Hai tháng ròng, tôi sống héo hon sau hàng rào giây kẽm gai. Thế giới không còn hiện hữu nữa. Mỗi đêm, trước khi đắm chìm vào giấc ngủ trên manh chiếu, tôi lấy một cục than nguệch một nét lên tường. Cuốn lịch này càng tăng lên thì hy vọng của tôi càng lụi tàn đi. Từ từ, tôi đổi lốt để trở thành một tù nhân. Lúc đi trong hàng một với các người tù khác, đầu tôi cúi xuống, hai vai so lại, dường như có một cái gì đó đang khởi sự kiệt quệ trong tôi.
Vào buổi sáng ngày mười lăm tháng năm, ba ngày sau cái sinh nhật lần thứ mười bốn của tôi, sau bữa sáng, bọn con nít đã bị nhốt trong nhà ăn như thường lệ. Bên ngoài khu đất trống, viên cai tù đứng trên một chiếc ghế và đang dò trên một sấp hồ sơ mỏng. Tù nhân đứng xếp thành hàng, mệt mỏi, lờ đờ và dửng dưng. Tuy nhiên đằng sau cái nhìn trống vắng của họ, có nhen nhúm một tia hy vọng.
Người cai tù dành thì giờ để đọc tên những người tới thăm nuôi trong danh sách ông ta cầm trên tay. Đứng ở cái chỗ cửa sổ nhỏ chen chúc cùng lũ trẻ, tôi nghe thấy có cả tên mẹ tôi. Tôi có thể cảm nhận được sự hiện diện của bà. Bà đang ở đâu đó sau tấm cánh cổng han gỉ kia, giữa đám đông huyên náo cũng tới để thăm thân nhân của họ. Mùi thịt chà bông, mùi xôi nếp và mùi cà ri thơm lừng trong không khí. Tôi cũng nghe tiếng nồi kêu loảng xoảng bên cạnh bếp lửa rộn rã mà họ nhóm lên để chống lại cái lạnh lẽo của buổi sáng sớm.
Bằng một giọng ôn tồn không giống thông lệ, viên cai tù nói:
- Ai có người thân mà tên vừa được đọc thì người ấy có thăm nuôi. Vậy hãy ở lại nhà trại cho tới khi được gọi. còn những người khác thì vẫn lao đông ngoài ruộng khoai như thường lệ.
Sau cuộc thông báo, bon trẻ con vẫn phải ở trong nhà ăn tập thể, còn người lớn thì lục đục quay về chỗ ở của ho.. Vào lúc mười giờ rưỡi, tiếng chuông trên văn phòng của cai tù reo thật lâu làm ai nấy nhẩy bắn cả người lên. Chúng tôi chaỵ ùa ra khỏi dãy nhà trại và đứng xếp thành hàng một, lòng bồn chồn chờ đợi tới lúc được di chuyển.
Phía sau tháp canh vào khoảng mười lăm thước và đối diện với khu chứa đồ phế thải, là khu dành cho khách thăm nuôi được xây bằng gạch nung, có cột xi măng và lợp ngói đỏ. Mọi người dồn ép và thúc đẩy nhau trong một khoảng chật hẹp để cố tìm gương mặt quen thuộc của người thân. Nhưng khi tôi nhìn thấy mẹ tôi thì mọi tiếng ồn ào và rối loạn đó chìm đi. Bà ngồi trên chiếc ghế băng ngay trước hàng ghế cuối cùng, kề cận với đám đông. Đã nhiều năm qua, đây là lần đầu tiên tôi thấy bà son phấn trang điểm chỉnh tề. Mái tóc đã muối tiêu của bà bới về phía sau thành buí tóc lớn, đơn giản. Đôi môi của bà vẫn mọng và rõ nét được thoa phớt lên bằng một mầu son tự nhiên. Nước da xanh xao và có tuổi của bà được che phủ bằng một lớp phấn. Sự trang điểm, tuy vậy không làm mẹ tôi xa lạ và dữ tợn như ngày xưa. Trái lại, bây giờ chính son phấn đã làm cho nét mặt của bà trở nên mềm mại, dịu dàng hơn, và khiến cho tôi cảm thấy gần gũi với bà hơn. Nom thấy tôi, bà vẫn ngồi yên trên ghế và nhìn sững. Đôi mắt của bà với những nét chì tô đậm, đã đẫm lệ.
