113 - 114

     háng 10, chấm dứt các cuộc hành quân Trái Chanh, Trái Quít. Lính đã về đóng đầy thị xã. Nhiều hiệu ăn uống mở cửa. Ở bến ô tô, quán Sông Trà bán chè sen ngon lắm. Lính ra vào kín mít. Chỉ còn thiếu cao lâu của người Trung hoa. Tù binh trong cuộc hành quân, Pháp tách ra làm ba loại: Loại dân chúng bắt lầm, Pháp thả về ngay; loại dân quân, du kích, Pháp giữ ít ngày dọn dẹp trại, rồi cũng thả về; loại bộ đội chính quy, không người thân thích bảo đảm, Pháp đưa sang Nam Định, giam giữ lâu, chờ thời gian trao đổi tù binh. Lính Bùi Chu - Phát Diệm vẫn ở lại Thái Bình. Còn nhiều cuộc hành quân khác. Trái Chanh, Trái Quít đã thành công. Hưng Nhân, Tiên Hưng, Đông Hà coi như đã ổn dịnh tình hình. Bộ đội chính quy tiêu tan trong cuộc hành quân này. Lính pác ti dăng đóng quân nhiều nơi, không còn ngại cách mạng nữa.
Lình Bùi Chu - Phát Diệm tản bộ trên đường phố thị xã. Bây giờ, dân chúng mới gặp đích thực sức mạnh của linh mục Hoàng Quỳnh. Họ phần đông là nông dân hiền lành, chất phác, những con chiên ngoan đạo nhất của nhà thờ Bùi Chu, Phát Diệm. Hoàng Quỳnh đem tiền bạc và thế lực của mình tuyển họ vào lính, giữ gìn an ninh vùng tự trị. Thì họ vào, vì tiền bạc. Họ không vì thù hận cách mạng, Hoàng Quỳnh bảo họ đi dẹp cách mạng. Thì họ đi, vì lệnh cấp chỉ huy. Hoàng Quỳnh bảo họ sang Thái Bình. Thì họ sang. Dân thị xã không ghét Hoàng Quỳnh, thù hận Hoàng Quỳnh. Mà lại ghét lính Bùi Chu - Phát Diệm, thù hận lính Bùi Chu - Phát Diệm.
Bên này phố Lê Lợi, hai người lính Bùi Chu - Phát Diệm tha thẩn bước. Họ đeo cả thánh giá vào cổ. Ra trận cũng như đi chơi. Họ dễ thương không ngờ, nói năng ngọng nghịu đến thương hại. Tiền lương Pháp trả họ, Hoàng Quỳnh ăn hết một nửa. Họ không dám vào hiệu ăn uống, mua sắm ít quà Thái Bình đem về cho vợ con. Họ chỉ nhìn và thèm thuồng. Đằng xa, toán lính pạc ti đăng đi lại, vây chặt hai người lính Bùi Chu - Phát Diệm.
- Ê mày, lính gì vậy?
- Thưa anh, lính Bùi Chu - Phát Diệm.
- Đi hành quân Trái Chanh, Trái Quít giết nhiều Việt Minh không?
- Nhiều.
- Được thưởng chưa?
- Ai thưởng hở, anh?
- Bố Pháp!
- Chưa.
- Vậy hả? Bố Pháp quên lính Bùi Chu - Phát Diệm thì Pác ti dăng nhớ. Đây lĩnh tiền thưởng!
Toán lính pác ti dăng hùa nhau đấm đá hai người lính Bùi Chu - Phát Diệm. Pác ti dăng đánh họ rất đau. Những trái đấm nhằm mắt họ. Những trái đá nhằm bụng họ. Lính Bùi Chu - Phát Diệm không kịp đỡ. Họ tối tăm mắt mũi:
- Sao lại đánh tôi?
- Về hỏi thằng Hoàng Quỳnh.
- Lạy các anh, tha chúng tôi...
- Cút về Bùi Chu - Phát Diệm của chúng mày ngay! Rừng nào cọp ấy, đất Thái Bình của chúng tao, nghe chưa?
Pác ti dăng vẫn đấm đá lính Bùi Chu - Phát Diệm. Lính Pháp ngồi trên jeep phóng qua, thấy lính Việt Nam ẩu đả với lính Việt Nam, lờ đi, chẳng can thiệp. Lính da đen mặc kệ, còn mải tìm y tá chữa bệnh lậu. Bảo chính đoàn lỉnh sang phố khác. Tòa tỉnh trưởng không dám lên tiếng. Pác ti dăng cứ việc tự do hành hung lính Bùi Chu - Phát Diệm. Linh mục Hoàng Quỳnh không biết. Những vết thương trên thân thể hai người lính Bùi Chu - Phát Diệm biết, không nói được. Những lính pác ti dăng yêu Việt Minh, ghét Pháp, thù Bùi Chu - Phát Diệm, đánh hai người lính Bùi Chu - Phát Diệm rã người, gục xuống.
- Các ông tha chết cho chúng mày. Lúc tỉnh hãy nhớ: Các ông không muốn nhìn lính Bùi Chu - Phát Diệm ở Thái Bình ngày nào nữa.
Toán lính pác ti dăng bỏ đi, tìm lính Bùi Chu - Phát Diệm khác, để mặc hai nạn nhân khốn nạn đang lồm cồm bò dậy. Dân thị xã không một chút tình thương cho họ. Dân thị xã quả quyết rằng, năm xe căm nhông chở tù binh cách mạng bỏ đói, bỏ khát hôm nọ, lính Bùi Chu - Phát Diệm đóng góp nhiều công lao vào. Cái thù này đẻ ra cái thù khác, chẳng bao giờ hết được. Bên kia phố Lê Lợi, lính pác ti dăng cũng đang hỏi tội lính Bùi Chu - Phát Diệm. Ở các phố nhỏ giống phố chính, người ta đang truy nã nhau. Cùng đánh Việt Minh, một số lớn pác ti dăng lại yêu Việt Minh ghét Pháp và thù Bùi Chu - Phát Diệm. Phải chăng, Việt Minh đã lũng đoạn lính pác ti dăng?
