Dịch giả : Nhật Tiến
Chương 10

 
Nha Trang - 11 tháng 5

 

Bà Ớ đã nói đúng. Ngôi trường tư mà tôi từng theo học cho tới hai tháng trước đây nay đã trở thành trụ sở của Uỷ ban Nhân dân Phường. Trong thời gian này, người Cộng sản cho phép các cha và các bà sơ được tạm trú tại nhà vị Viện trưởng, nhưng nhà thờ thì bị đóng cửa và trường lớp chuyển thành trụ sở hành chính của nhà nước.

Mẹ tôi bước vào văn phòng hiệu trưởng. Qua lớp kính đục, bà chỉ nhìn thấy bóng một người đang ngồi sau bàn giấy. Gần cửa ra vào có một cái bàn khác kê sát tường, một nữ công an mặc đồng phục ngồi ở đó ngăn ngay mẹ tôi lại, không cho vào xa hơn. Phải mất một lát mẹ tôi mới nhận ra người phụ nữ này là ai. Cách đây chỉ vài tháng mụ ta còn là người phu hốt rác. Mụ cũng đã từng len lỏi vào trong bếp của bà Ớ theo lối cửa sau để thu lượm những đồ ăn thừa đem về cho lũ con của mụ. Thấy mẹ tôi, mặt mụ thoáng hiện nét căm thù với cặp lông mày nhướng lên cụp xuống trên đôi mắt nhìn mẹ tôi từ đầu xuống chân. Mẹ tôi nói:

- Tôi tới đăng ký hộ khẩu cho gia đình.

- Nhà chị ở cái xó nào chui lên mà bây giờ mới thò mặt ra. Hạn đăng ký đã hết từ ba tuần nay rồi. Chị đã chui rúc ở đâu?

- Gia đình tôi bị kẹt ở Sài Gòn. Tôi đã cố gắng trở về càng sớm càng tốt mà.

- Nói láo! Đồ phản cách mạng! Tuị tôi thừa biết chị đã ở đâu, làm cái gì rồi.

Rồi mụ công an quơ một mảnh giấy trên mặt bàn và ném vào mẹ tôi:

- Muốn gặp ông Phường trưởng thì ngồi xuống đó rồi điền vào đơn này đi. Liệu chị có làm nổi việc này mà khỏi mất công tôi phải nhắc lại không đấy?

Mẹ tôi nói khẽ:

- Tôi hiểu, xin cảm ơn.

Ngay phía trước bàn giấy của mụ ta, đối diện với bức tường là một dẫy ghế đã có tới bẩy người chờ sẵn để được gặp ông Phường trưởng hiện đang một mình trong văn phòng. Khi sự chờ đơị ròng rã này bắt đầu khiến mẹ tôi muốn bỏ cuộc thì có tiếng gọi to từ sau cánh cửa ra. Mẹ tôi chợt lạnh cả xương sống bởi vì chính cái giọng này, cái giọng mà bà nghe đã quá quen, là giọng của người làm vườn cho bà ngày trước. Hắn ta goị to:

- Đồng chí Sáu, có phải bà Khuôn ở ngoài đó không? Bảo bà ấy vô, tôi chờ!

Bên trong phòng, người làm vườn cho mẹ tôi, tên Trần, đang ngồi ngửa trên ghế, ghếch cả hai chân lên mặt bàn. Những vệt cáu bẩn đóng thành từng tảng trên kẽ ngón chân, sù sì bên cạnh những vết chai cứng. Mười ngón chân của hắn bị nấm ăn sau nhiều năm ngâm đưới sình đã trở thành mảng cứng đơ. Cách đây không lâu, công việc của hắn là trồng cây và chăm sóc các khóm hoa ở trước cửa nhà tôi. Mặc dù làm việc rất tận tâm, nhưng chẳng ai trong gia đình tôi đã có bao giờ trò chuyện với hắn, ngoại trừ mẹ tôi một đôi lần truyền lệnh cho hắn mà thôi.

