Chương 6
DÒNG SUỐI TÌM ĐƯỜNG

I
 Lần cuối cùng Hiển được nghe kể dứt câu chuyện lục quân khóa bảy này đúng vào một dịp Kha đi tuần đêm.  Kể dứt chuyện, Kha còn đứng bên Hiển trong khi Hiển ôn lại trong trí cả khung cảnh Phụng Minh Thôn.  Hiển nhớ nhất khoảng rừng thông phía Tây mà chàng đã băng qua ngày nào vừa tự Nga về, khu rừng có những con sóc đuôi xòe như bông lau từ trên cao nhìn xuống với đôi mắt đen tò mò một cách ngộ nghĩnh.  Hiển nhớ cả con đường mòn dưới rạng thông đưa xuống một dòng suối rộng, nước trong như pha lê và lạnh buốt, hai bên bờ là những bụi cây nhỏ hoa tím và những cây leo hoa vàng.  Tựa hồ như tâm hồn Hiển đang mở rộng... mở rộng... Ngay lúc đó Hiển chưa rõ lý do vì sao mà chàng có cảm giác vui vui như vậy, chỉ biết Hiển quên bẵng cả Kha bên cạnh và tiếp tục nghĩ về dòng suối rộng chảy dưới khu rừng thông phía Tây, dòng suối theo hướng Đông Bắc tìm đường đổ ra Dương Tử Giang... phải rồi, dòng suối tìm đường đổ ra Dương Tử Giang.
 Hiển không ngờ tình bạn của Kha đã làm ấm lòng Hiển và hình ảnh dòng suối tìm đường thoát ra sông lớn chính là uyên nguyên của hành động giã từ kháng chiến sau này.
 Bỗng sực nhớ ra điều gì, Hiển quay sang nhìn Kha chăm chú hỏi:
 - Anh cùng đơn vị với Hãng khi còn chiến đấu bên nước nhà?
 - Không!
 - Hai anh là bạn học cũ?
 - Không! (Ngừng một giây) Nhưng tôi với Hãng tuy không cùng làng mà thành như cùng làng.
 - Sao vậy?
 Kha nở một nụ cười nửa vui nửa buồn với chút ít bí mật rồi tiếp:
 - Đó là một câu chuyện khác, còn dài!
 Biết rằng Kha chưa chịu kể tiếp "câu chuyện còn dài" này, Hiển trở về chuyện Đảng mà chính Hiển thấy cần được biết rõ hơn.  Hiển nói để gợi chuyện:
 - Tôi biết lắm, Đảng độc quyền quyết định làm điều này điều nọ, nếu Đảng lầm lẫn khiến xương máu đổ oan, Đảng sẽ độc quyền tự phê bình, nhận lỗi, để rồi lại độc quyền quyết định điều khác.  Chúng ta chỉ là nguyên liệu cho Đảng dùng trong các cuộc thí nghiệm và trước sau chỉ có độc quyền cúi đầu tuân lệnh!
 Kha gật đầu:
 - Anh nói đúng, anh hẳn còn nhớ chín đồng chí về đến cầu Thanh Thủy chỉ vì còn bất mãn, ném giấy tờ hồ sơ lý lịch xuống sông mà phải quay trở lại học tập thêm ba tháng rồi có thể thành sáu tháng, hoặc rất có thể thành chín mười tháng cũng nên.  Đảng đã hối hận cho kia rồi mà, sao còn bất mãn?!
 Yên lặng khá lâu, Hiển nhớ lại chuyến sang Nga và thái độ thán phục của hai đồng chí anh hùng quân đội, thán phục đến mức bộc lộ nhiệt tình sẵn sàng hy sinh tính mạng để bảo vệ "thiên đường Sô Viết", thán phục đến mức quên mình còn cá tính, dân tộc mình còn cá tính. "Không, không thể thế được, nước Việt Nam quyết không chịu là một thứ cóc vái trời, nước Việt Nam phải là một nốt nhạc có ý thức trong bản hợp tấu của nhân loại"!  Hiển vẫn khăng khăng nghỉ vậy.  Tiếng Kha tiếp:
 - Nghĩ lại khuôn mặt làm ra vẻ hối hận của thằng chính ủy Trần B. buổi tổng kiểm thảo mà tôi thấy... buồn nôn.  Thực khôi hài như một con gấu làm trò đứng trên hai chân ôm mật làm bộ xấu hổ mà lại quên không che... hạ bộ.
