Chương 7
HAI LẦN SANG SÔNG

I
Tình ta thức trẳng tinh cầu
Hồn ta tím ngát một màu hoa lau.
Giọng ngâm đắm đuối của Kha tỏa ra man mác cùng nắng và gió trên đỉnh núi đầu làng Thạch Trục đã biến thành mủi tên êm ái mà Miên là… con chim bị thương. Hiển luôn luôn cắn môi, nhíu lông mày, theo dõi điều gì thăm thẳm trong tâm tư. Ba người dời khỏi Lập Thạch sang địa phận huyện Học trì, họ dự định vào thành bằng ngả Sơn Tây. Đi về ngả này xa hơn về ngả Vĩnh yên rất nhiều nhưng theo tin tức truyền qua cửa miệng dân chúng thì địch đương mở cuộc hành quân lớn quanh Vĩnh Yên, họ cần tránh tên bay đạn lạc! Họ dự định vào nửa đêm hôm đó sẽ lẩn vào với dân chúng qua Ngã ba Hạc sang vùng quốc gia.
Cả ba vào ngồi một quán nước khuất dưới cây đa um tùm. Qua những mẩu chuyện dân chúng trao đổi, ba người được biết đồn binh địch tại Việt trì lại mới được biết đồn binh địch tại Việt trì lại mới được tăng cường. Mấy ngày nay, chiều nào trọng pháo cũng trõ sang vùng kháng chiến mà khạc đạn và suốt mười cây số đê trên và dưới Việt trì, các đội lê dương dồn dập tuần tiễu đêm ngày tựa như sắp có trận đánh lớn. Nhưng đó cũng có thể chỉ là nghi binh – vẫn dư luận dân chúng – vì dạo này địch hay dương Đông kích Tây lắm.
Vẫn theo lời dân chúng thì cửa ngõ giao thông giữa hai khu quốc gia và kháng chiến đã chuyển lên Ngã ba Lời phía trên Hạc trì chừng mười hai cây số vừa đường đê vừa đường nhựa: nhu cầu giao thông giữa hai miền khẩn bách như sức cây đang lớn, chặt cành này chồi đâm ở cành khác.
Hiển khẽ đưa mắt, cả ba cùng đứng dậy. Họ cần vượt ngay mười hai cây số để còn kịp lợi dụng ánh sáng buổi chiều mà quan sát quãng sông sẽ sang ngang đêm nay. Hai người đàn ông đi trước, Miên dẻo bước theo sau. Đi suốt năm cây số đường đê, nhìn bãi ngô mênh mông bên trái, những làng mạc với lũy tre xanh rờn bên phải, Kha mới sực nhớ đã có qua đây vào năm đầu kháng chiến khi trung đoàn Thủ đô vừa rút khỏi Thành. Chàng nói với Hiển:
-Khoảng quê hương lâu đời nhất của dân tộc hẳn là vùng này. Hồi mới kháng chiến, vào dịp đầu xuân tôi qua đây còn thấy dân chúng giồng cây đu chơi xuân. Đến nay tuy không phải mùa xuân và đầu có gặp mùa xuân chắc chắn cũng chẳng còn cảnh giồng cây đu, nhưng xem ý dân chúng cò thuần phác không đượm về kinh hoàng hay nghi kỵ như những vùng bên trong chúng ta đã đi qua.
-Đây sát vùng tế - Miên góp lời – nếu cũng đấu tố như ở Tuyên quang, Thái nguyên và phía trong Vĩnh yên, Phú thọ, dân chúng sang sông hết thì xong.
Cùng lúc đó có tiếng hò trên sông vẳng lại:
Ơ này hò ơ…
Sông Thao nước đỏ người đen,
Ai lên phố Ẻn thì quên đường về.
Hiển nói:
-Đã lâu lắm tới đây tôi mới được gặp lời ca thật của dân tộc, không bị nhuộm “màu và mùi” tuyên truyền.
Kha giọng mỉa mai hơn:
-Tôi tởm tuyên truyền! Đã lâu lắm tôi mới lại được nghe tiếng “người” hát.
