Tủ Sách Tuổi Hoa
Chương Năm
CÔ THẢO LO SỢ

Tôi có những cảm giác lo lắng lẫn lộn. Một đàng thì tôi mong cho mau tới chín giờ để Bố đến thư viện đón chúng tôi về. Một đàng thì tôi lại lo sợ giờ phút ấy đến. Vì nếu tới chín giờ mà Tuấn chưa về kịp và nếu Bố hỏi tôi là Tuấn đâu rồi, thì tôi biết trả lời làm sao cơ chứ. Chắc tôi phải cho Bố biết sự thật đầu đuôi, nhưng nếu làm vậy, tôi lại thất hứa với Tuấn sao. Ngồi ở bàn học mà tôi cứ suy nghĩ mông lung, tại sao Tuấn lại làm những chuyện như vậy nhỉ? Những lúc tôi lỡ làm chuyện gì sai lầm thì Tuấn luôn luôn nhắc nhở tôi.
Tôi lại nhìn lên chiếc đồng hồ của phòng học trong thư viện. Hầu như suốt cả tối nay, tôi cứ nhìn chừng đồng hồ hoài. Đã chín giờ thiếu bốn phút rồi mà Tuấn vẫn chưa về tới.
Tôi bắt đầu cầu nguyện: "Lạy Đức Chúa Trời…". Mới nói được một câu đó, rồi tôi không biết phải cầu xin Chúa điều gì nữa. Không lẽ tôi lại cầu xin Chúa giúp đỡ cho Tuấn có sự khéo léo trong việc nói dối Bố hay sao? Không thể cầu xin như vậy được. Tôi bèn thôi cầu nguyện. Làm sao tôi có thề cầu nguyện cho Tuấn khi biết rằng nó làm chuyện không đúng?
Không biết Tuấn có cầu nguyện lúc ấy không, nhưng tôi đoán chắc nó không cầu nguyện đâu. Rồi tôi lại thắc mắc nữa, vì biết đâu Tuấn lại chẳng đang tìm cách giúp cho anh em nhà Bằng và Bảo. Có lẽ vì lý do này mà Tuấn mới đi chơi cùng họ tối nay chăng. Dù sao tôi cũng không hẳn là tin như vậy. Tôi thấy lần này không giống như hồi Tuấn đi chơi với Bích.
Hôm đó Tuấn và Bích đi bộ chơi dọc theo đường rầy xe lửa, họ thích lượm những nút chai hoặc những viên đá cuội về chơi.
Mẹ tôi luôn nhắc chừng Tuấn rằng đường rày xe lửa chỉ để dành cho xe lửa chạy thôi, chứ không phải để cho người ta đi vì rất nguy hiểm. Nhưng Tuấn tự phụ cho rằng mình biết rõ giờ nào xe lửa chạy ngang và hứa với Mẹ rằng lúc nào nó cũng cẩn thận, không chơi gần đường rầy khi sắp có xe lửa chạy ngang. Thế nhưng hôm đó Tuấn và Bích lại thi nhau đi thăng bằng trên đường rầy. Họ ra luật với nhau rằng ai mà đi trượt chân khỏi đường rầy trước sẽ bị gọi là “con khi bú dù”. Tôi đoán là chắc lúc đó họ mãi chơi quá, không để ý gì đến thì giờ, cho tới khi bất thình lình, họ nghe tiếng còi lanh lảnh của xe lửa vang lên. Cả hai đều hoảng sợ quá chừng, đến nỗi họ không biết phải làm sao bây giờ. Đáng lẽ họ chỉ việc nhảy qua một bên, tránh đường rầy đi, nhưng xui quá, họ đang đi trên cây cầu sắt, và họ chí thấy xung quanh toàn nước là nước mà thôi! Trong khi đó tiếng còi xe lửa mỗi lúc một gần hơn.