Tin lính pác ti dăng đánh lính Bùi Chu - Phát Diệm vang động cả thị xã. Dân chúng hả hê lắm. Người buồn tênh là Lê Huy Luyến. Luyến không trách móc, không tỏ vẻ cay cú lính Bùi Chu - Phát Diệm. Luyến chỉ khinh bỉ thái độ của Hoàng Quỳnh, chở căm thù thêm vào vùng trời Thái Bình. Những người lính Bùi Chu - Phát Diệm bị đánh oan sẽ không hiểu tại sao mình bị đánh. Họ đã bị hận thù theo rõi. Hận thù đón mọi ngả để thanh toán mọi người, trên quê hương Việt Nam. Một ngày, hàng chục lính Bùi Chu - Phát Diệm bị xử tội công khai, bị tra tấn công khai, dưới mắt giả vờ mù của Pháp, dưới mắt thông manh của Bảo Hoàng. Người lính già pác ti dăng hỏa đầu quân đã dọa không sai. Mới đánh, chưa phơ.
Sáng hôm sau, mở cửa quét hè, người làm của ông chủ hiệu sách Đông A phát giác có máu chảy từ cái bảng hiệu trên mái nhà, đầy hè. Ông Đông A đi trình cảnh sát. Cảnh sát tới, bắc thang leo lên. thấy ba cái đầu lâu nằm sau bảng hiệu. Cảnh sát bê từng chiếc đầu lâu xuống, bầy trên vỉa hè. Tin loan mau lẹ, thị xã biết hết, kéo nhau đến xem.
- Khiếp quá!
- Sao lại chỉ có đầu lâu?
- Dân thị xã hay Việt Minh?
- Lính thanh toán nhau đấy mà.
- Lính nào với lính nào?
- Lính Bùi Chu - Phát Diệm bị giết.
- Ai giết?
- Không biết.
Cảnh sát viên nói:
- Họ bị giết vào khoảng nửa đêm. Thân thể họ cũng gần đâu đây thôi. Mà sao lại chơi ác thế? Giết một nơi, cắt đầu lâu đem bỏ một nơi.
Một người dân:
- Họ nhè ông Đông A đổ nợ, lạ thế?
Người dân khác:
- Ông Đông A thân thiết với cha Chỉnh.
Chưa biết đâu vào đâu, một người đã hớt hơ chạy tới hiệu Đông A:
- Ông Bình An cũng đi trình cảnh sát.
- Việc gì?
- Hai cái đầu lâu dính sau bảng hiệu.
- Bình An người Lạc Đạo. Tới xem đi.
Chuyện trở nên quan trọng. Đến nỗi ông tỉnh trưởng phải đến, đại úy quân đội Pháp phải ra để điều tra. Luyến đã biết ai giết ai rồi. Phơ, chúng nó sợ, cút ngay về Bùi Chu - Phát Diệm, cho ăn kẹo cũng không dám bén mảng sang Thái Bình. Người lính già hỏa đầu quân pạc ti dăng đã nói thế. Lính pác ti dăng bỏ đầu lâu trên bảng hiệu Đông A là cảnh cáo Đông A thân thiết với linh mục Nguyễn văn Chỉnh, trên bảng hiệu Bình An là răn đe dân Lạc Đạo. Có Việt Minh dúng tay vào nên lính pác ti dăng mới chơi đẹp mắt.
Một tiếng đồng hồ sau, cảnh sát tìm ra năm cái xác trần truồng như nhộng. Quân đội Pháp chở hết vào bệnh viện dã chiến của họ. Tòa tỉnh trưởng ra lệnh nghiêm cấm kẻ nào nhắc tới chuyện này. Không ai dám nói.
Lính Bùi Chu - Phát Diệm được lệnh phải rút quân về. Từ đó, lính Bùi Chu - Phát Diệm không sang Thái Bình nữa.
Khoa học lớp đệ tứ, niên học 1951-1952, trường trung học tư thục Trần Lãm. Cậu Trần Khoa chuẩn bị thi trung học, năm nay. Em gái cậu, cô Cẩm Tú, học lớp đệ lục, cô Chi Mai, học lớp đệ thất, trường trung học công lập Nguyễn Công Trứ. Anh trai cậu, Trần Vũ, còn trong bộ đội chống Pháp. Thời đại cứ xoay và mọi người cứ sống...
114
Hôm nay, sinh viên Trường Sĩ Quan Nam Định sang đá bóng giao hữu với thanh niên thị xã Thái Bình. Họ đến lúc 10 giờ sáng để về lúc 5 giờ chiều cho phà Tân Đệ dễ dàng làm việc. Sinh viên toàn là trí thức. Họ đẹp giai, sáng sủa, khiến con gái thị xã mê mệt. Quân phục của sinh viên khác hẳn quân phục của Pác ti dăng, Bảo chính. Họ đi lại khắp phố, ngắm thị xã tiêu thổ kháng chiến. Mọi người ra xem họ, đều tặc lưỡi khen thầm. Sinh viên tuổi còn trẻ, ăn nói lịch sự, lễ phép. Cả thị xã xặc mùi tiểu tư sản, cái mùi quyến rũ làm sao! Họ thích trò chuyện, dân thị xã cũng thích chuyện trò với họ. Đây là tinh hoa của miền Bắc. Họ gặp gỡ nhau ở thành phố Nam Định. Họ đang đi học, Pháp động viên họ, chứ họ không muốn đi lính. Bùng bình trong thời đại, phải theo thời đại. Họ trốn tránh cách mạng, vào vùng quân Pháp tạm chiếm đóng. Họ không thể chạy ra hậu phương sống với cách mạng, đành nương Pháp và theo Pháp. Sinh viên sĩ quan có tâm sự ê chề, khó nói. Kiến thức của họ đem phục vụ Pháp, họ đau đớn lắm!
