Chương 5
MẦM SEN TRONG HOẢ NGỤC

Cuối năm 1952
Chính sách dùng nụ cười làm bình phong che những nỗi niềm thầm kín thiêng liêng của Miên đến đây đã hết hiệu nghiệm. Chính Miên cũng không sao giữ nổi nụ cười nữa. Miên thấy mình sống giữa hai lò lửa, một lò lửa bên trong là nỗi lo âu của nàng về Hiển sang Tàu, lò lửa bên ngoài là chính sách “Phóng tay phát động quần chúng nhân dân đấu tranh chống địa chủ” đã từ giai đoạn học tập trên lý thuyết rục rịch chuyển sang thực hành.
Đầu năm 1953 Việt Bắc chính thức phát động phong trào đấu tố, khởi đầu là bà Cát Hanh Long.
Kinh nghiệm cuối năm 1952 tại những điểm thí điểm đấu tố Liên khu Ba (Hà Đông, Ninh Bình, Phủ lý và cả Thanh hoá của Liên khu tư nữa) đã cho thấy Đảng hay có dấu như vậy mới “moi ra” được hết lũ “Việt gian” tay sai cho “tư bản đế quốc” gồm tụi địa chủ, cường hào và phần lớn trí thức tiểu tư sản. Vậy – vẫn theo lý luận giải thích của đảng - muốn tiếp tục cuộc chiến tranh này bắt buộc phải loại trừ “lũ chiên ghẻ” trên ra khỏi hàng ngũ kháng chiến.
Thoạt tiên tại cơ quan Miên, mọi người học tập bài của viên Tổng bí thư Đảng đăng trên báo Nhân dân:
“Cuộc kháng chiến chống Pháp ngày nay là do sức của nông dân bởi vì giai cấp nông dân cung cấp người, của cho kháng chiến nên Đảng phải thực tế đền bù lại cho giai cấp đó nhiều quyền lợi. Do đó nhiệm vụ phản đế phải đi liền với nhiệm vụ bài phong. Diệt trừ giai cấp địa chủ để phát động giai cấp nông dân là nhiệm vụ bài phong, là một quốc kế dân sinh vĩ đại.”
Bà Cát Hanh Long, địa chủ ở Thái Nguyên đã giúp cách mạng từ thời bí mật; cho tới ngày đó bà vẫn được đoàn thể đề cao như một bà mẹ điển hình của chiến sĩ, một ân nhân điển hình của kháng chiến. Giờ đây Đảng cố ý đem bà ra đấu trường làm vật hy sinh đầu tiên để chứng tỏ với giai cấp nông dân dù là địa chủ có công với kháng chiến đến mấy cũng vẫn bị Đảng nhân danh quyền lợi của nông dân mà trừng trị. Hai lần cuộc đấu phát động, hai lần thất bại vì cán bộ mủi lòng không gây được hào hứng. Nông dân đấu tranh đã không căm thù, khi ra về còn tỏ vẻ ngao ngán trách chính phủ sao quá tận tình.
Đảng Lao động cam nhận hai lần vô chính trị nhưng nhỏ khôn ngoan tránh được lỗi vô chính trị lớn là hành quyết bà Cát Hanh Long ngay lúc đó.
Một lần nữa, tại khắp các cơ quan cùng tổ chức một phong trào tổng kiểm thảo cho sáng và vững lập trường:
“Phải biết trau dồi và học tập tính quả cảm của giai cấp công nhân. Giai cấp công nhân bao giờ cũng biết đặt đúng chỗ là lòng thương nhân dân. Biết thương nhân dân tức là biết căm hờn kẻ thù của nhân dân trong đó giai cấp địa chủ là kẻ thù chính.”
Cuộc đấu tố lần thứ ba đã thành công. Trong ba tiếng đồng hồ liền, các vợ con tá điền thay nhau nhảy chồm chồm xỉa xói vào mặt bà Cát Hanh Long mà la hét chửi rủa. Thỉnh thoảng toàn thể đấu trường lại vang động tiếng hô lớn:
“Đả đảo địa chủ đại gian ác!”
“Đả đảo địa chủ ngoan cố, chó săn chó giặc!”
bà Cát Hanh Long lần lượt bị tố cáo là đã làm gián điệp cho phát xít Nhật, rồi gián điệp cho thực dân Pháp, đã giết ba tá điền, đã tư thông với một công sứ Pháp ở Thái nguyên.
