Vận, quyền trưởng ban cán sự lại là một con người tư cách kém cỏi thế nhỉ? Chẳng có gì là lạ cả? Vận, Võ Văn Vận, võ sĩ hạng nặng nổi danh đất Hà thành, chính là tên võ sĩ khét tiếng độc ác, lúc nào cũng kè kè bên cạnh đảng trưởng Quốc dân đảng họ Vũ những ngày ông này rút chạy từ Hà Nội lên đất Lào Cai năm nào. Nào ai đã có thể lường hết được những nẻo đường ngắt ngoéo, những ngõ ngách tối tăm và sự oái oăm của cuộc sống muôn màu! Tử thủ ở Lào Cai căn cứ cuối cùng, bè lũ quan quân Quốc dân đảng, dưới sức tiến công như vũ bão của Vệ quốc đoàn và binh lính các Châu mùa đông năm 1946, đã tan tác như lá khô gặp gió lớn. Đảng trưởng họ Vũ chạy tháo thân sang đất Tàu. Triệu Quốc Lộc, kẻ hãm hại đời Dung, vợ nhạc sĩ Quang Ngọc, cuối cùng cũng không thoát khỏi vòng trừng phạt. Còn Vận, vệ sĩ của đảng trưởng, khôn ranh, láu cá hơn chủ. Hắn giã biệt chủ soái khi biết cơ đồ quan thầy đã lung lay. Chọn đúng thời cơ, khôn khéo mập mờ đánh lận con đen, hắn nhập vào đoàn quân chiến thắng rầm rập kéo vào thị trấn biên giới mùa đông năm ấy, giả dạng trong vai người chiến sĩ vệ quốc bấy lâu hoạt động trong lòng địch. Thoạt đầu, Vận được cử làm cán bộ ở ban Kinh tế của Uỷ ban tỉnh. Ở đây hắn nhập nhằng công quỹ. Người phát hiện ra gốc tích hắn là ông Bằng, nguyên chủ sự bưu điện, lúc đó là uỷ viên Uỷ ban hành chính - kháng chiến tỉnh. Người ta cảnh cáo hắn và chuyển hắn sang ban tình báo, chuyên khai thác tin tức từ gián điệp, tù binh vì nghĩ hắn có sức khoẻ. Nhưng, ở đây hắn lại tỏ ra hết sức tàn bạo và thích thú đặc biệt với việc đánh đập, nhục mạ người khác. Hắn lại bị đưa ra khỏi cơ quan này. Cuối cùng, đoàn trưởng Nguyễn Đắc - bấy giờ là tỉnh đội phó, nghĩ: chỉ có mình mới có đủ khả năng giáo dục quản lý hắn nên kéo hắn về và cho hắn giữ chức cán bộ văn phòng tỉnh đội. Từ đó, hắn khéo léo phục vụ tỉnh đội phó và lấy dần lại niềm tin của anh. Lào Cai giải phóng. Vùng giải phóng mở rộng. Cán bộ cho cơ sở đang lúc hiếm hoi. Lại bận rộn, chưa ai có thể nghĩ ngợi cho thật chín chắn về sự xếp sắp vị trí cho từng người. Cứ lắp ráp vào cho có cơ ngũ cái đã. Vận được cử vào Pa Kha với chức vụ quyền trưởng ban cán sự, khi Nguyễn Đắc chuyển sang làm Chánh văn phòng tỉnh uỷ. Bước chuyển đổi công danh của Vận thế là lại bắt đầu! Bây giờ là lúc buổi lửa trại liên hoan của quân dân thị trấn vừa tàn. Đi dọc theo cái phố lớn nhất thị trấn, Vận nhận ra trời vừa lất phất mưa và lòng Vận dịu lại. Đêm sâu có hơi mưa đưa trí nhớ Vận vào những điểm xa tít trong ký ức. Vận nhớ những đêm lạnh, với những bước chân khua rộn phố xá Hà Nội ngày xa xưa. Vận là con trai một nhà kim hoàn giàu có, và nổi tiếng vì hư đốn khi mới tí tuổi đầu. Còn đi học hắn đã lơn gái có mả, tán gái thành thần. Tuổi trẻ ngông nghênh không tư tưởng của hắn, như hạt cỏ dại gặp đám đất màu, những tàn dư cặn bã của tổ chức Quốc dân đảng những năm 1930. Bọn này đánh mất toàn bộ danh thơm và hùng khí của các vị danh liệt, tự xưng là nhất sĩ danh thành, tối tối tụ tập trong một căn gác xép, than thân không biết rót nguồn tài năng vào đâu, ngoài việc ăn nhậu, và tuyên bố sống triệt để, không nuối tiếc hình hài, thân xác, kể cả chết giụi trong bóng tối. Nhưng Vận không chết giụi trong xó tối. Hắn còn trẻ, khoẻ. Hắn gặp thời. Năm 1945, bọn