợ chồng... Tôi chẳng biết nói thế nào cho phải... Ừ... Nếu ân nhân có được điều tri âm thì... đi một nhẽ... Còn nếu ân nhân thấy mình bị xúc phạm... Thì xin người hãy yên tâm... chúng ta chỉ coi nhau như là bạn, là tình đồng loại thôi cũng được... Xin ân nhân chớ ngại ngần... đối với tôi được ân nhân coi là bạn đã tốt lắm rồi, đã thoả lòng tôi lắm rồi... Bởi vì... bởi vì...Câu nói dài và cử chỉ xúc động của trưởng Cam đối với bà Ngát lúc này hoàn toàn là điều bất ngờ. Dáng điệu của người chồng, rồi sự thành thực hiện rõ trên gương mặt ông ta chợt làm bà tin cậy vững tâm. Hoá ra ông ta không phải loại người thô lỗ, khủng khiếp như bà suy nghĩ và tưởng tượng. Hoá ra, ông ta không phải loại người giả dối, loại người miệng xơn xớt nói cười... Cho đến lúc này, ông ta hoàn toàn là người tử tế. Vì thế, bà phải lên tiếng.-Bây giờ, chúng ta đã là vợ chồng; xin ông đừng gọi tôi là ân nhân nữa. Tiếng ấy chính tôi phải nói với ông mới đúng. Thân tôi, đã đến bước này, thế nào cũng được. Tôi chỉ xin ông đoái thương đến đứa trẻ, con tôi. Phải nói thực với ông rằng nếu không có nó, chắc tôi chẳng cần sống ở cõi đời này nữa.Nói đến đấy, bà sụp xuống đất, quỳ lạy ông. Ông trưởng Cam luống cuống đỡ bà dậy:- Nào, thôi bà, đừng làm thế, người công giáo chúng ta chỉ quỳ lạy trước đức Chúa Trời. Cầu xin Chúa hãy che chở cho chúng con.Hai người nói chuyện thật khuya mới đi ngủ. Lúc đi ngủ cũng khác thường. Bà thật không ngờ ông Cam đã chuẩn bị sẵn hai chiếc chăn đơn. Mỗi người mỗi chiếc. Lại có cả một chiếc gối dài ngăn giữa hai người. Ông bảo:- Đáng lẽ tôi phải sắm sửa hai chiếc giường. Song nghĩ đi nghĩ lại thấy không tiện. Sợ người ta dị nghị.Đến lúc này, bà mới hoàn toàn tin là con người này thành thực giúp bà. Không phải ông ta lợi dụng khi bà nguy khốn. Và từ đấy, hai ông bà sống với nhau như hai người bạn. Còn người ngoài thì tin chắc đấy là một cặp vợ chồng với một đứa con, sống với nhau rất hạnh phúc.Nhà ông trưởng Cam, có thể nói, khá giả. Ông có gần chục mẫu ruộng. Sở dĩ ông nhiều ruộng vì ông là người có công với đạo, có công với nhà nước bảo hộ. Khi ông quyết định ở tại Cổ Đình, đức cha giám mục, rồi cha Colombert đã tìm hết cách để nhà nước bảo hộ cấp đất cho trưởng Cam. Lẽ dĩ nhiên, Philippe Messmer được đất thì ông cũng phải có phần, tuy ít hơn. Cuộc sống phong lưu, ông dùng không hết, nên thỉnh thoảng lại hiến nhà thờ để phụng thờ Chúa, và để nhà thờ trợ giúp những kẻ khó.Bà Ngát càng sống với ông càng thấy lạ. Ông rất chăm đọc sách. Ông biết chữ Quốc ngữ, biết cả chữ Nho. Ông nói với bà:- Trước kia, nhà nghèo rớt mùng tơi, tôi không biết chữ. Sau đó, ở gần các cha, tôi học chữ Quốc ngữ. Cha Colombert tài lắm. Ông hiểu người nước ta lắm. Cụ là Tây mà thuộc cả Truyện Kiều. Bà có nhớ cái hôm cha Colombert và tôi đến nhà thờ họ Vũ Xuân xin cưới bà không? Hôm ấy cha rất chú ý đến bà. Cha xem tướng đấy. Lúc về, cha nói với tôi:Rằng hay thì thật là haXem ra ngậm đắng nuốt cay thế nào...Bà Ngát ngạc nhiên:- Cha là người Tây mà cũng vận Kiều khéo thế sao?