Lã Tuyết Cừu một mình trên bước sông hồ. Đi đâu chàng cũng thu nhặt tin tức của võ lâm, nhất là về Đông Hải Thần Quân và Ngũ Hoa đại sư.
Một hôm, tới một ngã ba, chàng dừng lại vì lòng phân vân chưa biết đi hướng nào. Bỗng chàng thấy từ xa một người khập khiểng đi lại. Dạng người ấy không có vẻ bệnh hoạn nhưng lại có chứng say. Trên tay, ông cầm hồ rượu vừa đi vừa uống.
Lã Tuyết Cừu nhớ tới lời Lý Di Niên nói, có một lão say mà công lực rất thâm hậu đã cho Bạch cốc chủ mượn quyển Đồ hình. Không chừng lão say đó là lão này cũng nên!
Hai bên đi lại gặp nhau. Tuyết Cừu chào lão rồi hỏi:
- Tiền bối say lắm rồi sao vẫn còn uống nữa?
Lão nói:
- Sao ngươi biết ta say?
Chàng đáp:
- Thấy tiền bối đi không vững!
Lão nhăn mặt mắng:
- Ngươi thật ngốc! Chiếc thuyền đi trên sông biển cũng lắc lư như vậy, nhưng có vững không? Nếu vững sao lại lắc? Nếu không vững sao lại không chìm?
Lã Tuyết Cừu hết ngõ đáp. Chàng chắp tay xin lỗi.
Lão xua tay nói:
- Ngươi có võ công cao, nhưng yếu lĩnh của nó ngươi không biết gì cả. Ta hỏi ngươi võ từ đâu mà có?
Chàng suy nghĩ một hồi, nói:
- Theo vãn bối, võ học hình thành theo kinh nghiệm về thiên nhiên của loài người qua nhiều thời đại. Họ lấy mây, nước, cây cối, động tác của chim muông điểu thú, mỗi ngày mỗi tiến dần, rồi kết hợp vào đó, sáng tác thêm ra!
Lão cười hắc hắc nói:
- Ta biết ngươi là một gã dốt nát. Ngươi có biết một đứa bé nếu như không được người ta huấn luyện ngồi, bò, đứng đi, thì cuối cùng cũng chỉ là loài đi bốn chân như khỉ vượn mà thôi. Thế võ đầu tiên nhất của con người là từ lúc biết bò đến khi biết đứng. Muốn đứng cho vững, thì cột xương sống phải ngay, hai chân phải thăng bằng, mà đường trung bình của nó là đường chia con người theo đường thẳng đứng thành hai phần bằng nhau.
Tuyết Cừu lấy làm ngạc nhiên cho sự lập luận của lão. Nhưng đó là những lập luận mới và chính xác.
Lão nói tiếp:
- Từ con người đứng, chuyển sang trạng thái đi là một thế võ tối thượng thừa thứ hai. Đi được bước đầu, thì ngàn bước cũng đi được, đó chính là sự tôi luyện. Từ đi chuyển sang chạy, nhảy là những thế võ thượng thừa tiếp theo... Nói tóm lại, nguồn gốc của võ học là tự thân con người tìm ra trước. Còn thiên nhiên chỉ là phần tác dụng về kinh nghiệm mà thôi...
Lã Tuyết Cừu chắp tay lại nói:
- Tiền bối nghị luận khúc chiết quá!
Lão nói tiếp:
- Trong võ học thường lấy hư làm thực, thực làm hư và trong cuộc sống, nhiều khi vẫn cần thiết như vậy. Ta đi có vẻ nghiêng ngả, nhưng sự thật là rất vững chắc, đó là hư hóa thực. Vững chắc bởi vì mỗi bước đi này là thừa kế mỗi bước đi trước đó. Mỗi lần cất bước lên là thân người phải chao động. Đó là thực. Có chao mới có vững. Không chao động, không thể nào đi được. Thực hóa thành hư...
Lã Tuyết Cừu nói:
- Ngôn ngữ của tiền bối rất thực tế nhưng cũng rất sâu xa!
Lão cười thật lớn rồi nói:
- Dường như ta nghe ngươi chỉ biết khen và chê chứ chưa có một lời cao luận nào?
Chàng nói:
- Vãn bối kiến văn thấp kém, rất mong tiền bối chỉ dạy thêm!
Lão nói:
- Ngươi đừng ngạc nhiên khi có người cụt một giò mà võ công thật cao! Thậm chí có cả người cụt cả tứ chi mà võ công của họ đạt tới mức tối thượng thừa!
Lã Tuyết Cừu nói:
- Vãn bối chưa từng nghe ai nói!
Lão nói:
- Thiền luận có câu “Tay không nắm cán mai. Đi bộ lưng trâu ngồi. Qua cầu trông nước chảy. Cầu trôi, nước chẳng trôi!”. Võ thượng thừa là chỗ đó!
Lã Tuyết Cừu vừa mừng vừa sợ, chàng nói:
- Tiền bối quả là người uyên bác, tinh thông, trên đời khó có ai sánh bằng. Té ra bao nhiêu năm học võ nghệ, coi lại không có gì cả! Thật hổ thẹn!
Chàng nói rồi chào lão toan đi.
Lão hỏi:
- Bây giờ ngươi đi đâu?
Chàng thở dài não ruột nói:
- Thiên hạ mang mang, không biết đi đâu về đâu? Còn đường đi thì vãn bối cứ đi, không biết sẽ đến nơi nào, với cơ duyên gì đành chịu!
Lão cười:
- Ngươi không được gì cả! Một bài thơ, văn, phú... Đều phải có ý có đích. Việc làm con người dù lớn dù nhỏ phải có một ý thực tế. Lập trường không có làm sao có thực tài?
Tuyết Cừu nhìn lão trân trân, không nói được một lời. Bỗng chàng hỏi:
- Tiền bối phải chăng là tác giả của bộ Thập nhị đồ hình.
Lão nói gần xa:
- Hỏi chi câu ấy! Rất nhiều khi một vấn đề mà đọc giả giỏi hơn tác giả thì sao? Xưa nay kinh sách chỉ là phương tiện, chứ không phải chân lý! “Tận tín thư bất như vô thư” (Tin hết vào sách vở, thà đừng có sách vở còn hơn)! Ngươi hãy làm giùm cho ta một điều!
Chàng giật mình nói:
- Điều mà tiền bối nhờ vãn bối làm, chắc chắn vãn bối không làm nổi! Nhưng tiền bối cứ nói, vãn bối liệu sức mình thử có làm được chăng.
Lão cười:
- Càng lúc ngươi càng tỏ ra khiếp sợ, vậy làm sao thi hành được sở nguyện của mình? Ta đứng một giò, ngươi hãy vận hết sức bình sinh của mình đánh ra một chưởng xem thử kết quả tới đâu!
Lão nối khơi khơi vậy đó, mà chàng lại kinh sợ.
