Ngô Tự Lập dịch
Rigoletta
Tác giả: Alberto Moravia (Ý)

Bạn đã gặp Rigoletta lần nào chưa? Nếu chưa, tôi xin giới thiệu. Về diện mạo, tôi xin cam đoan rằng ai trông thấy Rigoletta lần đầu tiên cũng phải phá lên cười: cái mặt đỏ lựng và tròn như trăng rằm tháng tám, đôi mắt ốc nhồi thô lố, mũi tẹt, mồm ngoác đến mang tai, trông chẳng khác gì nhát dao cắt ngang một quả dưa hấu (những người bán dưa thường làm thế để quảng cáo rằng dưa đã chín). Mái tóc dày, cứng như một cái bờm, lúc nào cũng bơ phờ như khi chạy ngược gió. Thân hình nàng khiến ta liên tưởng đến một cái gối bị buộc ngang ở giữa, còn đôi chân lực lưỡng thì hơi bị vòng kiềng.
Cha mẹ Rigoletta có một hiệu bán rau quả khá phát ở Compô Điphori. Đứa con gái được cha mẹ cưng chiều chẳng khác gì một công nương. Nàng chưa bao giờ phải đứng bán hàng. Cũng giống như mọi công nương, nàng chỉ việc ăn không ngồi rồi và mơ mộng. Có thể các bạn sẽ nghĩ về tôi đại loại thế này: hắn biết Rigoletta rõ thế, chắc ngày xưa đã có tình ý gì với ả! Nhưng tuyệt nhiên không. Chúng tôi chỉ hàng xóm với nhau, cùng tuổi và cùng chơi đùa với nhau trên phố Đây Petinari. Khi chúng tôi lên mười sáu tuổi, Rigoletta đột nhiên tỏ ra thông cảm với hoàn cảnh của tôi. Nàng lấy trộm cam hoặc táo trong quầy của cha đem đến cho tôi. Có khi nàng cho tôi vài tờ giấy bạc một trăm. Tôi dùng tiền ấy đi xem phim và mua những điếu thuốc đầu tiên trong đời. Mọi cử chỉ của Rigoletta, ít nhất là theo cách hiểu của tôi, không thể cho là trò trẻ con. Không bao giờ nàng nhìn thấy sự thật như nó đang tồn tại, mà luôn luôn tưởng tượng cực kỳ mãnh liệt. Nhiều lần tôi sẵn sàng đánh đổi mọi thứ trên đời để được là Rigoletta. Với cặp mắt nàng, ai mà biết được, có lẽ thế giới xung quanh sẽ được phóng đại lên và méo mó đi, giống như trong một tấm gương dị dạng, tôi thấy Rigoletta dường như lúc nào cũng say, có điều không phải say rượu, mà say những tưởng tượng của chính mình.
Lớn lên, tôi học nghề thợ điện rồi chuyển sang làm việc cho một xưởng phim. Dần dần tôi nắm được bí quyết nghề nghiệp và trở thành phó quay phim. Tôi chỉ còn gặp Rigoletta đôi ba lần khi có việc phải qua Đây Petinari. Chúng tôi chỉ còn là những người quen biết đơn thuần, mặc dù trong thâm tâm tôi vẫn cảm ơn nàng.
Nhưng một buổi sáng - bấy giờ tôi đang làm việc ở hãng “Vittoriachine” - thì một anh bạn tiến lại gần nháy mắt cười.
- Này, Gigi, có một người đẹp muốn gặp cậu đấy!
Nói thật tình, tôi tin cậu ta ngay - thời trẻ ai mà không háo sắc. Nhưng tôi sững người, khi nhìn thấy Rigoletta từ xa. Bấy giờ là tháng chín, trời nóng như đổ lửa, mà nàng mặc một cái váy xếp màu trắng, đeo thắt lưng, càng làm nổi rõ nước da thô kệc rám nắng. Đôi tay trần gân guốc, phủ đầy lông lá, khiến ta bất giác nghĩ rằng đó là một người đàn ông giả gái. Tôi đón ả khá trịnh trọng:
- Ôi, cơn gió nào đưa em đến đây thế?
Nàng đáp:
- Mình tìm chỗ nào kín đáo, em có chuyện muốn nói với anh.
