Dịch giả: Phạm Bích Liễu, Vũ Thu Hà
Chương 44
Nhà ngục Temple.

Fouché chuyển một tập giấy cho ngài Tổng tài thứ nhất.
Ông vội vã cầm nó lên, lật qua một số câu hỏi thủ tục, chuyển ngay sang trang thứ tư.
Hỏi: Ông ở Paris từ bao giờ?
Đáp: Cách đây năm, sáu tháng. Tôi không nhớ rõ thời điếm.
Hỏi: Ông đã trọ đâu?
Đáp: Không đâu cả.
Hỏi: Mục đích đến Paris của ông là gì?
Đáp: Tấn công ngài Tổng tài thứ nhất.
Hỏi: Dùng dao găm à?
Đáp: Không, dùng vũ khí như đội cận vệ của hắn.
Hỏi: Ông giải thích xem nào.
Đáp: Tôi dùng sĩ quan của tôi đã đếm kỹ các cận vệ của Bonaparte, họ có ba mươi người. Tôi cùng hai mươi chín người của mình sẽ chiến đấu giáp lá cà với họ sau khi chăng dây cản đường ở Champs-Élysées. Cuối cùng, bằng quyền lợi chính đáng và sức mạnh từ lòng can đảm của chúng tôi, Chúa sẽ phán xét phần còn lại.
Hỏi: Ai là người đến Pháp cùng làm nhiệm vụ này với ông?
Đáp: Các hoàng thân. Một trong số họ lẽ ra phải đến gặp chúng tôi ngay khi tôi thông báo các điều kiện đủ để đạt đến mục đích của mình.
Hỏi: Những người nào thường gặp ông ở Paris?
Đáp: Cho phép tôi không trả lời ông. Tôi không muốn tăng thêm số nạn nhân nữa.
Hỏi: Pichegru có vị trí gì trong kế hoạch tấn công ngài Tổng tài thứ nhất không?
Đáp: Không. Ông ta không khi nào muốn nhắc đến chuyện này.
Hỏi: Nhưng nếu việc tấn công của ông thành công, ông ta có thuận hành động vì lợi ích cái chết của ngài Tổng tài chứ?
Đáp: Đó là bí mật của ông ta chứ không phải là của tôi.
Hỏi: Giả sử vụ tấn công của ông thành công, dự định của ông và của các đồng phạm khác là gì?
Đáp: Đưa nhà Bourbon thay vị trí ông Tổng tài.
Hỏi: Thế người nào nhà Bourbon đã được chỉ định?
Đáp: Louis-Xavier-Starnilas, chúng ta vẫn biết ngài là Louis XVIII.
Hỏi: Như vậy, kế hoạch đã được thoả thuận và được thực thi trong sự đồng thuận với các ông hoàng nước Pháp phải không?
Đáp: Đúng thế, thưa công dân thẩm phán.
Hỏi: Như vậy, ông đã đồng loã với những cựu hoàng tộc?
Đáp: Đúng, thưa công dân thẩm phán.
Hỏi: Ai cung cấp tiền và vũ khí cho các ông?
Đáp: Tôi có tiền để dành từ lâu, còn vũ khí thì chưa có.
Bonaparte giở sang trang khác nhưng không thấy gì. Bản hỏi cung kết thúc ở đấy.
- Dự định của Georges thật là phi lý hết sức - ông nói - Định ám sát tôi bằng số người như đoàn tuỳ tùng của tôi ư?
- Ngài đùa à! - Fouché nói với nụ cười chế nhạo - Người ta đâu có muốn ám sát ngài. Người ta chỉ muốn giết ngài. Đó là trận chiến Ba Mươi, một kiểu đọ gươm thời trung cổ có thêm quân hộ tống.
- Đấu gươm với Georges à?
- Ngài chẳng cũng muốn đấu với Moreau không cần ai chứng kiến đó thôi.
- Moreau là Moreau, ông Fouché ạ. Đó là một đại tướng quân, một người đánh chiếm các thành trì, một kẻ thắng trận với cách làm biên giới nước Pháp rộng ra, việc nghỉ hưu của ông ta được coi như Xénophone. Trận Hohenlinden đã đưa ông ta ngang tầm với những tướng Hoche hay Pichegru, trong khi đó Georges chỉ là thủ lĩnh của bọn kẻ cướp một dạng Spartacus của Bảo hoàng mà thôi, một kẻ mà để chống lại hắn, người ta chỉ cần tự vệ chứ không chiến đấu, đừng quên điều đó, ông Fouché ạ.
Nói xong, ngài Bonaparte đứng dậy để ám chỉ cho Fouché biết công việc của ông ta đã xong.
 
