Phần thứ Hai
P2.Chương 39

    
hi Chu Du bán hết chiếc màng trinh cuối cùng, cuộc thi người đẹp chưa kết thúc, vừa đi vào vòng chung kết cuối cùng. Tên lừa đảo giang hồ sắp sửa rời khỏi thị trấn Lưu chúng tôi, sắp sửa chia tay với những chiếc bánh bao nho nhỏ có ống hút trong cửa hàng điểm tâm của Tô Muội, sắp sửa chia tay những người đẹp mua màng trinh nhân tạo của hắn, cũng sắp phải tạm biệt nhà thơ Triệu. Chu Du bảo nhà thơ Triệu làm cho hắn mười ngày trả một ngàn đồng tiền lương, tiền thuê nhà làm kho mười ngày hai trăm đồng. Nhà thơ Triệu làm việc xuất sắc được thưởng hai ngàn đồng. Chu Du giơ ngón tay vào lưỡi chấm nước bọt, lại đếm năm trăm đồng đưa cho nhà thơ Triệu, bảo tiền bánh bao của Tô Muội. Hắn quên không nhớ ăn nợ bao nhiêu bánh bao trong cửa hàng điểm tâm của Tô Muội. Năm trăm đồng chắc chắn thừa, nhờ nhà thơ Triệu chuyển trả Tô Muội.
Chu Du không chia tay Tống Cương. Hắn cũng trả Tống Cương một ngàn đồng tiền lương và hai ngàn đồng tiền thưởng. Sau đó hắn ngồi trên ghế xô pha nhà Tống Cương. Bán màng trinh nhân tạo ở thị trấn Lưu thành công lớn, khiến hắn háo hức phởn phơ. Hắn tán vung thiên địa về tiền đồ tốt đẹp. Hắn bảo Tống Cương, hắn cần một người giúp việc, người đó là Tống Cương. Xét về năng lực công tác, nhà thơ Triệu mạnh hơn Tống Cương. Nhưng nhà thơ Triệu không thể tin cậy sẵn sàng phản bội hắn. Chu Du nói mười ngày sống bên nhau, hắn cảm thấy Tống Cương là một người bạn có thể đủ để tín nhiệm...
- Anh là một người như thế - Ngồi vắt chân chữ ngũ trên ghế xô pha nhà Tống Cương, hắn nói - Tôi giao tất cả tiền cho anh, đi khỏi đây một năm quay trở lại, anh cũng không tiêu mất của tôi một xu - Sau đó Chu Du cảm động nói - Tống Cương đi với tôi nhé!
Tống Cương xúc động, một viễn cảnh mới đã mở ra. Tống Cương biết mình không còn hy vọng gì ở thị trấn Lưu, đành vĩnh viễn làm một "kẻ thay thế số một". Nếu đi rong ruổi theo Chu Du, sẽ có thể lập nghiệp. Anh không biết Lâm Hồng đã bỏ ra bao nhiêu tiền chữa bệnh cho mình. Anh không biết đó là tiền của Lý Trọc. Lâm Hồng bảo tiền bố mẹ và bạn thân chị cho. Anh biết trong số bạn thân và bố mẹ Lâm Hồng không có ai giầu có. Anh nghĩ Lâm Hồng mượn tiền của người khác chữa bệnh cho mình, cứ thế kéo dài Lâm Hồng sẽ quỵ. Tống Cương đã gật đầu với Chu Du, nói một cách kiên quyết:
- Tôi đi theo anh.
Đến tối, Tống Cương trao cho vợ ba ngàn đồng kiếm được do buôn bán màng trinh. Lâm Hồng ngạc nhiên, chị không ngờ Tống Cương đi theo một người có tên Chu Du, đi đi lại lại trên đường phố, trong mười ngày đã có ba ngàn đồng. Thấy Lâm Hồng tỏ vẻ ngạc nhiên, Tống Cương ấp úng nói rất nhiều chuyện, đầu tiên anh bảo, qua điều trị nay sức khỏe anh đã đỡ hơn nhiều, lại than thở tốn tiền thuốc, sau đó lại nói một lô xích xông những lý lẽ "cây dời chỗ thì chết, người đổi chỗ thì sống", "nước chảy chỗ trũng", "người lên chỗ cao". Lâm Hồng nghe mù tịt, không biết chồng nói gì. Cuối cùng Tống Cương mới bảo Lâm Hồng, anh định theo Chu Du đi ra ngoài lập nghiệp. Anh nói cho vợ nghe tất cả những lời Chu Du đã nói với mình không thiếu một chữ. Tống Cương khẩn thiết:
- Em đồng ý cho anh đi chứ?