Quốc dân đảng từ Tàu về, đòi quyền bính với Việt Minh, dưới bóng cờ sao mười hai cánh trắng của Tưởng thống chế. Vận được tiến cử theo Vũ đảng trưởng. Thế là giờ đây không chỉ quen say sưa đoạ lạc, giờ đây Vận lại còn muốn lập thân, định bá đồ vương. Hai nguồn tư tưởng khéo hoà hợp trong hắn, cho đến giờ thì thành một dòng duy nhất: xông vào gian khó để thành đấng phi thường; phiêu lưu để tận hưởng nguồn hỉ lạc là gái và tiền. Chợt thấy lạnh, Vận dừng lại châm một điếu thuốc. Quành một góc phố, thấy một đôi trai gái đang đứng trò chuyện, nhận ra đó là Na và chị Nhương dân phố, hắn liền hắng giọng, thấy mình cao thượng hẳn lên, khi tránh sang một ngõ nhỏ khác. Qua một ngõ nhỏ nữa, thấy Quang Ngọc và anh chiến sĩ Tếnh người Hmông đang tâm sự, hắn dừng lại. Ngọc bảo hắn: Pha Linh có nguy cơ bị Châu Quán Lồ cướp phá và chất vấn hắn tại sao không đóng quân ở đó. Hắn cười: đó là mưu kế của ta, nhạc sĩ cứ yên tâm với cây đàn. Hắn nhắc họ đi ngủ vì khuya rồi. Còn hắn, hắn phải đi kiểm tra các vọng gác. Đêm đen che lấp mọi hình hài. Đêm đen hoà lẫn bóng núi với mây trời.Bước chầm chậm, dè dặt, lát sau ngẩng lên, nhận ra nét lờ mờ của hàng chữ đắp nổi “Quảng Sinh đường” trước căn nhà, Vận thở một hơi dài, khoan khoái. Từ trong nhà, vừa lọt qua khe cửa một giọng nữ yếu đuối, đang ca bản Ca khúc nghê thường:Tiếng tiêu não nùng, véo von bên lầu, làm sầu lòng emThấy bao nhiêu đoạn trường, ruột tằm hoài vươngTiếng tiêu não nùng, đắm say mơ màng, bảng lảng lòng mơ…Nguyệt khe khẽ hát. Nàng đang thêu đôi chim câu chắp cánh trên tấm khăn tay trắng. Chao ôi, thế mới biết cuộc sống thật là kỳ lạ và chẳng sao có thể dự tính, tiên liệu được. Nhìn nàng hôm nay ai mà biết được nàng đã từng là nữ sinh Trưng Vương Hà thành và cha mẹ có cửa hàng tơ lụa ở đất kinh đô. Cũng không thể biết, cha mẹ nàng chết vì một quả đạn pháo ngay trong đêm đầu kháng chiến bùng nổ. Và nàng đã đau đớn và lạc lõng đến thế nào cả khi ông chú nàng, ông Thọ "Quảng Sinh Đường” đón nàng lên đây, miền biên viễn xa xôi này. Goá vợ đã từ lâu, ông trúng số độc đắc, mua được cái cửa hàng thợ may và tạp hoá của một người Tàu ở đây, nay ông muốn nàng giữ nhiệm vụ quản gia cho ông. Nàng buồn lắm. Càng buồn hơn khi ông chú nàng chết trong một tai nạn máy bay đi Hà Nội cất hàng; và bỗng dưng thấy mình trở thành người chủ ngôi nhà, cửa hàng ở thị trấn này. Nguyệt mới hai mươi tuổi. Trinh bạch, ngây thơ, đa cảm, âu sầu, nàng tưởng mình sẽ chết vì u sầu buồn bã ở nơi cùng trời cuối đất này, vậy mà một ngày kia, qua khung cửa sổ xanh kia, nàng tìm thấy nguồn sống mới mạnh mẽ cho mình. Chao ôi! Tình yêu qua ô cửa sổ xanh! Chuyện thật mà hệt như trong thơ Nguyễn Bính, Xuân Diệu, Huy Cận, Vũ Hoàng Chương, trong các tiểu thuyết diễm tình nàng đã từng đọc. Đêm nay đang thả hồn mơ mộng, đang lâng lâng trong đường thêu thương nhớ, Nguyệt bỗng nghe thấy tiếng gõ cửa gấp gấp. Và khi run rẩy kéo then cửa, nhận ra anh quyền trưởng ban cán sự thì nàng thật sự giật mình lo sợ. Lần ra sau tủ gương, nàng mặc thêm chiếc áo len hồng. Rồi bước ra, vặn to ngọn toạ đăng đặt trên bàn nước. Nhìn Vận, nàng nhớ ra, đã gặp con người này vài lần. Anh ta trò chuyện cởi mở với nàng. Nàng không ưa anh ta, anh ta có vẻ thô lỗ và hơi hách dịch. Nhưng, anh ta là một kẻ có quyền cao chức trọng, vì vậy đối với anh ta, nàng vẫn giữ vẻ e dè, lễ độ.