Phần thứ nhất
Chương 12

    
au khi Tống Phàm Bình bị đánh tơi tả khắp người, lại bị bắt đi, giam trong một nhà to giống như kho. Trong một tuần sau đó, Tống Cương và Lý Trọc không bao giờ nói chuyện. Tống Cương cũng không thể nói được.Hôm ấy Tống Cương gào khóc đến nỗi cổ họng vừa đỏ vừa sưng, nói không thành tiếng, chỉ có nước dãi chảy ra mép. Lý Trọc biết, tố giác của cậu đã làm cho Tống Phàm Bình bị tống vào nhà kho như trại giam, tối đi ngủ, cậu liền nghĩ đến cảnh tượng Tống Phàm Bình bị người ta dẫm đạp bừa trên bậc thềm, mắt Tống Phàm Bình vẫn hốt hoảng tìm cậu và Tống Cương. Trong lòng Lý Trọc đau khổ vô cùng, nhưng ngoài  mồm thì vẫn nói cứng, cậu chê mồm Tống Cương như một cái lỗ đít chỉ biết đánh rắm.
Lý Trọc bắt đầu thành người cô đơn, một mình lang thang trên phố, một mình ngồi dưới bóng cây, một mình cúi xuống sông uống nước, một mình nói chuỵện với chính mình. Cậu đứng trên phố hết nhìn, lại đợi, mong sao có đứa nào cô đơn bằng tuổi mình đi đến để làm quen, trên người cậu mồ hôi ướt rồi lại khô, khô rồi lại ướt, đập vào mắt cậu toàn là những dòng  người rầm rập và cờ đỏ diễu hành, những đứa trẻ xấp xỉ tuổi cậu, đều được mẹ chúng dắt tay đi qua trước mặt cậu hết đứa này đến đứa khác. Không ai nói chuyện với cậu, thậm chí không ai thèm nhìn cậu. Khi người đi qua sơ ý va phải cậu, vô tình khạc nhổ vào chân cậu, họ mới để ý nhìn cậu một cái. Chỉ có ba tên học sinh trung học thích cậu, hễ trông thấy cậu là bọn chúng hớn hở vẫy tay gọi cậu từ xa:
 Này, thằng lỏi, làm một chút ham muốn tính dục đi.
Bọn chúng vẫy gọi cậu, hớn hở đến với cậu. Cậu biết ngoài miệng chúng nói làm một chút ham muốn tính dục, thật ra là để bọn chúng tập rê chân, bọn chúng muốn rê cậu lăn thâm tím mặt mày, rê cậu lăn đến vãi đái hộc mũi, Lý Trọc chạy trốn thục mạng. Ba tên kia cười hô hố nói với theo:
  Này, thằng lỏi, đừng chạy, bọn tao không rê mày...
Trong mùa hè đó, để tránh ba học sinh trung học rê chân, Lý Trọc đã thường xuyên phải chạy mất bay mất biến, chạy tung cả cát bụi, chạy ngã dúi ngã dấp, chạy đến nỗi cái chân tám tuổi vừa đau vừa mỏi, chạy đến nỗi cái phổi lên tám thở như kéo bễ, chạy đến nỗi con tim tám tuổi đập thình thình loạn xạ, chạy đến nỗi cái thân tám tuổi chết đi sống lại. Sau đó Lý Trọc mệt lử, rã rời, thất tha thất thểu đi vào trong ngõ có anh Đồng thợ rèn, ông Trương máy khâu, ông  Quan mài kéo và ông  Dư nhổ răng.
Lúc này, bốn người Đồng, Trương, Quan, Dư đều đã là thợ rèn cách mạng, thợ may cách mạng, thợ mài kéo cách mạng, thợ nhổ răng cách mạng. Khi khách cầm vải đến hiệu may ông Trương, ông Trương phải hỏi thành phần giai cấp gì trước đã? Nếu là bần nông, ông Trương tươi cười đón tiếp, nếu là trung nông, ông Trương miễn cưỡng nhận vải, nếu là địa chủ, ông Trương lập tức dơ cao nắm đấm hô mấy tiếng khẩu hiệu cách mạng, khách hàng địa chủ sắc mặt xám ngoét ôm vải ra khỏi cửa hiệu, đi ra ngõ rồi, ông Trương còn đứng ngoài cửa nói với theo khách hàng địa chủ đang đi:
Tao sẽ may cho mày cái áo thọ, à quên, sai rồi, cái tấm vải bọc xác chết rách nát nhất.
