ân sau muốn rộng hơn sân trước, chung quanh sân đều là phòng, nhưng chỉ có phòng chính giữa là lớn hơn hết và đã đốt đèn lên. Trên một chiếc ghế rộng bọc nệm có một lão già. Chiếc ghế thật thấp và thật rộng, nhưng không có một kẽ hở nào có thể đút bàn tay vào lọt vì lão già quá mập, da lão căng lên trắng bọng. Lão mặc mội cái áo màu đỏ chói, ai nhìn qua giống như vị lạt ma Tây Tạng. Lão có đôi mày như hai con sâu róm giao đầu, cặp mắt của ông ta giông giống hai con ốc bưu lúc lắc. Hai bàn tay của ông ta đặt lên bắp vế, da tay trắng như trứng gà bóc và căng múc, nhìn vào tưởng tượng chỉ cần cầm kim chích vào một cái là nước sẽ xì ra. Sát hai bên ghế, có hai người đàn ông trung niên mặc áo màu lam đứng xuôi tay nghiêm chỉnh, vẻ mặt trơ trơ như tượng gỗ. Người cao ốm mặc áo lam dẫn người áo đen đi vào, bây giờ bằng vào lá cờ trắng cầm trên tay bất cứ ai cũng có thể nhận ra gã áo đen là thầy bói của Tàn Khuyết môn. Bước vào trước chiếc ghế của lão già áo đỏ, người trung niên ốm vận áo màu lam vòng tay cúi đầu thật thấp, nhưng không nói tiếng nào. Lão áo đỏ vẫy tay người áo lam lập tức đứng dạt ra. Lão áo đỏ nhướng mắt nhìn tên thầy bói: - Tàn Khuyết môn dạy ngươi như thế nào? Thấy mặt ta mà cũng không biết cúi đầu nữa à? Nghe giọng nói của lão già áo đỏ, hình như gã thầy bói hơi run, hắn vội cúi mình: - Xin đại nhân thứ tội, vì hai mắt của tiểu bối... Lão già áo đỏ cắt câu nói của gã bằng một tiếng “hừ” lạnh ngắt: - Đừng có bày cái chuyện đó trước mặt ta, ngươi là kẻ bắt tin tức tinh thông nhất của Tàn Khuyết môn, chính ta lìa kinh sư một cách bí mật, luôn cả quan quân địa phương cũng không hay biết, thế mà các ngươi lại biết rõ như ngữa bàn tay, nhưng ta hỏi Tàn Khuyết môn đã lặn mất từ lâu, thế sao bây giờ lại vụt ló mặt ra, tại sao thế hử? Gã thầy bói cười cười: - Bẩm đại nhân, chuyện Tàn Khuyết môn xuất hiện võ lâm, tiểu nhân nghĩ rằng không phải vấn đề quan trọng. Lão già găn hỏi lại: - Theo ngươi thì như thế nào mới quan trọng? Gã thầy bói đáp: - Mục đích xuất kinh của đại nhân và việc tiểu nhân mạo hiểm đến đây mới là điều quan hệ. Lão già áo đỏ gật gù: - Nói nghe. Gã thầy bói cười cười: - Tiểu nhân cần thỉnh giáo trước, chẳng hay đại nhân thuộc nha thư nào tại kinh sư. Lão già áo đỏ đáp: - Đông Xưởng. Gã thầy bói biến sắc... Đông Xưởng là một ẩn danh, quyền hạn và nhiệm vụ còn cao hơn cả Cơ Mật viện nội các, binh quyền, đối nội đối ngoại, tất cả những vấn đề về cơ mật quốc phòng cũng như về nội an của triều đình đều nằm trong tay cái tổ chức mệnh danh là “Đông Xưởng” đó. Gã thầy bói có vẻ đắn đo: - Như vậy là đại quan nhân Đông Xưởng, tiểu nhân thất kính, dám xin đại nhân hạ cố cho biết quý danh. Lão già áo đỏ cười nhạt: - Lão phu họ Phí, chắc các hạ đã có biết qua? Da mặt vốn đã trắng bệch của gã thầy bói càng xuống màu xanh, nhưng hắn lấy lại bình tĩnh rất nhanh: - Tiểu nhân là phận thấp hèn, đâu có được vinh dự như thế? Chẳng qua... Lão già áo đỏ chận ngang: - Những cái cần hỏi, ngươi đã hỏi hết rồi phải không? Bây giờ những gì cần nói thì hãy nói hết đi. Gã