Về nhiều khía cạnh thì cái tên Trần mới mẻ này cũng vẫn là cái ông làm vườn mà mẹ tôi đã biết. Cái điều bà nhận được ra ngay nơi hắn là những chiếc răng cửa hàm trên chĩa dài, xô lêch. xuống hàm dưới như răng thỏ. Tuy nhiên mẹ tôi cũng thấy ở hắn có hai điều thay đổi lớn. Trước hết là nụ cười ngông nghênh bất tận hiện lên trên khuôn mặt. Sau nữa là cái áo thun rách bươm hồi trước nay đã được thay bằng chiếc áo đồng phục mầu đen láng coóng.

Khi mẹ tôi bước vào, hắn ta nói:

- Lâu ngày không gặp hả, bà Khuôn? Cây cối của bà dạo này ra sao rồi? Hoa hoét vẫn nở đấy chứ?

- Ô! Ông Trần...

Mẹ tôi lắp bắp tìm chữ:

- Tôi không... tôi không được báo trước... Ông không thể tưởng tượng được tôi đã ngỡ ngàng như thế nào khi gặp ông ở đây. Tôi xin lỗi...

Hắn ta xua tay:

- Khỏi cần xin lỗi về sự khiếm khuyết của bà, thưa bà. Được ngồi đây để thấy cái bản mặt của bà cũng đủ thoả mãn cho tôi rồi. Sao? Vườn của bà ra sao? Cây cảnh ra sao?

Hắn lại nhắc thêm một lần nữa cái câu đã hỏi rồi, đồng thời quan sát gương mặt mẹ tôi với một sự chăm chú đầy lộ liễu. Bà đáp:

- Tôi chẳng còn cây cối nào nữa hết. Số thì bị lấy trộm.. Số thì bị bứng lên, nhưng thế cũng hay, tôi chẳng còn cần đến chúng nữa. Duy có một điều là tôi xin ông đừng có goị tôi là bà này bà nọ nữa. Bây giờ tôi chỉ là một phụ nữ bình thường trong khi ông đã trở thành người có chức có quyền trong thành phố. Nếu ông cứ tiếp tục đùa giỡn tôi như thế, ông chỉ làm khó cho tôi thêm mà thôi.

- Thật ra quả là tôi có nhã ý với bà. Tôi đâu có ở đây để giễu cợt với bà. Mà bà có biết vì sao tôi cứ hỏi mãi về chuyện vườn tược không?

- Tôi thực sự không rõ, thưa ông Trần. Nhưng khu vườn quả là đẹp đẽ, tôi phải lấy làm biết ơn ông về công lao nặng nhọc cũng như tay nghề của ông đã chăm sóc nó. Nó quả là một tác phẩm nghệ thuật mà nhiều người dã được chiêm ngưỡng.

- Ha! thế mà tôi lại chẳng sung sướng gì! Tôi làm nô lệ cho gia đình nhà bà và cái đám tư bản kênh kiệu biết bao nhiêu năm nay. Tôi mặc xác nó có đẹp hay xấu. Tôi chỉ ghi nhớ cái nơi đáng nguyền rủa ấy là nó đã bắt tôi phải đổ mồ hôi, sôi máu mắt vì những kẻ hợm hĩnh, khoe của như chị. Này! Tôi nói cho nhà chị hay, sở dĩ tôi nhắc đến cái vườn là vì tôi muốn cho chị biết rằng chính tôi là kẻ đã đạp đổ từng gốc cây trong khu vườn của chị đấy.

Giọng của hắn ta cứ theo đà cơn giận dữ mà to lên mãi:

- Chị có biết rằng tôi thù chị với thứ công việc ấy như thế nào không? Tôi kinh tởm những cuộc hội họp, đàn đúm ở nhà chị, cái lối sống đồi trụy cũng như cái thói hợm hĩnh của chị ngày này qua ngày khác chỉ biết uốn éo trước gương và tô vẽ móng tay.

Hắn ta khạc nhổ xuống sàn:

- Tôi tiếc là khi tôi huỷ hoại nhà chị, chị đã không có ở đấy để chứng kiến. Thật là khoái gì đâu, đã quá! Còn bây giờ, chị cần cái gì đây?

