99 - 100
Thấp thoáng chia ly

     ã bảy giờ sáng. Các sắc chim đang đua nhau hót trên cành cây, báo hiệu một ngày mới. Kỳ Bá đứng dậy, anh mỉm cười. Cười cho mình. một chút ít tình cảm tiểu tư sản đã làm anh suy nghĩ suốt đêm về lãnh đạo và thần tượng. Anh có dịp trở ngược dĩ vãng, nhìn lại đời mình. Nhìn lại đời mình, Kỳ Bá chỉ thấy rong rêu phủ kín. Thần tượng, theo nhóc Khoa suy tôn mình, là thần tượng của tuổi thơ. Thần tượng ấy bừng sáng chốc lát, không lấp nổi những cái hố thẳm đầy oan khiên, nghèo đói bủa quanh mình.
Kỳ Bá sắp chết đói. Lúc anh gặm củ chuối, có ai tôn vinh anh là thần tượng, cứu rỗi anh? Vũ được, Côn được. Luyến được. Khoa được. Chúng nó không thể giúp anh lớn lên huy hoàng, như còn bé anh đã sút những đường bóng ngả bàn đèn, trồng cây chuối, xuyên chỉ qua kim nổi. Thời đó, anh coi như kỷ niệm, như ánh nắng chiếu xuống trưa mùa đông. Ngắn ngủi. Chóng tàn. Cái phải nhớ, suốt đời phải nhớ, là nỗi thống khổ, niềm oan khiên. Cha anh sống nheo nhóc bằng thống khổ, oan khiên. Mẹ anh sống lây lất bằng oan khiên, thống khổ. Và chết, cũng bằng oan khiên, thống khổ. Từ niềm oan khiên, nỗi thống khổ, thầy Nguyễn Công Hoan và chú Nam Anh đã dắt anh vào cuộc đời. Cuộc đời cách mạng. Ý nghĩa và sâu sắc hơn cuộc đời thần tượng bóng tròn, nghìn vạn lần. Thần tượng bóng tròn tuổi thơ không đáng nhắc tới.
Bây giờ, Kỳ Bá làm chính ủy, có những kỷ luật vây hãm anh. Như trên sân cỏ, đấu thủ phải chịu trọng tài phạt, dù oan ức hay hợp lý. Đấy mới đích thị cuộc đời. Làm người không vâng lời người trên, giống hệt ngựa hoang cầy phá tất cả. Người mà Kỳ Bá kính trọng nhất là thầy Hoan và chú Nam Anh. Người mà thầy Hoan và chú Nam Anh kính trọng tuyệt đối, nghe lời tuyệt đối, là lãnh tụ tối cao Hồ Chí Minh, một Hồ Chí Minh có cái bóng huyền diệu bao phủ dân nghèo. Nồng nàn. Mát rượi. Bác là Đảng. Trung thành với Đảng là trung thành với Bác, với lãnh tụ của Đảng. Kỳ Bá đã tuyên thệ như vậy. Trước thế nào, sau thế ấy. Không có gì ngăn nổi bước anh đi.
Ký Bá nổi hứng, vững niềm tin, hát hơi lớn:
- ... Đi lên thanh niên
Làm theo lời Bác
Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp biển
Quyết chí cũng làm nên
Có tiếng Thi:
- Sao đêm qua anh không ngủ, sáng nay hát hay thế?
Kỳ Bá giật mình, quay người lại:
- Cô cũng không ngủ à?
Thi đáp:
- Không ạ! Không ngủ, em mới thấy anh thức.
Kỳ Bá lắc đầu, cười:
- Cũng may mắn cho tôi. Nếu cô là thằng địch, tôi đã chết rồi.
Và hỏi:
- Cô ngồi ở đâu nhìn tôi?
Thi đáp:
- Em ngồi đằng kia.
- Đằng kia là đâu?
- Em... em, chả biết nữa!
Hôm nay mới có dịp, Kỳ Bá ngắm kỹ Thi. Cô 18 tuổi. Mặc chiếc áo nâu ngắn, quần đen, tóc chải gọn, Thi đẹp lắm. Nếu là con nhà giầu, sống trong thị xã, Thi còn đẹp hơn con Thúy của Vũ, con Ngọc của Côn. Từ ngày đến đây cư ngụ, Ký Bá đi thật sớm, về thật trễ, ít khi ăn uống ở nhà, nên không có dịp gần gũi Thi. Riêng Thi, cô biết Kỳ Bá nhiều. Cô dậy trước cả Kỳ Bá dậy. Cô ngủ sau cả Kỳ Bá ngủ. Kỳ Bá chẳng hiểu cô Thi đã đợi mình về quá nửa đêm. Mà chả nói năng gì!
