101 102

     ột buổi tối mùa đông rét buốt. Bên ngoài, mưa dầm như cuộn theo gió bấc, vun vút qua cửa liếp. Bên trong, cả nhà quây quần trên ổ rơm gây chút ấm áp. Me Thi, Thi, thằng Pháng và con Lý ngồi chung một ổ. Không ai để ý cái lạnh giá nó ướp hồn mình. Cha Thi, ông Hanh, Kỳ Bá cũng ngồi ở ổ rơm kế cận. Tối nay, chẳng có công tác gì. Kỳ Bá muốn một đêm thật rảnh rỗi, thưa chuyện với cha mẹ Thi về chuyện anh và Thi yêu nhau. Đêm nay, cả nhà xum họp, đúng là ước nguyện của Kỳ Bá.
- Rét quá nhỉ, lập đông chắc.
Ông Hanh nói.
- Lập đông từ lâu rồi mà.
Bà Hanh nói.
- Ngày nào cũng lập đông vậy. Mùa đông mới sinh ra ổ rơm. No cơm tấm, ấm ổ rơm. Ngủ ở ổ rơm như có lửa sưởi quanh mình. Chỉ thương mấy anh chiến sĩ giết giặc ngoài biên cương, ai đã gửi áo trấn thủ ra tặng?
Ông Hanh vừa than thở vừa với tay ra ngoài ổ, kéo cái bình trà nóng, đựng trong cái ấm tích và cái điếu cầy lại gần. Ông rót nước vào hai cái chén tống:
- Uống nước đi anh, kẻo nguội.
Kỳ Bá nâng chén trà:
- Mời hai bác sơi nước, ạ!
Ông Hanh nhấp một ngụm, rồi lấy điếu vê thuốc bỏ vào cái nõ. Ông châm đóm ở cái đĩa đèn dầu lạc, thắp bằng bấc, do chỉ vải kết lại. Đưa ống điếu lên môi, ông Hanh rít một hơi hả hê. Ông nhả khói và đưa điếu cho Kỳ Bá:
- Làm một điếu cho ấm.
- Thưa bác, cháu không dám hút thuốc.
- Sợ gì?
- Sợ quen đi rồi nghiện.
- Nghiện đã sao?
- Người lính trong thời chiến bị cấm hút thuốc ban đêm. Hút thuốc lá, ánh lửa lóe lên trong đêm tối, là dịp tốt cho địch bắn mình. Hút thuốc lào còn nguy hiểm nữa. Có khi địch câu moóc chê, chết như sung rụng.
- À, ra thế. Tội nghiệp binh lính quá.
Kỳ Bá đợi hết tuần trà nước mới thưa chuyện. Anh đưa mắt nhìn Thi. Thấy đôi mắt Thi long lanh dưới ánh đèn dầu lạc. Như thầm bảo nói đi, đừng sợ. Tự ngày xuống Đông Cao, làm tổng khởi nghĩa ở Tiền Hải, vào lính đánh giặc Pháp tại Hưng Yên, Hải Dương, Kỳ Bá không nghe thấy hai tiếng sợ hãi bao giờ. Hôm nay, hỏi vợ cho mình, sao Kỳ Bá run run và sợ hãi thế!
- Thưa bác...
- Gì vậy anh?
- Cháu muốn thưa với hai bác chuyện em Thi...
- Em Thi nó hỗn với anh à?
- Không...
Thi mỉm cười, nhéo tay mẹ. Thằng Pháng, con Lý mải ăn ngô rang, không để ý gì. Thi bắt muốn phì cười, thấy chính ủy trung đội 23 giảng chính trị cho bộ đội nghe thì oai phong lẫm liệt lắm. Mà nói với ông dân Hanh chuyện hỏi vợ thì lính qua lính quýnh. Mới hay, đảng viên Đảng cộng sản Kỳ Bá vẫn là con người.
- Con Thi hay diễu cợt anh, hả?
- Không...
- Dạo này nó hư lắm. Cứ gọi chính ủy là anh không. Anh giận nó chứ gì?