Kha lơ đãng quay sang bên Miên, Miên thấy tia nhìn của “anh chàng” có chiều âu yếm và dịu đi nhiều. Một chiếc thuyền rẽ sóng, lướt theo bờ rồi ghé vào bến vắng, một cô gái mặc áo nâu non, đầu chít khăn mỏ quạ,t ay cầm nón, từ khoảng lau bên bến nhô ra, lên thuyền, con thuyền ngược dòng một quãng rồi sang ngang. Hiển và Kha miết mải đi. Miên rảo bước theo nhưng vẫn không quên nhìn theo con thuyền khi đó chỉ còn nhỏ tắp như chiếc lá rụng. Miên có cảm tưởng nàng vừa ra đây để tiễn một cô bạn cùng làng lấy chồng ở bên kia sông.
Cả ba tới bến Lời vào lúc mặt trời vừa lặn. Một vài ánh nắng tàn còn rớt trên các ngọn cây đây đó. Trời sâu thăm thẳm. Những tiếng động tự trong các thôn xóm vẳng ra hòa với tiếng sóng vỗ vào bờ và tiếng chim ríu rít về tổ thành một bản nhạc chiều muôn thuở êm như ca dao.
Bến Lời còn vắng thuyền, vắng người. Trai gái tự trong thôn theo nhau ra tắm ở khoảng có ghềnh đá đỏ ven bờ. Kha thốt lời nói:
-Da cô nào cũng đỏ hồng như dòng sông, đôi mắt đến là tinh nghịch, cô nào cũng đẹp như công chúa Tiên Dung chẳng cần phải lên đến phố Ẻn mới quên đường về. Kìa, đàn ông thì vị nào cũng tắm kiểu… Chử Đồng Tử!
Thấy Hiển chỉ tủm tỉm cười, Kha sực nhớ còn Miên đứng phía sau, vội nói lảng:
-Ba sinh hương lửa, ha! Chúng mình thật là ba sinh hương lửa!
Hiển và Miên ngơ ngác, Kha giải thích thêm:
-Này nhé! Hết Pháp thuộc đến Nhật thuộc rồi đến Việt minh thuộc, thế chẳng là ba sinh hương lửa sao?
-Ồ nhỉ đúng! – Hiển vừa đáp dứt lời thì Kha đã vì một liên tưởng nào đó cất tiếng ngâm:
Ba sinh đã phỉ mười nguyền
Duyên đôi lứa cũng là duyên bạn bầy.
Hiển giơ tay chỉ về phía xa:
-Dưới đê đằng kia có cái quán, tốt hơn hết chúng ta nên lại đó nghỉ, đợi đến nửa đêm.
Ba người theo đường mòn men xuống vệ đê. Kha lại cất tiếng ngâm:
Ngẫm hay muôn sự tại trời
Trời kia đã bắt làm người có thân,
Bắt phong trần phải phong trần,
Cho thanh cao mới được phần thanh cao.
Giọng ngâm của Kha tuyệt hay, Miên thấy rùng mình với gió chiều. Miên nhận thấy khi ngâm thơ Kha coi như không có ai quanh chàng cả. “Con người này phải nhiều đam mê lắm”, Miên nghĩ thầm thế.
Cả ba đã tới quán ăn.
II
Quán tranh thấp nhưng có vẻ ấm cúng. Trong cùng kê hai giường tre cho khách trọ ngả lưng, giữa nhà kê bốn bàn gỗ, mỗi bàn gỗ có bốn ghế đầu gợi hình ảnh một mẹ bốn con, ngoài cùng là quầy hàng có bày các thức ăn. Đậu, thịt kho bày trên đĩa; xu hào hành, tỏi, giò heo, thịt bò… treo lủng lẳng trên móc. Trong quán, ngồi bên chiếc bàn gỗ mộc ở bên phải phía ngoài là một thanh niên dáng người quắc thước, trán rộng, mắt sáng, nước da trắng hồng. Căn cứ vào cách ăn mặc – quần si-mi-li xám, áo lót mình kẻ vuông – người đó muốn chừng mới ở “bên kia” sang thì phải.
