Phần I - 7 -

Tết người Hmông. Cứ đúng mười hai tháng, mỗi tháng tròn ba mười ngày không sai, cái tết lại tới. Đêm ba mươi, lại như thường niên, hố pẩu tắm nước nóng, thay quần áo mới, ngồi nghe tiếng chó sủa, chờ tiếng gà gáy để lấy khước. Gà gáy lần thứ hai, bà vợ kế dậy, vác ống nước ra khe lấy nước mới, trịnh trọng như lấy điều may mắn về nhà. Sáng mồng một, trên bãi đá Can Chư Sủ, phơi giữa thanh thiên, sặc sỡ các sắc màu của váy, áo, ô, dù. Hoa đào chưa rộ, nhưng vừa đủ hồng cho bãi đá thêm phần tươi ấm.
Quả núi sau làng vẫn là nơi mở hội leo núi chơi xuân. Trên ấy, ngất nghểu một ngọn nêu, đỉnh treo mặt ông trăng vàng thắm. Quả pa pao đuôi vải năm màu bay đi bay lại. Người quần tụ trong cái dây thừng làm ranh giới khu mở hội. Lấp ló dù xanh ô đỏ. Chơi vơi tiếng hát ai đó:
 
Ngày tận, tháng hết rồi
Cô mình ơi
Dòng suối vẫn trôi
Nhưng luống cày không mất
Tình đôi ta thẳng tắp như luống cày
Vẫn như mọi năm, ông Giàng Súng giàu có đứng ra đăng cai mở hội. Nhà ông, từ tinh mơ, gái gầu phàng năm cô đã nấu xong chảo cháo to. Mấy ngày tết, ai đói cứ tới múc ăn. Ông Giàng Súng cười hở lợi:
- Đời mới rồi! Không còn đánh nhau! Không còn phân biệt, ai cũng bằng ai, vui quá!
Tết này là cái tết đầu tiên không có tiếng súng nổ. Lại thêm sự sum họp. Trai làng đi dõng hơn hai chục người đã về cả, kể từ Lử. Cái tết lại chập làm một với ngày hội bầu cử Uỷ ban. Chả mấy người biết chữ, nên phải bầu bằng giơ tay. Pao trúng chủ tịch. Hai phó chủ tịch là hố pẩu Giàng Lầu và ông nhà giàu Giàng Súng, nguyên lý trưởng Can Chư Sủ. Bà Doa là uỷ viên văn xã. A Sinh là uỷ viên quân sự. Cái vui khiến những thú vui đánh quay, trò chuyện quanh khay thuốc, hũ rượu của các cụ càng đậm. Cái vui khiến các trò chơi cổ truyền ngày tết như thi ngựa, đánh én, ném pa pao, múa khèn, chọi chim mi của cánh trẻ càng nồng.
Càng trưa, cái vui càng đậm đà, náo nức. Nhưng đông nhất, ồn nhất là đám chọi chim tổ chức ở sân nhà Pao. Trước hai cái bàn áp sát nhau làm nơi đặt lồng chim chọi, xếp một hàng ghế để các cụ ngồi. Lão Sếnh làm trọng tài. Pao đi thăm các đám vui, quay trở về nhà thì đã quá trưa. Vừa lúc đến lượt con chim của Pao do thằng Pùa đăng tên vào hiệp đấu. Lão Sếnh the thé:
- Giờ là con chim của chủ tịch Pao đấu với con Triệu Tử Long của ông Giàng Súng. Hế hế… Con Triệu Tử Long đã đánh bại chín con. Giờ, xem nhé - Chợt thấy mặt Pao ở sau đám đông, lão liền đổi giọng - Con Triệu Tử Long biệt hiệu là Cướp vợ. Hế, nó từ đâu đến, đánh con chim chồng ở thung này, đuổi chim chồng đi, rồi cướp vợ… Hế!
Hai cái lồng áp vào nhau. Giàng Súng ngồi dịch lại cạnh bà Doa: "Con chim này tôi đổi một tạ thóc đấy. Thật là danh điểu, bà ạ".
