Anh nói, Đợi ở đây, Nam Sinh. Đợi bố về. Rồi anh đứng dậy bỏ đi.Mùa đông năm đó. Nam Sinh còn nhớ rõ. Nam Sinh và bố cùng ngồi xe đường dài hơn mười tiếng đồng hồ, từ thị trấn Phụng Kiều tới thành phố N. Tết âm lịch sắp đến. Đó là một ngày trước giao thừa.Đây là lần đầu tiên con bé được nhìn thấy thành phố. Bến ô tô chật cứng xe khách đường dài vừa bẩn vừa cũ kỹ. Trên nóc xe chất đầy hành lý. Xung quanh chật cứng đám hành khách đang chen chúc chờ đợi đón xe về ăn Tết. Họ ngồi xổm xuống các hàng ăn vặt gần đó, ngả vào các bao hành lý gà gật, đánh bài, đen sì như một bầy chim di cư đang tạm nghỉ. Một hồi loa lanh lảnh vang lên thông báo đã có xe, khiến cả đám người rùng rùng đứng lên, xách bao lớn bao nhỏ tranh nhau xông tới, giống bầy chim táo tác bị vỡ đoàn.Xích lô, xe đạp, xe buýt chen chúc trên đường, không ai chịu nhường ai, tranh nhau bấm còi inh ỏi. Một phụ nữ xách giỏ bị xe quẹt phải. Trong giỏ có khoai tây, cà rốt bị đổ ụp xuống đất bùn. Cô ta gào thét chửi bới, quỳ cả xuống đất vội vã nhặt khoai tây, đựng vào vạt váy. Tay và mặt cô dính đầy bùn. Cô căm hận nhổ một bãi nước miếng xuống đấy. Vô số bàn chân rối bời lướt qua người cô.Tay của Nam Sinh được một bàn tay đàn ông nắm chặt. Những ngón tay nhỏ và trắng trẻo của nó co quắp trong bàn tay rộng lớn và ấm áp của người đàn ông. Con bé đang đi về phía trước. Mùa đông ở phía Nam rét cắt và ẩm ướt. Dưới chân là nước dính bùn. Những giọt mưa to lạnh buốt cứ quất thẳng vào mặt, chui tọt vào cổ áo. Nó co rúm lại, nín thở. Nó mặc chiếc áo khoác bông kẻ nhung và quần bông chấm hoa.Chiếc khăn choàng hình tam giác có viền hoa màu hồng đào bịt chặt cổ và nửa dưới khuôn mặt, chỉ còn hở ra đôi mắt. Đôi mắt rất đen. Đen sẫm. Hình cánh hoa, loang loáng nước. Ánh nhìn luôn kinh ngạc và dịch chuyển, kèm theo cả những hốt hoảng. Ánh mắt vẫn chưa lớn, nhưng đã ẩn chứa cái đẹp và nỗi hoang vắng. Ánh mắt hoang vắng của một cô bé con.Họ ra khỏi bến xe, tới con đường kín đặc hàng quán hai bên. Ở đó bán đầy thức ăn, đồ uống, túi giả vali, đồ biển khô của thành phố duyên hải. Không khí ô nhiễm và tanh nồng nặc. Họ lê bước khó nhọc trong giá lạnh, như thể băng qua một dòng sông mênh mang mãi không tới bờ.Người đàn ông ngừng bước bên đường, nhấc bổng Nam Sinh qua lớp hàng rào, đặt xuống khoảng đất bên kia. Ở đó chất đầy rác rưởi và xe đạp, không có người và xe chạy qua. Chỉ có nước mưa đọng trên các tấm ván, lạnh lẽo nhả xuống từng giọt, giận giữ quất lên mắt của Nam Sinh. Con bé lui lại, cố sức mở to đôi mắt bị nước làm nhoà.Người đàn ông ngồi xuống, đối mặt với nó. Lúc này mới nhìn thấy rõ gương mặt