 Vừa xúc động về phong trào tam phản khóa bảy, vưa cảm động về chân tình của Kha đối với mình, Hiển hỏi:
 - Thế trong phong trào tam phản anh bị hành hạ ra sao?
 - Tôi ở trong một tình trạng đặc biệt:  bố mẹ chết cả, anh em không còn một ai, tham gia cách mạng từ thời bí mật; sang tới đây tôi được hiệu bộ ủy cho trông nom tờ nội san, ngoài cái tội vô hại là trong vần thơ của tôi thường có những lời bóng bảy lãng mạn, ngoài ra tờ báo vẫn theo sát tôn chỉ Đảng, họ không thể bới ra điều gì để gán cho tôi thuộc thành phần phản cách mạng cần lên bàn mổ.
 - Vì vậy anh thoát?
 - Vì vậy tôi thoát.
 Yên lặng một giây Kha ngửa mặt hứng gió đêm rồi tiếp:
 - Hồi còn ở bên nhà, hình như có hơi ấm của dân tộc nên khi chiến đấu cho Đảng mình ngỡ cũng là chiến đấu cho dân tộc.  Sang tới đây đồng đất nước người, chứng kiến cảnh Đảng lăng nhục đồng chí, chứng kiến cảnh mấy đồng chí chết thảm thương tôi mới cảm thấy hết cái mọi rợ của lũ người cuồng tín và cái phí lý của quan niệm muốn thần thánh hóa Đảng, coi Đảng là một cái gì lớn hơn dân tộc, biệt lập hẳn với dân tộc.
 - Thế vì sao anh phải ở lại khóa Tám học với chúng tôi?
 - Vì tôi luôn luôn tỏ ra thân mật với Hãng.
 - Hãng đâu?
 - Hãng được về nước công tác rồi.
 - Chính Hãng được về nước mà anh ở lại?
 - Thoa dịu đương sự nhưng trừng phạt những ai có cảm tình nồng đượm với đương sự đó là chính sách "mâu thuẫn thống nhất" của Đảng.
 Giọng Hiển âu yếm hẳn:
 - Tại sao anh tin tôi đến mức kể hết những chuyện đó?
 Kha cười:
 - Trước hết tôi biết anh chưa được kết nạp là đảng viên thưc thụ; anh lại chỉ mặt cán bộ đảng viên mắng như vậy thì chuyện thực thụ còn lâu lắm.  Thứ nữa tôi biết xem tướng (Kha lại cười), anh không có tướng phản bạn!
 Ngừng một chút Kha tiếp:
 - Vui nhất là đúng vào dịp đó phó chính ủy Lê K. bị "nhân dân" đòi về.  Nguyên do: Bà Cát Hanh Long bị giam tại trại Liên khu Việt Bắc khoảng cây số 5 trên con đường từ Thái Nguyên đi Bắc Lạng, rồi bà bị tòa án nhân dân kế án tử hình; rồi một hôm vào bốn giờ sáng họ đưa bà vào Phúc Xuân; bà bị bắn cùng cụ cử Trần Thúc Cáp là người hồi đầu kháng chiến đã từng làm thơ với "già Hồ", đã từng được Đảng đề cao uy tính bằng cách cử làm chủ tịch hội Liên Việt Liên khu Việt Bắc.  Xử tử mẹ xong, "nhân dân" gọi đến con; phó chính ủy Lê K. phải về đúng vào dịp này.  Em ruột y là H. còn nhỏ tuổi chỉ bị có năm năm cấm cố, chính ý bị hai mươi năm khổ sai.  Mới đây lại có tin đồn y chết trong một trận oanh tạc.  Chẳng rõ có đúng?
 - Duy Hoàn và Uy còn ở đây không? - Hiển hỏi.
 - Đi rồi.
 - Đi đâu?
 - Mông Tự bên kia Lao Kay.
 - Làm gì?
 - Theo lớp huấn luyện pháo binh ở đó.  Anh còn nhớ tôi có thuật lời Uy nói với Hãng vào buổi đầu Hãng đến thăm Uy sau khi Đồng tự tử?
 Hiển nheo mắt cố nhớ lại thì Kha đã nhắc:
 - "Em không tự tử như Đồng, em phải làm một việc gì đích đáng!"