“Nhân dân” đòi tuyên án tử hình. Và “nhân dân” đã được toại nguyện!
II
Sau vụ bà Cát Hanh Long, tại cơ quan dân y luôn luôn có cuộc học tập để biết… đặt lòng thương đúng chỗ. “Lòng thương đặt đúng chỗ là lòng thương nhân dân. Biết thưong nhân dân là phải biết căm hờn kẻ thù của nhân dân”. Đồng thời cơ quan cũng luôn luôn thông báo đầy đủ tin tức về những cuộc đấu tranh thắng lợi của giai cấp nông dân chống địa chủ tại đấu trường khắp nơi.
Tuy chưa được trực tiếp dự những cuộc đấu tố đó, nhưng qua những bài tường thuật trên báo “Cứu quốc”, báo “Nhân dân” và qua lời thuật của vài người được dự, trí tưởng tượng bỏng rẫy của Miên cũng đủ thấy như thực những gì đã xảy ra.
Miên như muốn ốm, chân tay rã rời. Trước đây mỗi lần có tiếng kèn tan giờ hành chính để ai nấy sửa soạn để mang bát đũa tới gian phòng ăn, Miên cũng ríu rít cười đùa cùng các chị em khác, đó là những giây phút nghỉ ngơi giải trí trong trẻo nhất trong cuộc kháng chiến hàng ngày (buổi tối đã phải khai hội kiểm thảo và học tập căm hờn rồi). Giờ đây mỗi lần nghe tiếng kèn,Miên chỉ thở dài. Thế giới nàng sống mất tình thương chỉ còn là bãi sa mạc, tâm hồn nàng chẳng còn bóng thân yêu nào để ấp ủ cũng biến thành một bãi sa mạc.
Không biết – Miên tự hỏi – đào sâu xuống… thật sâu xuống lần cát, có gặp mạch nước ngầm không nhỉ? Miên muốn tin rằng đáy sa mạc vẫn có mạch nước ngầm sạch trong và mát rượi. Không hiểu vì một liên tưởng gì Miên nhớ tới một bài học địa lý cũ nói về núi lửa trước khi phun có điềm là các dòng suối chung quanh đều khô hạn hết. Phải, sự căm hờn làm cạn hết những dòng suối trong mát của tình cảm thì phải.
Đêm nào trước khi nhắm mắt ngủ Miên cũng nghĩ đến Hiển, nhớ lại những ngày nàng tiễn anh tới bờ sông Đáy, nhớ tới vóc người cao lớn, dáng đi hùng dũng mà hiền hoà của anh ở bên kia bờ đê và nhất là nhớ tới hình ảnh anh quay lại một lần cuối cùng, thân yêu vẫy nàng.
Khu rừng lau. Trong trí tưởng tượng của Miên, Hiển đã đi vào khu rừng lau ngút ngàn đó và không bao giờ trở lại nữa, Miên tin là thế. Trời ơi, sao không là rừng mía mà lại là rừng lau?
Nhiều đêm Miên đã ứa nước mắt mà nghĩ rằng: Thà đừng bao giờ anh trở lại nữa còn hơn anh trở lại để nàng chứng kiến sự thay đổi từ nét mặt, cử chỉ đến lời ăn tiếng nói như Tài, hay như bất cứ một tên cán bộ cuồng tín nào. Chúng giống nhau như những hòn gạch, như những đồng xu.
Đã có lần Miên nấc lên khi trí tưởng tượng quá mạnh khiến nàng như có nghe thấy Hiển lên tiếng theo luận điệu của Tài khuyên nàng:
“Đảng chú ý xây đắp hạnh phúc cho nhân loại. Trong nhân loại có cha mẹ mình, anh em mình. Để bảo tồn quyền lợi của nhân loại người sáng suốt phải biết nhìn xa mà hi sinh mọi tình cảm nhỏ hẹp…”
Lại có đêm Miên nghĩ đến thoát ly khỏi thế giới này. Nghĩ để mà nghĩ thôi, Miên biết thế! Nhưng có lẽ càng biết thế Miên càng phóng trí tưởng tượng đi thật xa để thoả niềm ước ao. Nàng mơ trốn được sang phía trời Âu; nơi đây sau trận đại chiến thế giới thứ hai con người đã tỉnh ngộ, đã biết ghê tởm bàn tay vấy máu của mình. Rồi sẵn kỹ thuật cao, họ xây dựng lại sự đổ náy bên ngoài cho xứng đáng với sự giác ngộ bên trong. Miên nhớ tới một tờ báo Âu (tờ Paris Match thì phải) mà nàng đã đọc lướt tại phòng mổ bác sĩ T. bên trong có trang ảnh chụp một vườn hoa tại Luân Đôn; nằm dài trên bãi cỏ là những cặp tình nhân ôm sát nhau trong khi đó vẻ mặt những người qua lại ngay bên vẫn nghiêm trang nhìn thẳng; đó không phải là thái độ lạnh lùng mà là thái độ kẻ biết kính trọng tình yêu.