Mẹ tôi đắm mình trong ghế, cố gắng trấn tĩnh. Nhưng dù đã cố gắng hết sức mà giọng vẫn còn run run:

- Tôi thật không ngờ đã vô tình xúc phạm ông tới mức độ ấy. Tôi thực tình đã nghĩ ông thích công việc đó. Chẳng bao giờ tôi có ý đối xử bất công với ai. Vậy tôi thành thực xin lỗi...

- Câm mồm. Hãy dành nước mắt cá sấu cho kẻ khác. Nói đi, chị đến đây làm gì?

- Tôi tới đây xin đăng ký cho gia đình tôi vào phường khóm.

Hắn ta đứng ngay dậy, nhặt lấy cuốn sổ và cây bút ở mặt bàn và liệng chúng vào đùi mẹ tôi:

- Tốt thôi! Hãy mang cuốn vở này vào lớp học kế bên mà ngồi suy nghĩ kỹ càng trước khi viết ra bất cứ điều gì. Một khi đã khai báo thì phải có thái độ thành khẩn. Vậy hãy thành khẩn kê khai lý lịch của mình, dài chừng nào tốt chừng đó, phải đầy đủ chi tiết không sót một điều nào trong cuộc sống của chị. Tôi muốn moị điều mà tôi đã chứng kiến trong bao nhiêu năm ở trong căn nhà đó phải được viết ra bằng chính những ngón tay loè loẹt của chị. Rõ chưa?

- Thưa, rõ.

Thế là mẹ tôi đã phải dành ra hơn hai tiếng đồng hồ để ghi lại lý lịch của bà trong mười trang giấy kín. Khi bà đã hài lòng về nội dung, bà đã đứng dậy, đi trở lại văn phòng tên Trần. Ở phía ngoài, lại có thêm hai người nữa mới tới cộng thêm bẩy người ngồi sẵn để chờ hắn ta. Mụ công an đã đi khỏi bàn giấy từ bao giờ. Mẹ tôi gõ cửa phòng và hắn ta ra lênh. cho mẹ tôi bước vào. Bà chìa cho hắn bản khai lý lịch. Chẳng thèm liếc qua, hắn xé toạc xấp giấy làm hai, vừa lắc đầu vừa xiả ngón tay vào mặt mẹ tôi, hai hàm răng nghiến lại:

- Chưa tốt! Viết lại!

Mẹ tôi cãi:

- Ông chưa ngó qua mà.

Vẫn là cái lắc đầu:

- Đã bảo chưa tốt. Viết lại.

Phải tới ba lần nhì nhằng viết đi viết lại kiểu như thế, mẹ tôi mới nhận thức được cái trò chơi cố ý làm khó dễ của hắn ta. Ngồi trong lớp học, bà đã viết đi viết lại về cuộc đời của mình, hết trang này qua trang khác, nhắc đi nhắc lại hoài. Mỗi khi hết giấy, tên Trần lại ném cho bà một xấp lấy ra từ trong ngăn bàn.

Sau khi đã xé bỏ những bản kê khai của mẹ tôi lần thứ tám thì hắn nhận ra rằng mẹ tôi đã bị dồn tới chỗ hết còn chỗ để cho ai trấn áp nữa, hắn mới cất lời:

- Chị không chiụ học tập, phải không?

Mẹ tôi nhỏ nhẹ:

- Tôi không hiểu thực sự ông muốn tôi làm gì. Tôi đã ở đây suốt cả ngày để viết, không ăn uống gì, mà tôi thì lại đang có bầu. Lũ nhỏ đang chờ tôi ở nhà. Nếu ông không hài lòng về những gì ông đã đọc thì hãy để cho tôi về trông nom lũ con tôi. Như thế, tôi sẽ đi cho khuất mắt ông.

- Bộ chị cũng không hài lòng hả? Hay là chị muốn tôi dành cho chị và cả nhà chị một chỗ trong trại cải tạo, ở đó chắc chị sẵn sàng học tập hơn.

