Phần III
Chương 3

Cuộc nói chuyện quan trọng với ông đại tá của philippe Messmer có tính chất quyết định vận mệnh cuộc đời anh. Ông đại tá già nói:
- Phải suy nghĩ thật kỹ, vì tập đồn điền tức là xác định ở xứ sở Bắc Kỳ này lâu dài. Các quan chức, các nhà chính trị, nhà kinh doanh... đến một thời gian rồi lại đi. Chỉ riêng nhà thuộc địa đất đai (colon), những ông chủ đồn điền sẽ ở lại.
Philippe gật gù, nhưng anh không nghĩ ngợi lâu, bởi vì anh ưa sự mới mẻ, sự mạo hiểm. Anh thích kiểu người phóng khoáng quyết đoán như thiếu tá Henri Rivière. Anh nói:
- Chí tôi đã quyết. Tôi sẽ làm bằng được.
Viên đại tá cũng là con người nhiệt tình, cuồng tín với niềm vinh quang của tổ quốc, ông càng nói càng hùng hồn.
- Anh là con người mà nước Pháp tin cậy. Anh là người đã tham gia từ ngày đầu tiên trong công cuộc chinh phục. Anh đã chiến đấu từ thời khu Nhượng địa, rồi đánh nhau ở Lạng Sơn, rồi cả trong chiến dịch dẹp quân Đốc Ngữ. Thực ra, làm chủ đồn điền anh có lợi, mà nhà nước bảo hộ cũng có lợi. Anh phải có ý thức cao rằng người Pháp chúng ta làm chủ xứ sở này, tức là làm chủ về mặt kinh tế, chính trị và cả quân sự nữa. Khi nhà nước cho anh vùng đất ở đây, điều đó có nghĩa là nước Pháp đã cử anh làm đại diện quyền lực của nước Pháp tại đây
- Thưa đại tá, tôi hiểu.
- Phải học. Bây giờ phải biết làm chính trị và kinh tế. Muốn thế, phải có tay chân, có nhiều con mắt, có nhiều đồng minh.
Trong thời gian ở với thiếu tá Henri Rivière, anh hiểu muốn trụ lại ở xứ sở này, điều trước tiên phải dựa vào nhà thờ, điều thứ hai phải dựa vào những người bản xứ. Chỉ riêng việc đi tìm xác thiếu tá Henri Rivière, Philippe cũng hiểu vai trò người bản xứ giúp việc quan trọng thế nào. Đúng là mình rất cần một người thân tín bản xứ. Nghĩ đến đây, Philippe đã nhẩm điểm lại những gương mặt bản xứ mà ông quen biết. Philippe đã có chủ kiến.
Tuy nhiên, việc đầu tiên ông làm không phải việc đi tìm con người ông đã nhắm tới, mà là việc đến thăm cha xứ Cổ Đình cũng có một nhà thờ nhỏ. Đó là một xóm nhỏ nằm tách riêng trông ra hồ Huyền. Cái xóm chỉ chừng ba chục nóc nhà nghèo nàn nhưng ăn ở trật tự ngăn nắp lắm. Giữa xóm có một con đường to, rồi từ đó tỏa ra hai bên những ngõ nhỏ như hình xương cá. Con đường giữa xóm dẫn tới ngôi nhà thờ bằng gỗ lợp tranh, vách trát đất. Ngôi nhà thờ cao hơn mọi nhà chung quanh. Mặt là hồi nhà, trên đầu hồi có cây thánh giá bằng gỗ cao to để từ xa mọi người đã nhìn thấy.
Nhà ở của linh mục nằm phía sau nhà thờ. Một ngôi nhà ba gian xinh xắn quét vôi trắng, đằng trước có một giàn nho. Linh mục Colombert từ trong nhà bước ra đón khách. Đó là một ông già nhỏ bé râu tóc bạc phơ. Ông giang rộng hai cánh tay hớn hở:
- Xin chào cố nhân! Được tin ông lập đồn điền ở đây, tôi vui mừng quá. Biết rằng người đồng hương thế nào cũng tới chơi.
Philippe ngạc nhiên vì sao ông già lại gọi mình là cố nhân. Ông cứ nhìn mãi ông già người Pháp nhỏ bé ấy, cuối cùng mới nhớ ra được đó là người phiên dịch cho thiếu tá Henri hôm họ vào thành Hà Nội đến thăm dinh quan tổng đốc. Philippe cũng hân hoan không kém.