Tuấn chỉ kịp hét to bảo Bích: “Bám chặt vào thành cầu đi", và cả hai cùng nép sát người vào thành cầu, tay bám chặt lấy những thanh sắt. Cả hai đều run lẩy bẩy như cầy sấy. Chỉ mong sao chuyến xe lửa này ngắn, để chạy qua mau hết cầu. Nhưng than ôi, nó chả ngắn chút nào. Chuyến xe lửa này chính là chuyến xe chở hàng hóa dài nhất, mà sau này Tuấn đã kể lại rằng chưa bao giờ nó lại thấy xe lửa có nhiều toa như vậy. Từng toa xe này nói tiếp toa xe khác, rồi lại toa khác nữa cứ băng băng lướt qua trong lúc cánh tay Tuấn càng lúc càng mỏi rã rời. Nó liều lĩnh nghĩ dại, chỉ muốn buông lỏng tay ra để rơi xuống sông cho rồi, nhưng dưới sông, nước chảy cuồn cuộn, nó lại sợ chết đuối mất. Thình lình nó chợt nghĩ đến Bích đang ở phía thành cầu bên kia. Tuấn không sao nói gì được với Bích, vì xe lửa chạy kêu ầm ĩ quá. Thôi rồi, nếu Bích bị té xuống sông thì sao? Nhỡ Bích chết đuối thì sao? Hoặc nhỡ xe lửa cán lên Bích thì sao?
Tuấn vừa nói: “Xin Ngài hãy cứu mạng sống của Bích" thì cũng vừa lúc toa xe lửa cuối cùng băng ngang qua, nên dường như giọng nói của nó đã dội vang qua hết cây cầu. Cả hai người đều mệt lả bò dài trên đường ray.
- Thật hú hồn! - Bích yếu ớt kêu lên trong lúc Tuấn chạy lại đỡ Bích. Bích tiếp - chắc mình không thể nào bám tay lâu hơn nữa được. Suýt chút nữa là mình đã buông tay ra rồi. Mỏi quá chừng.
Tuấn cũng nói:
- Mình cũng chẳng hơn gì cậu.
- À, mà hồi nãy lúc toa xe chót băng qua, mình có nghe cậu kêu ch mà to quá vậy?
Tuấn nhìn Bích:
- À, chắc lúc ấy mình đang cầu nguyện. Cầu nguyện cho Bích đấy.
Mặt Bích bỗng đượm vẻ tự cao, Bích nói:
- Sao, cậu lại cầu nguyện cho mình à. Lúc đó cậu cũng gặp cảnh nguy hiểm như mình chứ gì?
Tuấn nói:
- Nhưng nếu mình có chết cũng không sao Bích ạ. Vì nếu chết, mình sẽ được lên thiên đàng. Nhưng khi nghĩ đến Bích thì mình lại lo sợ. Nhỡ mà Bích có bị gì thì sao. Chắc Bích sẽ không được...
Tôi đang suy nghĩ về Tuấn và việc đã xảy đến trên đường rầy xe lửa đó, thì chợt có tiếng cửa ra vào của thư viện mở ra. Tôi xoay vội người lại, vừa kịp thấy đứa em sinh đôi của tôi bước vào. Tôi thở phào nhẹ nhom. Thế là Tuấn đã về kịp. Như thói quen có sẵn, tôi nhìn nhanh lên chiếc đồng hồ treo một lần nữa. Chín giờ kém một phút! Tuấn nhìn tôi gật gật cái đầu rồi đi về phía bàn để lấy sách vở.
Lúc chúng tôi cùng ra công, Tuấn nói:
- Em chắc Bố vừa lái xe tới. Mong sao Bố đừng thấy em lúc em trở về thư viện.
Tôi chỉ thích hỏi chuyện Tuấn ngay lúc đó xem nó đã lái thử chiếc xe đó ra sao, nhưng tôi cũng muốn nó cũng kể hết cho tôi nghe mà không cần tôi phải hỏi. Tuy vậy nó chẳng nói gì.
- Bố tới rồi!
Tuấn reo to lên trong lúc chúng tôi cùng bước về phía chiếc xe đậu.
Tôi nhìn vào chồng sách vở mà Tuấn đang ôm trên tay, tự hỏi không biết nếu Bố hỏi về việc làm bài thì nó sẽ trả lời thế nào. Thật y như rằng, Bố tôi đã lên tiếng bảo khi Tuấn đã bước vào trong xe và đóng cửa lại:
- Các con đã làm bài xong chưa?
Tuấn đằng hắng giọng, nhìn về phía tôi như thầm nói tôi hãy trả lời trước. Tôi hiểu ý nó nên nhanh nhảu:
- Con làm bài xong rồi, nhưng con thấy sao dở quá. Chắc con phải làm lại.