Khoa theo sinh viên sĩ quan tới trưa, họ đi ăn cơm, Khoa mới về. Tiếc hùi hụi. Họ đồng dạng với bộ đội tiểu tư sản. Bây giờ, bộ đội tiểu tư sản không còn trong Quân đội nhân dân nữa. Tiểu tư sản là sản phẩm của thành phố. Lính giai cấp tiểu tư sản trong thành đánh lính giai cấp vô sản ngoài thành.
Tiểu tư sản ăn dứt hết, chỉ thua vô sản một điều: chính nghĩa. Cả nước đang chống Pháp, bảo vệ tự do, dân chủ. Ai nghi ngờ? Người tiểu tư sản chui vô rọ nô lệ, Pháp sai đi diệt nhân dân đang chống Pháp tưng bừng, mọi nơi, trên đất nước Việt Nam. Sự thực của người tiểu tư sản nói không ai chịu nghe. Cũng đành, mặc áo gấm, đem theo thế động viên, đi đêm buồn bã, phản bội đất nước.
Khoa nhớ rằng Vọng rất tiếc nhớ bộ đội tiểu tư sản và tim vẫn hé mở để lính tiểu tư sản đồn trú. Lính tiểu tư sản vẫn ở với kháng chiến không được kháng chiến và lính tiểu tư sản về tề, theo Pháp, bắn giết cách mạng khác nhau rõ rệt. Liệu Vọng, con người công nhân nghèo khổ, học trường Monguillot, bạn thân của Vũ, Côn, Luyến, có lòng mãi mãi không? Vọng là lính giai cấp vô sản, trái tim không được phép mở tự do. Đảng của Vọng sẽ nhét xi măng cốt sắt vào trái tim Vọng. Vọng sẽ phải tuân lệnh Đảng, bắn bỏ lính tiểu tư sản như lính tiểu tư sản, sẽ phải tuân lệnh thực dân Pháp, bắn bỏ lính giai cấp vô sản. Lúc này, Khoa cũng nhớ câu nói của Vọng, câu nói mà Luyến cho là bậc thầy, lúc này, gặp sinh viên sĩ quan tiểu tư sản hồn nhiên, Khoa lại càng nhớ: Một mai, em sẽ oán trách người này, bênh vực người nọ. Rồi, em sẽ ân hận, vì oán trách sai, bênh vực sai nốt. Con người này chống đối con người nọ, không phải con người thích chống con người. Mà, hoàn cảnh nó dìu đi. Hoàn cảnh nào? Khoa không biết nổi. Để lát nữa, gặp Luyến ngoài sân vận động, sẽ hỏi Luyến.
- Khoa có làm quen cậu sinh viên sĩ quan nào không?
- Thưa mẹ, có
- Họ giỏi lắm à?
- Vâng.
- Họ đi lính là thằng Vũ theo kháng chiến đến già cũng chẳng về được. Con xem, người ta hồi cư tấp nập. Ông Tân Y ở phố Lê Lợi đang xây nhà hai tầng. Người ta sẽ xây lại nhà hết. Dần dần, có nước máy, có điện...
- Nhờ sinh viên Trường Sĩ Quan Nam Định chăng?
- Có họ, lính sẽ hết nham nhở như Pác ti đang, Bảo chính.
- Rất tiếc, mẹ ạ!
- Tiếc gì?
- Họ cũng là lính pác ti dăng!
- Sĩ quan mà.
- Sĩ quan chỉ huy lính pác ti dăng, mẹ ơi!
- Mẹ không tin.
- Thì chỉ huy Pháp vậy! Mẹ đừng tưởng họ sung sướng đâu. Bị Pháp động viên, họ khổ sở, không dám than vãn đấy thôi. Một anh sinh viên đã nói với con như vậy.
- Để bố mày ở Nam Định về, sẽ hiểu rõ. Đi ăn cơm, còn xem đá bóng.
- Con no rồi, không muốn ăn. Con ra bãi bóng đây.
Khoa lững thững bước. 3 giờ đấu giao hữu, 1 giờ rồi, vẫn chẳng có ai ngoài sân cỏ. Đấu giao hữu thì chán phèo. Đấu tranh cúp mới sôi nổi. Khoa chả còn thích thú xem đá bóng nữa. Nếu sinh viên sĩ quan Nam Định không sang thị xã, Khoa đã rửng rưng. Ngày học lớp ba, Khao chỉ mê đội ban lớp nhì 1. Vì có anh Vũ cú rót dầu, anh Côn cú ngả bàn đèn, anh Vọng cú xuyên chỉ qua kim, anh Luyến bắt bóng như tay quết nhựa michelin. Bốn người đó đã làm đội ban lớp nhì 1 vô địch của trường. Đi xem đội bóng nhà, đến sân thật sớm, cổ võ khô cả cuống họng. Đội nhà thắng, nhảy múa muốn sập bãi, vỗ tay đến xưng vù lên. Có lẽ, các đội ban tiểu học chơi hay nhất thế giới, mới có khán giả học trò lỳ lợm nhất thế giới, về cách hoan hô, đả đảo. Và, khóc hết nước mắt, khi đội nhà thua.