Trong sân, giữa hai trường quay, người ta dựng lên cả một công trình bằng giấy nện để quay bộ phim về thời Ai Cập cổ đại: nhà thờ, bậc thang, hàng cột với những hình đầu bò rừng trên đỉnh. Tôi cùng Rigoletta lánh ra sau hàng cột. Nàng nói ngay:
- Gigi, chưa bao giờ em cầu xin điều gì …Nhưng lần này, hãy giúp em…
- Giúp chuyện gì?
- Hãy giới thiệu em với ông chủ hãng phim Parodi.
- Để làm gì?
- Em nghe nói rằng trong bộ phim mà ông Parodi sắp làm có một vai thích hợp với em và người ta đang đi tìm diễn viên… Em tin tưởng rằng nếu gặp em, ông ấy sẽ mời em nhận vai.
Câu nói của nàng khiến tôi bị bất ngờ không sao thốt được nên lời. Còn Rigoletta không chịu được vì sốt ruột:
- Kìa, anh nuốt mất lưỡi rồi à? Anh có nghe em nói không?
- G… tôi hiểu rồi: em muốn đóng phim. - Tôi lẩm bẩm.
- Đúng vậy… trên thực tế, khối người hình thức còn lâu mới bằng em mà đóng phim được, thế thì tại sao em không thử xem? Về tài diễn xuất, xin cam đoan với anh là em có.
- Em có tài diễn xuất ư?
- Chắc chắn là thế. Đây anh xem, em đem theo cả tập ảnh. Tác giả là một nghệ sĩ nhiếp ảnh chụp cho các ngôi sao điện ảnh.
Rigoletta lấy ra hơn chục chiếc ảnh, bày trước mặt tôi. Hãy thử tưởng tượng mà xem, nàng thể hiện tài năng diễn xuất của mình trong đủ các tư thế khi đóng bộ chỉnh tề, khi chỉ mang đồ tắm, khi gần như nằm lăn trên thảm, tóc xoã xuống vai, nét mặt bi thương, khi thì đầu gục xuống cánh tay ngực áp sát trần nhà, ánh mắt ê chề đau khổ…
Tôi đứng như trời trồng, không biết phải làm gì, đành cầm lấy tay Rigoletta, nói giọng thông cảm:
- Em hãy cất ảnh đi… Bởi vì, em phải cho ông chủ hãng phim xem, chứ không phải là anh.
Rigoletta nguýt một cái đầy ý nghĩa và đáp:
- Bỏ tay ra nào. Anh nhớ đấy!
Tôi bỏ tay nàng ra và hết sức bất ngờ khi nghe nàng nói:
- Em phải đặt một điều kiện trước: anh cố gắng giúp em việc này, nhưng không được đòi chuyện ấy đâu nhé. Không được, đơn giản thế thôi. Em thừa biết dân làm phim các anh hay vòi vĩnh cái gì!
Tôi hoàn toàn rối trí:
- Được rồi, tôi sẽ không đòi hỏi gì cả. Chỉ giúp thôi, không công.
Tôi cố gắng nói cho Rigoletta hiểu rằng ông chủ hãng phim rất bận, khó có thể tiếp nàng được, rằng chúng tôi chưa có kế họach làm bộ phim mới nào cả, rằng điện ảnh đang lâm vào tình trạng khủng hoảng, vân vân và vân vân… Nhưng có nói nữa cũng bằng không! Rigoletta kiên nhẫn nghe rồi tuyên bố:
- Anh chỉ việc giới thiệu em với ông chủ hãng phim thôi. Phần còn lại, tự em sẽ tự lo liệu ấy.
- Nhưng nếu ông ấy chưa tiếp được thì sao?
- Tôi hỏi.
- Em sẽ chờ.
- Có khi phải đợi đến tối…
- Tối em cũng chờ.
- Thế em dùng bữa ở đâu?
Nàng đáp hết sức tự nhiên:
- Sao lại ở đâu? Ở đây, ngay trong xưởng phim này. Em mời anh dùng bữa với em.
Đến nước này thì không còn đường thoái thác. Tôi lấy hết can đảm, đứng dậy, lên phòng ông chủ hãng.