Tôi ngã qụi xuống trước mặt mẹ tôi. Bà giữ lấy đầu tôi trong hai tay, hai đầu gối tôi dựa lên đôi chân của bà. Tôi thấy nước mắt của mình ràn ruạ qua những ngón tay của bà và rớt xuống đùi bà, nhưng tôi mặc kệ. Đã từ lâu tôi không được khóc một cách công khai, mà nỗi thống khổ của tôi thì vô cùng. Mẹ tôi ôm lấy tôi vỗ về như ngày xưa tôi còn bé. Và giọng dịu dàng của bà thì thầm vào tai tôi, bà hát " Happy Birthday! chúc mừng sinh nhật con. "
Rồi bà hôn lên má tôi. Nước mắt của mẹ tôi nhỏ xuống cổ tôi, nhưng tôi cảm thấy khoẻ hơn trước, như được hồi sinh. Tôi nói:
- Mẹ ơi, con không cứu được dì Đặng. Dì mất rồi.
Mẹ tôi gật đầu:
- Mẹ biết, con à. chuyện dì mất mẹ biết từ mấy tháng nay rồi. Ba ngày sau khi con bị bắt, các ngư dân đã tìm thấy xác của dì dạt vào vịnh Cam Ranh. Cha mẹ của dì tới để làm đám tang.
Bà ngừng lại, lấy cái bóp ra và nói:
- Thôi mình nói chuyện khác đi. Mẹ không muốn xuống tinh thần nữa. Hãy nói về quà sinh nhật của con đây này.
- Mẹ ơi, con không muốn bất cứ món quà nào đâu. Ở trong này con không được giữ bất cứ cái gì, chỉ trừ đồ ăn thôi.
Đôi mắt của bà sáng lên:
- Mẹ biết chắc chắn là con thích cái này.
Bà moi ra một tấm giấy có ép plastic hẳn hoi và trao cho tôi:
- Đây là quà của con, giấy thả con đó. Mẹ tới để đón con. Cứ khi nào con sẵn sàng xong là mình về.
Tôi la lên một tiếng reo mừng, nhưng sự khích động của tôi đã vụt tắt ngay khi tôi trông thấy người lính gác bận bộ đồng phục mầu xanh đứng ở lối ra vào. Tôi hỏi mẹ:
- Họ không cho con về thì sao?
Bà quả quyết:
- Đừng lo. Mẹ đã báo cáo với ông đội trưởng rồi. Ông tổng thư ký trưởng ở Nha Trang đã tự tay ký vào tờ giấy tha này rồi. Chẳng có ai dám cản con ra khỏi đây đâu.
Bà mở cái bao ra và sắp xếp vài món đồ ăn trên lòng bà rồi ra hiệu cho tôi ăn. Mặc dù cái hộp đựng đồ ăn trong còn đậy nắp, tôi phát giác ra cái mùi vị của bánh tét gói trong lá chuối, mùi quen thuộc, béo ngậy, của món gà xào gừng, và trên hết thẩy, cái món mà tôi ưa thích nhất là món bò nghiền ướp tỏi, ớt, bọc trong lá nho nướng. Tôi ngốn mấy món ấy thật nhanh và nhìn lên mặt mẹ tôi. Đôi môi của tôi óng lên vì mỡ gà. Tôi nói:
- Mẹ ơi, có điều này mẹ nên biết.
Bà nhìn tôi, đôi mắt lộ vẻ thắc mắc. Tôi đứng dậy và nhìn chăm chú ra phía cửa sổ. Qua khu đất trống, tôi nhìn thấy một khuôn mặt đen đúa, tay đang nắm lấy sợi dây kẽm gai và nhìn chòng chọc vào tôi. Nắng gay gắt xói lên mặt của hắn ta, nhưng hắn vẫn đứng yên, bất động. Chỉ vào hắn, tôi nói với mẹ tôi:
- Dượng Lâm đang ở kia kìa. Ông ấy cũng ở trong này đã sáu năm rồi.
Mẹ tôi gật gù như một chuyện đương nhiên, như cái tin vừa rồi chẳng có gì làm bà phải xúc động:
- Con đã có nói chuyện với hắn ta không?
- Chút ít thôi. Ông ta có cái ý tưởng như thế này, ổng đổ thưà mẹ là người đã đưa ông ấy vô tù.
Bà cắn môi dưới của mình:
- À ra thế. Đã tới lúc mẹ và hắn phải nói chuyện với nhau rôì.
Bà đưa mắt nhìn tôi, thoáng nét ưu tư:
- Con nghe đây. Dù biết hay không, thì nay con đã lớn rồi. Mẹ nghĩ rằng con nên tham dự vào câu chuyện mà mẹ sắp nói với hắn ta. Mẹ muốn con đi với mẹ và chỉ nghe thôi, không nói gì hết nghe con. Mình gặp hắn chỉ khoảng mười phút thôi, đừng có sợ. Thôi mình đi.
