125 - 126

     ùa đông tàn. Mùa xuân tới. Mùa hạ sang. Mùa hạ 1954, mùa hạ rực rỡ của thị xã Thái Bình. Không ai nói tới cách mạng nữa. An ninh quốc lộ, huyện lộ bảo đảm 100 phần 100. Chiến sự im vắng. Tình hình ổn định tối đa. Người Pháp hài lòng nhìn thấy thành quả của mình. Dân thị xã bắt đầu tính chuyện làm giầu dài hạn. Cứ thế, tháng 4 rủ tháng 6 qua.
Khoa viết thư cho biết hè năm nay nó về muộn. Thi cử xong, nó còn phải ghi danh lên đại học. Tháng 6 chẳng bắt dân chúng lo sợ. Dù thông cáo của Bộ tối cao chỉ huy quân đội liên hiệp Pháp đăng trên Tia Sáng, Giang Sơn, ngày nào cũng có một tỉnh di tản chiến thuật. Di tản chiến thuật rồi lại chiếm đóng. Người ta nghĩ vậy. Thoạt đầu, các tỉnh thượng du di tản chiến thuật. Sau đến, các tỉnh trung du di tản chiến thuật. Thái Bình vẫn yên ổn. Cuối tháng 6, nhiều tỉnh đồng bằng di tản chiến thuật. Thái Bình bình chân như vại.
Đến ngày 29 tháng 6, l954, lúc 11 giờ sáng, thị xã hốt hoảng tin chạy loạn! Chạy giặc, về với giặc. Giặc bảo chạy loạn, loạn nào? Thiên tai giáng xuống thị xã liên tiếp. Nhà nào nhà nấy quýnh cả lên, thu dọn gấp đồ đạc. Để chạy loạn. Đồ đạc mang chẳng xuể, người ta chỉ đem mấy bộ quần áo và tiền bạc di tản về làng mạc lân cận. Hết tản cư, hồi cư, rồi di tản!
Gia đình Vũ bối rối vô cùng. Vũ khuyên cha đưa dì, hai em chạy lẹ xuống Đoan Túc, tá túc người bà con ít ngày. Nó ở lại thị xã giữ nhà. Quân Pháp rút lui cố tình chơi chữ: Di tản chiến thuật. Pháp rút lui đây, không hiểu vì lý do gì, nhường đất cho cách mạng. Di tản chiến thuật ở đó. Vũ nhấn mạnh: Chẳng có giặc nào cả, cha nó cứ đưa gia đình tạm lánh vài hôm, rồi sẽ về thị xã. Cha Vũ tin lời Vũ, vội vàng dắt vợ con di tản. Vì giặc Pháp, thị xã tiêu thổ kháng chiến, dân chúng tản cư. Nhờ giặc Pháp, dân chúng vui vẻ hồi cư. Bởi giặc Pháp, dân chúng tán loạn di tản.
Gia đình Vũ rời khỏi thị xã. Đến xế chiều, không còn bóng dáng ai trên phố chính. Thị xã trống vắng, Chỉ còn những người què cụt ở lại trông nhà mình. Lính Pháp, lính Lê dương, lính Pác ti dăng, lính Bảo chính đều cấm trại. Người Pháp muốn dân thị xã hốt hoảng chạy giặc để di tản chiến thuật được bình yên vô sự. Pháp đểu giả thật. Vũ tin chắc Luyến không đi đâu cả, cứ thị xã mà bấu víu. Nó tìm gặp Luyến.
- Tao biết, mày ở lại thị xã.
- Gia đình tao vọt xuống Đoan Túc rồi.
- Bố mẹ tao di tản chiến thuật với Pháp, hiện đang tập trung tại Tòa tỉnh trưởng. Tao mà di tản ư? Con Ngọc cũng trốn nhà, từ chối di tản. Nó ở Thái Bình với tao, vừa về nhà lấy ít quần áo, sang đây ngay bây giờ. Công chức được di tản với Pháp. Ai khước từ, tùy ý. Bố tao đã ngán ngẩm tản cư, không thích khổ sở di tản về nông thôn nữa.
