Rút cây roi tre từ trên chái nhà ra, ba tôi nhịp nhịp nó lên tấm phản, miệng ông không ngớt hỏi tội tôi:
- Hoàng, tại sao mày dám bỏ nhà đi chơi. Không lo dọn dẹp nhà cửa, không lo ôn tập hè, cũng không thèm nấu cơm? Trưa rồi mẹ mày và tao về ăn gì đây? Còn thằng Tý, mày rủ rê hắn chặt tre làm chi để hắn chặt vô chân hắn? Ba nó về đây bắt đền tao mày biết không? Sao mày ăn rồi chạy lông bông, phá làng, phá xóm vậy hả? Hả? Cái thằng trời đánh kia?
Tôi vòng tay, cúi đầu đứng trước ba tôi, nghĩ đến sự đau đớn khủng khiếp của ngọn roi sắp quất lên người mà rụng rời. Tuy thế, tôi vẫn không trả lời được những câu hỏi dồn dập của ba tôi.
Ông nhịp roi nhanh vun vút lên tấm phản:
- Mày điếc hả, hay mày lì, sao không nói? Tại sao mày cứ chạy ra chơi ngoài nghĩa địa hoài vậy? Ngoài đó có gì hấp dẫn mà mày mê dữ vậy?
Tôi vẫn câm như hến. Vút! Vút! Hai roi quất vào mông tôi mà không cần đợi tôi nằm dài ra phản. Tôi oằn người vì đau, nhưng tôi không van xin, cũng không nói lên những việc tôi định làm ngoài nghĩa địa. Tôi không muốn ba tôi chia xẻ với tôi những lo lắng, thương yêu mà tôi dành cho người mẹ đã chết. Tôi biết, ba tôi không còn nhớ thương gì đến mẹ tôi nữa.
Lại vút! Vút! Trót! Trót! Những ngọn roi quái ác, tàn nhẫn in tới tấp lên lưng, lên mông, lên hai bắp chân tôi. Tôi vẫn cắn răng chịu đựng. Ba tôi rít lên.
- Thật là một thằng ranh con lì lợm! Tao sẽ cho mày mềm xương ra.
Tôi biết, càng lì mặt đứng đó, càng bị đánh tới tấp. Nhưng mặc, tôi cứ cắn răng chịu trận.
Tiếng dì Xuân và nhiều người nữa đã bu đông lại trước cửa nhà tôi cùng la ó, can gián. Dì Xuân sấn tới giật cây roi, nói giọng căm tức:
- Chú Sơn! Răng chú ác rứa? Ðánh chi mà đánh dữ rứa? Con chú chớ bộ kẻ thù chi chú mà muốn giết hắn chết đi? Ác vừa vừa thôi chú ơi. Ai xui, ai biểu chú mà chú không biết thương con chớ.
Ngay tức khắc, tiếng dì ghẻ tôi ở gần đó, chua cay:
- Nì! Im cái họng nghe. Ðừng có nói xiên nói xỏ người ta nghe! Việc nhà người ta, để người ta lo. "Ðèn nhà ai, nhà nấy rãng." Xía vô rồi có người nói là định giựt chồng người ta đó.
Tiếng dì Xuân "hừ, hừ" trong họng. Tiếng nhiều người xì xà, đay nghiến. Tôi không chú ý lắm, chỉ chờ đợi những ngọn roi quất điếng lên người. Nhưng không, ba tôi không còn ở đó nữa. Ông theo tay kéo của một người hàng xóm đi ra khỏi ngõ.
Dì Xuân bẻ đánh "rốp" cây roi, quẳng vào góc nhà. Dì không thèm nói gì nữa, ôm lấy tôi dìu qua nhà dì. Ðặt tôi nằm lên chiếc chõng tre, dì xuýt xoa rờ rờ lên lưng tôi. Ðang nằm úp mặt xuống giường, tôi vẫn cảm thấy những giọt nước mắt nóng hổi nhiễu lên lưng tôi làm xót rát những vết roi có lẽ rướm đầy máu.
Dì Xuân hỏi vỗ về:
- Răng con dại rứa con? Ba con không ưng con bỏ nhà đi chơi, con đi chỉ để bị đánh thảm thương ri hè?