Hiển đương định tìm cách làm quen thì chàng thanh niên đã tiến tới hỏi ba người:
-Tôi xin lỗi hỏi thi không phải, các đồng chí là bộ đội cả thì phải?
Hiển đáp:
-Vâng, chúng tôi cùng trong bộ đội cả. Còn đồng chí mới tự trong Thành ra?
Chàng thanh niên nhìn Hiển Kha bằng con mắt thán phục và thèm muốn rồi mới đáp:
-Đúng ạ. Kể ra thì tôi bắt được liên lạc ngoài này đã từ ba tháng rồi, nay mới thoát được. Đồng chí dẫn tôi còn đi lấy giấy tờ, chắc chỉ sớm mai lại trở lại đây.
Kha hỏi:
-Tình hình bên đó ra sao?
-Bỉ ổi! – Chàng thanh niên đáp gọn như một tiếng nổ công phẫn, tựa hồ đã từ lâu chàng chỉ đợi hỏi thế để đáp thế.
-Tinh thần dân ta ra sao? – Kha hỏi tiếp.
-Tinh thần dân ta thì ở đâu cũng một lòng lo lắng đến tương lai tổ quốc, nhưng thối nát ở tụi cầm quyền. Biết rằng có thể gọi chúng là “tụi cầm quyền” được không, vì sự thực chúng làm gì có quyền! Chúng tuyên bố ầm ĩ là Pháp đã trả độc lập cho Việt Nam, kỳ thực bao quyền hành chính vẫn gọn thon lỏn trong thực dân. Nhất là về kinh tế lại càng bi thảm. Các đồng chí hãy tưởng tượng vào thành phố Hà nội, chao ôi, lớn từ chiếc xe ô to, nhỏ đến chiếc đinh đóng guốc đều là hàng ngoại hóa. Các đồng chí hãy tưởng tượng vào một công sở, thôi thì bóng đèn nê-ông sáng xanh, máy chữ, cặp giấy, cặp sách, bút mực, bút chì… thầy đều nhập cảng tự ngoại quốc. Mình nhìn thấy thì đau lòng, trong khi lũ cao cấp, chúng đua nhau nịnh hót quan thầy, chúng biết chỉ là nhục, chúng, lũ không óc!
Miên rụt rè hỏi:
-Nghe nói phụ nữ Hà nội tiến lắm phải không ạ?
-Chà như đầm! – Chàng thanh niên vừa thở phào, vừa mỉm cười đáp – Tôi không phản đối việc Âu hóa của họ, điều đáng buồn là họ chỉ Âu hóa được cái hình thức. Chẳng riêng gì phụ nữ, các giới khác cũng vậy, họ như những chai dò đáy, bên ngoài dán nhãn hiệu Tây phương bên trong rượu nồng của ông cha đã chảy hết, chỉ còn chai rỗng.
Kha chợt hỏi:
-Thế còn văn chương nghệ thuật?
Người thanh niên cười rũ:
-Cơ quan liên lạc đưa những người tự thành vào hậu phương thiết lập ngay dưới mũi địch là một làng tại Gia lâm. Trước khi từ giã Hà nội, tôi ra ngắm hồ Gươm một lần nữa. Máy phóng thanh khoảng gần nhà Khai Trí Tiến Đức ông ổng một bài nhịp slow ảo não nhưng lời ca toàn những: “ra đi, chiến đấu, quyết diệt thù…” Quân thù nào? Quân thù là lũ thực dân ở ngay trước mắt chứ còn ai nữa.
Người thanh niên cúi đầu, ngón tay trỏ gãi trán, dáng điệu càng khôi hài, tiếp:
-Cùng lúc với bài slow “Quyết diệt quân thù” hòa điệu với hình ảnh bác xích lô ghếch xe ven đường rồi tiến tới một gốc cây lớn, vén quần, hơi khuỵu hai đầu gối tè!
Chàng thanh niên lại cười rũ một hồi, rồi mới tiếp:
-Tôi phải xin lỗi nữ đồng chí đây vì tôi không thể thuật lại sự thực đó một cách thanh nhã hơn, nhưng âm thanh slow với lời ca “quyết diệt quân thù” hòa điệu với hình ảnh bác xích lô khuỵu hai đầu gối tiểu tiện dưới gốc cây, quả thực đã tượng trưng trọn vẹn cho hiện tình văn nghệ Hà nội dưới danh nghĩa một nền độc lập giả hiệu.