- Cha là giáo sĩ được hội thừa sai Paris cử sang nước ta lúc cha chưa đến ba mươi tuổi. Cha đã trải qua nhiều gian truân. Có lúc đã nằm hầm suốt sáu tháng trời. Chính tôi đã đào hầm cho cha trốn. Ngày thì chui hầm, đêm mới chui lên mặt đất làm việc đạo. Người ý nhị lắm. Rất thương xót người nghèo. Rất hiểu lòng con người. Cha nhìn thấy bà, bảo với tôi rằng: "Bà ta bằng lòng lấy ông chỉ là sự bất đắc dĩ. Mình cũng không nên thấy người ta gặp khó mà ép uổng. Chúa dạy ta ‘làm phước cho ai thì lòng phải vô tư. Làm sao cứ như tự nhiên. Làm xong việc gì cho ai thì quên ngay....Những cuộc nói chuyện như thế làm cho hai người xích lại nhau dần dần. Thằng bé Trung con bà cũng được ông trưởng Cam rất quý. Ông thường bế nó sang nhà xứ chơi với cha Colombert, ông già này cũng rất thích tiếng trẻ con cười trong căn nhà của Chúa. Ông già bảo Ngát:- Bà trưởng có thằng bé lanh lợi lắm. Đợi nó lớn lên tôi sẽ dạy nó học. Cả chữ Quốc ngữ, cả chữ Nho, cả chữ Tây nữa.- Thưa, cha cũng biết chữ Nho ạ?- Phải biết chứ. Đạo thánh hiền cũng có những điều giống như đạo của Chúa. Ví dụ đạo Khổng dạy con người nhân nghĩa, còn đạo Thiên chúa thì lấy tình thương yêu con người làm căn bản...Dạo thằng bé bị mắc thương hàn, ông trưởng Cam suốt đêm ngày chăm sóc thằng bé. Cha Colombert thì thuốc thang. Ngoài việc chăm người, ông già còn là một thầy thuốc...Cứ như thế, đôi vợ chồng gán ghép kia dần dần gắn bó với nhau. Tuy nhiên, đêm đêm, cái gối dài vẫn nằm ở giữa. Bà muốn vứt nó đi nhưng không dám. Còn ông thì hình như ông chưa muốn bỏ nó. Đúng là thế! Bởi vì ông Cam là đàn ông, ông phải chủ động, ông phải nhìn cử chỉ và giọng nói của bà để hiểu rằng bà đã muốn, và đã đến lúc cái gối ấy không nên như một dòng sông ngăn cách nữa. Bà không thể hiểu ông đang nghĩ gì? Chẳng biết ông có biết rằng lòng tốt của ông, sự dịu dàng đôn hậu của ông đã được bà cảm hiểu và chấp nhận. Tại sao gương mặt ông lúc nào cũng rầu rầu thế kia. Cái gì đã ngăn cản ông. Trước kia bà co lại nên ông dè dặt là phải. Còn bây giờ bà đã nhích lại, đã cởi mở tấm lòng mình, vậy cớ gì ông không đón nhận.Cho tới một đêm; đêm ấy, hai vợ chồng vui chuyện rầm rì với nhau rất khuya. Đến đêm hôm ấy ông mới kể sự tình cho bà nghe về cái đoạn sau khi hai chú cháu ông đến xin ông cử Khiêm cứu giúp.- May mà tôi kịp ra đầu thú ở nhà lao tỉnh. Họ phân chia tù thành hai nhóm: một nhóm là những người có đạo ra đầu thú ngoan ngoãn; một nhóm là những người họ cho là đầu sỏ, hoặc bướng bỉnh chống lại, hoặc ngoan cố trốn lủi mà bị tố cáo hay bị quan quân tìm được. Nhóm đầu sỏ cứ mỗi ngày thắt cổ mười người. Thắt rồi mà vẫn treo lủng lẳng trên cành cây suốt nửa buổi. Chả là để đe doạ đám đông tức là nhóm thứ nhất, nhóm sợ sệt ngoan ngoãn. Họ đe doạ như thế để bắt chúng tôi phải bước qua cây thánh giá.- Thế có ai bước qua không?- Cũng có người, phần đông là đàn bà. Tuy thế, khi được thả ra, họ vẫn theo đạo như cũ. Còn một số chừng năm chục người chúng tôi vẫn không chịu bước qua. Thế là họ mang chúng tôi ra tra tấn, mỗi ngày một lần.Nói đến đấy, ông Cam ngừng lại. Ông lại xoay sang kể lể về cha Colombert.