Lão Sếnh giơ tay:
- Luật đánh như cũ nhé. Chạy là thua. Ba lần không xuống nghênh chiến là thua. Nào, mở áo lồng, rút then cửa chiến! Người xem cùng a một tiếng khi hai tấm vải đỏ che lồng cùng mở. Con Triệu Tử Long đẹp thật, như một tráng sĩ, vừa hào hao, và uy vũ. Màu lông xám nhạt. Dáng củ đậu, lại to con. Mắt hoả nhỡn chu sa, đỏ rực. Chân thiết cước rắn chắc. Cạnh nó, lồng bên là cô chim mái nhỏ xinh, màu vàng tro. Rõ ràng con Triệu Tử Long là một trang công tử võ nghệ cao cường và quen với chiến trận. Cửa chiển vừa mở, nó liền liếc cô chim mái một cái, rồi phốc ngay xuống nghênh chiến, điệu bộ vừa táo tợn, vừa khoáng đạt. Trong khi ấy, con chim của Pao còn đang nghênh mỏ ngơ ngác. Cạnh con Triệu Tử Long, nó chỉ là con chim mồi mộc mạc. Đã nhỏ con, lại xấu mã. Lông vũ kém mượt mà. Dáng dấp quả vả. Chân gân hươu. Mắt vàng đục. Chỉ được cái vẻ gan lì và tự tin. Anh chàng chẳng để ý gì đến cô chim mái và lờ cả… địch thủ. Thằng Pùa bồn chồn giục: "Xuống đi, xuống đi không là thua đấy!” Ba lần, nó mới sà xuống. Ngay lập tức, hai con chim như dính chặt vào cửa chiến.
Lão Sếnh reo khoái trá:
- Đánh nhau rồi! Ái chà!
Lông tung như bươm bướm. A! Con Triệu Tử Long nó khoá. Hế! Thật xứng là đệ nhất danh điểu!
Mắt Pao nong nóng, khó chịu. Được thua cái trò này có ý nghĩa gì mà sao lại thế? Pao tự nhủ. Thằng Pùa nhấp nhổm sau cái bàn, như sắp khóc. Pao định bỏ đi. Nhưng đám đông reo ầm ầm. Con chim của Pao đã ra khỏi miếng khoá của con Triệu Tử Long, nhảy lên cái ngáng, chọc mỏ xuống ống nước uống, rồi sau đó ngẩng lên, búng cánh, xù lông, bất ngờ rúc lên một chuỗi dài líu lô. Ngang chưa! Giờ thì Pao đã nhìn ra cái tướng lạ của nó. Máu rỉ ở cánh nó. Một ngón chân bị quẹo. Nó đã bị một đòn đau. Lông vũ xơ xác. Nhưng trông kìa, mắt nó vàng vậy mà ngước lên thì chuyển sang màu đỏ chói. Cái dị tướng ẩn giờ mới phát tiết ra ở cái vẻ điềm nhiên, không hề nao núng của nó.
"Đời người cũng vậy thôi. Chớ ngã lòng và phải biết cách thoát khỏi các miếng khoá". Pao nghĩ. Và con chim của Pao đã lập tức nhảy xuống bàn chiến, xông vào trận sống mái với con Triệu Tử Long lúc này sau hiệp đầu áp đảo địch thủ, vẫn ngạo nghễ đứng đợi. Tiếng người lại ồn ồn:
- Hay quá! Hay quá! Kìa, nó khoá song sa!
- Thần điểu Triệu Tử Long quả là không ngoa nhé.
- Úi, nó khoá cổ, mổ phao câu!