- Mừng quá! Mừng quá? Ông là người giúp việc cho đức giám mục nhà thờ Kẻ Sở. Tôi chưa nhận ra vì ông để râu, và tóc bạc quá.
Ông già vẫn tươi cười:
- Tôi mới 54 tuổi nhưng do khí huyết nên tóc bạc nhanh quá!
Rồi ông già nói nhỏ vào tai Philippe:
- Thế ông có biết một giáo sĩ da trắng đến Đông Dương sống trung bình được bao nhiêu năm ở xứ này không?
- Làm sao tôi biết được.
- Chỉ có 5 năm thôi nhé. Họ không chịu đựng nổi sốt rét, kiết lỵ, dịch tả... Thế mà tôi sang xứ Bắc Kỳ đã 25 năm lại đã được 54 tuổi. Thật là điều đáng mừng.
Ông già rót hai cốc rượu vang. Họ chạm cốc, uống cạn một hơi rồi cười vang. Sự yêu đời, vui tính của ông linh mục làm những lo lắng lúc đầu của Philippe bỗng tan biến. Khi nghe Philippe trình bày mong muốn của mình, linh mục Colombert gật đầu:
- Ý định của ông tìm những người bản xứ để giúp việc là đúng. Và định tìm người bản xứ có đạo chứng tỏ ông có nhãn quan sâu sắc rộng rãi, bởi vì tổ quốc của chúng ta có bình định được xứ này hay không là phải nhờ vào mức độ công giáo hóa xứ này đến đâu. Một người công giáo sẽ không phản bội chúng ta. Tôi giới thiệu ông với ban điều hành giáo xứ. Cụ thể sẽ gặp ông chánh trưởng, một người bản xứ ngoan đạo. Phải nói không nhờ ông ta thì tôi không còn sống đến hôm nay.
Nhà ông chánh trưởng là ngôi nhà ngói cổ, mà người ở xứ này gọi là nhà bức bàn. Ngõ, sân, nhà, vườn tược đều sạch như li như lau. Tưởng người xa lạ, hóa ra cũng vẫn là người quen. Đó là ông trưởng Cam, con người đi tìm xác thiếu tá Rivière lúc hơn mười năm về trước. Cha xứ cười vang:
- Không nói trước, là để dành cho ông niềm vui thích bất ngờ khi gặp người quen cũ.
Ông trưởng Cam bây giờ đã bước vào tuổi già tóc đã bạc, gương mặt ông vẫn như xưa, thoạt nhìn Philippe đã nhận ra ngay. Chỉ có một điều hoàn toàn khác: Đó là trước kia không bao giờ thấy ông ta cười, còn bây giờ ông rạng rỡ, tươi tỉnh, môi ông luôn nở một nụ cười nồng hậu. Đôi mắt của ông long lanh, cả đôi mắt ấy cũng biết cười.
Chủ khách vào ngồi trên bộ tràng kỷ. Ông trưởng Cam kể vắn tắt tình hình của mình:
- Tôi theo hầu đức giám mục đã ngoài ba mươi năm cho tới lúc người qua đời cách đây hai năm. Sau khi ông rời khỏi Hà Nội, đức giám mục dành bao nhiêu công sức cho việc xây Nhà Thờ Lớn. Trước khi nhắm mắt người còn nắm tay tôi và bảo: "Sau khi ta chết, ông hãy về giúp cha Colombert. Được làm việc đạo cho đến hơi thở cuối cùng là niềm hạnh phúc to lớn nhất. Cầu Chúa ban phước cho mọi người".