- Không... cháu và Thi đã...
- Sao?
-... phải lòng nhau!...
Ông Hanh tủm tỉm cười. Ông lấy điếu hút một bi nữa. Và ông nhấp ngụm trà đầy mới nhả khói thuốc.
- Tưởng cái gì. Chứ phải lòng nhau thì tốt thôi...
Bà Hanh nói:
- Con Thi cho tôi biết rồi. Nó yêu anh Kỳ Bá, anh Kỳ Bá yêu nó.
Ông Hanh hỏi Thi:
- Con phải lòng anh Kỳ Bá?
Thi nũng nịu một lát, rồi cô ôm lấy mẹ:
- Vâng...
Và ông Hanh hỏi Kỳ Bá:
- Anh phải lòng con Thi không?
Kỳ Bá đáp:
- Vâng. Cháu yêu Thi, yêu tha thiết...
Ông Hanh khoan khoái:
- Thế thì được rồi. Hai đứa yêu nhau, trời có cấm, sợ chẳng nổi. Vợ chồng tôi bằng lòng cho con Thi lấy anh làm chồng. Đời này là đời sống mới, cái gì cũng mới, cũng nhanh. Anh nhắm cưới con Thi ngày nào?
Ông tiếp:
- Chả cần môn đăng hộ đối. Nhà tôi là nông dân nghèo. Được anh chiếu cố là may rồi.
Kỳ Bá ân cần thưa:
- Từ giờ, con gọi hai bác bằng thầy bu như em Thi con vẫn gọi. Thưa thầy bu, chính tên con là Vọng, sinh ở làng Kỳ Bá, huyện Vũ Tiên, tỉnh Thái Bình. Bố con làm nghề thợ điện. Mẹ con làm nghề bán hàng rong. Bố mẹ con đều chết cả rồi. Thuở nhỏ, con được học đôi chút ở thị xã. Rồi con vào bộ đội, nay về đóng tại Tường An. Nhà con cũng nghèo khổ. Thầy bu thương con, gả em Thi cho con, con không bao giờ dám quên ơn đức của thầy bu...
Bà Hanh nói:
- Anh nghĩ phải đấy.
Ông Hanh trở về câu hỏi:
- Anh nhắm cưới con Thi ngày nào?
Kỳ Bá đáp:
- Con chờ thầy bu bằng lòng, sẽ viết thư trình lên cấp trên cho phép con lấy vợ. Thầy bu đã hiểu, thời chinh chiến, vợ không được theo chồng. Cấp trên có cho phép, con lấy Thi rồi đi. Có thể, ngày mai, ngày kia, hay ngày nào đó, con sẽ rời Tường An, đồn trú ở những nơi không ai biết. Thì cấp trên cho phép hay không cũng vậy thôi. Hôm nay, con thưa thầy bu về chuyện đám hỏi em Thi. Như em Thi đã lấy con rồi. Ngày mai, con đi, em Thi sẽ ở lại cùng thầy bu. Con sẽ về làm lễ cưới em Thi và sống suốt đời bên nhau ở làng Tường An, khi giặc Pháp tan rã và nước mình được giải phóng.
Câu chuyện đang vui, bỗng trở nên buồn bã. Thằng Pháng và con Lý ăn hết ngô rang, lăn ra ngủ trên ổ rơm. Bốn người vẫn còn thức, đăm đăm nhìn vào ngọn lửa của đèn dầu lạc hắt hiu cháy. Ông Hanh lặng lẽ hỏi vu vơ:
- Bao giờ giặc Pháp tan rã?
Kỳ Bá trả lời:
- Chúng ta đã đẩy cuộc trường kỳ kháng chiến lên cuộc phản công. Nghĩa là đánh chứ không nhịn nhục. Như thế mất năm năm. Từ phản công, chúng ta tiến lên tổng phản công. Giặc Pháp nhất định phải thua. Chỉ năm năm nữa, chúng ta tổng tấn công, giặc Pháp sẽ tan rã, hòa bình sẽ đâm chồi nẩy lộc trên quê hương chúng ta. Hòa bình sẽ rạng rỡ ở Tường An.