- Bố mày có lập trường riêng.
- Mày ở đây ăn cơm với tao. Ngọc đặc trách nấu nướng. Ở đây mà xem thời đại nó vần xoay.
- Mở cửa à?
- Không, lỗ cửa nhỏ thôi.
- Đau đớn cho ai?
- Bọn Pháp. Đang mạnh hóa yếu. Pháp thua trận Điện Biên Phủ tháng 5, đến nay mới rút khỏi Thái Bình. Điện Biên Phủ, ba tiếng não nề và nhục nhã cho quân đội viễn chính Pháp. Chính phủ Pháp tin Mỹ lắm. Và tin như nô lệ Việt Nam tin thực dân Pháp, nên Mỹ nó đá cho một phát lăn cu chiêng, không giẫy giụa.
- Viện trợ chứ gì?
- Mỹ cam kết viện trợ quân sự cho Pháp. Rồi, rất tự nhiên, Mỹ từ chối vài phi vụ B 26 trải bom xuống Điện Biên Phủ. Mỹ cúp viện trợ cho Pháp luôn. Pháp đành ngao ngán... di tản chiến thuật.
- Pháp có đầu hàng toàn diện hay chỉ đầu hàng Điện Biên Phủ?
- Tao không biết. Chờ thời đại xoay vần.
- Mỹ bần tiện quá nhỉ?
- Nó đã tiếp tế vũ khí cho Việt Minh giết phát xít Nhật. Nó lại trở mặt, viện trợ cho Pháp giết Việt Minh. Sau chót, nó cúp viện trợ quân sự cho Pháp để Việt Minh thắng Pháp. Còn gì nữa, tao không biết. Cái ngày Mỹ viện trợ sữa bột, phó mát, thuốc trừ muỗi, vải vóc cho dân thị xã Thái Bình, tao đã suy nghĩ nhiều, nhưng chẳng hiểu nổi. Liền đó, tao đi xem phi cơ Spitfire của Mỹ viện trợ cho Pháp bỏ bom, bắn phá, giết dân Việt Nam, tao cũng mù tịt ý định của Mỹ.
- Tao có cảm tưởng Việt Nam như con đĩ tội nghiệp! Nhật đã chơi Việt Nam, giết ngót hai triệu người, rồi cút. Tầu đã chơi Việt Nam, quấy hôi bôi nhọ, ẵm tuần lễ vàng, rồi rút. Pháp đã chơi Việt Nam, gây tổn thương bao nhiêu xương máu, rồi sẽ rút. Còn khách làng chơi bần tiện và gian trá Mỹ. Nó sẽ giở trò gì? Cứ giầu là có quyền làm hại người nghèo. Trời ơi, còn Liên xô vĩ đại! Côn theo ai? Chắc là theo Mỹ. Vọng theo ai? Chắc là theo Liên xô. Tư bản sẽ choảng nhau với cộng sản, trên đất nước gồm toàn những thằng cụt chân, què tay, tàn phế. Phải thế không, mày?
- Đợi thời đại xoay vần.
- Hết đời mình chăng?
- Có thể.
- Chán quá.
- Lát nữa, thời đại xoay vần ở thị xã chúng mình.
- Thằng Pháp đau nhất chứ?
- Thứ nhì, thằng Bảo Hoàng.
- Thứ ba?
- Chúng mình.
Ngọc đã chạy vụt sang nhà Luyến. Nhà máy điện cho đèn phố xá cháy từ sáng sớm. Bây giờ, Vũ mới nhận thấy. Trời đã về chiều. Mới vào thu, mặt trời lặn sớm, khiến cảnh tượng thị xã càng tiêu điều, heo hút. Từ phía nhà thờ, đã nghe tiếng xe nổ. Chiếc phi cơ Bà Già lượn trên không trung liên miên, quanh vùng trời thị xã. Luyến mở cái lỗ nhỏ trên cánh cửa nhìn ngoài phố chính. Nó gọi Vũ tới gần. Lỗ nhỏ được chia đôi. Luyến nhòm mắt bên trái, Vũ mắt bên phải. Chung quanh thị xã và các làng gần gũi, dân chúng cũng đang hồi hộp hướng về thị xã. Những chuyện gì sẽ xảy ra?