thầy bói lại vòng tay: - Vâng, tiểu nhân đến đây chỉ vì cái người mà đại nhân muốn kiếm... Lão già áo đỏ cau mặt: - Sao? Nói thêm coi? Gã thầy bói đáp: - Tàn Khuyết môn biết con người ấy hiện tại đang ở tại đâu? Lão già áo đỏ gặng: - Hắn ở tại đâu? Gã thầy bói lặng thinh... Lão già áo đỏ cau mặt: - Hắn đã lọt vào tay Tàn Khuyết môn rồi phải không? Gã thầy bói đáp: - Tiểu nhân không dám nói dối đại nhân, người mà đại nhân muốn kiếm quả thật đang ở tại Tàn Khuyết môn chúng tôi. Lão già áo đỏ hừ hừ ba tiếng: - Giỏi lắm, Tàn Khuyết môn của các người giỏi lắm. Lão trầm mặt xuống và giọng lão vụt lạnh băng: - Các ngươi to gan lắm, bắt cóc một vị đại thần của triều đình, chắc các người thừa biết tội danh rồi chứ? Gã thầy bói vòng tay: - Bẩm đại nhân, tiểu nhân thật đáng hết sức sợ tội chỉ có điều theo tiểu nhân được biết thì đại nhân cũng không phải phụng chỉ hoàng đế để đi tìm người ấy. Lão già áo đỏ vụt quát lớn: - Cả gan... Gã thầy bói không lên tiếng, hắn đứng thật thẳng, dáng sắc của hắn hình như không xem chuyện thịnh nộ đó vào đâu, mặc dầu lời lẽ của hắn thật cung kính e dè. Lão già áo đỏ hòa hoãn lại: - Ngươi đến tìm ta để... Gã thầy bói chặn nói: - Ý của Tàn Khuyết môn là đem con người ấy trình giao lại cho đại nhân, nhưng không biết đại nhân có chịu thu nhận hay chăng? Lão già áo đỏ gặn lại: - Sao? Tàn Khuyết môn muốn giao người ấy lại cho lão phu? Gã thầy bói đáp: - Vâng. Lão già áo đỏ cười, giọng cười của lão nghe phát lạnh người: - Khá lắm, như thế là kể ra Tàn Khuyết môn cũng chiếu cố đến lão phu, cảm ơn vậy chẳng hay các người bao giờ sẽ giao người? Gã thầy bói đáp: - Điều đó tiểu nhân không giám tự chuyển, tiểu nhân chỉ phụng lịnh đến đây báo trước với đại nhân, còn về việc thời gian giao người và cách thức giao người thì bao giờ tệ Môn chủ diện kiến đại nhân thì mới có thể quyết định. Lão già áo đỏ hỏi: - Sao? Môn chủ của Tàn Khuyết môn muốn gặp ta? Gã thầy bói đáp: - Còn xem đại nhân có đồng ý hay không rồi mới quyết định. Lão già áo đỏ cười khà khà: - Ta tuy là quan lại của triều đình nhưng khi dấn thân vào chốn giang hồ thì vẫn theo qui củ của giang hồ. Vì thế chuyện Môn chủ muốn gặp phải được xem là một điều vinh hạnh chớ làm sao lại có chuyện không bằng lòng? Nhưng không biết tại nơi nào và bao giờ lão phu sẽ diện kiến Môn chủ? Thái độ của lão trong trường hợp này được thấy như đã có nhiều nhượng bộ. Gã thầy bói sang cây cờ trắng qua tay trái, tay mặt lấy ra một danh thiếp hồng cúi mình trao tới: - Tiểu nhân đã có lênh dâng thiếp cáo tri. Người cao ốm mặc áo lam bước tới tiếp lấy tấm thiếp, hai tay dâng cho lão áo đỏ. Không cần liếc vào, lão áo đỏ vẫy tay: - Về nói lại Môn chủ, lão phu sẽ theo đúng thiệp mời. Gã thầy bói vòng tay: - Tiểu nhân xin phép cáo từ. Làm cái nghề buôn bán đồ cổ, những người trong cửa hiệu chẳng những phải biết xem hàng mà lại còn phải biết xem người. Hàng quí, không phải ai cũng đều mó tới được phải là hạng biết xài, hạng vung tay là thấy vàng rơi xuống. Biết xài là một chuyện, khách còn phải là hạng biết không tiếc của, biết cúi