Dịch giả : Nhật Tiến
Chương 38

 

Tối hôm ấy, tôi thức dậy trong phòng giam mới, người run lẩy bẩy như thằn lằn đứt đuôi. Cái chiếu tơi dưới mình tôi ướt sũng mồ hôi, vậy mà tôi vẫn không ngớt run rẩy vì cái lạnh buốt phát ra từ tận trong xương tủy. Cơn đau cứ chaỵ ngược chaỵ xuôi suốt dọc xương sống, lan toả ra khắp các khớp tay chân.

Bên trong trại không có điện. Còn nhà giam thì lại không có cửa sổ để thông gió. Hậu quả là không gian trong nhà tù luôn bị chìm vào bóng tối nhờ nhờ. Một môi trường tuyệt hảo cho lũ chuột đói ăn. Chúng ngoi ra từ rãnh nước ở phía sau, xông lên sặc suạ mùi hôi thối. Cặp mắt của chúng đỏ lừ, sáng rực lên khi chúng chaỵ đuổi nhau hay nhẩy lên những tù nhân để kiếm thức ăn. Có vài con gậm nhấm bàn chân tôi, răng phát ra những tiếng tic tic. Kiệt sức, tôi không thể xua chúng đi. Tôi chỉ còn nước ngọ nguậy ngón chân, hy vọng là chúng sớm bỏ cuộc. Nhưng đó chỉ là ảo vọng.

   Đêm tĩnh lặng. Những đứa trẻ khác cùng chung với chỗ của tôi thì chỉ ứ hự khi bị chuột rứt tóc hoặc cào vào da rồi lại tiếp tục ngủ ngon lành. Tôi nằm co quắp, cố gượng mình để giữ mấy củ sắn trong bao tử, bữa sắn mà tôi được chia phần chiều nay trong phòng ăn tập thể, khỏi phải ói ra. Khi cơn sốt lên cao, cái dạ dầy trở nên khuấy động càng lúc càng trở nên tàn bạo hơn. Tôi không còn chịu nổi, gập người nôn thốc nôn tháo ra sàn tuốt tuồn tuột mọi thứ ở bên trong. Trong khoảng khắc bọn chuột đã bu lấy cái đống bầy nhầy này. Tôi rê mình ra chỗ khác, nằm xuống. Cuối cùng, cái lạnh tàn khốc từ trong xương cũng nguôi đi.

Năm giờ sáng, bản quốc ca được phát ra qua một cái maý thu thanh bán dẫn. Những nốt nhạc rít lên trong loa phóng thanh, tiếp theo là chuông rung liên hồi, gịuc giã mọi người là phải thức hết cả dậy. Bên ngoài, mặt trời còn ẩn sau dãy núi. Cả khu vực bị bao phủ bởi một lớp sương mờ mờ, ảm đạm, dầy đặc đến nỗi chúng tôi có cảm giác như mình đang bơi giữa những tầng mây. Ở khu đất trống, chúng tôi run lập cập vì cái lạnh lẽo của buổi hừng đông miền nuí, nên tập thể dục theo lời nhạc cho người ấm lên. Sau đó là bữa ăn sáng, mỗi người một khẩu phần gồm một chút cơm nhão trộn với ít cọng dền. Những con gíáan chết nổi lều bều trong chén, và đất cát bám vào các rễ rau không được rửa khiến có mùi vị đắng nghét.

Rồi thì người lớn phải ra xếp thành hàng ở trước trại. Bọn trẻ và tôi thì bị khoá lại bên trong phòng ăn tập thể cho tới tám giờ sáng. Chúng tôi nhìn mọi người sinh hoạt qua những cửa sổ được che chắn bằng chấn song và lưới sắt. Mỗi tù nhân phụ nữ được phân công một xe hai bánh chất đầy những dây khoai vừa mới được cắt và đã bó thành bó và sẵn sàng mang đi trồng. Họ đẩy những xe cút kít đó xuống con đường đi qua khu chứa vũ khí phế thải, qua cánh cổng chính của nhà tù để tiến về phía bên kia núi.  Bọn lính canh theo sau bọn tù trên những xe ngựa kéo, lăm lăm những khẩu súng máy trên tay.