Xe tăng bên kia sông Trà Lý, đã về đầy đủ cùng với lính ở các đồn bót, đậu trên cầu Bo. Được lệnh, bốn chiếc xe tăng nghiến đường phố chính, đi thẳng tới ngã tư Vũ Tiên-Thị Xã. Xe tăng dẫn đầu cho những xe căm nhông, xe jeep.
- Mày trông rõ chứ, Vũ?
- Rõ.
- Xe tăng ở mặt trận bên kia sông đấy.
- Ừ.
Đến lượt xe căm nhông chở công chức, vợ con di tản. Họ sang Nam Định. Xe chạy ra ngã tư Vũ Tiên-Thị Xã, thế nào cũng chạy thẳng bến phà Tân Đệ. Trời tối rồi. Xe của lính Bảo chính xen kẽ với xe của Pác ti dăng. Di tản chiến thuật, chắc chắn không bị truy kích. Nhưng luôn luôn, cấp chỉ huy đề phòng những cuộc mai phục của dân quân, du kích, dù họ biết, từ một năm nay, quân sự của Việt Minh trên đà xuống dốc.
Đoàn xe di tản khá dài. Khi bốn chiếc xe tăng bọc hậu qua cầu Bo, một tiếng nổ rung chuyển thị xã vang lên. Chưa biết đâu bị phá hoại. Tiếng nổ thì nghe ở mạn cầu Bo. Chiếc phi cơ Bà Già vẫn bay lượn. Nhà máy điện vẫn chạy. Không còn một xe di tản nào hết, thị xã chìm vào hoang vu. Lúc này, chỉ có tiếng máy điện ầm ỳ, nghe rõ mồn một. Và tiếng máy bay Bà già. Người Pháp chơi trò giả vờ vụng về. Họ còn chiếm đóng Thái bình đấy. Bằng chứng, Bà Già vẫn bay lượn, nhà máy điện vẫn cung cấp ánh sáng ban đêm.
Nửa đêm, máy bay Bà Già im tiếng. Máy điện chưa im hơi. Nó chạy hết đêm nay, vì dầu hết và không người điều khiển. Đoàn xe di tản đã vượt sông Hồng vào Nam Định rồi. Gần năm năm, người Pháp tình tự với sông Trà Lý, tưởng mang được cái gì về. Không ngờ, di tản chiến thuật, tay họ trắng bóc. Có chút nhục nhã ghim vào trái tim họ.
- Đêm nay, mình phải thức cả đêm không ngủ.
- Còn thuốc lá không?
- Mới mua một tút.
- Cần phải hút hơn là ăn, đêm nay.
- Ngọc đã thổi cơm.
- Tối chưa đói, đêm no nhiều.
- Mày đã nghĩ làm gì, sáng mai?
- Làn chủ thị xã.
- Hay.
- Làm chủ mấy ngày ấy mà. Cách mạng sẽ hứng lấy.
- Chúng mình làm chủ thị xã vô chính phủ. Thế mới hách.
- Buồn cười ghê. Chúng nó như trẻ con, đánh lấy được rồi thua lấy được.
- Tất cả, đều là trò chơi. Chiến đấu cho tự do, dân chủ là trò bịp. Chiến đấu cho tư bản là ngu. Chiến đấu cho vô sản là dốt.
- Sao lại là ngu, là dốt?
- Mày có tư bản không?
- Không.
- Ngu. Mày có vô sản không?
- Không.
- Dốt. Chừng nào tư bản và vô sản chết ngỏm, cuộc đời mới có ý nghĩa.
Câu chuyện đêm không ngủ của Vũ và Luyến tới đó bị tắt điện. Máy điện đã ngưng chạy. Chẳng nghe tiếng ầm ỳ của nó nữa. Thị xã im lặng, tối mò. Hòa bình tới đó. Dân chúng không ra đường cho niềm vui tột độ của mình nó trào ra. Hòa bình tới đó. Dân chúng chạy ra bốn ngả, ruột quặn đau, tim ngừng đập, chỉ sợ gặp giặc. Người Pháp đúng là quân xỏ lá kềnh. Họ di tản chiến thuật. Dân thị xã chạy giặc lêu bêu.