Hai bố con ông Quan, thợ mài kéo giác ngộ cách mạng còn cao hơn Trương thợ may, khách bần nông không lấy tiền, khách trung nông  lấy nhiều tiền, khách địa chủ phải ôm đầu chui lủi như chuột. Hai bố con ông Quan, đứng ở ngoài cưả hiệu, dơ cao hai cái kéo mài xoèn xoẹt, hô với theo khách địa chủ đang chui lủi, ông phải thiến cu thiến dái mày, hai bố con ông Quan réo:
Tên địa chủ chết rấp kia, bố con tao sẽ cắt mày thành con mụ địa chủ không có buồi có dái.
Dư nhổ răng là một kẻ đầu cơ cách mạng, khách hàng đi đến trước mặt, ông không hỏi thành phần giai cấp, khách nằm xuống ghế mây, ông cũng không vặn hỏi thành phần giai cấp, khách há mồm để ông nhìn rõ chiếc răng sâu, ông vẫn tỉnh bơ không hỏi thành phần giai cấp. Ông sợ ngộ nhỡ một khi hỏi rõ thành phần giai cấp, sẽ tuột khỏi tay một cuộc làm ăn, mất một khoản thu nhập, nhưng không hỏi, sẽ  không phải một thầy thuốc cách mạng. Dư nhổ răng cần cách mạng cũng cần tiền, ông thò kìm vào mồm khách kẹp đúng cái răng sâu, mới hỏi to một cách đúng thời cơ:
Nói! Thành phần giai cấp gì?
Mồm khách đang vướng ngậm cái kìm, cứ a a không nghe rõ gì hết, Dư nhổ răng giả đò ghé tai xuống nghe thử, hỏi to:
Bần nông hả? Được! Tôi sẽ nhổ cho anh cái răng sâu.
Vừa dứt lời, chiếc răng sâu đã được nhổ, ông Dư liền lấy panh gắp viên bông nhét vào chỗ chảy máu trong mồm khách, bảo khách ngậm chặt răng cầm máu. Khách ngậm chặt răng,  cũng có nghĩa là bịt chặt mồm, cho dù là một địa chủ, ông Dư cũng cưỡng bức anh ta thành một bần nông. ông Dư hăm hở cầm cái răng sâu nhổ ra cho khách xem:
-  Thấy chưa? Đây là cái răng sâu của bần nông, nếu anh là địa chủ, sẽ không phải là cái răng sâu này, chắc chắn sẽ là một cái răng còn tốt khác.
Sau đó ông Dư lộ rõ bộ mặt vừa cần cách mạng vừa cần tiền, dơ tay đòi tiền:
Mao chủ tịch dạy chúng ta,cách mạng không phải mời khách ăn cơm, nhổ một cái răng cách mạng, phải trả một hào tiền  cách mạng.
Đồng thợ rèn cách mạng, chẳng bao giờ hỏi thành phần giai cấp, Đồng thợ rèn cảm thấy mình ngồi ngay đứng thẳng, kẻ thù giai cấp không dám đến hiệu thợ rèn của anh, Đồng thợ rèn vỗ ngực say sưa nói:
- Chỉ có bần nông và trung nông lớp dưới cần cù lao động mới đến đây mua liềm mua cuốc, giai cấp bóc lột địa chủ ngồi mát ăn bát vàng, không cần đến liềm cuốc.
Dòng thác cách mạng cuồn cuộn xô tới, Đồng thợ rèn, Trương thợ may, Quan thợ mài kéo, không bao lâu sau đó, đều đã làm công tác cách mạng  với khí thế hừng hực. Đồng thợ rèn để vai trần, cánh tay đeo băng đỏ cách mạng, sản phẩm anh rèn ra đã không phải là liềm cuốc, mà toàn là mũi thương của những cây thương có dây tua đỏ. Mũi thương có dây tua đỏ anh Đồng rèn ra, lập  tức đưa đến hiệu mài kéo chênh chếch trước mặt. Hai bố con ông Quan cũng lưng trần, cũng đeo băng đỏ cách mạng trên cánh tay trần, không bao giờ còn mài kéo soàn soạt, mà ngồi trên chiếc ghế lùn tìn tịt, dạng tè he hai chân, mồ hôi mồ kê nhễ nhại,  mài mũi thương sồn sột. Những mũi thương hai bố con ông Quan mài ra, lập tức đưa sang hiệu may bên cạnh. Trương thợ may tuy mặc áo may ô, cánh tay cũng để trần, cũng đeo băng đỏ cách mạng. Ông Trương không còn bao giờ may quần áo, sản phẩm ông may toàn là băng đỏ, còn có cả những sợi tua đỏ tươi, treo trên mũi thương. Đại cách mạng văn hoá đang biến thị trấn Lưu chúng tôi thành một Tỉnh Cương Sơn,thị trấn Lưu chúng tôi lúc bấy giờ đã ngợp vào không khí sôi sục ‘dưới đất cờ quạt rợp trời  trên  núi trống mõ, tù và inh ỏi’.