Ở tuổi Miên hiện giờ, việc nàng lưu luyến những hình ảnh của tình yêu nào có gì là lạ? Những hình ảnh trai gái ôm ấp nhau trong yêu đương đó xuất hiện trong trí tưởng tượng của Miên cao đẹp làm sao, những kẻ đạo đức nửa mùa chẳng thể hiểu nổi. Trong thâm tâm, Miên khao khát tình yêu mà đối tượng có thể là Tài. Miên có ao ước đựoc Tài đưa đến xem khu rừng lau bên Bỉnh Di trên núi Sáng. Miên không quên nàng đã nói với Hiển: Sao không là rừng mía mà lại là rừng lau?! Với những kẻ bộ hành suốt ngày đi dưới nắng hè, câu hỏi trên thật là khẩn cấp, nhưng với cặp tình nhân đương thở hút bầu không khí dịu ngọt của yêu đương thì đi vào màu xanh uyển chuyển đó là đi vào một mùa xuân bất tận, tóc Miên sẽ lẫn với tơ trời, hơi thở Miên sẽ lẫn với nắng và gió.
Mộng đẹp yêu đương của Miên còn đáng thương và chua xót hơn giấc mộng chinh phụ gặp chồng ở bến Lũng thành Quan bởi ít nhất người chinh phụ đó đã có một thời kỳ được sống thực sự với mối tình lý tưởng, còn với Miên, bạn của của nàng là Tài đã chuyển hướng. Viên chính uỷ trẻ tuổi trong cơ quan đôi khi có ý đưa đẩy câu chuyện với nàng, nhưng làm sao Miên có cảm tình được với y? Khuôn mặt sát tận xương, quầng mắt thâm, môi thâm, lợi thâm, miệng luôn ngậm đểíu thuốc lá của hãng Bắc Sơn, Miên có cảm tưởng con người y bốc ra mùi hôi ẩm của khói thuốc và nàng rùng mình. Miên có nghĩ tới Tân mà nàng được gặp trong chuyến đi chiến dịch vừa rồi. Nàng quý mến Tân như quý mến Hiển và cách Tân đối với nàng cũng như hệt người anh đối với em gái nhỏ. Tân há chẳng đã gọi nàng là “cô em gái nuôi” đó ư? Tân chẳng hề hỏi tuổi Miên để được biết rằng mặc dầu dáng nàng thon nhỏ nhưng nàng đã trên hai mươi tuổi rồi, tuổi ưng làm vợ mà chẳng ưng làm em gái.
Miên thấy thôi thế là tuổi hoa niên của nàng đành chịu thui chột vì thiếu tình yêu, điều thê thảm đối với nàng là sự thui chột đó vô phương cứu chữa, nó kéo dài một cách tuyệt vọng như con tàu va phải băng sơn, mất liên lạc với mặt biển, đương chìm dần… chìm dần… cho đến ngày mất tích hẳn dưới khối nước băng giá.
III
Việc cán bộ “tam cùng” về bắt rễ tại một làng thôn nào thường được các cán bộ khác giải thích bằng những lời mập mờ cho dân chúng khỏi sao xuyến:
- Đó là đồng chí - lời giải thích - về đây để phát động quần chúng.