- Luyến này!
- Gì?
- Ngủ đi nhé!
- Ngủ làm chi?
- Để quên mọi ẩn ức. Sáng mai, tao làm chủ thị xã, phải đi quan sát đất nước này, xem vụ phá hoại xảy ra tự đâu. Trái tim tao đau nhói, khi tao tưởng giặc Pháp giật sập cầu Bo.
- A, cầu Bo, cầu Bo... Nó cứ giật sập đi, tiểu thuyết Cầu Bo trầm lặng của tao sẽ có đoạn kết bi hùng.
- Nó giật sập cầu Bo, nó sẽ chết với tao. Bao nhiêu kỷ niệm ấu thơ của tao đã gửi trên cầu Bo.
- Bao nhiêu lịch sử đã xảy ra trên cầu Bo. Mày đừng giết những thằng thua trận nữa. Để tao hỏi tội dân tộc chúng nó. Mày nói đúng, chúng ta nên đi ngủ. Thôi, ngủ đi!
Vũ vừa nằm vừa nghĩ tới cầu Bo. Tiêu thổ kháng chiến, không phá cầu Bo. Thế mà, hôm nay rút lui, Pháp đã phá cầu Bo...
126
Một nhịp cầu Bo bị quân Pháp gài mìn giật đổ nát. Pháp sợ rút lui khỏi các huyện lỵ bên kia sông Trà Lý, cách mạng biết, truy nã Pháp, kế hoạch di tản chiến lược sẽ gặp rắc rối, phải tiêu hủy một nhịp cầu Bo để đề phòng. Mới có một nhịp, một nhịp thôi, Vũ đã khóc rồi. Tháng này, nước lũ đã đẩy mạnh về xuôi. Nước lũ chưa lớn lắm. Khi chảy qua cầu, nước lũ trôi theo nhịp cầu đổ, tiếng gầm không thét to dưới chân cầu.
- Chẳng nước lớn nào thương nước nhỏ, Pháp cũng thế thôi, Luyến ạ!
- Hồi chưa bị tàn phế, mày giết bao nhiêu thằng Pháp?
- Ngoài trận địa, có khi nhiều, có khi chả có thằng nào, biết làm sao mà nói được.
- Cứ kể mày giết được hai thằng di.
- Thế thì sao?
- Mày là anh hùng của cách mạng, là sát nhân của giặc Pháp. Nó thù mày, nó phá cầu Bo.
- Suy nghĩ nhảm rồi.
- Đế quốc có bao giờ thương yêu tiểu nhược quốc. Nước mình còn thù ghét nước mình, nữa là. Bảo Hoàng tiêu diệt cách mạng. Việt Minh giết Bảo Chính. Giai cấp vô sản đánh nát các giai cấp khác. Mình hỏi nước mình có thương yêu mình không, nước ngaoài thì miễn kể. Pháp nó sòng phẳng ra phết, đổi cái máy điện lấy nhịp cầu Bo. Thôi, ông chủ thị xã, đi xem có gì mới không?
