Chiếc đa-cô-ta liệng vòng. Tên hoa tiêu quay lại:- Thưa thiếu tá, vẫn chưa tìm thấy ám hiệu ba đống lửa. Tăng độ cao lên! Bay về Lao Pao Chải!Phơ-rô-pông đáp, ngó xuống lỗ cửa tròn. Rừng ngờm ngợp. Núi lừng lững những lượm sóng. Máy bay lên cao. Đôi cánh nó rung rung, vùn vụt bay ngược lại những dải mây trắng. Đất rừng càng thăm thẳm, mịt mùng. Mắt Phơ-rô-pông như hai ngọn đèn xanh săm soi.Lao Pao Chải, quê Lồ, một bãi cỏ xanh rờn. Dê ngựa chạy nhốn nháo. Không có lửa đốt. Không một tín hiệu chào đón. Lồ đâu?Chiếc máy bay bỏ đất quê Lồ, vòng trở lại. Phơ-rô-pông nhận ra từng vẻ quen thuộc của mỗi xóm làng. Hắn đã mòn gót giày ở xứ này. Chiếc máy bay cũng đã hàng trăm lần bay đến những nơi này. Tả Van Chư, một thung lũng hình ngôi sao. Lũng Phìn, một rẻo đất phẳng. Trấn Pa Kha như cái mu rùa. Can Chư Sủ, bãi đá trơ trọi, nơi Phơ-rô-pông đã đến chơi hội leo núi và sau đó là cuộc tình với Seo Váy mặt trắng ngực bụ như đầm. Quen thuộc cả dưới cánh bay mà nay trở nên xa lạ: không một bóng hình chờ đợi.Vòng lượn của chiếc đa-cô-ta nới rộng hơn. Sông Chảy mất hút. Đất mênh mông như đại dương. Phơ-rô-pông đưa mắt. Đã có thể hình dung ra tất cả những gì đang hiện ra dưới hai sải cánh đuya-ra rồi. Lao Cai và Sơn La… Long Chẹng và Huổi Sai của đất Ai Lao. Miền Nam đất Tàu. La-si-ô, Chiềng Rài, Chiềng Mai, đông bắc Miến Điện, bắc Thái Lan. Những cái đinh chốt của một vùng tam giác, cái tam giác vàng, choán toàn triền núi cao biên giới của năm nước! Chao ôi! Đức Chúa Trời quyền năng và cao cả, người an bài sao mà khéo vậy: nơi đây năm triệu dân Hmông sống tập trung theo từng dòng họ, chẳng theo về một Tổ quốc nào nhất định. Đức Chúa Trời tinh khôn và ghê gớm, người đã dùng quyền phép gì để khiến nơi đây sản ra thứ sản vật trứ danh độc đáo nhất hoàn cầu: thuốc phiện! Ôi, thuốc phiện, vàng từ thực vật chảy ra. Vàng mang sắc đen!Chao ôi! Khu tam giác vàng! Tưởng như đã có thể ngửi thấy mùi thơm say say của khói thuốc đọng trong các tầng mây của xứ sở này! Ở đây, một ki-lô-gam cái sản phẩm ưu đẳng độc nhất vô nhị đó chỉ có bốn mươi đô-la. Thế mà tới Băng Cốc, Sài Gòn, Hồng Kông… qua chế biến thành moóc-phin, giá nó đã đội lên năm mươi đô-la, còn thành hê-rô-in thì vọt lên hai nghìn rưỡi đô-la. Và ở Mỹ, của quý ấy năm mươi nghìn đô-la một ki-lô-gam cũng vẫn là rẻ.Người Mỹ đã ngửi thấy hơi nha phiến này từ lâu rồi. Cuối 1950, họ đã xin với Cao uỷ Pháp ở Đông Dương cho phép một phái đoàn của họ tới đây để học tập kinh nghiệm tổ chức các lực lượng vũ trang của các dân tộc thiểu số. Chẳng hiểu có phải vì vị cây dây cuốn mà đại tướng Đờ-lát đờ Tát-xi-nhi lại nhiệt liệt hoanh nghênh và chỉ thị cho thiếu tá Tờ-ranh-ki-ê, bạn đồng khoá của Phơ-rô-pông, chỉ huy cơ quan tình báo đối ngoại và phản gián SDECE ở Đông Dương, phải cộng tác chặt chẽ với phái đoàn Hoa Kỳ này? Họ đã ở Đông Dương sáu tuần, đi thị sát các vùng biên giới và nghe cả Phơ-rô-pông thuyết minh về cách tổ chức "nghĩa binh" Hmông. Phơ-rô-pông đã thấy ngay lúc đó là tướng Đờ-lát ngu! Người Mỹ chỉ là những tên moi móc, đánh cắp tài liệu thôi. Họ thực dụng lắm. Họ không bỏ qua vùng tam giác vàng này đâu.Quả nhiên, người Mỹ đã tuyên bố: "Bỏ tất cả ở đây được, trừ người