Phần thứ Hai
P2.Chương 29

    
úc sắp hết giờ làm việc, Lâm Hồng biết tin chồng bị thương. Sắc mặt xám ngoét, chị hấp ta hấp tấp đạp xe về nhà. Vội vã mở cửa, chị nhìn thấy Tống Cương cong lưng nằm ghé người trên giường tối lờ mờ, mở to mắt nhìn mình im lặng. Lâm Hồng khép cửa, đi đến trước giường ngồi xuống. Chị đau đớn, đưa tay âu yếm vuốt ve mặt Tống Cương. Nhìn Lâm Hồng, Tống Cương xấu hổ nói:
- Anh bị vẹo lưng.
Ngay lúc đó Lâm Hồng đã khóc. Chị cúi xuống ôm chồng, khẽ hỏi:
- Bác sĩ bảo sao?
Lâm Hồng va vào người Tống Cương. Anh đau tê tái nhắm chặt hai mắt. Lần này anh không rên. Chờ bớt đau, anh mới mở mắt nói với vợ:
- Chưa đi bệnh viện.
- Tại sao? - Lâm Hồng hỏi một cách căng thẳng.
- Anh bị vẹo lưng - Tống Cương nói - Nằm mấy hôm sẽ khỏi.
- Không được - Lâm Hồng lắc lắc đầu - Nhất định phải đi viện.
- Hiện giờ anh không động đậy được - Tống Cương nhăn nhó đáp - Mấy hôm nữa sẽ đi.
Tống Cương nằm trên giường nửa tháng trời, mới xuống đất đi được. Lưng anh vẫn không thể ưỡn thẳng.
Tống Cương khom lưng đi theo vợ vào bệnh viện một lần, úp bốn cái giác, dán năm liều cao, tiêu mất mười mấy đồng. Xót ruột quá, Tống Cương nghĩ bụng, cứ thế này mãi, không khéo số tiền bốc vác khổ sở hơn hai tháng trời không đủ chữa vết thương. Tống Cương không đi bệnh viện nữa. Anh nghĩ đau sái lưng cũng như cảm cúm, chữa cũng khỏi, không chữa cũng khỏi.
Sau hai tháng nghỉ ở nhà, Tống Cương đã có thể ưỡn thẳng lưng. Anh lại đi tìm việc làm. Trong thời gian đó, Tống Cương suốt ngày lấy tay đỡ lưng, tập tà tập tễnh bước trên phố lớn ngõ nhỏ thị trấn Lưu chúng tôi tìm công ăn việc làm ở khắp nơi. Nhưng liệu có ai cần đến một kẻ đau lưng. Với niềm tin tràn đầy, sáng sớm Tống Cương ra khỏi nhà. Lúc chiều tối anh xuất hiện ở cửa với bộ mặt nhăn nhó. Nhìn vẻ mặt của chồng, Lâm Hồng biết ngay không có kết quả gì. Chị cố gắng động viên, an ủi anh. Chị bảo chỉ cần dè sẻn, lương của một mình em cũng nuôi sống hai vợ chồng. Đêm nằm trong chăn, Lâm Hồng lấy tay xoa nhẹ sống lưng đau của chồng, bảo anh chỉ cần em còn sống, khỏi cần lo cuộc sống sau này. Tống Cương xúc động nói:
- Anh xin lỗi em.
Lâm Hồng lúc này cũng chỉ cười gượng. Xưởng dệt kim mấy năm liền làm ăn thua lỗ, bắt đầu giảm biên chế. Con ma thuốc lá - Lưu xưởng trưởng đang có ý định gạ gẫm Lâm Hồng, mấy lần gọi chị lên phòng làm việc khép kín cửa khẽ nói với Lâm Hồng, trong danh sách hai lần giảm biên chế, đều có tên chị, nhưng ông ta đã gạch đi, sau đó cứ nhìn hau háu vào bộ ngực ngồn ngộn của chị với ánh mắt thèm thuồng. Lưu xưởng trưởng hơn năm mươi tuổi, nghiện thuốc lá đã bốn mươi năm. Hàm răng đen nhẻm, môi cũng thâm sì, hễ nhìn thấy Lâm Hồng, là nụ cười dâm đãng toe toét nở trên môi, hai túi mắt sị xuống như hai khối u.