Tuyết Cừu nghiêm trang nói:
- Nếu nói về chưởng lực, thì vãn bối có thể đánh vỡ một khối đá. Tiền bối đừng nên làm vậy!
Lão như không nghe lời Tuyết Cừu nói, lão co chân mặt lên, cơ thể tựa trên một chân trái. Và thân hình vẫn lắc lư, lão nói:
- Ngươi ra tay đi!
Tuyết Cừu trợn đến rách con mắt ra nhìn lão, lòng nghi hoặc.
Lão giục:
- Xuất chưởng!
Chàng không còn cách gì khác hơn, đành đưa chưởng lên nói:
- Vãn bối cam đắc tội vậy.
Lão vẫn nheo mắt nhìn đám mây xa xa như để lắng nghe một điệu đàn kỳ bí, một điệu hát của thiên nhiên, hay lão đang ngắm nhìn một bức tranh vân cẩu? Lão dám hờ hững với cuộc sinh tử đến thế sao?
Tuyết Cừu rất tự tin ở sức mình. Chàng lập tức vận đến tám thành công lực, nhắm ngay lão mà xô ra một chưởng...
Luồng chường hùng hậu ấy vẫn khua động vào thiên nhiên phát ra âm thanh ồ ồ, phát ra tiếng gió vù vù...
Xem lại lão say kia... Vẫn là lão say tự thuở nào. Mắt lão xa vắng, thân hình lão vẫn lắc lư.
Lã Tuyết Cừu cảm thấy lão như ma quỷ từ cõi yêu tinh nào đó hiện về. Chàng không dám tin đây là sự thật.
Tuyết Cừu vỗ trán hỏi một câu bâng quơ:
- Thế này là thế nào?
Đột nhiên lão say bật cười, nói:
- Sự thật đó. Đổi trăm năm công lực chỉ có giá trị đối với con người, không mảy may nào giá trị với thiên nhiên. Ngươi thấy thân thể tuy lắc lư nhưng vẫn vững như thuyền đi trên sông... Ngươi phải hiểu như vậy mà luyện.
Lão toan quay mình đi, đột nhiên Tuyết Cừu quì xuống như một kẻ cầu đạo. Chàng nói:
- Tiền bối nếu không thánh nhân thì cũng thần nhân. Xin hãy giảng rõ tâm pháp cho kẻ cầu đạo này.
Một thiếu niên anh tuấn như chàng, một ý chí cương quyết, một tấm lòng kiên định như vàng đá, đôi mắt thuần thành khiến lão say kia có đôi nét cảm động, nói:
- Tùy theo đối tượng mà đặt mình vào hoàn cảnh để xử trí. Nếu đối tượng là dòng sông, thì ta phải là con thuyền. Nếu đối tượng là sóng bão, thì ta phải là con sò, vỏ sò... Nếu đối tượng là con thuyền, thì ta là vũ bão. Nếu đối tượng là núi thì ta là không gian. Nếu họ là không gian, thì ta là thời gian... Nói tóm lại, hãy vui chiếu vào thiên nhiên mà hành sự. “Thuận thi an giả tồn, nghịch thiên giả vong”, là ý này đây.
Tuyết Cừu xá một cái, nói:
- Vãn bối tâm niệm lời ngài. Ngài còn điều gì để chỉ giáo thêm nữa?
Lão nói:
- Ngươi luyện võ đến mức đó thế gian này chỉ có một vài người, vậy có nghĩa ngươi còn hạnh phúc. Còn nếu luyện như lời ta nói, đời ngươi sẽ cô đơn, bởi vì không còn biết buồn vui. Tùy ý ngươi lựa chọn.
Lã Tuyết Cừu chào lão rồi quay mình bỏ đi. Vừa đi, chàng chợt nhớ tới Lý Di Niên là Lý độc cước, có khi là một hành khất túng thiếu.
Tuyết Cừu vội vàng quay lại gọi:
- Tiền bối! Tiền bối!
Lão dừng lại quay nhìn chàng.
Tuyết Cừu chạy đến nói:
- Tiền bối có tiền để độ nhật chăng?
Lão cười nói:
- Cảm ơn ngươi. Cỏ cây đứng một chỗ không nói năng, không biểu lộ mà vẫn sống được. Chúc ngươi tâm bình khí hòa.
Lão quay đi.
Tuyết Cừu lại cất bước... Vô định. Chàng vừa đi vừa ghi nhớ lại lời của lão say nói. Những lời đó với ngôn ngữ bình thường, nhưng với một ý nghĩa huyền nhiệm. Con thuyền, dòng sông, vũ bão, mảnh sò, gió mưa núi... Thật khó hiểu. Khó hiểu như vậy mà lại thật.
Thấy một khối đá bên vệ đường, Lã Tuyết Cừu vận đến tám thành công lực đánh ra một chưởng...
Bùng!
Khối đá vỡ làm ba mảnh và chuyển động... Bụi cát bay mù và những mảnh đá con vỡ vun ra. Một chưởng tảng đá vỡ, lão say lại tựa hồ như không, có kỳ không?
Thấy một chiếc đò dọc đang thong thả phơi buồm trên sông, chàng nhớ tới lời lão nói, chàng gọi lớn:
- Đò ơi! Đò...
Đò ghé vào bờ. Chàng bước xuống nói với vợ chồng người lái đò:
- Có thể nào cho tại hạ đi theo được không?
Gã chèo đò trạc tuổi chàng, ăn mặc lam lũ, nhìn chàng hỏi:
- Công tử đi đến đâu?
Chàng tư lự nói:
- Đi đến nơi nào nhân huynh không muốn đi nữa thôi.
Thấy gương mặt tuấn tú của chàng, hành lý không nhiều cho lắm, lại thấy chàng có vẻ đăm chiêu xa vắng, gã lái đò cười đùa:
- Dường như công tử bị tình phụ. Huynh muội tiểu đệ là khách thương hồ, thường mua bán tơ lụa châu ngọc trên khắp các bến sông, đôi ba tháng mới ghé về nhà một lần, công tử theo hoài được sao?
Chàng nói:
- Như vậy càng hay...
Thiếu nữ nói:
- Công tử đi theo mà không buôn bán gì thì phí thời gian quá. Trông nhân dạng của công tử là người học vấn uyên thâm, văn võ song toàn chịu khó nằm nhà ôn luyện để thi cử, rồi ra thi thố với đời chẳng có ích sao? Bọn tiểu muội chỉ vì cảnh sống mà xuôi ngược với gió mưa, công tử có kham được không?
Lã Tuyết Cừu thấy thiếu nữ hồn nhiên, ăn nói ra người có học. Họ là những người buôn bán tơ lụa vàng ngọc, mà lại ăn mặc lam lũ đơn sơ, bất giác chàng mến họ.
