PHẦN MỘT
Chương 4
Cờ đuôi nheo

 Trí nhớ của trẻ con kể cũng kỳ, chúng có thể quên hết những chuyện rất quan trọng,  nhưng lại nhớ như in những chuyên vặt vãnh, bé tí ti như hạt mè, hạt đậu. Trong ký ức tôi, ấn  tượng đầu tiên có liên quan đến chiến tranh là một lá cờ đuôi nheo.
 Cờ đuôi nheo là của người đồng nghiệp với ba tặng cho tôi.
 Một hôm, nhà trường mở hội thể theo, những lá cờ đuôi nheo nhiều màu sắc bay phất phới  trên sân bãi đầy nắng. Tôi thích mê thích mệt, quấn quít lấy mẹ, cố vòi cho được một lá cờ đuôi nheo. Mẹ tôi không cho, ba tôi càng cuống lên vì sợ tôi quậy phá. Một bạn đồng nghiệp  của ba (không còn nhớ họ tên gì, chỉ biết là một bác tốt bụng) lấy xuống một lá cờ đuôi nheo  đi tới nói với tôi:
 - Con múa một bài, bác sẽ cho con một lá cờ.
 Lúc nhỏ, tính tôi rụt rè và hay mắc cở, bảo tôi múa thật khó, chẳng khác nào bảo tôi bay  lên trời. Nhưng lá cờ đuôi nheo mịn màng bóng loáng kia đã làm hoa mắt tôi, khiến tôi không  còn biết mắc cở là gì nữa, liền múa đại điệu "em bé mệt nhoài" để được nhận lá cờ đuôi nheo.
 Ngày hôm sau, cả nhà tôi bấn loạn cả lên. Mẹ vừa vội vã thu xếp rương hòm, vừa chuyển  đồ lên gác kho chứa nông cụ, vì ngại lính Nhật thấy sẽ cướp hết. Tôi lại nghĩ tới lá cờ đuôi  nheo, và lo nó bị lính Nhật cướp mất. Nghĩ vậy, tôi cẩn thận đưa lá cờ cho mẹ, nhờ mẹ bỏ vào  hòm khóa kỹ lại. Cho đến khi ông Hoàng Tài Dư đem mấy cái hòm đó để trên gác chứa nông  cụ, tôi mới thật an tâm, cho đây là nơi an toàn nhất thế giới này. Mẹ cũng bảo, lính Nhật  không vào kho chứa nông cụ đâu vì trong đó chỉ chứa đầy trấu.
Đêm ấy tôi đang ngủ ngon lành bỗng bị mẹ gọi giật dậy.
 Tôi trố mắt nhìn, thấy ba đang hối hả mặc quần áo cho Kỳ Lân và bé Tam, và liền sau đó,  tiếng súng nổ mỗi lúc một dồn dập ở bên ngoài. Nhìn qua cửa sổ, tôi thấy khắp làng lửa cháy  ngùn ngụt, inh ỏi tiếng người, tiếng súng, tiếng gà kêu, chó sủa hỗn loạn. Ba mẹ và ông nội  kéo ba chị em tôi lại, vừa nói vừa thở dốc:
 - Suỵt! Không được ồn, phải trốn ngay vào trong núi!
 Tôi không hiểu tại sao lại vào trốn trong núi nhưng cũng đã biết là tiếp tục ở đây không ổn  nữa rồi. Thế là cả nhà lần trong đêm tối chạy trốn, ba mẹ dìu ông nội, ẵm bé trai út, lôi hai chị em sanh đôi chúng tôi chạy theo, hướng về phía núi.
 Trên đường đầy gai và cỏ tạp, chúng tôi bị gai đâm đau lắm nhưng không đứa nào dám  khóc. Lần mò vào được hốc núi, chúng tôi nấp vào giữa những tảng đá lớn, ôm chặt lấy nhau,  nhìn ra những ngọn lửa bốc cao, đỏ rực cả bầu tròi.
 Trời sáng dần, tiếng súng cũng xa dần. Khi bình minh lên, bốn bề yên tĩnh hẳn. Sau đó,  nghe tiếng bác Hoàng Tài Dư gọi. Từ chỗ nấp, chúng tôi chạy ra, thấy chúng tôi vô sự, bác  vừa ngạc nhiên vừa mừng rỡ. Liền đó, bác mếu máo cho biết: suốt đêm lính Nhật vào làng  không cướp đồ đạc của bà con nhưng lại châm lửa thiêu rụi tất cả, trong đó có nhà chúng tôi,  giờ này cả làng chỉ còn là bình địa. Lính Nhật đã đốt cháy nhà ở, nhà kho, đốt cháy toàn bộ rương hòm, đồ đạc, đốt cháy cả lá cờ đuôi nheo của tôi.
 Thế là tôi bị mất lá cờ đuôi nheo thân thiết mất cả niềm vui của tuổi thơ. Trong ký ức của  tôi, đây chính là sự bắt đầu một chuỗi dài những nỗi khổ đau.