Súng nổ đì đọt trên rừng, trong thôn xóm, lúc ở chỗ này, khi ở chỗ khác. Súng của bọn Lử về gây rối, doạ dân, ám sát cán bộ, bộ đội. Súng bộ đội bắn lại bọn Lử. Súng nổ như điểm canh cho đến tận sáng, vào lúc hố pẩu trở dậy, uống trà. Lâu nay ông già sinh ra cái nếp uống trà sớm thay cho thuốc phiện. Trà nhà sẵn, loạn lạc không đem bán được. Lại thêm ông cũng muốn tìm sự yên tĩnh trong hương trà.Nhúm chè tuyết bỏ trong chiếc ấm trà da lươn đặt trong cái bát lớn. Nước sôi vừa đúng độ, rót vào trong ấm ngoài bát. Ôi, cái hương trà thanh tao, thêm vui lúc vui, giải buồn khi buồn, thâm trầm sâu sắc thêm khi cần suy tưởng, thoáng cái đã toả hương thơm ngan ngát. Giữa cơn xoáy lốc tâm tư đời người, hương trà thấp thoáng một tiếng gọi con người về nơi cao khiết, thanh tịnh, để con người thoát khỏi những ý tưởng hư nhược, khinh bạc, những thói đời xấu xa. Chén trà lúc này là với hổ pấu là cái bóng cây trầm mặc trong cuộc đời dằng dặc những buồn đau của ông.Rưng rưng, hố pẩu nhấc chén. Nhưng những tưởng sẽ gặp phút sảng khoái thần tiên, ông già bỗng nhăn mặt đưa tay giữ chặt cổ họng. Cây chè mọc trên núi cao tận mây xanh tuyết phủ, hấp thụ anh khí của trời đất, lá quăn như mỏ chim, mà sao như nhiễm trọc khí trần ai!Hay đây là mẻ trà ngày nào hai anh em Pao - Lử đẩy cối trà, vò nước chát. Và như vậy là trà đã nhiễm phải tất cả những đắng cay của cõi đời này?Thật sự là hố pẩu đã mệt lắm rồi. Nỗi khổ này giày vò hơn cả nỗi khổ áo cơm, làm mòn cả chân tóc, chân râu. Chiến tranh, phân liệt ở ngay từng mỗi căn nhà. Đến mức giờ đây, ông không đủ sức để phản bác Pao, bênh vực Lử. Ông thất vọng về Lử, nhưng ông lại nghi ngờ Việt Minh. Dần dần thấy họ cũng hiền lành thôi, nhưng chấp nhận họ mà ông khóc thầm: khổ thay, người Hmông ta, quốc gia, cương thổ chẳng có, chỉ đi ăn nhờ ở đậu đất nước người! Thân phận khác chi cái cồ đá bị làm hòn kê!Hôm qua, Pao tạt về nhà. Lâu lắm hai cha con mới gặp mặt nhau. Pao muốn nói gì đó mà ngắc ngứ. Còn ông, lòng thật buồn khổ, ông nói: Thôi, Lử nó đi con đường của nó. Con đi con đường của con. Cha đi con đường của cha. Hoài nghi,vô vọng, đó là tâm trạng ông, một người thấy mình đã bất lực hoàn toàn.Hôm nay, ngồi ở bàn trà, bên bếp lửa suốt từ lúc bình minh cho tới chiều tà, lúc Seo Cả đeo cái địu đến, ông mới ngẩng dậy. Nhờ sự săn sóc của Dung, Cả đã qua khỏi cái chết, đã phục hồi sức lực. Chị nhìn ông, lo ngại và dò xét:- Cha à… Ông Súng bảo phải góp thóc, ngô… Ông bảo con đem lên rừng…Lúc ấy, ngoài trời bỗng đổ mưa bụi. Mưa từ rừng chè đổ xuống, lành lạnh. Và có hai bóng người nhanh nhẹn từ ngoài cổng đã bước vào sân. Cái bóng nhỏ là thằng Pùa. Nó nhảy lên thềm, rồi quay lại dóng thật to:- Anh Chính ơi! Cha em có nhà đấy!Hố pẩu vội cúi xuống, chất thêm củi vào bếp. Lửa làm cho người ta can đảm lên.Lần này thì không thể lẩn tránh được nữa. Cũng không thể ẩn giấu mình sau cái câu chi pâu ề quen thuộc được nữa. Hình tích lộ rồi, tránh lẩn làm sao!Hố pẩu quyết định đối mặt với anh cán bộ đứng đầu tỉnh này. Đang bải hoải, ông liền đông cứng ngay lại như một tảng đá.Thằng Pùa nhanh nhảu đặt siêu nước, súc ấm, pha trà. Chính ngồi xuống ghế, lấy khăn tay, lau tóc ướt:- Mưa quá. Tôi đi xem ruộng mùa, thấy chưa cày được bao nhiêu, bác ạ - Chính nói, tự nhiên, điềm đạm- Phải bảo bà con nhanh tay lên một tí, không là đói to đấy, bác Lầu.