Sự thất vọng mênh mông tràn vào tâm hồn ba người nghe chuyện cùng một nhịp với bóng tối tràn tới mênh mông ngập cả cánh đồng, làng mạc, dòng sông… Người chủ quán đương lăng xăng đi tìm diêm thấp đèn.
-Trước khi vào đây, đồng chí làm gì ở Hà nội? – Chỉ nghe thấy Kha hỏi, khuôn mặt anh chìm trong bóng tối.
-Tôi chưa làm gì cả. Tôi sang Pháp học từ năm 1949 năm ngoái tôi đã đỗ một phần tiến sĩ Luật về kinh tế. Tôi bỏ dở việc học về nước những mong giúp chính phủ mới giành được độc lập. Về tới nơi thấy cảnh tượng như vậy tôi bèn… “trùm chăn”, rồi bắt được liên lạc với ngoài này, rồi hôm nay đến đây để chờ giấy giới thiệu lên Việt Bắc. Cha mẹ tôi đều còn sống và ở Hà nội cả.
Ánh đèn dầu tây nhuộm vàng hoe cả căn nhà trọ. Bên ngoài, trời đen kịt không còn nhận đâu là đường ra sông, đâu là cánh đồng. Vẻ mặt chàng thanh niên lộ vẻ nhẹ nhõm sau khi tố cáo những thối nát ở vùng quốc gia. Chủ quán lách cách sửa soạn dọn cơm, người thanh niên trí thức xin rút lui trở lại bàn cũ ngồi.
Kha thở dài nói khẽ đủ để ba người nghe thôi:
-Anh bạn tưởng đương đi vào tương lai, chúng mình sắp mất hiện tại mà tương lại thì chưa có!
Rồi cả ba cũng gọi cơm ăn.
Quán đã bắt đầu tấp nập, kể từ bến Lời tới, người từ các thôn xóm ra. Bến quan ải đã mở cửa, giờ giao thông bắt đầu. Cơm nước xong chàng thanh niên tới mắc áo thò tay vào túi blouson lấy ra bao cotab mang lại mời Kha và Hiển rồi trở về bàn. Quán đông người quá rồi, câu chuyện tương đối đã đủ nên đôi bên cùng không muốn gọi chuyện thêm nữa mặc dầu cảm tình với nhau có lai láng.
Hiển và Kha khuyên Miên nên ra giường ngả lưng nằm nghỉ lấy sức để khoảng nửa đêm còn sang sông, sau đó hai chàng lững thững lên đê nghe ngóng tình hình.
Dòng sông đen ngòm, đôi bờ bí hiểm, ánh đèn của những con thuyền đây đó phản chiếu xuống dòng nước thành những ánh vàng leo lét càng làm tăng vẻ hiu quạnh của cảnh sông nước. Tiếng người ồn ào vẳng từ dưới bên, bốc hỏa lên, rồi mất hút ngay trên vòm cao mà bóng tối tựa như trong suốt.
-Lịch sử có định mệnh của nó – tiếng Hiển – cuộc kháng chiến toàn quốc xảy ra vào năm 1946, giả sử nó có chậm đi vài năm thì rồi chúng ta và dân chúng vẫn rơi vào tay cộng sản. Một đảng thì được huấn luyện kỹ trong trường lừa đảo, lại biết rút kinh nghiệm quốc tế, một đằng thì ô hợp, ngờ nghệch, cả tin.
-Thôi, cầu mong cho anh chàng ban nãy khi tỉnh mộng cũng gặp được nhiều may mắn như bọn mình – Kha nói.
-Hồi đầu kháng chiến – giọng Hiển trầm ngâm hẳn – tôi có được nghe thuật lại lời của một lãnh tụ quốc gia, - quốc gia chân chính, lẽ cố nhiên – ông nói: “Chúng ta chưa đến thời. Phải để cho cộng sản thành công đã, nhiên hậu sự thành công của chúng ta mới bền”. Hồi đó tôi còn đương hăng, không để ý đến ý nghĩa sâu sắc của lời nói, bây giời càng thức thời chói lọi đứng tít trên đỉnh cao, nhìn suốt dòng lịch sử, thấy trước những khúc quành phải kinh qua, họ cô độc thật!