Sáng hôm đó Parodi ít khách, ông tiếp tôi gần như ngay lập tức. Chủ hãng phim là một người đàn ông trung tuổi, phúc hậu, nhưng cũng hết sức khôn ngoan. Tôi cảm thấy ông khá hiểu và cũng mến tôi. Khi tôi vào phòng, Parodi vẫn viết và tuy không ngẩng lên nhưng ông hỏi ngay:
- Có chuyện gì thế, Rimandi?
Tôi đáp:
- Có một cô gái, người quen cũ của tôi, muốn tham gia đóng phim. Cô ấy nhờ tôi giới thiệu với ngài.
Parodi cầm lấy một trong những ống nghe bên cạnh, áp vào tai và nói với ai đó một câu ngắn gọn. Sau đó ông đánh dấu lên tờ lịch rồi nói với tôi bằng một cái giọng bình thản:
- Tốt lắm, bảo cô ấy tám giờ tối nay đến gặp tôi.
- Thưa ngài Parodi… - Tôi tiếp tục.
- Còn chuyện gì nữa?
Tôi định nói thêm: “Xin ngài chớ hi vọng. Cô ta xấu lắm. Ngài không thể hình dung được”, nhưng đành chỉ lúng búng trong miệng:
- Dạ, không có gì. Tôi chỉ định nói tên cô ta là Rigoletta.
Lúc đó Parodi mới ngẩng lên nhìn tôi, mỉm cười:
- Rigoletta à? Hi vọng là cô ta không bị gù chứ?
- Không, cô ta không gù.
Tôi đáp rồi vội vã bước ra. Phải cố gắng lắm tôi mới đợi được đến giờ giải lao và đi vào quán bar. Đúng một giờ Rigoletta sẽ đợi tôi ở đó. Điều khó xử nhất là hôm đó tôi đã hẹn ăn trưa cùng cô bồ. Cô ấy tên Xatina, một diễn viên không mấy tài năng, được mời đóng một vai phụ trong bộ phim đang làm về Ai Cập. Không phải tôi sợ Xatina sẽ ghen với Rigoletta, mặc dù với đàn bà thì khó mà lường trước được chuyện gì sẽ đến. Nhưng mồm mép Xatina thì ghê gớm lắm, tôi không muốn cô ta xúc phạm đến Rigoletta. Dù ao thời thơ ấu tôi đã từng chịu ơn nàng. Tôi hi vọng sẽ gặp Xatina để báo trước cho cô ta. Nhưng sự việc đã không xảy ra như vậy.
Vừa trông thấy tôi, Rigoletta đã lao bổ tới:
- Thế nào, anh nói với ông chủ hãng phim chưa?
- Rồi, rồi. Ông ấy sẽ tiếp em vào lúc tám giờ tối.
Đúng Lúc đó. Xatina xuất hiện trong bộ áo dài. Khuôn mặt cô ta ửng hồng, đôi mắt xanh lơ rực sáng.
- Gigi, ta đi ăn trưa chứ? Tôi biết làm thế nào đây?
- Xatina, anh muốn giới thiệu với em cô bạn cũ…
- Rất hân hạnh… À, xin lỗi, tiểu thư tên gì?
Tôi không muốn nói tên Rigoletta, nhưng nàng đã tự giới thiệu:
- Tên tôi là Rigoletta.
- Chị vừa nói gì nhỉ? Rigoletta à?
- Sao vậy, hay chị không thích tên tôi?
- Ồ, không, tại sao lại không thích cơ chứ! - Xatina đáp. - Tự chị nghĩ thế thôi. Thói đời có tật giật mình.
Chúng tôi ngồi sâu trong phòng ăn. Ngay sau đó, một nhóm các diễn viên đang tham gia đóng bộ phim về Ai Cập nói trên cùng vào theo. Tôi trông thấy Luchane Luchentini, ngôi sao đồng thời là hoa hậu trong làng điện ảnh, hai nữ diễn viên khác cũng cực kỳ xinh đẹp, tuy không nổi tiếng bằng. Bên cạnh họ có mấy diễn viên nam và nữ tham gia đóng các vai phụ. Tất cả đều trẻ đẹp và đánh phấn màu nâu sẫm để đóng giả người Ai Cập: những chiếc váy ngắn, những chiếc áo bó chặt để hở cả hai tay và cổ. Tôi chỉ tay hỏi Rigoletta, cốt để tách Xatina khỏi cô.
- Kìa kìa, Rigoletta, đó là Luchentini. Anh tin chắc bây giờ em mới gặp chị ấy lần đầu!