lòn, biết dùng vật quý để tặng người khác để cầu thân. Người thanh niên công tử vừa bước vào là tất cả từ quản lý đến bọn tiểu nhị đều nhất loạt cúi đầu cung kính. Không biết ở nhà đối với ông nội, ông ngoại, cha mẹ cô bác họ ra sao không biết, nhưng cứ thấy thái độ đối với khách hàng, khách sạn đủ chứng tỏ họ toàn là những bậc “quán thông lễ mạo”. Bình thường khoảng cách phải bước hơn bốn bước, nhưng khi thấy khách sang, họ chỉ cần non hai bước là đã đến trước mặt. Lưng họ dầu có cứng cách mấy, bây giờ họ trở thành cong vòng cong quật. Gã quản lý khoảng trên dưới năm mươi, dáng người loắt choắt, gã có đôi mắt y như đôi mắt chuột, thứ đôi mắt nhà nghề. Không ai biết do nghề nghiệp tạo ra đôi mắt hay chính đôi mắt đó đã tạo cho hắn được một cái nghề khấm khá. Hắn bước ra khỏi quầy hàng, lưng cuả hắn cong thật tròn, miệng hắn cười: - Bẩm, chẳng hay công tử cần cổ vật là thuộc thứ nào, bổn hiệu có đủ cả như ngọc, như hình, như danh họa tất cả thảy đều quí giá không một nơi nào có được, chẳng hạn như... Gã công tử cười. - Biết rồi, tại Đại Danh phủ này, quý hiệu đã nổi danh. Chính cũng vì mộ danh nên tôi mới đến. Xin cho phép xem qua. Tên quản lý lại cong lưng, dáng cách như hắn, nếu phải mua một món đồ mắc đi vài lượng khách hàng chắc chắn không bao giờ từ chối. Gã công tử chầm chậm bước vô. Tên quản lý nhẹ bước bám theo, không quên cho cái lưng hơi cong xuống để cái đầu thấp hơn khách một chút và phập phồng mỗi khi khách nhìn đến món đồ cổ. Hắn chỉ sợ dưới đôi mắt sáng của khách mà đồ mình nhẹ giá. Đôi mắt của gã thanh niên công tử cũng thật sáng, không biết hắn có làm cái nghề buôn bán đồ cổ này không, nhưng cứ đem so sánh thì đôi mắt của hắn, bỏ cái đẹp một bên, cái sáng và tinh tế về lối quan sát đối với đôi mắt của viên quản lý có hơn chứ không hề kém. Tên quản lý đúng là một “chuyên môn” ngón tay của hắn chỉ đến đâu là miệng hắn theo đến đó, vừa giới thiệu phẩm chất của món hàng, vừa kể lai lịch từng li từng tí... Gã công tử có vẻ chăm chú, không biết gã chăm chú về món hàng, hay chăm chú tài quảng cáo của viên quản lý. Cuối cùng, tia mắt của gã thanh niên công tử dừng lại chỗ cây ngọc Như Ý, một thứ ngọc màu xanh biếc. Thấy gã công tử dừng lại, tên quản lý bước lên: - Bẩm công tử, chẳng hay công tử đã vừa ý món chi? Gã công tử nhè nhẹ cầm cây ngọc Như Ý lên tay, lật qua lật lại: - Thứ này hình không phải là vật ở Trung Nguyên. Tên quản lý đưa ngón tay cái lên và mở tròn đôi mắt: - Hạng nhất rồi, công tử đúng là người sành chơi ngọc, từ ngày mở cửa hiệu này nay đã mấy mươi năm, người nói đúng về lai lịch món hàng cũng có một vài, nhưng riêng khối ngọc này chỉ có mỗi một mình công tử là nhận ra thôi. Thật không dám giấu chi công tử, vật này vốn là vật của người Hồi. Gã công tử chặn hỏi: - Vật trong Hồi quốc vương cung phải không? Tên quản lý vỗ tay một cách cực nịnh: - Đúng, đúng quá, đúng là vật trong vương cung Hồi quốc, nhưng... Gã công tử mỉm cười: - Khối ngọc này có một cái tên thật đẹp, gọi là “Lãnh Thủy”... Tên quản lý gật lia lịa: - Đúng, đúng thật là đúng... Gã