- Không đồng ý - Lâm Hồng lắc lắc đầu, thái độ dứt khoát, chị nói - Anh chữa bệnh đã, chữa khỏi bệnh rồi sẽ tính.
Tỏ ta rất bi ai, Tống Cương nói:
- E rằng anh chữa khỏi bệnh thì đã muộn.
- Muộn cái gì! - Lâm Hồng không hiểu.
Tống Cương lại than:
- Tiền trong nhà hoàn toàn không đủ để cho anh chữa bệnh. Bố mẹ và bạn thân em cũng đâu có nhiều tiền. Anh biết em phải đi vay mượn của người ta. Cho dù anh có chữa khỏi bệnh, chúng ta cũng không trả hết nợ.
- Anh khỏi phải lo chuyện tiền nong - Lâm Hồng hiểu ý chồng - Anh cứ chịu khó chữa bệnh là được.
Tống Cương lắc đầu im lặng. Anh biết có nói nữa Lâm Hồng cũng không đồng ý. Hai mươi năm chung sống, chỉ cần việc gì Lâm Hồng không đồng ý, Tống Cương sẽ không làm. Tống Cương không nói, Lâm Hồng cứ tưởng anh không giữ ý kiến của mình nữa. Lâm Hồng không biết Tống Cương quyết tâm dứt áo ra đi theo Chu Du rong tuổi giang hồ. Trong giờ phút ấy chị đã quên cái nết ương bướng gan lì trong tính cách của chồng. Sau khi Lâm Hồng ngủ, nằm bên chân vợ, Tống Cương trằn trọc suốt đêm. Anh lắng nghe hơi thở đều đều của vợ, vuốt ve bắp chân âm ấm của Lâm Hồng. Bao nhiêu chuyện xưa lại ập đến, nghĩ tới ngày mai phải xa vợ, anh bỗng dưng chua xót cõi lòng. Đây là lần xa nhau đầu tiên kể từ sau ngày cưới.
Sáng sớm hôm sau, khi Lâm Hồng đạp xe đi đến Xưởng dệt kim làm việc, Tống Cương đứng ở cửa, đưa mắt diễn vợ. Sau đó quay vào trong nhà, anh ngồi trước bàn, lấy giấy bút viết thư cho Lâm Hồng. Tống Cương viết hết sức ngắn gọn, trước hết anh xin vợ tha thứ thông cảm cho anh đã bỏ nhà ra đi, sau đó xin Lâm Hồng tin tưởng anh, lần này nhất định sẽ làm nên cơ nghiệp, tuy không bằng Lý Trọc, nhưng số tiền anh kiếm được cũng nhất định đủ để Lâm Hồng sống cả đời không phải lo nghĩ gì hết. Cuối cùng anh bảo vợ, anh mang theo một tấm ảnh chụp kỷ niệm và một chiếc chìa khoá cửa nhà. Bức ảnh để anh nhìn mỗi tối trước khi đi ngủ. Chiếc chìa khoá để chứng tỏ anh sẵn sàng trở về, chỉ cần kiếm được tiền anh sẽ trở về ngay.
Viết xong thư, Tống Cương đứng dậy tìm ảnh chụp kỷ niệm. Đây là tấm ảnh chụp khi vừa mua chiếc xe đạp mác Vĩnh Cửu bóng loáng thuở nào, hai người vịn xe đạp mỉm cười hạnh phúc. Cầm tấm ảnh trong tay, Tống Cương ngắm nghía lâu lắm, rồi bỏ vào túi áo trước ngực. Anh lật hòm dốc tủ tìm chiếc túi du lịch in hai chữ "Thượng Hải". Đây là di sản duy nhất kế thừa của bố Tống Phàm Bình. Anh bỏ mấy bộ quần áo bốn mùa vào túi du lịch, bỏ vào cả số thuốc chưa uống hết. Cảm thấy vẫn còn thời gian, anh bỏ quần áo vợ thay ra vào máy giặt, bắt đầu thu xếp quét dọn vệ sinh nhà cửa. Tống Cương mồ hôi mồ kê nhễ nhại, quét dọn nhà cửa, lau chùi cửa kính sạch trơn..