Ngồi đối diện với ông ta, Lâm Hồng y như ngồi trên thảm gai. Chị biết tỏng những lời nói bóng gió của ông ta. Gã đàn ông này khiến chị lợm giọng buồn nôn, ngồi cách bàn, chị cũng ngửi thấy mùi hôi thuốc lá khắp người ông ta. Nhưng nghĩ đến người chồng đau lưng ở nhà đã thất nghiệp, mình không thể mất việc nốt, Lâm Hồng đành phải mỉm cười ngồi yên, thầm nghĩ chỉ mong sao có ai lập tức gõ cửa đi vào.
Lưu xưởng trưởng - vung vẩy chiếc bút máy trong tay. Ông ta bảo sẽ dùng cây bút máy này gạch tên Lâm Hồng trong danh sách - những người giảm biên chế. Thấy Lâm Hồng cười không nói gì, con ma thuốc Lưu xưởng trưởng cúi người về phía trước khe khẽ nói:
- Em cũng không nói được một tiếng cảm ơn sao?
- Cảm ơn - Lâm Hồng mỉm cười nói một tiếng.
Con ma thuốc Lưu xưởng trưởng lấn thêm một bước:
- Cảm ơn anh thế nào?
Lâm Hồng tiếp tục mỉm cười nói:
- Cảm ơn Lưu xưởng trưởng.
Lưu xưởng trưởng gõ bút máy lên bàn, nói ra một vài tên chị em công nhân có tính chất gợi ý, để khỏi bị xoá tên, các cô đã chủ động dẫn xác đến tận cửa ăn nằm với ông ta. Lâm Hồng vẫn mỉm cười. Gã hau háu nhìn Lâm Hồng, hỏi chị một lần nữa?
- Em định cám ơn anh thế nào?
- Cám ơn Lưu xưởng trưởng - Lâm Hồng vẫn nói như thế.
- Thế này nhé - Lưu xưởng trưởng bỏ chiếc bút máy trong tay xuống, đứng dậy đi vòng qua bàn nói - Cho anh ôm em một cái như ôm đứa em gái.
Thấy gã vòng qua bàn đi tới, Lâm Hồng lập tức đứng dậy đi ra cửa. Khi mở cửa, chị mỉm cười nói:
- Em không phải em gái của Lưu xưởng trưởng.
Lâm Hồng mỉm cười đi ra khỏi phòng làm việc của Lưu xưởng trưởng. Chị nghe thấy tiếng chửi đ. mẹ của gã ở đằng sau. Chị vẫn mỉm cười đi về phân xưởng của mình. Nhưng khi hết giờ làm việc, Lâm Hồng đạp xe Vĩnh Cửu cũ về nhà, nghĩ đến cặp mắt hau háu như diều hâu của Lưu xưởng trưởng và những lời nói khêu gợi, bóng gió của ông ta, nỗi tủi hổ bỗng trào dâng trong lòng chị.
Mấy lần định nói với Tống Cương chuyện này, nhưng trông thấy nét mặt nhăn nhó và dáng vẻ mệt mỏi của Tống Cương, chị lại nuốt vào. Chị thầm nghĩ, lúc này nói với chồng những điều tủi hổ của mình, chỉ là dội sương lên tuyết. Ngày lại nối ngày trôi qua, Tống Cương vẫn không tìm được việc làm. Lâm Hồng chợt nhớ đến Lý Trọc. Lúc này Lý Trọc càng ngày càng giầu nứt đố đổ vách, công nhân viên các loại dưới quyền đã vượt quá một ngàn người. Một buổi tối, sau khi lưỡng lự một lúc, Lâm Hồng nhắc nhở Tống Cương:
- Anh đi tìm Lý Trọc xem.
Tống Cương cúi đầu im lặng, thầm nghĩ ngày đó mình tuyệt tình tuyệt nghĩa cắt đứt quan hệ với Lý Trọc. Bây giờ Lý Trọc dã thành công, sẵn tiền, mình lại đến cổng cầu xin anh ta, không làm được chuyện này.
Thấy Tống Cương im lặng không nói, Lâm Hồng nói thêm một câu:
- Anh ta sẽ không bỏ rơi anh...
Lúc này Tống Cương ngẩng đầu nói một cách cứng rắn:
- Anh đã cắt đứt quan hệ với Lý Trọc.
Trong phút chốc, suýt nữa Lâm Hồng buột mồm nói ra nỗi tủi hổ của mình, nhưng chị đã nghiến răng chịu đựng, sau đó chị lắc đầu một cách bất lực, không nói gì.
