Dịch giả: Trần Văn Điền
Chương 26

    
ỚI NHÀ GA CUỐI CÙNG, NGƯỜI SOÁT vé đến thu vé. Tôi sửa soạn hành lý xuống sân ga. Nghĩ tới mối nguy đang chờ ở nhà khiến tôi càng nôn nao. Người tôi lạnh run. Hai hàm răng đánh vào nhau. Như một cái máy, tôi theo đám đông ra khỏi sân ga, kêu xe, bước lên, cho chạy liền. Trên đường về, tôi đưa mắt nhìn những người qua lại, những tên lính tuần cảnh, bóng chiếc xe ngựa do những ngọn đèn đêm hắt xuống mặt đường lúc thấy trước mặt, lúc thấy sau lưng tôi. Tâm trí không nghĩ được gì cả. Đi được độ một cây số, tôi bỗng cảm thấy lạnh ở chân mới nhớ ra là mình đã cởi vớ nhét vào cặp khi còn ở trên xe ngựa. “Mà chiếc cặp đâu rồi? À đầy! Suýt nữa quên”. Còn cái giỏ mây đựng hành lý? Bấy giờ tôi mới biết mình đã bỏ quên hành lý trên xe lửa. May còn giữ được vé hành lý nên tôi quyết định cử đi, về nhà sai người trở lại lấy cũng kịp.
Bây giờ nghĩ lại tôi không còn nhớ tâm trạng của tôi lúc đó ra sao. Tôi đã nghĩ gì? Muốn gì? Tôi cũng không biết nữa. Tôi chỉ nhớ là lúc ấy tôi ý thức được như có chuyện gì rất quan trọng trong đời sắp xảy ra. Chuyện gì quan trọng đó sắp xảy ra vì tôi nghĩ nó sẽ xảy ra hay vì tôi tiên cảm thấy nó phải xảy ra, chính tôi cũng không biết nữa, có lẽ là sau bao nhiêu biến cố dồn dập, tâm trí tôi bấy giờ bị ném vào một đám mây mù. Chiếc xe đậu lại trước nhà. Đã quá nửa đêm. Một vài người phu xe còn đứng đó chờ khách, vì họ thấy trên các cửa sổ đèn còn chiếu sáng. (Bên trong căn nhà tôi ở, trong phòng nhạc và trong phòng khách). Không cần suy nghĩ tại sao trong nhà còn để đèn khuya như vậy, tôi cắm đầu bước lên cầu thang rồi nhấn chuông. Chú Tý ra mở cửa. Chú mau mắn dễ thương, nhưng đần độn. Vật đầu tiên đập vào mắt tôi là chiếc áo choàng đàn ông máng ở phòng ngoài. Đáng lẽ ra tôi đã phải ngạc nhiên lắm, nhưng không. Chuyện xảy ra đúng như mình đã tiên liệu mà. Tôi nghĩ thầm: “Đích thị là hắn!” Tôi hỏi chú Tý khách là ai, nó trả lời là ông Trúc. Tôi hỏi thêm còn người nào nữa không thì nó đáp: “Thưa ông, không ạ!” Tôi còn nhớ nó nhấn mạnh tiếng “không” như thầm quả quyết với tôi là nhất định không có ai nữa. Tôi nghĩ bụng: “Đúng như vậy rồi!”.
“Mấy đứa nhỏ đâu?”.
“Dạ, đi ngủ cả, từ lâu rồi”.
Tim tôi như dừng lại. Cằm cứ run lên không làm sao kìm nổi. “Phải, đâu có như mọi lần! Mọi lần mình toàn nghĩ bậy. Rốt cuộc chả có chuyện gì. Nhưng bây giờ, khác mọi lần. Chuyện có thiệt rồi. Đúng như minh đã tưởng tượng, đã phác vẽ. Trời ơi...”
Tôi hầu như muốn khóc nhưng rồi lại nghĩ: “Khóc, khóc... để tụi nó nghe thấy, tụi nó rút lui êm thắm. Mình sẽ chẳng còn bằng cớ, rồi lại tiếp tục nghi ngờ, tiếp tục đau khổ trọn đời”. Nghĩ như vậy, tôi hết tội nghiệp cho thân phận tôi ngay. Trái lại tôi vui là đằng khác, vui vì từ nay tôi hết tự dằn vặt mình, từ nay tôi có thể thẳng tay trừng phạt vợ tôi, có thể dứt khoát với nó, có thể buông trôi theo cơn giận. Và tôi đã buông trôi, để trở thành một con thú, một con ác thú.
Thấy chú Tý định vào phòng khách, tôi can ngay: “Đừng! vé hành lý của tôi đây! Chú hãy lấy ngay một chiếc xe ngựa trở lại nhà ga đem hành lý của tôi về đây. Đi mau!” Người bồi xuống hành lang tìm áo choàng. Sợ lộ, tôi theo xuống tới phòng riêng của nó, đợi nó mặc áo choàng xong. Từ phòng khách, tôi nghe được tiếng chúng nó chuyện trò với nhau, tiếng chén dĩa kêu lách cách. Chúng nó đang bận ăn uống, vì vậy mới không nghe tiếng chuông rung. Tôi nghĩ thầm: “Chúng mày cứ ăn uống đi. Đừng đi đâu vội!” Chú Tý mặc chiếc áo choàng có cổ bằng lông thú đi ra. Tôi khóa trái cửa trước lại, còn một mình, nhất lại phải hành động ngay, tôi run sợ. Tôi cũng chưa biết phai hành động ra sao nữa. Tôi chỉ biết rằng từ nay thế là hết. Tội của nó đã rành rành. Tôi phải trừng phạt nó ngay, phải đoạn tuyệt gấp rút.