Hai tin kinh hoàng về việc hành quyết công tước Enghien và vụ tự sát của Pichegru vừa khiến Paris xôn xao cách nhau chỉ vài ngày. Cũng phải nói việc hành quyết tàn bạo một người khiến người ta khó tin người kia tự tử được. Nhất là trong nhà ngục Temple, nơi giam giữ hầu hết các phạm nhân, tin này còn gây ra những ảnh hưởng đáng sợ hơn và lời dự đoán của ngài Réal với Savary lúc Pichegru chết đã trở thành sự thật: "Chúng ta có chứng minh việc tự tử của ông tướng này cũng vô ích, chúng ta không thể ngăn mọi người cho rằng chính chúng ta đã xiết cổ ông ấy".
 
Tôi đã đưa ra ý kiến của mình, một ý kiến hoàn toàn chủ quan về cái chết của vị tướng đó, bây giờ sẽ chính đáng hơn khi đưa ra ý kiến của những người sống trong cùng nhà tù với kẻ chiến thắng Hà Lan. Họ đã xét ở một góc độ nào đó, tham dự vào một cuộc đời rất đỗi vinh quang nhưng cũng không ít chông gai của ông ta.
Chúng ta sẽ lần lượt nghe những tù nhân sống gần phạm vi ấy nói về sự việc này. Đó là một người mà chúng ta chưa nhắc đến tên lần nào, một người có ảnh hưởng đen tối lên cuộc đời Pichegru, kẻ bán sách người Thuỵ Sĩ tên là Fauche-Borel, người đã chuyển lời mới đầu tiên từ hoàng thân Condé đến ông và đã bị bắt và đưa vào Temple ngày 1 tháng Bảy năm ngoái.
Nhà tù này lần lượt đón các tội phạm: Moreau, Pichegru, Georges và tất cả tòng phạm trong vụ đại phản loạn như Joyaut, bí danh Villeneuve, Roger tức L’oiseau, và cuối cùng là Coster-Saint-Victor. Coster-Saint-Victor được các cô nàng xinh đẹp lẳng lơ che giấu nên thoát được sự truy lùng của cảnh sát khi mỗi tối đổi một chỗ ở. Khi được hỏi, Fouché đã nói: Các ông hãy cho một người biết mặt hắn theo dõi ngoài cửa tụ điểm vui chơi Frascati và các ông sẽ không mất ba ngày là tóm được hắn ra vào nơi này.
 