Tống Cương biết mình không làm được việc nặng nhọc. Tìm không ra việc làm, anh bắt đầu suy tính làm vài việc buôn bán vặt. Anh bảo vợ, khi đi lại trên phố tìm công ăn việc làm, anh thường trông thấy một cháu gái từ nông thôn ra, rao bán ngọc lan trắng, lấy dây thép nhỏ xâu thành từng xâu hai bông năm hào. Các cô gái ở thị trấn Lưu mua đeo trước ngực, gài lên mái tóc đuôi sam, trông đẹp lắm. Nói đến đây, Tống Cương cười thèn thẹn. Anh bảo mình đã tìm hiểu rõ, những bông hoa ngọc lan trắng mua từ trong vườn ươm, bình quân giá thành mỗi bông chỉ có năm xu. Lâm Hồng ngạc nhiên nhìn Tống Cương. Chị rất khó tưởng tượng một người đàn ông cao to như Tống Cương khoác cái làn tre rao bán hoa ngọc lan trắng trên đường phố.
Tống Cương nói với vợ một cách chân thành:
- Để anh thử xem sao.
Lâm Hồng đồng ý, nghĩ bụng cứ để anh ấy thử xem. Sáng sớm hôm sau, Tống Cương khoác làn tre đi ra khỏi nhà. Trong đặt một cuộn dây thép và một cái kéo nhỏ. Tống Cương đi hơn một tiếng đồng hồ, đến vườn ươm nhà quê. Sau khi mua một số ngọc lan trắng ngậm nụ chờ nở, anh ngồi bệt giữa các loại hoa trong vườn ươm, lấy kéo cắt bỏ lá cành ngọc lan trắng, rồi dùng dây thép nhỏ xâu cẩn thận hai bông thành một xâu, sau đó xếp ngay ngắn trong làn, vẻ mặt sung sướng khoác làn tre đi trên con đường mòn nhà quê.
Trong ánh nắng, Tống Cương nheo mắt nhìn đường chân trời xa xa. Đi hơn mười phút anh cảm thấy mình đổ mồ hôi. Anh lo ánh nắng mặt trời sẽ làm héo những bông hoa ngọc lan trắng đầy đặn. Anh rẻ xuống ruộng màu bên đường, cấu mấy lá bí ngô úp lên ngọc lan trắng. Vẫn không an tâm, anh lại đến ao nước gần đó vẩy lên một ít nước, sau đó anh an tâm ra đi. Thỉnh thoảng anh cúi đầu nhìn hoa ngọc lan trắng trong làn. Chúng nấp dưới lá bí ngô. Có mấy lần anh khẽ vạch lá bí ngô nhìn hoa ngọc lan trắng, mỉm cười như nhìn đứa con trong tã lót. Tống Cương cảm thấy lâu lắm mình không vui vẻ như thế này. Đi trên con đường mòn bé nhỏ giữa cánh đồng bao la, hễ gặp ao, anh lại vay một lần nước lên hoa.
Khi Tống Cương về đến thị trấn Lưu trời đã trưa. Không kịp ăn cơm trưa, anh đứng giữa phố lớn, bắt đầu bán hoa. Anh cẩn thận cài lá bí ngô vào chung quanh làn tre. Vậy là những bông hoa ngọc lan trắng nằm trong sự bao vây của màu xanh. Tống Cương khoác làn tre đứng dưới cây ngô đồng, mỉm cười nhìn từng người đi qua. Có người để ý đến hoa ngọc lan trắng của anh trong làn, nhìn một cái lại đi. Đã có hai cô gái xem đi xem lại hoa của anh, khen những bông hoa trong nằm giữa lá xanh thật là đẹp và đáng yêu. Cơ hội đến nhưng Tống Cương vẫn chỉ cười nhìn hai cô gái. Các cô đi rồi, Tống Cương mới hối hận, đáng lẽ rao mấy tiếng. Hai cô gái rất có thể không biết anh bán.
Sau đó, một cô bé nông thôn bán ngọc lan trắng đi tới. Tay trái cô bé khoác làn tre, tay phải cô bé cầm một xâu hoa, vừa đi vừa rao:
- Ai mua ngọc lan trắng đây!
