Sau này Xi-du-ê nhớ lại rằng hôm đó bà đã có linh cảm từ sáng sớm. Trước khi đi khỏi nhà bà định cất đôi giày đi đường màu đen nhưng chẳng hiểu do đâu lại đột nhiên nghĩ rằng lại còn cần đến nó. Vào giờ nghỉ ăn trưa, ngồi trong vườn hoa xem một chú bé thả diều, Xi-du-ê còn nghĩ: tại sao máy bay có thể bay được nhỉ? Đúng vào khoảnh khắc ấy chiếc diều bỗng rùng mình, vẽ một đường xoáy trôn ốc rồi cắm mũi xuống cát. Bà nhớ mình còn nghĩ: Nhỡ đang ở trên không máy bay vỡ tung thành từng mảnh thì sao? Xi-du-ê hình dung những hành khách bị bắn tung toé trên bầu trời và đang hun hút rơi xuống. Họ chỉ kịp nhìn thấy thế giới lần cuối cùng rồi chết. Như thế cũng không phải là dở…Xi-du-ê biết tin chị gái chết vào buổi tối, lúc hơn chín giờ. Bà vừa ăn tối vừa xem ti vi. Trong chương trình tin tức, người ta thông báo rằng chuyến bay thường lệ từ Ha-nê-đa đến Sa-pô-rô bị mất liên lạc ở địa phận quận I-va-tê. Ban đầu Xi-du-ê không ngờ điều ấy lại có quan hệ đến Ma-xa-ê. Ăn tối xong, như thường lệ, Xi-du-ê giở các chứng từ và bắt tay vào tính toán số tiền phải thu của khách ngày mai. Bà làm việc có lẽ đã một tiếng đồng hồ thì chuông điện thoại réo vang. Torng ống nghe cất lên giọng nói xúc động của A-xa-cô, đứa cháu gái:- Dì ơi, dì ơi, thật là khủng khiếp! Máy bay của mẹ cháu bị nổ!- Nổ là thế nào?- Bị rơi!- Ờ, tao cũng có nghe về tin máy bay, nhưng… Ma-xa-ê có đi Hô-cai-đô bây giờ đâu, định chờ khi ấm lên cơ mà?- Mẹ cháu đã thay đổi ý định. Hãng hàng không vừa gọi điện báo rằng mẹ chúa có đi chuyến ấy!…Bình thường vẫn trầm tĩnh và chín chắn, bây giờ A-xa-cô nghẹn ngào vì tiếng nấc khiến Xi-du-ê không thể hiểu được nữa lời cô nói. Bà hét vào ống nghe:- Bình tĩnh nào! Có thể người ta sẽ cứu được.- Thế ạ?- Dĩ nhiên. Có thể máy bay không thể bị nổ mà rơi xuống biển. Đó là chuyện hoàn toàn khác.- Nhưng người ta nói rằng… - A-xa-cô ngắc ngứ rồi cố gắng nói dễ nghe hơn một chút - Bây giờ cháu phải đến hãng hàng không ở I-u-ra-cu-tô. Chính họ mời. Dì thân yêu! Dì đi với cháu nhé!- Khỏi phải bảo! Dì sẽ sửa soạn và đi ngay. Nghĩa là ở I-u-ra-cu-tô, phải không?- Vâng, cháu cảm ơn dì thân yêu…- A- lô, a- lô, A-xa-cô! Cẩn thận đấy cháu ạ. Gọi tắc- xi ấy, đừng có đi xe riêng. Còn dì cũng đi ngay đây.- Được rồi, được rồi, hẹn gặp dì!Xi-du-ê đặt ống nghe xuống và lại bật ti vi. Đúng lúc phát thanh viên đang thông báo bằng một giọng rành rọt: "Sau đây là họ tên các hành khách trên máy bay K- 802… "Anh ta bắt đầu dọc danh sách, đồng thời những dòng chữ in lướt qua trên màn hình màu xám. Xi-du-ê đọc: “Ma-xa-ê-nu-nô-ca-va, 54 tuổi”. Vậy là đúng rồi, chị ấy đi chuyến bay này thật. Người lái taxi lặng lẽ nhìn bà và