Hmông”. Vậy là rõ rồi. Người Hmông! Cái đám dân ở ngã tư ngã năm biên giới này, những anh nông dân canh tác thứ cây vàng, những lưỡi lê xung kích sẵn sàng nổi loạn thành một lực lượng vô cùng lợi hại vì họ đã có sẵn có mối hờn căm của kẻ chiến bại và hiện vô tổ quốc, vô lãnh thổ, không thủ lĩnh! Người Hmông, Phơ-rô-pông đã nhìn ra chân dung họ. Người Pháp đã thấy vai trò của họ. Dòng họ Tu-bi và gã hạ sĩ quan Vàng Pao đã được nuôi dưỡng ở Ai Lao. Và Châu Quán Lồ đã được phong thủ lĩnh khối “nghĩa quân” rẻo biên cương Trung - Việt.Nhanh tay lên! Tam giác vàng, miếng mồi ngon béo đã ở trước mõm các thế lực. Người Mỹ đã thọc tay vào dân Mẹo ở Ai Lao. Người Anh khôn ngoan lõi đời chinh phục Miến Điện xong đã kịp thời truyền đạo Crix-tô cho các bộ lạc Mèo ở xứ này, rồi lại bỏ tiền của làm con đường rồng rắn một nghìn ba trăm cây số từ đất Miến sang đất Tàu, ròng rã từ 1937 đến cuối 1939 mới xong. Tàu trắng thèm rỏ dãi nha phiến xứ này, hẳn rồi.Chiếc máy bay lại thu hẹp vòng lượn.Những ý nghĩ trên lại một lần nữa thiêu đốt Phơ-rô-pông. Y gằm mặt xuống lỗ cửa tưởng như muốn gào gọi trong không gian bao la: Châu Quán Lồ, ngươi ở đâu?Châu Quán Lồ! Ngươi ở đâu? Châu Quán Lồ! Người sẽ là vua, chúa cai quản cả xứ tam giác vàng này! Nhưng giờ người ở đâu? Châu Quán Lồ! Ngựa bất kham! Át chủ bài! Hãy đốt ba đống lửa lên như lời răn dạy để cha các ngươì thả đồ ăn thức uống, súng ống đạn dược và những lời ban khen xuống cho các người. Hỡi Châu Quán Lồ!Phơ-rô-pông đứng dậy, Mặt hắn dài nhão ra. Vô lý quá thể! Tại sao Pha Linh, Can Chư Sủ lại có thể rã ra nhanh như thế được? Chòm râu vàng suộm như bị cháy của hắn cứ giật giật liên hồi.Đó là chiếc máy bay của GCMA. Người ta có thể nhận ra trên nó, trong chuyến bay, có đủ các thành phần tiêu biểu của tổ chức này. Các sĩ quan quân báo, các sĩ quan tình báo của lục quân, của lính nhảy dù. Các đại biểu của nguỵ quân, nguỵ quyền và Quốc dân đảng Trung Hoa.Nỗi buồn bực của Phơ-rô-pông càng tăng khi y nhận ra rằng bọn cùng đi với y không hề tỏ ra sốt sắng như y đối với cuộc tìm kiếm Châu Quán Lồ. Ở đuôi máy bay, tri trâu La Văn Đờ đang thì thầm cái gì với gã Lý Kiêu Đương cao lều nghều như con đà điểu. Tất cả lũ thổ ty Phơ-rô-pông đem đi, giờ đã đánh bài lảng cả. Ba anh em Nông Vĩnh Yêng mê mải đường doanh nghiệp. Hoàng Văn Chao và con y vùi đầu vào tài sửu, tổ tôm cùng bọn nhà thổ trong các xóm bình khang. Chỉ còn lại Lý Kiêu Đương và La Văn Đờ. Ôi, Đờ, thủ lĩnh già nua, dẫu y có mộng vương mộng bá thì lực cũng bất tòng tâm rồi. Phải là Châu Quán Lồ!"Hỡi Châu Quán Lồ! Chẳng lẽ tình hình lại bi đát đến thế này ư?" Cạnh Phơ-rô-pông sôi sục, Xì Xám Mần nhơn nhơn vui vẻ trong cơn say mơ màng. Xì Xám Mần, cũng lại một khối mỡ bùng nhùng, viên chỉ huy quân đoàn 99 Tưởng Giới Thạch. Y sẽ nhảy xuống với Lồ để thu thập lại mấy ngàn lính đã tan rã ở vùng này. Sao y lại có thể dửng dưng như thế nhỉ? Ôi, chao, y hát, giọng lí nhí phát ra từ cái cổ béo nứt. Hết bài "Hà nhật quân tái lai" lại lảm nhảm mấy câu Tảo hành lạc:Hôm nay có rượu, hôm nay sayNgày mai không tiền mai hãy hayTrời đất xoay vần ta chẳng quảnHãy tận hưởng cảnh đời nguyệt hoa.Khốn nạn! Không lẽ Phơ-rô-pông lại quát tháo, chửi