Hai con chim ríu vào nhau. Con chim của Pao lại ở thế bất lợi. Hai chân nó lại bị khoá chặt. Mỏ con Triệu Tử Long thò sang, nhọn hoắt, hai mắt nó long lên, ác hiểm. Và Pao thấy nhói buốt mỗi khi con chim nọ cắm mỏ xuống, con chim của Pao lại ngửa cổ, nghiêng mặt tránh né. Điều an ủi duy nhất với Pao lúc này có lẽ chỉ là con chim cuả Pao không hề kêu rên một tiếng nhỏ. Nó gan góc chịu đựng các ngón độc thủ của con Triệu Tử Long. Lão Sếnh gãi đùi, thích chí cười khành khạch:
- Nó sắp móc mắt con chim của chủ tịch Pao đấy nhé. Con Triệu Tử Long được uống rượu bắp với thuốc bắc cơ mà! Có phải không, Giàng ly trang?
Giàng Súng tủm tỉm cười, tay vân vê râu cằm. Thằng Pùa lẻn đến bên Pao, ngước lên, mắt nhoáng nước: "Anh Pao ơi! Con chim khéo chết mất". Pao im lìm. Pao chờ đợi điều gì? Và, thật đột ngột, cả đám người sành chơi chim bỗng đứng cả dậy, reo; chính Pao cũng “ô” lên một tiếng kinh ngạc. Giây phút tuyệt vọng đã chấm dứt. Con chim của Pao, con chim đã theo Pao đi vận động kháng chiến mấy năm qua, con chim đơn sơ mộc mạc như đời Pao, đã bất ngờ và khéo léo gỡ khỏi miếng khoá nữa của địch thủ, hơi lùi lại. Nó đã biết được sở trường của địch thủ là quen đánh xa, đánh tài tử và tàn bạo. Nó tìm cách đánh khác và chỉ trong nháy mắt, nó đã tìm được cơ hội, nó lao tới, bất ngờ vít được cổ con kia, kéo mạnh sang bên lồng này với một động tác quyết liệt gần như bóp cổ. Rồi khi con kia há mồm kêu choe choé sợ hãi thì nó thọc ngay cái mỏ nhọn như gai chanh vào trúng họng địch thủ. Đòn trả đòn mới ác liệt làm sao! Con Triệu Tử Long kêu choét một tiếng, được buông ra, rụt cổ về liền giúi giụi vào thành lồng, mỏ ho hó dính đầy máu đỏ.
- Đòn sáp hồng!
- Trời! Ngón đòn rút lưỡi, ác quá!
- Con chim cướp vợ hết đời rồi.
Tiếng người xôn xao kinh dị và bàng hoàng. Con chim của Pao nhảy lên sào, rũ lông, hót hai tiếng, chúc mỏ xuống uống nước, rồi nghển lên nhìn quanh, ngơ ngác. Chiến thắng cũng giản dị vậy thôi ư? Thằng Pùa nhảy lên, reo. Lão Giàng Súng nhảy tới bên con Triệu Tử Long, mặt xám ngoét, lẩy bẩy mở cửa lồng. Pao lảng ra chỗ khác. Lão Sếnh kéo tay anh, cười nịnh:
- Thật là linh điểu! Linh điểu, chủ tịch Pao à! Đáng đời con chim cướp vợ. Hế hế… Tôi đã đoán ngay mà. Trông nó dị tướng lắm. Mà nó còn đại lượng, chứ nó cho một đòn nữa thì con kia chết tươi. Thật xứng danh con chim của chủ tịch!
Pao giật khỏi tay lão Sếnh, tự dưng bần thần mặt. Giá đừng cho nó ra chọi thì có phải hơn không. Pao đi lững thững. Cuộc vui đang đến độ. Đầu làng, cuộc thi ngựa đã kết thúc, về nhất là anh Giàng Seo Giống. Cạnh đó, có đám biểu diễn võ thuật. Pao ngó vào. Ông già tam thất đang múa võ. Hai tay ông nâng ngang ngực, vặn cuồn cuộn như ngọn lửa đang bốc, hai chân ông chuyển theo hình chữ chi lắt léo mềm mại, mắt ông quăng quắc mà tự nhiên, thật đẹp.