- Cô không biết chỗ đằng kia ở đâu à?
Thi khép nép:
- Em nói dối, có sao không anh?
Kỳ Bá vui vẻ:
- Không sao. Tôi muốn cô nói thật.
- Em nói thật nhé!
- Ừ.
- Thầy mẹ em đi làm đồng. Sắp tới vụ chiêm rồi. Hai đứa em của em cũng ra đồng.
- Cô không đi bán bánh cuốn ư?
- Thầy em bắt em phải ở nhà.
- Ở nhà làm gì?
- Em... em... chả nói nữa!
- Cô bảo cô nói thật mà?
- Em xấu hổ lắm.
Thi xoăn mép áo, nhìn xuống nền nhà. Kỳ Bá xôn xao trong lòng. Hai mươi hai tuổi, từ bé đến lớn, Kỳ Bá chưa được tiếp xúc với một cô gái nào hiền hậu và ngây thơ như Thi. Làng Tường An của thằng Vũ, thằng Khoa tuyệt vời. Tuyệt vời như cô gái đang nói chuyện với chính ủy. Trong căn nhà lá, qua ánh sáng của ngày chưa tỏ, lờ mờ, Kỳ Bá nhìn Thi thật lâu. Tâm hồn chính ủy Kỳ Bá dậy lên những tình cảm không biết định nghĩa như thế nào. Tự lúc sinh ra, lên 17 tuổi, Kỳ Bá không dám nghĩ chuyện mộng mơ. Sự nghèo khổ đánh đai lấy cuộc đời anh. Rồi tự 17 đến 22 tuổi, công tác cách mạng chằng lên cổ Kỳ Bá những sâu chuỗi ngặt nghèo. Anh không đủ thì giờ làm việc khác. Cơ hồ một cái máy, anh làm việc tối ngày.
- Xấu hổ đáng chê lắm, phải không anh?
- Không, đáng khen chứ.
- Sao mà khen được?
- Người ta bảo con gái mà xấu hổ, đôi má nóng ran, ửng đỏ trông xinh đẹp vô cùng.
- Người ta là ai?
- Là người ta!
- Người ta là người ta, em không nói thật đâu.
- Thế, người ta là ai?
- Tùy ý anh.
- Thí dụ là tôi nhé!
- Không thí dụ.
- Là tôi...
Thi sung sướng. Cô cảm thấy người ấm lên. Trời đầu mùa đông mà. Cô không nhìn thấy cô, đôi má nóng ran, ửng đỏ trông xinh đẹp vô cùng.
- Em nói thật nhé!
- Ừ.
- Không xấu hổ nữa, nhé!
- Ừ.
- Thầy em dặn ở nhà trông chừng anh. Vì anh không ngủ đêm qua, sáng nay có ngủ thiếp đi, cũng đừng đánh thức anh dậy.
- Cô phải ngồi ở đằng kia, trông chừng tôi?
- Không, em cảnh giác cao, đề phòng địch đến, canh gác anh, đấy ạ!
Ký Bá cười. Thi cũng bịt miệng cười. Hồn nhiên không tả nổi.
Thi hỏi:
- Em đi kín nước vào thau nhôm cho anh rửa mặt nhé!
Ký Bá xua tay:
- Đừng làm thế phiền cô. Để tôi ra cầu bắc trên con ngòi được rồi. Mà...
- Gì ạ?
- Cô nói chuyện với tôi nữa, được không?
- Anh bỏ công tác?
- Công tác đâu bằng nói chuyện với cô!
Kỳ Bá đã ngồi xuống giường. Thi ngồi xuống ngưỡng cửa.
- Cô Thi có đi học không nhỉ?
- Có ạ!
- Lớp mấy?
- Lớp nhất. Làng hết lớp, em nghỉ học, anh ạ!
- Thế là hơn tôi rồi. Tôi học chưa hết lớp nhất.
- Lớp nhất của anh ngày xưa giỏi hơn cả đệ tứ trung học ngày nay. Em đâu dám đem ra so sánh.