Ông Dư nhổ răng cũng đeo băng đỏ cách mạng trên cánh tay do Trương thợ may tặng, thấy anh Đồng, ông Quan, ông Trương tổ chức một dây chuyền sản xuất thương tua đỏ  liên hoàn với khí thế hừng hực ngút trời, còn chỗ ông Dư nhổ răng thì vắng vẻ ghẻ lạnh, trên thương tua đỏ không có răng, ông Dư không thể nhổ răng, không thể vá răng, càng không thể gắn mấy chiếc răng giả, ông Dư đành phải nằm khườn trên ghế mây chờ đợi cách mạng kêu gọi.
Lý Trọc lang thang khắp chốn, sau khi xem ba cửa hiệu Đồng, Quan, Trương chế tạo thương tua đỏ như một công binh xưởng, Lý Trọc ngáp dài đi đến  dưới cái ô che mưa vải dầu của ông Dư nhổ răng, bên cạnh không có Tống Cương, người anh em sáng tối bên nhau, Lý Trọc cô đơn và buồn chán, cậu đi đến đâu, mang theo ngáp đến đó. Ngáp cũng truyền nhiễm, trông thấy Lý Trọc ngáp lia lịa, mồm ông Dư cũng há ra ngậm vào, ngáp hết cái nọ đến cái kia.
Trước kia bàn nhổ răng của ông Dư bày toàn răng hỏng, bây giờ ông đã bày thêm một vài cái răng tốt nhổ nhầm ngày một tăng lên, ông Dư muồn chứng tỏ trước tất cả quần chúng cách mạng đi qua lập trường giai cấp rõ rệt của mình, ông bảo những cái răng này toàn là răng nhổ từ mồm kẻ thù giai cấp. Trông thấy Lý Trọc mới lên tám đi vào chiéc ô che mưa vải dầu của mình, ông Dư cũng muốn chứng tỏ lập trường giai cấp của bản thân, ông chống tay ngồi dậy trong ghế may, ông chỉ mấy cái răng tốt nhổ nhầm nói:
Đây là những cái răng còn tốt ta nhổ của kẻ thù giai cấp.
Lại chỉ vào mấy chục cái răng hỏng bày ra chào mời khách trên bàn, ông nói:
-Còn đây là những cái răng sâu ta đã nhổ cho  anh chị em giai cấp.
Lý Trọc thờ ơ, gật gật đầu, nhìn những cái răng tốt của kẻ thù giai cấp và những chiếc răng hỏng của anh chị em giai cấp bày trên bàn, cậu cảm thấy chẳng có ý nghĩa gì, ngồi xuống chiếc ghế gỗ cạnh ghế mây của  ông Dư, cậu tiếp tục há mồm ngáp. Ông Dư đã nằm chán chê cả một buổi sáng, khó khăn lắm mới đến một cậu bé Lý Trọc, thì ra cậu ta đến để thi ngáp với mình.
ông Dư ngồi dậy, nhìn cột điện bên kia phố, xoa đầu Lý Trọc nói:
Cậu không đi ôm chơi cột điện à?
Ôm rồi -  Lý Trọc – lắc đầu nói.
Đi làm cú nữa --  ông Dư nhổ răng khuyến khích.
Chẳng có ý nghĩa gì -- Lý Trọc trả lời – Cháu đã từng ôm mấy lần tất cả cột điện trong thị trấn.