Ve ve… pặp pặp… tiếng khèn ở đám bên cạnh gọi Pao. Pao chen vào đám xem khèn. Bỗng thấy máy mắt, Pao quay lại. Sao, có ai nhìn Pao, ngóng Pao hay Pao đang phấp phỏng chờ đón ai? Cạnh Pao, sau Pao có ai? A! Có một cô gái mắt vời vợi. Và lão Sếnh. Lão Sếnh, lại lão Sếnh, đang múa tay, giọng nheo nhéo: "Úa! Cô Say đi tìm na nủ à! Đây, người này còn hơn na nủ Lồ nhiều". Pao biết lão Sếnh chỉ Pao. Lát sau anh quay lại, cả lão Sếnh và cô gái đã biến đâu. Và Pao cũng quên ngay.
Giữa đám đông, A Sinh đang múa khèn.
Sinh múa đẹp quá. Pao đang nao nao mà cũng bị cuốn vào điệu múa. Khom khom lưng, miệng ngậm khèn, đầu gật gật, chân Sinh tập toè. Ngón tay Sinh nảy đều đều, tiếng khèn Sinh nhẹ tênh hơi gió. Lưỡi khèn hát, sáu ống trúc ngắn dài bó kết trong dây đai vang âm. Bài khèn kể chuyện chàng trai dũng cảm giết hổ năm mồm. Bài khèn nhắn nhủ người thân yêu. Có bao nhiêu câu chuyện, bao nhiêu khúc tình ca trong cây khèn của Sinh? Cây khèn thông thuộc. Cây khèn khôn ngoan. Nó biết nói tiếng người, nghe hệt tiếng người. Lão Sếnh ở đâu lại mò tới xem. Khèn Sinh nhảy lò cò tới. Khèn Sinh mắng lão già: "Mẹ mày nhé, mày không tốt". Mọi người cười ồ. Lão Sếnh trợn mắt: "Thằng này là trứ kềnh rồi".
Sinh là trứ kềnh là bố khèn. Không! Sinh còn giỏi hơn, Sinh phải là tồng play, ông thánh, ông thần kèn mới đúng. Khèn Sinh pặp pặp, ve ve, ba mươi sáu điệu. Nhạc khèn Sinh không đứt hơi, quyện vào bước chân người múa. Sinh dẻo như mây, thoăn thoắt đánh gót đập chân mà thanh thản, thoải mái như rong chơi. Sinh ngửa người, đầu chấm đất, làm điệu rồng uống nước. Sinh trồng cây chuối, đầu dựng trên đất, hai chân chổng ngược vẫy vẫy, khèn vẫn vu vu. Sinh cò một chân, quay tít người. Sinh nhảy trên ba cái cọc. Sinh lăn trên ba cái ngáng đặt trên chảo nước sôi.
Khèn Sinh vi vút, trong trẻo như hồn Sinh. Khèn Sinh tài hoa, cao nhã, làm mê mẩn người đời, bay vào rừng làm ngẩn ngơ muông thú, lượn trên các tầng mây làm động lòng trời. Ông trời bỏ dở ván cờ, vén mây, nhìn xuống. Ô! Khèn con tài tình thế ắt hẳn con là con nhà giàu sang, được tồng play dạy dỗ từ nhỏ. Thưa Trời, không phải. Nhà Sinh nghèo. Cơm là cám trộn rau. Áo quần như giẻ lót nồi. Thuở nhỏ có được đi học dăm ba chữ, nhưng sau bỏ học vì không có bạc trắng, thuốc phiện nộp cho thầy, bị hoc trò con nhà giàu khinh rẻ, chỉ có bạn buồn bạn vui là cây khèn. Đời Sinh khổ từ nhỏ. Bố chết, mẹ bị lý trưởng Lũng Phìn ép duyên, ăn lá độc chết. Sinh ở với ông chú, là cái gậy chăn lợn cho ông chú. Bị ông chú bắt đi phu, buồn chán lang thang sang đây, bán công cho ông già tam thất. Đời khổ chỉ có khèn là tâm tình. Nhưng đời là một, khèn là một, đời khổ, khèn vui. Ông trời đừng nghĩ người nghèo chỉ quen than khóc ê a.