của anh. Trang phục kiểu Trung Sơn bằng vải kaki màu xanh, tóc rối bời. Vì vợ chết và áp lực cuộc sống, trông anh luôn u uất. Đó là một khuôn mặt của người đàn ông trung niên nhẫn nhịn mọi xót thương. Dưới cằm phân bổ một ít chân râu xanh tượng trưng cho cuộc sống đã mất hết ý nghĩa. Ánh mắt anh cẩn thận như những ngón tay anh, khẽ khàng và mềm mại như những ngón tay anh, khẽ khàng và mềm mại vuốt ve khuôn mặt con gái.Anh hỏi, Nam Sinh, con có đói không?Tiệm nhỏ ven đường phả ra mùi thơm và hơi nóng của bánh màn thầu mới. Mùi thức ăn như mồi lửa, làm cháy bùng cái dạ dày. Nam Sinh ra sức gật đầu. Người đàn ông cười. Nụ cười u uất nhưng thoáng một cái đã tan rất nhanh,.Anh nói, Đợi ở đây, Nam Sinh. Đợi bố về. Rồi anh đứng dậy bỏ đi.Đôi mắt đen của Nam Sinh dõi theo bóng của bố đang dần băng qua dòng xe và đám bộ hành chen chúc. Bộ đồ xanh của anh như một chiếc lá xanh khẽ run rẩy. Cái dáng trĩu nặng, câm nín. Lồng màn thầu hấp đối diện bên đường vẫn đương toả khói nóng nghi ngút, gió lạnh thổi tấm vải của tiệm kêu phần phật. Tiếng rao hàng không ngớt réo rắt: Màn thầu nóng đây, màn thầu mới hấp đây...Đúng lúc đó, con bé cảm nhận được hạt tuyết trong mưa. Từng hạt tuyết li ti lạnh lẽo gõ lên mặt con bé. Nó ngửa mặt, nhìn bầu trời xám xịt như một gương mặt bị thương, nín thở, tuyết bay mênh mang. Một đàn chim đen lướt qua. Chúng chậm chạp vỗ đôi cánh ướt, phát ra những tiếng gù gù. Chúng bay từ hướng Tây Bắc sang hướng Đông Nam, thân hình uyển chuyển như đám cánh hoa bị toã tượi. Nam Sinh dõi mắt theo đàn chim, cảm thấy hoa tuyết đang tan ra bên môi thấm trượt trên da thịt. Nó cởi khăn choàng, để lộ khuôn mặt lạnh cóng tới trắng bệch. Khuôn mặt của Nam Sinh hoang vắng và thánh thiện. Con bé ngửa mặt ngắm đàn chim dần bay xa.Đối diện bên đường, người cha vẫn đang đứng ngoài cửa tiệm, thò tay lôi từ túi vải ra một cái ví được làm bằng khăn mùi xoa kẻ ô nhỏ. Anh lấy ra một tờ tiền giấy, rồi bọc lại cẩn thận, lận kỹ lại vào túi.Người bán hàng quàng tạp dề trắng dùng giấy bọc một cái màn thầu nóng, đưa cho anh. Người đàn một tay xách bọc, một tay cầm màn thầu, quay người lại chuẩn bị qua đường. Những món tóc của anh bị nước mưa đánh ướt cứ dính bết vào trán. Đôi mắt tiều tuỵ và đáng thương.Bố sắp về rồi. Nam Sinh cứ nhìn đăm đắm vào anh. Cái bóng của người đàn ông mặc đồ xanh đứng bên đường trong tuyết bay và tiếng huyên náo cứ phóng to dần trong đồng tử đen sẫm của Nam Sinh, rồi đột ngột đông cứng lại. Mãi tới khi không còn dấu vết gì nữa.Ba phút sau, người đàn ông đó đã rời bỏ thế giới của Nam Sinh.Trong cuộc sống, ngoài cái tên của của mình