Nhìn ngọn đèn sắp sửa tàn, cái bấc đã cháy lụi dần, ông Hanh nói:
- Vậy là xong chuyện con Thi với anh Vọng. Tắt đèn, đi ngủ...
102
Đầu tháng 12, trăng lưỡi liềm còn tỏa ánh sáng mờ nhạt. Đêm đầy sao. Sao không đủ sức làm ấm lòng người, vì vẫn mùa đông. Trời đã hết mưa dầm, và gió bấc nghỉ xoáy những cơn lạnh buốt. Trên bến Đợi, Thi ngồi sát bên Kỳ Bá. Dòng sông Trà Lý êm đềm. Con đò buộc vào bến bất động, thiếu sóng đập vỗ mạn thuyền. Nên chuyện tình ai nghe man mác.
- Em có học những cuốn Quốc văn giáo khoa thư không?
- Có ạ!
- Anh đố em bài này ở cuốn nào, nhé!
- Vâng.
- Ba năm trấn thủ lưu đồn
Ngày thì canh điếm tối dồn việc quan
Chém tre đẳn gỗ trên ngàn
Hữu thân hữu khổ phàn nàn cùng ai
Miệng ăn măng trúc măng mai
Những giang cùng nứa lấy ai bạn cùng
Nước giếng trong con cá nó vẫy vùng
- Lớp sơ đẳng.
- Giống anh không?
- Giống sao được. Người ta là lính thú ngày xưa, anh là lính cách mạng ngày nay!
- Lính giống nhau hết, dù là lính ngày xưa hay lính ngày nay. Chỉ công tác là khác nhau thôi. Lính thú ngày xưa phải đốn gỗ, chém tre, coi là khổ lắm, không bạn bè, ăn cơm với măng, buồn tẻ. Lính cách mạng ngày nay, như anh, phải huấn luyện chính trị mỏi miệng, dạy đường lối của Đảng phờ râu, cũng không bạn bè, ăn cơm với nhân dân, sung sướng chi! Lao động của lính thú ngày xưa là lao động chân tay. Mệt nằm lăn ra ngủ. Còn mơ mộng nhìn cá nó vẫy vùng dưới giếng. Lao động của lính cách mạng ngày nay, như anh, là lao động trí óc. Có ngủ được đâu, có mơ mộng được đâu? Phải chi anh là lính thú ngày xưa, đã rông dài những Ba năm trấn thủ lưu đồn để em sinh ra hai thằng con trai với anh. Sung sướng chưa?
- Sung sướng lắm. Anh ạ, lính thú ngày xưa không giống cách mạng ngày nay. Nghĩ làm gì cho buồn!
- Anh đố em đấy chứ?
- Đố và đừng nghĩ.
- Rồi.
- Đố đi.
- Ngang lưng thì thắt bao vàng
Đằu đội nón dấu vai mang súng dài
Một tay thì cắp hỏa mai
Một tay cắp dáo quan sai xuống thuyền
Thùng thùng trống đánh ngũ liên
Bước chân xuống thuyền nước mắt như mưa
- Lớp sơ đẳng.
- Đúng. Tranh vẽ diễn tả bài này?
- Cảnh chiếc thuyền, lính thú xếp hàng xuống, một anh quay lại, nước mắt anh ta chảy ròng ròng, nhìn vợ anh ta bế con đi tiễn, cũng khóc ròng ròng.
- Buồn hả?
- Vâng.
- Người lính thú ngày xưa hơn người lính cách mạng ngày nay. Khi họ ra trận, còn đưọc vợ con đi tiễn. Người lính cách mạng bị cấm đoán điểm này. Họ không được nhìn thấy nước mắt của vợ con để họ khóc theo. Nếu họ chết giữa sa trường, thiệt thòi quá.
- Lại nghĩ.
- Không, anh đoán cảnh tượng hai chúng ta, những ngày sắp tới.
