Chương 5
Chàng trai trong tiệm băng hình

Tôi chỉ ao ước có một người như vậy. Châm một điếu thuốc trong gió, đặt vào môi tôi.
Hàng đêm, ngắm nhìn tôi già đi...
Một lúc nào đó, chúng tôi từng ôm chầm lấy nhau, ngỡ rằng có thể quên được cái hoang vu của thế giới.
Rồi tạnh mưa. Anh mặc quần áo, bỏ đi. Trời săp sáng rồi. Tôi ngủ.
Tất cả chẳng qua chỉ là vậy. Chẳng qua chỉ la vậy mà thôi.
Tháng sáu, gặp Cận Khả. Một thanh niên Bắc Kinh. Tốt nghiệp Khoa đạo diễn Học viện Điện Ảnh, từng đạo diễn vài bộ phim nhỏ mang tính thử nghiệm. Anh muốn chuyển thể tiểu thuyết của tôi.
Tôi biết khi viết về thế giới này báo chí thường có thói quen gắn thêm định ngữ "mới mẻ, sắc bén". Nhưng tôi chưa từng xem phim của những người này làm. Tôi không thích những dạng phim như vậy. Quá chú trọng kỹ thuật, lạm dụng mô phỏng, cố gắng làm mọi thứ nổi bật để được mọi người chú ý. Không hề có bất kỳ sức mạnh nào.
Những phim tôi thích, chẳng hạn khi xem The Big Blue, giữa chừng không ngừng đi tới đi lui, làm những việc vặt. Nấu mì, pha cà phê, đi toa lét, lên mạng xem có bạn bè trên đó không. Có lúc, tựa vào ban công hút một điếu thuốc.Bộ phim đó rất dài, cũng phải tới 120 phút. Nhưng một số cảnh cứ đọng mãi trong ký ức. Không cần phải tập trung cao độ. Không cần giải thích. Chỉ cần khẽ đẩy sẽ như một miếng thuỷ tinh đâm thẳng vào mắt. Rất đau và để lại vết sẹo.
Tôi không biết Cận Khả đang làm phim gì. Chúng tôi gặp nhau trong tiệm cà phê. Khoảng mười giờ sáng.
Đó không phải là thời gian thích hợp. Vì tôi thường chợp mắt lúc sáng sớm, tận trưa mới thức dậy. Hôm đó không kịp ăn gì đã phải vội vàng chạy tới tàu điện ngầm, thế mà vẫn muộn nửa tiếng. Tiệm cà phê vẫn chưa đến giờ cao điểm, vắng tanh, rất yên tĩnh. Vừa đẩy cửa bước vào đã thấy một chàng trai đầu tóc trọc lóc ngồi một góc.
Anh mặc áo phông đen, quần bò đen, giầy thể thao đen. Trên chiếc ghế bên cạnh đặt một chiếc túi da đen rất to. Tôi đi thẳng tới, nói với anh, Cận Khả phải không? Tôi là Kiều. Ánh mắt lộ rõ vẻ kinh ngạc. Cũng không có gì lạ. Độc giả của tôi vẫn luôn tưởng rằng tôi là một cô gái thành phố thời thượng với áo tơ trễ ngực, môi tím và ánh mắt phiêu diêu. Nhưng lần nào tôi cũng xuất hiện với thần sắc mệt mỏi, ăn vận lộn xộn, như thể một cô nữ sinh chạy từ khu ký túc xá ra. Tôi kêu suất đúp Espresso và bánh gatô socola, rồi rút thuốc Hồng Song Hỷ ra hút.
Anh mất hai phút ngắm tôi ăn bánh trong dáng trễ nải. Rồi mất tiếp ba phút lục lọi túi xách lấy ra một cuốn tiểu thuyết của tôi đã xuất bản. Cuốn tiểu thuyết đó nghe nói đã bị in lậu rất nhiều, được bán với giá rất bèo trong trường học và trên các quầy sách vỉa hè. Anh nói, Tôi không hiểu cô lắm, nhưng được nghe rất nhiều người nói họ thường đặt cuốn sách này bên gối. Trước khi ngủ nhất định phải đọc vài trang mới yên tâm đi vào giấc ngủ.