ra, những thứ còn lại bạn đều nên tự chọnMẹ nói với Nam Sinh, Chỉ là một tấm hình đen trắng thôi.Tám hình treo trên tường nhà bà ngoại ở thị trấn Phụng kiều. Đó là tấm hình đám cưới của hai bố mẹ. Cô gái trong hình tết tóc đuôi sam dài, mặc áo bông in hoa, trên mặt nở nụ cười trong sáng. Đôi mắt cô giống hệt mắt Nam Sinh. Còn người bố năm đó trẻ trung, tuấn tú, cũng nở nụ cười rạng rỡ và tràn trề sức sống như vậy. Nhưng những ký ức về mẹ giờ chỉ là một mảnh đất hoang tuyết phủ dày. Mùi của mẹ, làn da của mẹ, tiếng nói và nụ cười của mẹ.. tất cả đều không nhìn thấy.Người bố dạy tiểu học trên thị trấn. Anh từ thành phố tới, hưởng ứng lời hiệu triệu của thời đại, đem hết lòng nhiệt tình tới vùng sơn cốc hẻo lánh này. Người đàn ông thông minh có số phận thật nghiệt ngã. Người ẹm là cô con gái đầu lòng xinh đẹp của ông chủ nhà, rất thông cảm với chàng trai thầm lặng và có phẩm chất cao quý này. Cô thông cảm tới mức đã dẫn tới hôn nhân.Một năm sau khi kết hôn, con gái ra đời nhưng người vợ bị chết. Cuộc sống đã hoàn tất cái vòng tuần hoàn của nó. Để lại người đànông ương bướng không chịu thoát khỏi cái vòng sắp đặt của số mệnh. Năm Nam Sinh hai tuổi, người bố cầm giấy xác nhận cho phép quay về thành phố được đóng chi chít dấu đỏ, rời bỏ vùng đất đau thương, quay về thành phố.Nam Sinh còn nhớ một cái giường gỗ cũ kỹ. Đó là cái giường kiểu cổ ở thị trấn nhỏ Giang Nam. Bên trên khắc chạm nhiều hoa văn nhỏ rườm rà, treo một tấm ri đô vải thêu. Cái màn đã cũ tới ố vàng vẫn chưa được tháo xuống. Bên trên bám đầy mạng nhện và bụi bẩn lưu cữu lâu năm, cứ mỗi khi gió thổi qua lại rào rào bay xuống. Chiếc giường được đặt trong căn phòng lớn, trống trơn, chưa từng được sử dụng.Trong phòng còn chất đầy lương thực tích trữ, làn mây, củi giả và nhiều đồ dùng khác. Khô khốc, tối tăm. Hiếm hoi lắm mới có những vệt nắng xọc qua kẽ hở trên nóc nhà lọt xuống phòng. Ánh sáng rực rỡ khiến đám bụi nô nức nhảy múa, rọi chiếu lên chiếc giường gỗ ủ dột. Bà ngoại không cho phép Nam Sinh được đụng tới chiếc giường đó vì xác của mẹ con bé đã từng quàn trên đó. Cô đã đẻ ngay trên chiếc giường cưới. Sau hai ngày hai đêm vật lộn với tử thần, cuối cùng mẹ cô vẫn phải ra đi vì bị nhiễm trùng và mất máu quá nhiều.Nam Sinh không nhớ rõ những ngày tháng được bà ngoại ôm vào lòng cho bú tới khi khôn lớn. Cuộc đời luôn bất hạnh là vậy. Chỉ mang sức sống kiên cường mới có thể trưởng thành. Còn nhớ lúc nhỏ không hiểu sự đời, chạy chơi lung tung khắp nơi, thích nhất được lại gần chiếc giường đó. Bà ngoại đi giặt quần áo ở khe núi, Nam Sinh một mình trông nhà, ngắm mặt trời lặn dần