Những ngày sắp tới, chưa biết là ngày nào. Phải tới ngày đó. Sáu mươi sáu đồng chí bộ đội tân binh huấn luyện, thế là xong. Về quân sự, họ tiến bộ. Chỉ cần họ bắn súng có đạn thật, ném lựu đạn thật, gài mìn thật là hoàn tất chu đáo. Cấp trên cấm tiếng nổ của súng đạn ở Tường An, Đồng Đức và Đại Đồng. Cho nên, họ phải học tập bổ xung ở trung đoàn 84. Về chính trị, họ đã nắm vững vàng những vấn đề đòi hỏi họ. Sáu mươi sáu đồng chí bộ đội tân binh xứng đáng lính của giai cấp nông dân.
Ngày nào đó, cấp trên ra lệnh phải đôn tân binh về nơi nào đó, Kỳ Bá sẽ tuân lệnh, dẫn quân âm thầm rút khỏi Tường An. Anh cũng âm thầm ra đi, không được cho Thi biết. Kỳ Bá và Thi sẽ chia ly. Chia ly trông đợi Pháp đầu hàng và Kỳ Bá trở về xum họp với Thi. Khi người lính hít hà hương thơm của da thịt đàn bà, đâm ra yếm thế và sợ chết.
- Em.
- Dạ.
- Em có tưởng ngày anh rời Tường An bí mật không?
- Em đã tưởng.
- Bí mật cả với em?
- Tưởng hết. Nỗi buồn của em, của anh, của đôi ta.
- Em có sợ gì bất trắc xảy ra cho anh?
- Không. Lấy chồng thời chiến, không sợ chi sốt cả. Nhưng mà...
- Sao?
- Ai cấm đoán được ưóc mơ?
- Em mơ ước gì?
- Hết giặc Pháp, anh về với em.
Kỳ Bá nức nở khóc. Thi khóc theo. Hai người ôm chặt nhau. Nước mắt của người này hòa chung nước mắt của người kia, tràn đầy hai khuôn mặt. Trăng mờ đi. Cơ hồ sóng vỗ vào mạn thuyền. Không ai nhìn rõ những giọt nước mắt của thời chinh chiến cuốn chặt lấy cuộc tình.
Khoảnh khắc, Kỳ Bá cùng Thi đã quên hẳn không gian và thời gian. Họ hình tưởng nỗi chia ly trên bến Đợi. Sông Trà Lý lặng lờ trôi. Đêm đã khuya. Con đò dìu Kỳ Bá và bộ đội sang sông. Thi đứng bờ bên này vẫy tay và lệ rơi lã chã. Con đò tới giữa dòng. Kỳ Bá vẫn trông về không chớp mắt. Và rồi, phút giây cực kỳ lãng mạn, Kỳ Bá ngỡ rằng mình là thi sĩ ca dao, ngâm vang tình non nước:
- Em đã mơ gì em ơi
Rất đơn giản và bình dị, dân tộc lên tiếng:
- Lúa chín hai mùa no ấm
Chồng giết giặc về em vui
Dòng sông Trà Lý êm đềm. Bến Đợi hôn môi kỷ niệm buổi chia tay của hai người son trẻ. Hình như, chia ly trong nỗi nhớ có mùi thơm bàng bạc...
Chú thích của Dân Nam:
Xưa, đọc Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa, đến đoạn trận Xích Bích, chúng tôi thấy khó thể chấp nhận chuyện bất cứ một ông tướng nào dùng hỏa công lại có thể ngu độn đến mức không tính đến chuyện gió máy, huống chi Chu Du, một quân sư, thủy sư đô đốc vùng Trường Giang tất nhiên phải nắm vấn đề này trong lòng bàn tay. Từ đó tìm hiểu và thấy tác giả La Quán Trung đã làm một công việc bất công khi gán cho Chu Du sự ngớ ngẩn đó cùng lòng nhỏ nhen đối với Gia Cát Lượng cũng như sự gian hùng đáng ghét của Tào Tháo - anh hùng số một của thời đại - tạo nên những định kiến hoàn toàn sai lầm về các nhân vật lịch sử. Và cho rằng không ai có quyền vu oan sai lạc về những nhân vật có thật. Vì ảnh hưởng của việc làm văn hóa vô cùng sâu xa, chúng tôi thiết nghĩ rất cần thận trọng.