Kha đặt nhẹ tay lên vai Hiển và nói:
-Hình như Moise có nói: Je suis grand mais solitaire!
Sao đã mọc rất nhiều trên vòm trời. Bãi Kiều mộc ngăn đôi dòng sông Hồng và dòng sông. Đã hiện lên lờ mờ đằng xa như một bãi tha ma trôi trên một cons sông lạnh dưới âm phủ. Tiếng Kha ngâm cố làm vẻ đùa cợt nhưng nghe thật buồn, cũng chẳng khác gì tiếng than thầm tự âm phủ vẳng lên:
Ai mang tôi đến chốn này
Bên kia không óc bên này không tin
III
Miên lại mơ thấy mình leo lên núi Sáng, gần tới khu rừng lau thì lửa bốc cháy tự một bãi cỏ, lửa bén rất nhanh vào khu rừng lau khô xác, rồi lửa quấn vào thân cây trò chỉ cao ba mươi thước. Cây trò chỉ biến thành thác lửa đổ sập xuống. Miên muốn thét lên một tiếng thì vừa bừng tỉnh. Nàng ngồi xổm dậy ngơ ngác nhìn quanh. Trong quán kẻ ra người vào tấp nập một cách xa lạ. May thayy Kha cũng vừa tiến tới sát bên nàng nói khẽ:
-Cô sửa soạn, chúng ta lên đường.
-Mấy giờ rồi anh Kha – Miên hỏi.
-Khoảng hai giờ sáng.
-Chết chưa, tôi ngủ được nhiều thế kia anh?
-Cô ngủ được thế là may.
Miên chú ý thấy Hiển tay cầm bút chì đang ghi vội những gì trên tờ giấy màu vàng bẩn. Ghi xong, Hiển đứng lên dời khỏi bàn, tiến về phía mắc áo, gài nhanh mảnh giấy đã gấp gọn vào túi blouson (chàng thanh niên khi đó đương ngáy khò khò ở giường bên). Miên lờ mờ đoán được nội dung bức thư Hiển viết cho chàng thanh niên.
Ba người đưa mắt nhìn nhau kín đáo ra hiệu. Họ ra khỏi quán, rẽ vào một ruộng ngô; mấy phút sau họ hoàn toàn có vẻ là ba người dân vùng tề chuyên đi bờ lờ (buôn lậu). Hiển đã dấu giấy tờ của cả ba dưới một tảng đá lớn bên vệ đê, để nhỡ sang bên kia không trôi chảy thì ba người còn giữ được nguyên giấy tờ bên này, tránh mọi lôi thôi. Là Hiển quá lo xa thế!
Trên một mô đất khuất có đám con buôn đương đổi tiền, Hiển tập trung tiền của ba người lại mới đổi được bốn chục bạc Đông dương.
Kha nói khẽ:
-Giá sinh hoạt bên kia rẻ, với số tiền này thừa đủ để chúng ta cầm cự về tới Hà nội.
Mãi tới bốn giờ sáng ba người mới xuống thuyền sang sông, trên thuyền còn chở thêm năm người nữa đều là dân buôn lậu, không kể hai vợ chồng người lái.
Miên hồi hộp lắm, luôn luôn đưa mắt nhìn lên bờ chỉ e có sự gì trở ngại: công an miền kháng chiến bất chợt xuất hiện hỏi giấy tờ chẳng hạn. Kha cũng như Hiển đều giữ được vẻ mặt lầm lì điềm tĩnh.
Giây phút nóng lòng chờ đợi tới. Người chồng dựng chiếc quan sào lên, chống vào bờ rồi tì vai, lưng hơi khom lấy sức đẩy. Con đò tròng trành… tròng trành… Ba lần như vậy con đò dời hẳn bờ, người chồng hạ quan sào xuống bắt đầu dùng tới hai mái chèo, người vợ chăm chú bẻ lái.