Quả nhiên ngày thứ hai, Coster đã bị bắt.
Vào thời điểm công tước Enghien bị bắt, tại Temple đã có 107 phạm nhân và nhà tù không còn chỗ cho công tước nữa. Từ đó đến trạm gác cách 5 giờ đồng hồ, người ta đành tìm tạm một chỗ để ông chờ cho đến khi có bản án cuối cùng. Tôi đã kể lại cái chết của công tước Enghien. Bây giờ, tôi xin nhắc lại là có không chỉ một người ở Temple, về tinh thần, cho là Pichegru bị ám sát.
Fauche-Borel không những khẳng định Pichegru bị siết cổ mà còn chỉ ra kẻ đã làm chuyện ấy. Ông ta đã viết năm 1807 như sau:
"Tôi khẳng định vụ ám sát do người có tên là Spon, quân nhân đội quân tinh nhuệ, thực hiện cùng hai kẻ gác cửa khác, một đã chết hai tháng sau vụ việc đó, người kia tên là Savard bị nhận diện là một kẻ tàn sát tháng Chín năm 1792”.
Các tù nhân khác càng chịu tác động trong niềm tin Pichegru bị sát hại và bị tiêm nhiễm suy nghĩ người ta siết cổ Pichegru khi thấy tướng Savary mặc quân phục đại lễ kèm theo bộ tham mưu đông đảo kéo đến gặp Georges Cadoudal. Trong khi ấy, Georges vừa cạo râu xong, đang nằm trên giường, hai tay bị xích đặt lên bụng. Hai nhân viên hiến binh gác ông ta đã hoàn tất cái việc tra tấn nho nhỏ mà người ta quy định ấy. Tất cả bộ tham mưu vội vã vào phòng Georges. Nhìn họ đều gấp gáp tận hưởng cái hoàn cảnh ủ dột của viên tướng Bảo hoàng, con người mà về phần mình đang gắng chịu đựng sự hiện diện của họ. Cuối cùng, sau mười phút kiểm tra và thì thào to nhỏ, tất cả lại cuốn gói đi ra y như lúc họ vội vã đi vào vậy.
- Thế cái đám quần áo diêm dúa ấy là gì thế? - Georges hỏi một vệ binh.
- Đó là em của ngài Tổng tài thứ nhất - Một trong số tháp tùng tướng Savary và đám tham mưu của ông ta đáp.
- Hẳn rồi- Georges nói - Các vị còng tay tôi là tốt lắm.
Tuy thế, biên bản cũng dần dần hoàn thiện và việc dự thẩm đang ở những bước cuối cùng. Nội quy trong Temple cũng có phần lơi lỏng hơn. Người ta để cho các phạm nhân được ra khỏi phòng và tụ tập trong vườn. Nhưng như thế không có nghĩa việc vượt ngục là dễ dàng. Savary là người có quyết định cao nhất trong nhà tù Temple, và dù có ghét các phạm nhân điều đó không ngăn việc anh ta thường xuyên đến đây nhiều hơn mức cần thiết.
Một hôm, vừa ra khỏi phòng giam, Moreau giáp mặt anh ta nhưng tự ông ta đã quay lưng và đóng cửa lại.
Với tướng Moreau, không có điều gì lạ và cảm động hơn là các cử chỉ tôn kính sâu sắc của tất cả lực lượng phục vụ trong nhà tù: mọi người đều ngả mũ và chào ông theo kiểu nhà binh. Nếu ông ngồi xuống, mọi người nhanh chóng vây quanh và chờ xem ông muốn với gì, họ yêu cầu ông kể lại những trận đánh khiến ông thành đối thủ của Bonaparte và đặt ông lên trên các tướng lĩnh khác. Mọi người đều biết, chỉ cần ông ra lệnh, họ sẽ mở cửa Temple thay vì đóng chặt. Ông có được một ân huệ trong đời đó là được phép gặp vợ con. Ngày nào người mẹ trẻ cũng đem con đến thăm ông. Thỉnh thoảng, người ta còn mang đến cho Moreau loại rượu vang Clos-Vougeot hảo hạng. Ông chia cho tất cả những người bị ốm thậm chí cả những người khoẻ mạnh. Cũng cần kể thêm rằng những tù nhân chơi bóng, khi đã nóng lên cũng được coi như bệnh nhân, nhận những ly rượu Clos-Vougeot. Điều phân biệt Georges và các phạm nhân khác là vẻ tươi vui và vô tư của họ. Họ chơi hết mình, ầm ĩ như đám học trò trong giờ ra chơi, trong số đó phải kể đến hai thanh niên đẹp trai và hào hoa phong nhã nhất Paris là Coster de Saint-Victor và Roger tức Oiseau.
Một hôm Roger đang nóng khi chơi bóng bỏ chiếc khăn quấn cổ ra, Saint-Victor nói với anh ta:
- Cậu có biết là mình cócái cổ đẹp như Antinous không?
- Thực ra - Roger đáp - Cùng đáng để khen nó lắm, chỉ tám ngày nữa là nó bị chặt rồi.
Chẳng bao lâu, tất cả đã sẵn sàng cho việc đưa phạm nhân ra trước toà trình điều tra đã lên tới năm mười bảy người, họ đã nhận lệnh chuẩn bị để đưa sang Conciergene.
Cả nhà tù đã mang một sắc thái hoàn toàn mới. Phấn khởi khi thoát khỏi thời kỳ cầm tù, đối với một số người sẽ là thoát khỏi phần cuối cuộc sống, tất cả đều hát rống lên khi chuẩn bị cất hòm rương, buộc tay lại, tư trang lại, người thì hát hò, người thì huýt sáo, ai có thể làm ồn thế nào thì ra sức làm thế ấy, nỗi buồn và nghĩ ngợi chỉ dành cho những ai ở lại Temple.
 

Truyện Hiệp Sĩ Sainte Hermine Giới thiệu Chương 1 Chương 2 Chương 3 Chương 4 Chương 5 Chương 6 Chương 7 Chương 8 Chương 9 Chương 10 Chương 11 Chương 12 Chương 13 Chương 14 Chương 15 Chương 16 Chương 17 Chương 18 Chương 19 Chương 20 Chương 21 Chương 22 Chương 23 Chương 24 Chương 25 Chương 26 Chương 27 Chương 28 Chương 29 Chương 30 Chương 31 Chương 32 Chương 33 Chương 34 Chương 35 Chương 36 Chương 37 Chương 38 Chương 39 Chương 40 Chương 41 Chương 42 Chương 43 Chương 44 Chương 45 Chương 46 Chương 47 Chương 48 Chương 49 Chương 50 Chương 51 Chương 52 Chương 53 Chương 54 Chương 55 Chương 56 Chương 57 Chương 58 Chương 59 Chương 60 Chương 61 Chương 62 Chương 63 Chương 64 Chương 65 Chương 66 Chương 67 Chương 68 Chương 69 Chương 70 Chương 71 Chương 72 Chương 73 Chương 74 Chương 75 Chương 76 Chương 77 Chương 78 Chương 79 Chương 80 Chương 81 Chương 82 Chương 83 Chương 84 Chương 85 Chương 86 Chương 87 Chương 88 Chương 89 Chương 90 Chương 91 Chương 92 Chương 93 Chương 94 Chương 95 Chương 96 Chương 97 Chương 98 Chương 99 Chương 100 Chương 101 Chương 102 Chương 103 Chương 104 Chương 105 Chương 106 Chương 107 Chương 108 Chương 109 Chương 110 Chương 111 Chương 112 Chương 113 Chương 114 Chương 115 Chương 116 Chương 117 Chương 118 Phần II - Claude Schopp Chương 119 Chương 1 Chương 2 Chương Kết