Phần XIII
Chương 3

Hoa kể lại câu chuyện bằng cái giọng lấp lửng, ấp úng. Như muốn kể, như muốn không. Có lúc cô lại cười khúc khích. Có lúc, mặt cô lại đỏ bừng. Cứ như thể cô vừa uống xong chén rượu. Giọng cô bắt đầu ấp úng, mãi một lúc sau mới trở nên mạch lạc:
Chính thật ra, phải gọi ngọn núi này là núi ông Đùng bà Đà mới đúng, song vì muốn tiện gọn nên người ta chỉ gọi là núi ông Đùng.
Xưa kia, đã lâu lắm rồi, có hai vợ chồng già sinh được hai người con một trai, một gái. Đặt tên cho người anh là Đùng, cô em gái tà Đà. Đặc biệt hai anh em Đùng, Đà rất chóng lớn. Họ ăn rất khỏe. Ăn gấp đôi, gấp ba người thường. Và to lớn cũng khác thường. Hai ông bà dần dần quá già lão, ốm nặng. Bà mẹ chết trước. Người cha biết rằng mình cũng sắp lìa bỏ cõi đời, bèn gọi hai đứa con khổng lồ ấy đến và dặn:
- Các con to lớn khác thường. Khác thường nên rồi sẽ khổ. Cha chỉ nhắc điều này: "Sau này, lỡ có chuyện gì xảy ra, thì hãy dắt nhau đi thật xa khỏi làng. Phải vào tít trong rừng sâu mà ở".
Ông già là người nhìn xa trông rộng. Chắc ông đã trông thấy tương lai trên gương mặt của hai đứa con nên mới dặn thế. Ông biết số phận kiếp người, nhưng làm sao thay đổi được số phận, cho nên ông già chỉ biết thở dài trước khi nhắm mắt.
Chôn cất cho cha mẹ xong, hai anh em lại cần cù làm ruộng. Tháng ngày qua, hai anh em Đùng, Đà lớn lên thành hai con người to lớn gấp rưỡi người thường. Dân làng ai cũng yêu quý họ, bởi vì tính nết Đùng và Đà rất hiền lành, chất phác. Hơn nữa, họ làm việc cũng rất khỏe, một người làm bằng ba người thường.
Vì họ chăm chỉ, khỏe mạnh như vậy, nên nhà nào cần người làm thuê thường mướn Đùng và Đà. Thời thượng cổ ấy, quan hệ giữa con người chất phác và không khắt khe như ngày nay. Và còn một tục lệ rất quý: các bậc cha mẹ rất yêu và chiều chuộng con cái. Thường thì họ hay làm theo ý thích của các con. Mà ý thích của các cô các cậu lại thật tinh quái. Nhà có con trai lớn thường thích thuê cô Đà. Nhà có con gái lớn lại thích thuê anh Đùng. Các bậc cha mẹ cũng chiều theo con, vì nghĩ rằng có trai có gái cùng làm với nhau chắc chắn công việc bao giờ cũng nhanh hơn. Họ kéo nhau vào rừng phát nương làm rẫy. Công việc xong, trai gái rủ nhau đi hái nấm, lấy măng, tắm suối... Một khi đã ở trong rừng, thì cỏ cây, hoa lá, chim muông suối nước tất cả đều như vào hùa với họ, họ tha hồ làm cái điều mà họ đều ưa thích. Hình như cả cây rừng con suối cũng thích chuyện ấy. Bởi vì rừng thì rì rào thì thầm khuyến khích, còn suối thì róc rách đánh khúc đàn yêu đương.
Con trai, con gái nào đi với cô Đà anh Đùng, lúc trở về đều có đôi mắt sáng rực hơn lúc mới vào rừng. Tuy nhiên. cả trai lẫn gái. Khi gặp Đùng, Đà xong, đều như những kẻ mất hồn, kẻ ở trên mây. Phải mất mươi ngày sau mới hoàn hồn trở lại. Hỏi họ làm sao thế? Con gái thì cười thẹn thùng; con trai thì gật gù, tủm tỉm. Hỏi gặng mãi, họ mới tiết lộ cho biết rằng cái ấy của anh em họ thật là ghê gớm... Hỏi ghê gớm thế nào thì không ai chịu hé lộ thêm.