Trưa nay, như hai tên ăn cắp, Chu Du và Tống Cương rời khỏi thị trấn Lưu chúng tôi. Chu Du rất không hài lòng khi Tống Cương xách chiếc túi du lịch cũ kĩ. Hắn bảo đây là túi du lịch của xã hội cũ, xách nó không làm ăn được gì cả. Hắn đổ quần áo của Tống Cương vào hộp giấy, tiện tay quăng luôn chiếc túi du lịch vào thùng tác cạnh đường. Thấy Tống Cương lưu luyến nhìn chiếc túi du lịch cũ trong thùng rác, Chu Du an ủi Tống Cương. Hắn bảo sau khi đến Thượng Hải, hắn sẽ sắm cho anh một chiếc va li in chữ nước ngoài.
Sau đó Tống Cương bê hộp giấy. Chu Du xách cái túi đen to của hắn. Dưới ánh nắng chang chang, hai người cúi đầu hấp ta hấp tấp đi ra bến xe đường dài. Tống Cương không biết trong túi đen to của Chu Du có hơn mười vạn tiền mặt. Khi đến, chu Du dốc hết tiền của mình mua màng trinh nhân tạo. Trong túi hắn chỉ còn có năm đồng bạc. Hắn chơi một canh bạc đã thắng đậm, bây giờ mang hơn mười vạn đồng tiền mặt, hắn sải bước ra đi. Khi chiếc ô tô hai người ngồi đi ra khỏi bến xe, tên lừa đảo giang hồ Chu Du quay lại nói với thị trấn Lưu:
- Hẹn gặp lại sau.
Tống Cương cũng quay lại nhìn thị trấn Lưu của mình. Nhìn mấy khuôn mặt quen thuộc vun vút lướt qua phố lớn, nhìn nhà cửa và đường phố xa dần, Tống Cương cay đắng trong lòng. Anh thầm nghĩ sau mấy tiếng nữa, Lâm Hồng đạp xe về nhà, biết anh đã bỏ đi, có thể chị sẽ tức giận, cũng có thể đau khổ khóc lóc. Tống Cương thầm nói hai tiếng "xin lỗi" Lâm Hồng. Ô tô đường dài phóng nhanh, thị trấn Lưu trong mắt Tống Cương càng ngày càng xa và mất hút sau cánh đồng bao la. Tống Cương quay lại. Chu Du bên anh, ôm túi đen to của hắn đã ngủ ngáy khò khò. Tống Cương cảm thấy nước mắt mình chảy ra đang ngấm vào khẩu trang.
Hoàng hôn buông xuống, Lâm Hồng đạp xe về đến nhà. Mở cửa trông thấy nhà vô cùng gọn gàng sạch sẽ, chị tươi cười bảo sạch quá. Sau đó chị gọi chồng đi vào bếp, không nhìn thấy Tống Cương. Thường ngày vào lúc này Tống Cương đã nấu cơm. Lâm Hồng nghĩ bụng anh ấy đi đâu Chị ra khỏi nhà bếp, lúc đi qua chiếc bàn phòng khách, không nhìn thấy bức thư Tống Cương viết để trên bàn. Ra đến cửa, chị đứng bên ngoài một lúc, trên đường phố, dưới ráng chiều tà, kẻ qua người lại. Cửa hàng điểm tâm của bà Tô ở bên kia đã bật đèn. Lâm Hồng quay vào nhà xuống bếp nấu cơm. Hình như chị nghe thấy tiếng chìa khoá mở cửa. Chị cứ tưởng Tống Cương đi đâu về. Ra đứng ở cửa bếp, thấy cửa ra vào nhà vẫn không động tĩnh, chị quay vào tiếp tục nấu cơm.
Nấu cơm tối xong, chị bưng cơm canh ra bàn. Lúc này trời đã tối. Bật đèn lên, chị trông thấy trên bàn có một tờ giấy, chị không để ý, ngồi trước bàn nhìn ra cửa, chờ đợi Tống Cương. Trong lúc chờ đợi, Lâm Hồng đột nhiên cảm thấy trên tờ giấy trắng có vài dòng chữ, có phần hốt hoảng chị cầm lên, xem lướt qua một lượt mới biết Tống Cương đã ra đi. Cầm bức thư của Tống Cương, chị chạy ta cửa, hình như định lao ra bến xe đường dài đuổi cho kịp Tống Cương. Chạy trên phố lớn dưới ánh đèn đường và đèn nê ông sáng choang được hơn một trăm mét, bước chân chị chậm lại. Chị nhận ta, Tống Cương lúc này đã xa thị trấn Lưu, đã xa mình. Không biết làm thế nào, Lâm Hồng thẫn thờ, nhìn dòng người và xe cộ qua lại trên phố lớn, cúi nhìn tờ giấy trắng trên tay, chị từ từ đi về nhà.