bật công tắc ra-đi-ô đang truyền đi bài tường thuật một trận bóng chày nào đó. Xi-du-ê muốn đề nghị chuyển sang chương trình tin tức nhưng không dám - bộ dạng anh lái xe quá dữ dằn. Nghĩa là chị ấy đã chết… Tai hoạ chẳng khác gì tuyết, bao giờ cũng đổ ập xuống đầu rất nhanh. Mặc dù vậy, cái chết của bà chị cũng chưa chắc đến nỗi khủng khiếp quá. Có lẽ chị ấy chưa kịp hiểu điều gì đã xảy ra. Mà cũng có thể chị ấy còn đang ngủ - cứ ngồi lên một phương tiện giao thông nào đó là Ma-xa-ê lập tức thiếp đi ngay… Chị ấy đã chết, đã chết… Cha mẹ mất đã lâu, Xi-du-ê chỉ còn Ma-xa-ê và đứa cháu gái A-xa-cô là ruột thịt. Vậy mà bà không hề cảm thấy đau đớn. Trong đầu bà quay cuồng những ý nghĩ hoàn toàn khác… Thế là cuối cùng con nhỏ A-xa-cô có thể lo lắng cho bản thân… Miếng đất còn lại không phải đem bán nốt… Tiền bảo hiểm được bao nhiêu nhỉ? May, mà mình bắt chị ấy đăng ký bảo hiểm, mặc dù chị ấy phản đối… Rồi hãng hàng không cũng sẽ bồi thường… Trời có mắt - Xi-du-ê nghĩ, nhưng bỗng khựng lại khi nhìn vào gương và trông thấy nụ cười của chính mình. Ôi, ngộ nhỡ chị ấy đang nhìn xuống từ đâu đó trên cao?… Không, làm gì có chuyện!… Ma-xa-ê ốm yếu từ lúc lọt lòng. Sinh thiếu tháng, nặng chưa tới hai cân, đúng là chỉ nhờ có phép thần chị ấy mới không chết yểu. Xi-du-ê nhớ rằng trong gia đình, chị ấy luôn được qua tâm đặc biệt. Con bé yếu quá - bố mẹ thường nói vậy. Về điểm này Xi-du-ê không tranh cãi. Mỗi năm đến mấy tháng liền Ma-xa-ê nằm liệt giường. Ngay cả khi được coi là khoẻ mạnh chị ấy cũng chỉ ngồi ru rú trên hồ quấn chặt trong hàng trăm bộ quần áo, trông như một con búp bê lố bịch lặng lẽ nhìn lũ trẻ chơi đùa. Bảng liệt kê các bệnh tật của Ma-xa-ê chẳng khác gì một quyển bách khoa toàn thư y học. Khác hẳn chị, sinh ra, Xi-du-ê đã cứng cáp và khoẻ mạnh. Gần 52 tuổi đầu mà bà chưa bị ốm lần nào đáng kể. Cứ thử hỏi bất kì ai: đằng nào hơn, khoẻ mạnh hay đau ốm? Người đó chắc chắn sẽ trả lời không cần nghĩ ngợi. Trong thế giới của chúng ta cái đẹp và cái xấu, thông minh và ngu dốt, giàu có và bần cùng, may rủi và rủi ro luôn luôn đi cùng nhau, nhưng nếu được chọn một điều lành thì ai cũng chọn sức khoẻ - nó quan trọng hơn hết. Nghĩa là chẳng còn gì phải nghi ngờ. Như vậy Ma-xa-ê bệnh tật là kẻ bất hạnh, còn Xi-du-ê khoẻ mạnh là người hạnh phúc nhất trên đời? Quả có thế, nhưng chưa phải hoàn toàn đúng… “Chị bị ốm thì phải nhịn chứ” - Thời thơ ấu đã bao lần Xi-du-ê phải nghe câu nói ấy! Bà nhớ, bỗng dưng chị gái ấm đầu, thế là mất đi tắm biển, mà đối với bà, đó là điều hạnh phúc nhất. Vì sốt cao, mắt Ma-xa-ê lúc trợn ngược, lúc ríu lại. Chẳng ai còn nghĩ đến bãi tắm nữa. Xi-du-ê bé bỏng vừa