Các cán bộ tam cùng đi bắt rễ đều theo nguyên tắc này: không bao giờ bắt rễ với người nghèo vì nhất thời bị rủi ro. Bần cố nông đó phải là hiện thân của một thứ ngu độn có huyến thống và ba đời không liên lạc gì với cơ quan hành chính của Pháp. Sau khi đã bắt rễ, thời gian nghiên cứu thường lâu chừng một tháng, rồi cán bộ chọn một xã làm thí điểm. Tại xã thí điểm đó, cán bộ tam cùng phát động quần chúng bằng cách triệu tập một cuộc họp toàn xã để định thành phần. Giai cấp địa chủ lập tức bị cô lập nghĩa là phải cung khai tài sản, đi đâu phải xin phép, con cháu ra vào thăm hỏi đều bị khám vì sợ chuyển của đi. Thường thì một địa chủ đã bị cô lập, bè bạn, họ hàng lánh xa họ như lánh hỉu. Chào hỏi, không ai đáp; muốn bán thứ thừa không ai mua, muốn mua thứ thiếu không ai bán. Nói một cách khác họ đã là một tên tội phạm, có điều tên tội phạm của thế giới tự do thì bị giam vào khám xây bằng gạch hoặc bằng đá để cắt đứt mọi liên lạc của hắn với thế giới bên ngoài, ở đây tội phạm bị giam vào một nhà ngục tân kỳ hơn, nhà ngục xây bằng những người đồng loại, đồng hương đã biến thành gỗ đá hoặc cố làm như gỗ đá. Không có một sự cô độc nào bi thảm và rùng rợn hơn sự cô độc này!
Vẫn tại nhà bần cố nông đó nay được dùng làm trụ sở để mọi giới trong làng trong xã hàng ngày đến học tập kể khổ. Nơi đây cán bộ tam cùng đặc biệt kích thích giai cấp bần cố nông căm thù địa chủ để chuẩn bị ngày ra đấu trường. Thành phần phú nông không được tới học tập vị không phải bạn của bần cố nông. Chiến thuật của đảng là: “Dựa vào bần cố nông, liên minh với trung nông, trung lập hoá phú nông để đàn áp địa chủ”
Miên và một số chị em trong cơ quan có được cử đi dự mấy buổi kiểm thảo địa chủ ở mấy xã gần đấy, nói là để rút kinh nghiệm. Qua mấy lần dự như vậy, Miên quan sát thấy có những người nông dân thuần tuý vẫn giữ nguyên được tâm hồn chất phác trung hậu của họ. Có lẽ chính họ đã từng bị áp bức thực, nhưng khi phải kể khổ họ nói là không biết gì cả mặc cho cán bộ mớm lời hoặc xui lên xui xuống. Quyết liệt nhất là lũ lưu manh, chúng tích cực kể xấu người trước đây đã không cho chúng vay mượn hay đã quá tinh khôn không sa vào bẫy lừa lọc của chúng. Thứ tới những chuyện thù oán giữa mẹ chồng con dâu, giữa thím chồng cháu dâu, giữa chị dâu em chồng. Họ đứng ra kể khổ ngỡ là lợi dụng được dịp may này để cướp không tài sản của nạn nhân. Sau cùng hạng thanh niên học dở dang kẻ chỉ có bằng cơ thủy (Certificat d’étude primaire franco-indigène), kẻ học thêm được một hoặc hai năm trung học. Những thanh niên này có cử chỉ cùng lời ăn tiếng nói bợ đỡ xu thời ra mặt. Họ ngỡ như vậy sẽ được đoàn thể nâng lên cán bộ liên xã, hoặc cán bộ huyện.
Lần thứ ba Miên đi dự kể khổ, nạn nhân là bà Luân, một goá phụ có hai con ra học tận Hà Nội. Bà có nuôi anh em mồ côi người làng bên. Người anh được bà lấy vợ cho khi kháng chiến anh ta vào bộ đội và bị tử thương tại mặt trậnVĩnh Yên. Thằng em tới ngày kể khổ đó mới mười ba tuổi. Nó được cán bộ cho việc canh giữ bà mẹ nuôi. Lúc kiểm thảo nó bắt mẹ nuôi phải gọi nó bằng “ông”.
Nó chỉ vào mặt bà Luân hỏi liên tiếp:
- Tại sao mày không cho tao đi học, lại bắt tao đi chăn trâu?
- Mày có nhớ mày đã từng bắt tao đứng vào đống kiến lửa?
- Mày có nhớ một lần nghi tao ăn cắp tiền, mày đã đổ nước mắm vào mũi tao?
Căm uất hiện lên vẻ mặt già nua và đau khổ, bà Luân chối, giọng bi phẫn nhưng gọn và cương quyết.
Miên nghĩ có câu hỏi giản dị nhất lẽ ra thằng con nuôi bất nhân kia phải nêu trước là: Tại sao bà Luân lại đem anh em nó về nuôi mà không để mặc kệ cho chúng chết đói hoặc tha phương cầu thực nơi đâu?