Tôi nói, Tôi rất vui khi được nghe tin này. Tôi chưa từng thần thánh hoá văn học. Nhưng bất kỳ tác phẩm nào cũng không thể xa rời độc giả cả trong lý trí lẫn tình cảm. Coi thường độc giả chỉ khiến họ không biết phải theo ai. Tiểu thuyết hay phải như một liều thuốc tốt, ngại gì một liều morphin, có thể an ủi hoặc cứu giúp.
Thế còn điện ảnh?
Điện ảnh cũng vậy. Đầy ắp tưởng tượng, xa rời hiện thực.
Cô có vẻ theo chủ nghĩa bi quan?
Tôi chỉ là một người có thói quen đi vào chỗ bế tắc trong hư vô, cũng giống như một loại bệnh thần kinh. Tôi cười, cảm giác mình đang đùa bỡn anh ta.
Điện ảnh có thể diễn đạt nổi hư không?
Không cần diễn đạt, chỉ cần thể hiện. Hư vô tồn tại trong thời gian, trong hơi thở, trong những chiếc lá rơi trong gió, một trang giấy trắng, một giọt nước... vạn sự vạn vật.
Cô có nghiên cứu thiền giao không?
Đối với chúng tôi, thiền quá xa vời, không tểh nắm bắt được. Hơn nữa trong thực tế, chúng ta chạy khắp nơi kiếm ăn và chốn nương thân. Nghiên cứu cũng chỉ là muốn cảm giác của mình được bình tĩnh hơn mà thôi.
Đột nhiên, tôi hơi thất vọng. Từ một cậu nói hoặc một tình tiết rất nhỏ, tôi luôn phán đoán ra một mùi gì đó. Có lẽ anh ta không thuộc thể loại của tôi. Ánh mắt và thần kinh của anh ta không nhạy cảm, cũng không có cảm giác sốt ruột vốn có của một người nhạy cảm. Người nhạy cảm thường cần chạy trốn. Đeo kính đen, đi du lịch xa, ru rú trong nhà... đều là cách cả. Rất nhiều người đang sử dụng. Cũng không mới mẻ gì, nhưng là nhu cầu tâm lý. Cận Khả là một đạo diễn giỏi có thể điều khiển được mọi việc, nhưng lại không phải là một nhà điện ảnh khiến người khác phải rung động. Nhà điện ảnh giỏi dù chỉ thiết kế được một vệt sáng rơi trên mặt bàn cũng cần phải có suy nghĩ và thái độ riêng của mình đối với thế giới. Anh ta có thể mô phỏng hoặc học hỏi những ưu điểm của người khác, làm ra một bộ phim thương mại thật ăn khách, nhưng sẽ không hiểu được tiểu thuyết của tôi.
Anh ta làm thế nào để quay được một người đàn ông vì tình dục và trống rỗng rong ruổi dưới đường hầm thành phố suốt ngày đêm. Nó thuộc về ảo giác, trầm luân và giải thoát của một người đàn ông. Khi tôi viết về người đàn ông này, tôi nhìn thấy bàn tay của anh ta. Những móng tay dài tỉa tót, cứ nắm chặt lại. Chỉ khi cô độc hoặc làm tình với phụ nữ, các ngón tay của anh ta mới có sức sống. Tay anh kẹp thuốc lá, vuốt ve làn da trơn bóng, lùa vào mái tóc dài, thấm cả mùi máu tanh, lau khô những giọt lệ, thổi gió... Cuối cùng bàn tay của anh giã từ thành phố này và tình yêu 10% cuối cùng còn sót lại của anh.
Nhưng trong phim, anh ta chỉ là một gã điển trai, mặt mũi vô cảm. Anh giống như một con rối xuyên qua đám đông và ánh nắng sôi sục của thành phố.
Chúng tôi bàn về một số ý tưởng rồi chia tay ở tiệm cà phê. Tôi nói với anh, Tôi cần phải suy nghĩ. Không làm thì thôi, đã làm phải làm cho tới nơi tới chốn. Đối với tôi, không có thời gian biến chất. Không ai cho tôi thời gian. Anh ta đáp, Tôi biết. Cô là người theo chủ nghĩa toàn mỹ.