Không có gì mới. Chỉ là thị xã tiêu thổ kháng chiến hôm qua, thị xã có nhà bỏ hoang, trống rỗng hôm nay. Kiểm điểm thành tích của thị xã xem. 80 năm nô lệ thực dân Pháp. Một cuộc vùng lên ngoạn mục của làng Đông Cao, Tiền Hải. Bốn năm nô lệ phát xít Nhật. Không chiến Mỹ - Nhật ở Quỳnh Côi. Nhật đảo chính Pháp. Chết đói ở riêng Thái Bình non ba mươi vạn người. Tổng khởi nghĩa giành độc lập. Các đảng phái giết nhau. Sông Trà Lý bục vỡ đê, khiến 12 phủ huyện lầm than, trừ Tiền Hải, huyện lỵ nằm ven biển. Tầu sang tước khí giới Nhật. Đóng góp vàng hối lộ Tầu cho Tầu cút về nước. Hồ Chí Minh thăm thị xã Thái Bình. Hoàng Sĩ Tính chỉ huy quân sự thị xã bị xử tử, vì để giặc Pháp hành quân chớp nhoáng sang Thái Bình năm 1947. Tiêu thổ kháng chiến. Giặc Pháp chiếm Thái Bình. Tản cư về hậu phương nông thôn. Chiến tranh và kháng chiến. Giai cấp và giai cấp đấu tranh. Bảo Hoàng và Bảo Đại. Khố đỏ khố xanh, đổi dáng thay hình. Mỹ viện trợ sữa bột, phó mát cho dân thị xã. Pháp di tản chiến thuật khỏi thị xã. Hãy chụp ảnh Thái Bình, phóng to lên mà xem! Nó cũng giống hệt những thành phố, những tỉnh lỵ trên đất nước Việt Nam. Còn ngậm ngùi hơn là khác. Có tỉnh nào bị tiêu thổ kháng chiến như Thái Bình? Có tỉnh nào bỏ nhà xây dựng trong vùng tề trống không, chạy loạn di tản chiến thuật của Pháp? Ôi, Thái Bình của Vũ, của Luyến, của Côn, của Long, của Lộc, của Vọng sao mà cảm xúc thế! Vẻ buồn tỉnh lỵ nó giống hệt vẻ buồn dân tộc.
- Luyến này, mày nghĩ gì về Thái Bình?
- Hôm qua hay hôm nay?
- Hôm nay.
- Hôm nay, Trần Vũ, người bị tàn phế, làm chủ lâm thời thị xã vô chính phủ.
- Đứng đắn tí, mày?
- Đứng đắn chứ! Thị xã đã qua tay bao chính phủ. Triều đình Huế. Toàn quyền Pháp. Chủ soái Nhật. Chủ tịch cách mạng. Quốc trưởng Bảo Hoàng. Bây giờ vô chính phủ! Mày làm chủ lâm thời thị xã, là vẻ vang cho dân thị xã đấy. Vài hôm nữa, dân sẽ lục tục kéo nhau về.
- Là hết vô chính phủ?
- Còn.
- Đến khi nào?
- Cách mạng về tuyên bố chính phủ mới toanh.
Dân chúng đã lác đác về thị xã. Một tuần lễ sau, dân chúng về hết. Mới đầu, không ai bảo ai, chợ họp ban đêm và ít ra đường phố. Người ta đề phòng giặc Pháp hồi cư chiến thuật, đem máy bay dội bom, bắn phá, trước khi hồi cư. Vừa mới thân giặc Pháp, lại sợ giặc Pháp. Nhìn cờ tam tài đã quen mắt, giờ thì ớn lạnh hãi hùng. Sau đó, không ai bảo ai, chợ họp ban ngày và ra đường phố tự do.
Một hôm, hai chiếc máy bay Spitfire đen thùi lũi, trở lại vùng trời thị xã. Ai nấy sợ chết, chạy tán loạn. Ở hậu phương, máy bay giặc Pháp lượn một vòng, chắc chắn dân chúng ăn bom napalm, ăn đạn đum đum. Về vùng Pháp tạm chiến đóng, dân chúng không ngán máy bay nữa. Pháp di tản chiến thuật rồi, lại cho máy bay sang, dân chúng coi Pháp như kẻ thù, như thực dân áp chế, bóc lột. Tất cả ẩn núp, trốn tránh bom đạn. Dân chúng tự trách mình chạy loạn có mấy ngày đã ùn ùn kéo nhau hồi cư, đâu biết giặc Pháp nó hại mình. May mắn làm sao, hai chiếc Spitfire chỉ lượn hai vòng, rồi bay đi mất. Hai phi công nhớ Thái Bình, lần cuối cùng nhìn Thái Bình, không bao giờ trở lại nữa. Nỗi nhớ nhung của hai phi công Pháp làm tim bao nhiêu dân thị xã muốn long ra ngoài.