Tôi nghĩ nếu tôi cứ tiếp tục nói thêm nữa, chắc Bố sẽ quên luôn việc hỏi Tuấn xem nó làm bài như thế nào.  
Nhưng tôi vừa dừng lại lấy thêm hơi để nói tiếp, thì Bố đã hỏi:
- Còn Tuấn thì sao? Con đã xong bài chưa?
Hình như Tuấn đã phải nuốt nước bọt cả năm sáu lần mới cất tiếng trả lời Bố được, vì tôi thấy lâu kinh khủng nó mới nói ra được. Tôi thật sợ và nhác gan lo cho nó, khiến định trả lời dùm nó. Nhưng Tuấn đã ấp úng:
- Dạ, chưa xong hẳn.
Hình như Bố không lộ vẻ gì nghi ngờ cả, vì Bố chỉ nói:
- Thôi được, đến thứ năm này con mới nạp bài. Dù sao Bố thấy rằng con nên dành thêm một tối nữa để làm cho xong bài đi. Tối mai vậy. Còn Thảo đã làm xong bài rồi, chắc sẽ làm tiếp dùm em một số công việc ở nhà được.
Chị em tôi có một số công tác phải làm ở nhà sau mỗi bữa ăn tối, nên lúc nghe Bố nói như vậy, tôi giận quá. Vậy là Bố đã tiếp tay cho Tuấn khỏi làm việc nhà sao, trong khi Tuấn đã dối gạt. Thật sự lúc đó tôi muốn la lên, tố cáo mọi chuyện của Tuấn, dù tôi đã hứa với nó đi chăng nữa. Tôi vừa định mở miệng nói, thì tôi lại nhìn về phía Tuấn, thấy nét mặt như cầu khẩn của nó, tôi cảm thấy thương hại không nói nữa.
Chắc Tuấn cũng biết tôi cảm thấy làm sao vì sau đó nó thật tử tế với tôi khi về tới nhà. Sáng hôm sau nó giúp đỡ tôi làm được thật nhiều việc. Chưa bao giờ nó làm giúp tôi được việc như thế, cũng có, nhưng thường thì nó càu nhàu luôn miệng, chứ không như lần này. Nhưng mỗi lần nó làm giúp tôi, thì tôi lại có cảm tưởng như nó trả công để đút lót cho tôi khỏi mách Bố Mẹ về chuyện nó đã lén đi đua xe với anh em nhà Bằng, Bảo tối hôm qua.
Tôi đã từng nghe về đủ loại người chơi đánh cá trong các trận đá banh, và họ đã trả tiền cao cho các cầu thủ chơi thua trận đấu đi để họ thắng to trong các bàn đánh cá. Một số các môn thê thao khác cũng xảy ra các vụ đút lót như vậy. Bất giác tôi thấy mình thật bẩn thỉu. Tôi tưởng như mình đang về hùa với Tuấn, tiếp tay cho nó làm những chuyện sai lầm.
Khi chúng tôi đã làm xong hết công chuyện nhà rồi, nhìn quanh không thấy Bố Mê, tôi bèn hỏi Tuấn:
- Em có định đi thư viện tối nay không?
Nãy giờ trong vẻ mặt Tuấn tôi đã thấy hiện ra nét phạm tội, nhưng lúc này trông nó còn tệ hơn nữa. Bỗng nhiên nó nổi giận bảo tôi.
- Việc ấy có ăn nhằm gì đến chị không mà hỏi?
Nói xong, nó bỏ đi ngay tức khắc. Nhưng chỉ một lát sau, nó quay trở lại, nhỏ nhẹ nói với tôi:
- Thôi em xin lỗi chị nghe chị Thảo. Em lỡ gắt gỏng với chị như vậy. Thôi đừng giận em nghe chị.
Tôi chăng biết đứa em sinh đôi cua tôi ra sao nữa. Nó hành động thật kỳ khôi. Tôi chỉ hỏi cho biết xem nó có đi thư viện để làm cho xong bài tối nay không, chứ tôi có ý gì khác đâu. Chính Bố đã đề nghị như vậy buổi tối hôm trước cơ mà.
Cuối cùng Tuấn lại nói thêm:
- Tại em cảm thấy khó chịu bực tức quá.
Tôi hỏi:
- Về chuyện phải đi thư viện phải không?