-Tôi khẩn khoản xin ông tha lỗi cho. Tôi chỉ có một điều mong mỏi là được đăng ký cư trú ở thành phố này. Chỉ có thế thôi, để cho gia đình tôi được coi là hợp pháp. Còn đối với quá khứ, tôi chẳng có thể làm thế nào để thay đổi được nữa. Nếu ông nghĩ là tôi đã có tội, thì cũng chẳng tại vì tôi chống phá các ông. Dưới chế độ cũ, tôi chẳng có điạ vị mà cũng chẳng bao giờ chiến đấu chống người Cộng sản trong bất cứ trận chiến naò. Vậy tôi đâu có là kẻ thù của các ông.

Nhìn về phiá mẹ tôi bằng cái nhìn như thể mẹ tôi chỉ là thứ giun dế, hắn ra lệnh bằng một giọng gầm gừ:

- Ngồi xuống. Nói cho chị biết, chị là đồ tư bản, vì thế chị là kẻ thù của chúng tôi.

Mẹ tôi cãi lại:

- Tôi đã từng là tư bản. Nhưng nay thì tôi tôi cũng đã mất hết cả rồi. Tôi trở thành kẻ nghèo rớt mùng tơi, một xu không dính túi như tất cả moị người khác. Mà tôi cũng chẳng ngại bắt đầu bằng hai bàn tay trắng.

- Nói vậy chứ, thế còn cái biệt thự họ Nguyễn thì chị để đâu?

Mẹ tôi im lặng không trả lời hắn. Hắn ta ngồi ngửa mình trên ghế da mỉm cười:

- Nào, bây giờ chị còn nỏ mồm khoe là mình nghèo rớt mùng tơi, một xu không dính túi nữa không?

Mẹ tôi rền rĩ:

- Ông muốn tôi làm gì bây giờ?

- Tôi muốn chị nhận ra rằng khi nào chị còn giữ tài sản thì chị còn là kẻ thù của nhân dân. Chị phải nhớ cách mạng sẽ xây dựng đất nước trong đó moị người đều được chung hưởng moị thứ.

Hắn ghé sát vào mặt mẹ tôi, gần đến nỗi bà có thể ngửi thấy cả mùi ợ chua từ hơi thở của hắn, rồi nói tiếp:

- Chị đang đứng án ngữ trên con đường đi đến tương lai của đất nước này. Chúng tôi phải đánh đổ những con người như chị để tiến lên.

Mẹ tôi hỏi ngay:

- Ông muốn tịch thu căn nhà của tôi, phải không?

- Chị đâu phải có mỗi một căn nhà. Mà nêú chị nghĩ rằng chúng tôi cho chị nộp có mỗi căn nhà ấy trong đống tài sản của chị để chị chuộc lại tội lỗi thì quả là chị lầm lẫn đấy.

Cái tên Trần này nói không sai. Căn biệt thự chẳng phải là cái nhà duy nhất do mẹ tôi làm chủ. Nhiều năm trước đây, trước khi mẹ tôi cất căn nhà cho riêng bà, mẹ tôi và ông bà ngoại đã sống trong một căn nhà nhỏ xây trên đất của bác tôi. Nhà ấy có ba buồng, mặt tiền nhìn ra đường, có phòng khách rộng chừng ba chục mét vuông. Phiá sau còn có một phòng rộng y như thế đành cho ông bà tôi làm phòng ngủ. Một cái kho nhỏ nữa phía sau được cải biến thành phòng ngủ của mẹ tôi. Khi cả nhà rời về biệt thự họ Nguyễn, Ông bà tôi hầu như mang theo tất cả đồ đạc nên chỗ cũ trở thành trống trơn. Cùng trên một lô đất với căn nhà cũ ấy là nhà của bác gái, chị ruột mẹ tôi, sống với ông chồng và bầy con mười bốn đứa. Cả hai căn xài chung một buồng tắm, nhà bếp và giếng nước. Trên giấy tờ, mẹ tôi làm chủ căn nhà đó. Căn kế bên do chồng của bác tôi đứng tên. Toàn bộ căn nhà này chỉ cách căn nhà cũ của tôi chừng năm cây số, được bao bọc bởi những cánh đồng lúa thôn quê. Và cái ý tưởng phải quay trở về quê sống chung với lũ gia cầm và họ hàng bên ngoại có vẻ như là cú đánh chí tử đối với bà. Tuy cảm thấy bất lực, nhưng bà cũng cãi lại tên Trần:

- Căn đó tôi xây lên là để cho cha mẹ tôi. Tôi chỉ đứng tên mà thôi.

- Nhà của chị hay của cha mẹ chị thì cũng là của chung mà thôi, khác nhau chỗ nào? chúng tôi cần căn lớn để làm trụ sở thường trực.

- Thay vì lấy căn lớn, sao ông không lấy căn nhỏ?

Trên Trần đứng ngay dậy, đá cái ghế phía đằng sau:

- À! Coi đây, cái đồ ngụy quân ngụy quyền kiêu ngạo phản trắc cặn bã! Tôi đã cố tình tạo sự dễ dàng cho chị mà chị lại làm khó tôi. Chị không muốn bỏ căn nhà đó hả? Được! Để coi chị sống sót được bao lâu trong tù, xa con cái? Đồng chí Sáu, vào đây tôi nhờ tí!

Mụ công an xuất hiện ngay ngoài cửa, hai tay bên hông mặt nghiêm trọng:

- Có mặt, thưa đồng chí Trần.

- Đem tên phản cách mạng này vô trung tâm cải tạo, giam tại đó chờ đến phiên mụ ta ra toà án nhân dân. Tôi phủi tay với nó rồi. Để cho các thẩm phán xét sử tội ác của nó theo đúng thủ tục thông thường đối với tội phạm. Chào! Chúc vui vẻ, ngủ ngon trong nhà tù!

Mẹ tôi chắp cả hai tay lại cầu khẩn:

- Tôi nói mà không có ý đó. Xin đừng bỏ tôi vô tù, thưa ông Trần. Việc ấy có thể bàn lại

Mụ công an chụp lấy cánh tay của mẹ tôi và xoay bà đi một vòng. Tên Trần bước ra khỏi bàn để nhìn đối diện vào mặt mẹ tôi. Vừa hua tay hắn vừa rít:

- Không còn bàn bạc gì nữa. Đã đến lúc phải đánh đổ tư bản, Khuôn, cả nước đang tiến lên phía trước.

Miệng nhếch một nụ cười, chân bước ra cửa, hắn ta bỏ mặc mẹ tôi và mụ công an ở phía sau. Khi ra tới ngoài, hắn nói lớn với moị người trong phòng đơị

- Năm giờ rồi, văn phòng phải đóng cửa. Về hết đi, mai quay lại.

Mụ công an không có đến cả cái còng. Thay vào đó, mụ ta dùng dây thừng để trói mẹ tôi lại. Rồi mụ lôi mẹ tôi dọc theo con phố, bất kể moị sự huyên náo ồn ào chỉ trỏ hai bên đường. Tại trung tâm cải huấn, sau khi xô mẹ tôi vào một phòng giam, mụ bàn giao cho một người trực. Nằm cô đơn trên sàn xi măng lạnh lẽo trong bóng tối, mẹ tôi lo lắng cho cuộc sống của bà và của chúng tôi ở nhà.

Sáng ra, mặc dù bà hoàn toàn bị qụy liệt, nhưng cái thai vẫn còn chuyển động trong bụng. Tên Trần quay trở lại gặp mẹ tôi vào buổi sáng. Vẫn nụ cười hôm qua như khắc trên mặt, hắn nhìn mẹ tôi qua chấn song cửa buồng giam và nhún vai trước nỗi đau khổ của bà. Mẹ tôi nài nỉ:

- Thả tôi ra. Ông cứ lấy căn nhà đó đi. giấy tờ đâu, đưa tôi ký.