Tối đó ngồi dưới đèn, Lâm Hồng lắc đầu, đọc đi đọc lại bức thư của Tống Cương. Nước mắt chị nhỏ rừng giọt trên tờ giấy, cho đến khi thấm nhoà hết chữ, chị mới đặt xuống. Trong lòng, Lâm Hồng không trách Tống Cương. Chị biết, anh bỏ nhà ra đi là vì mình. Chị trách bản thân không nhận ra ý chí quyết tâm ra đi của chồng. Trong những năm tháng sau này, Lâm Hồng sống một ngày tầy một năm. Ở nhà máy, luôn luôn bị Lưu xưởng trưởng quấy nhiễu. Về đến nhà thui thủi một mình vắng vẻ. Không có Tống Cương bên cạnh, Lâm Hồng lúc nào cũng cảm thấy cô độc đành phải mở vô tuyến, nghe các giọng nói, giết thời gian, nhớ thương Tống Cương, thậm chí nhớ thương cả cái khẩu trang của anh. Tối đến trước khi đi vào giấc ngủ, trong lòng Lâm Hồng đau đớn. Chị thương chồng trước khi ra đi không đem theo của nhà một đồng xu.
Lâm Hồng không nói với ai Tống Cương đi theo Chu Du, chỉ bảo anh ấy xuống miền nam làm ăn buôn bán ở Quảng Đông. Chu Du buôn bán màng trinh nhân tạo ở thị trấn Lưu, Lâm Hồng biết hắn làm ăn không nghiêm chỉnh. Chị cứ tưởng Tống Cương theo Chu Du xuống Quảng Dông vẫn buôn bán màng trinh nhân tạo. Tống Cương buôn bán thứ ấy khiến Lâm Hồng khó ăn khó nói với mọi người.
Ngày nào Lâm Hồng cũng ngóng chờ thư chồng. Trưa nào chị cũng ra phòng thường trực của nhà máy. Thấy người đưa thư vứt một bó thư tín trên bệ cửa sổ phòng thường trực, chị sốt ruột cởi ra, xem từng bức từng bức có tên mình hay không. Tống Cương không gửi thư cho chị. Một tháng sau, Tống Cương gọi điện cho chị vào buổi tối, gọi về cửa hàng điểm tâm của bà Tô. Bà Tô vội vàng chạy qua phố gõ cửa nhà Lâm Hồng. Sau đó đến lượt Lâm Hồng hấp ta hấp tấp chạy qua phố, vào cửa hàng điểm tâm cầm ống nghe. Chị đã nghe thấy tiếng chồng ở đầu dây điện thoại bên kia, Tống Cương hối hả gọi:
- Lâm Hồng, Lâm Hồng phải không?
Nghe thấy tiếng Tống Cương, Lâm Hồng đỏ hoe mắt, chị hét vào ống nói:
- Anh về đi, anh hãy về ngay đi.
Tống Cương nói ở đầu dây bên kia:
- Anh sẽ về...
- Anh hãy về ngay đi - Lâm Hồng nói tiếp.
Hai người cứ thế nói. Lâm Hồng giục Tống Cương về ngay. Tống Cương đáp anh sẽ về, không biết nói bao nhiêu lần. Ban đầu Lâm Hồng nói như ra lệnh, sau đó van xin chồng. Tống Cương trước sau vẫn nói anh sẽ về, nhất định anh sẽ về. Sau đó Tống Cương bảo bỏ điện thoại. Anh bảo đây là điện thoại đường dài, tốn tiền lắm. Lâm Hồng vẫn van xin trong điện thoại:
- Anh Tống Cương, anh hãy mau mau trở về...
Tống Cương đã bỏ điện thoại, Lâm Hồng vẫn còn nói vào ống nghe. Nghe thấy tiếng báo tắt máy, Lâm Hồng thất vọng bỏ ống nói xuống. Lúc này chị mới nghĩ đến không hỏi tình hình của Tống Cương, chỉ nói một thôi một hồi toàn những câu "trở về". Lâm Hồng đau khổ cắn chặt môi. Chị nhìn Tô Muội ngồi trong quầy hàng vẻ mặt buồn thiu. Lâm Hồng cười gượng với Tô Muội. Tô Muội cũng cười gượng với Lâm Hồng. Khi bước ra khỏi cửa hàng điểm tâm, định nói với Tô Muội một câu, nhưng không biết nói gì, chị đã cúi đầu đi ra.