Câu chuyện về đức giám mục Puginier làm không khí cuộc nói chuyện chợt như lắng lại. Cũng may, lúc đó bà chủ nhà chợt xuất hiện. Bà trưởng Cam từ nhà ngang bước lên pha nước mời mọi người. Philippe chợt ngạc nhiên đến sững sờ khi thấy người phụ nữ đó. Một thiếu phụ xinh đẹp mà ông ít gặp. Bà ta mặc chiếc váy đen và chiếc áo nâu, tất cả đều là lụa. Bà để tóc trần quấn quanh đầu. Đôi mắt to và dài. Đôi môi mỏng không tô điểm mà vẫn đỏ đắn. Cái mũi dọc dừa xinh xinh, khác hẳn những chiếc mũi to thô mà ông vẫn thấy ở những người đồng hương của bà. Chiếc yếm lụa bạch, chiếc thắt lưng hoa lý, những thứ trang điểm rất bản địa, mà ông thường không thích, sao ở người đàn bà này lại thích hợp đến thế. Nó làm tôn cái vóc dáng thắt đáy lưng ong, cái vóc dáng rất chuẩn của người đàn bà mà từ đông sang tây đều ưa thích. Bà ta lại đi dép nữa chứ, cái thứ dép bằng gỗ sơn mài cong cong kỳ lạ. Trông bà ta như một bức tranh tố nữ tô màu, một thứ màu sắc đạm bạc, nền nã nhưng vẫn nổi bật. Rõ ràng bà ta không phải một thứ người chân lấm tay bùn, những người nông dân nghèo khổ mà anh vẫn gặp. Philippe nghĩ: Bà ta có lẽ là con gái quý tộc. Vẻ quý phái phương đông mà lần đầu tiên anh bắt gặp.
Cử chỉ của bà ta khác. Bà đưa những ngón tay dài thuôn cong cong, đặt từng chiếc chén đến trước mặt từng người với vẻ mặt tươi tắn nhưng đoan trang. Xong việc bà cúi đầu rồi lặng lẽ bước ra ngoài. Vị linh mục giải thích cho Philippe hiểu:
- Ở xứ này, người phụ nữ không ngồi tiếp khách. Bưng nước ra chào là cử chỉ tôn trọng khách.
Nhìn người đàn bà đẹp cao quý như Đức Mẹ rồi lại nhớ tới ông Cam ngày xưa đóng khố tay cầm cái thuổng, tay cầm cái mồi rơm lặn lội đi tìm xác ông thiếu tá Henri Rivière, chợt Philippe nghĩ chắc người đàn bà này phải có một lịch sử đặc biệt chi đây. Ông Cam cất tiếng nói đã cắt dòng suy nghĩ của philippe:
- Đức cha nói ông muốn tìm người giúp việc bảo đảm thân tín.
- Vâng.
- Thật không tiện khi phải giới thiệu người họ hàng thân thuộc của mình, nhưng tôi nghĩ cái đức tính thật thà chung thủy là cần nhất, nên mạnh dạn xin giới thiệu cháu tôi với ông.
Cha Colombert gật gù liên tục, mắt sáng lên:
- Ông Trưởng định giới thiệu anh Liến phải không? Được như vậy còn gì bằng. Cậu ấy linh lợi tháo vát. Chính tôi đã dạy học cho Liến biết chữ quốc ngữ. Cũng nói chuyện đơn giản bằng tiếng Pháp được. Đức giám mục lúc còn sinh thời có ý định đưa Liến vào trường dòng để đào tạo lâu dài, nhưng lại thương cả dòng họ chỉ còn mình anh ta, nên lại thôi.
- Vâng, cháu Liến năm nay hai nhăm tuổi. Ông có thể hoàn toàn tin cậy ở nó. Nó là con độc nhất của người anh trai tôi. Bố nó đã mất rồi. Tôi có bổn phận gây dựng cho nó.

*

Philippe không ngờ mọi sự lại diễn biến thuận lợi đến thế. Thực ra, ông đã quen Liến từ mấy năm về trước, lúc anh còn là anh binh nhì trong đội quân mà người Pháp tuyển để đi dẹp quân khởi nghĩa được người Pháp gọi là giặc Đốc Ngữ. Quân Đốc Ngữ rất táo bạo. Họ đã huy động tới 500 nghĩa quân đánh úp đồn Chợ Bờ. Trận ấy Pháp thua to, nhiều sĩ quan Pháp bị chết. Khố xanh, khố đỏ chạy hết. Đang đêm, thiếu úy Philippe bị thương, may nhờ anh lính khố đỏ tên là Liến dìu xuống bờ sông, rồi chèo thuyền cứu thoát. Thật cũng may, dòng sông Đà thác dữ, nước xiết, nếu không có Liến thì không biết tính mạng Philippe ra sao.