công tử nhấc tay lên: - Tôi mua vật này, giá của nó là... Hình như sợ nói đến giá cả làm mất đi vẻ thanh nhã của người của vật, gã thanh niên công tử nói đến đó rồi dùng mắt để thay lời. Quả đúng là tay lão luyện, tên quản lý nhìn người là đã đoán được ý ngay, hắn vội cười mơn: - Vâng, vâng, vật quí không dám biến thành vẻ tục, xin công tử cứ xem... Gã công tử xoè bàn tay trái, trong tay đã sẵn một xấp vàng lá ngời ngời và cũng chỉ lấy mắt để hỏi ý về giá cả. Chỉ cần liếc qua, gã quản lý cúi lưng xuống như một cây cung: - Bẩm, đủ quá đủ, đa tạ công tử, thật công tử là người có mắt nhìn thấu được ngọc quí còn trong đá... Xin thỉnh công tử ngồi uống chung trà để tiểu nhân chọn đúng cái hộp của nó. Vật quí là phải có hộp quí, chứ đâu có phép lôi thôi... Hắn đưa cả hai tay ra định đón lấy khối ngọc, nhưng gã thanh niên công tử lại trao sang cho tên tiểu nhị đứng gần bên và nói: - Không cần, ta có việc muốn nói thêm với tiên sinh. Tên tiểu nhị khom mình hai tay đón lấy thật vô cùng cung kính. Không biết hắn lễ phép với người hay là vì khối ngọc khiến cho hắn phải cúi đầu. Tên quản lý quay lại lừ mắt: - Cẩn thận, đừng có cho lấm bụi đó nghe. Và gã quay lại ngay với gã công tử: - Tiểu nhân hãy còn chưa thỉnh giáo... Gã công tử chậm đáp: - Không dám, tại hạ họ Hàn... Làm như quen từ đời nào, tên quản lý vồn vã: - A, thì ra đây là Hàn công tử, thất kính, thất kính... - Chẳng hay quý phủ... Gã công tử họ Hàn cười cười: - Tệ gia ở tận vùng Quan ngoại, vì thích chơi đồ cổ nên thường hay đi đó đi đây... Tên quản lý gật gật: - Đọc vạn quyển sách cũng hãy còn sót, có một bộ óc thông minh mới có thể nhìn thấu triệt sự vật, công tử quả đã đi nhiều thấy rộng... Ngay lúc đó tên tiểu nhị mang ra một cái hộp màu đen bóng loáng đặt lên mặt bàn, hắn đặt không mạnh tay, nhưng vì hộp cứng chạm vào mặt bàn thuộc loại gỗ quí nên có tiếng khua. Tên quản lý trừng mắt: - Một ngày dặn đi dặn lại năm lần bảy lượt mà cũng cứ không cẩn thận. Lỗ tai của người để ở chỗ nào? Đã bảo vật quí là phải nhẹ tay có biết không? Tên tiểu nhị cóm róm lui ra sau không dám ngửa mặt lên. Viên quản lý quay lại, bộ mặt hằn học của lão biến thành tươi cười còn nhanh hơn máy: - Dám xin Hàn công tử lượng thứ cho. Gã công tử họ Hàn cười: - Không dám, tiên sinh thật là con người thận trọng. Vừa nói hắn vừa lơ đãng móc một cái ống điếu gõ gõ trên tay. Viên quản lý vẫn cứ cưòi cười: - Công tử nói thế là rộng lượng, chớ thật ra làm cái nghề này thiếu thận trọng một chút là không thể tha thứ được... Lão ngưng ngang và nhìn chằm chằm vào cái ống điếu trên tay gã công tử, cái cười của hắn căng gần toét đến mang tai: - A... thì ra công tử là người từ kinh sư tới... Gã công tử nhướng nhướng mắt: - Sao tiên sinh lại biết? Tên quản lý chớp chớp mắt: - Tiểu nhân tuy già nhưng mắt vẫn còn chưa hoa, cái ống điếu của công tử dùng là vật sản xuất tại hiệu “Đồng Gia” phía tây thành, khắp thiên hạ không còn nơi nào có thể làm được. Hơn một trăm năm nay, Đồng Gia không có một món đồ nào mất uy tín với khách hàng và cố nhiên nghề nghiệp