hé răng đã bị bố mắng ngay. Hình như sau đó Xi-du-ê cũng được bố mẹ mua đền cho một con búp bê gì đó. Về chuyện này, ký ức của bà hoàn toàn mờ nhạt. Chuyện khác. Hàng tháng, khi bố mẹ phát tiền tiêu vặt cho các con, Ma-xa-ê bao giờ cũng được nhiều hơn Xi-du-ê đến mấy lần. Nếu Xi-du-ê tị thì mẹ bảo:- Con ạ, con còn có thể chơi đùa, thăm bạn, thăm bè. Tội nghiệp cho chị con, lúc nào cũng ru rú trong nhà. Dù có tiền thì chị ấy cũng chỉ bỏ ống mà nhìn thôiBố mẹ dành cho Ma-xa-ê một phòng riêng trên tầng hai, còn cô em gái chẳng được gì ngoài chiếc bàn dọc hành lang. Xi-du-ê than thở với mẹ, nhưng mẹ lại bảo:- Hừ mày phải hiểu chứ! Chị mày ốm đau, chính mày cũng thấy… Nó nằm liệt giường, không giành phòng riêng cho nó sao được? Thử tưởng tượng con bé tội nghiệp nằm đó, còn xung quanh người đi kẻ lại, giẫm đạp, làm ầm ĩ cả lên! Mày cứ có chờ, chẳng lâu la nữa đâu…Đến đây bà ngừng bặt, nhưng Xi-du-ê hiểu rằng bà muốn nói: Chẳng bao lâu nữa chị mày chết đi thì mày sẽ được toại nguyện. Xi-du-ê nhớ rằng khi còn bà thường bị tỉnh giấc nửa đêm, phấp phỏng chờ đợi và lo sợ khi nghe lỏm được câu chuyện của cha mẹ: “Xi-du-ê thì chỉ là con nuôi, đâu phải con mình đẻ ra…”. Xi-du-ê cảm thấy thương cho tuổi thơ của mình. Mà bà là một cô bé ngoan ngoãn, biết vâng lời, biết yêu thương người chị bệnh tật, luôn luôn vì chị ấy mà chịu đựng những chuyện tưởng chừng không sao chịu đựng nổi. Tất cả hoàn toàn đúng như vậy… Còn bây giờ, trước khi đậy nắp quan tài, việc lặp lại công bằng không phải là điều xấu. Trước mắt bà hiện lên khuôn mặt tươi cười của Xây-đi-rô. Anh ấy là chồng Ma-xa-ê, bố của A-xa-cô.Là con một người họ hàng xa. Xây-đi-rô thoạt đầu theo đuổi Xi-du-ê. Anh ấy có nước da ngăm đen, tính tình vui vẻ, vậy mà phải mất sớm… Thời bấy giờ trai gái chưa thể tự do tìm hiểu nhau như bây giờ nhưng Xi-duê dù sao cũng thấy thích anh hơn bất kì một chàng trai đẹp đẽ nào khác. Ngoài Xây-đi- rô, trên thế gian này bà không cần ai khác. Nhưng đến khi anh ấy đặt vấn đề chính thức với bố mẹ, bà chị gái tuyên bố:- Ôi con cũng muốn lấy chồng, cho dù chỉ để biết điều ấy ra làm sao trước khi chết đi…Thật chẳng khác gì nói về một cuộc đi chơi vui vẻ! Nhưng biết, có thể chị ấy cũng yêu thật? Bố mẹ không hề nghĩ đến chuyện đứa con gái nữa tật nguyền của họ cho lúc lấy chồng, nhưng đã không thể chúng cầm lòng được trước những lời cầu khẩn đầy nước mắt: “Đừng tước mất niềm vui sướng cuối cùng trong đời đứa con gái bất hạnh!”