Cán bộ đã cúi đầu xuống giải thích rất lâu cho bà Luân nghe những gì Miên ngồi xa không nghe rõ, chỉ biết khi lần thứ hai thằng con nuôi lên chỉ vào mặt bà kể mấy tội trên, bà nghẹn ngào đáp gọn:
- Bẩm ông, vâng!
Chỉ có ba tiếng “Bẩm ông vâng” mà chứa chất biết bao tủi nhục đau đớn của người chợt thấy mình đã nuôi ong tay áo, nuôi rắn trong nhà.
IV
Sự buồn nản ở hiện tại và tuyệt vọng ở tương lai đã hun đúc cho Miên một trạng thái tâm lý khá kỳ dị: bình thản! Nàng bình thản đi dự kể khổ, bình thản đi dự các buổi khai hội, kiểm thảo, bình thản hay tin cụ cử Hứa đã bị cô lập. Nhnwg rồi sự bình thản cũng chỉ được đến thế; một ngày kia Miên gặp cụ cử Hứa chỉ còn xương bọc da, dáng người thì mệt mỏi, đôi mắt thì nhớn nhác lo âu. Miên thấy lòng xúc động, mặc dầu trước đây Miên không chút cảm tình với cụ. Miên hay tin thêm cụ Cử bà phải đi mò cua bắt ốc lần hồi kiếm miếng ăn hàng ngày, rồi đến ngày kể khổ khi thấy anh con trai trưởng của cụ, chủ tịch hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác-xít huyện, tung nắm tay lên trước và hô cương quyết: “đả đảo địa chủ!” thì tình cảm phẫn nộ lại trào lên chẹn lấy cổ Miên.
Một buổi sớm bác Hỷ tới, bác đặt gánh hàng xuống chào Miên và cất lời hỏi thăm như thường lệ rồi bác nói khẽ rất nhanh:
- Bà Quản bị cô lập rồi cô biết chưa?
- Miên hốt hoảng:
- Thế à, tôi chưa biết.
Bác Hỷ tiếp:
- Tối hôm kia cán bộ tam cùng đã triệu tập cuộc họp toàn thể xã để định thành phần, bà Quản bị gán là địa chủ. Tôi nói bà chỉ mang tiền của ở Sài Gòn về làm lợi cho làng chứ chẳng có làm hại gì. Tôi tự đem mình ra làm bằng chứng, nếu không được bà Quản cứu thì mẹ con tôi đã chết tự năm đói rồi.
- Thế họ trả lời ra sao? – Miên hỏi
- Họ phê bình tôi là còn tinh thần ôm chân địa chủ. Tôi không được tham dự học tập kể khổ nữa. Tội nghiệp mắt bà Quản kém đến gần như loà mất rồi cô ạ
Có người trong cơ quan ra. Bác Hỷ điềm nhiên nói lớn về việc buôn bán hồng the và hòng ngâm Hạc trì, rồi gánh hàng theo đường lên chợ, tự nhiên như mọi lần trước bác đến báo tin nhà cho Miên.
Buổi chiều, chị cán bộ nói ý cho Miên hay bà Quản bị cô lập nhưng rồi chỉ bị đem ra kiểm thảo gay gắt để uy hiếp tinh thần tên địa chủ ngoan cố Hứa còn chôn dấu của cải. Chị biết Miên có nhiều liên lạc từ thủa nhỏ với bà Quản, khuyên Miên đứng ra kể khổ, trong trường hợp này lời Miên nói có giá trị hơn cả.
Miên thùy mị đáp lại và trong thâm tâm nàng cảm thấy lời đáp của mình nhiễm tính chất bi hài:
- Chị bảo tôi kể gì bây giờ? Tôi chỉ biết kể riêng với chị là sau khi cha mẹ chết cả anh em tôi được bà Quản mang về nuôi, nhà cửa được bà Quản rào dậu cho, không một chút tơ hào.
Chị cán bộ biết không thể chuyển được lòng Miên, cười chính trị:
- Cái đó tuỳ đồng chí tôi không ép
Chiều hôm sau, sau giờ hành chính Miên cùng các bạn trong tiểu đội vào rừng kiếm củi. Lúc vác bó củi lớn ra khỏi rừng, Miên ngồi nghỉ dưới gốc một cây đa cổ thụ bên lề con đường đất đỏ. Các tá điền vẫn kể đêm đêm hổ thường tới gốc đa này và cách đây năm năm đã có một người đàn bà đi chợ sớm qua đây bị thiệt mạng.