đó cũng không bao giờ cho người ngoài biết được, không một hiệu nào nhái nổi kiểu của Đồng Gia, người sành chỉ nhìn qua là biết. Và đặc điểm của Đồng Gia là khách hàng của họ toàn là các quan của kinh thành. Gã công tử họ Hàn gật gật: - Tiên sinh quả là người có mắt thật tinh. Hắn mỉm cười và chầm chậm đứng lên từ giã... ° ° ° ° ° Trăng thật sáng và gió đêm nhè nhẹ. Ánh trăng trải lên đồng cỏ, rừng cây bàng bạc, đêm đã khuya cảnh vật càng êm ả nên thơ. Cảnh nên thơ nhưng người làm mất hứng, một đội quân hàng ngũ chỉnh tề băng mình thật nhanh và tự nhiên là khí giới sáng ngời. Họ gồm hai mươi lăm người tất cả. Phía trước bốn tên khiêng kiệu. Trước nữa, sáu người mặc áo màu lam, phía sau bốn người áo đỏ và trên kiệu là lão già mập thù lù, nước da trắng như bột, là lão già áo đỏ tự xưng là người của Đông Xưởng đã gặp gã thầy bói của Tàn Khuyết môn hôm trước. Khiêng kiệu là bốn tên áo vàng lực lưỡng, tất cả bọn họ đều mang binh khí, nhưng chỉ có bốn tên áo đỏ là đeo kiếm, còn lại mang đao. Họ đi nhanh trong đêm vắng giữa cánh đồng hoang, chân họ không nghe tiếng động chứng tỏ họ đều là hạng võ công không phải tầm thường. Độ hơn mười dặm, đoàn người dừng lại trước một khu rừng rậm. Lúc bấy giờ xa xa có tiếng mõ điểm canh hai. Đưa mắt nhìn vào cánh rừng, lão già áo đỏ trầm giọng: - Cát Trường Giang, lên tiếng đi. Cát Trường Giang nhích tới quay mặt về phía rừng cao giọng: - Tàn Khuyết môn, đại nhân của chúng ta đến theo lời ước, ai là người túc trực ở đây? Như một cánh dơi đêm, từ trong rừng rậm một bóng đen bắn vọt ra. Cặp mắt giang hồ rất dễ nhận ra đó là tên thầy bói. Chỉ có điều đêm nay có khác, tay hắn không còn cầm cờ hiệu của thầy bói nữa, thân pháp cũng không phải trông dáng điệu mò đường, thân pháp của hắn thật nhanh, chỉ một cái nhón lên là đã vòng tay trước kiệu: - Phí đại nhân, tệ Môn chủ hầu giá đã lâu, xin thỉnh Phí đại nhân nhập lâm. Đúng là khẩu khí giang hồ có khác. Người ta thường thường thỉnh khách nhập đại sảnh, hoặc tiền đường, ở đây họ lại thỉnh “nhập lâm”. Hắn nói bầng giọng điệu và dáng sắc cực kỳ nghiêm chỉnh. Cát Trương Giang lùi lại một bước, hắn khoát tay ra hiệu. Đội ngũ của hắn rẽ hàng tư và chuẩn bị tiến lên. Lão già họ Phí chưa nói gì thì gã thầy bói đã tràn mình qua cản lại: - Trong rừng này chỗ gặp nhau rất hẹp không thể chứa đông người, dám xin đại nhân lượng thứ. Lão già họ Phí cười gằn: - Quí Môn chủ có vẻ hòa khí quá thế? Sao, hãy cho biết chứa được bao nhiêu? Gã thầy bói đáp: - Bẩm đại nhân, đây là bạn chứ không phải là địch, tệ Môn chủ rất thành tâm thật ý. Lão già họ Phí nhướng nhướng mắt: - Nói như thế có nghĩa là càng ít càng tốt phải không? Lão vỗ vỗ thành kiệu, bốn tên khiêng kiệu lập tức quỳ xuống. Vừa nhẹ nhành bước xuống kiệu, lão già họ Phí vẫy tay: - Bao Phẩm Trung, Khu Luân, hãy theo ta. Lão nói và ngẩng mặt lên bước thẳng. Hai trong bốn người mặc áo đỏ bước nhanh theo. Tên thầy bói vòng tay: - Tiểu nhân xin dẫn lộ. Hắn quay mình sau câu nói và phi thân thẳng vào khu rừng rậm. Trong đời kể thật cũng kỳ. Người sáng đi mà kẻ đui lại dẫn đường. Nhưng quả xứng với danh xưng, gã thầy bói đi nhanh còn hơn người sáng. Dẫn đường, nhưng trong rừng vốn lại không có đường, cỏ hoang ngập tới lưng quần, nhưng thật lạ, không biết tự bao giờ, đã có người dùng liềm cắt sạch một khoảng vừa một người đi và thẳng như căng chỉ. Đi hết khoảng đường đó khá xa, nhờ vào hai cái lồng đèn được hai người áo đen đứng giơ cao, bên trong nhìn được một gian nhà đá trông như một tòa giả sơn thật lớn. Lão già họ Phí nhìn rất rõ, nhưng mặt lão cũng thật thản nhiên không để lộ một vẻ gì. Gã thầy bói bước lên hai bước thật nhanh và dừng lại vòng tay: - Bẩm cáo Môn chủ, Phí đại nhân giá đáo. Hai cánh cửa giữa của gian nhà đá mở toác ra, ánh đèn xanh rờn rợn chiếu hắt ra ngoài. Chính giữa gian nhà, một người lùn mập, mặt phủ khăn đen đang ngồi xếp bằng, bốn bên bốn cây đèn màu xanh lân tinh như lửa quỉ. Người bao mặt khẽ nghiêng mình: - Thảo dân cung nghinh Phí đại nhân. Lão già họ Phí đưa tay lên như vẩy và mỉm cười: - Các hạ là chủ tòa một môn phái, không có gì phải khách sao như thế ấy. Vừa nói, lão vừa bước thẳng vào gian nhà đá. Bao Phẩm Trung, Khu Luân không theo, họ đứng bên ngoài. Cửa nhà đá rất hẹp, đứng bên ngoài không thấy rõ bên trong. Khi bước vào lão già họ Phí mới thấy có bốn lão áo đen nữa, họ ngồi vào bốn góc nhà, mặt họ cũng phủ lụa đen. Cả bốn người ngồi rất thẳng, bất động. Nếu trong một gian nhà đá giữa hoang vu như thế này, có người giới thiệu đó là bốn pho tượng bằng đất thì chắc chắn ai cũng phải tin. Vì thường thường, cũng có người bất động như thế, nhưng họ chỉ bất động về cơ thể, chớ bên trong của họ thật động, đó là một nguyên tắc không ai làm khác được vì một khi muốn thân hình “coi như” bất động thì với con mắt của người thường chớ với những kẻ đã nhìn bằng mắt mà lại con “nhìn” cả bằng tai thì cái chuyện “bất động” của họ chỉ là giả tạo. Bốn còn người này thì lại khác, họ giả tạo là chuyện đã hẳn rồi, nhưng khi “nhìn” bằng thính giác, người ta bỗng phát giác ra rằng họ không giả tạo một chút, nội lực của họ đã tan như tảng băng trước một sức nóng, họ không có vận chuyển nín hơi, họ như những cái xác không hồn. Lão già họ Phí bỗng hơi cau mặt. Lão biết họ là những con người sống, nhưng “sống” trong tư thế ấy thì trình độ nội lực của họ đã đến mức có cũng như không có, như những nhà tu nhập định. Chỉ cần nhìn vào bốn người thuộc hạ là có thể hiểu được vị Môn chủ của họ ra sao. Đây là màn “giới thiệu” coi như sáng giá. Lão già họ Phí lấy lại bình tĩnh thật mau, lão vén tà áo rộng ngồi xuống. Lão cũng ngồi xếp bằng tròn như những người kia và quay lưng về phía cửa. Người bao mặt lại khẽ nghiêng mình: - Đại nhân y ước đến đây, điều đó khiến cho thảo dân muôn vàn vinh hạnh. Thật ra thảo dân đã có ý trước hết phải bái kiến đại nhân, chỉ hiềm vì Tàn Khuyết môn đã nhiều năm bặt tích... Lão già họ Phi điềm đạm: - Lão phu đã có nói rồi, các hạ là chủ tòa một môn phái thì không có chi phải khiêm nhường, có chuyện xin cứ nói thẳng ra. Người bao mặt đáp: - Cung kính bất như tòng mạng, thảo dân xin mạo muội...