Chương 14

Lần đầu tiên tới Nam Kinh.
Lúc nửa đêm xuống xe, tới ga đón chính là La Thần. Ở cửa ra, anh giơ một tấm biển gỗ to đứng trong màn đêm. Trên biển viết tên cô: Lâm Nam Sinh. Sự xuất hiện của Nam Sinh khiến anh bất ngờ. Anh nói, Tôi cứ luôn nghĩ rằng cô là một người đàn ông trạc bốn mươi tuổi. Sao lại thế này? Anh đập tay lên đầu, mặt lộ rõ những ngờ vực không tài nào giải đáp.
Nam Sinh khẽ cười. Hôm đó, cô mặc chiếc quần bò cũ, áo phông đen, đi giầy thể thao cũ. Vai khoác chiếc túi leo núi. Nam Sinh gầy ốm, nét mặt lãnh đạm, mắt ngó nghiêng khắp nơi. Toàn thân toả ra mùi chua cay mê ly như một loài thực vật hoang dã.
Cô là thành viên trẻ nhất trong nhóm viết. Phần lớn những người khác đều là những nhà văn kỳ cựu của Hội nhà văn. Những tên tuổi đó thường xuyên xuất hiện trên đủ các loại tạp chí văn học lớn. Cả nhóm rùng rùng đi Tương Tây. Nam Sinh cũng không thấy có gì bất ổn dù bên cạnh cô là một đám các người danh tiếng trong giới văn đàn. Cô luôn một mình đeo ba lô đi trước. Gương mặt luôn lộ vẻ bất cần. La Thần chăm sóc cô, luôn cố tình đi lên cùng cô, trò chuyện. Nam Sinh rất ít nói, có thói quen vừa nghe vừa lơ đãng sang cái khác. Chỉ không ngừng hút thuốc.
Trên đường có đi qua Trương Gia Giới, rồi tới huyện Phượng Hoàng, La Thần và Nam Sinh dần dần có thói quen kết bạn song hành. Hai người trẻ tuổi cứ đi đầu, rồi phải quay lại tìm đoàn. Anh nói, Cô rất có kinh nghiệm đi du lịch dã ngoại.
Thuở nhỏ, tôi lớn lên ở nông thôn. Lúc đó chúng tôi trèo lên đỉnh núi phía sau thôn. Tôi thường một mình trèo lên đỉnh cao nhất của Đại Khê Lãnh, nằm trên tảng nham thạch phơi nắng. Nghe gió thổi xào xạc rừng cây cùng tiếng chim ríu rít. Thấy sơn cốc âm u như địa ngục vậy. Cái thôn đó có tên gọi Phụng Kiều.
Sao lại nói giống địa ngục?
Vì vẻ đẹp đó như không thể lặp lại.
Anh nhìn cô. Cô đứng bên cạnh con đường đá xanh của thành phố cổ. Vừa hút thuốc vừa thản nhiên ngắm nhìn cây cầu tre bắc qua sông. Cô khác hẳn với các cô gái mà anh đã từng quen. Anh đã gặp quá nhiều phụ nữ viết văn hoặc không viết văn. Linh hồn của họ hoặc trống rỗng hoặc chướng ngạic trùng trùng. Nhưng Nam Sinh lại là một mảnh đất hoang trống trải không người, đầy ắp tiếng sáo phiêu diêu. Khi nhận được cuốn tiểu thuyết đầu tiên của cô, anh đã có ấn tượng rất sâu sắc. Những từ ngữ đó như thể không còn tồn tại trên thế gian này, đột nhiên lại từ một lỗ hổng kỳ bí và tối tăm bật tuôn ra ào ạt.
Cô đi vào một tiệm tạp hoá ven đường, ngắm những đôi giầy thêu hoa thủ công. Nhấc một đôi giầy thêu tơ đỏ hình đoá mẫu đơn xoà cánh, cô cúi xuống thử. Ngắm chân mình, khẽ cười, rồi tụt giầy ra trả lại.
Anh hỏi, Sao không mua? Không thích ư?