Cho nên, với đoạn này, nói về bước ngoặt từ việc những người tiểu tư sản chống xâm lăng đến việc người cộng sản giành quyền để đưa đất nước vào thể chế cộng sản, hồi sinh thời, ông Duyên Anh tính tái bản cuốn Những Đứa Trẻ Thái Bình, chúng tôi có góp ý kiến, và ông nói trước khi mang in sẽ sửa. Nhưng việc chưa thành, ông đã ra đi. Nay lục đăng, chúng tôi mạn phép chú thích:
[1] Ông viết thầy giáo Nguyễn Công Hoan, trước năm 1945, đã là đảng viên cộng sản, và cứu trò Vọng khỏi bị chết trong vụ đói Ất Dậu rồi đỡ đầu cho gia nhập Đảng. Điều này không đúng, vì Nguyễn Công Hoan chỉ gia nhập Đảng Cộng Sản vào năm 1947.
Việc gia nhập trước hay sau quan trọng, là vì tấm lòng nhân đạo của ông Hoan thể hiện cái tình người của Nguyễn Công Hoan con người xã hội hay Nguyễn Công Hoan con người cộng sản. Thực tế là Nguyễn Công Hoan khi còn là con người xã hội thì rất người. Nhưng khi thành cộng sản, Nguyễn Công Hoan trở thành một loại súc vật. Bằng chứng là việc Nguyễn Công Hoan đã đối xử với cụ Phan Khôi một cách vô cùng hạ cấp, vô giáo dục trong vụ Nhân văn-Giai phẩm, không còn một chút gì chứng tỏ một Nguyễn Công Hoan vốn con quan, làm nghề dạy học, viết văn trào phúng, xã hội tả chân, chống bất công thối nát; trái lại đã biến chất đến mức chính bọn cộng sản cũng còn liệt vào loại ba que, khi họ phê bình cuốn “Đống rác cũ” của ông ta.
Còn một số sự kiện sai lạc về danh xưng, thời điểm tương tự nữa. Chúng tôi mang thảo luận với ông. Ông trả lời rằng vì là tiểu thuyết hư cấu thì những dữ kiện không có gì là quan trọng. Chúng tôi thì thưa rằng mọi sự đều có thể hư cấu, nhưng nó cũng phải như thật, ngoại trừ chuyện giả tưởng. Hơn nữa, một khi liên quan đến những dữ kiện lịch sử thì càng nên sát với diễn biến, tác phẩm mới có giá trị. Mang lộn việc trước ra việc sau, việc sau ra việc trước, người biết, đọc sẽ đâm chán, người không biết, sẽ bị dẫn dắt sai lầm lẫn lộn. Nhất là nếu những sự sai lầm lẫn lộn đó đã không làm cho tác phẩm thêm một chút giá trị nào, mà trái lại còn hạ nó xuống. Tỉ như:
[2] Ông Trần Trung Lập, nếu chúng tôi không lầm, theo quân đội Nhật về tấn công Cao Bằng năm 1940, bị Nhật bỏ rơi, tiếp tục chống Pháp, bị bắt và bị xử tử, mà không phải bị Nhật giết năm 1945.
[3] Bài Đuốc Gươm Thiêng, nếu chúng tôi nhớ không lầm là do nhạc sĩ Hải Linh, rất lâu sau ngày 19-8, mới sáng tác.
[4] Một đảng viên nhỏ tuổi, ở vùng hẻo lánh Đông Cao, khó lòng có thể viết và hô khẩu hiệu này ngày 19-8. Ngay ở Hà Nội, chỉ tới ngày 2-9, người ta mới nghe về Hồ Chí Minh.