Bấy giờ vua nghe Bàng Hồng tâu trình thì cũng vị nể sai quan Huỳnh môn ra đòi Trầm thị vào ra mắt. Trầm thị vào dâng sớ, cáo tội Dương Tôn Bảo đã vị nể Địch Thanh, không bắt tội làm mất chinh y, lại còn cướp công của cha con Lý Thành rồi đem xử trảm. Vua xem xong tờ cáo trạng nghĩ thầm: - Dương Tôn Bảo là người chánh trực lâu nay, lẽ đâu lạ làm việc ấy. Nếu Địch Thanh làm mất chinh y thì trị tội Địch Thanh sao lại âm mưu với Tiêu Đình Quý mà đoạt công trận của cha con Lý Thành. Chuyện này phải chờ điều tra cho ra rồi mới quyết định được. Nói rồi hạ chỉ đem Trầm thị giam tại Nam lao, chờ tra xét rõ rồi mới phân xử. Còn Trầm thị tuy vua phán như vậy, song có Bàng Hồng ỷ thế đến nói với quân giữ ngục lãnh Trầm thị đem về dinh Trầm Quốc Thanh. Nhưng Trầm Quốc Thanh thấy vợ mình không thuận với Trầm thị nên đem Trầm thị gởi vào chùa cho trú ngụ chờ xong việc rồi sẽ liệu. Hôm sau, Vua lâm trào, có quan Huỳnh môn vào tâu: - Nay Dương Nguyên soái sai người về triều dâng biểu mà còn chờ đợi ngoài ngọ môn. Vua nghe tâu vội cho đòi vào. Sai nhân của Dương Tôn Bảo vào dâng tờ biểu cho vua xem. Vua thấy trong tờ biểu ấy nói Địch Thanh đã đem chinh y đến Tam Quan rồi, lại trừ được năm viên đại tướng của nước Tây Hạ, dẹp hết mười mấy muôn binh, cho nên giặc ấy đã yên rồi. Còn sau thì có nói về việc tiến cử Địch Thanh làm Nguyên soái mà thay quyền cho mình. Vua xem xong rất mừng nói với Bàng Hồng: - Bàng Thái sư hãy xem kỹ lời biểu của Dương Nguyên soái đó. Bàng Hồng xem xong thất kinh nghĩ thầm: - Nếu vậy Địch Thanh đã lập được công lớn, mà Dương Tôn Bảo lại nhường chức Nguyên soái nữa thì kẻ thù của ta rất mạnh. Nếu vậy mạng ta ắt không còn. Nghĩ như vậy liền quỳ xuống tâu: - Theo lời cáo trạng của Trầm thị thì Địch Thanh đã làm mất chinh y và mạo công mà giết cha con Lý Thành để thoát tội, còn Dương Tôn Bảo lại nói Địch Thanh nạp đủ số chinh y, lại giết được ba viên tướng giặc. Theo ý tôi nghĩ chắc là Dương Tôn Bảo đồng tình gian dối mà ẩn việc này chớ chẳng không. Vua nghe tâu nghĩ thầm: - Có lý nào Lý Thành vô tội mà Dương Nguyên soái lại giết oan. Chuyện xảy ra ngoài biên ải khó mà tin được. Trong lúc vua còn đang suy tính thì có quan Phụ Bậc quỳ tâu: - Tôi tưởng không lẽ Lý Thành hữu công vô tội mà Dương Nguyên soái đem giết đi. Như vậy trong việc này có bàn tay của kẻ gian thần nhúng vào để sanh chuyện. Nếu Bệ hạ muốn rõ ngay gian xin cho Bao Thị Chế ra tận nơi điều tra thì phân biệt chân giả. Vua nghe tâu nghĩ thầm: "Lời nói ấy rất phải, song việc này e có bàn tay Thái sư làm chủ sứ, nếu giao cho Bao Thị chế ra đó điều tra ắt Bàng Thái sư cũng bị tội liên can, đến chừng ấy Trẫm vị tình mà không làm tội thì mất lẽ công bình, còn làm tội thì thế nào cũng mất lòng Bàng Quý phi". Trong lúc vua đang suy nghĩ thì Bàng Hồng