Tống Cương tay trái khoác làn tre đi theo sau cô bé. Tay phải anh cũng cầm một xâu. Cô bé đi trước rao một tiếng "ai mua ngọc lan trắng", Tống Cương ở đằng sau cũng bẽn lẽn nói một tiếng:
- Tôi cũng thế.
Cô bé nhà quê thấy cô gái trẻ đi đến, lập tức bước lên nói:
- Chị ơi, chị mua một xâu ngọc lan trắng.
Tống Cương cũng bước đến, lưỡng lự một lát, vẫn nói một câu:
- Tôi cũng thế.
Tống Cương đi theo cô bé nhà quê một nửa dãy phố, nói theo hơn mười lần "tôi cũng thế". Cô bé nhà quê cáu gắt:
- Chú đừng bám theo cháu.
Tống Cương đứng lại, bần thần nhìn cô bé. Lúc này ông Vương bán kem vác bụng ha ha cười đi tới. Ông Vương chơi bời lêu lổng cả ngày trên phố lớn, nhìn thấy Tống Cương cầm xâu hoa ngọc lan trắng trong tay không biết rao bán thế nào, chỉ biết bám đít cháu bé nói "tôi cũng thế". Ông Vương cười đau cả bụng. Ông bước tới chỉ Tống Cương nói:
- Cậu không được bám sau đít người ta...
- Tại sao không được bám theo sau? - Tống Cương hỏi.
- Tôi xuất thân từ bán kem - Ông Vương đắc ý nói - Cậu bám theo sau, người ta đã mua của người đi trước, ai thèm mua của cậu? Việc này giống như câu cá, không thể hai người cùng câu một chỗ, phải tách ra.
Tống Cương hiểu ý, gật gật đầu. Tay phải cầm xâu ngọc lan trắng, tay trái khoác làn tre, đi ngược chiều cô bé. Chợt nghĩ đến điều gì, ông Vương gọi Tống Cương:
- Con bé trông thấy cô gái gọi "chị ơi", cậu không được gọi thế, cậu phải gọi "em ơi".
Tống Cương ngần ngại rồi nói:
- Tôi gọi không nổi.
- Thế thì đừng gọi nữa - Ông Vương lau nước dãi trên mép nói - Dù sao cậu cũng không thể gọi cô gái là "chị". Cậu đã hơn ba mươi tuổi.
Tống Cương khiêm tốn gật đầu, đang định quay đi, Ông Vương lại gọi anh, móc túi lấy hai đồng đưa cho Tống Cương bảo:
- Tôi mua hai xâu.
Tống Cương nhận tiền trong tay ông Vương, đưa ra hai xâu ngọc lan trắng, mồm nói rối rít:
- Cảm ơn...
- Cậu nhớ nhé - Hai tay ông Vương nhận hai xâu ngọc lan trắng, để vào mũi ngửi nói - Vương bán kem ta là người mua ngọc lan trắng của cậu đầu tiên. Sau này nếu cậu buôn bán hoa tươi, Vương ta sẽ đến góp vốn. Ông Vương tỏ vẻ là một nhà ngân hàng đầu tư, nói với Tống Cương một cách đắc ý:
- Ta đã góp vốn buôn bán rác thải thành công, cũng có thể góp vốn buôn bán hoa tươi.
Giơ hai xâu ngọc lan trắng lên mũi lên mép, vừa ngửi vừa đi, ông hít thật mạnh. Trông dáng ông tham lam không giống thưởng thức hoa, mà như đang ăn hai que kem sữa.
Tống Cương đã biết rao bán ngọc lan trắng. Tuy giọng còn thèn thẹn, nhưng anh vẫn rao lên từng tiếng, từng tiếng. Anh biết nên đứng ở cửa hàng bán quần áo. Tại đây có đông các cô gái hơn chỗ khác. Anh không đi vào trong quấy rầy các cô đang chọn mua quần áo. Anh chịu khó chờ các cô đi ra, sau đó đưa hoa ngọc lan trắng, lễ độ và nhã nhặn, nói:
- Mời cô mua một xâu ngọc lan trắng.
Trên khuôn mặt khôi ngô của Tống Cương nở nụ cười cảm động. Các cô gái của thị trấn Lưu chúng tôi thích nụ cười tủm tỉm như thế. Cô nào cô nấy đều mua một vài cành ngọc lan. Có mấy cô biết Tống Cương, biết anh bị trẹo lưng, tỏ ra quan tâm, hỏi thăm sức khỏe của anh. Tống Cương mỉm cười trả lời, lưng đau đã khỏi hẳn, chỉ có điều không làm được việc nặng. Anh bẽn lẽn nói:
- Cho nên tôi đi bán hoa.
