Phần V - Chương Kết -

Phiên chợ hôm nay đông hơn bao giờ hết. Không có chủ trương của ban cán sự mà phiên chợ như một ngày hội lớn. Dân hơn hai mươi xã từ Can Chư Sủ, Tả Van Chư đến Pha Linh, Lao Pao Chải, lũ lượt chảy từng đoàn, dòng dòng nô nức về dự chợ, dự hội. Bị động, nhưng thật hào hứng, Đắc họp tất cả bộ đội châu, du kích, cán bộ các ngành phân công tổ chức tiếp đón, ăn uống, nghỉ ngơi, vui chơi cho đồng bào.
Người ta muốn tìm gặp lại nhau sau những ngày chiến tranh nặng nề, dài dặc.
Người ta đòi phải được xem mặt cái thằng đại gian, đại ác Châu Quán Lồ. Xác Lồ may chưa chôn, được tiêm thuốc giữ cho khỏi thối và đành phải đưa ra chợ, đặt trong một cái lều xung quanh có chăng dây thừng cho dân xem.
Chỗ ấy, đầu phiên chợ, chen chúc những người là người. Ồ, nó có ngọc trời cho đâu. Nó cũng chỉ là con người nhưng hoá thành thú dữ thôi. Người ta cười mai mỉa. Một số người bấy lâu lòng dạ có chút nghi hoặc về cái hào quang phủ quanh Lồ, giờ như giũ ra khỏi cơn mộng mị, ngẩn ngơ một lúc rồi tỉnh. Lịch sử hiện đại mà như cổ tích. Mà giống cổ tích thật: có kẻ ác, có người hiền, có cuộc hành trình gian khó - phải cắt đầu mình, phải đánh nhau với thuồng luồng, rắn lớn - để đi đến đất nước của sự sung sướng! Tấm mạng che cuối cùng đã được mở. Đất nước bao lâu nay bị bọn nửa người nửa quỉ cai trị, nhiều cái xấu xa, dơ bẩn quá, nghĩ mà kinh!
Đến trưa, nơi đặt xác Lồ đã vắng vẻ. Chỉ thỉnh thoảng mới có một bà cụ tới cắm hương để cho hồn nó khỏi trở về quấy nhiễu mọi người. Mọi người còn mải với việc khác.
Chảo thắng cố, mẹt lèng phân, việc ăn uống, việc sắm cày, cuốc, tậu trâu, đổi ngựa, mua lợn giống, đám khèn sáo, đám chọi chim hoạ mi… đời sống ở đó, hệ trọng và vui thú hơn. Hàng nghìn con người xoay tròn trong khu chợ, náo nhiệt, rộn ràng.
Giữa trưa, Na mới từ các thôn lân cận trở về. Theo anh là hơn trăm dân công. Đám dân công đến nhà chị Nhương nghỉ ngơi, uống nước, ăn cơm. Nhương bận tíu tít. Lạnh, hai má chị đỏ như má con gái. Chị đã vào làm việc ở ban phụ nữ châu.
Pao cũng đưa dân công ra châu, đang đi tìm Na thì chợt nghe thấy tiếng gọi. Đứng một lúc, người gọi chen trong đám đông mới tới được, Pao giật mình.
- Cha! Cha đi đâu?
Mấy hôm nay, Pao không về nhà. Giờ hố pẩu đi đâu mà quàng chăn đỏ và xách túi gạo? Cái chân bị Lử bắn giập xương bó thuốc của bà cụ Doa đã khỏi, nhưng mặt hố pẩu còn xanh nhợt. Ông cụ nhìn Pao, ánh mắt đã giải thoát khỏi nỗi sầu muộn. Pao chợt hiểu ra, vội nắm cánh tay cha:
- Cha! Cha không phải đi dân công, cha à.
- Không… không… - Ông cụ lập bập.
- Cha ơi, cha không phải thế đâu. Chính phủ tin cha, như tin dân tộc Hmông ta mà.
- Chào bác Lầu. Chào đồng chí Pao!
Pao ngoảnh lại:
- Ơ! Anh Na, chị Nhương.
- Vui quá, thế là gặp gần đủ mặt - Chị Nhương cười, cầm khăn tay chấm khẽ mắt - Chỉ thương chú Tích, chú Quang Ngọc. À, cô Nguyệt mới về hôm qua, anh Na ạ.
- Ở đâu thế?
- Khổ! Rơi vào tay bọn phỉ. May có một bà cụ người Dao cứu giúp. Nay như người mất hồn. Chiều qua cô ấy về đây, mặt mày bơ phờ, gặp anh Đắc, anh Đắc bảo anh Khả thu xếp chỗ ăn nghỉ, thuốc thang cho cô ấy. Nghĩ cũng tội!
Quanh bốn người, vỗ đập những sóng âm thanh. Có ai đó vừa thổi sáo, điệu gì quen thuộc quá, nghe như bài Quang Ngọc sáng tác. Pao nghiêng tai, ngẩn ngơ. Anh chào chị Nhương, anh Na, bảo cha về làng, rồi đi.
Pao lên nghĩa trang một lát rồi đi xuống.
Qua chỗ đặt xác Lồ, thấy mấy lão già đang thổi tù và, khấn khứa, anh dừng lại. Một giọng rền rĩ lê thê đang hát bài Khua kê:
Mình chết thật hay mình chết giả
Mình chết giả thì mình dậy đi…
 