“Cảnh sông nước này, con thuyền này đúng là sông nước trầm luân con thuyền tế độ!” – Miên nghĩ thầm thế.
Hiển khoanh tay trước ngực khẽ thở dài nói với Kha:
-Dân tộc mình còn phải chiến đấu nhiều, chiến đấu với nô lệ bên kia, chiến đấu với độc tài bên này, chiến đấu với những thói quen nô dịch ở ngay trong lòng mình.
Cả ba cùng ngồi xuống thang thuyền. Miên ngồi sát bên Kha. Vì chỗ ngồi chật, Miên cảm thấy nàng đang dựa vào một thân hình vững chắc như cây lim xanh rờn trên núi Thạch trục nhưng lại nở hoa tím ngát rất thơ mộng. Miên nhớ đến câu thơ Kha ngâm trước khi xuống núi:
Tình ta thức trắng tinh cầu,
Hồn ta tím ngát một màu hoa lau.
Không khí ban mai lạnh toát! Chắc chắn, chắc chắn Kha có cảm thấy hơi ấm của người Miên truyền sang, vì cả hai cùng đưa mắt nhìn nhau mim cười bâng quơ. Miên lại thoáng nhơ tới tờ Pari Match với trang hình ảnh chụp những cặp tình nhân nằm dài ôm sát nhau trên bãi cỏ một vườn hoa Luân đôn. Nàng vẫn âm thầm khao khát tình yêu… Sự tuyệt vọng cam chịu làm gái già giữa một thế giới lang soi không còn… Nang đương đi sang một thế giới khác tuy nhiều nhơ bẩn nhưng còn tình yêu, nghĩa là còn hy vọng.
Con thuyền đã ra tới giữa sông lướt đều theo nhịp chèo… Chỉ còn một lát nữa là cập bến. Miên nhắm mắt lại, nàng tưởng tượng nếu thiu thiu ngủ nàng sẽ ngả đầu lên vai Kha…
Chợt có tia chớp! Tiếng vang ầm! Đạn xiết không khí vòng đỉnh đầu. Tiếp theo tiếng ầm thứ hai phía bên kia sông, vùng kháng chiến.
-Sao vậy?
-Cái gì thế?
-Trời ơi, ca nông địch!
-Chết rồi, có khổ tôi không!
Hai ba tiếng nổ liên tiếp. Vẫn tiếng đại bác.
Mọi người xôn xao…
Con thuyền tròng trành gần sát bờ…
Tiếng đại bác liên tiếp… rền rỉ, rền rỉ… không còn đếm được nữa.
IV
Tâm thần thảng thốt, chân tay rụng rời, tim hồi hộp, một sự chán nản, một sự tuyệt vọng mênh mông chưa từng thấy, choàn lấy cả tâm tư Miên thành một tấm vải liệm bi đát. Thuyền đã ghé sát bờ nhưng chưa ai lên, chưa ai muốn lên. Tiếng người lao xao dò hỏi tin tức, trao đổi ý kiến. Miên vẫn cúi gầm mặt. Kha đã đứng lên cùng Hiển chắc cũng chỉ để nghe ngóng. Dư luận kẻ dưới thuyền người trên bờ mỗi lúc một tới tấp lộn xộn nhưng đầy đủ mọi khía cạnh:
-Chúng nó ở Vân xa kéo lên chắc? (Vân xa, tên làng).
-Vân xa cóc gì, Vân xa cách đây mười cây số! Chúng nó ở ngay bến Nhông này này.
-Trời ơi!
-Bến Nhông là chỗ đầu cầu quân viễn chinh mà! Tự đấy chúng có thể đánh tỏa đi Hòa Bình, Phú Thọ, và nửa trên Vĩnh Yên. Chúng chiếm trọn mấy đồi lớn, xây bun-ke.
-Nhiều tây đen lắm!
-Đại bác yểm hộ thế là quân chúng tiến rồi đấy!
-Chúng định sang sông!
-Hẳn đi! Chiếm Phú Thọ đã sao?
-Làm sao bây giờ?
-Xuôi thuyền về đâu?