- Cô thông minh lắm.
Thi ngượng ngùng. Ký Bá đăm đăm nhìn Thi.
- Thưa anh, anh ở đâu ạ?
Kỳ Bá đùa:
- Ở nhà cô!
Thi nhéo khẽ tay mình.
- Thưa anh, anh sinh ở đâu ạ!
- Làng Kỳ Bá.
- Tên anh mà.
- Làng Kỳ Bá, huyện Vũ Tiên, tỉnh Thái Bình. Như Tường An ấy. Cha mẹ tôi yêu làng tôi, lấy tên làng đặt cho tôi. Cô có biết thị xã Thái Bình không?
- Em Khoa con ông Hùng và anh Vũ ở thị xã. Anh Vũ đã đi làm liên lạc viên cho bộ đội. Em Khoa ở lại làng, chơi thân với con Liên tản cư. Bây giờ con Liên về Hà Nội rồi. Cả làng Tường An quý thằng Khoa và kính trọng ông bà Hùng.
- Sao dân làng kính trọng ông bà Hùng?
- Ông bà ấy giúp đỡ mọi người. Ai cần gì, ông bà ấy cho. Ông bà ấy cho tiền người nghèo, chứ không cho vay.
Kỳ Bá nhớ tới Vũ. Và tin rằng tình thương yêu của nó dành cho Kỳ Bá chân thật.
- Em không biết thị xã Thái Bình đâu, anh ạ!
- Thị xã nằm sát Kỳ Bá. Tôi đi học cùng trường với anh Vũ, em Khoa, chơi thân với Vũ. Hôm qua, Khoa đến thăm tôi ở nhà cô, cô đi làm nên không biết.
- Hèn chi anh giỏi thế. Anh như bộ đội năm xưa ở Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định về làng em, dạy chúng em học đủ điều. Bộ đội bây giờ nói mỗi câu đều có danh từ chính trị khó hiểu. Dân làng cũng yêu bộ đội, không yêu lắm. Dân làng yêu quý anh thật lòng. Anh không nói danh từ chính trị hiểm hóc mà chỉ đơn sơ, mộc mạc như dân làng nghĩ và hay nói, dân làng quý anh là đúng rồi.
- Cô thông minh do người phú, chẳng do trời phú.
Thi đứng dậy:
- Em đi lấy nước cho anh rửa mặt. Muộn rồi, anh phải đi công tác.
Kỳ Bá gạt đi:
- Không công tác công tung gì cả.
Và ra lệnh:
- Cô ngồi xuống.
Thi ngoan ngoãn vâng lời. Kỳ Bá bước khỏi giường, đến ngưỡng cửa, ngồi xuống cách xa Thi.
- Cô Thi!
- Dạ.
- Tôi có được phép gọi Thi trống không không?
- Dạ.
- Thi.
- Dạ
- Em Thi.
- Dạ.
- Em...
- Dạ.
Kỳ Bá ngồi xích lại, xích lại... Anh đưa tay bá vai Thi. Im lặng. Thi không nhúc nhích.
- Anh không thích đi làm sáng nay.
Thi nhỏ nhẹ:
- Thế ạ!
- Anh ở nhà với em.
- Dạ.
- Em có vui không?
- Dạ. Em đi lấy nước...
Thi đứng dậy, vụt chạy ra ngoài sân để giấu niềm cảm xúc dạt dào tự nhiên đến với mình. Kỳ Bá trông theo Thi. Trong đời anh, chưa có lần nào rung động như lần này.
Anh yêu Thi, cô gái làng Tường An muôn đời an phận. Kỳ Bá có tội lỗi gì với Đảng? Nếu đói khổ không phải là tội lỗi thì yêu nhau cũng không phải là tội lỗi. Chính ủy trung đoàn 84 đã nói Bác và Đảng dạy cần thận trọng luyến ái quan. Kỳ Bá yêu một người con gái nông dân, không cần gì phải thận trọng. Cái đáng thận trọng, là Kỳ Bá đang ở vào thời chiến. Trong thời chiến, Đảng có cấm. Cấm đảng viên lấy vợ, chẳng cấm đảng viên yêu đương. Yêu đương nhau, con trai mê con gái, Đảng đã khuyến khích và còn khuyến khích. Đảng tạo hạnh phúc cho con người. Kỳ Bá, như mọi người mới vào Đảng, anh phải tự kiểm chính bản thân về quan niệm luyến ái. Thấy không trái với đường lối của Đảng, anh vững vàng yêu Thi, không có gì cần sợ hãi. Cám ơn Đảng.