Trước kia tôi đã nghĩ: “có lẽ không đúng. Mình lầm rồi.” Nhưng bây giờ, không như vậy nữa. Tất cả đã được quyết định xong. “Vợ mình ở lại đêm một mình với hắn trong lúc mình vắng nhà! Như thế là không còn coi ai ra gì! Tệ hơn nữa, đây là một trường hợp tòng phạm trơ trẽn, táo bạo cố ý. Chúng nó còn dám coi sự táo bạo này như một dấu hiệu ngây thơ vô tội. Tất cả đã rõ ràng. Không còn hồ nghi gì nữa...” Tôi chỉ sợ có một điều: lỡ chúng nó vội chia tay sớm, để rồi lại nói dối và mình mất bằng chứng buộc tội. Vì thế để bắt chúng nó tại trận, tôi không đi qua phòng khách, nhưng đi rón rén qua lối hành lang, sang phòng ngủ mấy đứa con.
Vào phòng ngủ đầu, mấy đứa con trai tôi đang ngủ say. Sang phòng ngủ thứ hai, người vú cựa quậy như sắp thức. Tôi tự hỏi bà ta nghĩ gì khi biết tất cả những chuyện này. Tôi lại cảm thấy thương hại cho thân phận tôi đến muốn khóc. Sợ không cầm được nước mắt, khóc òa lên làm các con thức giấc, tôi rón rén chạy xuống hành lang, vào phòng riêng, nằm vật xuống đi-văng khóc nức nở.
Tôi nghĩ thầm: “Mình, một người đàn ông đứng đầu! Mình, cha mẹ đẻ ra, suốt đời mơ ước hạnh phúc lứa đôi. Mình, một người chồng không bao giờ thất tín với vợ... Bây giờ đã năm mặt con. Bà vợ mình đi ôm cái thằng nhạc-sĩ quèn chỉ vì hắn có đôi môi thắm!
Không, vợ mình, nó không còn là một con người. Nó là một con thú, một con thú đáng ghê tởm! Ở ngay kế phòng con cái, những đứa con suốt đời nó làm bộ thương yêu. Lại còn viết thơ thăm mình nữa! Cái đồ ngã vào lòng thằng đàn ông khác một cách trơ trẽn! Những đứa con yêu quí của mình đây. Biết đâu, có thể nó đã tằng tịu với những thằng bồi trong nhà rồi đẻ ra! Để ngày mai minh mới trớ về, minh sẽ thấy nó ăn mặc chải chuốt, dáng điệu yêu kiều, niềm nở ra đón mình (mình đã thấy tất cả cái bản mặt quyến rũ, đáng ghét đó). Và cơn ghen bấy lâu đã vò xé tâm can mình lại nguôi đi. Người vú sẽ nghĩ sao? Chú Tý sẽ nghĩ sao? Cả con Lý nữa. Tội nghiệp con nhỏ. Nó đã bắt đầu hiểu rồi. Ôi! Bao nhiêu là dối trá! Bao nhiêu là sỉ nhục! Bao nhiêu là dâm đãng. Mình quá biết!”
Tôi cố đứng dậy, nhưng không thể. Trống ngực tôi đập thình thình. Chân tôi bủn rủn đứng không nổi. “Phải, mình chết mất vì đau tim. Nó sẽ giết mình. Nó muốn như vậy mà! Giết nó mình đâu có gớm tay? Nhưng, không được. Lợi cho nó quá. Mình đâu có cho phép nó làm thế được. Phải, mình nằm đây trong lúc chúng nó ăn uống, cười nói và... Phải, cho dù nó không còn tươi mát như buổi ban đầu, thằng đó đâu có chê. Điều quan trọng là nó không có bệnh, an toàn cho ngọc thể của hắn quá mà. Lúc đó, tại sao mình không bóp họng cho nó chết quách đi cho rồi.” Vừa nghĩ như vậy, tôi vừa nhớ lại tuần trước, lúc tôi xô vợ tôi ra khỏi phòng và liệng đồ vật ra phía cửa. Tôi nhớ lại rất rõ cái tâm trạng của tôi lúc đó. Chẳng những tôi nhớ lại mà còn cảm thấy lúc đó cần phải đánh đập, phá phách. Tôi nhớ lại lúc đó tôi chỉ muốn hành hung. Ngoài ra tôi không còn biết gì hết. Giống như một con thú hoặc con người bị tấn công trong lúc lâm nguy, biết phản ứng một cách rất chính xác, đắn đo, không để lỡ một giây phút nào, luôn luôn thấy mục tiêu trước mặt phải nhắm tới.
Việc làm đầu tiên là tôi cởi đôi giầy ống ra để nguyên vớ, lại gần bức tường treo lủng lẳng những súng và dao găm. Tôi lấy một con dao găm lưỡi cong xuống. Con dao này tôi chưa bao giờ dùng, còn bén lắm. Tôi rút lưỡi dao ra khỏi bao. Tôi còn nhớ chiếc bao rớt xuống sàn phía sau đi-văng. Tôi cũng nhớ bấy giờ tôi nghĩ thầm: “Để sau phải lượm lên kẻo thất lạc mất.” Sau đó, tôi cởi áo choàng đang mặc ra, rồi để nguyên vớ vậy đi tới phòng nhạc.