-Hãy xuôi thuyền đã, vì nhất định đại quân chúng sắp kéo qua đây. Đó, thấy chưa, tiếng súng con!
Người lái đò lúc đó mới phát biểu:
-Xuôi thuyền là phải! Đi sát bãi Kiều mộc tránh được làn đạn.
-Thuyền xuôi đi nhanh, tới chỗ nào xa tiếng súng chúng ta lên đê, tìm đường đi sâu vào các làng.
Tiếng Hiển hỏi lo lắng:
-Vậy chúng ta lại sang bên kia sông?
-Phải sang bên kia sông chứ!
Không muốn sang sông! Không muốn sang sông! Miên không muốn ba người phải sang sông lần nữa. Từ lúc biết anh sẽ đưa mình về vùng quốc gia Miên đã đoạn tuyệt với vùng Cộng sản rồi. Bước chân xuống thuyền, con thuyền dời đất Cộng sản, rồi sang bên này bờ sông, tuy mới chừng nửa giờ qua mà Miên tưởng chừng mươi mười lăm năm qua. Mươi mười lăm nam8q ua rồi, còn sang đất của cán bộ tạm cùng, của đấu tố đó làm gì? Tâm hồn Miên nhầu nát vì mảnh đất đó, rồi đây lại sang sông, lại lên đê, lại đi sâu vào miền đất đó, khác chi tự lột da mình làm giày mà đi?
Con thuyền bỗng tròng trành dữ.
-Trời ơi thuyền đông thế này rồi còn nhảy xuống làm gì?
-Ông lái cho xuôi thuyền đi thôi?
-Tất cả đồng ý xuôi thuyền chứ?
-Để tôi phụ cho tay sào nào.
Miên vẫn ngồi im bên Kha như tượng đá.
Kha đưa mắt nhìn bàn tay Miên. Bóng tối còn tràn đầy, không có ánh nhẫn saphir, nhưng ánh sao mai trước mắt lấp lánh.
Thuyền đã có đà, bắt đầu xuôi theo dòng nước. Miên nghe tiếng Hiển nói khẽ với Kha:
-Chúng mình không thể quay lại chỗ cũ để lấy giấy tờ!
-Không lo – tiếng Kha đáp khẽ - hay tin địch hành quân cả khoảng để bên kia sẽ không còn một bóng người!
-Xuôi thế này, liệu đến bến nào thì lên được, ông lái? – Hiển hỏi lớn.
-Ai mà đoán trước được! – Người lái đáp gọn!
Bình minh bắt đầu hé rạng. Mọi người nhíu lông mày nghe ngóng, chợt tiếng kêu hốt hoảng:
-Chết cha rồi, phi cơ!
Thuyền tròng trành rồi quay ngang mũi vì người bẻ lái đã buông tay để cùng nằm rạp xuống với mọi người. Chiếc phi cơ hạ thấp nghiêng cánh lượn vòng.
-Dakota! – tiếng Hiển.
Kha nói:
-B-26 thì nó bắn rồi!
Miên nhắm nghiền mắt nói thầm với lòng như lời cầu nguyện:
-Anh Hiển, anh chết thì còn giời đất nào nữa!
Chắc chiếc Dakota quan sát rõ thấy những người trên thuyền chỉ là thường dân, không phải bộ đội, nên ngược chiều bay thẳng về Phú Thọ.
-Hú vía! Nhanh tay lên nào!
-Đã chắc đâu thoát!
Thuyền xuôi. Trời sáng hẳn. Chiếc Dakota không quay trở lại. Xa dần… xa dần… tiếng súng đại bác, tiếng súng con. Nắng vàng tràn ngập dòng sông, tràn ngập bờ bãi, tràn ngập những làng mạc xa. Thuyền tiến dần tới khúc quành con sông có mấy chiếc thuyền khác đậu. Bến!
-Dừng lại đây được rồi! – Người lái nói.
Tiếng người lao xao trên bến hỏi tin tức.
Hiển hỏi khéo, giọng dịu dàng:
-Ông lái này, lên đê, theo đường thẳng xuống, đi đến đâu?
-Vĩnh yên! – Người lái đáp gọn.