100
Anh mới đọc cuốn Tuổi trẻ của Karl Marx, thấy Marx chủ trương con người hoàn toàn tự do, từ công trường nhà máy đến mái nhà gia đình. Karl Marx luận về tự do báo chí, cho rằng báo chí như huyết quản của nhân dân. Giết chết báo chí cũng giống bóp nghẹt huyết quản, nhân dân chết theo. Marx luôn luôn đúng và hay. Bọn người phản động thì cho tự do cộng sản là tự do của con ốc trong guồng máy. Con ốc chỉ tự do giới hạn với những con ốc. Khi nó mòn teo, thay con ốc khác. Con ốc không có quyền tự do với các bộ phận trong guồng máy. Cứ thế, con ốc và bộ phận guồng máy quay vun vút. Nghĩ lầm về Karl Marx. Sư tổ vô sản thật lý tưởng. Sống tràn đầy hạnh phúc bên vợ đẹp con khôn. Vô sản mà tình cảm cứ lượn bay y hệt tiểu tư sản. Thất bại ở Đức, Marx lưu vong sang Anh, làm bò cho con cưỡi trên lưng, làm thơ tình cho vợ ngâm nga. Người cộng sản lãng mạn và mộng mơ. Karl Marx là thí dụ.
Đã nhiều lần, Kỳ Bá nói chuyện với Khoa. Lần cuối cùng, Khoa đề cập tới vấn đề nhạc cũ, nhạc mới; bộ đội cũ, bộ đội mới. Kỳ Bá không đủ thì giờ dành cho Khoa. Hôm nay, Kỳ Bá hẹn Khoa lên hồ Mơ, để đấu tranh tư tưởng cho Khoa bắt kịp đường lối của Đảng.
Hồ Mơ có hai đường dẫn tới. Một, đường đi qua cánh đồng. Một, đi theo đường làng bằng phẳng từ quán Nghỉ. Hồ Mơ ở dưới, miễu Vang ở trên, sát khít bên nhau. Kỳ Bá đến đây tự buổi chiều, chờ bộ đội tân binh mãn tan lớp chính trị, anh sẽ vào giảng chính trị ban đêm.
Khoa đã đến.
- Em lên muộn, anh đừng trách nhé!
Kỳ Bá cười độ lượng:
- Ở nhà quê, thì giờ đi chậm lắm.
Khoa nói:
- Anh lúc nào cũng bận bịu. Vào nhà em chơi có một lần, không cơm nước chi cả. Sao vậy anh?
Kỳ Bá đáp:
- Anh bận thật. Nói chuyện với em, anh thường quá thì giờ đã định.
Khoa tinh ranh hỏi:
- Thế với chị Thi?
Kỳ Bá không trả lời. Anh muốn tâm sự với Khoa thật nhiều, chiều nay.
- Chúng mình ngồi xuống bờ hồ đi.
Kỳ Bá khoác tay lên cổ Khoa:
- Năm xưa, em thường ra hồ Mơ bắt trăng sao với Liên, hả?
Khoa buồn rầu:
- Liên xa rồi, anh ạ!
Kỳ Bá xúc động:
- Ở đời, người ta gặp nhau rồi người ta xa nhau. Đó là lẽ thường trong trời đất. Như anh Vũ gặp anh rồi xa anh, rồi biết đâu chả gặp lại nhau. Như anh em mình. Hà Nội cách Thái Bình 100 cây số, em sẽ gặp lại Liên.
Kỳ Bá rẽ sang một lối khác:
- À, anh em mình... đấu tranh tư tưởng một tí, nhé!
Khoa nhún vai:
- Đấu tranh tư tưởng, hả anh? Em có tư tưởng gì đâu mà đấu tranh?
Kỳ Bá cúi đầu:
- Làm cho em hiểu rõ một chuyện gì đến nơi, đến chốn gọi là đấu tranh tư tưởng. Em thì cho rằng chữ mới anh dùng bây giờ, là danh từ chính trị, khó hiểu đối với em. Đã đến lúc cách mạng phải cách mạng ngôn ngữ. Cứ dùng ngôn ngữ cũ, không phải cách mạng nữa. Em không thích chữ mới, anh nói chuyện bằng chữ cũ vậy.