Khoa nhìn ra sân cỏ. Cỏ đã chết hết, từ độ vào hạ. Hai khung thành mới làm bằng tre bương, đằng sau không dăng lưới. Chung quanh sân quét vôi trắng. Quét vôi luôn ở khu vực của thủ môn với chỗ sút cú việt vị. Chả biết người ta có dọn dẹp sạch sẽ không, chắc chắn còn khá nhiều gạch đá. Chẳng có khán đài nào cả, dù danh dự hay bình dân. Chốc nữa, người ta sẽ mang ghế cho người Pháp và ông tỉnh trưởng ngồi. Khán giả bắt đầu tới. Luyến vẫn chưa tới.
Khoa lại nghĩ về các anh sinh viên sĩ quan Nam Định. Thật sự, Khoa yêu các anh ấy như yêu bộ đội năm xưa. Cái gì đầu tiên vào tâm hồn mình, khó mà quên. Cái gì đầu tiên ấy là một bài hát lãng mạn. Khoa không biết lãng mạn, cứ học bừa. Và, anh bộ đội cũng dạy bừa. Anh bảo, Việt Lang, bạn của anh, làm bài này. Sau khi vất vả phá tan biên cương loài người, Việt Lang tìm kiếm Những hình bóng qua. Anh bộ đội Hưng Yên bảo Khoa: Cứ hát đi, em sẽ tìm hình bóng qua, ngày mai.
Đàn thu trầm dâng khúc ca sông hồ
Mấy đường tơ biếc rung lời năm xưa
Mùa trăng hàng dương liễu xanh đôi bờ
Ai về cho nhắn một vài ý thơ
Tà áo nhuốn bao mầu thời gian
Buồn xa vắng nghe chiều than van
Từng đôi mắt nụ cười yêu đương
Trên bến đời say ngát muôn đường
Tầm ngược xuôi khuất bao hình bóng
Phấn hương tình cuốn bay chiều hoang
Và nơi đây lãng quên ngày tháng
Hồn nương theo cánh chim bạt ngàn
Còn đêm nao dấu môi mộng mơ
Ý xuân nồng đã dâng mùa qua
Chạnh tương tư gió reo gọi lá
Sầu lây lưa úa phai mầu hoa
Năm xưa nhắc nhở lá vàng cuốn
phiêu du
một trời thắm gió
tới năm canh đường đời
gót phong sương bao lần
đợi chờ hình bóng ai
Khoa chưa lớn để hiểu những hình bóng qua tâm sự những gì. Có điều, anh bộ đội tiểu tư sản Hưng Yên đã bị đào thải. Hôm nay, Khoa gặp lại anh, qua vóc dáng người sinh viên sĩ quan tiểu tư sản đang được nuông chiều. Các anh ấy sẽ sang Marrakech học lái máy bay. Và, sẽ bay trên vùng trời này, oanh tạc kháng chiến. Các anh ấy sẽ bỏ bom tan xác Vũ, Vọng, Côn. Vũ, Vọng, Côn, có thể, hạ rơi máy bay của các anh ấy. Khoa sẽ không oán trách người này, bênh vực ngưòi nọ như Vọng nói chăng?
- Khoa, Khoa!
Luyến đã lê nạng tới.
- Ra bãi lâu chưa?
- Từ lúc chưa có ai.
- Khán giả lơ thơ nhỉ? Đá bóng nhằm vào ngày phô trương lực lượng cứu hỏa, ít người xem lắm.
- Chiều nay, Lực lượng phòng hỏa và cứu hỏa mít tinh tuần hành hả anh?
- Ừ, 5 giờ.
- Đá bóng hết trước 5 giờ.
- Hai đội bóng chưa ra nhỉ?
- Vâng.
- Đứng xem, anh chịu không nổi, sẽ về sớm.
Tiếng máy bay trực thăng ở cầu Bo vọng lại. Rồi, trực thăng tới sân vận động đáp xuống. Chong chóng quay nhanh, khiến gió thổi mạnh vào khán giả. Người ta chạy ra đường. Vừa lúc, chiếc xe ăm buy lăng xuất hiện, phóng về chỗ trực thăng. Một chiếc jeep chở mấy người lính Pháp tới, đuổi hết khán giả bóng tròn đi. Trực thăng vừa đậu, đã bay lên. Trực thăng khác xuống...
Khoa và Luyến đã bước khỏi sân vận động. Trên đường về nhà mình, Luyến nói:
- Đánh nhau lớn ở Tiên Hưng, Đông Hà rồi. Lính Pháp bị thương rất nhiều.
Khoa hỏi:
- Đến nay, cách mạng mới trả đũa cuộc hành quân Trái Chanh, Trái Quít hở, anh?
- Loài chó, đánh không để chỗ cho nó chạy, nó còn biết quay lại cắn loài người nữa là. Pháp tàn sát cách mạng, phải nhận lễ cách mạng xứng đáng.
- Pháp gục ngã cả bầy.
- Ý vậy.
- Ngày mai, Spitfire sẽ đảo lộn dài dài.
- Và, đại bác không chịu câm họng.
- Lính Bùi Chu - Phát Diệm sang thêm nữa không?
- Chưa biết.
- Chỉ buồn cho đội bóng Trường Sĩ Quan Nam Định. Chắc họ lên căm nhông về rồi, không kịp từ biệt khán giả ái mộ!
- Họ thấm thêm nỗi đau nữa.
- Vâng. Còn tỉnh trưởng?
- Cứ việc an thân kiếp tôi mọi bù nhìn.
- Buổi trưa, em nghĩ về sinh viên sĩ quan tiểu tư sản, nghĩ về câu nói của anh Vọng, em định hỏi anh trên sân cỏ: hoàn cảnh dìu ta đi là hoàn cảnh nào. Thôi, anh ạ, em không hỏi nữa, để em tự tìm ra.