trên tường để lại cái bóng. Rồi con bé chạy vào căn phòng trống vắng lặng, vắt lại cái màn bị rủ xuống, vuốt ve tấm dát giường trụi thùi lụi. Chăn đệm đã được lột đi hết, tấm dát giường bốc lên mùi ẩm mốc. Góc bên trái tấm dát giường có một vệt máu mờ dù đã được cọ rửa và phơi nắng.Lúc mẹ chết, máu thấm đẫm cái chiếu như nước hồ. Đó là một mùa hè oi nực. Một sớm tinh mơ tháng bảy, bầu trời xanh thẫm như đám nhung tơ bị cắt vụn. Bố từ thành phố đang đi vội vã trở về trên con đường trên núi. Anh vừa đi vay tiền bên bố mình. Trên đường nhìn thấy ánh sao sáng lấp loé trong sơn cốc, giống như những hạt lệ to tướng. Anh linh cảm thấy thât bất lực. Cuối cùng Nam Sinh cũng chào đời, nhưng tiếng kêu đau đớn của người mẹ lại bật ra những cơn sóng nóng bỏng mãnh liệt, kết cục chỉ để lại một đám máu. Nam Sinh tin rằng đó là manh mối duy nhất mà mẹ nó để lại. Máu là vật chất gần gụi nhất với sinh mạng, là thứ dịch thể dinh dính và thơm ngọt, toả ra mùi tanh thuần khiết. Máu là cái chết, là sự ra đời, là vỡ nát, là hoà hợp, là đổi mới... Máu là minh chứng cho sinh mạng. Người bố ôm Nam Sinh, nước mắt giàn giụa.Từ nhỏ, Nam Sinh lớn lên bên cạnh bà ngoại. Bà ngoại goá bụa từ trẻ, có ba con gái. Hai cô lấy chồng xa. Một người đã sớm bỏ bà ra đi. Vì lòng đầy đau khổ, bà rất tin Kitô giáo. Bà là một phụ nữ trầm tĩnh, da trắng. Trên mái tóc ngắn gọn gàng của bà thường kẹp một cái cặp tóc bằng thuỷ tinh xinh đẹp. Tuy chỉ là một nông dân, bà trồng các loại hoa trà, hoa thái dương, hoa lan và cây dành dành trong vườn nhà và trên ban công. Những lúc hoàng hôn, bà nấu một nồi to dưa hấu và khoai lang, nuôi con lợn cái to nhất đàn, còn nuôi một số gà vịt nữa. Bà rất khéo tay, biết làm bánh nếp rất ngon, tự mình rang lạc và hạt hướng dương, biết làm khoai tây rán và kẹo gạo bông. Đây là những món ăn vặt thông dụng ở nhà quê.Vào các chủ nhật, bà lại đưa Nam Sinh đi mấy chục dặm đường núi, tới nhà thờ trên thị trấn làm lễ. Mục sư là bác sĩ chân đất trong thị trấn. Đó là một người đàn ông trung niên thấp lùn nhưng ôn hoà. Nụ cười trên mặt bao gồm cả ánh nhìn của cha đều trong vắt. Lối bày biện trong nhà thờ rất đơn giản, nhưng khi giảng đạo, cha vẫn kiên trì mặc áo lễ. Chiều mùa hè, căn phòng giáo đường ngột ngạt hơi nóng, cửa sổ đều mở toang, hiếm hoi lắm mới có trận gió sẽ lùa vào. Rất đông người tụ tập dưới bục giảng. Kéo đàn, hát thánh ca, đến lượt mục sư giảng đạo, ban phước lành cho mọi người. Nam Sinh lúc đó còn rất nhỏ, không hiểu được những lời rao giảng đó, nhưng con bé rất thích nụ cười và chất giọng tươi sáng của cha khi hát.Nó chơi với mấy đứa trẻ khác