Phần III -11 -

Chiều nào chị cũng phải đi vác nước. Éo le quá, đường đi lấy nước qua ngay trước cửa trụ sở uỷ ban. Bụng chị mỗi ngày một to, mỗi bước đi giờ là mỗi bước nặng nề. Công việc vốn đã nặng nhọc giờ lại càng thêm nặng nhọc. Nhưng phận làm dâu, việc của chị không thể không làm. Cơn chấn động đêm hôm cưới qua đi, chị lại trở lại phận đàn bà. Giờ chị là vợ Lử, là con dâu hố pẩu, là một người đàn bà lầm lụi, không nói không cười, chỉ có một việc là làm, làm như con trâu, con ngựa. Chỉ khi đi qua trụ sở uỷ ban, chị mới như sực trở lại làm người. Chị khóc từ đó tới bờ sông Chảy rồi lại khóc từ sông Chảy khóc lên. Nước trong ống xớt ra cùng nước mắt làm ướt đầm hai vạt áo.
 Hỡi ơi! Pao đau một, chị đau mười. Chị cứ tưởng được cùng anh chung sống bạc đầu. Chị cứ tưởng cùng anh như sợi lanh se. Có ngờ đâu đến nông nỗi này.
Mấy hôm nay, cứ vào quãng ba bốn giờ chiều, biết là Seo Cả sắp vác ống nước đi qua trụ sở là Pao lủi vào căn buồng trong nhà. Rồi chờ khi chị đi khuất, anh mới mở cửa, bước ra. Người như vừa qua cơn sốt, Pao đi vào thôn. Pao đi về nhà.
 Hôm nay, bước chân về đến nhà, thấy nhà vắng tanh, Pao sực nhớ: cha và lão Giàng Súng lên châu dự bữa cơm đoàn kết do trưởng ban cán sự Đắc mời. Anh đứng vẩn vơ một lúc rồi leo lên gác. Không biết làm gì, anh lại tụt xuống, ra chuồng lợn. Ba con lợn con hếch mõm, khụt khịt thở, đòi ăn. Pao vào trong hiên, hạ cái lồng chim hoạ mi xuống.
 "Bảo thằng Pùa đi bắt một con khác?”. Pao nghĩ ngẩn ngơ: “Sao hôm nay đầu óc mình đầy sương mù thế nhỉ?". Căn nhà như nhà ma bắt hồn Pao rồi ư? Là người của cách mạng, vì cái chung phải biết tha thứ hết mọi sự lầm lỡ, muốn vậy mà Pao thấy khó quá!
 Pao xách cái lồng chim đi ra cổng.
 Lão Sếnh vừa từ đâu lọt vào cổng nhà Pao. Mắt trắng dã, búi tóc buột thả đuôi sau lưng, lão níu tay Pao.
- Cháu Pao ơi!
- Cái gì vậy ông?
- Cháu Pao ơi. Có một hôm trăng sáng, đang ngủ chợt nghe thấy tiếng gậy tiền múa xập xành xập xành, lão liền tỉnh dậy, đi ra sân. Hứ! Thì ra ở sân có một cô gái Hmông đang múa. Gái đẹp, mặt xinh như cái trứng nhện. Đang mải xem thì hú… cô gái tụt váy. Húi, cái đuôi hổ thòi ra. Hổ chứ không phải là người. Việt Minh thòi cái đuôi hổ ra rồi!
 Pao giằng ra khỏi tay lão già, to tiếng:
- Ông nói vòng vèo, xỏ xiên cái gì thế?
- Thật mà!
- Thật cái gì?
- Ồ hồ! Việt Minh mời đại biểu các xã lên châu ăn cơm đoàn kết rồi bắt trói hết cả các đại biểu rồi.
Pao đập mạnh vai lão già.
- Ai bảo ông thế?
- Ông Giàng Súng vừa chạy thoát về nhà kia kìa.
 Ruột gan như có lửa đốt, Pao vứt cái lồng chim, chạy thẳng đến nhà Giàng Súng. Lão Sếnh chạy theo Pao.