Khoác chiếc làn tre, Tống Cương đi khắp các cửa hàng bán quần áo của thị trấn Lưu. Anh phải đứng rất lâu ở trước mỗi cửa hàng quần áo. Mỗi khi bán được một xâu ngọc lan trắng, anh đều mỉm cười cảm ơn. Cả ngày không ăn gì, anh cũng không thấy đói. Cửa hàng quần áo này rục rịch đóng cửa, anh sang cửa hàng khác. Anh quên mất thời gian, không biết đã muộn lắm. Bóng anh chập chờn trong ánh đèn và ánh trăng. Ngọc lan trắng trong làn tre bán hết xâu này đến xâu khác. Khi chỉ còn một xâu cuối cùng, cửa hàng quần áo cuối cùng cũng sắp sửa đóng cửa, lúc Tống Cương đang quay người định đi, một cô gái mua rất nhiều quần áo, xách lỉnh kỉnh túi to gói nhỏ đi đến, nhìn thấy xâu ngọc lan trắng cuối cùng trong làn tre của Tống Cương, cô lấy ví da hỏi Tống Cương ngọc lan trắng bao nhiêu tiền?
Tống Cương cúi xuống nhìn hai bông ngọc lan trắng cuối cùng trong làn, trả lời một cách đầy vẻ xin lỗi:
- Tôi tiếc không bán.
Cô gái nhìn Tống Cương nói một cách nghi hoặc:
- Chẳng phải anh bán hoa đó sao?
- Vâng tôi bán hoa - Tống Cương ngần ngại nói - Hai bông cuối cùng này giành cho vợ tôi.
Cô gái gật đầu tỏ vẻ đã hiểu. Cô cất ví tiền đi ra. Tống Cương đi theo, nói một cách thành khẩn:
- Cô ở đâu? Ngày mai tôi đem biếu tận nơi, không lấy tiền.
- Khỏi cần - Cô gái đi thẳng không quay đầu lại.
Tống Cương về đến nhà đã hơn mười giờ đêm. Anh nhìn thấy cửa mở. Lâm Hồng đang đứng đợi cửa trong ánh đèn. Nhìn thấy Tống Cương hớn hở đi vào, chị thở phào nhẹ nhõm, sau đó trách chồng:
- Anh đi đâu? Em sốt ruột sắp chết mất.
Tống Cương tươi cười kéo tay vợ, cùng bước vào nhà. Sau khi khép cửa, không kịp ngồi xuống, Tống Cương thao thao bất tuyệt kể lại một chuyện đã diễn ra trong ngày. Đã lâu lắm Lâm Hồng không thấy chồng vui vẻ như hôm nay. Tay trái Tống Cương vẫn còn khoác chiếc làn tre, vừa nói anh vừa móc ở túi áo ra một nắm tiền lẻ. Khi đếm tiền anh vẫn còn kể mình rao bán ngọc lan trắng như thế nào. Đếm xong, anh sung sướng nói với vợ, hôm nay anh kiếm được hai mươi tư đồng năm hào. Khi trao tiền cho vợ, anh nói:
- Đáng lẽ anh kiếm được hai mươi lăm đồng, năm hào cuối cùng, anh tiếc không muốn kiếm...
Vừa nói Tống Cương vừa lấy trong làn tre ra hai bông ngọc lan trắng cuối cùng, đặt vào tay vợ, kể lại chuyện cô gái định mua, nhưng tại sao anh không bán. Anh nói với Lâm Hổng:
- Hoa này giành cho em, anh tiếc không bán.
- Nên bán đi - Lâm Hồng nói - Em cần ngọc lan trắng làm gì...