. Vả lại, theo quan niệm bấy giờ thì cũng phải gả chồng cho con cả trước. Xây-đi-rô đang phục vụ trong quân đội và chính anh cũng không thể biết điều gì đang chờ đợi mình ngày mai. Đối với anh ấy, cũng giống với Ma-xa-ê, hôn nhân có thể là niềm vui sướng cuối cùng trong đời. Gió thế là đổi hướng. Vì chưa từng trải, Xi-du-ê đã nghe theo lời thuyết phục. Giá như Xi-du-ê lấy Xây-đi- rô, có lẽ đời bà đã diễn ra hoàn toàn khác. Cho đến tận gây giờ, khi nghĩ đến điều ấy, tim Xi-du-ê vẫn còn thắt lại. Chiến tranh kết thúc, Xây-đi-rô vẫn sống và trở về. Một năm sau A-xa-cô ra đời. Nhưng cuộc sống hạnh phúc của gia đình trẻ kéo dài không lâu. Xây-đi-rô bị viêm phổi nặng. Nhớ lại những ngày cay đắng ấy, đột nhiên Xi-du-ê bừng bừng căm tức bà chị gái. Biết giải thích là sao nguồn gốc của sự căm tức ấy? Bà chị đã tranh mất chồng của Xi-du-ê. Đã thế, một khi tranh được rồi, đáng lẽ phải quý, phải bảo vệ hạnh phúc ấy, đằng này… Xây-đi-rô đi làm về, kêu bị mệt - về sau Xi-du-ê được nghe kể lại như vậy. Nếu như Ma-xa-ê có thái độ nghiêm túc hơn đối với lời nói của chồng thì có lẽ anh ấy vẫn còn sống đến bây giờ. Nhưng Ma-xa-ê lại giãy nảy lên. Anh ấy thật sự đã gầy rộc đi mà người vợ vẫn không hề tỏ ra thông cảm hay lo lắng. Chỉ riêng chị ấy mới có quyền ốm - Ma-xa-ê tin tưởng vào điều đó đến mức không còn có thể lo lắng cho ai. Chị ấy mua cho chồng vài viên thuốc gì đó rồi nhìn Xây-đi-rô đang vật vã trong cơn sốt với thái độ kẻ cả nói vui vẻ:- Nào anh, sốt như thế này thì em vẫn bị suốt đời đấy thôi. Đừng quan trọng hoá vấn đề. Có thế, anh mời hiểu những gì em phải chịu đựng.Khi gọi bác sĩ đến thì đã quá muộn, không thể cứu được Xây-đi-rô nữa. Bị sốc về tinh thần, Ma-xa-ê nằm liệt giường suốt mấy tháng ròng. Ma-xa-ê trở về nhà, mẹ không rời chị ấy nửa bước. Việc chăm sóc A-xa-cô bé bỏng, Xi-du-ê nhận về mình. Được bảy năm thì mẹ mất, ít lâu sau bố cũng chết vì bệnh ung thư.- Ôi, giá như chị được ở vào địa vị của em! - Trong cả hai đám tang, Ma-xa-ê đều nức nở như vậy. Rồi trấn tĩnh lại, chị ấy thở dài - Hừ, mà cũng không sao, chị cũng chẳng còn sống được bao lâu nữa…Thực tế là mỗi năm thế nào chị ấy cũng ốm nặng một hai lần vì bệnh gì đó. Ma-xa-ê gầy rộc đi, đôi má hõm sâu, đỏ bừng vì sốt. Trên khuôn mặt xanh nhợt chỉ còn lại đôi mắt thô lố, còn đôi môi khô mấp máy không tiếng động, hệt như một con cá chép bị đánh. Nhưng bao giờ cũng vậy, vào thời điểm cuối cùng, chừng vô phương cứu chữa thì Ma-xa-ê lại bình phục. Hình như đau ốm là trạng thái quá quen thuộc của chị ấy, đến nỗi cơ thể đã thích ứng và có thể ốm bao lâu tuỳ ý. Mỗi năm vài bận, dường như cố bù để bù lại cảnh ăn không ngồi rồi bất đắc dĩ, Ma-xa-ê hăm hở giúp em gái những công việc nội trợ. Nhưng cái giá của sự giúp đỡ ấy quá đắt. Chỉ sau một ngày là chị ấy lập tức cảm thấy khó ở và nằm liệt giường hàng tuần lễ. Vì vậy, hễ thấy Ma-xa-ê buộc tạp dề và hồ hởi tuyên bố: “Chà chán ngấy cảnh ngồi không như đeo đá vào cổ rồi. Bây giờ phải làm việc thôi” Xi-du-ê vội vã nói:- Thôi chị ạ, thôi chị ạ! Có công việc gì đâu nào, cứ để tự em.Thế là lại phải van vỉ, khuyên nhủ, sau đó, để Ma-xa-ê khỏi giận, phải nghĩ ra cho chị ấy một công việc gì đó nhẹ nhàng. Biết bao nhiêu tâm trí và sức lực hao tổn vào những màn kịch ấy. Bận bịu với những lo toan và công việc hàng tuần, khi Xi-du-ê sực nhớ ra thì đã muộn để nghĩ đến việc lấy chồng. Dĩ nhiên có thể nói đơn giản là số như vậy. Bà cũng không mảy may có ý kết tội chị gái, nhưng sự việc vẫn cứ sờ sờ ra đó. Nếu không có Ma-xa-ê thì bà đã có cả thời gian và cơ hội để xây dựng cuộc đời mình theo cách khác. Xi-du-ê chịu đựng rất lâu và chỉ chuyển đi ở nơi khác khi đứa cháu gái học trường cao đẳng. Đột nhiên bà cảm thấy khủng khiếp, hiểu rằng cứ ở cạnh Ma-xa-ê thì rồi cả đời mình sẽ trôi qua trống rỗng và vô nghĩa. Trái với chờ đợi, bà chị có thái độ rất bình thản khi nghe quyết định của Xi-du-ê:- Đúng đấy, đã đến lúc em phải nghĩ đến bản thân mình…Chỉ có A-xa-cô buồn bã, khóc sướt mướt khi chia tay với dì. Xi-du-ê thuê một căn hộ rẻ tiền và xin làm nhân viên cho hãng bảo hiểm. Đành phải chịu khó khăn trong một hai năm đầu nhưng bà thấy thích công việc, chiếm được lòng tin của hãng, được nhận làm việc thường xuyên, như vậy có thể tính đến tiền hưu trí lúc về già. Thời gian đầu, Ma-xa-ê vẫn sống bằng số tiền của cha mẹ để lại. Nói chung đối với số tài sản này hai chị em có quyền thừa kế ngang nhau, nhưng Ma-xa-ê nói:- Biết làm sao được, chính em cũng thấy cảnh đau ốm của chị. Giá như chị khoẻ mạnh thì em với con A-xa-cô chẳng cần mó tay vào công việc gì hết. Nhưng không sao, chẳng mấy nữa, chị chết đi, tất cả sẽ thuộc về em - nhà cửa, đất đai, tất cả, tất cả… Em đừng lo, không lâu nữa đâu. Một năm, cũng có thể là hai năm… Đừng tiêu phí vào tang lễ chị, không cần thiết. Cứ đơn giản là rắc tro xác chị từ trên cao… Ma-xa-ê cho rằng như thế tất cả đã được sắp đặt đâu vào đấy và bắt đầu quản lý, chi tiêu số tiền bố mẹ để lại theo ý mình…“Không cần gì - chỉ đơn giản rắc tro từ trên cao!”. Muốn thế thì chí ít cũng phải thuê máy bay trực thăng! Đấy, đừng tiêu phí nghĩa là như thế! Dĩ nhiên Xi-du-ê không đồng ý với cách chia tài sản như thế, nhưng cũng không thể đang tâm mà tranh cãi với người chị bất hạnh. Khi hết tiền, Ma-xa-ê đem bán nửa miếng đất, thậm chí không nói với em gái nửa lời. Khu vườn cũ mà đến cả chiến tranh cũng tha thứ giờ bị ngăn đôi bởi một bức tường bê tông thô thiển.- Sao chị tự tiện làm như vậy? Thậm chí chẳng thèm hỏi ý kiến em nữa.