Cô đáp, Rất thích, nhưng hình như không hợp với tôi. Tôi quen đi giầy thể thao bân bẩn.
Cô vẫn luôn lý trí như thế sao?
Cô lắc đầu. Lại cười. Người đàn ông chân thành, chất phác bên cạnh mặc một bộ đồ vải màu trắng. Anh từng khiến Nam Sinh phải sững lại trong giây lát, ngỡ mình gặp phải Trăn Sinh thuở thiếu niên. Giờ đây, ắt hẳn chàng trai phương Bắc đó đã trở thành đàn ông thực sự, đang mải mê yêu đương hoặc làm những việc khác. Nhưng cô vẫn nhớ dư vị mùa hè mà cậu ta để lại. Dư vị sạch sẽ. Cô đã từng đem tình cảm của người đàn ông đó thành thứ công cụ để hoàn tất sự trưởng thành của mình.
Cô hỏi anh. Có hút thuốc lá không? Anh đáp, Tôi không hút. Cô bước vào một tiệm tạp hoá, mua một gói thuốc địa phương. Tự châm lấy rồi đưa thuốc cho anh. Hút thử đi!
Không, không. La Thần khước từ. Hút thuốc có hại cho sức khoẻ.
Anh vẫn luôn lý trí như thế sao? Cô thông minh ném trả lại anh câu hỏi cũ. Tôi luôn tin rằng đối với số mệnh, không có gì là tuyệt đối cấm kị cả. Thượng đế yêu những người bướng bỉnh.
Đó chỉ vì cô sợ hãi mất mát thôi. Nam Sinh. Cô dũng cảm hơn mọi người khác.
Thế sao? Nam Sinh cười u ám. Cô không nói nữa.
Bảy ngày hội bút kết thúc trong chớp mắt. Họ lại quay về Nam Kinh, rồi mỗi người lo một ngả. Nam Sinh đáp chuyến tàu đêm về Hàng Châu. La Thần nói, Lần sau cô tới, tôi đưa cô đi chơi. Trên dãy Trung Sơn có loại ngô đồng cao lớn sừng sững, có lẽ cô sẽ thích những ngày mưa ở đó.
Nam Sinh mỉm cười, nói, Cám ơn anh, bảy ngày vừa qua, tôi rất thoải mái.
Tôi cũng vậy, La Thần nói, Hy vọng cô tiếp tục sáng tác, không dễ vứt bỏ. Nhận lời với tôi đi. ANh chỉ đưa cho cô một túi vải. Cô mở ra, là đôi giầy đỏ thêu hoa. Anh nói, Thích thì phải dùng đi nhé. Đừng lo ngại kết quả.
Nam Sinh gật đầu. Khoác chiếc túi to đơn độc lên tàu. Cô thò đầu ra ngoài cửa sổ, vẫy tay tạm biệt. Mái tóc đen dài như mớ rong biển ken dầy, phủ xuống bờ vai. Đôi mắt rực sáng như nhìn xuyên thấu mọi việc. Sau khi xe lửa rời khỏi ga, không khí mát mẻ. Ánh sao yếu ớt rọi lên gương mặt La Thần. Anh chậm chạp đi ra khỏi ga, tự hỏi lòng mình sao lại cảm thấy hụt hẫng như thế, như thể mất đi một cái gì đó không thể quay lại nổi. Anh cố sức nghĩ, mãi cho đến khi lên tắc xi. Tắc xi đưa anh xuyên qua thành phố tĩnh mịch quen thuộc. Đột nhiên anh tỉnh ra, lòng xao động. Té ra do bầu trời xanh ngắt không một tạp chất, còn có cô gái hờ hững dưới đó.
Sau khi về tới Hàng Châu, Nam Sinh thấy như đang mang thai.
Hành kinh mãi không chịu tới, đã ngót nghét hai tháng. Ngực bắt đầu căng nhức. Cơ thể nặng nề, cảm giác buồn nôn dày vò khiến cô không tài nào nuốt nổi đồ ăn, cả người bải hoải. Đó là một chuyện kỳ lạ. Duyên phận giữa cô và Hà Bình vẫn không ngừng xoay. Bất lực trước số phận. Nhưng cô hy vọng mình có thể sinh được đứa bé này.