-Còn cách chừng bao cây số nữa ông?
-Mười lăm cây! Nhưng chỉ đi bảy cây nữa là gặp đồn bảo chính đoàn.
-Những làng dưới vệ đê còn thuộc vùng kháng chiến không ông?
-Tề!
Miên thốt lời vui mừng:
-Tề rồi!
-Tề hai mang! – vẫn giọng cộc cằn của người lái – Trước khi lên bờ xin các ông bà cho thêm tiền.

V

Lên bờ đê nhìn xuống, cánh đồng Vĩnh Yên lấp lánh nước. Dưới đê có con đường khá rộng – chắc là đường liên huyện - giải đá cuội lớn, nhiều chỗ phá hoại, cuội đường dắp lên thành ụ lẫn với đất thịt màu đỏ kệch. Đường vắng tanh, hai bên cánh đồng vắng tanh. Ba người không ai bảo ai đều cầm đầu rảo bước. Lát sau tiếng Miên hổn hể:
-Sao đường vắng thế này, hai anh?
-Có thế chạy mới dễ - Kha đáp – Tôi biết trước mà, nghe tiếng súng dạo, thấy phi cơ lượn, công an và bộ đội du kích vùng tề hai mang này buộc lòng phải tạm lẩn đi.
-Đi nhanh hơn nữa các anh ạ! – Miên nói mà vẫn phải nửa đi nửa chạy mới theo kịp Hiển, Kha.
-Bảy cây số nữa đã gặp đồn bảo chính! – Kha đáp.
Ba người cắm đầu đi miết… đi miết…
Đã lác đác có bóng người trên đồng lúa xanh. Đó là những nông phu ra thăm đồng, vẻ thanh thản yên phận. Xa tít phấp phới bóng lá cờ vàng với những vạch đỏ. Con đường đá vòng sát vào bãi tha ma ven làng. Từ cổng làng gần đấy nhô ra một người, vai có vác súng, bận đồ kaki sẫm, mũ partisan rộng vành bằng thứ vải đỏ thì phải vì đồng màu. Thêm ba người nữa xuất hiện cũng ăn mặc như vậy, cũng đeo súng như vậy. Họ đi thành hàng dọc, đúng là lính bảo chính đi tuần. Đi ít thế hẳn đây đã an ninh rồi! Họ ra tới đường thì cũng vừa gặp bọn Hiển. Người đi đầu đã đứng tuổi, vạm vỡ, cánh tay trái đeo lon cai. Ông ta chăm chú ngắm Hiển, đôi mắt hóm hỉnh. Hiển tủm tỉm cười nhìn lại ông. Bỗng ông phá lên cười, vung tay phát lên mông Hiển một cái thân ái và nói:
-Các “cháu bác Hồ” phải không? Sao về muộn thế?
Cả bốn người lính cùng cười theo, vừa cười vừa đề bước xuống đồng sang làng gần đấy.
Miên thở phào nhẹ nhõm. Lúc đó vào khoảng tám giờ rưỡi sáng, một buổi sáng đẹp, mặt trời lên, gặp đám mây trắng lộng che khuất khiến ánh sáng đây đó dịu và bâng khuâng. Con đường trước mắt không còn những mô cao hoặc những hố phá hoại, con đường trước mắt giờ đây phẳng tắp, bụi cát trắng xóa hai bên lề cỏ, dưới đường là ruộng lúa con gái lấp lánh nước. Nhìn kỹ khoảng nước ven đường, Miên thấy có những con đòng đòng lượn lờ lững. Vài con châu chấu nhảy chuyền sang những ngọn lúa khác gần đấy, trong số có con cào cào xòe bay một quãng khá xa như để làm đỏm khoe với khách qua đường bộ cánh xanh đỏ.
Cào cào giã gạo tao xem,
Tao may áo đỏ áo đen cho mày.
Dù cành đồng này – Miên nghĩ thầm – có biến thành cả khu rừng lau khô xác đi nữa thì giờ đây, trên đường đời, có những ba bóng người!
Bớt cô quạnh!
DOÃN QUỐC SỸ
 

Xem Tiếp: ----