- Sao mày độc ác thế? Sao mày có thể mở mồm mà nói như vậy? Thế thì tao biết sống bằng gì?… Thôi được rồi, mày hãy vui mừng đi, tao sẽ bán con A-xa-cô cho nhà chứa!Ma-xa-ê tái ngắt mình mẩy, thở hổn hển như sắp lên cơn động kinh và Xi-du-ê đành im lặng. Tất cả đành gác lại suốt nhiều năm. Thực lòng Xi-du-ê cũng chẳng hề mưu tính gì về phần tài sản thừa kế của mình. Bà đã thầm quyết định từ lâu: mặc kệ Ma-xa-ê muốn làm gì với số tài sản ấy thì làm, miễn để cho mình yên. Nhưng thời gian gần đây lại xuất hiện một lý do nữa khiến Xi-du-ê lo lắng. A-xa-cô đã tròn hai mươi tám tuổi. Đến lúc phải lo chuyện chồng con cho nó rồi, nhưng Ma-xa-ê khăng khăng giữ con gái ở lại với mình.- Con chịu khó nán lại, mẹ chẳng sống được bao lâu nữa… Không lẽ mình bị vùi dập vẫn chưa thấy đủ - Xi-du-ê nghĩ - bây giờ chị ấy lại muốn phá nát cuộc đời của chính con gái? Tuy nhiên trên lời nói của Ma-xa-ê cũng không phản đối việc hôn nhân của con gái.- Thế nào, vẫn chưa có ai lọt vào mắt xanh à? - Chị ấy hỏi với vẻ láu lỉnh.Nhưng hễ có ai bắt đầu gần gũi A-xa-cô một cách nghiêm túc là bà mẹ lập tức cho phăng teo ngay bằng đủ điều thật giả. Những căn bệnh kinh niên của Ma-xa-ê tức thì trở nên trầm trọng. Thứ vũ khí này chị ấy sử dụng cực kỳ điêu luyện. Xi-du-ê nói với chị:- Chị ạ, đã đến lúc phải lo cho tương lai của A-xa-cô.- Đừng có nói điều đó với chị, em thân yêu. Là mẹ, chị còn lo con mình hơn cả em cơ.Sau khi ba hoa một hồi về tình mẹ con, Ma-xa-ê thở dài:- Ôi, phải chi tôi khoẻ mạnh, tôi sẽ chẳng tiếc con bé điều gì, sẽ cho nó đi du ngoạn để biết đây biết đó, cho nó lấy người nó yêu và cứ để tôi sống ở lại một mình tôi cũng chỉ thấy vui sướng mà thôi. Chị ấy có thể tiếp tục như thế mãi không bao giờ dứt.“Ma-xa-ê có yêu con gái không?” - Xi-du-ê suy nghĩ không chỉ một lần và đi đến kết luận rằng chỉ có một mình bà là quan tâm đến con bé. Có gì đáng ngạc nhiên đâu.Ai đã dẫn con bé đến trường trong những buổi sáng mưa dầm? Ai ngày ngày nấu cho nó ăn? Ai trùm cho A-xa-cô tấm chăn mỗi khi cô mệt mỏi vì học tập, thiếp đi với quyển sách trên tay. Từ lâu, Xi-du-ê không còn đoái hoài gì đến cuộc sống riêng của mình. Số phận của bà rõ ràng đã được định đoạt khi bà từ chối Xây-đi-rô. Nhưng A-xa-cô không được lặp lại con đường của bà. Mặc dù Ma-xa-ê vẫn thường xuyên kêu khó ở, bây giờ chị ấy mỗi năm chỉ ốm thật sự chừng ba tháng. Thời gian còn lại chị ấy sống một cách dễ chịu, thậm chí còn đi du ngoạn, như vậy không cần thiết phải giữ rịt con gái bên cạnh. Trong trường hợp bệnh tình của mẹ trở nên trầm trọng, A-xa-cô, ngay cả khi đã có chồng, chắc chắn sẽ đến thăm nom. Mới lại Xi-du-ê cũng không bỏ mặc người bệnh. Có điều phải làm sao cho chính Ma-xa-ê muốn vậy.