- Đúng.
Vừa lúc ấy, nhiều người xách thùng, ống bương lấy nước cứu hỏa chạy tứ tán. Chỗ tập trung mít tinh làm cản trở xe cứu thương của Pháp. Họ điên lên, khi một sĩ quan bị thương nặng chết, vì chậm trễ mấy phút. Lực lượng phòng hỏa và cứu hỏa của thị xã tan hàng trong sợ hãi.
Mấy hôm trước, Tòa tỉnh trưởng đã làm quan trọng cho lực lượng này. Ông Phó tỉnh trưởng không được đọc diễn văn. Lực lượng tự do giải tán. Toà tỉnh trưởng chằng can thiệp, chẳng phản đối gì. Một ng Các nhạc sĩ, thi sĩ, văn sĩ ghé Ô Mễ trên đường công tác đều chọn nhà ông địa chủ phong lưu mã thượng Đặng Xuân Rư làm quán trọ. Ca sĩ đếm không hết. Cô Ngọc Dậu hát bài Trường ca sông Lô của Văn Cao với đàn ghi ta đệm tuyệt với của Canh Thân hay không thể tả.
Ruộng cứ bán không tiếc, ông địa chủ lãng tử Đặng Xuân Rư mời gánh hát cải lương Phụng Khánh, Sĩ Tiến về hát cả tuần ở chợ Ô Mễ cho dân làng đi xem. Rồi ông làm bầu gánh Thống Nhất với kép độc Mộng Tần. Ông Rư có bao nhiêu ruộng, ông không biết. Chỉ biết bán cho phỉ chí. Khi Mộng Tần chết, gánh hát rã đám. Ông muốn tặng đào kép một món tiền. Bán ruộng, ruộng hết rồi. Ông địa chủ lãng tử Đặng Xuân Rư biến thành bần cố nông trắng tay.
Tháng 1 năm 1950, ông Rư hồi cư sớm nhất. Ở thị xã non tuần lễ, ông vù lên Hà Nội, để mặc cụ Hào Điển sống tàn tạ trong tổng Ô Mễ. Hiện thời, con trai ông là Đặng Xuân Côn may ra đã tốt nghiệp Trường lục quân Trần Quốc Tuấn trên Sơn Tây.
Cụ Hào Điển không đi khỏi Thái Bình, không tiếp xúc ai. Đàn em của cụ như Vũ Hồng Khanh, Phạm Phan Côn... đã ra cộng tác với Bảo Đại, làm tới chức bộ trưởng, giám đốc..., cụ không thèm biết. Một đêm mùa đông mưa dầm rả rích, cách mạng lén về Ô Mễ, bắt cụ, cho vào rổ xề khiêng đi. Cả nhà ngơ ngác. Nửa tháng sau, cách mạng báo tin cụ Hào Điển đã chết, xác ỡ giữa đồng Ô Mễ. Con cháu ra ôm cái rổ xề, mang xác cụ về nhà tẩm liệm, rồi đem chôn.
Luyến dập điếu thuốc vào gạt tàn, chớp mắt lia lịa:
- Đoạn cuối đời của cụ Hào Điển bi thảm quá.
Khoa cúi đầu:
- Anh Côn giờ ra sao?
Luyến buồn rầu nói:
- Không hề biết chuyện gì, Côn sẽ sung sướng; biết chuyện cụ Hào Điển, Côn sẽ đau khổ. Cách mạng giết ông mình mà mình suy tôn cách mạng, phục vụ cách mạng, mình sẽ phản ứng ra sao. Đó là trường hợp của Côn.
Khoa hằn học:
- Tại sao cách mạng lại giết ông nội anh Côn?
Luyến lắc đầu:
- Anh không biết.
Khoa nghiến răng:
- Vô nhân đạo, vô nhân đạo.
Chợt, Khoa nhớ nhời Vọng dặn trước khi chia tay ở Tường An. Nó nói để gỡ tội cho cách mạng:
- Anh Vọng đã tâm sự với em: Bộ đội mới có thể sai chính sách của Đảng, thi hành lầm lẫn. Gia đình em chắc sẽ gặp nhiều điều oan trái. Vậy, anh còn ở đây ngày nào, gia đình em nên vào thị xã ngay. Đó, cách mạng mà còn biết cách mạng sẽ sai lầm.
Luyến đốt điếu thuốc lá mới:
- Chỉ riêng Vọng có lòng thôi.
Nhả khói thuốc, Luyến dịu dàng:
- Hôm nay, anh em mình nhận được một tin rất buồn làm đau nhói tim. Đợi Côn về, Côn phải về, cho biết thật sự thái độ của Côn. Anh em mình sẽ nghe Côn nói và không có ý kiến gì. Bây giờ còn sớm. Em có anh Vũ theo cách mạng. Anh có em Ái theo cách mạng. Chúng ta không thể ghét cách mạng vì cái chết của cụ Hào Điển. Yêu nhau hay ghét nhau đâu có dễ dàng, trong một ngày chưa kịp suy nghĩ. Chúng ta hãy hiểu rằng, cụ Hào Điển sống với nông dân Ô Mễ, rất đẹp, cách mạng đã làm cụ chết, rất xấu.
Khoa đứng dậy, lễ phép xin Luyến cho về. Khoa đi rồi, còn mình Luyến ngồi trong phòng đơn độc. Luyến dập thuốc tắt, hai tay ôm lấy đầu, hơi cúi xuống mơ mộng...