Dân chúng Thái Bình lạ lắm. Sống cảnh vô chính phủ như sống với chính phủ. Không ai gây sự, đánh nhau. Không ai ăn cướp, ăn trộm, ăn cắp của nhau. Ban đêm, giặc Pháp và lũ bù nhìn Bảo Hoàng đi khòi, thị xã chẳng còn đèn điện, nhà nhà thắp đèn dầu hỏa, phố xá tối um. Người ta sống trong thảm cảnh vô chính phủ như thế, chỉ mong ngày sớm có chính phủ, dù chính phủ đè lên đầu người ta mà hạch sách đủ điều. Ai cũng biết rằng, chính phủ cách mạng sẽ tiếp thu những cơ cấu thống trị của chính phủ bù nhìn Bảo Hoàng. Có lẽ, chiến tranh vẫn còn, chính phủ cách mạng phải đối phó, chưa kịp về tái lập an ninh cho thị xã để nhân dân yên ổn làm ăn.
- Tại sao cách mạng không cho người về thị xã, làm dân chúng lại lo sợ?
- Thị xã của mình rồi, về làm chi vội!
- Thế là ích kỷ.
- ích kỷ với mày, chứ không ích kỷ với cách mạng.
- ích kỷ với tao, dễ thôi, ích kỷ vớ1 nhân dân, thì đáng tội.
- Nhân dân của mày hay nhân dân của cách mạng hả, Vũ?
- Tao làm gì có nhân dân!
- Thì mày đừng nói về trước hay về sau. Nhân dân là cái gì? Giai cấp vô sản là cái gì? Mày còn nhớ anh Huy, ngày tổng khởi nghĩa, ở sân vận động không?
- Còn.
- Mày phục anh Huy lăn ra, khi mày hỏi Anh không đeo súng à, anh Huy chỉ tay vào ngực, trả lời Trái tim mạnh hơn súng. Dạo ấy, chúng mình còn ngu dại, chưa hiểu nổi anh Huy, thầy Đàn. Bây giờ, mình biết nhiều, không ngu dại nữa. Như người đi hia bảy dặm. Từ 1945 đến 1954 cũng dài lắm, con đường lịch sử ấy tao nhìn vào và biết nhiều quá.
Anh Huy tranh đấu với Nhật trước cách mạng để kéo cờ Việt Nam mầu vàng lên tung bay phất phới. Anh ta bị nhiều người cách mạng dằng lấy cờ vàng, ghì tay anh lại, treo cờ đỏ lên. Anh ta yếu thế đành chịu lép vế. Cách mạng treo cờ đỏ và hô hoán ầm ỹ. Dân chúng hô hoán theo. Cả chúng mình cũng hô hoán theo, lăn xả vào cách mạng. Không ai để ý đến anh Huy. Không ai biết anh Huy, ở đâu. Chúng mình quên anh Huy rồi.
Đó, nhân dân đó! Nhân dân làm cách mạng thành công đó. Nhân dân chỉ a dua theo kẻ mạnh. Nhân dân đã tới tấp vào thị xã tề. Nhân dân là cái gì? Mà bảo cách mạng ích kỷ. Cách mạng coi nhân dân là đồ sai vặt. Cách mạng cũng là phường thống trị. Thống trị coi nhân dân trọng quý bao giờ? Cách mạng chưa thèm vào thị xã. Để trả thù nhân dân. Tao thì thích thị xã vô chính phủ mãi. Dân thị xã mong chính phủ cách mạng à? Rồi sẽ biết.
- Thầy Đàn bây giờ ra soa?
- Thằng Côn nói thầy Đàn đã bị thủ tiêu rồi. Như nhà văn Khái Hưng, nhà văn Lan Khai. Anh Huy bị nhốt trong cái rọ, đeo đầy đá, dìm dưới gầm cầu Bo, chất sặc sụa. Mày biết mà quên rồi.
- Anh Huy Vencuzenđơ?
- Phải. Thằng Côn kể chuyện anh Huy cho mày nghe. Nó không biết cụ Hào Diển là Vencuzenđơ.