Rigoletta ném cái nhìn về phía Luchentini rồi quay lại, bĩu môi:
- Biết nói thế nào nhỉ? Thật tình, em chẳng thấy chị ấy đẹp ở chỗ nào… trên màn ảnh còn khả dĩ, chứ khi gặp thật, như bây giờ chẳng hạn, thì… có thể nói thẳng ra là xấu!
- Xấu ư? - Xatina hỏi lại. - Chắc chị định nói Luchentini xấu hơn chị chứ gì? Đúng vậy không?
Rigoletta không nhận thấy giọng mỉa mai của Xatina. Nàng vừa lắc đầu vừa đáp:
- Ít ra thì mắt tôi cũng to hơn… chứ không ti hí như thế kia.
Muốn thay đổi chủ đề, tôi nói:
- Còn bên cạnh Luchentini là Vivandi. Em có nhớ không, cô ấy đóng trong phim “Đứng lại không tôi bắn!”.
Rigoletta ngắm nghía Vivandi một hồi lâu. Đó là một cô gái tóc đen đẹp đến nỗi người chết có lẽ phải vùng dậy mà chiêm ngưỡng. Đột nhiên Rigoletta nói:
- Hừ, nếu như đây là những ngôi sao điện ảnh thì…
Xatina châm ngay vào:
- Xin tiểu thư nói hết câu… Nếu như đây là những ngôi sao điện ảnh thì sao? Tôi đoán ra rồi. Thì còn lâu mới đẹp bằng chị đúng không nào?
Cuối cùng, Rigoletta cũng nhận thấy thái độ châm chọc của Xatina.
- Này, chị định nhạo báng tôi chắc?
- Nhạo báng chị đấy à? Ồ, sao chị lại nghĩ thế. Tôi không dám!
- Này, Gigi, anh hãy nói cho chị ấy biết về em. Vừa mới đây thôi, Gigi đã đến gặp ông chủ hãng phim. Parodi hẹn gặp để mời tôi đóng một vai trong bộ phim mới.
Tôi thực sự kinh ngạc khi thấy Xatina vẫn giữ được vẻ nghiêm túc:
- Thật ư? Nghĩa là Gigi đã giới thiệu chị với chủ hãng phim?
- Dĩ nhiên. Và khi bắt đầu làm bộ phim mới, ông ấy sẽ mời tôi tham gia diễn xuất.. không tin, cứ xem những tấm ảnh này. Cứ xem thì biết!
- Ồ, quả là một giai nhân tuyệt sắc. Chẳng ngoa tị nào!
- Có gì đáng ngạc nhiên đâu. Chị có thể nói thật to điều ấy cho mọi người nghe rõ.
Xatina vẫn tỉnh bơ:
- Gigi, anh đã từ chối khi em nhờ anh giới thiệu với ông chủ hãng phim… Vậy mà anh tất tưởi ngược xuôi vì con chuột chù này… Thật khó mà miêu tả những gì xảy ra sau đó.
Rigoletta nhảy bổ vào Xatina, hét lên:
- Ái chà chà, mày thử nhắc lại xem nào, đồ ngu xuẩn!
Xatina khẽ né sang một bên cười khẩy:
- Thế ra chị cảm thấy bị xúc phạm ư? Chính ra so sánh như thế thì kẻ bị xúc phạm là con chuột chù chứ đâu phải chị!
Rigoletta túm lấy áo dài của Xatina, xé toang khiến cô ta hở cả ngực. Còn Xatina thì kêu:
- Chị muốn xem thân thế của tôi ư? Chí ít thì nó cũng không tồi như của chị.
Tất cả những người có mặt trong nhà ăn đều đứng dậy, nhìn về phía chúng tôi. Cuối cùng, Xatina bỏ đi sau khi hét về phía tôi thay cho lời chào:
- Rồi, em sẽ nói chuyện với anh sau!
Tôi đưa Rigoletta ra khỏi nhà ăn với tâm trạng nặng nề. Thật tình cờ, tôi trông thấy Parodi đang đứng trong sân, giữa hai trường quay, và nói chuyện gì đó với ông đạo diễn. Tôi quyết định phải giải thoát khỏi Rigoletta càng nhanh càng tốt.
