Trăng đêm xuân tựa trăng chiêm bao.Trên núi, những đám đốt nương khi chiều đã cháy lan thành những vòng cung lửa, hắt lên trời thành những chiếc vòng màu vàng cam. Những đêm xuân rạo rực mùa làm ăn, yêu đương đã tới rồi và đêm đêm đầu hồi nhà các cô gái đã nỉ non hơi đàn môi gợi tình.Vất vả cả ngày, chân ở nhà, tay ở nương, gái gầu phàng chỉ còn có chút đêm xuân khuya vắng là của mình. Ối! Những đêm xuân ngắn ngủi mà phấp phỏng đợi chờ. Lại như bao đêm xuân của đời người: trăng mờ ảo, hoa thuốc phiện tím mong manh rười rượi sương giá, gió lách ô cửa và Seo Cả lại ngồi thêu. Đàn bà Hmông có chồng mỗi năm phải may, thêu cho chồng một bộ quần áo. Chồng Seo Cả là Seo Cấu độc ác. Chị bỏ nó, về đây làm phận gái dong. Đã năm năm. Giờ Seo Cả hăm ba. Hăm ba tuổi mà sao thấy đời đã dài. Đời dài vì đời gái dong vốn là vậy, dằng dặc, không đầu không cuối, mịt mùng. Vì chỉ biết cắm cúi hết địu nước, xay ngô lại giã gạo rồi ăn rồi ngủ, quên cả cái nghĩ rồi.Seo Cả khác chị em. Mấy hôm nay chị càng khác. Các bạn gái dong kêu: "Seo Cả, mày sao thế?". Chẳng ai biết mặt chị tại sao bỗng dưng hồng dậy, mắt chị tại sao bỗng lóng lánh. Chả ai biết cả: đã ba năm ba năm chị khước từ mọi cám dỗ, gan góc chống lại mọi dụ dỗ, doạ nạt, để chỉ nghĩ về Pao.Giờ thì Pao đã về. Và những đêm xuân bỗng chứa chan bao ước vọng. Chị yêu Pao. Chị sẽ thêu cho anh một bộ áo đẹp, thật đẹp, thật đẹp.Không! Đây chẳng phải là đường kim mũi chỉ vẫn thường thấy trên khăn áo người khác. Sắc đen này, màu đỏ này là cõi trần gian ấm áp mà Pao và chị đang sống. Đường sóng lượn mềm mại này là sóng nước reo vui đón chào hai người. Nét gấp khúc này là hình thế núi non quê hương họ. Những dấu chân óng ánh xà cừ chạy quanh các ô vuông này đánh dấu đường Pao đi. Hân hoan, nô nức con ốc xoay mình uốn múa, vỏ sò vỏ hến mở đôi cánh xinh là nỗi lòng hớn hở của chị. Xôn xao, Seo Cả ngó qua ô cửa sổ. Ô cửa sổ chỉ có sương lăn tăn bay vào. Pao bận công việc đời mới nên Pao chưa đến. Pao chưa đến được thì mai, chị sẽ giấu cái khăn thêu, cái vòng bạc ở hốc đá hôm nọ hai người gặp nhau, rồi bảo anh: “Pao ơi, có một cô gái gửi cho Pao…”. Chị nhất định chiếm được Pao. Pao là của chị, của riêng chị. Vừa sôi nổi như thế chị lại buồn xỉu. Ôi, chị thấy mình mới hai mươi ba tuổi mà sao đã già thế, già như chị gái của Pao, như bà già.Mặc những biến động bất thường trong tâm tình do cảnh sống kiềm toả ở nhà lý trưởng, những đêm xuân có trăng vẫn cứ là những đêm bồn chồn ao ước của Seo Cả. Bởi vậy đêm nay, khi khe liếp chợt có cái que lách khẽ chạm vào mình rồi tiếp theo tiếng ai đó thì thầm bên ngoài, chị liền ngừng tay thêu, thót lại, tim đập rộn rực, chĩu một bên ngực.- Seo Cả ơi!