- Thầy mình, Vencuzenđơ rồi!
- Có lẽ thầy Đàn Giun dế.
- Tao ngu dốt, vì say mê cách mạng; mày thông minh, vì không theo cách mạng. Tại sao mình ở lại đây?
- Từ ngày bị cụt chân, tao có ý định ở Thái Bình, theo thời đại xoay vần mà nhìn rõ lịch sử bước. Còn mày sao?
- Tao tàn phế, học hành dang dở, chả đi đâu được nữa. Đành ở lại với mối thù những kẻ giết thầy Đàn phẫn nộ trong lòng tao.
- Không thù hận, không chống đối người nào, mày nhé! Còn có mày và tao, hãy nghe tao khuyên!
Vũ nhớ lại, luôn luôn nó thắc mắc, đảo chính thầy Đàn không về, cách mạng thành công, thầy Đàn cũng không về. Thầy Đàn là người yêu Vũ nhất trường Monguillot. Thầy đã khuyến khích Vũ can đảm mà sống. Luyến, Côn, Long, Lộc rất trìu mến thầy. Long đã bỏ mình nơi chiến địa. Lộc không hiểu, bây giờ, còn kính thương thầy không. Chẳng biết nó chiến đấu nơi nào và có sắp trở về thị xã? Luyến thù đứa hại thầy, giấu kín trong bụng. Côn thù cộng sản ra mặt, vì cộng sản đã thủ tiêu thầy Đàn của nó. Như Côn, Vũ hận thù kẻ đã sát hại thầy mình. Trong mối thù, hai đứa chia phe rửa hận. Côn dứt khoát hẳn. Nó theo phe quốc gia. Quốc gia và cộng sản không đội trời chung. Bạn hay thù, Côn không thể ngó lơ được. Những đứa theo kháng chiến làm lợi cho cộng sản. Là thù. Những đứa bạn thân năm xưa, nay theo cách mạng giả hình cộng sản. Là thù. Kể ra, Côn quá khích. Biết làm sao? Vũ đang bạn hóa thành thù của Côn. Vũ và Côn chung nhau một mối thù. Đứa nào sẽ tuyết hận cho thầy Đàn?
- Vũ ạ, để cho thằng Côn trả hận ngay.
- Tại sao không phải tao?
- Mày hàng chục năm chưa muộn. Không có gì vội vã cho thằng tàn phế trong cảnh đời hôm nay. Muốn làm thanh củi ném vào bão lửa, rất dễ. Muốn làm một ngọn gió thổi tắt ngóm bão lửa, rất khó. Mày chọn đường nào?
Vũ chưa kịp trả lời, Luyến đã nói:
- Trường Monguillot là cuộc đời nhỏ. Từ nhà mình ra cuộc đời nhỏ, gần gũi lắm. Thế mà, mày đánh hộc máu mồm thằng Dương, con lão phó cẩm để bênh thằng Vọng, cũng bị lão phó cẩm bắt xin lỗi. Mày không xin lỗi, lão phó cẩm tát mày sưng đỏ mặt, làm áp lực với ông Đốc đuổi mày đi Hà Nội học. Cuộc đời nhỏ, có thống trị len chân vào đã lăm phiền muộn. Cuộc đời lớn rộng, cuộc đời hôm nay của chúng mình, mày tìm giết những thằng đã giết thầy Đàn, mày vừa rút súng đã hàng vạn thằng rút súng rồi. Mày chỉ có tan xác. Mối thù đem xuống huyệt mộ.
Vũ rút điếu thuốc lá, châm lửa hút. Khi điếu thuốc cháy quá nửa, Vũ xúc động:
- Tao chọn con đường thứ hai.
Luyến vui vẻ muốn phát khóc:
- Khó lắm, nhưng con người đã làm đưọc. Mày là con người, sẽ làm thành một ngụm gió.
Vũ đưa tay phải khoác lên vai Luyến. Hai đứa trở lại nhà. Tiếng nạng gỗ vang lên những nốt nhạc buồn thảm hứa hẹn ngày mai...