Cô đã trưởng thành. Cô không còn là một cô bé cô đơn không người giúp đỡ như trước đây.
Cô có thể kiếm tiền nuôi mình, nuôi con. Cô muốn yêu đứa trẻ này, sẽ cho nó tất cả những thứ mà cô chưa đạt được.
Nếu. Nếu có thể vì vậy mà Hà Bình quay về bên cô.
Cô gọi điện cho Hà Bình. Cô biết anh không thích liên lạc với cô. Anh ở một thành phố khác muốn che giấu tên tuổi thật, muốn quên hết mọi nghiệp chướng mà anh không muốn nghĩ tới.
Nhưng cô là một cái bóng kéo sau lưng anh. Một kẻ đã trèo lên bờ trước hết luôn muốn cởi tuột bộ quần áo ướt. Chẳng ai muốn vẫn ngâm mình trong nước lạnh. nghĩ cô hiểu rõ. Chỉ vì cô không có quyền lựa chọn. Một kẻ nghèo trong tay không chút tài sản liệu có thể lựa chọn được gì? Lúc gọi điện thoại đã hơn mười một giờ đêm.
Nam Sinh kêu, Hà Bình.
Hà Bình giọng không mấy vui vẻ. Em không nên gọi tới. Anh và Lật đang ở bệnh viện. Con cô ấy bị ốm.
Hà Bình, em muốn nghỉ học, đi làm, nuôi con của anh và em.
Em có con rồi sao? Hà Bình cuống quýt hỏi.
Không có...
Nói láo, Hà Bình quát to. Nam Sinh, anh không cho phép em muốn làm gì cũng được.
Em muốn sống cùng anh.
Chúng ta không thể sống bên nhau. Hôm nay anh phải nói rõ với em. Chúng ta là người của hai thế giới khác nhau, mỗi người đều có cuộc sống khác. Em không nên ảo tưởng. Không có hy vọng đâu.
Tại sao hả Hà Bình?
Anh phải đền tội, đối với mẹ anh, với em, với Lật... Vì anh, Lật đã chia tay với người đàn ông Hồng Kông rồi.
...
Anh ta để lại cho cô ấy một tiệm ăn và một đứa con, thu lại toàn bộ những tài sản khác. Em có hiểu như vậy đối với cô ấy có nghĩa gì không? Cô ấy đã vì anh mà hy sinh quá nhiều.
Anh yêu Lật hơn yêu em sao, Hà Bình? Nam Sinh thì thào. Mọi thứ vẫn xảy ra. Cô đã sớm có linh cảm đó.
Cô ấy hợp với anh. Cô ấy ra sức chạy chữa cho anh. Chăm sóc anh rất tốt. Cô ấy cũng cần anh. Nam Sinh, em cần phải học đại học, phải làm nhiều chuyện hơn nữa. Lớp người dưới đáy xã hội quá nhiều. Anh không thể để em vì anh đi ăn trộm lần nữa.
Hà Bình. Nam Sinh buồn bã ngắt lời anh.
Mọi thứ chỉ có thể như vậy. Không cần gọi điện thoại cho anh, cũng không cần tới thăm.
Đừng chờ anh nữa. Hà Bình ngừng lại. Giọng anh trĩu nặng. Hãy quên hết những gì chúng ta đã có trước đây. Nam Sinh, anh không thể quay về được nữa.
Hãy quên hết những gì chúng ta đã có trước đây. Nam Sinh, anh không thể quay về được
nữa.
Nam Sinh giam mình trong nhà ba ngày. Trong căn phòng tối tăm, trùm chăn kín mít, ngủ từ sáng tới tối. Mỗi lần bị tấn công mạnh, cô chỉ có thể tự chui vào vỏ, biệt lập và ra sức kìm nén mình. Từ sáng sớm tới nửa đêm, từ canh khuya tới tinh mơ, cô vẫn chỉ đối diện với một màn đen ảm đạm. Chỉ khi đói tới mức không thể chịu nổi nữa, cô mới trở dậy làm một bát mì ăn liền. Rồi lại chìm vào giấc ngủ mê mệt.