Khèn Sinh âm âm mãi tới tận chiều tà.
Chiều xuống lửng lơ, tưởng như thời gian già đi. Bãi đá thưa người dần. Cây nêu còn lại khua khoắng theo gió. Gió nổi, rung cành đào, cành mận. Thu dọn các thứ xong, Pao nghĩ: "Mai họp Uỷ ban bàn công việc. Ngày kia, cho các thôn học tập chính sách", rồi rời bãi chơi đi về. Đường xuống làng thăm thẳm. Trời tối nhờ nhờ. Pao bước không thật chân.
Sau ngày hội, ngày tết, sau phút vui ồn ã, bỗng rơi vào khoảng trống vắng lặng thế nào. Pao hiểu: đấy là Pao lo. Công việc chưa bắt đầu. Phải bắt tay vào việc thôi. Nhưng công việc dựng đời mới rồi sẽ sao đây? Giao thời mới cũ, lòng người còn lắm bâng khuâng. Bỗng Pao dừng lại. Lối đi hẹp, vừa một người đi. Phía trước Pao có bóng một người con gái. Ngực Pao cộn lên. Tâm linh sao thật ứng nghiệm quá. Pao đang chờ ngóng. Pao đang muốn được trò chuyện, tâm tình.
- Seo Cả! - Pao thầm gọi khi bóng người kia còn cách xa.
Không! Pao chưa nhận ra một nét nào quen thuộc cả. Nhưng Pao muốn thế và linh cảm của Pao báo hiệu thế. Pao đã không nhầm. Người con gái đặt ông nước trên vai xuống, dường như chị đến đó để ngóng đợi Pao, và ngẩng lên. Pao hơi lùi lại. Thật rồi mà Pao thấy như mơ. Mặt Seo Cả in hệt nỗi nhớ của Pao. Gương mặt trái đào không có nét nào thật nổi, nhưng hoà hợp, ưa nhìn. Và Pao nhận ra chị dường như trẻ hơn Pao vẫn nghĩ, trẻ hơn cái hồi chị dẫn Pao đi đến nhà Seo Cấu buổi nó cưới Seo Ly để Pao cướp Seo Ly về. Từ đó, xa nhau đã bao năm. Hai người chưa nói với nhau lời yêu đương. Vậy mà cứ nhớ đến Seo Ly, Pao lại nhớ đến Seo Cả. Dần dà, anh hiểu: người sẽ có quan hệ với anh ở Can Chư Sủ chính là Seo Cả, chứ không phải ai khác nữa. Thảng thốt như mê, Pao lại gọi:
- Seo Cả!
Người con gái sửa lại khăn. Ngực chị căng như cái khung vải đang dệt. Ánh sao rơi vào mắt chị, toả ra một làn sóng huyền ảo trên hai gò má láng hơi nước. Pao nhìn cái ống nước dựa vào vách đá, như tỉnh hằn:
- Seo Cả vẫn ở nhà Giàng Súng à? Người con gái ngước lên, khẽ gật đầu, bạo dạn và sung sướng. Chị thở nhè nhẹ:
- Pao vẫn khoẻ chứ?
- Khỏe, Seo Cả à.
- Pao sang Phéc Bủng thăm Seo Ly chưa? Nó khổ lắm, Pao à.
Tim Pao bỗng thắt lại. Pao lắc đầu. Anh bước sát lại gần Seo Cả, tiếng anh nặng nhọc và rời rạc:
- Ngày tết, ngày hội… sao không thấy Seo Cả… Mấy năm trời đi xa, Pao vẫn nhớ Can Chư Sủ, nhớ… Seo Cả.
Mắt Seo Cả chớp chớp. Nhưng chị vội ngoảnh về phía sau. Pao cũng nhìn về phía đó. Họ nghe thấy tiếng chửi tục tằn của Lử ở đầu con đường - dạo này Lử ăn ngủ ở nhà Giàng Súng.