Người Luyến gặp trước nhất, là Vọng, người lính vô sản không một mặc cảm nào. Chàng chiến đấu hào hùng, sống cho giai cấp, chết cho giai cấp. Chàng sống nghèo khổ, thuở làm học trò trường Monguillot. Cha chàng cu ly nhà máy điện thị xã. Mẹ chàng gánh xôi chè, bán hàng rong. Tội ác thực dân: giết cha chàng vì bệnh ho lao. Tội ác phát xít: giết mẹ chàng vì bệnh đói. Kẻ thù, chàng nhìn rõ, thấy rõ. Người cộng sản cứu chàng, đưa hai tay cho chàng bám và dẫn chàng vào cách mạng. Lòng tốt của cộng sản đi thẳng vào trái tim chàng. Khi người cộng sản cần gì ở chàng, chàng sẽ báo ân đến chết. Vì, chàng đã thành cộng sản. Chàng đấu tranh giai cấp để bảo vệ giai cấp của chàng. Không ai được phép bình phẩm chàng. Rất may, chàng đã chơi với trẻ con tiểu tư sản, thời ấu thơ. Chàng là người cộng sản có tâm hồn tiểu tư sản, là người có lòng. Chàng đang súng lên đạn, ngoài kia.
Người Luyến gặp thứ hai, là Vũ, người lính tiểu tư sản không một mặc cảm nào. Chàng chiến đấu ngoạn mục, sống vì người yêu, chết vì người yêu. Chàng nhập cuộc chiến chinh này cốt để xây dựng thị xã bị tiêu thổ kháng chiến, trồng lại hàng hồi hai bên dẫy phố chính và sống bên cạnh người yêu trọn đời. Chàng không bao giờ mơ ước làm anh hùng và trở về với vòng hoa chiến thắng đeo quanh cổ. Chàng lăn xả vào binh lửa, chẳng phải vì giai cấp này, giai cấp nọ. chàng nổi giận quân thù là bởi dân tộc. Có mang tiếng phục vụ giai cấp vô sản, cũng chẳng sao. Cái mục đích giải phóng thị xã Thái Bình mới cần thiết. Chàng sẽ giã từ vũ khí để nịnh bợ người yêu. Người lính tiểu tư sản ấy coi tất cả như một cuộc chơi. Lúc rã đám, chẳng cần tiền về đường. Chàng vẫn chơi chiến tranh và vẫn hát nhạc lãng mạn kháng chiến. Hình như, thời binh lửa, lá cũng ngập ngừng thương hoa, tại sao người không ngập ngừng thương người nhỉ? Người lại cố tình đá con người ra khỏi vòng chiến. Chàng đang bôn ba, ngoài kia.
Người Luyến gặp thứ ba, là Côn, người lính địa chủ lãng tử, không một mặc cảm nào. Chàng chiến đấu tuyệt vời, sống cho dân, chết cho dân. Bây giờ, chàng còn học Trường lục quân Trần Quốc Tuấn ở Sơn Tây. Chàng thuộc bài thơ Đôi mắt người Sơn Tây của lính tiểu tư sản Trần Quang Dũng, phiền muộn hơn cả bao giờ:
Em ở thành Sơn chạy giặc về
Tôi từ chinh chiến cũng ra đi
Cách biệt mấy lần quê Bất Bạt
Chiều xanh không thấy bóng Ba Vì [2]
Vầng trán em mang trời quê hương
Nắt em vời vợi buồn Tây Phương [3]
Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm
Em có bao giờ em nhớ thương
Mẹ tôi em có gặp đâu không
Những xác già nua ngập cánh đồng
Tôi cũng có thằng em nhỏ bé
Bao nhiêu rồi xác chết trôi sông
Từ độ thu về loang bóng giặc
Điêu tàn thôi lại nối điêu tàn
Đất đá ong khô nhiều máu lệ
Em có bao giờ lệ chứa chan
Đôi mắt người Sơn Tây
U uẩn chiều luân lạc
Buồn viễn xứ khôn khuây
Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn
Về núi Sài sơn ngắm lúa vàng
Sông Đáy chậm buồn qua Phủ Quốc
Sáo diều vi vút giữa đêm trăng
Bao giờ ta gặp em lần nữa
Ấy lúc thanh bình chắc nở hoa
Đã hết sắc mùa chinh chiến cũ
Còn có khi nào em nhớ ta
Tâm hồn chàng ướp chất lãng mạn. Chàng đi chinh chiến chỉ vì lãng mạn. Chànng đang phiêu hốt, ngoài kia.
Luyến thấy ba người bá vai nahu, cởi trần, vui vẻ bước đi...
116
Tháng 2, 1952, thị xã có điện. Mọi người thích thú. Không có công tơ riêng. Nhà máy điện cấp cho mỗi gia đình một ngọn 60 watts. Ai muốn dùng máy vô tuyến truyền thanh, báo cho nhà máy điện hay, nhà máy điện sẽ gắn thêm chỗ cắm điện. Nhà máy điện mở đèn lúc 7 giờ tối và tắt đèn lúc 11 giờ 30 đêm, vào lúc giới nghiêm. Dân thị xã bằng lòng lắm. Cái gì nó cũng từ từ đến. Mai này, gắn công tơ riêng, muốn thắp bao nhiêu ngọn đèn thì thắp, miễn là đủ tiền nộp nhà máy điện.