Trong mấy tháng sau đó, Tô Muội cũng đau lòng hẫng hụt như Lâm Hồng. Sau khi tên lừa đảo giang hồ Chu Du không chia tay bỏ đi, bụng Tô Muội cứ to dần. Dân chúng xôn xao bàn tán, phỏng đoán kẻ nào đã làm ghềnh bụng Tô Muội. Dân chúng hoài nghi lung tung, đối tượng khả nghi càng ngày càng nhiều, cuối cùng con số lên đến một trăm linh một người. Nhà thơ Triệu cũng bị nghi. Nhà thơ Triệu là người số một trăm linh một bị hoài nghi. Nhà thơ Triệu thề có Trời, giậm chân bành bạch xuống đất, bày tỏ lòng thanh bạch của mình. Kết quả càng vạch áo cho người xem lưng, dân chúng càng nghi ngờ anh ta. Nhà thơ Triệu hết lời khuyên bảo dân chúng thị trấn Lưu chúng tôi: Tô Muội của cửa hàng điểm tâm, tuy không đẹp, nhưng người ta cũng là phú bà được công nhận, nếu làm cô ấy to bụng, anh ta còn ở trong ngôi nhà rách nát của mình làm quái gì? Nhà thơ Triệu nói:
- Tôi đã dọn đến cửa hàng điểm tâm bên kia phố làm ông chủ từ lâu.
Lúc này dân chúng thị trấn Lưu chúng tôi mới tin nhà thơ Triệu vô tội. Quần chúng tiếp tục hoài nghi quần chúng. Nhưng không một ai hoài nghi Chu Du. Chu Du là một tên lừa đảo cao tay. Hắn cùng đến thị trấn Lưu chúng tôi với hơn ba ngàn người đẹp. Những người đẹp trinh tiết đã ngủ với thành viên Ban chấm thi, ngủ với lãnh đạo Ban tổ chức, ngủ với Lý Trọc, ngủ với Lưu Tân Văn, ngủ với Thành viên Ban giám khảo, lãnh đạo Ban tổ chức, Lý Trọc và Lưu Tân Văn vân vân, cứ ngủ đi ngủ lại, ngủ kín như bưng, nhưng toàn ngủ với gái trinh lắp ráp làm phẫu thuật gắn lại màng trinh và gái trinh lắp ráp bằng linh kiện rời màng trinh nhân tạo. Chỉ có một mình Chu Du ngủ với gái trinh nguyên vẹn, khiến Tô Muội, gái trinh duy nhất trong số đàn bà thị trấn Lưu chúng tôi cũng đã trở thành gái mất trinh.
Sau khi Chu Du đi được năm tháng, bụng Tô Muội đã bắt đầu phưỡn ra. Ngày nào cô cũng ngồi trước quầy thu tiền. Nhưng cô không còn vui vẻ nói chuyện với chị em phục vụ, cũng không còn vui vẻ nói chuyện với khách hàng. Chu Du bỏ đi không một lời từ biệt, khiến cô đau khổ muốn chết. Từ đó trở đi, sắc mặt cô âm thầm ủ rũ, không bao giờ còn tươi cười. Bà Tô mẹ cô thường ngồi thẫn thờ như người mất hồn, thở dài ngao ngán, có lúc đã thầm khóc. Bà không sao hiểu nổi, tại sao số phận mình lại diễn lại trên cuộc đời con gái. Dân chúng lúc đầu còn hiếu kỳ, còn hào hứng, dần dần cũng quen đi. Dân chúng bảo bà Tô là như thế, không ai biết kẻ nào làm bụng bà to ra, chỉ biết bà đẻ ra Tô Muội. Bây giờ con gái bà, cũng bị một gã đàn ông thần bí làm phưỡn bụng. Sau mười tháng mang thai, Tô Muội cũng sinh ra một cô bé. Tô Muội đặt tên con gái là Tô Chu. Cho đến lúc này vẫn không có ai nghi ngờ tên lừa đảo giang hồ Chu Du. Bây giờ dân chúng không quan tâm đến chuyện hoài nghi, bắt đầu say sưa với công việc của nhà dự đoán. Họ táo bạo đoán trước, cô bé có tên là Tô Chu, sau này lớn khôn, cũng giống mẹ và bà ngoại, cái bụng sẽ phưỡn ra một cách thần bí cho mà xem. Dân chúng nói một cách sành sỏi:
- Đó là số phận.