bới bọn chúng.Phơ-rô-pông cố ghìm nén cơn giận. Y lại cúi xuống ô cửa nhỏ. Lòng y quặn thắt. Và những ý nghĩ lại sùng sục sôi cháy trong đầu."Châu Quán Lồ ơi! Nếu ngươi có mệnh hệ nào… ôi thôi… Ta không dám nghĩ đến nỗi tuyệt vọng ghê gớm ấy. Hãy bật lửa lên, Châu Quán Lồ. Hay là ngươi giận ta? Ta biết dòng máu ngang tàng, rừng rú của ngươi. Ngươi còn không thèm đến dự cuộc ăn thề khi chia tay của ta kia mà? Nhưng, ngươi hiểu lầm ta, hiểu lầm người Pháp cha đẻ của ngươi. Ta đã dốc lòng với ngươi. Ta cũng như ngươi, một dòng máu Hmông, cuồng tín, bất chấp…".- Thưa ngài…Có tiếng nói ở phía sau. Viên thiếu tá quay lại. La Văn Đờ vừa từ đuôi máy bay đi lên, tay vịn vào thành ghế.- Tôi e rằng… na nủ đã gặp nguy biến…- Không! Phơ-rô-pông gạt phắt.- Tôi chỉ ngại na nủ nóng nảy.- Chính vì vậy mà ngài đã phải để bà ba ỏ lại để kìm na nủ - Phơ-rô-pông nhếch mép, cay nghiệt.- Dạ, thưa không - Đờ lắc đầu, lạnh nhạt - Đó chỉ là vì mối tình riêng, thuần tuý là tình. Ngài xem… tôi đã có tuổi. Phơ-rô-pông hất đầu, quay đi. Hừ! Khốn nạn! Các ngươi đầy bụng âm mưu nham hiểm. Ta còn lạ gì. Các ngươi, các ngươi đang muốn bán tên Hmông chột này cho ai, ta còn lạ gì. Thôi đi! Các ngươi đừng có hòng. Lồ là của ta! Lồ là một minh chứng cho thuyết lý của ta: xứ Hmông thuộc về một lớp trai Hmông tài năng lỗi lạc, dân dã, hoang dại. Không phải là thời của ngươi nữa rồi, hỡi súc thịt già kia ơi!Phơ-rô-pông đã tới cực điểm cay cú. May thay lúc đó, đúng lúc đó, tên hoa tiêu reo:- Thưa thiếu tá, đã bắt được ám hiệu!- Đâu? Đâu?Y chõ mắt xuống ô cửa tròn. Dưới đất, giữa khoảng rừng trống, có hai tấm vải bắt chéo hình chữ thập.- Sao không thả dù, hả? - Tiếng Lồ cộc cằn trong máy nói.- Chào na nủ thân mến - Phơ-rô-pông thở phào, đưa tay quệt mồ hôi trán - Đó chỉ là vì lí do kỹ thuật.- Thả ngay xuống đi! Chúng tôi đói đã hai tuần nay rồi.Phơ-rô-pông nhún vai, mỉm cười:- Sẽ thả ngay. Sẽ thả ngay. Na nủ có khoẻ không?- Tổ chim bị phá còn cái trứng nào lành được.- Tôi hiểu. Tôi hiểu. Hiện giờ thế nào?- Chúng tôi còn độ 100 người.- Những anh em khác đâu?- Tan tác hết rồi. Các sảo quán bị chết, bị bắt gần hết. Giờ chỉ còn Sùng Seo Lùng cạnh tôi. Súng còn nhưng đạn sắp hết. Điện đài to bị hỏng. Lương thực thì phải đi cướp mới có ăn.- Chúng tôi sẽ đảm bảo tiếp tế đầy đủ.- Phải cho máy bay lên nhiều nữa thì quân lính tôi mới khỏi hoang mang. Hiện thời ngày nào cũng có đứa bỏ trốn về hàng Việt Minh. Thằng vệ sĩ của tôi cũng bỏ tôi rồi. A lô! Có nghe rõ không?Hình như có tiếng súng bắn lên. Chiếc máy bay rướn lên cao, lảng ra xa. Lồ gào trong ống nói. Lát sau nghe tiếng Phơ-rô-pông ráo riết:- Na nủ nghe tôi dặn: Không được ngồi một chỗ. Phải đánh du kích! Thuận lợi thì quấy rối. Có điều kiện thì chiếm loang rộng, tạo thế liên hoàn… A lô! Có biết ông Giàng A Lử ở đâu không? Quan hai Lử hiện ở đâu? Cho tôi nói chuyện với sảo quán Lùng.Máy đột ngột tắt. Phơ-rô-pông lắc đầu cười mép. Lồ là thế đấy. Máy bay sà xuống thấp, từ đuôi nó đã tung ra những chấm dù trắng loá. Lát sau, những chấm dù nở, to phình, lửng lơ. Lẫn trong đám dù ấy có một cái dù đỏ và hai cái dù xanh. Đó là dù thả viên sĩ quan quân đội Tưởng: Xì Xám Mần và hai nhân viên điện đài.