Anh ta đưa cho tôi tấm danh thiếp. Tôi nhét vào túi quần bò.
Đơn độc lượn lờ trên đường Hoài Hải mãi đến khi trời tối mịt mới quay về tàu điện ngầm.
Thành phố lặng dần sau khi bị hơi nóng nung chảy. Trên ga tàu điện ngầm chật kín người. Có thể giết rất nhiều thời gian tại các quầy sách và tiệm tạp hoá gần đó Có một dạng máy chụp ảnh tự động, chỉ cần nhét tiền vào đó, có thể tự chụp mình. Rất nhiều người đang giải trí ở đó, làm mặt quỷ hoặc ra vẻ phớt lạnh. Chụp tấm hình đen trắng bé xíu, dán lên nắp điện thoại, lên cốc nước. Tôi cũng là một kẻ tự yêu mình, thường tìm bóng mình trên tấm kính các cửa tiệm khi đi ngang qua, cho tới khi đâm sầm phải cột điện. Rất nhiều người trong thành phố đều dễ có cảm giác cô đơn.
Mua một chai Hồng trà tại một quầy hàng nhỏ. Người Nhật mời Audrey Hepburn làm quảng cáo cho trà. Đó là cô công chúa mặc áo trắng váy sợi bông đi vào dân gian trong phim Kỳ nghỉ La Mã. Vào những năm cuối đời, bà được Liên hợp quốc mời làm Đại sứ từ thiện, nhiều lần sang châu Phi tổ chức các hoạt động nhân đạo và cứu trợ. Năm 1993, chết vì bệnh truyền nhiễm.
Tôi không thích người có cuộc đời quá tròn trịa. Cũng không thích những người có dung nhan quá đẹp không chút khiếm khuyết. Không thích những người có tính cách cứng nhắc không có gì có thể lay chuyển nổi. Cuộc đời của con người phải phong phú và có khiếm khuyết. Khiếm khuyết là cửa ra của linh hồn.
Mang theo Hồng trà chen vào toa. Khi xuyên qua những đường hầm tối om, toa tàu phát ra những tiếng kêu xé tai bởi va chạm kim loại. Ga Quảng trường Nhân dân là một ga có hành khách đông nhất. Cửa vừa mở, người ùa vào như sóng nước đen ào ào. Phần lớn đều là người ngoại tỉnh, vác theo đám hành lý bẩn thỉu, toả mùi rất lạ. Đầu tóc họ rối bời, mặc quần áo lỗi thời và nặng mùi. Mặt mũi xám xịt. Co cụm lại bên đám hành lý, nín thở. Tàu điện ngầm sẽ tiễn họ ra nhà ga xe lửa, tiễn họ rời thành phố này.
Họ đã từng sống trong thành phố rộng lớn này. Bán quẩy rán trên các quầy điểm tâm sáng, làm mỳ kéo và bánh màn thầu, chuyển gạch trong các công trình xây dựng... Người nào cũng bán thời gian và cơ thể để sinh tồn. Ngay cả đám trí thức làm việc trong các toà lầu cao cấp cũng vậy. Họp mười mấy tiếng đồng hồ chỉ có thể tranh thủ làm một bát mỳ gói ăn tối, nhận đống tiền lương cao ngất, để rồi ra sức mua thật nhiều đồ trên đường Hoài Hải an ủi sức lao động đã bỏ ra.
Chúng ta mang theo nỗi dục vọng mạnh mẽ và mù quáng. Có thể đạt được điều gì, cũng có thể chẳng được gì. Đa số mọi người đều sống rất vất vả nhưng không kiếm được chỗ đứng. Có lúc tôi nghĩ như một khoảng cách bị chú ý đột nhiên cứ kéo dài vô tận, xuyên qua thành phố, qua những lớp không khí. Từ không trung nhìn xuống, nó chỉ là một tinh cầu màu xanh cô độc và chậm rãi. Mỗi người đều đi trên những tuyến đường định sẵn. Chỉ có một số người có thể ngoại cảm mới thấy bất an. Nhưng có nhìn chúng ta thì sao nào?