- Anh thử nói ngôn ngữ cách mạng xem nào!
- Hôm nay, anh em mình đấu tranh tư tưởng, để em nắm vững một vấn đề mà em chưa thông, hoặc em ngoan cố chưa chịu thông suốt!
Khoa cười rũ rượi:
- Cách mạng ngôn ngữ khiếp quá!
Kỳ Bá cười theo:
- Rồi sẽ thấy chẳng ai khiếp nữa. Bắt đầu, nông thôn tập nói. Nói không cần hiểu ý nghĩa. Riết rồi, họ sẽ hiểu ý nghĩa, họ nói trôi chảy. Thành phố sẽ học tập cách nói ở nông thôn, sẽ học tập khi có hòa bình và thành phố hết bị giặc Pháp chiếm đóng. Cứ dạy nhân dân nói như vẹt, lâu dần cách mạng sẽ thành công về ngôn ngữ. Cách mạng phải cách mạng muôn mặt.
- Tại sao không cách mạng ngôn ngữ từ 1945?
- Không có cuộc cách mạng nào thành công tất cả ngay từ lúc sơ khởi. Năm 1945, cách mạng tổng khởi nghĩa cướp chính quyền, đưa nhân dân đến chỗ độc lập, tự do đã là thành công vĩ đại của cách mạng rồi. Em còn bé...
- Em lớn rồi.
Kỳ Bá lắc đầu:
- Em còn bé lắm, Khoa!
Khoa vênh khuôn mặt:
- Súng giặc Pháp nổ trên bầu trời Tường An, đạn giặc Pháp bắn đêm ngày biến ruộng đồng thành ao chuôm và giặc Pháp hiếp dâm đàn bà Việt Nam thê thảm, em đã nhìn thấy, đã nghe thấy. Em lớn lên, lớn thật sự ở làng Tường An. Em hiểu được những gì anh nói.
Kỳ Bá liếm mép:
- Thế thì em giỏi đấy! Chiến tranh xâm lược của Pháp đã làm em lớn lên, làm tuổi thơ mất hết hồn nhiên trong trắng...
Khoa nói nhanh:
- Và bị quăng vào lửa.
- Ở Tường An?
- Không, ở Đồng Đức. Năm xưa, em tưởng câu thơ viết trên tường đình làng mình chỉ tố láo thực dân Pháp, không có thật. Bây giờ thì rõ rệt quá.
- Câu thơ ra sao?
- Trẻ thơ đã tội tình gì
Bị quăng vào lửa chỉ vì thực dân
- Hay quá!
- Anh hiểu tại sao làng em tin tưởng vào cách mạng?
- Tại sao?
- Vì những câu thơ viết trên tường đình làng.
- Em đọc anh nghe.
- Thực dân ơi hỡi thực dân
Đằng nào thì cũng một lần về thôi
Việt Nam của Việt Nam rồi
Cướp làm sao nổi đất người Việt Nam
- Hay.
- Ngôn ngữ cũ đấy ạ!
Kỳ Bá thấy Khoa chưa bằng lòng ngôn ngữ mới. Anh cố gắng nói ngôn ngữ cũ để chinh phục Khoa ngôn ngữ mới:
- Anh nói tiếp chuyện cách mạng 1945, nhé!
- Vâng.
- Cướp chính quyền thành công xong, cách mạng phải lo đến giáo dục, kinh tê, tài chính, xã hội... Cách mạng là cách mạng tất cả, thẳng thừng và không nề hà sự chống lại của cái cũ. Như em đã biết, cách mạng chưa làm được việc gì, giặc Pháp đã tràn vào xâm lược thủ đô Hà Nội, các thành phố, các thị xã của chúng ta. Lại còn bị các đảng phái ghen tức, giành giật. Năm 1946, ta tổ chức bầu cử Quốc hội, phần đông các đảng phái đại diện nhân dân. Ta yếu quá đành thua thiệt. Chính phủ lâm thời Việt Nam dân chủ cộng hoà toàn người của đảng phái và thượng thư của triều đình Huế. Ta ở vào thế kẹt, đành hô hào toàn dân đoàn kết về hậu phương trường kỳ kháng chiến chống giặc Pháp. Trong kháng chiến, ta loại được đảng phái ra khỏi quốc hội và thượng thư triều đình Huế ra khỏi chính quyền. Ta đủ sức mạnh đè bẹp những thành phần phản động. Đảng lao động ra đời. Đảng nắm hết chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa. Đảng cách mạng giáo dục quân sự... Đảng thay đổi hết những tên ta thường gọi: Chính Phủ là Nhà Nước, Ủy Ban Kháng Chiến Và Hành Chính là Ủy Ban Nhân Dân, Vệ Quốc Quân là Quân đội Nhân Dân... Người ta đồn nhau thay đổi hàng loạt chữ cũ thành chữ mới là Đảng muốn nhân dân học tập danh từ chính trị khó hiểu và ngô nghê. Người ta không hiểu, đó là công cuộc cách mạng toàn diện phi thường của Đảng.