Nước máy còn lâu mới có. Phải ăn uống nước sông Trà Lý vài chục năm nữa. Nhà cửa đã bắt đầu xây dựng lại. Phố chính nhà gác hai ba tầng mọc lên nhiều. Tình hình an ninh đã sáng sủa. Những cuộc hành quân Trái Chanhm, Trái Quít thắng lợi lớn. Bên kia sông ổn định xong cả. Chỉ còn những trận đánh lác đác. Cách mạng thất bại. Quân Pháp thành công. Mười hai phủ, huyện đã đổ về thị xã buôn bán tấp nập. Dân thị xã vẫn để ước mơ vào kháng chiến, tuy kháng chiến đã chừng bước ở khắp nơi, thua lả tả. Lính Pháp, lính lê dương đã tung tăng ngoài phố. Lính da đen vẫn đông hơn, đi tìm y tá tiêm pê ni xi lin, chữa bệnh lậu, bệnh giang mai. Lính Bùi Chu - Phát Diệm đã hồi hương nên chấm dứt cảnh lính đánh nhau giữa phố. Sĩ quan và hạ sĩ quan pác ti dăng do Pháp động viên, ở Hà Nội, Quân khu 4 của tướng Nguyễn văn Vận, điều về Thái Bình khá đông. Ban tác động tinh thần của Quân khu 4 được ghé thị xã, đàn đúm, xướng ca cho lính pác ti dăng nghe. Nhìn bề ngoài, người ta thấy vùng tự do mờ dần, vùng tạm chiếm sáng lên, và thị xã Thái Bình khởi sắc. Ô tô Con Voi của ông Lê văn Định, chạy đường Thái Bình-Hải Phòng, đã đến Đống Năm rồi; chạy đường Thái Bình-Tân Đệ không bị ăn trái mìn nào. Cứ xem hành trình ô tô hàng là biết rõ an ninh vùng tạm chiếm.
Đọc thông cáo của nhà máy điện, những hiệu buôn ở phố Lê Lợi sang Nam Định ồn ào, chở máy truyền thanh về thị xã để nghe nhạc và tin tức. Ném những máy hát quay cót đi. Cứ phải thay kim, trở mặt đĩa luôn, thấy mệt. Máy vô tuyến truyền thanh bắt được các Đài Sàigòn, Đài Pháp Á, Đài Hà Nội, và cả Đài Cách Mạng nữa. Đài Hà Nội phát thanh tin tức, bình luận trực tiếp Đài Sàigòn, chỉ các chương trình văn nghệ mới tự do.
Luyến đã nghe hết các đài phát thanh. Về tin tức quân sự, hầu như không có gì. Mặt trận Thái Bình nặng hay nhẹ, chỉ người Thái Bình biết, dân torng nước ù ù cạc cạc. Báo chí thì đăng Thông cáo của Bộ tối cao chỉ huy quân đội liên hiệp Pháp. Vô tuyến truyền thanh thì đọc Thông cáo của Bộ tối cao chỉ huy quân đội liên hiệp Pháp. Chính phủ Bảo Hoàng không được phép loan tin chiến sự, dẫu là quân Bảo Chính!
Về văn nghệ, yếu ớt, chỉ chơi những vở kịch của các tác giả viết trước 1945. Hôm qua, gần tết, Đài Hà Nội diễn vở Lên đường của Hoàng Cầm. Nếu Pháp biết Bên kia sông Đuống, Đêm liên hoan của Hoàng Cầm, chắc đóng cửa Đài Phát Thanh Hà Nội! Về âm nhạc, toàn hát những bài lãng mạn tiền chiến. Những Văn Cao, Tô Vũ, Nguyễn văn Tý, Lê Thương, Nguyễn văn Thương, Dzoãn Mẫn... bê ra dùng liên tiếp, chán tai thính giả. Những bản nhạc kháng chiến, tác giả vào tề, đổi hết lời ngay. Rõ ràng, họ phản bội kháng chiến 1946-1950. Phản bội có mầu sắc tuyên truyền không công cho cách mạng. Nghe nhạc cũ, lời mới, dân chúng vẫn nhớ lời cũ chống Pháp tưng bừng. Và, dân chúng vẫn vọng về cách mạng mùa Thu. Nhạc mới lời mới thì quê hương cháy ngút trời. Ai làm cho quê hương mình cháy? Nhạc sĩ vùng tề sợ Pháp, không dám nói.
Ai qua miền quê binh khói
Nhắn giúp rằng nơi xa xôi
Tôi vẫn mơ tùm tre xanh ngát
Tim sắt se cảnh xưa hoang tàn
Bao nhiêu ngày vui thơ ấu
Bao nhiêu lều tranh yêu dấu
Theo khói binh lều tan tre nát
Theo khói binh lòng quê héo tàn
Ôi quạnh hiu ôi quạnh hiu
Làng quê khô héo
Luyến tình quê luyến tình quê hẹn sẽ trở về
Về quê xưa để sống êm đềm giấc mơ
Về quê xưa tìm bóng những ngày đã qua
Và say sưa cuộc sống bên ngàn lũy tre
Xa lánh cuộc đời khắt khe
trăm đau ngàn thương
Nhạc mới lời mới cũng học lãng mạn. Thời tiết, khí hậu, không gian, thời gian, con người không lãng mạn, nhạc khó mà lãng mạn.
Ngày nào một giấc mơ
Đây những đêm trăng mờ ai ngóng chờ
Khi áng mây thành thơ nhẹ gió đưa
Theo tiếng đàn thuyền mơ tìm bến xưa
Một chiều thu chiến chinh
Xuân ngát hương thanh bình say mối tình
Khi ánh trăng về vui đời thắm xinh
Bên dáng huyền thầm mơ lúc tuổi xanh
Nhớ những phút sống say sưa đêm nào
Trăng quyến đôi tâm hồn dìu về đâu
Nhớ những tiếng hát say sưa êm đềm
tuy vắng xa nhưng lòng còn xao xuyến
Nghẹn ngào niềm nhớ nhau
thương xót ai trăng sầu bên mái lầu
Hay đớn đau vì câu chờ kiếp sau
Trăng úa mầu lệ dang ướt ngàn sao
Ta đã có lãng mạn tiền chiến, lãng mạn cách mạng, lãng mạn kháng chiến. Mỗi thời đại, lãng mạn nó tỏa ra, bốc lên lãng đãng trên trời, dưới đất. Văn nghệ phản ảnh chính xác. Lãng mạn vùng tề là giả vờ lãng mạn. Luyến không chịu nổi văn nghệ vùng tề, cái thứ văn nghệ sợ hãi, khiếp nhược. Thì đành vặn Đài Pháp Á, nghe ca sĩ Ngọc Hà hát tiếng Nam, cũng như đọc văn sĩ Thanh Thủy viết văn giọng Nam.