Lại quay về thôn nhỏ Phụng Kiều. Con đường quanh núi trắng phơ. Rừng rậm hai bên núi xanh ngắt. Những căn nhà mái đen tường trắng trong sơn cốc mịt mùng khói. Rêu xanh ẩm ướt trong nhà thờ nhỏ, thỉnh thoảng có con bướm xanh bay qua. Bàn tay của bà ngoại. Những ngón tay khô ấm áp nhẹ nhàng vuốt ve làn da cô, chải đầu cho cô. Trong căn phòng lớn trống trải còn có chiếc giường chết chóc của mẹ... Nam Sinh thiếp đi. Cô tin rằng trong đêm cô khẽ kêu tên mẹ. Cả thế giới đều xua đuổi cô. Không biết nên đi đâu.
Nam Sinh quyết định tự giải quyết vấn đề này.
Không thể tới bệnh viện ở trung tâm thành phố. Có quá nhiều cơ hội gặp phải người quen. Bạn học hoặc thầy cô giáo. Điều đó khó có thể tưởng tượng nổi. Một cô gái lạnh lùng, không bao giờ nói năng với lũ nam sinh đột nhiên lại giấu giếm một nghiệp chướng quá nặng nề không thể nói.
Thứ sáu, Nam Sinh nghỉ phép. Nếu phải làm phẫu thuật, ít nhất cô cũng có hai ngày nghỉ ngơi danh chính ngôn thuận. Tâm tư rối vò, cô suy nghĩ lại hết một lượt tất cả chi tiết. Vì không ai có thể cùng cô đối diện với hiện thực này. Cô cần phải tự gánh lấy một mình.
Đó là một trạm xá khuất nẻo nhất ngoại ô, ẩn trong ngõ nhỏ ngoắt ngoéo. Nhà cũ hai tầng. Cả bác sĩ và bệnh nhân đều ít. Ánh sáng bên trong tối tăm, toả ra mùi bụi ẩm. Nam Sinh đăng ký số. Lúc đi lên cầu thang gỗ, nghe tiếng cọt kẹt của lát gỗ cũ kỹ. Trước cửa khoa sản treo một tấm rèm vải cũ. Nam Sinh không biết khi kéo rèm ra, cô sẽ hoàn toàn giã từ mảnh vườn tươi đẹp và đầy tôn thờ đang bày ra trong cuộc đời cô.
Hôm đó cô cố tình hoá trang rất đậm, tô đen lông mày. Quầng mắt được tô một lượt xanh lá cây, môi đỏ choe choét. Cô cố tình làm xấu mình, muốn ra vẻ một cô gái trưởng thành hơn. Như vậy, cảm giác tội lỗi trong cô sẽ giảm bớt. Nhưng đối với tội lỗi và sự ruồng rẫy của mình, cũng chính được bắt đầu từ lúc cô soi gương với nét mặt vô cảm. Cô đã đánh mất sự trân trọng đối với chính cô.
Trong phòng không có người. Ánh nắng tràn ngập một khoảng đất trống. Nam Sinh nghe thấy tiếng chân mình phát ra những âm thanh buồn rầu trên sàn nhà. Bên trong không có phòng nhỏ, chỉ ngăn cách bởi một tấm rèm vải rách. Đột nhiên bên trong vang lên một tiếng kêu thảm thiết, nhức nhối và mãnh liệt khiếtn từng tấc da trên người cô co rúm. Mạch đập mạnh, lập cập. Sau tiếng kêu là những tiếng rên rỉ nho nhỏ. Một người đàn ông từ bên ngoài thò đầu vào ngó. Một người đàn ông béo tốt, tay đeo một chiếc nhẫn vàng to sụ, miệng ngậm điếu thuốc. Ông ta biến mất sau tấm rèm.