- Rigoletta, kia chính là ông Parodi. Em nhọc công đợi đến tám giờ tối làm gì. Đứng đây chờ một lát. Khi nào Parodi kết thúc câu chuyện với người đàn ông kia, em hãy đến tự giới thiệu: “Tôi là Rigoletta, cô gái mà Rimandi đã nói với ngài vào lúc sáng”.
Rigoletta ngoảnh lại nhìn Parodi rồi đáp:
- Được rồi. Nhưng có điều không nên để người khác trông thấy em đang nói chuyện với ông chủ hãng phim. Rồi cũng như Xatina, họ lại sinh lòng đố kỵ. Bản chất con người ta là như thế. Dù sao thì em cũng thông cảm với họ, những con người tội nghiệp.
Tôi nói với Rigoletta:
- Cứ đi đi đừng ngại gì cả!
Parodi đã kết thúc câu chuyện với ông đạo diễn. Rigoletta đi chéo qua sân. Đôi chân vòng kiềng của nàng đánh nhịp khuềnh khoàng, còn một tay dài long khòng xách túi. Đúng là một con hắc tinh tinh chứ không ngoa!
Rigoletta đã đến bên Parodi, bắt đầu nói chuyện với ông ta và lấy những tấm ảnh ra khỏi túi. Xem ảnh xong, ông trả lại cho Rigoletta rồi đặt lên vai nàng, nói một câu gì đó. Sau đó ông mỉm cười, tát nhẹ vào má Rigoletta và vội vã ra xe.
Rigoletta đứng khoanh tay trước bụng nhìn theo chiếc xe đang xa dần. Phải một phút sau nàng mới quay lại chỗ tôi. Tôi nói rằng sẽ tiễn nàng. Chúng tôi ra khỏi xưởng phim và đi dọc một dãy phố hẹp như đường làng, hướng về phía đập nước trên sông Tibra. Rigoletta nói:
- Ông ta tỏ ra đã biết đánh giá đúng em. Đúng thế. Ông ta hỏi tại sao em muốn đóng phim.
- Thế em đáp làm sao?
- Em trả lời, trước hết vì em rất ăn ảnh. Sau nữa, em tin mình sẽ hoàn thành xuất sắc bất kì vai diễn nào.
- Thế ông ta nói sao?
- Ông ta nói: nhan sắc của em đòi hỏi phải làm riêng một bộ phim mới thích hợp.
- Rồi sao nữa?
- Ông ấy hứa sẽ suy nghĩ và báo qua anh.
Chúng tôi đã ra đến đồng cỏ bên bờ sông Tibra. Cảnh sông Rome không còn xa nữa. Rigoletta bước đi trên cỏ, miệng thì thầm hát bài gì đó. Mắt nàng sáng rực, ngực vươn về phía trước, tóc tung bay trước gió. Đột nhiên nàng tuyên bố:
- Parodi đúng là một tay khá lõi đời.
- Em muốn nói gì?
- Ông ta không bỏ lỡ dù là một cơ hội nhỏ. Đầu tiên, ông ta đặt tay lên vai em, sau đó vuốt má. Nhưng xin nói cho mà biết, ông ta đã tính nhầm đối tượng. Nếu lúc đó không phải chỗ đông người, chắc chắn ông ta sẽ được ăn một cái tát nên thân!
Tôi nín lặng, nhưng lòng thầm muốn hỏi nàng: “Liệu có thật là em trông thấy dòng sông Tibra trước mặt? Hay là trong mắt em nó đã hoá thành một con đường tấp nập người xe? Còn bình ga và cái bánh mì kia nữa, trí tưởng tượng của em đã biến chúng thành những vật gì?”.Rigoletta đột nhiên nảy ra ý định hái hoa. Nàng hái một bông hoa nhỏ màu vàng và cài lên ngực áo tôi. Sau đó, nàng lấy từ trong túi ra hai bao thuốc lá:
- Thôi được, em phải đi kẻo mất việc của anh. Hãy hút những điếu thuốc này và cầu chúc sức khoẻ cho em.
Tay cầm hai bao thuốc, tôi đứng lại rất lâu trong gió nóng, trong ánh nắng chói chang, mắt dõi theo Rigoletta đang khuềnh khoàng bước đi trên cỏ, xa dần, xa dần, dọc theo mé đập nước.
Alberto Moravia (Ý)
Ngô Tự Lập dịch