Lúc này, người và vũ trụ u mờ, lạnh ngắt.
Pao đi vào trong chợ.
Chợ đông mà Pao thấy bồn chồn, phấp phỏng điều gì rất lạ. Hay là những công việc còn lại đang giục giã Pao?
Quanh chợ một vòng, Pao về.
Pao bước những bước hấp tấp. Nhưng ra khỏi chợ thì Pao đi chậm lại. Không gian yên quá! Gió huýt nhẹ. Những ngọn sa mu đung đưa, lay động. Vắng tiếng máy bay. Chiến dịch lớn đang mở ở miền tây làm thằng Tây phải dồn lực lượng vào đấy, hay nó biết Lồ, Lử và bọn phỉ đã bị tiêu diệt, không còn trông mong gì được nữa? Êm ả quá, núi đồi làng bản, lòng người. Bao nhiêu công sức, mồ hôixương máu mới có được giờ phút này. Chẳng có gì được hưởng không cả. Được mảnh ruộng phải vỡ đất, gỡ đá. Đẻ ra được con người còn phải đau đớn. Huống hồ đây là sinh nở ra một xã hội mới. Dân tộc Hmông của Pao vừa trải qua môt cơn thử thách nặng nề. Nhưng có sự lớn dậy nào mà chẳng có trong nó chút ít lầm lạc? Giờ thì chắc là khác rồi. Niềm vui đã trải, nỗi đau đã từng, còn nhiều việc phải làm, nhưng sẽ mới mẻ và sâu xa khác thường.
Pao dấn bước và lòng bỗng xôn xang. Bên đường, có tiếng kèn lá gọi.
Chao! Như hôm nào, lâu rồi nhỉ, mà vẫn còn nguyên vẹn vẻ tươi mới: nàng mặc váy áo mới nổi đường thêu, khăn to vành, vòng bạc mới chuốt sáng trắng, dù hồng cầm tay, e lệ và nồng nàn đứng đón anh. Không phải như là câu hát tuyệt vọng nàng mang máng nhớ khi nàng ốm đau mê sảng: "Nơi ấy, cửa nhà trời, ta cầm ô đứng đợi mình". Nàng đứng đợi anh, ở trên cõi trần này, dưới gốc thông, cùng với một con ngựa vàng. Cảnh đời thực mà như mơ. Sự thể thường tình mà không phải là là thường tình. Nàng dường như phải vượt một chặng đường xa lắm để đến được đây, đợi anh, và hình như đã đợi anh lâu rồi. Pao dắt con ngựa. Seo Cả đi sau Pao. Cả hai đều không nói một lời, như sợ mất đi chiều sâu im lặng của niềm hạnh phúc chỉ có thể cảm nhận được bằng con tim.
Đi được một quãng, Pao dừng ngựa:
- Cả à, có mùi gì thơm thơm.
Cả ngơ ngác, mắt tròn như mắt thiếu nữ.
Đồi núi mướt xanh. Mùa đông, khóm ngải tàn. Khóm ngải tàn rồi khóm ngải lại xanh. Mùa xuân, cỏ ngải bốc dậy làn hương thơm mộc mạc, đậm nồng.
- Cỏ nó có lòng từ thiện, anh à - Chị đáp khe khẽ.
Pao gật đầu:
- Mấy năm toàn mùi thuốc đạn, khói súng, nó trốn đi đâu hết, em nhỉ.
Seo Cả cười. Chị kêu khe khẽ và sung sướng. Pao đã quay lại bất thần bế chị đặt lên ngựa.
"Em đặt cả hai chân vào cái đai cổ ngựa đây. Đừng sợ! Anh dắt!”.
Anh nói và cầm cương ngựa. Con ngựa ngoan ngoãn đi, móng gõ đều đều trên đường đá.
1975-1980 Lao Cai - Hà Nội
Sửa lại 8/2002
HẾT

Xem Tiếp: ----