Tuyết Cừu chắp tay lại nói:
- Cảm ơn tiểu thư và công tử đã có lời khuyên. Tại hạ bây giờ không còn ao ước gì hơn là làm khách thương hồ một vài chuyến cho quen thuộc, cảnh ngộ có đun đẩy đến đâu cũng lấy làm vui.
Thấy chàng khẩn khoản. Họ mời chàng lên thuyền. Lên thuyền, chàng cởi bỏ hành lý, đao kiếm qua một bên, khoan khoái như người thoát được gánh nợ.
Chàng tạ ơn hai người rồi nói:
- Chiếc đò dọc này là cảnh ước mơ của tại hạ. Bây giờ đã chiều, hai vị để tại hạ lo cơm nước cho.
Thiếu nữ mỉm cười nói:
- Tiểu muội là Vương Nhã Thi, thân huynh là Vương Nhã Thư. Công tử là khách, không phải lo gì việc cơm nước. Nếu biết lèo lái chèo chống thì phụ giúp chút ít là vui rồi.
Tuyết Cừu vui vẻ ngay, chàng nói:
- Việc đó tại hạ có khả năng.
Chàng nói xong, thay tay cho Nhã Thư. Anh em họ Vương thấy chàng thành thạo công việc, ăn nói nhẹ nhàng khiêm tốn, lòng họ cũng thấy vui vui... Họ lo sửa soạn buổi ăn chiều.
Chiếc buồm bọc no gió, thỉnh thoảng thuyền nghiêng lệch, hoặc lắc lư, chàng chế lèo, bẻ lái...
Tiếng nước reo hai bên mạn thuyền.
Về đêm gió nhẹ, thuyền lướt êm đềm dưới ánh trăng thanh. Ba người dùng bữa và nói chuyện vui vẻ.
Nhã Thi cầm lái. Nhã Thư lấy rượu ra, Tuyết Cừu ngửi rồi nói:
- Rượu này ngon. Tại hạ pha thêm một chút rượu đặc biệt để có vị thơm.
Chàng lấy trong hành trang ra lọ thần thủy, rót sang bên vò rượu kia chừng một chén, trộn lắc thật đều.
Việc xong, chàng rót rượu mời:
- Vương huynh và Vương tiểu thơ dùng thử xem!
Anh em họ Vương tỏ ra thật tế nhị và cũng gan dạ. Hay là họ cả tin vào đối tượng? Ba chén rượu được nâng lên ngang mày. Sau những lời mời lịch sự, cả ba cùng làm cạn chén đầu tiên.
Nhã Thư chép miệng:
- Tuyệt! Hoàng đế ngự tửu chưa sánh bằng.
Nhã Thi nói:
- Tuyệt! Nhưng tiểu muội chưa thưởng thức rượu vua, nên không dám so sánh.
Huynh muội họ ghẹo nhau. Cả ba người cùng cười thoải mái.
Bỗng Nhã Thư có vẻ ngạc nhiên, nói:
- Đan điền bốc nhiệt, nóng lắm.
Nhã Thi cũng nói:
- Dường như rượu chạy khắp châu thân.
Tuyết Cừu cười:
- Hãy vận nội công một chút, sẽ bình thản ngay. Chén đầu thì vậy, sau có trớn rồi thì không cần vận công nữa.
Nhã Thi cười gượng:
- Bọn tiểu muội đâu phải là người giang hồ mà biết vận công?
Tuyết Cừu nghiêm trang:
- Xin tiểu thư đừng đùa việc này. Buôn bán trên sông nước, không ai không biết võ công? Rượu này giúp công lực của quý vị tăng bổ.
Vận công xong, họ thấy cơ thể khoan khoái dị thường. Cả ba lại trò chuyện vui vẻ.
Nhã Thi nói:
- Giờ tới giữa canh ba, tiểu muội cầm lái.
Giữa canh ba tới hết canh tư giao cho Nhã Thư. Giai đoạn chót giao cho công tử chưa biết tên họ.
Tuyết Cừu nói:
- Cứ giao thuyền này cho tại hạ suốt đêm. Quý vị ngồi vận công hoặc nằm nghỉ cho khỏe. Có gì trục trặc tại hạ sẽ đánh thức dậy. À, à... Tại hạ họ Lã.
Nhã Thi nói:
- Không phải bọn tiểu muội nghi ngờ gì, nhưng ngồi suốt đêm vậy e mất sức lắm.
Tuyết Cừu quay lại cầm lái. Anh em họ Vương dọn dẹp. Nhã Thi rửa chén bát. Nhã Thư ngồi vận công.
Thuyền vẫn lướt rào rào...
Tuyết Cừu hỏi:
- Nơi này là xứ nào?
Nhã Thi nói:
- Đây là nhánh sông Trường Giang. Rạng ngày, thuyền ta sẽ ghé lại bến Tân Du, mua bán nơi đây một ít, rồi đi mãi tới chiều ghé bến Vạn Lộc. Ta ngủ đêm nơi ấy.
Nhã Thi nói có vẻ thạo việc lắm. Nhã Thư ngồi vận công một chút, rồi ra trước mũi nằm. Nhã Thi nằm sau lái bên chỗ Tuyết Cừu ngồi. Nàng nhắm mắt, không biết nàng thức hay ngủ.
Tuyết Cừu vẫn bình thản cho thuyền chạy.
Một giờ, hai giờ trôi qua... Trời bỗng đen nghịt, gió thổi mạnh, sông nổi sóng. Tuyết Cừu xả lèo, cuốn bớt buồm.
Anh em họ Vương choàng tỉnh, nhìn trời mây nói:
- Quái lạ! Trời tháng này lại muốn mưa bão!
Tuyết Cừu nói:
- Cũng may là gần sáng rồi. Có đồ đạc gì lo đậy kín lại. Chuẩn bị đồ tát nước.
Mưa bắt đầu rơi, gió xát mạnh. Tuyết Cừu cho thuyền đi dọc theo bờ. Công việc rắc rối cũng trong giây lát đâu vào đó.
Anh em họ Vương có đồ mặc che mưa, còn Tuyết Cừu tha hồ để mưa tưới ướt.
Nhã Thư nói:
- Công tử để tại hạ lái cho, vào khoang nằm một chút cho ấm!
Tuyết Cừu cười:
- Sá gì chút nhỏ mọn này. Giờ sắp tạnh rồi. Hết mưa công tử hãy thay...
*
Sáng hôm sau, thuyền ghé bến Tân Du. Ghe thuyền nơi đây khá tấp nập. Có thể nói, có một chợ nổi ở đây.
Tuyết Cừu ngồi nhìn anh em họ Vương sinh hoạt. Họ lấy ra những cuộn tơ, những cây lụa đủ màu. Có người hỏi mua vàng, bạc, ngọc, châu...
Tuyết Cừu tự hỏi:
- Trên bờ sầm uất thế nào mà bến Tân Du có vẻ giàu sang thế?
Chàng cao hứng lây, lấy ra vài viên ngọc lúc trước ở trong bụng sấu, trao cho Nhã Thi, nói:
- Tiểu thư xem thử mấy viên này có bán được không?