Câu chuyện có một đồn mười, rồi từ mười đồn trăm. Việc này đến tai các cụ trong làng. Các cụ đều sửng người và thấy không thể để chuyện này tiếp diễn. Họ họp và quyết định, cách giải quyết khôn ngoan nhất là mau chóng dựng vợ, gả chồng cho anh Đùng, cô Đà. Vị già làng phải trai giới một tuần trăng rồi lên đền Mẫu cầu mộng. Sáng hôm sau, cụ xuống núi bảo với dân làng rằng: "Mẫu bằng lòng dựng vợ gả chồng cho anh em Đùng - Đà. Lại còn chỉ cách cho nên làm như thế nào. Hai anh em nhà đó phải đến trước cửa đền Mẫu, ở chân núi, quay lưng lại nhau. Sau đó, họ theo con đường vòng quanh chân núi Mẫu mà đi. Đường ấy khá dài. Nửa buổi mới đi hết. Anh Đùng, trên đường đi, hễ gặp người đàn bà đầu tiên nào, thì phải lấy người đó làm vợ. Cô Đà cũng thế, hễ gặp người đàn ông đầu tiên nào thì phải lấy người đó làm chồng.
Người ta biết có nhiều trai gái làng, tuy sợ nhưng vẫn thích gá duyên với Đùng hoặc Đà. Ngườỉ ta còn biết có cô, cậu rủ nhau đến canh ba sẽ đi trước vào rừng Báng trên núi Mẫu để đón đường tìm may. Những nhà nề nếp răn đe con cái: “Cấm chứng mày không được lai vãng trên con đường quanh núi Mẫu. Ngườỉ ta nói có đứa mới chỉ ngủ một đêm với anh em nhà nó, đã lử thử lừ thừ, mười ngày sau mới lấy lại được hồn được vía. Đằng này lại là chuyện thành vợ thành chồng hẳn hoi chuyện ăn đời ở kiếp với chúng nó. Nghĩ xem, liệu có chịu nổi không? Anh em nó chỉ vần cho vài hôm, là sẽ xanh xao vàng vọt, hồn vía lên mây, về chầu tiên tổ”.
Dọa thì cứ dọa, song chẳng ai sợ. Canh hai đêm ấy, đã có nhiều cô cậu lén rủ nhau bơi thuyền đến núi Mẫu. Hãy còn tối. Cũng chưa biết được Đùng sẽ đi đường nào, Đà sẽ đi hướng nào. Đến sáng, các cụ gieo tiền mới quyết định hướng của mỗi người. Thôi thì cầu may vậy. Họ họp thành từng tốp lẫn cả trai cả gái rồi chia nhau đi về hai ngả.
Mặt trời chưa ló dạng, nhưng đã nhìn tỏ mặt người. Các cụ bô lão đã tề tựu đủ mặt dưới chân đền Mẫu. Gieo tiền. Đùng đi hướng tay trái. Đà đi hướng tay phải.
Hai anh em quay lưng lại nhau bước về hai phía. Bỗng nhiên, trời mờ nhòa hẳn lại. Sương mù đột nhiên từ dãy núi xa tràn tới. Mù dày đặc trùm kín núi Mẫu và những vạt rừng quanh đó. Một chuyện lạ đã xảy ra. Đám trai gái đi đón đường đều bị lạc hết. Họ là người địa phương mà bị lạc đường mới lạ. Đến trưa, hai anh em đều đã đi được một vòng, song không hề gặp một ai là người lạ.
Trên con đường mòn, chỉ có người anh đứng trước mặt người em. Thế ra người gặp đầu tiên của Đùng là Đà, và của Đà là Đùng.
Thật trớ trêu. Các cụ không hài lòng, nhưng số phận đã định. Sao có thể trái lời thề nguyền giao ước trước các thần linh.
Các già làng phải đồng ý cho họ lấy nhau. Nhưng vì chuyện này trái lẽ thường, nên các cụ đuổi họ đi không cho ở trong làng nữa.