Tàu điện ngầm đã tới trạm cuối. Ga xe lửa Thượng Hải. Băng qua đường ngầm, tới quảng trường đèn đóm sáng choang.
Trong tiệm tạp hoá nhỏ bên quảng trường, mua một chiếc bánh hamburger và một tờ bào vừa xuất bản. Nó cung cấp mọi thông tin mới nhất về mọi chốn ăn uống giải trí của thành phố. Bao gồm nội dung thập cẩm của âm nhạc, internet, thời trang, ẩm thực, làm đẹp, tiểu thuyết tình ái, điện ảnh, tin tức, và kinh tế... Nhưng tôi mua nó chỉ vì tranh hoạt hình và trò đố chữ. Tôi cầm tờ báo, vừa cắn bánh vừa băng qua đường và đám đông.
Ở một góc cạnh bậc lên xuống của cầu vượt, một người đàn ông chân trần đứng co ro trong gió lạnh. Anh mặc áo sơ mi và quần tây. Áo khoác rúm ró vứt dưới đất. Bộ đồ màu xanh da trời thẫm, trên túi có nhãn rất bắt mắt. Anh đang gập người xuống đất, bên dưới là một đống đồ nôn mửa. Vì nơi đó không có ánh đèn nên không nom rõ mặt, chỉ thấy nước da trắng bạch, như một xác chết. Nhưng lại gần, dường như cả người vẫn có những co giật khe khẽ và gián đoạn.
Nhiều người đi qua anh ta. Chân lướt nhanh hơn, không ai giảm bước. Không khí ô nhiễm bởi bụi xám và khói xe giao thoa cùng mùi mồ hôi chua nồng toả ra từ xác thịt. Mọi người đều vội vã rảo bước trong hốt hoảng. Một người đàn ông trung niên béo lùn dừng lại, tay xác một chiếc cặp đi làm. Anh ta vòng quanh người đàn ông đang nằm trên đất nọ, rồi nhệch miệng ra cười với tôi. Nói, anh ta chích ma tuý. Không cứu được đâu. Rồi bỏ lên trên cầu vượt.
Tôi lại ngồi tàu điện ngầm tới quảng trường Nhân Dân. Ánh đèn các toà nhà trong đêm thật rực rỡ. Trèo lên bậc thềm bên cạnh bồn cỏ, ngồi xuống uống nốt chỗ Hồng trà. Hút một điếu thuốc trong đêm tối. Nhằm thẳng thùng rác ném mạnh chiếc vỏ chai rỗng. Nó đập phải miệng thùng sắt, kêu đánh "coong" một cái, làm giật mình một đôi bạn tình đang thân mật trong lùm cây. Tôi nhảy xuống bậc, bên cạnh không người, chậm chạp rời khỏi quảng trường.
Đêm hè lấp lánh ánh sao, hỗn loạn và trĩu nặng. Đó chính là đêm hè ở thành phố. Trống rỗng như vậy. Hết thuốc chữa. Tôi vươn vai, kêu lên một tiếng như loài chim, rồi co giò chạy qua đường.
Mùa hè là thời kỳ tôi mất ngủ. Bắt đầu từ tháng sáu, chỉ cần ngồi trước máy tính, tôi đã có cảm giác buồn nôn. Bên ngoài quá nóng, không thể đi đâu nổi. Việc có thể làm chỉ là ngủ và đọc, và không ngừng làm đồ ăn cho mình.
Đơn độc trong phòng hết 24 giờ lượt này tới lượt khác. Cảm giác ý thức dần mất đi trọng lực. Mọi thứ đều không thể dựa dẫm nổi. Không khí là sự tĩnh mịch được lặp lại. Thầm nghĩ nếu chia tách người mình vẫn có thể duy trì được sự thay đổi, tôi có thể cảm nhận được linh hồn và thể xác, giống như các cánh hoa sau khi xoè nở, giống như tế bào chuyển động và sinh sôi. Phương hướng duy nhất chỉ là tăng tốc đến cái chết.
