Quả thật tôi không thích điều này. Cô vợ sau của tôi cũng ngủ theo kiểu như cô vợ đầu tiên của tôi. Đó là kiểu một con chó săn mệt lử: cuộn tròn người lại, dưới tấm ga, đầu vùi vào chỗ hõm của cánh tay. Ban đêm tôi thường thức giấc chằm chằm nhìn các hình thon dài quen thuộc ấy mà tưởng như lúc tôi đang ngủ, Anna đã lại quay về trườn vào giường và từ nay mọi chuyện lại ổn thoả, tất cả lại như xưa. Đúng thế, khi trong bóng đêm tôi nhìn thấy tấm than cuộn tròn của Maria, bao giờ tôi cũng nghĩ đến tấm thân của Anna. Đương nhiên điều đó khiến tôi hơi khó chịu. Tôi ra vườn hút một điếu thuốc hoặc ngồi xuống cỏ bên cạnh con chó. Cách ấy chẳng giải quyết được gì các vấn đề của tôi, nhưng ít ra cũng giữ cho tâm trạng bối rối của tôi cách xa Maria một khoảng nhất định. Tôi còn hay tự nhủ rằng đúng vào lúc ấy, ở một chỗ kín đáo trong ngôi nhà của nàng có lẽ Anna đang ngẫm nghĩ về đời nàng, về quá khứ của nàng, và chắc hẳn đang nghĩ đến tôi.Tôi đã sống với Anna hai mươi năm. Thời gian trôi thật là nhanh. Tôi và nàng đã cùng nhau dùng cũ bốn chiếc ôtô, đã bầu ba tổng thống nước Cộng hoà, đã sinh thành hai đứa con và đã xây được một ngôi nhà. Ở với nhau đã được lâu như thế, tôi tưởng chúng tôi sẽ có một tương lai vững chắc. Cho tới cái ngày sự tình cờ đã run rủi tôi trông thấy vợ tôi ngồi bên bàn ăn trong một nhà hàng, cùng với một người đàn ông râu ria cạo không kỹ đang cầm tay nàng. Nói thật ra, người bạn trai của nàng không phải là cạo râu không kỹ, mà có lẽ là anh ta để râu như vậy thôi. Vẻ mặt người đàn ông hết sức dịu dàng, đôi mắt anh ta lim dim khiến ta nghĩ tới mắt một con chó được nuôi dưỡng tốt, trong khi những ngón ta rụt rè của anh ta trìu mến vuốt ve bàn tay Anna. Lúc ấy, tôi thấy cử chỉ đó có vẻ lố bịch. Tôi không hề cảm thấy thù địch, cũng không tức giận, không ghen tuông chút nào. Tôi chỉ thấy cảnh ấy khó coi quá. Tôi như bị thôi miên trước hình ảnh cặp nam nữ mà tôi thấy rất khập khiễng ấy. Tôi không nghĩ được rằng người đàn bà mặt mày rạng rỡ mà người ta đang vuốt ve một cách rất trong trắng kia lại là vợ tôi. Có lẽ vì mới trước đó vài tiếng đồng hồ tôi còn trông thấy nàng không một mảnh vải trên người. Vì tôi biết mùi thân thể nàng, tình trạng hàm răng của nàng, từng phần nhỏ nhất của làn da nàng, chứng kiến con trai nàng chào đời và khi nhìn nàng đi từ phòng nọ sang phòng kia, tôi có thể biết chắc nàng đang nghĩ gì. Ít ra tôi cũng tin là như vậy.Sau mấy phút sững sờ trước cái cảnh rất riêng tư ấy, cái thời điểm quá thân mật ấy, tôi mau chóng cảm thấy mình thật tò mò. Quan sát cặp nam nữ kia mà họ không hề hay biết, tôi có cảm giác như đang đọc một lá thư không phải gửi cho tôi. Thế là, như một kẻ mắc lỗi, tôi chuồn lẹ. Một phản ứng như thế kể ra không thích hợp lắm, chí ít cũng kỳ lạ, vừa thiếu can đảm lại chẳng đàn ông chút nào. Nhưng tôi đã xử sự thế đó, tôi đâu có biết ghen. Những ngày tiếp sau tôi không tìm cách gặng hỏi Anna, cũng không nhận thấy những thay đổi đáng kể trong thái