Tôi tấm tức khóc trước những lời nói nghẹn ngào của dì Xuân:
- Răng con cứ ưa ra nghĩa địa làm chi mà ra mãi rứa hả?
Nướcmắt chảy ròng ròng, tôi vẫn không nói.
- Rứa sáng ni con làm chi mà thằng Tý suýt gãy cẳng hả?
Thổn thức một hồi, tôi mới nói được:
- Con rủ thằng Tý chặt tre...
- Trời ơi, hết cách chơi răng con chơi dao, chơi rựa?
- Con không chơi đâu dì. Con biểu thằng Tý chặt tre làm nhà...
- Trời ơi, bày trò chơi làm nhà, làm cửa nữa?
- Không phải bày trò đâu dì. Con định chẻ tre, lợp cho mẹ con một mái nhà kẻo nắng rọi mẹ con nóng lắm dì. Mai mốt tới mùa mưa, mẹ con cũng khỏi bị ướt, bị lạnh đó dì.
Dì Xuân la trời một lần nữa rồi dì khóc kể:
- Sen ơi là Sen! Răng em chết chi sớm để con em tội tình dữ ri nè. Còn cha đó mà như mồ côi, mồ cút. Cha hắn giờ chỉ biết con ngựa Thượng tứ đó thôi, còn biết chi tới con với cái nữa. Hu hu...
Dì xịt mũi vào ống quần đen rồi dì lại khóc. Nước mắt của dì làm tôi thêm tủi thân. Tôi vùng dậy ôm chặt lấy dì, khóc oà. Con Kim Anh ngồi bên mẹ cũng ôm mẹ khóc.
Lát sau, khóc đã nư, dì Xuân tỉnh táo nói:
- Kim Anh, lui sau bếp bới tô cơm, bỏ vài con cá bống thệ kho ném, lựa con mô lớn nhất đó, đem lên cho thằng Hoàng ăn.
Kim Anh dạ nhưng vẫn đứng bên, hỏi rụt rè:
- Còn bác Sơn và dì Lan thì sao mẹ?
Dì Xuân trợn mắt lên:
- Sao là sao? Cho họ đói chớ sao. Bộ họ không biết đi ăn cơm tiệm à? Không lo được bữa cơm hay sao mà bắt thằng nhỏ 7,8 tuổi lo hầu hạ họ hả?
Ðược lời như cởi tấm lòng. Dì Xuân thiệt là hiểu bụng tôi. Ðã lâu, mỗi lần phải gò lưng chúi đầu vô ông bếp thổi lửa phù phù, khói mù cay mắt, tôi hay nhủ bụng: "Tự dưng mình phải hầu hạ, cơm nước mãi hai con người ác nhơn đó."
Những lúc ấy, tôi buồn rầu nghĩ mãi, không hiểu sao ba tôi lại ưa đánh đập tôi một cách dữ dội như thế. Vô lẽ ba tôi không còn thương tôi? Hay ba tôi điên? Hay tôi không phải là con ruột của ông? Nhưng ngày mẹ tôi chưa mất, ông cưng tôi lắm mà?!
Sau cái vụ làm nhà che nắng, che mưa cho mẹ không thành, lại bị một trận đòn nên thân, tôi càng đâm ra lì lợm, càng ghét mẹ kế và xa lánh ba tôi hơn.
Cũng vậy, ba tôi càng ham đánh đập tôi hơn. Cứ mỗi lần dì ghẻ tôi nói hờn mát bất cứ chuyện gì có dính dáng đến tôi, y như rằng ba tôi lại lôi tôi ra đánh. Gãy hết cây roi tre này thì vót cây roi kháng!!-- ---~~~mucluc~~~---


Chương 4

Kim Anh ngước mắt nhìn lên, ngơ ngác:
- Bộ... bộ trò cho ổng ác với tui như vậy chưa đủ sao?
- Không. Ý... Ý tui là... Muốn biết... À, ngoài cái việc làm mù mắt Kim Anh, đánh đập Kim Anh ra, hắn còng làm điều gì khiến Kim Anh phải đau đớn khổ sở nữa không?