Nam Sinh sờ thấy lòng bàn tay lạnh ngắt. Mồ hôi dính nhớm nháp. Một phụ nữ trung niên mặc bộ blouse trắng từ trong đi ra với vẻ mặt khó chịu. Một khuôn mặt dài, gầy choắt. Gương mặt tích tụ đầy oán hận vì bất mãn với cuộc sống. Cởi tuột đôi găng tay khử trùng nhuốm máu tươi, vứt vào thùng rác. Bà ta nói với Nam Sinh, Cô khám gì?
Hình như tôi có mang.
Đi kiểm tra nước tiểu trước. Không thèm liếc Nam Sinh lấy một cái, bà ta thuận tay vứt cho cô một tờ xét nghiệm. Nam Sinh cầm lấy, đi trả tiền, rồi lấy trong túi giấy trước cửa phòng vệ sinh ra một cốc nhựa nhỏ màu trắng. Hộ lý ở khoa xét nghiệm nhúng chất thử vào dịch thể. Trên tờ giấy bắt đầu biến đổi. Nam Sinh tựa vào tường. Tim trĩu nặng, nặng tới mức phát đau. Cô nhìn cái cốc.
Trên tờ xét nghiệm ghi rõ dương tính.
Có một số việc rất khó quên.
Cô muốn để lại sinh không?
Nam Sinh đáp, Không.
Khi nào tới nạo được?
Bây giờ.
Nam Sinh còn nhớ rõ cô nói những câu đó rất lạnh lùng. Nhưng tim cô là một mảnh ruộng hoang, không có âm thanh, bị nỗi khiếp sợ to lớn đến cùng cực chế ngự. Một sự mê mụ tới tận cùng. Trên hành lang có tiếng cãi nhau. Tiếng khóc tức tưởi của một phụ nữ, giống như mảnh thuỷ tinh bị đập vỡ trên sàn. Gã đàn ông xấu hổ hoá tức giận, bắt đầu túm chặt lấy cô ta, tát lấy tát để. Trong không gian ngập tràn mùi máu tanh và mùi thuốc lạnh lẽo. Nam Sinh cởi dần từng lớp quần áo. Cô trần truồng nửa người đứng trước tầm nhìn một người xa lạ. Phần da thịt trần trụi như một vết thương khổng lồ, không thể khép lại nổi, cũng không có cách để che giấu.
Lên giường nằm. Mở đùi ra. Cố mở to hết sức. Người phụ nữ đó ra lệnh. Tiếng máy móc kim loại va vào nhau lách cách, phát ra những âm thanh lạnh toát. Nam Sinh nằm xuống. Cô thấy rất lạnh, nghiêng mặt đi, nhìn thấy một cây ngô đồng ngoài cửa sổ. Trên cành vừa nhú ra những chiếc lá non bé tẹo. Dưới ánh mặt trời rực rỡ, chúng được phủ một lớp lông tơ màu trắng, nay sức sống thuần khiết.
Máy móc lạnh toát ra sức thọc sâu vào cơ thể không chút kiêng dè và ra sức tung hoành. Theo bản năng, Nam Sinh co rút phần bụng lại, cả cơ thể rúm lại phía trên. Không được động đậy. Động đậy là sinh chuyện bây giờ. Rách tử cung rồi, rồi sẽ không sinh được nữa đâu. Động tác của bác sĩ càng thô bạo hơn. Có lẽ đã quá nhiều cuộc nạo thai khiến bà chán ngán cuộc sống. Sinh mệnh cứ bị huỷ diệt hàng ngày như vậy, dần dần bà sẽ mất đi sự kính trọng và tình yêu bẩm sinh đối với tính mạng con người. Cái máy lại thọc sâu vào, xé rách cơ thể cô. Những cơn đau sắc nhọn và mãnh liệt bắt đầu rung chuyển.
Tiếng máy điện chạy ro ro. Trong bình bắt đầu có máu tươi tuôn chảy. Đó là máu từ tận cùng sâu thẳm con người Nam Sinh. Đến từ một sinh mạng không thể chào đời, bắt đầu đập phá, xé rách và hút gọn. Từng đợt rung mạnh như thể đem Nam Sinh ra xay vụn thành bột. Nam Sinh ra sức nắm chặt lấy giá đỡ lạnh ngắt. Cô nghe thấy tiênég rên rỉ giãy đạp từ tỏng xương tuỷ. Cô thét lên.