... Mùa thu dzàng rơi là mùa lá dzàng tới
Mà lá dzàng tới khi tình thu dzừa khơi
Nhặt lá dzàng rơi
xem màu lá coòng tươi
Nghe chừng như đây màu tê tái...
Chán đài Bảo Hoàng, Luyến dò Đài Cách Mạng. Tin chiến sự thì ta thắng, địch thua. Không bao giờ ta thua, địch thắng. Thỉnh thoảng, địch rất đông, ta rút lui có trật tự. Pháp và cách mạng giống nhau. Nhạc chỉ rặt đấu tố địa chủ ác ôn, cường hào ác bá. Đâu rồi thuở lãng mạn kháng chiến, những bài hát như Quê hương anh bộ đội:
Nơi ấy có cánh đồng tắm nắng vàng tươi
bờ tre nhà tranh vách mới
Nơi ấy có cánh đồng mênh mông ngát hương
mùa lúa chín ngất tiếng ca khắp đường
Nhà anh có đàn em mắt ngây thơ má hồng
Những chiều cùng vui hát trên đường quê
em bé dắt trâu về
gia đình làng mạc yên ấm
tăng gia cầy cấy đời đời thanh bình
Nhà anh hai nếp vừa xinh
Đêm trăng lên cao và chiếu sáng mặt sân
góc vườn vẳng nghe tiếng hát vang lên
từ xóm giếng làng bên
vượt qua vườn dâu bãi mía
Em gái bên láng giềng đêm đêm kéo tơ
vụt nhớ đến phút mến thương
anh chàng xinh trai
Mùa thu một năm nào
em gái tiễn chàng trai ra đi
cầm tay mà không nói
Chân quay đi nhưng lòng vấn vương
nhìn xa xăm bao dặm đường
Ai đi lên đường
Ai ra sa trường
mắt quay về xóm cũ làng bên
chiều lên mờ trong khói súng
Nơi ấy nay vẫn còn mênh mông ngát hương
Đang chờ ngày về chiến thắng
[4]
Luyến nghĩ mình đã sống trong thời đại bất hạnh. Tin người? Không. Tin đời? Không. Tin báo chí? Không. Tin đài phát thanh? Không. Người nói dối, Đời nói dối. Báo chí nói dối. Đài phát thanh nói dối. Vì, chiến tranh. Chiến tranh là con thuồng luồng dữ dằn nhất. Nó đảo tung đất trời, làm thiện sang ác. Già cả bệnh hoạn, như cụ Hào Điển, còn bị tia sáng cực mạnh của thời đại khốn nạn nó chiếu vào, không từ một ai. Luyến mất một chân, chẳng hy vọng gì thời đại khốn nạn nó buông tha. Sống ngày nào, hãy biết ngày ấy. Như hôm nay, biết thị xã có điện, có vô tuyến truyền thanh, là mừng rồi. Ngay mai, có thể, thị xã có nước máy hay tiêu thổ kháng chiến lần nữa. Lại vui rồi lại buồn. Cứ như thế mà sống. Sống trong chiến tranh là sống tạm bợ. Cái cõi tạm không nói tương lai.
Luyến vừa hay tin gia đình Long hồi cư. Còn Long người bạn đá bóng của Luyến chết rồi. Long phá thối chết trận ở Duyên Hà. Nó gia nhập bộ đội năm 1949, đánh nhau hung hãn. Chỉ vì hung hãn, nó leo lên xe tăng bỏ lựu đạn xuống, bị ăn một tràng đại liên nát bét ngực. Hai tin chết chóc rủ nhau đến tìm Luyến. Một: Cụ Hào Điển, ông nội của Côn. Hai: Thằng Long. Cụ Hào Điển chết sầu thảm. Long chết vinh quang. Luyến an ủi phần nào, vì Long chết cho tổ quốc. Luyến có bạn đã hy sinh cho tổ quốc. Chết dần chết mòn, hòa bình còn những ai? Năm năm, biết bao thay đổi. Bạn bè Luyến bốn phương lưu lạc. Luyến què chân về thị xã, hứng cho bạn tất cả nỗi buồn trùm kín Thái Bình. Luyến đã ngồi im lặng hàng tiếng đồng hồ, hút thuốc lá, tưởng mộ Vũ Nhất Long. Con rồng thứ nhất bay vào hư vô rồi, con rồng tiếp nối là ai?
Luyến còn may chán. Ngọc yêu nó thuở nó không còn biết chờ đợi ai. Bất chợt, tình yêu tới. Như những câu thơ của cậu học trò Đào Sinh Sắc diễn tả:
Có một sớm con chim xanh tình ái
Vào hồn tôi trong giây phút đăm chiêu
Tôi cảm thấy lòng tôi đau tê tái
Vì từ nay tôi đã bắt đầu yêu
Luyến khác tâm sự Đào Sinh Sắc một chút. Lòng nó không đau tê tái, và nó cảm thấy lòng nó dạt dào thương mến.
- Anh Luyến, anh Luyến ơi!
Khoa tất tả bước vào, giọng nói ngập xúc động:
- Anh Côn đã... đã về...
Luyến ôm ghì lấy Khoa:
- Ở đâu, ở đâu?
Khoa cuống quýt:
- Ở nhà em. Anh Côn chờ anh đấy!