Kim Anh gật đầu đáp “có”. Tim tôi thắt lại, đau nhói. Cô ấy bảo:
- Có, ông ta thường hay bỏ đói tui. Vì ông ta không có nhà nên buộc tui bạ đâu ngủ đó. Có khi nằm trên lề đường, dưới mái hiên nhà hàng phố. Có khi ngủ trong sạp chợ. Dù ở đâu, tui cũng không được nằm mùng, muỗi đốt quá trời hà.
Lối nói bỉnh thản, vương chút thơ dại của Kim Anh đủ sức làm tôi yên bụng. Phải chớ, lão già quái vật ấy gây ra chừng đó đau khổ cho Kim Anh, đủ làm một tội lớn với trời đất. Lão không dám nghĩ đến một điều gì thất đức, ghê gớm hơn thế nữa...
Hai đứa đang im lặng theo đuổi ý nghĩ của mình chợt Kim Anh lên tiếng:
- Nè, Hoàng à, trò thấy hình dạng ông đó hồi nãy như thế nào? Tại sao anh “đại ca” của trò cứ gọi bằng lão vậy? Bộ trông ổng già lắm hả?
- Ừ, hắn ta ốm nhách, thân hình đen nhẻm, râu cằm dài cả tấc, tóc bạc và bù xù...
Kim Anh ngắt lời tôi:
- Hèn nào! Ngày tui gặp ổng lần đầu, ổng cỡ bằng ba trò, đang còn trẻ. Ba, bốn năm nay lang thang trong này, ổng già đi nhanh chóng. Mà có thể ông ta cố tình làm già mình đi, cũng như làm cho tui đui mù, rách rưới, gầy mòn đi để xin ăn và cũng để không người quen nào nhìn ra được. Như thế chẳng trách ông ta ỷ y, dẫn tui đến ga này ăn xin. May mà trò không quên tui.
Nhìn Kim Anh, thở ra một hơi dài, tôi nói:
- Từ nay Kim Anh ơ bên cạnh tui. Hắn sẽ không dám tìm đến đây nữa đâu. Cái tội hắn làm đui mù hai mắt Kim Anh là lớn lắm đó. Ra tòa, hắn sẽ bị kết án ở tù suốt đời. Trò ở với tui. Tui sẽ nuôi trò:
- Không thể được Hoàng ạ. Tui mù lòa không kiếm ăn được, nay lại bắt Hoàng nuôi. Tui chỉ nhờ Hoàng đưa tui về Huế sống với mẹ tui.
- Ở Huế khó kiếm ăn lắm. Tui sẽ nhờ đại ca tui cho người về đưa dì Xuân vào đây. Chúng ta sẽ cùng nuôi bà.
Tôi bỗng nhớ tới căn bệnh ngặt nghèo của mẹ Kim Anh. Liệu bà còn sống hay không sau mấy năm dài Kim Anh đi lưu lạc? Ai cho bà ăn, ai săn sóc thuốc men cho bà?
Kim Anh như ăn nhịp cùng ý nghĩ của tôi. Cô nói giọng buồn rầu, thê thiết:
- Ðáng thương cho mẹ tui. Không biết bà đã sinh sống bằng cách nào. Ốm đau như thế rồi ai chăm nom, săn sóc...
Tôi chận lời, nói an ủi bạn:
- Kim Anh đừng có lo. Xóm giềng sẽ giúp đỡ dì. Không có ai nỡ để dì cô quạnh, đói khác đâu.
Nhớ đến gia đình ba tôi là hàng xóm của dì Xuân, tôi hỏi như để đưa ý tưởng của Kim Anh qua hướng khác:
- Còn... còn ba tui, lúc Kim Anh chưa vào đây...
Kim Anh nhướng đôi lông mày cong, hướng về phía tôi, nói giọng trách móc:
- Ừa, trò tệ lắm. Bỗng dưng trò bỏ nhà đi mất biệt. Ba trò lo lắm, tìm khắp nơi.
Tôi cướp ngang, cố tình nói mỉa mai:
- Hừ, ba tui mà đi tìm tui? Tìm về để có cái lưng này mà hành hạ, đánh đập chớ yêu thương gì.