trong một góc giáo đường. Góc giáo đường có vết bùn phủ rêu xanh. Trên nền đất ẩm ướt nở rộ mấy bông hoa dại màu tím, còn dăm con bướm thỉnh thoảng đậu lại. Khi mọi người cầu nguyện, lễ cũng gần kết thúc. Cầu nguyện xong, mục sư khám bệnh cho mọi người. Cha tự bốc thuốc Đông y cho các con dân trong tiệm thuốc của mình.Có lúc, bà làm lễ xong cũng lên xin khám bệnh, bốc thuốc. Về tới nhà, trời đã tối mịt. Con đường núi tĩnh mịch không một bóng người, chỉ có cái bóng thăm thẳm của sơn cốc và ánh trăng nhợt nhạt rọi xuống con đường đá cát. Nam Sinh mệt rồi, nó áp lên lưng bà ngoại ngật ngưỡng ngủ. Bà kể chuyện cho nó, toàn những truyền thuyết kỳ bí trong Thánh kinh. Thần thánh linh hiển như thế nào, giúp đỡ các tín đồ trong khó khăn ra sao, Nam Sinh nhìn thấy trời đầy sao, từng ngôi sao vừa to vừa sáng, rực rỡ trong màn đêm xanh thẫm. Thoang thoảng mùi bùn ruộng trong gió.Nam Sinh bé bỏng cứ ngỡ cuộc đời được che chở, không gặp phải bất kỳ nỗi khiếp sợ nào. Tuy có một người đã được chỉ định vắng mặt trong cuộc đời con bé. Không ai có thể thay thế nổi.Nam Sinh trải qua những tháng ngày thơ ấu ở thị trấn nhỏ. Nó trèo lên sơn cốc sâu tìm hoa lan rừng. Xem kịch trong nhà thờ. Đi theo người lớn vào núi đốn củi, bới khoai tây, nhặt cà chua, gieo đậu. Lùa đàn vịt đi ăn cỏ. Bắt cá, tôm, cua trong khe sâu nước trong vắt có thể nhìn tới đáy. Mùa hè đi đưa nước và bánh lúa mạch ra đồng cho những người tới gặt giúp bà. Giúp bà phơi lúa, thu thóc trên sân. Có lúc buổi tối có chiếu phim, con bé ăn xong, vội vàng cầm chiếc ghế đòn gỗ ra sân phơi xí chỗ.Nó thường leo lên núi một mình. Núi cao nhất thôn là Đại Khê Lãnh. Muốn lên núi phải đi hết một con đường rất dài và heo hút. Nhưng Nam Sinh vẫn thường nghe thấy một âm thanh tựa trong lòng kêu gọi nó tới đó. Một mình nó leo lên đụn cỏ dại cao ngất. Trèo tới được nửa đường, giữa lưng chừng núi có một cái miếu rách nát, bên trong có hai hình tượng Phật được khắc từ đá. Trên bàn đá bầy sẵn hoa quả đã khô quắt và những gốc nhang thơm đã cháy trụi. Nam Sinh đứng trong bóng khuất quan sát tượng Phật, cảm thấy chúng có một cái uy thật kỳ lạ. Nó không hiểu tại sao có một số người cầu kinh ở nhà thờ, một số người lại thờ Phật trong miếu nhỏ. Nhưng nó bắt đầu tin rằng có một sức mạnh nào đó có thể đủ sức thống trị và bao dung nỗi khổ và bất lực của con người. Bao gồm cả cái ngớ ngẩn của nó.Trên đỉnh núi vắng hoe không một bóng người, yên tĩnh như thể bị vây bọc bởi số kiếp. Chỉ có bầu trời xanh màu bích, tiếng gió rì rào và ánh sáng trắng rờ rỡ. Rừng cây trong gió cứ xào xạc. Nam Sinh có tính cô độc bẩm sinh nên