lại quỳ tâu: - Việc này xin Bệ hạ giáng chỉ sai sứ ra Tam Quan bắt Dương Tôn Bảo, Địch Thanh và Tiêu Đình Quý về trào mà tra xét thì mới rõ ngay gian. Hàng Kỳ thấy Bàng Hồng tâu như vậy thì lật đật can vua: - Xin Bệ hạ chớ nghe lời ấy. Tam Quan là một nơi trọng địa, lại việc chinh chiến với Tây Hạ cũng chưa yên, nếu Bệ hạ đòi hai người ấy về, tôi e giặc đến thình lình, không có ai điều binh khiển tướng. Vua nghe nói liền phán: - Lời của Trầm thị cáo buộc Dương Tôn Bảo, Địch Thanh và Tiêu Đình Quý không có gì làm bằng cớ. Thôi đi trẫm sai một đại thần ra Tam Quan mà tra xét việc ấy cho rõ ràng. Nói rồi bèn sai quan Thị Lang là Tôn Võ ra Tam Quan tra xét. Tôn Võ tuân lệnh lui ra. Bàng Hồng thấy vua sai Tôn Võ đi thì có ý mừng, nghĩ thầm: - Tưởng sai ai chứ sai Tôn Võ thì lại càng dễ cho ta nữa. Còn các quan trung thần như Phú Bậc, Hàng Kỳ, Văn Ngạn Bác đều nghĩ thầm: - Nay Thánh thượng muốn lấy lẽ công bằng sai người ra tra xét mà lại sai Tôn Võ cũng là phe đảng gian thần, chắc là Bàng Hồng còn âm mưu lập kế chớ chẳng không. Tuy vậy mà Dương Tôn Bảo là người công bình chánh trực, lại có công rất dày với triều đình, chắc là bọn gian thần không làm chi nổi mà sợ. Bàn tính xong, ai về dinh nấy mà chờ đợi tin tức. Còn Bàng Hồng về đến dinh mình ngồi lẩm bẩm: - Nay hôn quân lại sai người ra Tam Quan mà tra xét việc ấy, tưởng là ai chớ như Tôn Võ là anh em chú bác với Tôn Tú thì cũng là người tâm phúc cả ta. Thôi, để ta sai quân mời Tôn Võ đến đây đặng dặn dò ít lời xem thứ có hại nổi Dương Tôn Bảo hay không. Nghĩ như vậy tiền hối quân mở tiệc rồi sai người đi đòi Tôn Võ đến. Tôn Võ vâng lời đến dinh Bàng Hồng hội kiến. Bàng Hồng nói: - Nay tôi thấy Thánh thượng sai quan Thị Lang ra Tam Quan thì đường sá xa xôi, cho nên dọn tiệc tiễn đưa thị Lang lên đường hai là dặn dò Thị Lang một việc. Tôn Võ hỏi: - Chẳng hay Thừa tướng có việc chi? Bàng Hồng nói: - Vả Địch Thanh với tôi không có thù hiềm chi, nhưng có thù nặng với Tôn Tú và Hồ Khôn, chuyện này chắc ngài cũng biết chớ? Tôn Võ nói: - Việc ấy tôi vẫn biết đã lâu. Bàng Hồng nói: - Vì việc ấy mà bấy lâu nay tôi muốn hại nó, nhưng đã hại không được mà lại làm cho nó thêm quyền cao chức trọng. Còn Dương Tôn Bảo làm Nguyên soái nơi Tam Quan đã hai mươi mấy năm trời thì tự tôn tự đại, không kể đến ai, chẳng có một lễ vật chi đem về cho ta hết. Nay Thánh thượng sai ngài ra Tam Quan thì việc ấy chẳng cần phải tôi dặn, cứ theo mấy lời tôi nói đó mà tùy cơ ứng biến, làm sao cho vừa lòng tôi thì làm. Tôn Võ nghe nói liền thưa: - Xin Thừa tướng chớ lo. Việc ấy để mặc tôi toan liệu. Bàng Hồng lại dặn ràng: - Khi ra đến nơi thì làm y như vầy... Tôn Võ vâng dạ một lúc rồi ra về. Khi đi ngang qua dinh Tôn Tú, Tôn Võ ghé vào mà tỏ. hết việc của Bàng Hồng căn dặn. Tôn Tú mừng rỡ nói: - Nếu hiền đệ hết lòng giúp việc ấy thì ta cũng tìm cách đền ơn cho. Tôn Võ nói: - Việc anh em trong nhà giúp nhau cần gì phải đền ơn. Lúc ấy lại có Hồ Khôn đến dặn dò Tôn Võ về việc hại cho được Địch Thanh mà trả thù cho con mình. Tôn Võ cũng vâng lời. rồi từ giã về dinh, sắm sửa mà đi Tam Quan. Bấy giờ viên sai quan của Dương Tôn Bảo đem sớ về dâng lên triều đình xong lại trao riêng cho Bao Công một phong thơ của Dương Tôn Bảo, song Bao Công mắc đi chẩn bần ở Trần Châu chưa về nên phải đi phong thơ cho Hàng Kỳ giữ. Hàng Kỳ mở thơ ra xem thấy nói Địch Thanh lập được công lớn, bèn dọn tiệc thết đãi các quan, rồi lại viết một phong thơ gởi ra Tam Quan cho Dương Thanh, kể hết các việc của Bàng Hồng tại triều đình, bày Trầm thị vào giữa triều đình kiện Dương Nguyên soái và Địch Khâm sai, rồi đến việc sai Tôn Võ ra Tam Quan kiểm tra kho tàng. Còn Nam Thanh cung Dịch Thái Hậu cũng tiếp được thơ của Địch Thanh thì mẹ con đều có lòng mừng. Song Lộ Huê vương đi chầu không thường xuyên nên chưa hay việc triều đình sai Tôn Võ ra Tam Quan tra xét việc ấy. Bấy giờ Dương Nguyên soái từ ngày thấy Địch Thanh dẹp được giặc Tây Hạ, giết được năm tướng thì có lòng kính trọng lắm. Một hôm có sai quan trở về thuật hết các việc trong triều sai Tôn Võ ra kiểm tra cho Dương Tôn Bảo nghe, rồi lại trao thơ của Hàng Kỳ cho Dương Thanh xem. Dương Thanh xem thơ ấy rồi mỉm cười nói: - Bàng tặc thật làm gian kế, cứ mong lòng hãm hại kẻ trung thần. Liền đem sự việc kể lại cho Dương Nguyên soái nghe. Dương Nguyên soái nói: - Việc ấy có mặt Địch Khâm sai ở đây ta có sợ gì? Còn việc kho tàng thì mấy năm nay không hề có sơ suất, dẫu gian thần có tra xét ta cũng không lo. Phạm Trọng Yếm nói: - Tuy vậy mặc dầu, dong Tôn Võ là anh em với Tôn Tú, cũng là phe phản thần, tôi e nó kiếm cớ mà vu khống, chi bằng chúng ta tìm cách mà hại nó trước thì hơn. Dương Tôn Bảo nói: - Như vậy ngài có kế chi chăng? Phạm Trọng Yếm nói: - Việc ấy không khó gì. Nguyên soái cứ niêm phong các kho lại không cho kiểm tra. Tôi tưởng Tôn Võ là đứa tham lam của hối lộ. Ta giả vờ lo lót cho nó thật nhiều. Chờ khi nó về rồi ta sẽ cho người đón đường mà bắt nó, giật số bạc ấy làm bằng, rồi làm biểu chương hài tội nó đồng thời tâu hết việc Lý Thành mạo công. Làm như vậy ắt Bàng Hồng bị tội liên can. Dương Tôn Bảo nói: - Mưu ấy rất hay, song e Tôn Võ không dám nhận của hối lộ thì biết làm sao? Phạm Trọng Yêm nói: - Việc ấy Nguyên soái cứ để mặc tôi. Hễ là bọn gian tham thì ham mê của hối lộ, tránh sao cho khỏi. Bàn tính xong, khiến quân dọn tiệc ăn uống, đợi Tôn Võ đến. Hôm sau, Dương Tôn Bảo truyền quân niêm phong hết các kho tàng để lập kế hại Tôn Võ. Còn Tôn Võ từ ngày rời Biện Lương rồi thì Châu nào, Quận nào cũng đều có các quan địa phương nghênh tiếp, định của hối lộ, nên