Sau trận ấy, Liến được thăng chức lên cai. Cai tức là hạ sĩ, một chức rất nhỏ nhoi trong quân Pháp, nhưng đó là vinh dự với một người lính khố đỏ. Lúc đó Liến còn ở quê gốc, một xã ven biển Nam Định, anh đã xin nghỉ phép về quê để làm khao, tức làm lễ mừng được thăng chức. Philippe đã về tận quê Liến dự. Buổi tối hôm ấy, Liến mời cả cô đầu về giúp vui. Một người đàn bà răng đen, khá xinh, gõ hai chiếc dùi lên một thanh tre bóng nhoáng, miệng hát chậm rãi ngâm nga ư ư... a a... Giọng hát lạ tai phức tạp, Philippe không hiểu hết, nhưng cũng khen là có tình ý. Rồi một người đàn ông gẩy một chiếc đàn vuông, âm thanh trầm và đục. Một ông trung niên ngồi vắt vẻo chân chữ ngũ thỉnh thoảng lại gõ tom tom.
Philippe không ngờ những kỷ niệm ấy lại tạo bao nhiêu thuận lợi cho cuộc đời làm ông chủ của mình ở xứ thuộc địa này. Khi Liến biết Philippe còn là chỗ thân quen với chú Cam của mình từ xưa thì mối thân tình giữa hai người càng thêm keo sơn.
Liến chỉ mới hai nhăm tuổi nhưng anh đã là một nhà nông giỏi. Liến bỏ ra hẳn một tuần, cưỡi ngựa đi cùng Philippe khắp vùng Cổ Đình. Họ đi thăm những khu ruộng nước, những vùng đồi mà philippe chiếm hữu ở hai bên bờ sông Son.
Sau khi đã xem xét, tính toán kỹ lưỡng, Liến bảo:
- Như vậy, ông có khoảng một trăm mẫu ruộng nước, và hơn một nghìn mẫu vừa ruộng cao, vừa đồi. Việc đầu tiên, ta khai thác ruộng nước. Trước hết hãy thúc người phá hoang ruộng nước. Phá hoang xong, đem tất cả ruộng nước cho dân Cổ Đình cấy rẽ.
- Cấy rẽ là thế nào?
- Tức là đem ruộng cho dân thuê. Hoa lợi chia đôi, họ một nửa, ta một nửa.
- Ai quản lý việc này?
- Ta không quản lý. Thuê lý dịch làng Cổ Đình làm. Như vậy họ có lợi, sẽ gắn bó với đồn điền, còn ta thì rảnh. Ta nới tay một chút, bọn lý dịch sẽ hết lòng với quan Tây. Họ sẽ làm tai mắt cho ta.
Liến tỏ ra là người quản lý giỏi giang. Anh còn cho nuôi bò rẽ, cho thầu hai bến đò thuộc khu vực đồn điền, và khai thác gỗ. Nói tóm lại, cái gì làm được ra tiền anh làm tất.
Ý kiến của Liến thật hay. Như vậy, Philippe vừa là một ông chủ đồn điền hiện đại, lại vừa là một nhà quý tộc. Ông ta vừa khai thác ruộng như một ông địa chủ An Nam, vừa như một ông tư bản phương tây. Nhà nước thuộc địa cho không ông mấy trăm héc ta đất, ông lại đem đất ấy cho nông dân bản xứ cấy thuê. Chưa cần làm gì mới mẻ, ông đã tự nhiên có vài chục tấn thóc và tiền hàng năm.
Philippe về Pháp bán hết gia sản cha ông để lại, rồi vay thêm tiền làm vốn để khai thác lớn.
Liến về tận Nam Định mộ phu đồn điền. Có mấy chục người theo anh lên Cổ Đình. Trong số người đó, Liến chú ý tuyển năm gia đình trẻ người đạo gốc. Thế là một xóm đồn điền hình thành, ở đó năm gia đình công giáo họp thành một họ đạo nhỏ. Liến còn ước mong từ năm nhà dần dần sẽ trở thành một xóm đạo đông đúc. Philippe tán thành tất cả những sáng kiến của Liến. Ông biết Liến đang tìm những người nòng cốt thân tín cho đồn điền.
Bây giờ, đi vào giai đoạn thứ hai, giai đoạn trồng chè, trồng cà phê, giai đoạn chính thức để vùng đất này trở thành một đồn điền thịnh vượng. Philippe cũng đã thấy một số đồn điền thất bại. Ông hiểu rằng chỉ có cách quản lý đúng, kỹ thuật cao và phải đổ mồ hôi, rồi tiết kiệm ông mới mong thành công.