Trông thấy ngọn lửa nhiệt tình trong mắt Tống Cương vụt tắt, chị không nói tiếp. Chị lấy làn tre trên tay trái Tống Cương, bảo anh mau mau ngồi xuống ăn cơm. Lúc này Tống Cương mới cảm thấy mình đói. Anh bưng bát cơm ăn ngấu ăn nghiến. Lâm Hồng đi đến trước gương, gài hai bông hoa ngọc lan trắng lên mớ tóc đuôi sam, lại để mớ tóc đuôi sam ra trước ngực, ngồi bên cạnh Tống Cương. Chị hy vọng Tống Cương nhìn thấy ngọc lan trắng trên đuôi sam. Tống Cương không nhìn mớ tóc đuôi sam của Lâm Hồng. Anh nhìn thấy nụ cười hạnh phúc trên mặt vợ. Niềm sung sướng của anh cũng lập tức trào dâng, anh lại nói thao thao bất tuyệt kể lại một lần nữa chuyện vừa nói. Cuối cùng anh thốt lên, không ngờ công việc nhẹ nhàng như thế, lại kiếm được số tiền xấp xỉ công việc bốc vác. Lúc này Lâm Hồng giả bộ bực rức, chị đấy chồng một cái nói:
- Anh đã nhìn thấy chưa?
Cuối cùng Tống Cương đã trông thấy hai bông ngọc lan trắng trên mớ tóc đuôi sam của vợ. Hai mắt anh bừng sáng. Anh hỏi Lâm Hồng:
- Em thích chứ?
- Thích - Lâm Hồng gật gật đầu.
Đêm ấy Tống Cương ngủ một giấc ngon lành. Nghe tiếng ngáy đều đều của Tống Cương, Lâm Hồng cảm thấy lâu lắm anh không bao giờ ngủ yên như vậy. Lâm Hồng cứ thao thức mãi. Chị để ngọc lan trắng lên gối, ngửi mùi thơm của hoa, cảm động trước tình yêu và sự trung thành của chồng đối với mình. Lúc này nỗi tủi hổ do thằng cha máu gái Lưu xưởng trưởng đem lại với chị cũng không là gì hết. Sau đó Lâm Hồng lo lắng cho tiền đồ của Tống Cương. Chị cảm thấy không ai bán hoa được cả đời, hơn nữa một người cao to như Tống Cương suốt ngày xách làn tre rao bán ngọc lan trắng, đúng là một công việc mất thể diện, không hay ho gì.
Nỗi lo của Lâm Hồng đã trở thành thực tế. Chị em công nhân trong Xưởng dệt kim nhao nhao bàn tán, suốt ngày suốt buổi chê bai Tống Cương. Họ bảo chưa bao giờ thấy đàn ông bán hoa, càng không có ai cao to đẹp trai như Tống Cương lại bán hoa. Họ bêu riếu, khi Tống Cương rao bán hoa, giọng lý nhí, chẳng hề có chút nào giống đàn ông, giống như một cô bé làm nũng. Họ nói sau lưng Lâm Hồng. Trước mặt Lâm Hồng họ cũng nói, nói tới mức Lâm Hồng đỏ bừng mặt. Về nhà không chịu nổi Lâm Hồng bực dọc với Tống Cương. Chị đòi chồng đừng bán hoa nữa, đừng làm những việc mất thể diện. Tống Cương ngoan cường không chịu. Nhưng lời lãi bán hoa của anh càng ngày càng ít. Rất nhiều cô gái của thị trấn Lưu chúng tôi quen biết Tống Cương, họ không bỏ tiền ra mua, mà xòe tay xin hoa của Tống Cương. Tống Cương ngại ngùng từ chối. Anh lặn lội về tận vườn ươm nhà quê mua hoa, lại tỉa mầm xâu hai bông thành từng xâu để rồi bị các cô nẫng mất. Những chị em trong Xưởng dệt kim bôi bác Tống Cương trước mặt Lâm Hồng, nhìn thấy Tống Cương cũng không biết xấu hổ, to tiếng xin một xâu, cài lên mái tóc đuôi sam trước ngực, trông thấy Lâm Hồng còn cười khoe:
- Hoa này anh Tống Cương nhà cậu tặng mình.
Nghe nói thế, Lâm Hồng quay người đi. Chiều tối về nhà, nhìn thấy chồng, Lâm Hồng đùng đùng giận dỗi. Khép kín cửa, chị hằm hằm dằn giọng, bảo:
- Không cho anh đi bán hoa nữa.