Ôi chao ơi --  Ông Dư thốt lên ngạc nhiên, ông nói --  Nếu là thời xưa, cậu đã là Hoàng đế, chơi cả ba cung sáu viện, nêú là thời nay, cậu phải là tên tội phạm hiếp dâm vô độ, ngồi tù xử bắn.
Lý Trọc đang ngáp dài, vừa nghe đến “ ngồi tù xử bắn”, sửng sốt đến nỗi phải  bỏ dở cái ngáp giữa chừng, trợn mắt há hốc mồm, hỏi:
Ôm chơi cột điện cũng ngồi tù xử bắn hay sao?
Đương nhiên -- ông Dư  đổi giọng nói – Việc này phải xem xét lập trường giai cấp của cậu.
Thế nào là lập trường giai cấp? --  Lý Trọc không hiểu.
Ông Dư chỉ tay vào cây cột điện trước mặt, hỏi Lý Trọc:
Cậu coi chúng là đàn bà của kẻ thù giai cấp? Hay coi chúng là chị em cùng giai cấp?
Lý Trọc vẫn trợn mắt há mồm không hiểu, ông Dư đắc ý, mặt mày tươi tỉnh nói:
-  Nếu cậu coi cột điện là đàn bà của kẻ thù giai cấp, cậu ôm chơi nó, là cậu phê đấu nó, nếu cậu coi nó là chị em cùng giai cấp ôm chơi nó, thì cậu phải đăng ký lấy nó, không đăng ký không lấy nó, là cậu cưỡng hiếp. Cậu ôm chơi suốt lượt cột điện trong thị trấn, tức là cậu đã cưỡng hiếp toàn bộ chị em cùng  giai cấp trong thị trấn, chẳng phải ngồi tù xử bắn thì sao?
Lý Trọc nghe ông Dư nói xong, biết nỗi lo về sau “ngồi tù xử bắn” đã được loại trừ, cặp mắt trợn tròn yên tâm khép lại thành hai sợi chỉ. Ông Dư xoa đầu Lý Trọc hỏi:
Rõ chưa? Biết thế nào là lập trường giai cấp rồi chứ?
Rõ rồi! – Lý Trọc gật đầu trả lời.
Cậu coi chúng là đàn bà của kẻ thù giai cấp? Hay coi chúng là chị em cùng giai cấp?
Lý Trọc chớp chớp mắt trả lời:
- Nếu cháu coi chúng là cột điện giai cấp thì sao?
Ông Dư ngớ người một lát, sau đó phá lên cười chửi toáng lên:
-Thằng nhãi con khốn kiếp!
Lý Trọc ngồi ở chỗ ông Dư nửa tiếng đồng hồ, tiếng cười của ông Dư sang sảng, Lý Trọc vẫn cảm thấy chán, cậu đứng dạy trở lại hiệu thợ rèn của anh Đồng. Lý Trọc ngồi trên ghế băng, tựa lưng vào tường, ngả người ngoeọ đầu sang một bên, nhìn anh thợ rèn hăm hở rèn mũi thương tua đỏ, tay trái anh cầm kìm, kẹp chặt mũi thương, tay phải vung búa đập đốp đốp chát chát, tia lửa bay tung tóe trong cửa hiệu. Chiếc băng đỏ đeo trên cánh tay trái anh Đồng, cứ tụt xuống liên tục, tay trái cầm kìm, anh Đồng luôn luôn phải dơ lên, để băng đỏ tụt xuống trở về vị trí ban đầu, mũi thương đang kẹp ở kìm của anh cũng luôn luôn chọc lên trời hết lần này đến lần khác. Mồ hôi mồ kê nhễ nhại, anh Đồng vừa rèn mũi thương, vừa ngắm nghía Lý Trọc, thầm nghĩ, thằng lỏi khốn kiếp này, trước kia hễ dẫn xác đến đây là nằm sấp ôm ghế băng day đi day lại, bây giờ vừa bước vào, đã ẻo lả tựa người vẹo đầu tại chỗ, y như con gà rù ủ rũ ở góc tường. Đồng thợ rèn không nhịn nổi, cất tiếng hỏi:
Này, mày không chơi trò quan hệ trai gái với ghế băng nữa à?
Quan hệ trai gái ư? -  Lý Trọc cười khúc khích, cậu cảm thấy câu này hay quá. Sau đó cậu lắc lắc đầu, gượng cười trả lời – Hiện giờ em không có ham muốn tính dục
Anh Đồng cười hì hì, nói:
Thắng lỏi khốn kiếp liệt dương rồi.