Bà quơ lấy một cái giỏ khác và lôi ra một chai rươụ cognac. Để lại mọi thứ trên sàn nhà, mẹ tôi tiến lại tên cai tù. Bà chào ông ta bằng nụ cười đon đả:
- Thưa ông, xin ông gíup tôi một việc. Chai rươụ này chẳng đáng là bao, nhưng xin ông nhận cho. Tôi muốn được gặp người đàn ông đứng ở đằng kia. Tôi quen thân nhân anh ta và họ gửi lời nhờ nhắn với anh ta.
Người cai tù mỉm cười phô ra hàm răng cáu bẩn khói thuốc. Đôi lông mày của hắn nhướng lên sau cặp kính mát tối thui. Hắn hỏi:
- Nhắn cái gì thế?
Mấy đầu ngón tay của mẹ tôi cà cà vào dấu ấn ở cổ chai, bà ấp úng:
- Thật ra thì cũng chẳng có gì nhiều, ông ạ. Chỉ coi anh ta có mạnh khoẻ không, thế thôi. Gai đình của anh ta chỉ muốn biết có thế.
Ông ta cầm lấy chai rươụ:
- Năm phút thôi đấy nhé. Bắt đầu ngay đi.
Mẹ tôi nắm lấy tay tôi và kéo tôi ra khỏi phòng. Người cai tù kêu lên:
- Ê!
- Dạ, thưa ông...
- Dáng dấp nhà chị giống mênh. phụ lắm đấy...
- Xin cám ơn ông.
Ông ta gật đầu:
- Tôi nói thật. Nếu tôi không nom thấy chị ngồi cùng với cái thằng con lai này thì không bao giờ có thể tưởng tượng được rằng chị đã từng là gái chơi cho tụi ngoại quốc bẩn thỉu. Tướng sang quá mà! Thật đó.
Mẹ tôi nuốt nước miếng đánh ực rồi ùa chaỵ ra ngoài, băng qua khu đất hoang. Lâm đứng chết sững, mắt không rời chúng tôi, những khớp tay hắn nắm lên trên dây kẽm trắng bạch. Chúng tôi ngừng lại trước mắt hắn khoảng vài bước. Không ai nói với ai. Cuối cùng, mẹ tôi lên tiếng phá vỡ sự im lặng:
- Chào Lâm. Mạnh khoẻ chứ?
- Đ. M. Con điếm thối.
Mẹ tôi chợt phá lên cười. Tay bà xiết chặt lấy tay tôi:
- Sau năm, sáu năm trời không gặp, anh chỉ biết chửi bậy thôi à? Bộ anh không có gì thắc mắc để hỏi tôi hay sao? Nói đi, không nói thì tụi tui đi à.
Hắn ta hít một hơi thật dài rồi chăm chú nhìn mẹ tôi:
- Tại sao mày đẩy tao vào cái chốn này?
- Ờ... Có khối lý do: anh là một ông bố tồi tệ, anh làm hoen ố thanh danh gia đình tôi, anh phung phí tiền bạc của tôi.
Lâm túm lấy đũng quần của mình rồi hỏi:
- Có thật không đó, Khuôn? Tao nghĩ mày ganh với tao vì tao có con c. bự, còn mày thì không, có phải không nào?
Mẹ tôi xích lại gần, hơi thở bà phà vào mặt hắn:
- Thằng lưu manh. Tao tống mày đi là vì mày hại con tao. Tao là một người mẹ, tao không có cách nào hơn là trả thù, thế thôi.
Hắn ta lùi lại và nhìn tôi:
- Cái gì...? Tại sao mày biết. Phải nó nói với mày không?
Mẹ tôi gật đầu, vuốt tay lên tóc tôi, sự buồn bã lộ trên khuôn mặt:
- Đúng. Bằng một cách gían tiếp, con trai tao đã cho tao biết. Phần lớn là qua hành vi của nó. Tự nhiên con tao đang vui vẻ như thế đó, vừa thấy mày là nó chết khiếp liền. Cũng giống như cái cách mà tao nhìn thấy ở con Loan. Mày có biệt tài Lâm. Mày mò tới ai là kẻ đó xấc bấc xang bang ngay.
Lâm lầu bầu:
- Vô lý...
Mẹ tôi tiếp:
- Dĩ nhiên còn nhiều bằng cớ khác nữa. Bao giờ tao cũng là kẻ biết điều. Nếu không có bằng chứng cụ thể, tao đã chẳng có thể trả thù. Có những đêm thằng bé khiếp đảm vì ác mộng.
