Nguyễn Lan Đồng dịch
Lời nói đầu
Lời nói đầu

Botixeli

Trong lịch sử thế giới không có thời kì nào lại như thế kỷ thứ XVI, thời gian xảy ra những câu chuyện mà các bạn sắp đọc dưới đây, chứng minh một cách vững vàng rằng sự thực lại có thể vượt qua sức tưởng tượng đến mức nào. Đúng là Ăngđơrê Vêdan(1), nhà giải phẫu học chân chính đầu tiên, nổi tiếng, đã viết những văn bản quan trọng nhất của ông vào giữa thế kỷ này và ngày nay nhiều người đã cho rằng ông là người mở đầu lịch sử y học hiện đại. Những diễn biến của đời ông tương tự như sự tình kể lại trong câu chuyện này.
Cũng đúng là Misen Xécvê(2), người tử vì đạo lớn lao của ngành y, đã tìm ra sự bí mật của vòng tuần hoàn phổi trước cả Hácvây(3), nhưng vì quá bận tâm đến những tranh luận về tôn giáo sẽ đưa ông đến chỗ bị hành hình trên giàn lửa qua bàn tay của Canvanh(4), ông đã bỏ qua không viết một bản thuyết trình chi tiết về phát minh của mình cho nên sự kiện quan trọng về kiến thức y học ấy chỉ thể hiện xen vào nội dung của một trong những tác phẩm ông viết về tôn giáo. Nhưng sự kiện lớn đã tồn tại trong tác phẩm ấy.
Còn về bức tranh bất hủ của Bôtixeli(4) “Thần vệ nữ giáng sinh”, việc bức tranh biến mất trong vòng một phần của thế kỷ ấy, đã được xác nhận và thuật lại. Ngoài ra, câu chuyện về người mẫu của bức tranh như đã kể lại ở đây cũng đúng với sự thực.
Cuối cùng, nếu như có ai đã chế giễu và nói rằng vấn đề thôi miên “mà Paraxen(5), con người vô song đã biết rõ và gọi là từ tính học” mới chỉ có từ thời Mexme(6), thì hẳn họ sẽ phải cứng họng khi được thông báo rằng: hiện tượng kì lạ ấy đã được một học phái Ai Cập sử dụng từ bốn mươi thế kỷ nay, kể cả việc sử dụng quả cầu thuỷ tinh.
Những việc làm của toà án tôn giáo viết ở nhiều đoạn trong cuốn sách này đúng với sự thực và đã dựa trên cơ sở lịch sử, đặc biệt là những điều nói về vị đại pháp quan Tôma đơ Tôcơmađa.
Nhưng các chi tiết này có gì quan trọng nhỉ? Đây chỉ là truyện tiểu thuyết và ai cần biết ở chỗ nào kết thúc sự thực và bắt đầu trí tưởng tượng

Phrăng Gi. Xlôtơ

Thành phố Giăcxơn, Phlôriđa.
Ngày 10 tháng Năm 1949
Chú thích:
(1) Anđrê Vésale (1514-1564). Giáo sư đại học y khoa người Phlamăng, chuyên về giải phẫu học của Galiêng và một số thấy thuốc cổ đại và đã tạo ra một cuộc cách mạng trong lĩnh vực này. Năm 1561 ông bị toà án tôn giáo buộc tội đã mổ người vẫn còn sống. Nhờ vua Philíp II can thiệp, ông được đền tội bằng một cuộc hành hương đến đất Thánh, nhưng thuyền bị bão quật vào đảo Đăngtơ, ông đã chết tại đấy vì đói và kiệt sức.
(2) Michel Servet (1511-1553). Thầy thuốc và nhà thần học Tây Ban Nha. Ông phát hiện ra vấn đề tuần hoàn máu qua phổi. Do phủ nhận vấn đề Tam vị nhất thể (đức chúa cha, đức chúa con và đức chúa thánh thần chính là chú trời), tấn công vào học thuyết của Canvanh, nên ông bị Canvanh buộc tội tà giáo trước Đại hội đồng và bị hoả thiêu 28/10/1553
(3) Jean Calvin (1509-1564). Người nước Pháp. Rất giỏi các môn ngôn ngữ học, triết học, luật học, thần học. Nhưng trong lĩnh vực thần học, ông mang xu hướng cải cách tôn giáo và là nhà truyền giáo tích cực cho Tân giáo. Ông đã buộc tội tà giáo cho Misen Xécvê vì Misen phủ nhận vấn đề Tam vị nhất thể trong tôn giáo.
(4) Sanđro di Mariano Filipepi Botticelli (1444-1510). Hoạ sĩ và nhà điêu khắc có tiếng ở nước Ý. Ông vẽ hàng loạt tranh thần thoại trong đó có bức Thần vệ nữ giáng sinh.
(5) Paracelse (1493-1541). Người sáng lập ra y học thần bí. Theo ông, mỗi bộ phận trong cơ thể con người đều có liên quan đến một hiện tượng khách quan (mặt trời, mặt trăng...)
(6) Frank Anton Mesmer (1734-1815). Thầy thuốc người Đức. Ông cho rằng mỗi con người đều có thể bị luồng điện từ tính ảnh hưởng đến, cho nên có thể tìm ở lĩnh vực này cách chữa bệnh cho người. Luận thuyết và thực nghiệm của ông đều không thành công.