- Hơ! Tôi chẳng biết là còn muốn tịch thu căn nhà đó của chị nữa hay không?

Sự châm biếm của hắn ta cứa vào mẹ tôi như một nhát dao:

- Xin cho tôi ra. Tôi còn bổn phận với cha mẹ già và hai đứa con nhỏ. Họ chẳng làm điều gì sai trái chống ông hoặc chống nhà nước cả. Ông Trần ơi, xin hãy nghĩ đến họ, nghĩ tới đứa con còn trong bụng của tôi mà tha cho chúng tôi. Nếu tôi chết, cả nhà tôi sẽ chết theo cùng với tôi.

Tên Trần thọc tay vào túi, móc ra chùm chìa khoá. Trong lúc mở cánh cửa phòng giam, hắn ta rỉ tai vào mẹ tôi:

- Chị quyết định sáng suốt đó, chị Khuôn. Chị đã biết hy sinh có mỗi căn nhà để đổi lấy đời sống. Chị đi về đi, rồi cút khỏi cái thành phố này và lẩn mặt tôi luôn. Dắt diú cả nhà đi đâu thì đi mà làm lại cuộc đời, tới cái nơi mà ở nơi đó chẳng biết chị là ai mà căm thù chị như ở đây. Đi ngay ngày mai kẻo mà lại lãnh búa. Chị có hai mươi bốn giờ để chuẩn bị. Rõ chưa?

Rồi hắn quay về những người công an nói giọng uy quyền:

- Nghe đây, các đồng chí, tôi thả chị này vì chị ta đã tỏ ra hối cải về những tội ác của mình bằng cách hiến cho cách mạng toàn bộ tài sản. Như thế là nêu gương tốt cho moị người và chứng tỏ cách mạng luôn khoan hồng và sáng suốt. Chúng ta đã cải tạo chị này từ một tên tư bản khát máu trở thành một một công dân lao động sản xuất, một con người không ích kỷ. Mong rằng chị ta tiếp tục phấn đấu để trở thành một công dân tốt hơn nữa của tổ quốc. Chúc mừng cho chị, chị Khuôn!

Mẹ tôi vùng lên chạy khỏi cái nơi ấy, nhanh chừng nào, tốt chừng ấy, và bà đã chạy không ngừng nghỉ cho tới khi về được đến nhà.

Ngày hôm sau là sinh nhật của tôi, nhưng cũng chỉ được coi là một ngày bình thường như moị ngày, vì chẳng có cái gì làm cho nó trở thành khác. Chúng tôi trở về Nha Trang thế là cũng đã bẩy mươi hai tiếng đồng hồ, tức là cũng đã ba ngày rồi. Moị người hình như quá bận rộn trong việc thu vén đồ đạc nên không chú ý đến tôi. Mà cũng chỉ mới có mười ngày kể từ khi Sài Gòn sụp đổ, thế mà tôi lại cảm thấy nhanh chóng biến thành một người lớn không biết từ lúc nào. Chúng tôi được thông báo là phải ra khỏi nhà đúng vào ngày 12 tháng 5.

Ngay sau khi đồ đạc được gói ghém xong, những chiếc va li được gài lại cẩn thận và moị người đã sẵn sàng ra đi thì chuông của trước bỗng reo lên. Ông ngoại tôi nói một cách bình thản:

- Công an tới đó ra mở cửa cho họ vào.

Tôi chạy ra, nhấc tấm bạt che thay cho cánh của lên. Đứng trước tôi, chẳng phải một toán công an gì hết ráo mà lại là một nhân vật bơ phờ, dáng dấp đầy mệt mỏi. Mái tóc đã được cạo phần da đầu phía trên đã trở nên nhẵn bóng đưới nắng với hàm râu quai nón che kín gần nửa khuôn mặt. Hắn nhìn tôi mỉm cười:

- Ê! Kiên, Còn nhớ ai đây không?

Chẳng cần nhìn, chỉ nghe cái giọng là tôi cũng biết ai rồi.

- Tớ, Lâm đây! Thằng khờ! Má đâu rồi?