 Ông già, bà già, trẻ con đang tụ đặc một khối, nhốn nháo ở sân nhà ông lý trưởng đời cũ. Giàng Súng, áo quần lấm láp bùn, dính đầy quả ké đầu ngựa, mũi phập phồng như mũi ngựa, thở hổn hển:
- Húi, tôi đã ngờ vực bụng dạ nó từ khi thằng Pùa đưa tờ giấy cho nên mới cho con chó tây đi theo. Úi chà! Đông lắm. Xã nào cũng có hai, ba cụ tới ăn cơm đoàn kết. Toàn các cụ hố pẩu, lý trưởng, phó lý, binh thầu, seo phải. Phải tới năm chục người. Một Việt Minh lên nói chuyện, hô hào đoàn kết tiễu phỉ rồi bảo ăn. Có thịt gà, thịt lợn, rượu bắp. Ăn xong, ngẩng lên, húi, bộ đội Kinh nó đã đứng đầy xung quanh. Một thằng có võ ập tới bóp cổ con chó của tôi. Con chó chết ngay. Các con chó khác cũng thế. Rồi một đứa hô: Bây giờ tất cả đi vào cái nhà đá kia!
- Ối! Bắt hết à?
- Bắt hết! May, tôi nhanh chân, lẻn ra cạnh cửa, rồi chạy thoát được. Úi! Nó đuổi…
- Trời ơi!
Cái sân rên lên một tiếng.
 Pao len vào, mắt nóng nóng:
- Ông Giàng Súng, nói có sự thật không? Cha tôi đâu?
- Ôi Pao ơi là Pao ơi! Hố pẩu chân yếu, lực kiệt chạy sao được. Hố pẩu đang ngồi trong nhà đá trên châu kia kìa!
 Đám đông người vây lại quanh Pao, rồ lên những tiếng kêu thất vọng và kinh hãi.
 - Người Kinh bôi thuốc độc vào bát cơm ta ăn rồi!
- Việt Minh độc ác quá!
Lão Sếnh đứng vòng ngoài, nghển cổ, the thé:
- Việt Minh lòi cái đuôi hổ ra rồi! Nó còn giết hàng trăm đàn bà, ông già, trẻ con ở Hầu Thào kia kìa. Nó không cho người Hmông ta sống đâu!
Pao quát:
- Không được nói sai.
Lão Sếnh trừng mắt:
- Mày còn bênh nó hả? Nó là cái ác. Cái ác, phải dùng súng dùng dao đuổi nó đi.
Đám đông la lối rối loạn:
- Không sống được với Việt Minh rồi!
- Việt Minh bắt thuế, bắt đi dân công, Việt Minh thu súng giết người. Không đội trời chung với Việt Minh được, bà con ơi!
 Quanh Pao là một đám cháy lớn. Lòng Pao đang như có lửa đốt. Pao đang nhức nhối nỗi đau riêng. Nhưng lúc này thì Pao quên hết! Pao chỉ còn nhớ một điều: không để Can Chư Sủ thành nước ma nước quỷ, Pao nhảy lên một hòn đá, tay vung mạnh mẽ:
- Bà con nghe tôi nói. Nghe lời người, không nghe lời ma lời quỷ.
 Tiếng Pao bị át trong tiếng kêu thất thanh phẫn nộ, chửi rủa.
 Pao bị đẩy xuống đất. Mặt Pao xây xẩm như trúng gió độc. Rồi thấy mình bị đấm mạnh vào sườn, Pao ngã vào đám đông hỗn loạn.
°°°
Tối sập.
 Thoát ra khỏi cơn thịnh nộ dữ tợn của đám đông, Pao chạy. Phải nhanh chân lên về báo cho A Sinh biết. Cả thằng Pùa nữa. Lần này có ba tay súng. Phải giữ bằng được Can Chư Sủ.
 Pao chạy, lao vào trụ sở. Không thấy A Sinh và Pùa đâu. Pao quàng khẩu poọc-hoọc vào vai, xách khẩu tiểu liên đi ra. Và bỗng thót mình, đứng lại ở trước cửa.
 Trời đêm mù mịt, mờ tan những bóng sao. Cạnh Pao là bóng một người phụ nữ. Chị đã đứng chờ anh. Tóc chị rối bời. Vai áo chị ướt đẫm. Và giọng chị nghe như từ rất xa vọng về:
- Pao! Pao! Thật Pao còn sống đấy à?
 Những tiếng ấy lọt vào Pao, ê nhức cả một vùng ngực Pao. Pao bỗng như hiểu ra tất cả những nỗi khổ đau của đời người qua câu nói ấy.
- Pao ơi…
 Seo Cả bật tiếng nức nở. Pao tê dại đứng giữa trời đêm.
 Đêm ấy, tất cả hai mươi ba xã trong châu Pa Kha nổi cơn biến động. Đêm ấy, bọn phỉ lẩn trốn trong rừng thừa cơ lẻn về các thôn xóm như ma như quỷ hiện hình.