Nhã Thi xem rồi nói:
- Hai viên này thuộc loại ngọc quý, công tử nên cất lại, bán uổng lắm.
Tuyết Cừu cười:
- Mang theo nặng nề. Tại hạ còn khoảng vài chục viên loại này nữa. Tiểu thư nhắm có dùng được thì lấy dùng. Để tại hạ giữ cũng vô ích mà thôi.
Nhã Thi thấy Tuyết Cừu soạn ra rất nhiều loại ngọc, nàng cầm viên Long châu lên, ngắm nghía một hồi nói:
- Viên này như tinh huyết kết thành, nặng hơn cả các loại ngọc. Cái này không bán được.
Chàng lấy lại bốn viên không bán là Long châu, Tử thạch quang, Dạ minh quang, Tị thủy châu... Còn lại bao nhiêu trao cho Nhã Thi, nói:
- Phần này của tiểu thư và công tử. Nơi nào họ mua được giá cứ bán mà dùng.
Nhã Thi cười:
- Nếu bán cho công tử thì tiểu muội bán. Còn bán để tiểu muội dùng thì tiểu muội không làm vậy đâu.
Hai ngươi cứ kèo nài qua lại, cuối cùng Tuyết Cừu nói:
- Thôi, bán vài viên để sắm sửa tiện nghi cho thuyền.
Bây giờ thuyền khách tấp nập bu quanh thuyền Nhã Thi. Vài người khách bước lên thuyền này, nhìn thấy Tuyết Cừu là người lạ, liền nói:
- Tướng mạo của vị công tử này làm sao là khách thương được.
Chàng chỉ cười không nói. Họ nói những lời đãi đưa để muốn mua cho được mấy viên ngọc kia. Một đại hán bảo Tuyết Cừu đưa ngọc cho hắn xem.
Tuyết Cừu toan lấy ra nhưng Nhã Thi nói:
- Số ngọc đó để dành lại về kinh đổi vài món đồ cổ.
Gã đại hán chộp lấy một trong hai viên, rồi bỏ vào túi, nói:
- Tại hạ mua viên này.
Nhã Thư cười cười:
- Các hạ đã trả giá chưa mà bỏ túi?
Hắn nói:
- Giá mấy ta cũng mua.
Nhã Thi nói:
- Có người đã trả một ngàn lạng vàng rồi đó. Các hạ trả cao hơn nữa, tiểu nữ bán.
Hắn nói:
- Ta đồng ý mua một ngàn mốt. Nhưng chuyến sau ta mới trả tiền, bây giờ chưa có.
Nhã Thư nói:
- Không được! Rõ ràng chúng ta không quen biết nhau, cũng không biết nhà của nhau, không thể bán chịu được.
Đại hán không thèm nói một lời, xô thuyền ra rồi cầm dầm bơi đi.
Có vài khách lên tiếng:
- Hồ đại gia làm ngang xương quá! Giữa ban ngày mà cướp cạn!
Vương Nhã Thư toan nhảy qua, nhưng Lã Tuyết Cừu nói:
- Để hắn đi!
Nhã Thi hỏi:
- Sao vậy?
Chàng cười:
- Vì tại hạ nhanh tay hơn hắn, nên đã đoạt lại ngay sau đó. Nếu chúng ta làm lớn chuyện, thì lần khác sẽ gặp rắc rối ngay.
Họ bàn tính rất nhỏ nên khách không nghe được việc gì!
Có người nói:
- Gặp Vương công tử hiền hậu để hắn đi thoát, chứ gặp mấy tay hảo hán khác thì tên kia khó mà ở yên được.
Buổi ấy Tuyết Cừu bán một viên, còn một viên nữa trao cho Nhã Thi nói:
- Tới bến khác bán.
Bây giờ họ mới tin lời chàng nói đúng.
Nhã Thi cao hứng nói:
- Ôi chao! Công tử là đại cao nhân, quỷ thần cũng không biết việc này...
Bán chỉ một viên, mà họ mua sắm. Cả trăm thứ vẫn chưa hết một nửa số vàng.
Tuyết Cừu nhờ đò mua chở ra mấy vò rượu to tướng, thơm ngon, cùng một số thức ăn loại sang rồi cho thuyền đi.
Nhã Thư cầm lái, Tuyết Cừu pha rượu, Nhã Thi làm thức ăn. Nàng nói:
- Tiểu muội đã mua cho công tử mấy cây vải này, dọc đường tiểu muội may cho công tử vài bộ đồ.
Tuyết Cừu nói:
- Cảm ơn tiểu thư. Hành trang của Tại hạ cũng còn được trên năm bộ. Tiểu thư đừng bận tâm đến nó làm gì. Chương trình chiều đến Vạn Lộc đã sắp đặt chưa?
Nhã Thi nói:
- Ở vạn Lộc khác hơn một chút. Thuyền ta cập bến, trao đổi mua bán một hồi xong việc, mướn vài người quen canh giữ thuyền, sau đó đi dạo phố...
Tuyết Cừu nói:
- Thuyền này giao cho người khác giữ không được đâu. Tại hạ coi thuyền cho hai vị đi.
Nhã Thư nói:
- Ở đây không sợ gì trộm cướp như nơi khác. Rất nhiều thuyền của cải hơn ta, họ cũng bỏ mặc đó mà lên bờ.
Tuyết Cừu không nói nữa. Chuyến đò dọc này làm chàng nguôi ngoai một vài chuyện giang hồ.
Cá rau tươi, rượu thơm, cảnh đẹp người đẹp... Ba người tha hồ ngất ngưởng.
Tuyết Cừu nói:
- Cảnh này sống hết đời cũng không biết chán.
Nhã Thi ý nhị:
- Công tử đi hoài, nếu không nhớ nhà thì nhà cũng nhớ, nhất là... Lã phu nhân.
Tuyết Cừu đang vui chợt buồn. Chàng nói:
- Tại hạ là khách không nhà, sống cô độc từ tấm bé. Thôi, chúng ta đừng nhắc đến việc đó nữa!
Họ ăn uống chuyện vãn buổi tiệc vui kéo dài tới Vạn Lộc.
Tuyết Cừu vẫn im lặng để nhìn thiên hạ mua bán. Trong mắt của chàng, cuộc sinh hoạt xã hội thế này cũng có phần nào an ủi.
Thuyền bán hơn nửa số tơ lụa, họ lại thu mua một số thổ sản chuẩn bị sáng mai đi bến khác.
Chàng thấy trong lòng có chút vui vui...
Nhã Thi trao đổi xong, trời cũng sẩm tối. Bây giờ anh em họ Vương càng thân thiết chàng hơn.