độ của nàng. Tôi không đếm số lần nàng vắng nhà nữa, cũng không thẩm tra những giờ nàng đi đâu đó. Có ai coi vợ là vật sở hữu mới hành động như vậy chứ. Về phần tôi, tôi nhìn nhận mọi sự khác lắm. Tôi nghĩ rằng thế giới đầy nghĩ người có râu, với những tham vọng về hạnh phúc ngang bằng như tôi, họ có thể xuất hiện bất cứ lúc nào để đòi phần của họ. Thế là bình thường. Một người chồng cũ kỹ, nhẵn nhụi, thì là cái gì so với những lời hứa hẹn mới mẻ và ngây ngất của những cái râu ria bờm xờm kia? Không là cái gì cả. Tuyệt đối không là cái gì cả. Có chăng, tôi cũng chỉ khiến nàng nghĩ tới quá trình cuộc đời đã làm cho tôi cũng nhụt đi, tới những lần liên tiếp tôi từ chối nàng, tới thân hình béo nhão mà xưa kia, lâu lắm rồi, tôi đã thề là không bao giờ để người ngợm mình tồi tệ đến mức như vậy. Tôi thường nói những gì với Anna mấy năm gần đây? Chúng tôi chỉ toàn nói về tỷ lệ hồng cầu trong máu của tôi, về độ chuyển hoá glucide trong các sản phẩm sữa nàng vẫn ăn, về cách bổ sung vitamin E cho cả hai vợ chồng. Những câu chuyện ấy thật nhạt nhẽo. Thời gian biến tôi thành kẻ ăn nói chán ngắt.Gã rậm râu kia chiếm lấy chỗ của tôi kể cũng phải.Tôi đang nén nhịn vả hối tiếc, ân hận như thế thì hai tháng sau, Anna cho tôi “nghỉ” luôn. Nàng xử sự theo một cách thức không chấp nhận nổi: gửi cho thường một bức thư ngắn có ba trang, vừa để báo cho tôi biết là nàng ra đi, vừa để thu xếp một số chi tiết trong cuộc chia tay của chúng tôi. Không một lời nào về bạn trai của nàng. Bức thư ấy, và đây là điều tôi sẽ không bao giờ quên, kết thúc như sau: “Chúc anh vui, Anna”. Lạ chưa! Làm sao có thể chung sống 20 năm với một người đàn ông, biết hết về người đó, nhoáng một cái đã bỏ người đó vì một tay rậm râu và kết thúc bức thư vĩnh biệt ấy bằng mấy chữ “Chúc anh vui” đến là khó tin? Làm sao những lời khuôn sáo đầy khinh thường và xa cách lại có thể xảy ra trong đầu Anna? Thú thật lúc ấy tôi đã ngờ đó là những lời do “người kế nhiệm” tôi gợi ý cho nàng. Một điều tôi chưa từng biết đã xảy ra: tôi sôi máu lên. Mấy chữ: “Chúc anh vui” chẳng những đã làm tôi phát hiện ra rằng tôi cũng ghen như ai, cái cảm giác rất ngứa ngáy ấy, mà tôi còn có một cảm xúc tàn phá: tôi thấy mình bị sỉ nhục. Tôi đọc đi đọc lại thư của Anna không biết bao nhiêu lần, vừa đọc vừa tự hỏi tôi đã làm gì để đáng chịu như vậy. Tôi tưởng tượng vợ tôi trong ngôi nhà mới của nàng, sung sướng và trần truồng trước mặt gã rậm râu. Lúc ấy, tôi chỉ muốn tim nàng ngừng đập.Hôm Anna bỏ đi, tôi chỉ muốn cắn xé gì đó như một con chó dại. Hoàn toàn vì mấy chữ đó, vì những lời không thể nào chấp nhận đó. Những tôi không nói gì hết, không gọi ai hết, thậm chí tôi không ra khỏi căn hộ của tôi. Tôi thích ở nhà hơn, một mình thôi, và không thay đổi chút nào các thói quen của tôi. Tôi tắm vòi hương sen một lúc lâu, hâm lại bát mì rồi vừa ăn vừa xem ti-vi. Sau đó tôi hút một điếu thuốc. Nhưng tôi vẫn cứ muốn cắn xé một cái gì đó mới hả… Ở tình trạng này ai mà chịu nổi?