Đặt chén trà trước mặt Chính, hố pẩu im lặng nhìn ra ngoài trời.Chính nhấc chén trà, tiếp:- Tôi và em Pùa vừa đi xem rừng chè Can Chư Sủ về.Thằng Pùa chen ngang:- Búp chè già rồi, không ai dám đi hái cả, là thế nào, cha?- Sao mà không dám đi - Hố pẩu quay lại lừ lừ mắt nhìn cậu con út.- Ai đó lại nói là có hổ về!Chính nhẹ nhõm, như bâng quơ:- Nếu vậy thì bảo các anh bộ đội, du kích. Có súng còn sợ gì hổ. Mất một lứa, phí đi. Hái xong còn phải đốn, phải làm cỏ. Thành cây rừng hoang còn gì là chè nữa!Thành cây rừng hoang, thì còn gì là chè nữa! Người này nói vậy, ý tứ là thế nào?Lửng lơ, hố pẩu nhìn ra ngoài sân tối mờ. Rồi thu ánh mắt lại khi Pùa đã đặt cái đèn dầu hoả nhỏ lên bàn. Mắt hai người cùng nhìn ngọn đèn rồi ngẩng lên, chạm vào nhau. Thôi thế là họ đã hiểu nhau rồi đấy.Sự tồn vong của dân tộc là nỗi khắc khoải của bao thế hệ người Hmông nối tiếp nhau, cho tới tận hố pẩu đây. Chính biết vậy nhưng Chính cũng nhận ra: Làm sao một ông già như hố pẩu ngay bây giờ lại có thể hiểu ra rằng chỉ có liên minh với những người bạn chân thành, những người lao động của các dân tộc anh em, dân tộc Hmông mới có sự đảm bảo an toàn cho sự tồn tại và phát triển của bản thân mình. Dân tộc này, trước hết là những Pao, Pùa, A Sinh phải vươn lên những nấc thang trí tuệ cao hơn bản năng nhiều lần. Trí tuệ phải sâu sắc thì mới không hoài nghi, vô vọng, mới đảm bảo cho sự phát triển của chính họ. Còn ông già? Làm thế nào để ông già tự vượt ra khỏi con người mình được? Ông là nạn nhân, lại chính là thủ phạm của cuộc khủng hoảng này.- Bác à - Chính hơi cúi xuống - Chúng tôi, những người Cách mạng đến đây không phải để thống trị dân tộc Hmông. Bác hiểu cho lòng chúng tôi. Còn một người khổ cực, còn một người đói rét, còn một người bị áp bức, đau khổ, lòng chúng tôi còn chưa yên.Mặt hố pẩu ngây ngây. Ông bị bất ngờ ư? Không! Ông ngồi thẳng dậy. Dự cảm bằng kinh nghiệm sống là đang gặp phải sự dối lừa, ông trở lại thái độ khăng khăng ngay lập tức. Chính nhìn thẳng vào mặt ông già, chân thành và khúc chiết:- Cách mạng như mọi việc, cũng có lúc lầm lỡ. Trong đàn con, cũng có đứa hư. Cách mạng biết đó là lỗi lầm của mình. Chúng tôi thành thật xót xa vì đã mắc những sai lầm. Tôi, bí thư tỉnh uỷ tỉnh này xin chân thành xin lỗi bác, xin lỗi dân làng Can Chư Sủ.Lần này thì ông già chớp mắt liên tiếp. Qua hai hàng mi, ông nhìn Chính. Khác hẳn điều ông dự đoán, Chính không đưa ra một tương lai hào nhoáng để thuyết phục ông.Nhưng đúng vào lúc ấy, có một tiếng súng nổ vang như sét đánh từ phía sau nhà.- Đoàng!Hố pẩu vập người vào cạnh bàn, ấm trà rơi xuống đất vỡ toang. Chính hơi nảy lên và gục ngay xuống bàn. Vai phải Chính xối máu.- Trời ơi!Hố pẩu kêu, khản đặc. Càng ghê rợn hơn khi sau nhà có tiếng A Sinh thét:- Thằng Lử! Thằng Lử! Bắn chết nó đi!Pùa vùng ra khỏi nhà. Súng nổ đoang đoác trong thôn.