Lúc mất ngủ thường lên mạng. Mạng là minh chứng tốt nhất của việc khoa học kỹ thuật đem lại lợi ích cho con người. Có rất nhiều thứ thú vị. Một nữ sinh cấp ba Thượng Hải tự viết thư tình cho mình. Đàn ông Bắc Kinh vừa chụp được tấm hình con gái vừa sinh gửi luôn lên mạng. CÒn có tiểu thuyết tình ái, đọc miễn hí. Bạn cũng có thể lên đó mua đồ, yêu đương, tán phét, chửi nhau, lấy nhau, tâm sự, làm tình, đánh bài, đánh cờ, nghe nhạc... Lúc nào cũng có người lạ trên khắp thế giới cùng xuất hiện trên mạng. Chào hỏi bạn. Tranh giành bạn. Nói với bạn rằng họ yêu bạn.
Trên trang đàm luận chính của tôi, đọc được một bài về chòm sao tuổi. Đầu đề là Mặt xấu của chòm sao Cự Giải.
Những người thuộc chòm sao này một nửa trong sáng, một nửa tăm tối. Ở đây chỉ nói tới kẻ thuộc vế sau.
Họ thiếu cảm giác an toàn. Sự cô độc thời thơ ấu thường khiến họ thấy hoảng sợ vô cớ, nóng giận thất thường. Họ quen nhớ về quá khứ, thích lịch sử, sưu tầm, viện bảo tàng và chính trị. Họ thích quay phim. 90% nh người này đều có máy chụp hình. Họ thích những phim đau buồn, có thể nhớ rõ từng chi tiết.
Họ bẩm sinh đã bi quan. Thích chửi mắng người khác, tính tình kỳ quặc, đột nhiên chui vào cái vỏ bảo vệ. Sau khi bị tổn thương, họ rất hiếm khi phản công lại, chỉ biết vứt bỏ. Chạy trốn là thói quen của họ. Đối với những khát vọng của mình, họ thường đẩy sang một bên trước, hầu như chẳng ngó ngàng để rồi lại đột ngột lao tới chúng.
Họ không có năng lực thích nghi mạnh mẽ, nhưng lại có khả năng cảm nhận trời phú.
Họ tự coi mình là trung tâm, biết cách tự bảo vệ. Người quan tâm tới mình nhiều nhất là chính mình. Họ sợ hãi nhất nỗi cô đơn, nhưng lại định trước cô đơn.
Họ thường bị ốm (thể chất không tốt do quá chú ý tập trung vào những thứ trên người).
Họ có rất nhiều bí mật. Họ đem con người thật của mình giấu kín trong cái tĩnh mịch của màn đêm và trong tiếng cười sảng khoái lúc ban trưa...
Phim Nhật, phim châu Âu, phim nghệ thuật của Hồng Kông, Đài Loan, Vương Gia Vệ, Trần Quả, Quan Miên Bằng, Diệp Miên Hồng, Thôi Doãn Tín, Lý Tử Kiệm, Cao Đạt...
Thường mặc một chiếc váy màu hồng đã giặt tới bạc phếch, một đôi dép gỗ, đi đứng lảo đảo, ôm chiếc hộp đựng đĩa DVD đi trên đường tới tiệm băng hình. Tôi làm một chiếc thẻ thuê đĩa, gần như ngày nào cũng tới. Tiện đường sẽ mua một tờ "Xem phim", tìm hiểu danh sách phim ăn khách khắp thế giới. Hạnh phúc rốt cuộc vẫn đầy ắp thiếu hụt. Cuộc sống bình lặng nhạt nhẽo, chẳng có kỳ tích gì xuất hiện.
Tôi phải đi về phía trước theo con phố. Băng qua siêu thị, tiệm hoa, cột bán báo, tiệm giặt, chợ thực phẩm, tiệm bánh kem, rồi rẽ trái, đi vào một cái ngõ cứ nhỏ hẹp dần. Ở đó bắt đầu có những cây long não dầy đặc đứng thành hàng, toả ra mùi hương nhẹ nhức mũi. Giữa những tiệm nhỏ ken dày và vụn vặt, có một gian gỗ quét sơn đen. Trên cửa có một tấm biển gỗ, viết số "1937" bằng phấn trắng.