Miên không chú ý đến chuyện hổ vồ mà chỉ lẳng lặng ngắm cây đa uy nghi mà hiền từ rồi suy nghĩ.
Buổi tối sau giờ kiểm thảo thường lệ đã gần nửa đêm, lúc Miên lên giường nằm thì trời đổ mưa lớn. Gió táp và chuyển động các kèo cột, tiếng kêu răng rắc kĩu kịt. Từng làn chớp loé sáng, từng tiếng sét thoạt xé trời rồi rền rĩ đuổi nhau theo từng đợt ra tận biên giới vũ trụ. Hình ảnh những dòng suối nhỏ tràn bờ những bụi cây được rửa sạch… Hình ảnh cây đa cổ thụ chĩu ngọn nhưng bất khuất dưới sức mạnh của gió bão. Hình ảnh dịu dàng của mấy chị bạn “quần chúng” trong cơ quan chiều chiều ra suối gánh nước về cho bạn cấp dưỡng, chị thì cắt tóc ngắn đủ che kín gáy, chị thì bím tóc trông xa như tóc frisé, chị thì để tóc dài xoã ngang vai, có chị nước da bánh mật khoẻ mạnh, có chị da như trứng gà bóc nhưng chị nào cũng cùng vẻ mặt hiền lành chất phác, thụ động, đôi khi ngơ ngác, Miên thấy mến những hình ảnh này, phải chăng vì nàng cũng chỉ là một thứ “nai vàng ngơ ngác”, những gì uất hận đều bị đè nén cho úa héo đi rồi rụngời lạ tiến vào.
   - Lạy bà ạ!
   - Ấy chết tôi không dám, ai đấy?
   - Con đây, con là Hiển.
   - Và con là Miên nữa.
   Bà Quản thoáng vẻ vui nhưng bà kiềm chế được ngay.  Bà cất tiếng nói khẽ:
   - Hiển, Miên các con đấy ư?
   Hai tiếng "các con" thốt ra ở  miệng bà khi ấy làm Miên se lòng, rõ ra là lời nói của người thèm được ban phát tình cảm và ao ước được nhận tình cảm.
   Hiển nói rất ngắn và gọn:
   - Chúng con biết là bà bị đem ra kiểm thảo trước để uy hiếp tinh thần cụ cử Hứa còn chôn dấu của cải.  Trong một địa phương người ta chỉ cần trừng trị nặng một người thôi!
   Bà Quản biết ý Hiển muốn nói người ra đấu trường sau này để lãnh án tử hình là cụ cử Hứa.
   Hiển tiếp:
   - Chúng con đến thăm bà, biếu bà lọ thuốc sốt rét có chừng hai chục viên ký ninh vàng và một số tiền nhỏ.
   Hiển khẽ cúi xuốn lanh lẹ ấn những thứ đó xuống dưới chiếu chỗ bà Quản ngồi, trong khi Miên hỏi nhỏ:
   - Thưa bà anh Tài con không về?
   Bà Quản thở dài:
   - Trông mong gì ở nó hở cô?
   - Chị Nẵng, chị Nhơn ra sao? - Vẫn lời Miên hỏi.
   - Chúng nó cũng đứt từng khúc ruột nhưng chẳng dám làm gì...
   Hiển nói:
   - Thôi chuyến này chúng con đi công tác hơi xa, chúng con đến chào bà.  Bà yên lòng, rồi mọi việc ổn thỏa.  Ngộ tết chúng con không về kịp, bà trông nom hai phần mộ giúp chúng con.
   Miên không sao cất lời chào bà Quản được nữa vì nàng thấy bà Quản chợt gục đầu lên gối, hai vai gầy rung động.
   Bà Quản khóc, trong thâm tâm bà vừa đau khổ vừa sung sướng, đau khổ vì hoàn cảnh của bà, sung sướng vì bà cảm thấy rõ trên đời không bao giờ thiếu những người tốt.  Tấm lòng vàng như mạch nước mát rợi không biết tự đâu chảy đến thấm qua khe đá chảy mãi, chảy mãi không bao giờ ngừng không bao giờ hết.