Đối với Tống Cương, đây là một đêm dài dằng dặc. Lâm Hồng cảm thấy mệt lắm. Ăn vài miếng cơm, chị đi nằm luôn. Tống Cương cũng ăn rất ít. Anh ngồi cạnh bàn lâu lắm. Nghĩ đi nghỉ lại, anh cảm thấy rao bán ngọc lan trắng quả thật không phải là một lối thoát. Anh buồn rầu hụt hẫng, vừa có chút công ăn việc làm, bây giờ lại mất. Đêm về khuya yên ắng. Tống Cương khe khẽ nằm bên vợ, nghe tiếng vợ thở nhẹ, trong lòng anh cũng dần dần yên tĩnh. Tống Cương không biết nỗi tủi hổ Lâm Hồng phải chịu đựng ở Xưởng dệt kim, không biết ma thuốc Lưu xưởng trưởng đã động chân động tay vào vợ mình. Sáng hôm sau thức dậy, Tống Cương thấy Lâm Hồng đã xuống giường, đang đánh răng rửa mặt trong nhà vệ sinh. Anh vội vàng vuột dậy, mặc quần áo tử tế rồi đi ra. Đi đến cửa nhà vệ sinh, Lâm Hồng liếc nhìn anh một cái, mồm đầy bọt thuốc đánh răng không nói gì. Tống Cương bảo:
- Em đã không cho anh đi bán hoa.
Nói xong, lưỡng lự một lát, Tống Cương đi ra cửa. Lúc này từ nhà vệ sinh đi ra, Lâm Hồng gọi chồng, hỏi đi đâu. Tống Cương đứng lại, quay đầu bảo:
- Đi tìm việc làm.
Cầm khăn mặt trong tay, Lâm Hồng nói:
- Anh ăn cơm sáng rồi hãy đi.
- Anh không muốn ăn - Tống Cương lắc đầu, mở cửa.
- Đừng đi vội.
Nói rồi chị lấy tiền bỏ vào túi áo chồng, bảo anh ra phố mua ăn sáng. Khi ngẩng lên nhìn nụ cười trên mặt chồng, Lâm Hồng đau lòng, ái ngại cúi đầu. Tống Cương mỉm cười vỗ lưng vợ, quay người mở cửa đi ra.
Lâm Hồng đi theo ra cửa nhìn Tống Cương, cảm giác như Tống Cương sắp sửa đi xa. Lâm Hồng khẽ dặn:
- Cẩn thận anh nhé?
Tống Cương quay lại gật đầu, đi tiếp. Lâm Hồng lại gọi chồng đứng lại. Chị đột nhiên nói một cách khẩn thiết:
- Anh đi tìm Lý Trọc xem.
Tống Cương ngẩn người, sau đó lắc đầu một cách kiên quyết. Anh đáp:
- Không tìm Lý Trọc.
Lâm Hồng lại thở dài, nhìn người chồng gan lì ương bướng của mình đi ra phố lớn trong nắng sớm mai. Tống Cương bắt đầu trên con đường dài dằng dặc đi tìm việc làm mới. Trong một năm tiếp theo, Tống Cương đi sớm về muộn, kiên trì không biết mệt mỏi tìm cơ hội kiếm tiền. Khuôn mặt anh tiều tụy đi nhanh chóng. Cứ mỗi chiều tối anh lê tấm thân mệt lử về đến nhà, lặng lẽ ngồi xuống trước bàn. Lâm Hồng không dám nhìn vào mắt chồng. Chị biết anh lại một ngày trở về không. Tống Cương đầy vẻ xấu hổ, lẳng lặng ăn cơm, lẳng lặng đi ngủ. Hôm sau khi mặt trời mọc chiếu vào đánh thức anh, anh lại ra khỏi nhà với ăm ắp niềm tin. Trong năm này, Tống Cương tìm được một vài việc tạm bợ, ví dụ người gác cổng, kẻ coi kho có việc cần đi một ngày, anh làm thay một ngày, kiếm một ngày tiền công. Nhân viên bán hàng ở siêu thị, bán vé xem phim, bán vé ô tô, bán vé tầu thuỷ có việc cần đi một ngày, anh cũng khẩn trương đến nhận thay thế một hôm. Tống Cương đã trở thành người thay thế số một của thị trấn Lưu chúng tôi. Lúc nhiều nhất có tới những hơn hai mươi công việc chờ Tống Cương đến làm thay. Nhưng cả một năm ngày làm việc của anh vẫn không đầy hai tháng.