Khoa không phản đối, cũng không cắt ngang, Kỳ Bá hiểu Khoa đã hài lòng. Muốn chinh phục nhân dân, cần chiến thắng Khoa. Kỳ Bá sẽ nói thật với Khoa.
- Anh có tiếc nhớ Vệ quốc quân không?
- Tiếc nhớ vô cùng.
- Họ còn ở trong Quân đội nhân dân chứ?
- Còn. Họ làm chính ủy như anh hết. Vệ quốc quân, lính tiểu tư sản trí thức thành phố, họ về nông thôn năm xưa, được dân mến dân thương ghê lắm, vì họ giỏi, học hành cao. Ngoài chiến trường, họ chiến đấu rất ngoạn mục. Những chiến thắng sông Lô, sông Đà do họ làm nên. Chiến tranh nuốt khá nhiều lính tiểu tư sản. Họ trở nên khan hiếm, khó tuyển mộ tân binh. Em biết các thành phố của ta bị Pháp tạm chiếm đóng, vào tự do sao được! Đành tuyển mô nông dân vào bộ đội, chiến đấu cho giai cấp của họ. Họ tưởng vậy, và ta cứ giai cấp nông dân thổi mạnh, đánh giai cấp tiểu tư sản, làm cho họ say máu giết giặc Pháp. Em đã thừa hiểu giai cấp tiểu tư sản là thầy Hoan, thầy Đàn, là bao nhiêu người chính ủy lãnh đạo khác trong quân đội. Có phải nông dân lãnh đạo đâu! Nói cho cùng, Vệ quốc quân chỉ là quân Vệ Quốc, nhỏ bé quá. Nước nào trên thế giới cũng có quân đội to lớn, hùng mạnh. Trước năm 1950, Vệ Quốc Quân được. Sau năm 1950, Quân Đội Nhân Dân mới đủ sức đối phó với Quân Đội Pháp. Em thấy chưa?
- Tại sao những bài hát của Vệ quốc quân hay thế?
- Những bài hát trước năm 1950 đều tuyệt diệu cả. Đó là nhạc lãng mạn cách mạng, thích hợp cho truờng kỳ kháng chiến. Nếu trường kỳ kháng chiến còn dài, nhạc lãng mạn cách mạng còn đưọc lính tiểu tư sản hát vang lừng. Trường kỳ kháng chiến đã chuyển sang giai đoạn chuẩn bị tổng phản công, lính tiểu tư sản hết rồi, thay bằng lính nông dân, bài hát cũng đổi hàng loạt. Cho nó thực tiễn và hết lãng mạn. Cách mạng mà nề hà chống lại cái mới, đâu còn gọi là cách mạng. Em yên chí đi, khi chúng ta đánh tan giặc Pháp, hòa bình trở về đất nước chúng ta, lại hàng loạt bài hát cách mạng ra đời để ngợi ca con người, tình yêu và hạnh phúc. Lúc ấy, chúng ta quên nhạc cũ, chỉ những xương cùng máu. Đã có cuộc chỉnh huấn trên trung ương. Các nhạc sĩ, thi sĩ tham dự đồng loạt đều đồng ý với Đảng, nhạc thơ từ năm 1946 đến cuối năm 1949 trở thành lạc hậu rồi. Chính những nhạc sĩ sáng tác nhạc lãng mạn lại sáng tác nhạc lao vào lửa đấu tranh.
- Anh nói với dân làng Tường An như thế, à?