Bà bác sĩ lớn tiếng quát, Không được động! Không được cử động! Cử động sẽ sinh chuyện ngay. Vừa mắng Nam Sinh nặng nề, bà vẫn không ngừng tay. Cơn đau khiến trước mắt Nam Sinh như đen kịt, choáng váng như ngất đi. Cả người nằm đừ trên giường, không còn giẫy đạp nữa. Cô hít thở, thấy tóc dính bệt vào mặt bởi mồ hôi lạnh ngắt. Cô không hận anh. Không. Chỉ cảm thấy nhục nhã chưa từng thấy. Đúng lúc đó, cô chỉ thấy mình dơ bẩn, như chết rồi, bị vứt bỏ. Nam Sinh cố sức quay mặt đi. Tấm ga giường màu trắng nồng nặc mùi thuốc. Ánh sáng chói chang bên ngoài cửa sổ khiến cô không tài nào mở nổi mắt. Lá cây ngô đồng xanh thật, đẹp thật. Mắt cô ngập tràn nước mắt nóng bỏng.
Rút cục cũng kết thúc. Nam Sinh bước ra khỏi trạm xá, đôi mắt bị chói nắng vẫn choáng váng. Cô thấy mình có thể ngã lăn ra đường bất kỳ lúc nào. Cô chống vào bờ tường chậm chạp lê ra khỏi ngõ nhỏ. Lúc đi qua cột điện thoại công cộng bên đường, rất muốn gọi cho Hà Bình.
Bên con đường chật chội, cô do dự ngừng lại. Cột điện thoại không ngớt có người đi vào. Nam Sinh kề chặt vào tấm kính của cột. Cô nhìn điện thoại. Nửa tiếng sau, cô bỏ đi. Nỗi đau của cô đã bị Hà Bình chặn đứng. Anh đã vứt bỏ cô.
Sáng hôm sau, Nam Sinh bị tiếng đập ở cửa của nhân viên bưu điện đánh thức. Cô nghỉ ở nhà mấy hôm. Vết đau thể xác đang bình phục. Cơ thể có lúc rất yếu, có lúc lại rất mạnh như thể dẹp hết bất kỳ nỗi đau nào. Cô có mấy bức thư bảo đảm. Trong đó bao gồm cả thông báo đuổi học chính thức của nhà trường, hoá đơn nhận được một món tiền lớn của Hà Bình, còn có cả thư của La Thần từ Nam Kinh. Anh viết một bức thư rất dài gửi cô. Trong thư còn đính cả ảnh mới rửa. Cô ôm một con cún ngồi trên chiếc ghế tre nhỏ trước của nhà nông dân, tay kẹp điếu thuốc. Trong nụ cười có cả nỗi đau ngọt ngào và sự trong sáng tới tang thương.
Trong thư La Thần viết, Nam Sinh này, con đường đá xanh ở thành cổ Phượng Hoàng vào những lúc trời mưa còn đẹp hơn nữa. Nhưng tôi thấy rất mãn nguyện vì thời khắc đó chúng ta ở bên nhau. Tôi có thể được lặng lẽ ngắm em trong bóng khuất. Ngôn từ và cử chỉ của em đều rất quen thuộc trong văn chương của em. Tôi nghĩ tôi rất quen với sự lạnh lùng của em và những nguyên tắc tàn khốc vì quá thấu triệt. Nhưng tôi đoán em không có thói quen làm tổn thương tới người khác. Có lẽ em chỉ muốn bảo vệ mình. Nhưng - xin hãy cho tôi biết, tại sao? Có phải những ký ức tuổi thơ hay vì trải qua vết thương quá lớn?
Tôi luôn thấy một nỗi bi ai bất lực. Nam Sinh, có lúc tôi nghĩ, nếu em là người con gái tôi yêu, tôi sẽ đối xử với em ra sao? Tôi có đủ sức biến em thành một cô gái ngọt ngào ấm áp không? Có thể mang lại hạnh phúc cho em không?