đến trễ ngày giờ. Hơn 20 mươi ngày mới đến Tam Quan vào ra mắt Dương Tôn Bảo. Dương Tôn Bảo xem xong chiếu chỉ liền nói với Tôn Võ: - Bổn soái trấn thủ nơi đây đã hơn hai mươi năm mà Thánh thượng không sai người đến tra xét, tôi tưởng lúc nào có Bàng Quốc trượng sàm tấu điều chi, cho nên mới có việc tra xét như vậy. Tôn Võ cười nói: - Nguyên soái nói nghe cũng lạ. Vả chăng việc tra xét là ý kiến của triều đình lo vì việc kho tàng trống rỗng, nên mới sai tôi đi xem xét cho minh bạch, nào có phải Bàng Thái sư sanh sự đâu. Dương Tôn Bảo nói: - Ấy là lời tôi nói chơi chớ tôi cũng biết là ý chỉ của triều đình. Song tôi xin hỏi ngài một điều là tờ biểu của tôi gởi về triều tiến cử Địch vương thân làm nguyên soái thế cho tôi sao không thấy triều đình phê phán lẽ nào, lại khiến ngài ra đây tra xét. Tôn Võ nói: - Khi Thánh thượng xem biểu ấy không thấy nói đến việc tiến cử nên tôi không biết. Dương Tôn Bảo nói: - Quả ngài không rõ việc ấy sao? Tôn Võ nói: - Thật tình tôi không hay biết. Dương Tôn Bảo liền khiến quân bày tiệc thết đãi Tôn Võ. Mãn tiệc thì trời đã vừa tối, nên không nói đến chuyện xét kho tàng. Rạng ngày Tôn Võ đi khắp các nơi trong thành mà tra hỏi về việc mất chinh y, nhưng trong quân lính ai cũng không chịu nói có mất chinh y gì cả. Tôn Võ lại hỏi đến việc cha con Lý Thành mạo công nên bị xử tử thì nhân dân đều nói: - Quả có cha con Lý Thanh mạo công nên bị xừ tử. Sau đó Tôn Võ đi do thám các chỗ chứa kho tàng thì thấy nơi nơi đều niêm phong lại cả. Tôn Võ nghĩ thầm: - Thế khi Dương Tôn Bảo đã sài hết kho tàng nên mới sợ ta khám xét mà niêm phong như vậy. Phải chi nó biết điều mà điều đình với ta thì có khó khăn gì! Nghĩ như vậy liền trở về phủ thì thấy Dương Tôn Bảo đã bày tiệc sẵn mà chờ Tôn Võ. Trong lúc ăn uống, Tôn Võ nói với Dương Tôn Bảo: - Nay tôi vâng thánh chỉ ra đây tra xét công khố, vì ý gì mà Nguyên soái lại niêm phong các kho tàng như vậy? Dương Tôn Bảo nói: - Tôi ra trấn thủ Tam Quan đã hai mươi bảy năm chưa có năm nào mà Thành thượng sai người tra xét. Còn việc xuất phát tiền lương trong ải thì năm nào cũng có thiếu nên tôi lấy cái nọ đắp cái kia, việc sổ sách không thể ghi rõ ràng mà ngài đến thình lình như vậy thì tôi tính sao cho kịp. Tôn Võ nghe nói nghĩ thầm: - Như vậy chứng tỏ kho tàng đang trống rỗng rồi. Nghĩ như vậy nên nói với Dương Tôn Bảo: - Nếu vậy là ngài muốn tôi không tra xét gì cả sao? Dương Tôn Bảo nói: - Tra xét hay không là tùy ý ngài. Nhưng tôi muốn nếu có gì không đúng xin ngài hãy vị tình mà bỏ qua cho. Tôn Võ nói:. - Nếu Nguyên soái muốn tôi trở về triều mà che chở cho thì phải mua lòng Bàng Quốc trượng mới được. Dương Tôn Bảo nói: - Nếu vậy ngài có cách nào nói cho Bàng Quốc trượng giúp đỡ không? Tôn Võ nói: - Tánh Bàng Quốc trượng tuy dễ mà khó, phải dùng vật