Nhã Thi kéo Tuyết Cừu lại, nói nhỏ:
- Ở thị trấn này có nhà Vương lão, bà con họ với gia đình tiểu muội. Ông ta buôn bán đồ cổ bảo kiếm, kỳ thư, cổ họa... Có thể nói còn nhiều hơn ở hai kinh, hoặc các thành phố lớn khác. Nếu công tử thích thì chúng ta sẽ tới đó.
Tuyết Cừu nói:
- Tại hạ thích lắm. Nhưng đi mà bỏ thuyền thì tại hạ không an tâm. Hai vị đi, tại hạ ở lại là an toàn hơn cả.
Nhã Thư nói:
- Tại hạ ở nhà, Nhã Thi đưa công tử đi dạo.
Cực chẳng đã Tuyết Cừu mới chịu đi. Chàng mang theo thanh bảo kiếm và một ít tư trang, lên bờ. Cả hai cùng sánh vai đi như một cặp tình nhân.
Nhã Thi tính nết đoan trang, nói năng dịu dàng, lại có nhan sắc. Nếu nam nhân nào có phước gặp được người vợ thế này thì an ổn cả đời. Hai người đi mà thiên hạ cứ trầm trồ ngó theo mãi. Họ đi một hồi đến Vương gia trang. Cứ nhìn cách lễ nghi quý phái này đủ biết là một cự gia vọng tộc.
Người gác cổng thấy Vương Nhã Thi, vội đon đả chào hỏi. Hắn nói:
- Người bạn của tiểu thư có vẻ hào hoa lắm.
Hai người đi vào trong. Qua nhà khách, Tuyết Cừu thoáng thấy bên trong có rất đông khách giang hồ.
Gia nhân nói:
- Mời hai vị vào nhà khách có lão gia chờ.
Tuyết Cừu thấy sự có mặt của mình sẽ phiền, liền nói:
- Vương tiểu thư dắt mối để tại hạ mua cổ vật. Hãy báo với lão gia là vậy.
Gia nhân nói:
- Thì mấy người kia cũng đi mua đồ cổ đó.
Ý của Nhã Thi cũng muốn giới thiệu chàng với Vương lão, nhưng thấy chàng có vẻ rụt rè không thích, nên nói với gia nhân:
- Bạn ta chỉ muốn xem sách quý mà thôi. Không muốn vào chốn đông người. Ngươi bẩm với lão gia là vậy.
Gia nhân chạy vào, một chốc Vương lão bước ra, hai bên cùng chào hỏi.
Nhã Thi giới thiệu:
- Vị công tử này là bạn của điệt nhi. Hôm nay đưa công tử tới đây trước là thăm hỏi bá bá, sau tìm mua một số sách cổ vừa ý.
Vương lão hài lòng lắm. Lão đưa hai người vào phòng sách. Họ tham khảo các loại sách... Văn, võ, y, dược... Rất nhiều.
Tuyết Cừu nguội lạnh với mấy quyển kỳ thư. Bỗng Tuyết Cừu thấy một quyển sách mỏng trên dưới mươi trang có tựa là Hải triều âm, chàng lấy xem.
Lão họ Vương nói:
- Công tử không chọn quyển nào, lại chọn quyển triết học nhà Phật này.
Chàng mỉm cười chứ không trả lời. Lật vào bên trong chàng liếc sơ thấy sách lý luận về sự biến hóa của tịnh và động, hữu và vô, thanh và khí...Chàng hỏi mua quyển này.
Vương lão vuốt râu nói:
- Biếu không cho công tử đó.
Tuyết Cừu nghĩ thầm:
- “Đám mua bán sách này là một bọn mắt thịt. Họ chỉ bán trang chứ không bán sách. Quyển vô giá thì họ cho không”.
Chàng xem qua tranh. Nhiều bức tranh có giá trị về mặt nghệ thuật. Chàng chỉ xem qua, vì môn này chàng không sành và cũng không thích.
Bỗng chàng thấy có một bức tranh đề Vương Giải Ngữ, nét bút nguệch ngoạc thô sơ như trẻ con. Chàng nhớ tới Vương Giải Ngữ, là một cô nương chàng quen trong một đêm rồi xa nhau tới giờ.
Tuyết Cừu hỏi:
- Gia chủ có bán bức tranh này không?
Lão ngạc nhiên hỏi:
- Công tử thích bức này sao?
Tuyết Cừu gật đầu, nói:
- Tác giả bức tranh này có lẽ trẻ lắm. Bức tranh vẽ vô tình nhưng lại cố ý.
Lão nói:
- Công tử có nhận xét thật tinh tế. Tất cả các người xem và mua tranh, không ai để ý đến bức này. Ý nghĩa của nó là chiếc thuyền con đi trong sóng bão mà vẫn vượt được trở ngại. Vương Giải Ngữ là tệ nữ của lão phu bị mất tích từ hồi năm tuổi, nhân một chuyến vượt biển về quê...
Chàng hỏi thăm qua các điểm chính để nhận diện. Lão trả lời bộ dạng na ná, nhưng còn một vài điểm về những vết tích trên người, chàng chưa được biết qua.
Tuyết Cừu nói:
- Nếu Vương tiểu thư còn tại thế, trong vòng một vài tháng, vãn bối sẽ đưa về đây cho Vương lão gia.
Nghĩ là chàng nói thế để xin bức tranh. Lão nói:
- Đây là kỷ niệm duy nhất của lão phu dù giá bao nhiêu cũng không bán. Với công tử thì lão phu sẽ tặng không cho công tử.
Tuyết Cừu lắc đầu nói:
- Vãn bối không dám nhận không. Nếu có thể được. Vãn bối mượn, chừng vài tháng vãn bối đưa tiểu thư về đây cùng với tranh này.
Chuyện con gái lão còn sống hay không, ai dám tin! Lão nghiêm giọng nói:
- Ta biếu mà công tử không nhận lại đòi mượn thật là kỳ. Nhưng nếu công tử thích quá thì hãy đặt cọc chừng khoảng một ngàn lượng vàng, lão phu sẽ trao ngay. Sau này bất cứ lúc nào đem tranh tới, lão phu sẽ trả vàng lại.
Nhã Thi lật đật nói:
- Bạn của điệt nhi không mang tiền theo, có thể thế một viên ngọc trị giá gấp đôi lần bức tranh, bá bá có nhận không?
Nàng nói xong, lấy ngọc ra dâng lên cho ông. Vương lão soi đèn xem ngọc. Lão khen:
- Viên ngọc này giá cũng đáng liên thành, làm vậy e rằng, bức tranh thất đức quá.
Tuyết Cừu nói:
- Không hề gì đâu. Chỉ cần hỏi người kia có phải là tác giả của bức tranh này hay không là xong.
Lão thấy chàng chất phác nói năng rất có hậu, gật đầu nói:
- Thôi, công tử cứ mượn đi, khỏi phải thế ngọc làm gì.
Chàng lấy bức tranh bỏ vào bao rồi dúi viên ngọc vào tay lão nói:
- Tiền bối cứ giữ lấy vật này, sau hẵng hay.