Hóa ra, người cha của Đùng, Đà trước lúc ra đi, đã rất hiểu sự đời. ông đã biết rõ số phận của hai người con, và đã cẩn thận dặn dò họ khi từ bỏ cõi đời. Đáng lẽ, theo lời cha, thì Đùng và Đà phải dắt díu nhau đi thật xa khỏi làng. Đáng lẽ ra, họ phải vào tít trong rừng sâu mà ở. Nhưng khốn thay! Họ đã sinh ra ở chính ngôi làng này, họ đã lớn lên cùng bao kỷ niệm cũng ở chính ngôi làng này, cho nên dù sao họ cũng có nhiều phần quyến luyến. Không được ở trong làng, họ phải ở tại nơi rìa làng. Nói đúng ra, chốn rìa làng ấy chính là ngọn núi (mà sau này người ta gọi là núi Đùng) ở bên kia sông. Sao họ lại ngốc thế không biết được. Sao họ lại khác người làng? Sao họ lại ở rìa làng? Họ không biết số phận của những kẻ ở rìa làng rồi sẽ ra sao ư? Nghĩ cũng thương cho họ! Vì nghĩ cho cùng, dù là người khổng lồ, họ vẫn là người của làng, như vậy họ làm sao tách hẳn khỏi làng, tách hẳn khỏi hòn núi Mẫu thiêng liêng...
Chính vì thế nên tai họa mới đổ xuống đầu họ. Một buổi tối, vào lúc nửa đêm, dân làng đang yên ngủ, bỗng thấy cái giường nằm đột nhiên chao đảo tựa như đưa võng. Đất rung lên từng đợt, từng đợt. Mới đầu nhẹ nhàng, sau rung mạnh, thỉnh thoảng xen vào một tiếng cười khúc khích. Chắc là cơn động đất và núi cũng biết rên. Thỉnh thoảng, đất trời tại rung rinh như vậy.
Có người đi rừng về muộn, kháo với đám trai trẻ rằng cơn động đất ấy phát ra từ ngọn núi Đùng. Các cậu lém lỉnh lại tán rằng: “ Thì ra ông Đùng. bà Đà ân ái với nhau làm cho núi cũng phải rung lên. Và rừng cũng phải rên lên khoan khoái".
Chẳng biết lời đồn đại ấy đúng đến tận đâu, nhưng đám trai gái và những đôi vợ chồng trẻ cứ lấy chuyện ấy ra mà cười khúc khích.
Các cụ già trong làng, một lần nửa lại nổi giận lôi đình. Các cụ lắc đầu. Không thể kẻo đài tình trạng này lâu được. Phải đuổi đôi trai gái khổng lồ dâm loạn này đi thật xa.
Một đêm, bất ngờ cả làng đất đuốc kẻo nhau đến chân núi Đùng. Họ khua chiêng, gõ trống, bắn tên ào ào lên ngọn núi Đùng. Sau đó họ bắn cả bùi nhùi có lửa lên nữa. Cỏ tranh khô bùng lên. Cái lều tranh của hai người khổng lồ cũng bùng lên. Trong ánh lửa rực trời, người ta thấy ông Đùng bị tên găm khắp người. Ông gào to. Lần này, dân làng chứng kiến thực sự tận mắt. Ngọn núi cũng rung lên cùng tiếng gào của ông. Ông vừa gào vừa thét "Các người ác lắm". Tiếng kêu tiếng rú của ông làm mọi người sững sờ im lặng. Mọi người như đờ ra. Người ta còn nhìn thấy bà Đà cõng chồng chạy trốn vào rừng sâu.
Chẳng ai thấy xác của họ. Có thể họ đã bị hùm beo ăn thịt. Cũng có thể đã chết rục xác trong một hang đá nào đó. Họ chết nhưng oan hồn vẫn không tan. Về sau, thỉnh thoảng dân làng vẫn thấy đất rung chuyển. Và trong rung động vẫn nghe thoảng tiếng cười khúc khích.
Từ đó, không ai muốn nhắc tới chuyện ông Đùng bà Đà nữa. Người ta ân hận chăng? Hối hận chăng? Họ sống thì chẳng ai muốn nhìn. Khi họ chết lại được xây hai bệ thờ. Trồng cả năm cây thị xum xuê làm lọng che cho nơi thờ tự. Có lẽ người ta ăn năn, muốn xoa dịu nỗi căm tức của hai cô hồn.
Kể xong câu chuyện, Hoa nín lặng như câm. Nhụ bảo:
- Câu chuyện sao buồn thế nhỉ.
- Người ta nói ông Đùng bà Đà vẫn không thể nguôi oán giận. Để trả thù, thỉnh thoảng họ gây ra những trận dịch.
- Cháu chả tin như vậy.