Tiệm đó do bốn người bạn chung nhau cùng mở, "1937" là các tháng sinh của họ ghép lại với nhau. Thường trực ở quán là Trác Dương. Chàng trai có chòm sao Song Ngư. Một thanh niên Thượng Hải hai mươi bảy tuổi. Có lúc anh nhận hợp đồng làm phần mềm. Nhưng đa số thời gian đều ở tiệm.
Tiệm không lớn, xếp thành hàng từng kệ sát màu đen. Bên trái để phim nghệ thuật châu Âu và các phim cổ. Bên phải là CD nhạc cổ điển và nhạc Rock, ở giữa để một số DVD và băng video. Phần lớn DVD đều là phim nghệ thuật châu Âu, không có lấy một bộ phim thương mại Hollywood. Bốn mặt tường dán đầy poster phim, gần cửa sổ kê một cái bàn dài bằng gỗ thông, bên trên đặt tám chậu xương rồng hình thù quái dị. Đèn là loại đèn lồng dán giấy trắng. Trên kệ báo ở cửa ra vào bày tạp chí "Âm nhạc cực đoan", "Các ca khúc thông dụng", tờ "Thực tiễn" của Bắc Kinh, còn có tạp chí Hồng Kông "Âm nhạc thực dân". Tiệm thuộc dạng hút hàng ở Thượng Hải.
Trác Dương mặc áo phông đen rộng thùng thình, quần bò cũ và giầy thể thao. Tóc cắt ngắn, và sạch sẽ. Khuôn mặt ôn hoà.
Tôi rất chú ý tới từng khuôn mặt lạ có để đem lại cho tôi trực giác. Trên một số gương mặt có thể thấy rõ những nếp nhăn tàn tạ. Một số gương mặt khác lại dệt thêm cái bóng của thời gian. Một số khác lại là nước mưa và ẩm ướt theo năm tháng. Có một số gương mặt chỉ có ánh nắng rạng rỡ.
Trong tiệm luôn bật nhạc. Anh thích Hoàng Huy Minh. Chiếc đĩa "Rõ như ban ngày", giọng nam ca đầy sức hút. Anh xin thể với trời xanh, tìm một bình nguyên rộng lớn, không cần gạch, không cần mặc, cùng em, yêu đương hạnh phúc...Trác Dương còn khẽ hát theo, vừa bận rộn đăng ký sổ sách, thu tiền, hoặc dùng giấy tái sinh bọc CD làm quà tặng cho học sinh mang về. Quầy thu tiền của anh không phải là loại vừa cao vừa nhỏ, hẹp, khum tròn thường thấy trong các tiệm băng hình. Đó là một cái tủ gỗ thông có nhiều ngăn kéo nhỏ. Ngăn kéo có núm kéo làm bằng dây thừng nhỏ. Trên tủ bày một bình sứ đỏ, trong đựng đầy kẹo. Khách quen biết đều có thể tìm được kẹo hoa quả và socola trong đó. Những lúc chờ đợi đều thò tay vào bốc kẹo. Trác Dương nói, Trong này có vận may của ngày hôm nay.
Anh giới thiệu cho tôi rất nhiều CD hay. Anh khuyên tôi nên nghe nhiều nhạc. Số ca sĩ tôi thích rất ít, PJ Harvey, Tori Amos, Canberries, Cocteau Twins, Bjork, Sade, cai sĩ trong nước chỉ thích Vương Phi. Trác Dương giới thiệu tôi một số ca sĩ nước ngoài dạng rock nặng, The Cure, U2 và Bon Jovi. Anh nói, Âm nhạc phẫn nộ có thể nhắc nhở ta luôn duy trì sự tỉnh táo.
Anh có một cô bạn gái tên là Dương Lan. Một cô gái Thượng Hải xinh đẹp. Bạn thời đại học. Sau khi tốt nghiệp, làm thư ký cho một công ty có vốn đầu tư của Nhật Bản. Cô thường đến vào hai ngày nghỉ cuối tuần. Ở đó ăn hoa quả, xem phim suốt buổi chiều.