Lý Trọc cũng cười theo mấy tiếng, hỏi anh Đồng:
Thế nào là liệt dương?
Anh Đồng bỏ búa xuống, cầm khăn vắt trên cổ lau mồ hôi trên mặt, đáp:
Kéo quần xuống, xem xem chim của mày…
Lý Trọc tụt quần nhìn chim, anh Đồng hỏi:
Có phải nũn nùn nùn không?
Lý Trọc gật đầu đáp:
Mềm như cục bột.
Thế gọi là liệt dương --  Anh Đồng vắt khăn trả lại cổ, nháy mắt bảo – Nếu con chim nhỏ của mày cứng đơ đơ như khẩu pháo thép định nhả đạn, thì đó là lên cơn ham muốn tính dục, còn mềm như cục bột, thì đó là liệt dương.
Lý Trọc “ ồ” một tiếng, cậu nói như đã phát hiện ra lục địa mới:
-Thì ra em đã bị liệt dương.
Lý Trọc lúc này đã trở thành nhân vật khá có tiếng tăm của thị trấn Lưu chúng tôi, thị trấn Lưu chúng tôi có một số quần chúng vô công rồi nghề thường xuyên lăng quăng trên đường phố, những quần chúng này, có khi dơ nắm đấm lên hô khẩu hiệu, đi theo đội ngũ tuần hành, có lúc chẳng biết làm gì, ngồi tựa vào thân cây ngô đồng ngáp ngủ liên tục. Những quần chúng vô công rồi nghề này đều biết Lý Trọc, hễ trông thấy Lý Trọc, liền tươi tỉnh, liền không nhịn nổi cười, liền í ới gọi nhau:
Thằng lỏi con ôm cột điện đến kia kìa chúng mày ơi!
Lý Trọc lúc này đã khác trước, Tống Phàm Bình bị giam trong nhà kho, họng Tống  Cương khản đặc không thể nói thành tiếng, không còn ai để nói chuyện, côi cút một mình, bụng lại đói réo ùng ục, thẫn thờ đi trên phố, cậu không hề có tí chút hào hứng đối với cột điện gỗ cạnh đường. Bọn người lang thang vẫn tỏ ra sốt  sắng, thú vị đối với Lý Trọc, chúng nhìn dòng người diễu hành đang đi như nước chảy, lấy thân  chặn cậu lại, lẳng lặng chỉ cột điện gỗ  cạnh đường, nói với cậu:
Này, thằng nhóc,  lâu lắm không mày chơi cột điện?
Lý Trọc lắc lắc đầu, trả lời giọng lanh lảnh:
Bây giờ tớ không chơi trò quan hệ trai gái với cột điện nữa.
Bọn vô công rồi nghề bịt mồm cười ngặt cười nghẽo, chúng xúm lại không cho Lý Trọc đi, chờ đội nghũ diễu hành đi qua, chặn lại hỏi:
-Tại sao không chơi trò quan hệ trai gái?
Lý Trọc táo tợn, tụt luôn quần cho bọn kia xem chim, cậu bảo:
Thấy chưa? Nhìn thấy chim của tớ chưa?
 
Một lần nữa, Lý Trọc hỏi bọn kia một cách lõi đời:
Cứng đơ đơ như khẩu pháo thép cỡ nhỏ, hay mềm nhũn như cục bột?
Bọn lang thang không biết Lý Trọc nói thế là thế nào, chúng gật đầu trả lời:
Mềm nhũn nhùn, mềm nhũ nhùn, như cục bột...
Cho nên tớ không chơi trò quan hệ trai gái. -  Lý Trọc tỏ ra tinh tướng nói.
Sau đó, y như một hiệp khách sắp sửa từ giã cõi giang hồ, cậu vung tay, đi ra khỏi đám đông, đi được vài bước, cậu quay lại, nói với bọn kia bằng chất giọng như đã từng nếm trải mọi biến cố thăng trầm:
Tớ đã liệt dương.
Bọn kia ôm bụng cười hô hố, Lý Trọc lại vênh váo, ngẩng mặt, bước đi một cách  hiên ngang, oai phong lẫm liệt, khi đi qua một cây cột điện gỗ, cậu còn tiện chân đá cột điện một cái, chứng tỏ mình đã cạn tình ráo máng với cột điện.