Chàng tiếp tục xem những bức tranh khác... Chàng lại hỏi mua một bức thứ hai, có tên là Không Sơn. Bức này vẽ hòn núi lơ lửng giữa không gian. Nét vẽ đặc biệt phóng túng, khiến người xem có cảm giác hốt nhập.
Lão nói:
- Bức tranh quái đản mà công tử cũng thích sao? Công tử ưng thì cứ lấy. Công tử trả ta vài lạng là được.
Tuyết Cừu cầm nén vàng đáng mười lượng đưa lão. Chàng rời thư phòng, lòng phơi phới.
Lão nói:
- Mời công tử vào phòng khách để lão phu giới thiệu cho mọi người biết.
Chàng nói:
- Bây giờ cũng đã khuya, bọn vãn bối trở lại thuyền.
Lão quay sang Nhã Thi hỏi han mọi việc.
Tuyết Cừu bỏ ra sân đứng ngắm trời mây, nhưng thật ra chàng đang kết hợp lời của lão say giảng với ý nghĩa các bức tranh qua sự trung gian của khí huyết
Một hồi, Nhã Thi bước ra cả hai cùng trở lại thuyền.
Về đến nơi, Nhã Thi nói:
- Công tử thật hào phóng mà cũng lạ kỳ. Sách và tranh mua ngoài sự tưởng tượng của mọi người. Còn Vương Giải Ngữ, người ấy với tiểu muội cùng một tuổi, biết chết sống làm sao mà công tử dám hứa?
Tuyết Cừu nói:
- Tại hạ trước đây có gặp Vương Giải Ngữ một lần. Hiện nay nàng ở một nơi kín đáo, tại hạ vốn biết nơi ấy. Không lý đời có hai Vương Giải Ngữ. Không ngờ đi chuyến này, tại hạ có lắm điều hay...
Vương Nhã Thi lại hỏi:
- Ở nhà Vương lão bá, công tử ngại gì mà không vào nhà khách?
Chàng đáp cho qua chuyện:
- Trong đó nhiều khách giang hồ phức tạp lắm. Vả lại, tại hạ không quen chỗ đông người. Bây giờ ta nhổ neo đi là vừa.
Chàng nói dứt câu, đã thấy một đám đông người, toàn là những tay giang hồ. Họ gọi:
- Mời Lã... công tử lên nói chuyện!
Tuyết Cừu nói với huynh muội họ Vương:
- Hai vị thấy chưa? May mà nơi đây chứ ở nhà Vương lão gia có phải là gây oán thù với lão gia không?
Chàng nói vói lên bờ:
- Lã Tuyết Cừu sợ gặp quý vị lắm, nên hắn đã trốn rồi.
Một tên chửi:
- Quân cẩu trệ! Chính là ngươi mà ngươi nói trốn rồi. Có chịu lên không?
Tuyết Cừu mang kiếm đứng lên, Nhã Thi kéo chàng ngồi xuống, hối anh mình nhổ neo...
Chàng nghĩ rất nhanh:
- “Ta không thể đi mãi trên chiếc thuyền này được. Nếu đâm chém một trận, lần sau họ sẽ truy sát những người trên thuyền này”.
Chàng đành nhẫn nhục im lặng.
Nhã Thư nói:
- Không ai chịu nổi sự khốn nạn đó đâu! Tại hạ sẽ lên nói chuyện với họ.
Nhã Thư nói xong, phóng mình sang mấy thuyền đậu gần bên rồi vọt lên bờ.
Nhã Thư lên tới nơi đã thấy Tuyết Cừu đứng ở đó tự bao giờ. Nhã Thư nhìn chàng lộ vẻ khâm phục.
Đám giang hồ bao quanh hai người. Tuyết Cừu thấy đủ mặt mười ba bang phái, trong đó khách giang hồ chiếm một nửa.
Chàng nói:
- Cừu mỗ chưa từng giết những người vô tội. Hãy giải tán ngay đi để khỏi tốn xương máu.
Nhưng bọn kia vũ khí đã tuốt ra khỏi vỏ. Một tên nói:
- Lã Tuyết Cừu! Món nợ máu của võ lâm không thể nào bỏ qua được.
Một vài tên hung dữ phóng kiếm tới.
Tuyết Cừu nói:
- Bây giờ cũng chưa muộn, quý vị rút đi là hơn. Tại hạ rút kiếm khỏi vỏ, luôn luôn có sự đổ máu.
Nhưng từ tứ phía, bốn năm thanh trường kiếm đã chồm tới.
Tuyết Cừu lại kiên nhẫn thêm một phen nữa. Chàng chỉ lách người tránh, nhưng càng nhân nhượng họ càng làm tới.
Tuyết Cừu cảnh cáo lần sau cùng:
- Tại hạ vốn là Tiểu Sát Tinh, bình sinh không bao giờ muốn giết người. Nếu quý vị ép quá thì trong đám quý vị không biết ai mang nghiệp đoản số?
Chàng nói thì chàng nghe, đám bát nháo khép vòng vây kín vào. Có người cầm kiếm tay trái, có người sử dụng tay phải, có người sử dụng luôn cả hai tay, vũ khí của họ tự khua vào nhau.
Vương Nhã Thư nói:
- Chư vị anh hùng! Biết bao nhiêu người chết oan uổng trong việc ỷ đông hiếp ít? Làm thế này sao gọi là đạo lý?
Đến lúc này, Tuyết Cừu không còn nhẫn nhục nữa, chàng vỗ kiếm... Chớp người lên thi triển Vô ảnh hình kinh bay vút một vòng ra ngoài, lớp cao thủ giang hồ bên ngoài lập tức ngã xuống năm, bảy tên.
Bấy giờ người các thuyền buôn hò hét cầm vũ khí nhảy lên bờ, đi đầu là Vương Nhã Thi. Họ vừa đến nơi đã thấy đám “hào thịt” kia đã ngã xuống mười mất mạng. Bây giờ một số toan bỏ chạy.
Có tiếng chửi đổng:
- Mấy lão đầu bạc, mấy tên rừng rú bỗng xúi ta vào chỗ chết.
Đám hào kiệt ấy bây giờ chẳng khác gì đàn cá gom hết vào trong một chiếc đảy...
Bên kia, đám thương hồ cũng tập hợp lại, trong tư thế chuẩn bị tấn công.
Hầu hết những kẻ có mặt ở đây đều thấy được cái uy vũ của Lã Tuyết Cừu.
Chàng nói:
- Chư vị! Cừu mỗ đã năm, ba lần không hoàn thủ và can gián, chư vị không nên ỷ chúng hiếp cô, không nên xuất thủ giết người vô cớ. Tuyết Cừu này đã đắc tội gì với chư vị?
Tuyết Cừu quay sang đám khách thương hồ, vòng tay nói:
- Huynh đệ! Chúng tôi rất cảm ơn tấm thịnh của chư vị bằng hữu, mong ngày sau có dịp báo đáp.