   Cuộc đến thăm chỉ lâu chừng ba phút.  Dáng đi hiên ngang của Hiển làm hai người du kích xã không chút nghi ngờ gì cả và Miên đã hiểu anh sắp đưa mình đi đâu.  Lần này đến chổ để ba lô, Miên có dịp chú ý nhiều hơn đến "anh chàng".  Đó là một chàng thanh niên trạc tuổi Hiển, khuôn mặt đăm chiêu kín đáo như cố giữ không cho thoát lộ tình cảm, như luôn luôn đượm chút nghi kỵ.  Nhưng khi anh chàng ngẩng lên nhìn thẳng về phía Miên.... chạm phải đôi mắt ấy Miên có cảm giác rờn rợn, vừa lạ lùng vừa êm ái.  Miên lại đi sát bên Hiển, để mặc anh chàng đi sau cùng.
   - Cô hiểu rồi chứ? - Hiển hỏi.
   - Em hiểu - Miên đáp - Thực em không ngờ, em sung sướng quá!
   Ra tới đầu làng Hạc Thủy, cùng trên đường đi, Hiển dẫn đầu rẽ sang bên phải theo đường bạc ruộng khu thung lũng đi lên dần tới mộ cha mẹ.
   Không khí xung quanh vắng lặng, hoang vu, Hiển cúi xuống dùng hai tay lực lưỡng nhổ cây mua hao tím trên mộ mẹ.  Miên chạy tới thửa ruộng mới cấy gần đấy, lễ mễ khiêng lại tảng đất lớn đắp lên khoảng hoắm của cây mua vừa bị nhổ bật rễ.
   Hiển nói:
   - Cũng may anh em mình đã cho xây gạch quanh một từ mấy năm trước.
   Rồi Hiển rút trong ba lô ra thẻ hương và bao diêm.  Rõ ràng chàng đã có ý sửa soạn từ trước.
   Khói hương bốc lên mỏng mảnh và âm thầm.
   Ba người tiếp tục theo đường lên núi, Miên còn ngoái cổ ngắm lại làn khói hương trên mộ cha mẹ một lần nữa như để vĩnh viễn chụp lấy vào tâm tưởng mình.  Lát sau cả ba đã tới đỉnh, đúng khoảng trước đây Miên thường leo lên để ngắm vạn vật xuất hiện dưới tia nắng đầu tiên của vừng đông hay dưới ánh nắng hấp hối của chiều tà.
   Thốt nhiên Miên quay phắt lại:
   - Hãy dừng lại anh, cho em nghỉ một chút thôi, đi một mạch lên đỉnh núi em mệt!
   Sự thực Miên không mệt.  Nàng nhìn thẳng về phía núi xa, nơi trước đây có khoảng lay động màu xanh cẩm thạch.  Màu xanh cẩm thạch không còn, nhưng vẻ dạt dào uyển chuyển vẫn như xưa.
   Miên hỏi Hiển:
   - Sao màu xanh cẩm thạch của khu rừng lau trên núi Sáng nay lại thấp thoáng chuyển  sang màu tím hoa cà hở anh?
   Tuy còn giữ nguyên vẻ vội vã, Hiển cũng đứng lại để thở, nhìn về phía khu rừng lau và suy nghĩ về câu hỏi của Miên.
   - Bây giờ đương mùa hoa lau cô ạ - "anh chàng" vừa ngồi xuống vừa nhìn thẳng về khu rừng lau vừa trả lời = hoa lau màu tím phớt, đúng như thế kia đó.
   Rồi anh chàng quay lại, không nhìn Miên ( Miên cũng không muốn anh ta nhìn mình, nàng sợ!) nhưng nhìn ngón tay út của nàng, ngón tay có đeo chiếc nhẫn saphir màu đỏ.  Anh chàng hơi nghiêng đầu chú ý ngắm, thành thử trông anh bỗng ngộ nghĩnh như con chim khuyên sắp mổ hạt thóc.  Khi anh nhìn về phía cũ - phía khu rừng lau xa - đôi mắt anh chăm chú, đôi lông mày hơi nhíu, răng bậm lấy môi dưới suy nghĩ, vẻ mặt dịu hẳn  xuống.  Miên yên lòng kín đáo theo dõi.  Sự khám phá ra "thủ phạm" lời nói đùa "nàng tiên đi dưới trăng" cộng thêm sự hiểu biết về hoa lau của chính kẻ đó càng khiến Miên muốn tò mò quan sát anh chàng kỹ hơn.  Kỳ dị thay Miên nhận thấy đặc biệt khuôn mặt trái soan của anh chàng có ánh vẻ lãng mạn của màu tím hoa lau.  Anh chàng bỗng cất tiếng ngâm hai câu lục bát, lúc đó anh như chẳng thèm biết có ai quanh mình, nội dung hai câu thơ ngẫu hứng đó có nhắc đến màu tím hoa lau:
   Tình ta thức trắng tinh cầu
   Hồn ta tím ngát một màu hoa lau.