không chút sợ hãi trước trời đất hoang vụ. Con bé ngồi trên một tảng nham thạch trên đỉnh núi và hét lên. Một mình nghe tiếng của mình nhanh chóng rơi tõm trong gió. Một cụm mây trắng lớn lờ lững trôi ngang. Tít tắp ngoài tầm mắt vẫn là núi non trập trùng giăng kín. Nhìn xuống thôn nhỏ biến thành những chiếc hộp xếp đống hoặc phân chia rải rác trong khu vực quanh đám núi. Thôn trang lúc hoàng hôn đã bắt đầu bảng lảng khói bếp. Bà ngoại đang đứng trên nóc nhà lớn tiếng gọi nó.Thời thơ ấu của Nam Sinh độc lập trong chất hoang sơ như thế. Còn đọng lại trong ký ức con bé là cuộc sống tự do, tình thương ấm áp, thiếu hụt tình cảm, đối thoại với thiên nhiên và thần thánh, cảm nhận về sức mạnh của kiếp người.Bố tới thị trấn thăm Nam Sinh rất gián đoạn. Bởi bố đã chuyển hộ khẩu về thành phố, vào làm việc trong một xí nghiệp sản phẩm dệt.Gian khó trong cuộc sống khiến người ta không thể thốt nổi thành lời. Thế là Nam Sinh luôn thấy bố trầm lặng không lời. Bố luôn mặc bộ đồ Trung Sơn vải kaki màu xanh lam, đi giầy vải đen, ngực áo cài một cái bút máy mực xanh đen. Mỗi lần xuất hiện, bố lại ngồi hút thuốc dưới cây hoa dành dành. Khi nhìn thấy Nam Sinh liền khẽ cười, nhổm dậy, mang theo chút đau buồn.Bố mang váy đẹp và kẹo sữa bò từ thành phố tới. Ở lại một đêm rồi lại vội vã đi. Tối đó, bố ngồi cả đêm trên chiếc giường gỗ trong phòng lớn. Im lặng không một tiếng động, không một âm thanh. Chỉ có ánh trăng lành lạnh nhợt nhạt rọi chiếu vào. Nam Sinh thấy cái bóng của bố thật u uất. Có lúc đôi vai ông rung bần bật, như đang khóc vậy. Nam Sinh nhìn bố, không rõ tại sao, rất muốn đi tới. Bà ngoại lặng lẽ lại gần, lấy tay bịt miệng Nam Sinh, ôm nó quay lại giường.Bà ngoại khẽ nói, Đừng làm phiền bố. Bố đang nói chuyện với mẹ.Nam Sinh thắc mắc, Mẹ làm thế nào nói chuyện với bố được? Mẹ không có tiếng mà.Bà ngoại nói, Mẹ con nói chuyện với bố qua Đức Kitô. Nào, chúng ta cùng quỳ xuống cầu nguyện nào.Nam Sinh mặc váy ngủ cùng bà ngoại quỳ xuống cái đệm bông bên cạnh giường. Cầu nguyện là việc con bé rất đỗi quen thuộc. Lúc ăn cơm phải làm dấu cám ơn, buổi sáng và buổi tối phải quỳ bên giường cầu nguyện. Đầu gối của Nam Sinh đụng phải cái thành giường lạnh lẽo. Nghe rõ tiếng bà lầm rầm đọc kinh trong đêm tối. Tiếng của bà nhỏ dần. Rồi bà bật đèn. Nam Sinh thấy bà chùi nước mắt ứa ra bên khoé mắt.Sáng sớm hôm sau, bố đã dậy sớm lên đường. Bố cõng Nam Sinh đi trên con đường nhỏ giữa đồng còn mờ sương. Nam Sinh vùi đầu vào cổ bố, ngửi thấy mùi của bố toả ra từ da thịt và quần áo. Giống mùi lá cây khô và ấm. Bố lên xe ở bến xe, dùng ánh mắt mình vuốt ve con gái