- A-xa-cô kiên quyết không làm trái ý mẹ. Thế nhưng Xi-du-ê biết chị gái mình quá rõ và hiểu rằng chẳng thể hy vọng gì.- Từ nhỏ chị đã quen sống trong sự chăm sóc của người khác nên không thể tưởng tượng nếu khác đi thì mình sẽ sống ra sao. Còn A-xa-cô, cái con ngốc ấy, vẫn chưa chịu hiểu ra tình thế của mình.- Đừng lo cho cháu dì ạ. - Nó nói. - Cháu sẽ ở bên mẹ cháu đến giây phút cuối cùng, rồi thì lo cho mình vẫn còn chưa muộn.Ma-xa-ê sẽ còn sống lâu hơn tất cả chúng ta. - Xi-du-ê nghĩ. Nhưng trước tiên chị ấy sẽ làm cho con gái mình phải mòn mỏi…… Vậy là chị ấy không còn nữa. Bản tin vừa thông báo rằng máy bay bị rơi sau khi bốc cháy. Có thể nói mong muốn của bà đã trở thành hiện thực - dù với một cách thức hơi bất ngờ…Phòng tiếp khách của hãng hàng không lộn xộn và nhốn nháo. Người nhà nạn nhân kéo đến mỗi lúc một đông, ai nấy bàng hoàng, tái nhợt. Các nhân viên buồn rầu đón họ ở cửa chính và dẫn vào phòng. A-xa-cô nhào vào ngực Xidu-ê, nức nở: “Dì ơi, dì thân yêu!” Xi-du-ê có thể nhìn nhận sự việc theo cách nhìn của mình, nhưng với con bé - nó đã mất người mẹ yêu quý, duy nhất. Cứ cho là đến một lúc nào đó quan điểm của nó sẽ khác đi, nhưng bây giờ tiếng nức nở của nó là toát ra tự đáy lòng.- Tình hình ra sao rồi? - Xi-du-ê hỏi.- Kinh khủng, kinh khủng, họ nói rằng tất cả đều chết, không còn chút hy vọng nào. Máy bay bị cháy thành tro.- Bình tĩnh! Cần phải kềm chế! - Một giờ nữa sẽ có chuyến bay đặc biệt từ Ha-nê-đa đến nơi xảy ra tai nạn. Dì ơi, dì đi với cháu!- Dĩ nhiên rồi! Chính vì thế mà dì mới đến đây. Xi-du-ê vuốt ve mái đầu của đứa cháu đang nức nở khóc và bỗng nhớ lại ngày xưa mình đã dỗ dành cô bé A-xa-cô bé bỏng đi nhà trẻ ra sao. Mùi tóc nó vẫn không hề thay đổi. Từ nay, ngoài dì A-xa-cô không còn ai ruột thịt. Nhưng cô lại có thể bắt đầu một cuộc đời mới. Nhà vẫn còn, nửa miếng đất vẫn còn, con bé sẽ tìm được người tốt và hạnh phúc. Còn mình sẽ đóng vai trò người mẹ của nó. Thậm chí có thể trở về nhà bố mẹ và chung sống…- Thân nhân của bà Nu-cô-ca-va! Thân nhân của bà Nu-cô-ca-va! - Đột nhiên giọng một nhân viên vang lên. Hai dì cháu quay lại. - Xin lỗi, xin được nói chuyện với các vị một lát ngoài hành lang.Giọng người đó chứa đựng một điều lạ lùng khiến hai dì cháu như bị thôi miên. Họ im lặng đi theo anh ta.- Chúng tôi vừa nhận được thông báo. Bà Nu-cô-ca-va không đi trên chiếc máy bay K- 802.- Anh nói sao?- Đúng lúc lên máy bay thì bà ấy phát bệnh đau tim. Chà, số bà ấy thật may mắn! Bệnh viện mời các vị đến. Bệnh nhân đã đỡ nhưng cần được chăm sóc.Xi-du-ê cắn môi, suýt buộc thành lời: “Biết cách ốm thì cũng phải biết cách mà chết đi chứ!”.