Chúng tôi quen nhau rất nhanh. Tôi thưởng ở đó rất lâu. Có lúc còn giúp anh trông hàng khi anh ra ngoài có việc. Tôi ngồi sau chiếc bàn gỗ thông, vừa hút thuốc vừa ngắm đám người ra vào tiệm. Phần lớn khách đều là học sinh của các trường học xung quanh hoặc sống trong khu này. Mùi cơ thể và tóc của nam thanh nữ tú trẻ trung đem lại cảm giác hơi trúc trắc. Tôi trò chuyện với họ, khi giúp họ mở đĩa và gói lại đều ngắm đôi mắt trong veo và nụ cười của họ. Những ngày tôi sống biệt lập, xa rời đám đông đã quá lâu rồi. Mùi người lạ khiến tôi hưng phấn.
Họ đều rất trẻ, có đôi mắt khó tiíh, không thích nhẫn nại. Họ xem rất nhiều phim, lại càng không thể kiên nhẫn hơn với thế giới này.
Có lúc, chúng tôi cùng ăn trưa. Thường gọi cơm hộp gần đó. Ngồi trên ghế băng nhỏ, hai người chụm đầu lại ăn cơm. Trong hộp cơm có rau, canh, nấm, trứng và sườn. Tôi đổ sườn vào hộp cơm của anh, lấy lại chỗ nấm trong đó. Ăn xong ngắm ánh nắng mùa hè rực rỡ chính ngọ. Con chó lười biếng tản bộ dưới nắng vàng. Cây long não trút một lượt cánh hoa khắp đất trong gió. Tiệm tràn ngập mùi hương của lá cây. Chúng tôi hút thuốc, uống coca đông lạnh. Tiệm vắng tanh, không còn ai vào.
Anh vẫn nghe nhạc của Hoàng Huy Minh. Gã đàn ông diêm dúa, có giọng ca đẹp như đường tơ, khiến người ta phải căng thẳng. Anh ta hát ca khúc Bốn Mùa, Ngày đỏ vờn mạ xanh, Chim về báo ngày xuân, Ai thích nằm mơ, Vừa sực tỉnh, Bướm đậu trên giường rập rờn bay đi, Thuyền nhẹ trôi dưới cầu... Rồi anh lại bật Kirorro của Nhật, một giọng ca cao vút và gần như trong suốt đang hát, Kỳ diệu thay, cuối cùng tôi đã yêu được một người. Anh luôn giả bộ không có chuyện. Những lời anh muốn nói, chắc gì em đã muốn nghe... Tôi rủ, Khiêu vũ đi, Trác Dương. Anh đứng dậy, nhìn tôi cười. Anh nói, Thế để bật một ca khúc nhảy đã. Mở bài sáo Ireland mà em thích nhé.
Trong tiệm vắng tanh. Ánh nắng lay động từng cụm một. Một điếu thuốc vẫn gài trên tay tôi. Đôi môi anh mỏng mảnh, những đường nét rõ ràng và ấm nóng. Tôi nhìn anh, khẽ đưa mặt tới, tựa vào bờ vai anh. Chiếc áo phông đen rất mềm, toả ra mùi mồ hôi đàn ông thoang thoảng. Khi chúng tôi tách rời nhau, điếu thuốc trên tay đã trở thành một vệt tàn dài màu xám. Đã vài lần, giữa hè đột ngột có cơn mưa sầm sập kéo tới, rơi ào ào.
Như vậy đấy. Tháng sáu, tôi có một người bạn. Là một chàng trai có chòm sao tuổi Song Ngư mở một tiệm băng đĩa, có âm nhạc, có cây xương rồng, có kẹo. Có cả bạn gái nữa. Nhưng không thường xuyên lui tới. Tôi ở đó giúp anh tưới cây, lau bàn, quét nhà, có lúc xem bộ phim Windes Paris ở Philadenphia một mình. Vừa xem vừa khóc trong tiếng nhạc buồn và đôi mắt xanh. Lúc tôi quệt nước mắt bằng mu bàn tay, Trác Dương cười ha ha đi tới nói, Đúng là cô ngốc. Rồi che mặt tôi lại bằng bàn tay to của anh.