- Nói với em thôi. Nhân dân Tường An được mấy người thông minh như em? Chính sách của Đảng chỉ đem ra thi hành, không mất công giải thích. Em là người thân với anh nên anh có bổn phận làm em hết thắc mắc. Em hết thắc mắc chưa?
- Thưa anh, em hết thắc mắc rồi. Mấy tháng trước, em chê nhạc mới và bộ đội mới. Lòng em vẫn tưởng nhớ nhạc cũ và bộ đội cũ. Người lính tiểu tư sản thành phố và nhạc lãng mạn cách mạng của họ đã đi vào hồn em như một kỷ niệm khó phai mờ.
- Em cứ coi là kỷ niệm bất diệt, chẳng sao. Lính tiểu tư sản và nhạc kháng chiến đã đi vào tâm hồn nhân dân, em ạ!
- Thật vậy chứ anh?
- Thật.
- Em vẫn nhớ họ.
- Còn anh, tim vẫn hé mở để lính tiểu tư sản đồn trú.
Khoa ôm chặt lấy Kỳ Bá. Tự nhiên, Kỳ Bá nhớ thầy Hoan, thầy Đàn, chú Nam Anh và những người tiểu tư sản trí thức đang hoạt động cho Đảng, cho nhân dân. Những người đó có đáng ghét không? Kỳ Bá sợ phải học tập khinh ghét những người thương yêu mình, cứu sống mình và dẫn dắt mình đi trên con đường cách mạng, một ngày nào đó. ồ, chả có ngày nào đó đâu. Tình người mãi mãi hừng hực trong chúng ta. Căm thù không nuốt trọn một đời người, chỉ khoảnh khắc, rồi quên dần đi mà nghĩ tới tình yêu và hạnh phúc.
Kỳ Bá cũng rơm rớm vài dòng lệ.
- Em hoàn toàn sung sướng rồi chứ?
Khoa đưa ống tay áo, thấm nước mắt.
- Vâng, em hoàn toàn sung sướng, anh ạ!
Đợi Khoa buông người mình ra, Kỳ Bá bảo:
- Bây giờ, anh nói một chút tình cảm giữa anh em ta và gia đình ta, nhé!
Khoa đáp:
- Vâng.
Giọng đượm tình yêu gia đình, Kỳ Bá nói:
- Anh đã nhắc bố mẹ em lần trước, rằng em Tú, em Mai đang tuổi thèm đi học. Em cũng vậy. Bố em lại sinh sống bằng nghề buôn hàng chuyến. Dạo này, xe Con Voi đã sắp chạy Thái Bình-Nam Định. Hà Nội-Hải Phòng thì chưa. Bởi đoạn đường số 10, từ Đống Năm đến Phụ Dực, nhiều cầu cống bị ta phá, nhiều khúc đường bị ta đào hố chữ chi, ô tô không chạy được. Bố em nên vào thị xã. Thị xã bị tạm chiếm. Tường An bị tạm chiếm. Sống ở đâu cũng thế thôi. Bố em vào thị xã, tiện nơi buôn bán và tiện cho các em đến trường học.
Khoa buồn bã:
- Tường An còn có anh.
Kỳ Bá nuốt nước miếng:
- Anh đóng quân bất cứ nơi nào cũng tạm bợ. Lính mà em. Anh về Tường An để tuyển tân binh, huấn luyện họ và lại đi. Bộ đội khác sẽ về. Một điều hệ trọng, em nói ngay cho bố em biết, em đừng nói với ai: Bộ đội mới có thể sai chính sách của Đảng, thi hành lầm lẫn. Gia đình em sẽ gặp nhiều điều oan trái. Vậy anh còn ở đây ngày nào, gia đình em nên vào thị xã ngay.
Kỳ Bá đứng dậy:
- Hôm nay, anh coi như từ biệt em. Gửi lời chào nồng thắm của anh tới bố mẹ và hai đứa em gái.
Tiếng còi trên miễu Vang rít lên. Như giục chính ủy Kỳ Bá giờ học tập chính trị.
- Giã từ em. Hẹn gặp ngày giải phóng thị xã Thái Bình.
- Tạm biệt anh.
Khoa ngồi bên bờ hồ Mơ, thả mắt trông theo Kỳ Bá. Đêm đã tới. Khoa nhìn Kỳ Bá bước nhanh. Cứ tưởng thằng Vọng ghẻ tầu đang dẫn bóng trên sân cỏ và sút cú ngả bàn đèn...