- Dạ thưa anh, đêm hôm khuya khoắt mà anh còn chưa nghỉ ạ.- À, đêm nào mà anh chẳng phải đi kiểm tra, hả Nguyệt! Lơ đi một tí là các bố Vệ nhà ta lăn ra ngủ tít cung thăng ngay mà. Cái vòi nước rót xuống tách sứ một vệt âm thanh giòn giòn lấp tiếng cười nhạt của Vận. Vận ngả người, tay thõng và đầu ngoẹo trên thành ghế. Vận mệt? Không! Cử chỉ của hắn tự nhiên quá trớn. Và mắt hắn, ở tư thế ấy, có thể quan sát kỹ lưỡng tất cả đồ đạc trong nhà Nguyệt, và ngắm nghía nàng. Trong đêm, dưới ánh đèn vàng mỡ màng, hắn nhận ra đôi chân nàng thon chắc khi nàng quay lưng đi lấy cái phích nước. Hắn thấy mắt nàng lóng lánh mơ màng. Làn áo len không giấu được vẻ nở nang, óng mịn của da thịt nàng. Vai nàng tròn, ngực nàng căng, cổ nàng, má nàng ánh lên cái nhuỵ, cái tuyết của gái trinh đang thì.- Hà hà… Trà thơm quá. Mời Nguyệt - Nhấc tách chè, Vận nghiêng mình kiểu cách - Anh đẻ năm con ngọ, số anh số con ngựa, tung hê hồ thỉ bốn phương trời, cuối cùng lên đến trấn Pa Kha này và thế là gặp em, Nguyệt à.- Em nghĩ, anh gặp nhiều người chứ riêng gì em ạ.- Hà hà… Em thật là tế nhị. Nhưng Nguyệt ơi, em có biết câu nói ấy của em làm anh buồn không?- Em nghĩ một người như anh bận rộn suốt ngày…- À, anh buồn vì… Điều đau khổ nhất trên đời. Là yêu người mãi mà người chẳng yêu.Ngả người trên ghế, môi Vận mủm mỉm ánh cười. Vận muốn tỏ ra mình là người lịch sử ý nhị và văn hoa. Vận còn đọc thơ tình Xuân Diệu. Và môi Vận còn tung tăng câu hát Suối Mơ của Văn Cao nữa kia. Vận là Quyền trưởng ban cán sự, là con nhà võ nhưng cũng nghệ sĩ, tài tử chứ tưởng. Nhưng kìa có lẽ là Vận nhận ra vẻ lạnh nhạt của Nguyệt nên Vận vừa nhổm dậy, hai mắt hau háu nóng nẩy.- Em thêu cái gì thế, Nguyệt?- Dạ.- Hừ!Chồm ngay tới, Vận giật phắt chiếc khăn tay Nguyệt đang thêu dở. Rồi khi soi ra trước đèn hình đôi chim câu và hàng chữ: "Nhớ thương Anh, người chiến sĩ hùng anh", thì Vận hiểu và lập tức Vận cau mặt, bạnh quai hàm, nổi cơn giận giữ:- Cô Nguyệt, cô đã biết kỹ cậu Tích nó là con người như thế nào chưa?- Ơ kìa, anh Vận…- Tôi hỏi cô…- Anh Vận…- Thằng Tích, nó nguyên là một tên lính Quốc dân đảng, cô có hiểu không? Tôi vì lượng cả bao dong, cho nó vào quân ngũ để nó cải tà quy chính. Nhưng nó vẫn rắp tâm… Không được phép tiết lộ bí mật quân sự, nhưng tôi nói để cô biết… cô còn quan hệ với nó… Xấn xổ bước tới, Vận chộp hai vai Nguyệt rung giật. Nguyệt úp vội hai bàn tay vào mặt. Mặt nàng tựa như vừa bị những làn roi quất tới tấp. Anh quyền trưởng ban nổi cơn giận dữ một cách thật đột ngột. Rồi cũng đột ngột anh buông vai Nguyệt, quay ngoắt đi, sầm sập bước ra cửa. Lúc ấy, ngoài phố vừa vang dậy một tràng súng tiểu liên và sau đó nghe thấy tiếng một người gào thất thanh: "Bọn thổ phỉ đấy, các đồng chí ơi!”.Đêm ấy súng nổ liên hồi. Sáng hôm sau, Vận gọi Tích lên văn phòng ban cán sự châu, vỗ vai Tích, rất thân mật, ngọt ngào:- Trong các xã, Can Chư Sủ thu thuế kém nhất. Mình muốn cậu xuống đó, hỗ trợ thêm cho đồng chí Pao. Mình hy vọng sau đợt thử thách này, sẽ kết nạp đảng cậu, Tích à.Chiều đó, Trung đội trưởng Tích giao đơn vị cho tiểu đội trưởng Na, gửi lời chào âm thầm vào ô cửa sổ xanh đóng kín bên cạnh, vui vẻ lên đường đi Can Chư Sủ.