thì mới xong. Dương Tôn Bảo nói: - Vậy thì xin ngài đem về dâng cho Quốc cựu hai muôn lượng, còn ngài một muôn lượng được chăng? Tôn Võ nói: - Phần tôi thì Nguyên soái không cần gì lo, miễn Nguyên soái tính thêm cho Bàng Quốc trượng cho xứng đáng là được. Dương Tôn Bảo nói: - Cha chả! Bấy nhiêu đó mà chưa đủ sao? Tôn Võ nói: - Bàng Quốc trượng hay trách móc Nguyên soái từ ngày trấn thủ đến nay gần ba mươi năm rồi mà không hề có một lễ vật nào. Dương Tôn Bảo nói: - Việc ấy cũng đúng, nhưng tôi không có liên hệ được với ngài. Năm nay tôi ráng lo thêm một muôn lượng nữa được chăng? Tôn Võ nói: - Vả Nguyên soái trấn thủ nơi đây cũng đã lâu, chỉ cần Nguyên soái nạp đủ bảy muôn lượng thì tôi không tra xét và Bàng Quốc trượng cũng không tâu ra tâu vào làm chi. Dương Tôn Bảo nghe nói cười đáp: - Nói như ngài cũng phải, song tôi là một quan võ nghèo, ở nơi biên cương, chạy làm sao nổi bảy muôn lượng bạc? Thôi để tôi chịu cho Quốc trượng ba muôn, còn ngài thì hai muôn, cộng tất cả là năm muôn. Tôn Võ nói: - Nguyên soái đã nói hết lời thì tôi cũng phải vị tình chớ biết làm sao. Khi hai người đang nói như vậy thì Tiêu Đình Quý rình bên ngoài nghe được nên nổi giận nhảy vào thộp ngực Tôn Võ kẻo đùa xuống đất mắng lớn: - Loài súc sanh. Nguyên soái ta trấn thủ tại đây đã hai mươi mấy năm, chưa hề sài thâm của kho, sao ngươi với Bàng Hồng lại muốn ăn hối lộ. Nói rồi đánh Tôn Võ một hồi, không khác gì quân sĩ đánh trống khi ra trận. Tôn Võ ra lớn: - Loài súc sanh! Ngươi dám đánh Khâm sai đại thần như vậy thật là bội phản. Dương Tôn Bảo thấy Tiêu Đình Quý làm hư mưu kế của mình, liền bước đến kéo Tiêu Đình Quý ra, rồi khiến trách: - Tiêu Đình Quý! Ngươi không được vô lễ như vậy. Lúc ấy Tôn Võ ngồi dậy thở hào hển, quần áo rách hết nổi giận nói: - Dương Tôn Bảo dám xúi gia tướng đánh Khâm sai của triều đình như vậy thật không kiêng phép nước. Dương Tôn Bảo bị Tiêu Đình Quý phá vỡ mưu kế nên phải quở Tiêu Đình Quý, rồi kêu võ sĩ bắt Tiêu Đình Quý và Tôn Võ bỏ vào tù xa, thảo một đạo biểu chương, sai Trầm Đạt giải Về kinh đô đặng cho Thánh thượng phân xử. Lại viết một phong thơ giao cho Trầm Đạt đem về Thiên Ba phủ giao cho Dư Thái quân biết mọi việc. Trầm Đạt vâng lệnh ra đi. Lời bàn.Kẻ dua nịnh bao giờ cũng tham lam và làm những hành động gian xảo. Đó cũng là lẽ đương nhiên, vì bản chất của những kẻ ấy là mưu cầu quyền lợi cá nhân. Bởi vậy, máu người trung nghĩa, không vì quyền lợi cá nhân thì không bao giờ biết dua nịnh, nên việc lànm của họ hướng về đạo nghĩa làm người. Bàng Hồng, Tôn Tú sở dĩ là kẻ gian thần thì bản chất lúc nào cũng tham lam, mưu hại những kẻ trung thần chống lại họ. Trong một triều đình sở dĩ có phe phái trung nịnh là do ý thức tranh đoạt quyền lợi để thụ hưởng. Kẻ gian nịnh tạo ra nhiều hình thức khó lường.