- Ông cụ là người thánh thiện. Ông đúng là con của Chúa. Ông thường nhắc kể cho chúng tôi về đoạn đời lúc Chúa bị đóng đanh câu rút. Ông cụ bảo: ‘Tôn giáo nào, đạo nào ở trên đời này cội nguồn cũng đều tốt đẹp cả. Chỉ có cá nhân con người làm cho nó xấu đi thôi. Người bên lương cội rễ cũng chẳng ác. Chỉ vì con người ta nóng vội cố thuyết phục hoặc loại trừ nhau cho nhanh nên mới sinh ra sự bất cộng đới thiên.Tự nhiên, bà Ngát chợt thấy thương ông vô cùng. Bây giờ, bà đã hoàn toàn tin cậy ông rồi. Ông nợ ơn bà hay bà đã nợ ơn ông. Có lẽ, ở cõi đời này, nếu tất cả mọi người đều biết đến ân nghĩa, đều biết nợ ân nhau thì cuộc đời đã tốt đẹp biết bao nhiêu. Bà nhẹ nhàng giơ tay ra nắm lấy tay ông. Cái gối dòng sông chướng ngại giữa hai người đã bị vứt bỏ lúc nào bà cũng chẳng hay. Bà là con chim lạc, ông cũng là con chim lạc có khác gì đâu. Lúc đó là đầu đông. Gió bên ngoài xào xạc trên ngọn tre. Bà chợt thấy thèm một hơi ấm. Bà quên cả sự e thẹn thụ động đàn bà của mình. Bà xích vào nằm sát bên ông. Người đàn ông hình như cũng hiểu. Ông cũng thèm tìm hơi ấm của bà. Hai người ôm lấy nhau. Nhưng chuyện ấy chỉ xảy ra trong giây lát. Đột nhiên, ông nhỏm dậy, rời khỏi cánh tay mềm mại của bà. Ông rên lên:- Không được đâu!Người đàn bà ngỡ ngàng:- Chúng ta là vợ chồng. Sao lại không được?Ông kêu khe khẽ bằng tiếng kêu của con thú bị thương:- Cho tôi van bà: Không được đâu!Sự xót thương trong người đàn bà chợt bùng lên. Bà hiểu ông có một vết thương nào trong lòng ghê gớm lắm. Một vết tử thương. Bằng sự linh cảm nhạy bén của người đàn bà, bà hiểu ông rất cần có bà lúc này. Và chỉ có bà thôi mới làm lành được vết tử thương trong ông. Vì vậy, bà hết sức nương nhẹ, bà hết sức dịu dàng ôm lấy ông, vỗ về ông. Đầu người đàn ông ngả vào vai bà. Ông ta khóc. Ông Cam đã rấm rứt khóc trên vai người đàn bà.Tại sao ông trưởng Cam khóc? Tại sao ông lại kêu lên không được ở cái phút mà người đàn ông như ông đáng được hưởng từ người đàn bà đã hoàn toàn đặt niềm tin cậy, đã hoàn toàn phó thác cuộc sống cho ông?Cũng phải thông cảm cho ông. Đúng là người đàn ông sẽ cảm thấy nhục nhã, sẽ cảm thấy bị tử thương, sẽ cảm thấy hình như mình không phải là người nữa, khi anh ta mất khả năng giống đực, mất khả năng làm công việc tái sinh sản. Trường hợp ông Cam là như vậy. Tại sao ông Cam lại luôn buồn buồn khi ông có hoàn cảnh tốt đẹp như thế.Câu chuyện có nguồn gốc từ những ngày phân sáp, lúc ông bị cầm tù khi ra đầu thú, lúc ông bị tra tấn hàng ngày. Có một người cai ngục điên rồ, khi thấy tra tấn bằng mọi kiểu rồi mà những người giáo dân cũng không chịu bỏ đạo, hắn giơ nắm tay lên dứ vào mặt ông Cam và nói:- Mày không chịu nghe tao ư? Tao còn một cách nữa, mày không nghe thì cũng phải nghe.Cách mà người cai ngục nói là lấy hai thanh tre kẹp vào hai quả cà của người đàn ông. Rồi hắn bóp mới đầu còn nhẹ, sau rồi nặng tay. Cho đến lúc ông Cam hét lên như xé trời và ngất lịm. Hai quả cà của Cam đã bị vỡ nát. Cái bìu bị sưng lên to như cái ấm giỏ và tím ngắt. Cam sốt mê man gần mười ngày, không ăn một hạt cơm, chỉ uống nước. Không