hết lần này tới lần khác. Bà ngoại giục. Chào bố đi chứ. Nam Sinh vẫy tay với bố. Bố gật đầu. Không cười. Cũng không nói với con bé câu nào. Chỉ có ánh mắt xót xa sâu thẳm, ủ ê vô hạn. Ô tô trên con đường núi ngày càng khuất xa rồi mất hút trong đám sương mờ mù mịt.Sau đó, có một ngày, bố gửi tới một lá thư. Trong thư có một tấm hình. Bố đã kết hôn.Bà đưa tấm hình cho Nam Sinh, nói với nó. Con có mẹ mới rồi nhé, Nam Sinh. Con còn có một anh trai mới. Nam Sinh nhìn tấm hình đen trắng. Bố ở đó, nhưng bên cạnh thay vào một phụ nữ khác. Một phụ nữ lạ với gương mặt tròn trịa và tóc ngắn. Bố và cô ta ngồi sóng vai, ở giữa đặt một đoá hoa nhựa. Mặt mũi và quần áo của họ đều được nhuộm màu, môi được tô đỏ rực rỡ. Trên gương mặt bố vẫn là một vẻ phẳng lặng tang thương. Cô ta cũng mặc một chiếc áo bông in hoa nhỏ. Trông cô rất đẹp nhưng ánh mắt đầy bối rối, khuôn mặt phủ một lớp lành lạnh căng cứng. Nam Sinh hơi khó chịu. Tại sao bố lại có thể ngồi cạnh một phụ nữ khác?Một tuần sau bố sẽ tới đón con. Đón con lên học ở thành phố - Bà ngoại vừa nói vừa kéo vạt áo lau nước mắt.Nam Sinh la to, Bà ơi, con không muốn rời xa Phụng Kiều.Không được đâu, Nam Sinh. Con không thuộc về nơi đây. Con phải tới thành phố. Nhưng dù ở đâu, mẹ, bà và cả Đức Kitô đều luôn ở bên con.Đêm cuối cùng phải rời Phụng Kiều. Bố sẽ tới đón nó từ sáng sớm. Nam Sinh không ngủ được. Bà ngoại cũng không ngủ được, lấy tấm vải bông trắng đã giặt sạch, phơi khô may áo và váy cho Nam Sinh. Còn làm cho nó một đôi giày vải, bên trên thêu hoa mẫu đơn và chim. Bà đưa cuốn Kinh Thánh cho Nam Sinh, dặn dò, Con phải mang theo đấy.Nam Sinh đi vào căn phòng lớn. Căn phòng vẫn tối tăm và hoang vắng như thế. Chỉ có ánh trăng nhàn nhạt, xiên xiên rọi vào cái màn vắt trên giường. Nam Sinh lại gần, mở tung cái màn, rồi ngồi lên giường giống hệt cái dáng thường có của bố. Con bé chờ đợi mẹ xuất hiện để nói với nó vài câu, nhưng bốn bề vẫn im ắng, chỉ có tiếng côn trùng rả rích ngoài sân.Nó thấm mệt. Ngả lưng xuống, áp mặt vào dấu vết đám máu cũ, ôm chặt lấy chúng. Ngoài cửa vọng vào tiếng chim bay đêm, gió lạnh trong sân rít lên khe khẽ. Nam Sinh cuộn chặt người, ngủ trên chiếc giường của người mẹ quá cố, ngắm ánh nắng đang được rót khẽ xuống qua lỗ thủng trên mái nhà. Rồi nó ngủ thiếp đi. Đó là giấc mơ ấn tượng sâu đậm nhất của Nam Sinh. Nó nhìn thấy mình đứng trên đỉnh núi Đại Khê Lãnh, cúi xuống nhìn đám rừng xanh ngút ngàn. Gió huýt sáo. Nam Sinh xoè đôi cánh tay, đáp xuống trong tư thế rất tự do. Tăng tốc độ đem lại niềm hưng phấn khôn xiết. Nam Sinh nín thở nhìn thời gian lướt xoẹt qua tai.