Nhã Thi chạy tới nắm tay Tuyết Cừu nói:
- Công tử luôn luôn có sự oan uổng phủ bao. Đã bỏ bộ đi thuyền mà oan nghiệp vẫn theo. Tại nhà Vương lão bá, công tử không xuất hiện, mà vẫn có người nhận ra, rồi kéo tới một cớ sự này.
Tuyết Cừu nói:
- Ta về lại thuyền thôi!
Về đến nơi chàng hỏi:
- Nhị vị còn cho tại hạ đi nữa không?
Anh em họ Vương nói:
- Ít ra chúng ta cũng đã trải qua hai ngày đêm rồi. Hoạn nạn có nhau, cho tới khi nào công tử không muốn đi nữa thì thôi.
Có vài thuyền nhân qua chuyện náo nhiệt vừa rồi, cũng ghé lại thăm và an ủi anh em họ Vương.
Sau đó Vương Nhã Thư kéo neo cho thuyền tiếp tục cuộc giang trình.
Giờ này mới vừa hết canh ba. Nhã Thư lái, Tuyết Cừu chong đèn ngồi nghiền ngẫm bộ Hải triều âm, Nhã Thi lấy vải ra cắt áo quần.
Tuyết Cừu đọc đã hai lần rồi mà không lãnh hội được ý nghĩa uyên ảo của sách.
Sang ngày sau, thuyền đi vào đoạn sông vắng. Hai bên bờ sông là cánh rừng còi bát ngát...
Tuyết Cừu hỏi:
- Thuyền chư vị đi vào những khúc sông vắng này có khi nào gặp cướp đón không?
Nhã Thư hỏi:
- Đoạn này thì không có, nhưng đoạn phía dưới kia thĩnh thoảng người ta cũng gặp. Vì vậy muốn tránh sự rủi ro, họ thường hợp chung với nhau thành một đoàn thuyền mà đi, có khi họ đi theo thuyền của quan quân, hoặc họ mướn đoàn áp tải của một tiêu cực nào đó, ít ai mạo hiểm. Thuyền của tại hạ cũng vậy, không dám đi liều.
Đi suốt một ngày đường không thấy xóm làng gì cả. Gần đến chiếu tối, ba người cùng thấy trên bờ sông có một thiếu nữ đứng gọi thuyền.
Bờ sông cách thuyền hơn một lằn tên, Tuyết Cừu đang cầm lái, chàng hỏi:
- Có nên ghé thuyền vào không?
Nhã Thư nói:
- Nơi đây hoang vắng quá, nếu để cô ta ở lại một mình e bất lợi cho cô ta.
Tuyết Cừu cho thuyền vào bờ. Đến nơi chàng nhận ra, thiếu nữ chính là Vương Giải Ngữ.
Giải Ngữ nhìn Tuyết Cừu ngờ ngợ. Vì một đêm gấp rút trước đây, hai bên tuy gặp nhau nhưng chưa nói với nhau nhiều.
Tuyết Cừu hỏi:
- Vương cô nương còn nhớ tại hạ chứ?
Giải Ngữ lên thuyền rồi nói:
- Công tử là Lã Tuyết Cừu?
Chàng mỉm cười gật đầu và giới thiệu cho mọi người biết nhau.
Chưa ai kịp nói lời gì, Tuyết Cừu bỗng hỏi:
- Hồi năm tuổi, cô nương có một dạo đi thuyền bị bão tố sau đó rồi biệt gia đình đến giờ phải không?
Giải Ngữ bỗng u sầu, nói:
- Quả thật? Nhưng làm sao công tử biết?
Tuyết Cừu lại hỏi:
- Hồi nhỏ tiểu thư thích chơi tranh và vẽ tranh lắm phải không?
Nàng gật đầu, đáp:
- Đúng rồi. Đêm ta gặp công tử chưa nói được lời gì, lần này gặp lại, đột nhiên công tử biết được việc quá khứ của ta?
Nhã Thi nói:
- Tỷ thử nhớ lại hồi nhỏ tỷ thường chơi với cô bé tên Vương Đoan chăng?
Giải Ngữ nói:
- Tới nay ta cũng không biết song thân ta tên gì. Nhưng anh em Vương Đăng, Vương Đoan thì ta chơi rất thân. Nhưng sao cô nương lại biết việc này?
Nhã Thi nói:
- Tiểu muội là Vương Đoan đây, còn đây là gia huynh Vương Đăng. Nay nhà tiểu muội không còn ở chỗ cũ nữa, mà là ở Tần Hoài. Còn hai ngày đường nữa thì tới nơi.
Bây giờ hai bên đã xác nhận ra có sự liên hệ gia tộc với nhau, họ lại chụm đầu kể chuyện đời xưa.
Tuyết Cừu im lặng đóng vai thính giả.
Chuyện vãn một hồi, Giải Ngữ hỏi:
- Sao Lã công tử lại lưu lạc tới đây?
Tuyết Cừu có vẻ xa vắng:
- Rất mệt mỗi trong vai trò một nhân vật giang hồ. Tại hạ bỗng nhiên chán đời. Sao cô nương lại bỏ Sầm lão sư và Bí Tàng cung mà đi.
Nàng nói:
- Bí Tàng cung có một sự thuyên chuyển người. Cha con Phùng Kỵ và Phi Quỳnh đang trên đường đi tìm Phi Loan. Cha con Thuần Vu Oanh Oanh đến Mê cung giữa đường gặp một lão say chân lại...
Tuyết Cừu á một tiếng, hỏi:
- Có việc gì xảy ra?
Nàng nói:
- Lão say ấy bị Thuần Vu Sanh và Oanh Oanh đánh cho một trận tơi bời.
Lão say vừa chạy vừa chửi. Cha con Thuần Vu đuổi theo, thấy khoảng cách gần như vậy mà họ đuổi cho đến mệt vẫn không kịp. Thuần Vu tiền bối dừng lại. Lão say tiếp tục moi bảy đời công nghiệp của họ Thuần vu ra chửi. Hai bên xáp đánh một trận dữ dội, lão say lại chạy. Họ đuổi nhau cho đến khi gặp cha con Lý Di Niên, Đà Tử, Phi Loan, Bạch La Phiến, Từ Nam Phủ, Mộc Thúy Hương, Vương Giải Ngữ, Sầm lão sư, Hoa Như Tuyết. Họ đang cụng đầu nói chuyện thì lão say điểm huyệt ta và vác ta đến đây, không một ai hay biết.
Lã Tuyết Cừu hỏi:
- Bây giờ lão say đâu?
Nàng nói:
- Lão đưa ta đứng đây đón ngươi và nhờ ngươi giải giùm mấy huyệt của ta do lão điểm.
Tuyết Cừu bắt mạch một hồi, nói:
- Tam tiêu kinh, phế kinh bị bế. Tại hạ biết chỗ ấy rồi.