biết sức chịu đựng của Cam phi thường đến thế nào, mà sau đó vết thương của anh dần dà tự khỏi. Từ đấy, có điều lạ vô cùng là con chim của anh co lại và rút vào trong bụng. Một người có số phận như Cam thông thường sẽ biến thành một con người hằn thù tàn độc với mọi người. Nhưng Cam lại không thế, anh tiến triển ngược lại. Có lẽ cái lý tưởng tình yêu vô biên của Chúa đã thức dậy nơi anh. °°°Câu chuyện tình lạ lùng của bà tổ cô tôi đọc được trong cuốn gia phả của họ Vũ Xuân xã Cổ Đình. Lẽ dĩ nhiên câu chuyện sơ sài hơn nhiều. Tôi đã dùng trí tưởng tượng cố dựng lại cho sinh động.Đến đoạn cuối, cuốn gia phả có câu: "Về sau hai ông bà sống với nhau rất hạnh phúc". Nên hiểu câu này như thế nào? Nhiều người trả lời tôi rằng về sau ông Cam khỏi bệnh. Câu chuyện kết có hậu như vậy làm tôi cũng vui lây. Nhưng tôi cứ hỏi không biết bà Ngát chữa bệnh cho chồng bằng cách nào, bằng thuốc gì. Tôi đến xóm Vườn, tức xóm Đạo ở Cổ Đình thì một bà già nói với tôi:- Bằng phép màu của Chúa chứ còn bằng gì nữa.Câu trả lời chưa làm tôi thoả mãn. Tôi lại hỏi người dân Cổ Đình bên lương. Một người bảo tôi:- Trước đây, ở Cổ Đình chúng tôi có một ông lang giỏi lắm. Cụ Tổ ông ta làm ở viện Thái y trong triều đình. Nhà ông lang không có con trai nên các bài thuốc gia truyền của ông đều thất truyền cả.Một ông cụ già vui tính và hẳn là rất tinh quái nói với tôi thế này:-Có gì đâu! Một người bên đạo bảo với tôi rằng: hằng đêm bà Ngát vẫn kiên trì chữa bệnh cho ông. Chỉ có mình bà mới chữa như thế được thôi. Tức là bà ta bế đầu ông lên, cho ông bú như mẹ cho con bú. Rồi một tay bà xoa vào lưng ông, tay kia bà kéo cái chim ra. Đau đấy, nhưng có cái vú bú, và có cái tay xoa lưng ông cũng đỡ đau phần nào. Tôi còn nghe nói có bận bà kéo mạnh quá ông đau điếng, cắn chảy máu cả vú bà. Cứ như thế, mỗi ngày một ít, cuối cùng con chim chui hẳn ra. Và thế là ông Cam khỏi bệnh. Ông ta mừng đến phát khóc, ôm lấy vợ và nói: Bà đã sinh lại ra tôi lần thứ hai.Tôi cười phá lên và ông già vui tính cũng cười phá lên. Chẳng biết đùa hay là thật nữa. Tuy nhiên, dù sao ít nhất cũng có một phần sự thật ở câu chuyện. Đó là tình yêu của người đàn bà, chỉ có người đàn bà yêu thương mới có thể làm cho ông Cam sống lại.Chỉ có điều không vui: đó là sau này bé Trung đứa con của bà Cam bị chết vì bệnh đậu. Người ta thì thầm với nhau:- Thằng bé là con thánh, con cầu tự ở Phủ Giầy. Nay lại đem cho bên đạo nuôi. Cậu giận cậu chẳng thèm ở lại nữa.Sau đó ông trưởng Cam cũng qua đời. Ông qua đời bên bà vợ và trong vòng tay của Chúa. Đời ông thế là mãn nguyện. Ông trao lại tất cả của cải cho bà Ngát. Chín mẫu sáu sào ruộng và ba vò tiền bạc trắng. Bà Ngát chia của cải ra làm ba phần. Cho ông Liến gọi ông Cam bằng chú ruột một phần. Cho lý Cỏn trưởng họ Vũ Xuân là cháu gọi bà là cô một phần. Còn một phần bà giữ lại.Khi ông Cam chết bà lại cải đạo thêm một lần. Tức là bà không đi lễ nhà thờ nữa, mà trở về với đạo Mẫu. Bà lên núi Mẫu Sơn, dùng tiền tu bổ lại đền, dùng ruộng làm ruộng hương đăng cho đền Mẫu.Từ đấy, dân Cổ Đình gọi bà Ngát là bà tổ cô.