Khi tới thời điểm giao công việc cho lũ trẻ con, một anh lính canh đi vào khu nhà bếp. Anh ta ngồi trên một chiếc ghế và mở sấp hồ sơ dầy cộm ra, kêu lên vài tên. Một người lính khác ló đầu qua cánh cửa ra hiệu cho tôi và hai đứa nhỏ khác đi theo.

Chúng tôi đi theo anh ta đến một khoảng đất cách chỗ có cái hầm giam ngầm không xa lắm. Anh ta dừng lại trước một đống đá cao nghễu nghện, cách cái hàng rào hai lớp khoảng hai chục thước. Chẳng thèm ngẩng cái đầu hói lên nhìn chúng tôi, anh ta ra lệnh:

- Ê, tụi bây. Khuân những hòn đá này chất ra ở hàng rào kẽm gai coi. Bắt đầu từ chỗ có vạch đen kia kià và đắp đá dài theo đó. Giống như tụi bay đắp nền cho cái hàng rào vậy. Hiểu chưa? Đây là công việc giao cho tụi bay trong ba tuần, làm cho xong, nếu không thì tao sẽ tìm cách trị tụi bây đó.

Chúng tôi gật đầu vâng dạ.

Người lính đi khỏi. Tôi nhấc lên khối đá đầu tiên và vần nó dọc theo con đường. Thoạt tiên, việc này chả có vẻ gì là vất vả lắm, và có việc làm cũng tốt. Nhưng khi mặt trời đã lên cao và nhiệt độ tăng lên dần thì cái lưng của tôi đã bắt đầu đau âm ỉ vì phải khòm khá lâu. Cơn sốt đã trở lại ăn lan ra khắp người tôi như những giọt axít. Bên cạnh tôi, hai đứa kia cũng chia sẻ chung sự đầy đoạ. Chúng cởi trần. Áo sơ mi cột vòng quanh thắt lưng để lộ ra những bộ ngực lép kẹp như ức chim sẻ. Hai vai của chúng xệ xuống và lưng thì oằn song song với mặt đất. Dưới sức nặng của những khối đá, chúng tôi loạng choạng cất bước.

Ở phía bên kia hàng rào hai lớp, dượng Lâm đang qùi gối nhổ cỏ dại trên nền đất khô cằn bằng hai tay trần. Cặp mắt hắn đăm đăm nhìn tôi làm cho tôi phải quay đi chỗ khác. Bộ mã của hắn đã thay đổi rất nhiều so với hình ảnh trước đây tôi còn nhớ. Hai má sưng vều lên, đầy những vết tím bầm cả cũ lẫn mới. Cái mũi có vẻ như bị gẫy vài lần, bây giờ nom bẹp dí và vẹo hẳn đi. Trông hắn có vẻ quá mập, nhưng là cái mập bệnh hoạn, như thể dưới lớp da vàng bủng, hắn bị trương nước hơn là có nhiều mỡ. Hắn thì thào gọi tôi mỗi khi tôi tiến gần tới hàng rào:

- Lại đây, chú hỏi cái này.

Sau vài lần hắn gọi, tôi dừng lại và hỏi:

- Ông muốn gì? Làm thế nào mà ông nhận ra tôi?

Lâm ném một buí cỏ dại vào cái sọt đeo bên người nở một nụ cười nom cũng xảo quyệt như ngày xưa:

- Hỏi buồn cười chưa? Thật tình mà nói, lúc đầu tao chưa chắc là mày, nhưng tao thử gọi tên mày mà mày quay lại thì còn ngôn ngữ gì nữa. Vả lại, cũng chẳng có khó gì mà không đoán ra. Lẵng nhẵng với đám tù kia, mày lạc lõng giống như con chó với bầy cừu.