 - À phải rồi, phải rồi, tôi nhớ - Hiển vưa nói vừa gật đầu lia lịa.
 - Duy Hoàn không nói ra nhưng tôi biết là cùng tâm trạng như Uy.  Và còn biết bao tâm trạng Duy Hoàn và Uy trong đám gia nhập trung đoàn pháo binh đó.  Họ đương sửa soạn dự một chiến dịch lớn. (Tức là chiến dịch Điện Biên Phủ sau này).
 Qua đi một phút im lặng, Kha tiếp:
 - Anh hẳn nhớ Vronsky tron truyện Anna Karénine?  Vronsky đi đánh giặc thuê để tìm sự an ủi tâm hồn, nhưng Duy Hoan và Uy và nhiều khác nữa, họ không đồi bại như vậy, họ xử dụng cả cái chết của họ để đem lại ích lợi cho tổ quốc như con nhà nghèo không muốn phí phạm cái gì.
 - Thế còn Hãng được cử về nước?
 - Hãng về nhận công tác tại Bộ Tổng Tham Mưu.  Chắc lại ở cơ quan địch vận!
 - Tại sao Hãng với anh tuy không cùng làng mà như cùng làng?
 Kha cười, nụ cười thật hiền.  Anh nhìn đồng hồ tay rồi nói:
 - Khuya lắm rồi chúng ta nên đi nghỉ, chỉ còn mấy phút nữa là hết phiên tuần đêm của tôi.
 Kha giơ tay, Hiển nắm lấy ưu ái! Họ đã thật là đôi bạn thân, cảm thấu lòng nhau.  Đôi bạn giữ chặt tay nhau khá lâu, hai luồng điện thông cảm giao thoa nơi hai bàn tay đó, rồi chiếu sáng hai tâm hồn khiến họ quên ánh sao lấp lánh trên vòm trời khuya, quên hơi sương lạnh của núi rừng Phụng Minh Thôn.
II
 Tới đây xin mở một dấu ngoặc.
 Hãng, người con trai thân hình vạm vỡ, tính tình thẳng ruột ngựa đó, bắt đầu cảm thấy đường lối tráo trở của Đảng và thường cũng như tâm lý những người trước đây đã cho ai lòng tin không mặc cả, khi phảI lấy lại, càng nhìn bằng đôi mắt nghi kỵ, xét nét, xoi móc.  Có điều đôi bạn Hiển Kha không biết rằng Hãng được cử về nước một tuần thì viên chính ủy nhận được công văn bí mật tự nước nhà gửi sang cho hay cha Hãng, địa chủ bị bao vây, đã tự vẫn, hiệu bộ cần giữ Hãng ở lại khóa Tám và cho theo dõi hành vi, tư tưởng.  Trót để Hãng đi rồi, viên thiếu tướng chính ủy chỉ còn ước mong Hãng đừng về thăm nhà, mà đến thẳng Bộ Tổng Tham Mưu trình diện, nhận công tác mới.
 May thay, Hãng đã về đồn điền Thanh Ba - đồn điền Lợi Ký - và gặp Vân giữa đường.  Tới lúc đó chàng mới hay tin cha treo cổ tự vẫn, cán bộ tam cùng cho lột trần truồng ông, chỉ xác mắng là "quân trốn nợ nhân dân" trước khi cho chôn, không cả bó chiếu.
 Vân khóc lóc kể cho anh hay thêm là cả Mạnh - (chồng nàn, cựu chủ tịch huyện Thanh Ba) - cũng mất tích luôn từ ngày bị địch bắt trong chiến dịch Citron.  (Thôi làm chủ tịch huyện Thanh Ba, Mạnh được cử làm tỉnh ủy viên hoạt động tại Hải Dương).  Hãng cho Vân biết chính anh cũng bị bắt trong chiến dịch đó cùng với Mạnh.  Hai anh em không dám nhận nhau, khi cả hai bị giải tới trại giam Hải Dương thì Mạnh được tha trước.
 Vậy thì Mạnh mất tích ở đâu?
 Vân hàn huyên với anh những gì?
 Chính nàng rồi đây ra sao?
 Chỉ biết Hãng không quay lên Việt Bắc để tới trình diện tại Bộ Tổng Tham Mưu.  Vân tiễn anh một quãng đường, rồi Hãng vào thành.  Anh cần tìm gặp mẹ và em; bốn tháng trước ngày ông Phá bị bao vây bà Phán đưa Thi vào thành để điều trị bệnh lao cho nàng.  Như vậy chỉ còn Vân ở lại hậu phương kháng chiến; nàng đợi Mạnh!