- Trò đừng nói như thế. Sáng hôm đó, không thấy trò về, mới đầu, ba trò tưởng rằng trò giận, quanh quẩn đâu đó rồi trở về thôi. Nhưng đến khuya không thấy tăm dạng của trò đâu, ổng bắt đầu lo sốt vó, huy động mọi người trong xóm đi tìm. Riêng ba trò bỏ chạy thồ, rượt xe chạy khắp nơi, ở Lịch Ðợi, qua ga Huế, xuống bến Ngự, về An Cựu, xuống chợ Cống, qua Ðập Ðá, tới Ðông Ba, vào Thành Nội... Không có chỗ nào là ông không tới. Nhắn tin trên đài phát thanh, đài truyền hình tới công an... Ông còn theo tàu hỏa ra Vinh rồi vào Ðà Nẳng. Ông không đi xa hơn vì không thể ngờ...
Tôi ngắt lời bạn để dấu cánh mũi đang phập phồng vì cảm động:
- Xin đủ. Tui không thể tin ổng đi tìm tui vì sợ tui bỏ nhà đi hoang, chết đói dọc đường. Chẳng qua ông mất đối tượng để chơi trò tra tấn, nên...
Kim Anh cau mặt:
- Trò ăn nói thật là... Sao trò biết được ba trò đã đau khổ như thế nào khi tìm trò không ra? Ổng nghi trò vì buồn giận, trong lúc uất ức đã nhảy xuống sông tự tử. Ông thuê người lặn mò khắp dọc sông An Cựu và sông Hương...
Tôi lại ngắt lời với vẻ cáu kỉnh:
- Xin đủ.
Kim Anh giả lờ, tiếp tục kể lể:
- Nhiều ngày tìm trò không thấy, ba trò không thiết gì chạy thồ kiếm ăn nữa, chỉ mua rượu về uống. Say xỉn, ổng chửi dì ghẻ trò quá trời. Ổng bảo vì bả mà ổng đánh con trai độc nhất của ông. Vì bả, ổng mới hành hạ đứa con ông rất thương yêu, giờ con ông chết...
Nước mắt tui sắp ứa ra, lại mủi lòng. Thật đáng ghét. Tôi thật giận mình đã dễ yếu lòng đến thế. Tôi trút giận qua bạn:
- Thôi, cô im đi. Tui không tin.
Kim Anh vẫn tiếp tục:
- Dì ghẻ trò cũng chửi lại ba trò. Hai người đánh lộn nhau hoài.
Tôi trừng mắt nhìn. Vì không thấy được, Kim Anh vẫn nói:
- Tội nghiệp mấy đứa em trò. Từ ngày trò đi, bọn chúng buồn thiu buồn thỉu.
Tôi nghe cay cay lỗ mũi. Khoát tay về phía Kim Anh, tôi nói lảng:
- Ðã lâu lắm tui không biết tin tức gì về cô Kim Loan. Ngày Kim Anh chưa vào đây, cô vẫn còn dạy ở lớp 5 C, trường cũ chớ?
Kim Anh hơi mỉm cười:
- Cô Kim Loan hả? Năm tôi lên lớp sáu, cô được đổi về một trường trong thành nội, gần nhà cô. Nghe đâu cô được cấp trên khen vì đã giáo dục được trò, một học sinh cá biệt nhất trường, trở thành học sinh ngoan, nên...
Tôi cắt ngang:
- Thế... thế cô biết tui bỏ nhà đi không?
Kim Anh thở dài:
- Có lẽ là không. Suốt một năm học lớp sáu, tui vì bận vừa học vừa kiếm tiền nên không có thì giờ vào Thành Nội thăm cô. Nhưng cô không biết thì lại hay hơn.
Tôi ngượng nghịu, nói lảng một lần nữa:
- Khuya lắm rồi Kim Anh à. Hãy nằm tạm đây ngủ một giấc cho lại sức đi.
Kim Anh chợt nhổmm người lên, ngạc nhiên:
- Ủa, ngủ đây à? Nhà trò đâu?
Tôi gượng cười:
- Ðây là nhà tui đó.
Kim Anh quờ tay chạm phải xe mì, rồi chạm tấm vách ván, chạm bức tường vôi. Cô thở dài, xê vào sát vách một chút. Nói một câu ngắn, rồi nhắm mắt lại:
- Thôi, tui hiểu rồi.