Chàng dùng chân lực đả thông hai kinh này, một hồi Giải Ngữ cử động thoải mái.
Nàng nói:
- Với trình độ này, công tử đã trở thành đệ nhất cao nhân. Riêng ta nghĩ, lão say là một tuyệt đại cao nhân, xuất quỷ nhập thần, ngươi có tin không?
Tuyết Cừu không đề cập tới chuyện đó. Chàng đốt đèn lên và lôi bức tranh kia ra, nói:
- Cô nương có nhớ lại đây là bức tranh của cô vẽ không?
Nàng ngắm nghía một hồi rồi bật cười, nói:
- Chính ta vẽ đó. Đáng lý ta để là “Ưng vô sở trụ”, nhưng ta lại không muốn mình làm một tiểu bồ tát, đành để Vương Giải Ngữ, lấy hồn và tên của tác giả thay tên tranh. Nhưng sao ngươi lại có bức tranh này?
Nhã Thi thuật lại mọi việc từ đầu đến cuối.
Giải Ngữ đưa tay lên ngực nói:
- Tạ ơn cao xanh, tạ ơn Túy lão tiền bối, tạ ơn chư vị. Như vậy là tiểu nữ sắp tới buổi trùng phùng rồi.
Nhã Thi hỏi:
- Bây giờ tỷ tỷ có muốn quay lại không?
Giải Ngữ nói:
- Nếu nhà ở gần đây thì cũng nên ghé lại, nhưng đã quá xa thì thôi, chờ đến Tần Hoài rồi hẵng hay.
Họ cho thuyền chạy, vừa nhâm nhi rượu vừa nói chuyện mãi đến khuya, thuyền tới một đoạn sông.
Tuyết Cừu nhớ ra nơi này, chàng và Tuyết Minh đã gặp bọn cướp do nhà Nam Mã Nguyện và Tu Kim Thọ chủ trương.
Chàng nói:
- Nơi đây thường xảy ra trộm cướp trên sông lắm.
Nhã Thư cười:
- Khách thương hồ sợ nhất là nơi này. Nghe đâu đám cướp đó đã giảm bớt.
Bỗng lúc đó, từ hai bên bờ sông, có mấy chiếc thuyền chèo ra như bay...
Tuyết Cừu ngửa mặt lên trời than:
- Lại đổ máu nữa rồi.
Bốn chiếc thuyền cướp và chiếc thuyền buôn đụng nhau.
Tuyết Cừu dưa mắt quan sát, thấy bên phía trái một thiếu nữ điều khiển, nhìn kỹ đó là Nam Mỹ Cơ. Phía bên phải là... Tu Kim Thọ.
Vương Giải Ngữ đứng bên phải, Lã Tuyết Cừu đứng bên trái.
Tuyết Cừu nói:
- Mỹ Cơ! Cô đã từ giã Báo Tinh mà làm nghiệp này sao?
Mỹ Cơ gặp Tuyết Cừu, nàng sững sờ một hồi, bỗng hét lớn:
- Ngươi đã giết phụ thân ta, có lý nào ta không dám giết ngươi.
Tuyết Cừu ôn tồn nói:
- Trong cái thế chẳng đặng đừng, nếu tại hạ không ra tay, thì hơn mười người ở đó sẽ giết tại hạ ngay. Trong đó có mẫu thân của cô nương nữa.
Mỹ Cơ nhảy thóc qua thuyền múa kiếm tấn công Tuyết Cừu. Còn đám người trên các thuyền cướp thấy chàng như thấy mặt hung tinh, chúng không dám nhảy sang mà đứng đó xầm xì.
Bên kia Tu Kim Thọ ra lệnh:
- Đục thuyền chúng ngay! Đúng là độc chước của mụ.
Tuyết Cừu nói nhỏ với Giải Ngữ:
- Bà ấy là vợ Lý Di Niên...
Nàng nói:
- Ta biết cả rồi.
Giải Ngữ nói:
- Nếu tên nào nhảy xuống sông, thì mụ là người bị ta giết trước. Ngoài ra, sẽ không còn tên nào sống sót.
Lời chắc nịch ấy khiến cho không một ai dám nhảy. Trong lúc đó, Mỹ Cơ vừa nhảy sang đã bị Tuyết Cừu điểm huyệt rồi.
Chàng an ủi:
- Dù sao cô nương cũng vẫn là nhân vật chánh phái. Tại hạ có bao giờ muốn làm tổn thương cô nương? Xin hãy cho hai thuyền kia lui lại.
Mỹ Cơ ngồi xuống khóc rống lên thê thảm... Nàng đau đớn vì thân phận đen đúa của mình.
Tuyết Cừu cảm thấy tội nghiệp cho nàng. Chàng giải huyệt cho nàng rồi nói:
- Hãy can đảm và bình tĩnh mới sáng suốt.
Bên kia Nam Kim Thọ cũng án binh bất động.
Vương Giải Ngữ nói:
- Tu phu nhân! Chỉ một tay bà mà hại không biết bao nhiêu người. Thật sự bà đã giết chồng và hại con, bà còn hại nhiều gia đình khác buôn bán trên sông. Hai đứa con của Lý Di Niên nghe tin bà như vậy một người đã tự sát, một người nữa phát điên. Hắn thường thả thuyền xuôi ngược qua lối này, giả làm một công tử hào hoa để được gặp bà, không chừng bà đã giết hắn rồi.
Tu Kim Thọ bỗng ối lên một tiếng rồi từ từ ngồi xuống... Bà ôm đầu lảo đảo...
Vương Giải Ngữ nói tiếp:
- Lý Yến Phi bây giờ nửa điên nửa tĩnh, ta gặp nàng một lần cũng ngay tại đây. Trước đó nàng sắp bị thất tiết trong tay Thần quân, may nhờ Bí Tàng cung cứu được. Nói trắng cho bà hay, Mỹ Cơ là cô gái đoan trang nhất, nhiều lần cũng bị nổi cơn điên vì bà. Bà sống mà tâm địa độc ác như vậy sao không tự xử lấy? Đến khi trời đất xử thì còn độc gấp trăm ngàn lần bà độc.
Tu Kim Thọ bỗng ngã ngửa ra trên sàn thuyền. Bên đây, Mỹ Cơ cũng thẫn thờ ngồi xuống, khi nghe kể lại một thảm kịch như vậy. Nàng không cần biết mẫu thân của nàng còn sống hay chết.
Bỗng nàng hét lên một tiếng rồi phóng mình xuống sông, trong lúc nước đang cuồng cuộn chảy.
Lã Tuyết Cừu vì đang theo dõi tấn kịch của Kim Thọ là chân hay giả, nên không kịp phản ứng, thì Nhã Thư đã phóng mình nhảy theo. Chàng lặn quờ một hồi ôm xốc nàng và bơi lại thuyền.
Thuyền vẫn lướt đi trong đêm...