   Giọng ngâm đắm đuối của anh tỏa ra man mác cùng gió và nắng, giọng ngâm như biến thành mũi tên êm ái, tim Miên bị thương trong vắng lặng.  Tiếng ngâm dứt, âm thanh còn vang vang, anh chàng bỗng quay sang trao đổi một vài ý kiến với Hiển.  Miên biết thêm tên anh chàng là Kha.  Khi trao đổi ý kiến, đôi mắt anh chàng hoặc chiếu thẳng vào người đối thoại hoặc chiếu thẳng vào khoảng không nhưng bao giờ cũng man mác sinh lực, đượm tính chất siêu hình, khoáy sâu vào bản thể sự vật vào hồn người.  Khi phát biểu xong ý kiến đôi môi anh thường mím lại nhưng hơi rung động như cánh bướm còn đập nhẹ khi vừa đậu vững trên hoa, vì vậy lời nói của anh tuy có vẻ cương quyết nhưng vẫn đượm chút duyên tinh nghịch.  Miên nhắm mắt ôn lại trong trí lời ngâm của anh chàng đồng thời nàng cũng thấy xuất hiện khuôn mặt trái soan ấy, lời nói đôi môi hơi rung động ấy, cái nhìn man mác sinh lực siêu hình ấy... tất cả tổng hợp lại toát ra một sức mạnh man rợ.  Sức mạnh man rợ đó thuộc tinh thần thuần túy nên có làm điên đảo đối phương - (Miên quên rằng đối phương đấy chính là nàng) - nhưng là thứ điên đảo gây kỳ thú, chứ chẳng hề gây lo âu, dằn vặt.
   - Xuống núi thôi! - Hiển nói qua tiếng thở phào làm Miên giật mình, mở choàng mắt ngẩng lên bất chợt anh chàng đang chăm chú nhìn chiếc nhẫn saphir ở ngón út của nàng, dường như chiếc nhẫn saphir có gợi lên trong tâm tưởng anh một kỷ niệm, một thắc mắc nào.  Miên không hiểu anh chàng ngắm nhẫn saphir (và cũng là ngắm nàng vào lúc nhắm mắt) như thế đã bao lâu.
   Miên sực nhớ ra điều gì, nang hỏi:
   - Anh Kha có quen anh bạn nào tên là Tân không nhỉ?
   Đôi mắt Kha chiếu thẳng vào đôi mắt nàng suy nghĩ một giây rồi gật đầu lia lịa:
   - Có, có, tôi gặp Tân ở đồn điền Lợi ký và chia tay ở bờ sông Hồng!
   - Thôi đúng là anh Tân ấy rồi - Miên thốt, không dấu được vẽ vui mừng - tôi gặp anh Tân ở một đơn vị hậu cần quân y cách đây ngót hai năm...
   - Phải, Tân học quân y - Kha nói - dạo đó Tân rủ tôi học Thuốc mà.
   Miên mỉm cười, nàng còn nhớ lời Tân kể chính Kha rủ Tân học thuốc rồi bỏ rơi câu chuyện đi biệt tích phương nào.  Nàng hỏi giọng tính nghịch:
   - Anh Tân rủ anh hay chính anh rủ anh Tân?
   Đáp câu hỏi nhiễm vẻ riễu cợt của Miên, Kha đáp lại thực thà:
   - Tôi không nhớ rõ tôi rủ Tân hay Tân rủ tôi nữa.
   Nhưng Miên không chú ý đến lời Kha đáp, nàng cúi nhìn chính bàn tay của nàng đương vân vê một lá cỏ, nàng nhớ lại câu người xưa thường nói "hữu duyên thiên lý năng tương ngộ".  Nàng bỗng thấy cuộc đời đáng sống và rất dễ thở, hầu như càng chịu nhiều đau khổ hạnh phúc càng trong sáng, trong sáng đến thành muốn yêu... đau khổ!
   - Đi ngay thôi chứ cô Miên? - Chính Kha nhắc nàng.
   - Vâng đi! Miên vừa đứng dậy vừa đáp.
   Kha né mình nhường lối cho nàng đi và chàng vẫn đi sau cùng.