Lệ hoà lẫn với chì tô lông mi chảy xuống đôi má của bà:
- Trong lúc tao bụng mang dạ chửa đứa con gái của mày, tao ngồi bên giường của nó coi nó trằn trọc thâu đêm. Môi nó cứ mấp máy kêu tên của mày. Rồi tao hỏi thẳng nó. Trong cơn mê sảng, nó đã kể hết cái chuyện đồi truỵ mà mày đã gây ra cho nó. Vậy tao phải làm gì đây? Ông trời xa quá, đợi ổng trừng phạt mày thì đến bao giờ. Vả lại, tao phải tìm cách nào đó để bảo vệ con tao, chấm dứt cơn ác mộng của nó.
Bà quay đi, lấy mu bàn tay gạt những giọt lệ còn vương trên má- Vĩnh biệt, Lâm! Tao cầu cho mày rục xương trong tù.
Lâm gọi với theo:
- Chờ đã
Mẹ tôi ngừng lại. Hắn hỏi:
- Mày đã làm thế nào? Làm thế nào mà mày đã sai khiến được cả bọn chúng nó bắt tao?
Mẹ tôi thở dài và quay lại đối diện hắn:
- Trước hết, tao báo cáo với ông Trần về chuyện mày với con Loan, mày hiếp nó như thế nào, nó phải phá thai ra sao. Tao hay lắm, vừa lúc tao kể xong chuyện là hắn muốn bằm mày ra. Nhưng đối với tao, tội của mày mà cho mày chết liền thì quá dễ dãi cho mày. Ở tù rục xương, theo tao, thì hay ho hơn nhiều, nên tao lại phải kiếm một lá bài khác để hỗ trợ cho mưu toan của tao. Ông ba Qùi đã là cứu tinh. Với cái đầu óc của con này và hai lão phường trưởng chống lại mày thì mày có trốn đi đằng trời!
Hắn ta gào lên, nước bọt bắn tung toé:
- Đồ đĩ! Mày giết con tao. Cho nên tao làm thế cũng chỉ là huề thôi. Mày không có quyền đem tao vô đây.
- Mày cứ nói mãi về đứa con của con Loan mà không ngó ngàng gì đến đứa con gái của mày là con bé Ti. Bộ mày thật sự tưởng là tao tin cái chuyện mày biết quan tâm tới kẻ khác ngoại trừ bản thân mày hả?
Hắn ta không trả lời, mẹ tôi tiếp:
- Tao mang con tao về nhà, Lâm. Trong vòng vài tiếng nữa, chúng tao lại được hít thở bầu không khí tự do. Dù vết thương lòng do mày gây ra có sâu bao nhiêu đi chăng nữa, thì rồi nó sẽ lành lại theo thời gian. Nhưng còn mày, mày sẽ ở lại đây cho tới khi chết, như một con chó hoang. Và tao cho mày biết, sẽ chẳng có ai trên cõi đời này đoái hoài tới mày.
Mẹ tôi quay lại phía tôi. Đôi mắt của bà phản chiếu ánh mặt trời mầu nâu xậm và lần đầu tiên chúng không lộ vẻ gì bí hiểm. Bà nói:
- Bây giờ con đã biết câu chuyện rồi. Con cũng hiểu tại sao mẹ lại kết bạn bè với ông Ba Qùi, phải không. Cái đó gọi là trả thù. Và trả thù thì phải trả giá. Mẹ đã tới với ông ta mỗi lần mẹ xin một sự gíup đỡ. Ông ta nghĩ là ông ta ông ta đang lợi dụng mẹ, nhưng thực ra thì chính mẹ là người lợi dụng ông ta. Mẹ làm thế để có thể tống gã Lâm vào tù và gần đây nhất, là để đánh đổi lấy sự tự do của con. Sau này con lớn, tùy con phê phán mẹ về những điều mẹ đã làm, nhưng mẹ xin con hãy hiểu tại sao mẹ phải làm như vậy. Chính mẹ là người đầu tiên thừa nhận rằng những hành động mẹ đã làm là không đúng. Nhưng vì sự an toàn của con, vì sự an toàn của tất cả các con của mẹ, mẹ cũng sẽ chẳng ngần ngại gì mà làm y như thế, nếu cần. Một ngày kia, con sẽ phải gíup mẹ giải thích cho em gái của con để cho nó hiểu.
Tôi hỏi:
- Có phải ông ba Qùi bắt giữ ông Lâm không hả mẹ?
- Đúng đấy, con.
- Mẹ làm thế nào để ông ấy nghe lời mẹ?
Bà vuốt lên đầu tôi và đáp:
- Bí quyết là ở nụ cười, con ạ
Nắm lấy tay tôi, bà dẫn tôi đi về khu nhà thăm nuôi để thu thập vật dụng của bà. Rồi chúng tôi đi ra cổng, ở đó đã có chuyến xe đò chờ sẵn dưới ánh nắng chói lọi. Hai tiếng đồng hồ sau, chúng tôi rời khỏi trại giam PK 34.