-  Không phải chỉ có thế. Em buồn bực vì em đã dối gạt Bố một lần rồi. Nhưng bây giờ em lại còn khổ tâm hơn nữa vì tối nay em lại phải dối gạt Bố thêm một lần nữa.
Tôi biết tôi không phải là người tinh ý hoặc khôn khéo gì hơn ai, trái lại lắm lúc Tuấn cho là tôi đần độn nữa. Thế mà khi vừa nghe nó nói câu trên, tôi biết chắc chắn nó sẽ làm gì rồi. Thế nào Tuấn cũng đi chơi với anh em nhà Bằng và Bảo nữa cho mà xem. Nó đã lợi dụng thư viện để làm nơi hẹn hò gặp gỡ bọn kia. Đáng lẽ nó phải vui mừng vì Bố đã vô tình tạo ra dịp cho nó đi chơi như vậy, nhưng thật sự nó chẳng vui chút nào. Đã vậy nó còn cảm thấy khổ sở hơn là để tự mình nó tự tạo ra dịp tiện cho mình.
Tôi lên tiếng:
- Nếu trong thâm tâm, Tuấn cảm thấy ô uế, xấu xa, sao Tuấn còn đi chơi với bọn đó nữa. Cứ bảo họ rằng em đã thay đổi ý định rồi.
Tuân nhìn thẳng vào mặt tôi:
- Chị này hay nhỉ, chị định giảng "mo-ran" cho tôi đấy à? - Tuấn nói to như mắng át lấy tôi.
Đó, nó lại đổi tính như vậy. Hồi đầu thì thật tử tế, nhỏ nhẹ, bây giờ thì lại phát sùng. Tôi có thể nói chắc chắn rằng Tuấn đang bị điều gì dày vò. Một con người như Tuấn, đã từng đi học thật đều đặn, không bao giờ bỏ sót một nhóm thiếu niên nào, không bao giờ quên học. Vậy mà bỗng nhiên nó thay đổi tính nết như vậy. Tôi không biết vì sao nó đã đi đến tình trạng  như vậy. Vừa nghĩ tới đó, tôi liền nhận ra câu giải đáp cho thắc mắc cua tôi.
Tiếng máy xe Honda nổ đinh tai nhức óc vừa chạy ngang qua nhà tôi, bóp còi inh ỏi. Tuấn chạy vụt ra cửa nhìn theo. Tôi đã biết vì sao nó thay đổi thái độ như mấy ngày vừa qua. Chính vì Tuấn đã chọn lầm bạn,  rồi lại giao du thân mật với họ. Bố tôi đã từng giảng bao nhiêu bài, cũng như những lời khuyên dạy chúng tôi ở nhà mỗi ngày; vậy mà cũng như nước đổ đầu vịt. Tuấn không khôn ra chút nào, nó vẫn bị lũ bạn hư đốn lôi cuốn nhiều hơn.
Tôi còn đang nghĩ ngợi về Tuấn và những chuyện rắc rối của nó thì Bố bước vào. Bố bảo:
- Này các con, Bố sắp đi thăm thầy giáo cũ của các con bị đau nằm ở nhà thương đó. Các con có muốn đi thăm thầy không?
Tuần và tôi muốn đi liền vì thầy Thông rất đáng kính mến.
Lúc bước vào nhà thương, vừa qua một dãy hành lang, chúng tôi thấy một cậu thanh niên ngồi trên chiếc xe lăn tay đang đẩy tới. Cả hai chân cậu ấy đều gẫy, băng bột xuống tới gót.
Cậu ta vừa quay nhanh tay cho chiếc xe lăn đảo một vòng, vừa nói:
- Dang chỗ dùm coi.
- Chà, tuyệt quá - Tuấn nói đượm và thán phục - chàng ta đảo xe một vòng thật nhanh và khéo không kém gì anh Bảo lượn xe Honda.
Tôi đưa mắt nhìn Tuấn. Tôi không thể kìm giữ được ý nghĩ rằng nếu nó cứ tiếp tục cái đà liên hệ với anh em nhà Bằng, Bảo như vậy, thì sẽ có gì xảy ra.
Biết đâu nó chẳng đi đến kết cục bằng cách đây chiếc xe lăn tay như vầy. Bất giác tôi lại có ước muốn phải chi minh có thể nói hết cho Bố nghe, nhưng tôi lại không thể nói được khi có dịp.
Tôi đã lỡ hứa với Tuấn rồi.