Ôm ngực, chị thấy mình nghẹt thở. Và phải trấn tĩnh một lúc, chị mới đội được cái khăn lên đầu. Bước ra mảnh sân bát ngát ánh trăng, chị bỗng thấy như đang ở trong mơ, chân bước bập bềnh, người lơ lửng giữa trời mây, nhẹ bẫng như sợi chỉ.Chị sắp được giải thoát khỏi kiếp sống gầu phàng trong cái nhà ngục tự nguyện này rồi. Pao sẽ đến nắm tay chị, đưa chị đi. Anh không như người thô lỗ, xúc phạm tới chị. Anh sẽ dẫn chị về nhà, đi lối cửa chính, đến trước mặt hố pẩu và quỳ xuống, khẽ khàng: "Cha à, tôi bắt được một cô người Hmông đấy” để hố pẩu thu xếp việc lễ nghi thủ tục với Giàng Súng. Rời tay Pao lúc đó, chị khẽ lẳng lặng bước vào buồng, ngủ chung với bà vợ kế hố pẩu và ngay đêm đó hố pẩu sẽ mổ con gà, bói chân gà…Trăng vừa khuất sau đám mây xám hình con gấu.Lá mai ve ve phe phẩy. Nhưng đang bừng bừng rạo rực, Seo Cả bỗng chững lại và lạnh run.- Ai đấy?Một bóng người đen thủi loát choắt từ búi mái vừa lọt ra. Seo Cả thót mình lui lại. Không phải bóng Pao. Sau nó, thấp thoáng bóng một tên nữa, trên má qua ánh trăng láng, thấy một vết sẹo.- Anh đây mà!- Là người hay là ma?- Người… Người đây mà…Không kịp rồi, hai cái bóng đàn ông sặc sụa hơi rượu đã áp sát Seo Cả, Seo Cả quay đầu, nhưng chị thấy tay mình đã bị nắm chặt.- Bỏ tôi ra!- Hứ, còn gái son không đi chơi cho sướng, về già có muốn chơi cũng không có ai chơi đâu.- Buông tôi ra!- Hè hè… Măng non thì ăn đi. Để dành đan cót à?- Bỏ tôi ra!Seo Cả quẫy, giật. Một tay đã giành được tự do, chị bíu vào một thân mai gào thật to. Nhưng không được rồi. Hai gã đàn ông cùng nghiến răng kéo tay chị. Chân chị tuột theo dốc. Và khi đứng lại, thấy một tên đã rũ cái chăn đỏ trên tay, sắp choàng vào chị, chị liền gồng hai cánh tay. Bật lên trong chị tất cả sức nén chịu, lòng căm giận, và niềm hy vọng, chị cúi xuống bập miệng vào cánh tay tên đàn ông giữ chị và dùng hết sức mạnh, co chân đạp vào tên cầm chăn.- Ối! Hai tên đàn ông cùng kêu ối một tiếng. Tên cầm chăn ôm bụng, giụi xuống đất. Còn tên nắm tay chị buột tay, rúc ngay vào bụi cây gần đó.- Đ. mẹ, nó cắn tao. Nó đá trúng bụng mày à, Seo Cấu?- Trúng chỗ hiểm. Nhưng tao cũng sướng một đời.- Lại còn sướng!- Tao sờ được đùi nó. Đùi nó mát rượi mày ạ.Hai cái bóng đen dừng lại, trong màn sương đêm dày đặc. Thằng mặt sẹo quay lại nhìn cái bóng loắt choắt ở phía sau.- Tao đang nứng quá. Lại nhà con Seo Say đi! Con ấy mới đáng chơi!- Nó đang điên mày ạ. Nó đi lang thang, lúc thì nói đi tìm thằng em chồng, lúc thì bảo đi tìm Châu Quán Lồ. Châu Quán Lồ là cái đ. gì. Nó cũng chạy Việt Minh về làng rồi đấy!- Lại nhà nó đi. Đêm nay không chơi được đứa con gái nào tao cũng điên mất.- Không! Con ấy đẹp nhưng không chơi được. Bọn lính trên đồn bảo thế. Đứa nào lấy nó xong cũng bỏ, cũng chết vì chán.- Hay là nó có ma chài?Lử lừ lừ hai con mắt rắn. Lử mấy năm trước chỉ là đứa theo đuôi Cấu. Cấu đã từng dạy Lử đi cướp đường. Vậy mà, giờ Lử là thầy Cấu rồi. Lử là quan một đồn trưởng, quen thân với ông Phơ-rô-pông, đang muốn chức to hơn cả Châu Quán Lồ. Còn Cấu, Cấu mới chỉ leo lên chức seo phải. Seo phải, khéo rồi cũng chẳng còn. Việt Minh và Pao về làng rồi còn gì.- Đi đâu bây giờ? - Lử cau mặt.- Nhà lão Hoàng Văn Chao tao nghi còn chôn bạc trắng. Còn nhớ hôm chúng nó rút, cánh ta vào…- Nó đem đi sạch rồi!- À! Hôm làm ma khô ở nhà hố pẩu, tao thấy lão già tam thất có một bọc tiền to… tao đã định…Đập bốp vào bao con dao nhọn đeo bên hông, Lử nghiến răng:- Phải rồi! Đ. mẹ, thằng Pao còn định lấy cây tam thất của lão ấy thay cây thuốc phiện. Hừ, phải trị tội lão!