Hắn liếm môi, nói tiếp:

- Ngoài ra, trong suốt sáu năm vừa qua, tao còn biết làm gì ở cái chốn này nếu không nghĩ đến gia đình mày. Còn mày sao vậy nhóc? bộ lên hụt con tầu đi tới thiên đàng nên phải dừng chân ở đây thăm thú Điạ Ngục, phải không? Còn má mày bây giờ ra sao?

- Mẹ tôi bình an. Cảm ơn.

Tôi trả lời rồi bỏ đi lượm cục đá khác. Khi quay trở lại, tôi lựa một chỗ cách xa hắn. Vậy mà hắn lại lén tới gần chỗ của tôi, giọng hắn thì thầm:

- Không, má mày không bình an. Mày ở đây, chắc mụ ta cũng đang ngồi tù đấy thôi. Nó đâu, con đượi quỉ sứ?

Tôi ngắt lời:

- Đừng có mất công tìm kiếm. Bà không có trong này đâu.

Cặp lông mày của hắn nhướng lên một cách đắc thắng. Đôi lòng trắng trong mắt hắn cũng đã vàng ệch như nước da của hắn:

- Sự thật còn khá hơn là tưởng tượng của tao nữa. Mày đi tù thì cũng đủ giết má mày rồi. Cám ơn trời đất đã cho tao sống đến hôm nay để tao được nhìn thấy ngày hôm nay. Bây giờ có chết tao cũng hả dạ rồi...

Hắn ngừng lại, cặp mắt hấp háy dưới ánh nắng. Thốt nhiên, nụ cười tắt trên môi của hắn:

- Ngoại trừ cho mày vô tù là quỉ kế của con mẻ để bỏ rơi mày, cũng như sáu năm trước mẻ đã làm một lần như thế với tao?

Tôi đứng thẳng người lên, quên cả cái đau lưng:

- Ông khùng hả. Mẹ tôi không bao giờ làm cái chuyện thất đức như thế. Ông xui xẻo thì rán chịu, đừng có đổi thừa cho người ta.

Cơn giận bừng bừng lên mặt, hắn đứng bật dậy, tay nắm lấy cái hàng rào như muốn xông lại đánh tôi. Từ phía sau hắn, một người cai tù đang đi tới. Không cần gọi Lâm, gã này dùng chân đá một cục đất đỏ về phía hắn. Cát văng lên trúng gáy lâm làm hắn sững người lại. Hắn cắn môi, rồi quay lại trực diện với người lính. Liếc nhìn cái số tù in trên ngực áo của hắn, người cai hỏi:

- Có chuyện gì đó, anh X-không-sáu-bẩy-năm-tám?

Hắn lắp bắp:

- Thưa không có chuyện gì. Có con sâu chui vào trong đũng quần của tôi, thưa ông. Nhưng tôi đã đập chết nó rồi.

- Tránh xa cái hàng rào ra. Đừng có để cho tôi phải quay lại một lần nữa. Dù anh có đau ốm hay không thì tôi cũng tặng anh một phát đạn vô đầu cho rồi đời.

- Vâng thưa ông!

Lâm trả lời và làm bộ như tiếp tục nhổ cỏ dại trên khoảng đất cằn cỗi.

Ngay khi người lính coi tù vừa đi khuất, hắn lại thì thào với tôi:

- Lắm lúc sự đời xảy ra chẳng giống như mình tưởng. Má mày là đồ phù thủy, Kiên ạ. Con mẻ tống mày vô cái trại tử này là có lý do, giống như mụ đã làm thế với tao. Mụ ta thù đàn ông có hạng, mà coi mày kìa, bắt đầu trổ mã thành gà trống rồi. Chuyện mụ ta hại mày thì cũng dễ hiểu thôi!

Lòng đầy giận dữ, tôi phun một bãi nước bọt vào hướng hắn đứng, rồi bỏ đi.

Lâm phá lên cười:

- Nhìn tao đây này. Nhìn cho kỹ mặt tao đi, Kiên. Bởi tao bây giờ chính là hình ảnh tương lai của mày, nhóc. Đây là địa ngục và cũng là nhà mồ của mày, nơi mà dân vượt biên vào để vĩnh viễn chôn thây.