III
 Nơi huấn luyện trung đoàn pháo binh không ở Phụng Minh Thôn mà ở Mông Tự - phía Lao Kay sang, nhưng chúng ta biết - Hiển được cử tới đó theo học sau khi đã qua ba tháng cơ bản về bộ binh.  Phải khéo léo lắm Kha mới xin được một công tác về nước liên lạc với Bộ Tổng Tham Mưu để rồi sẽ quay lại.  Hiển giả vờ ốm nằm quân y viện hai ngày đợi.  Đôi bạn ra đi cùng một ngày!
 Dời khỏi trường, họ bước miết trên đường ra ga xe lửa đi Khai Viễn.  Hai cặp giò khỏe mạnh là thế mà cũng run lên vì cảm động.  Khi đã ngồi bên nhau trong toa xe lửa rồi, Kha mới nói:
 - Tôi cô độc từ hai năm nay, ra đi có đôi thế này ấm cúng quá.
 Hiển bảo bạn:
 - Về nước tôi còn phải đến huyện Lập Thạch đón đứa em gái.
 Kha gật đầu:
 - Được lắm chúng ta sẽ cùng về Lập Thạch.
  Từ Phụng Minh Thôn đi Khai Viễn mất một ngày xe lửa.  Từ Khai Viễn tới Nghiên Sơn mất hai ngày đi bộ đường núi.  Đi thêm non một ngày nữa tới Si Kai, nơi đây ngọn nguồn con sông Lô là một khe suối nhỏ.  Kha ghé miệng xuống uống một ngụm rồi gục mặt rất lâu trong dòng suối, khi đứng lên nói với Hiển:
  - Hơi hướng tôi sẽ theo ngọn nguồn con sông Lô này mà về nước trước!
  Từ Si Kai đôi bạn luôn luôn dọc theo đường đỉnh núi, nhìn xuống bên dưới là Ma Li Phố, một thị trấn nhỏ; dưới nữa là dòng sông Lô càng về gần Việt Nam càng rộng lớn.  Đường lên Cổng Giời ngước trông chỉ thấy hun hút, đi từ sáng tới trưa mới tới đỉnh, nơi đây có cây đa cổ thụ hàng mấy trăm năm.  Từ Cổng Giời đi xuống, về tới cầu Thanh Thủy mất một ngày đường nữa.  Qua cầu sang biên giới quê hương rồi, đôi bạn dọc theo hữu ngạn sông Gấm qua Bác Me, Pac Van, Đại Thi.  Tới Tuyên Quang đôi bạn mới vượt sông Lô về huyện Lập Thạch.  Tới đâu, qua đâu cả hai cùng có thái độ rất đàng hoàng:  vừa là quân đội cấp chỉ huy, vừa đủ các giấy tờ!
  Một tuần qua đi, quân y viện Lập Thạch hay việc Miên theo anh biệt tích, nhưng tại Phụng Minh Thôn phải đợi ngót một tháng sau vào ngày mùng một tháng tám, ngày kỷ niệm thành lập giải phóng quân Trung Quốc, trường lục quân đương tưng bừng treo đèn kết hoa, viên thiếu tướng chính ủy mới hay tin cấp báo đôi bạn đã về vùng quốc gia.
  Thật ra tất cả câu chuyện Phụng Minih Thôn phải đợi tới khi về Hà Nội Miên mới được nghe Hiển dần dà thuật lại cho hay, thuật lại từng chi tiết nhỏ với thứ nghệ thuật kể chuyện đơn sơ mà vô cùng gợi cảm, đặc biệt của Hiển.  "Anh vẫn có tài kể chuyện!  Nếu cứ được anh kể chuyện mãi thế này, mình sẽ vĩnh viễn là trẻ thơ" - Miên luôn luôn tự nhủ thầm vậy sau mỗi lần nghe dứt một đoạn.
  Giờ đây chúng ta hãy theo dõi bộ ba Hiển, Kha, Miên từ lúc họ dời khỏi Lập Thạch tới khi họ vào được miền quốc gia.  Quãng đường tuy ngắn nhưng không phải là không có điều đáng ghi nhớ