Sắc mặt Lâm Hồng càng ngày càng sầu muộn. Chị thường xuyên thở dài, có lúc đâm ra bẳn gắt. Tuy chị thở dài, chị bẳn gắt không phải vì Tống Cương, mà vì lão Lưu xưởng trường đáng ghét. Nhưng Tống Cương cứ tưởng là do anh. Về đến nhà anh thường hay cúi đầu, càng ngày càng ít nói. Tuy số tiền Tống Cương kiếm được chẳng là bao, nhưng anh trao hết cho Lâm Hồng, không giữ cho mình một xu. Đau xót nhất là khi anh đưa tiền cho vợ vài ba đồng còm cõi đến đáng thương. Đây là toàn bộ sự cố gắng của anh. Lâm Hồng lúc đó thường lắc lắc đầu, buồn rầu quay mặt đi, khẽ nói:
- Anh giữ mà tiêu.
Nghe những lời nói này, lòng Tống Cương đau như dao cắt. Sau hai năm bị trẹo lưng, cuối cùng Tống Cương đã tìm được việc làm lâu dài trong nhà máy xi măng thị trấn Lưu, một năm mười hai tháng đều có việc. Nếu anh còn muốn, có thể làm thêm cả hai ngày nghỉ cuối tuần. Trên khuôn mặt lúc nào cũng buồn buồn của Tống Cương đã trở lại tươi tỉnh. Niềm tự tin của anh ngồi trên xe đạp mác Vĩnh Cửu năm nào lại trở về trên nét mặt. Tống Cương đã tìm được việc làm, không về nhà. Anh xúc động đi đến cổng Xưởng dệt kim, chờ Lâm Hồng hết giờ làm việc từ bên trong đi ra. Sau khi chị em công nhân Xưởng dệt kim cưỡi xe đạp các kiểu mới của họ, cả xe đạp điện và xe máy ùa ra như ong vỡ tổ, Lâm Hồng đẩy chiếc xe Vĩnh Cửu cũ rích đi ra sau cùng. Khi Lâm Hồng đi ra, Tống Cương mặt đỏ tưng bừng bước tới, khẽ bảo vợ:
- Anh đã có việc làm.
Thấy vẻ mặt chồng tươi tỉnh, Lâm Hồng chua xót trong lòng. Chị nhường xe cho chồng, còn mình nhảy lên gác ba ga như trước kia, hai tay ôm eo chồng, áp má vào lưng anh. Tối nay Lâm Hồng đột nhiên phát hiện Tống Cương già khọm đi, trán và đuôi mắt bò đầy nếp nhăn, mái tóc đen dày trước đây, bây giờ đã thưa đi. Chị thương chồng mình. Nằm trên giường, chị xoa bóp lưng cho chồng rất lâu. Đêm nay hai vợ chồng ôm chặt nhau giống như đêm tân hôn. Hạnh phúc qua đi đã trở lại.
Thời gian này Tống Cương cố gắng làm việc gấp bội. Anh sợ mình lại thất nghiệp. Công việc của Tống Cương ở nhà máy xi măng không ai muốn làm. Đó là việc cho xi măng vào túi, tuy anh đeo khẩu trang, nhưng ngày nào anh cũng hít vào phổi hàng loạt bụi xi măng. Sau hai năm, phổi anh hỏng hoàn toàn. Lâm Hồng đau đớn khóc rất nhiều. Tống Cương lại thất nghiệp lần nữa. Anh không vào bệnh viện khám và điều trị. Anh sợ tốn tiền.
Tống Cương trở lại với chức danh làm người thay thế số một. Sau khi hỏng phổi, anh rất tự giác không ngủ trên giường. Anh sợ bệnh phổi của mình lây sang vợ. Anh đòi ngủ trên ghế xô pha. Lâm Hồng không đồng ý. Chị bảo Tống Cương không muốn ngủ chung với vợ trên giường, chị sẽ ngủ trên ghế xô pha. Không còn cách nào khác, Tống Cương đành phải ngủ bên chân Lâm Hồng. Thỉnh thoảng có việc cần Tống Cương đi làm thay một ngày, Tống Cương cũng đeo khẩu trang ra khỏi nhà. Anh không muốn bệnh phổi lây sang người khác. Cho dù là mùa hè oi bức, anh cũng đeo khẩu trang đi ra ngoài. Tống Cương là người duy nhất của thị trấn Lưu chúng tôi đeo khẩu trang bốn mùa. Chỉ cần trông thấy một người đeo khẩu trang đang chầm chậm đi đến, bọn trẻ choai choai của thị trấn Lưu chúng tôi đều biết người đó là ai. Chúng bảo:
- Người thay thế số một đã đến.